Bên cạnh đó, cần mở các lớp nâng cao trình độ đối với những người đã có kiến thức về ngoại ngữ hoặc những người tham gia vào hoạt động hướng dẫn du lịch.
Thứ bảy, đào tạo về xúc tiến, quảng bá. Nội dung này nhằm giúp người dân địa phương biết cách xây dựng tài liệu phục vụ công tác xúc tiến, quảng bá về tổ hợp du lịch như tờ gấp, sách, báo, sổ tay hướng dẫn du lịch, website du lịch…
Ngoài ra, còn phải đào tạo cho người dân những nội dung liên quan tới các quy định về hoạt động lưu trú của du khách, bao gồm những quy định chung như phòng cháy chữa cháy, kiểm tra khách du lịch và những quy định cụ thể đối với khách du lịch nhằm tạo điều kiện cho người dân nắm và thực hiện tốt các quy định theo pháp luật... Bên cạnh đó, việc đào tạo tin học để người làm du lịch cộng đồng tiếp thị tốt hơn trong thời đại 4.0 cũng là một vấn đề cần được quan tâm đúng mức.
Công tác đào tạo, nâng cao kiến thức, kĩ năng du lịch cộng đồng ở huyện Con Cuông cần được tiến hành theo các hình thức khác nhau như sau:
Thứ nhất, đào tạo tại chỗ: Mời các chuyên gia mở các lớp học chuyên môn, nghiệp vụ phục vụ du lịch ngay tại nơi sinh sống của người dân. Địa điểm có thể là nhà văn hóa xã, hội trường thôn,… để người dân tham dự.
Thứ hai, đào tạo kết hợp thông qua việc gửi con em của người dân địa phương tới các trường học có đào tạo về du lịch tại các địa phương hoặc vùng lân cận. Sau khi kết thúc khoá học, các em có thể về địa phương để làm việc và phổ biến, truyền đạt cho những người khác trong tổ hợp.
Thứ ba, ban điều hành có thể kết hợp ký kết các hợp đồng với cơ sở đào tạo theo thực tế phục vụ du lịch tại địa phương hoặc tổ chức các lớp đào tạo ngắn hạn cho người dân theo đặc điểm, yêu cầu của từng bộ phận.
Cuối cùng, hoạt động đào tạo nguồn nhân lực du lịch cộng đồng tại huyện Con Cuông cần chú trọng hình thức tham quan, học hỏi tại các mô hình trong và ngoài nước. Đây là giải pháp quan trọng vì thông qua hình thức này, nhân lực phục vụ du lịch cộng đồng có cái nhìn thực tế và có thể so sánh về việc phát triển du lịch cộng đồng của chính bản thân họ với những nơi khác, từ đó họ sẽ có những điều chỉnh phù hợp.
Bên cạnh việc đào tạo, vấn đề sử dụng nhân lực địa phương cũng cần được quan tâm. Cần xác định những công việc phù hợp với năng lực cộng đồng địa phương và những công việc cần phải có các chuyên gia hay nhân viên chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, việc phân công công việc cần phải nghiên cứu kỹ về các yếu tố như dân tộc, giới tính, sức khỏe, văn hóa và môi trường sống của người địa phương.
Trong các hình thức đào tạo trên thì người dân một số thôn/bản ở huyện Con Cuông đã được đào tạo thông qua hình thức thứ nhất là tham gia các lớp học cùng các chuyên gia về đào tạo tại chỗ trong thời gian ngắn kết hợp với tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm tại một số mô hình. Trong thời gian tới, huyện Con Cuông cần tiến hành thêm các hình thức đào tạo khác để nâng cao năng lực cho người dân. Đối với các thôn/bản chưa tiến hành thì cần kết hợp cả ba hình thức trên để có nguồn nhân lực du lịch đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch cộng đồng.
Có thể bạn quan tâm!
- Căn Cứ Chủ Trương, Chính Sách Của Đảng, Nhà Nước Và Chính Quyền Địa Phương
- Đối Với Nghề Và Làng Nghề Thủ Công Truyền Thống
- Nâng Cao Chất Lượng Dịch Vụ Hướng Dẫn Du Lịch
- Đối Với Các Hộ Kinh Doanh Tham Gia Kinh Doanh Du Lịch
- Phát huy giá trị di sản văn hóa của người Thái trong phát triển du lịch cộng đồng ở Con Cuông, Nghệ An - 25
- Sở Du Lịch Nghệ An, Quy Hoạch Tổng Thể Phát Triển Du Lịch Tỉnh Nghệ An Thời Kỳ 2006 – 2020
Xem toàn bộ 253 trang tài liệu này.
Bên cạnh công tác đào tạo nhân lực du lịch thì việc không ngừng tìm kiếm và tuyển dụng những nhân tố tài năng để bổ sung vào nguồn lao động có chất lượng của địa phương là rất cần thiết.
4.2.5. Đầu tư cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật du lịch cộng đồng
Về cơ sở hạ tầng, các bản làng có hoạt động du lịch cần nâng cấp và sửa chữa, tạo hàng rào, trồng hoa 2 bên các tuyến đường vào sâu trong bản, đặc biệt là những đoạn đường hẹp, hư hỏng... Xây dựng các bến đỗ riêng dành cho xe du lịch, tạo điều kiện thuận lợi để các đoàn khách dễ dàng tiếp cận điểm du lịch.
Du lịch cộng đồng Con Cuông cần tập trung đầu tư nâng cấp cơ sở lưu trú, dịch vụ ẩm thực. Đối với các hộ kinh doanh homestay: tập trung đầu tư nâng cấp hệ thống phòng ở, giường, quạt, hệ thống cửa, chốt khóa, hệ thống nhà vệ sinh, khu bếp ăn… Đồng thời, tập trung đầu tư cải tạo chỉnh trang cảnh quan quanh nhà như vườn, sân, hàng rào… Đầu tư các dịch vụ kèm theo như quầy bán hàng lưu niệm, đồ ăn, thức ăn uống... Bên cạnh việc phát triển hệ thống cơ sở lưu trú cần phát triển hệ thống nhà hàng phục vụ các món ăn truyền thống, các cơ sở vui chơi giải trí với những trò chơi truyền thống của dân tộc hoặc những trò chơi dân gian và các dịch vụ bổ trợ khác như hệ thống cơ sở văn hoá, ngân hàng, y tế… nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Đầu tư phát triển cơ sở vận chuyển như thuyền, ghe, xe máy, xe đạp... phục vụ khách tham quan tại điểm du lịch.
Các làng nghề truyền thống: tập trung đầu tư phát triển nghề dệt thổ cẩm, nghề đan lát, nghề nấu rượu cần, trong đó tập trung đầu tư mạnh cho nghề dệt thổ cẩm. Thực hiện việc tìm nguồn khách, bao tiêu sản phẩm đầu ra, nghiên cứu sản xuất những sản phẩm phục vụ du lịch… để người làm nghề yên tâm giữ nghề và phát triển nghề.
Để khách du lịch cảm thấy thực sự tiện lợi và an toàn thì đòi hỏi cơ sở vật chất phục vụ du lịch phải được đầu tư xây dựng. Các mục đầu tư khác như: thiết lập hệ thống bảo đảm an toàn gồm các cột mốc, các bảng chỉ dẫn, thùng rác, bảng nội quy và thông tin hướng dẫn dành cho du khách…; Hạ tầng giao thông, trung tâm thông tin du lịch; tăng cường chỉnh trang cảnh quan, hệ thống biển báo du lịch, phát triển các tổ rau an toàn, tôn tạo di tích: Quy hoạch các khu bán hàng lưu niệm, bán sản vật địa phương và các loại trái cây, rau củ theo mùa cho khách du lịch cũng cần được quan tâm.
Do việc xây dựng mô hình du lịch cộng đồng tại huyện Con Cuông có ý nghĩa kinh tế - xã hội to lớn, đặc biệt trong phát triển cộng đồng, tạo việc làm cho người dân và xoá đói, giảm nghèo... nên chính quyền trung ương và địa phương cần quan tâm đầu tư vào lĩnh vực này bằng cách cho người dân vay vốn ưu đãi với lãi xuất thấp, dài hạn.
Ngoài sự đầu tư của vốn ngân sách nhà nước trung ương và địa phương, việc đầu tư xây dựng mô hình du lịch cộng đồng cũng cần nhận được sự quan tâm của nhiều cơ quan, tổ chức phát triển quốc tế, đặc biệt là các tổ chức quốc tế quan tâm đến sự phát triển cộng đồng và xoá đói giảm nghèo tại các nước đang phát triển. Thời gian qua đã có một số tổ chức quốc tế quan tâm đến lĩnh vực này như cơ quan phát triển hải ngoại Nhật Bản (JODC) và tập đoàn ngân hàng quốc tế Nhật Bản (JBIC) đã đầu tư phát triển các làng nghề tại Thái Lan, trong đó tập trung phát triển chương trình du lịch nhà dân. Tại Việt Nam, tổ chức phát triển Hà Lan (SNV) và cơ quan hợp tác phát triển Bỉ đã bước đầu hỗ trợ phát triển Du lịch cộng đồng nhằm xoá đói giảm nghèo tạo Mai Châu (Hoà Bình) và Huế. Trong tương lai, Du lịch cộng đồng tại Con Cuông có thể kêu gọi sự hỗ trợ đầu tư của các cơ quan, tổ chức quốc tế trên và các tổ chức khác như tổ chức du lịch thế giới (UNWTO), Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), cơ quan hợp tác quốc tế Tây Ban Nha (AECI)....thông
qua việc tổ chức hội nghị, hội thảo, các khoá đào tạo về kinh nghiệm phát triển Du lịch cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức và bồi dưỡng kiến thức cho các cơ quan quản lý và người dân về cách thức phục vụ du lịch và phát triển du lịch lâu dài.
Các hộ gia đình dân cư có thể tự huy động được vốn, các hộ nghèo có thể được phép vay ưu đãi tại ngân hàng với lãi suất thấp, dài hạn để phát triển du lịch, xoá đói giảm nghèo. Bên cạnh đó, tổ hợp cũng cần kêu gọi sự đầu tư của các cá nhân và tổ chức nước ngoài, đặc biệt là bộ phận người dân Việt kiều đang sinh sống tại các quốc gia khác nhau trên thế giới. Đây là một bộ phận gắn bó khăng khít với dân tộc. Hơn nữa, hiện nay Chính phủ đang tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Kiều bào của cả nước hiện đang sinh sống tại mọi quốc gia trên thế giới về Việt Nam đầu tư và làm ăn. Do vậy, đây cũng là một cơ hội tốt để tổ hợp kêu gọi nguồn vốn đầu tư để xây dựng và phát triển tổ hợp.
Trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh, chính quyền và người dân địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các ngành có liên quan như ngành Giao thông vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Tài nguyên và môi trường để huy động hiệu quả nguồn vốn từ nhiều chương trình khác nhau.
Tóm lại, du lịch cộng đồng lấy người dân và du khách làm đồng chủ thể. Có 5 nguồn kinh phí bao gồm UNESCO và các tổ chức phi chính phủ dành cho đồng bào thiểu số vùng cao, vùng xa. Thứ hai là ngân sách nhà nước. Thứ ba là các doanh nghiệp địa phương.Thứ tư là các doanh nghiệp lữ hành. Thứ năm là của người dân, nguồn tài chính chủ yếu và quan trọng nhất. Các nguồn khác chỉ hỗ trợ và cho mượn không lời, trả lại bằng dịch vụ để tiếp tục mở rộng và phát triển. Việc quan trọng là thay đổi cách nghĩ, đả thông tư tưởng, tìm sự đồng thuận, du lịch cộng đồng là cách làm kinh tế mới của chính họ để chính người dân chủ động tham gia.
4.2.6. Tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch cộng đồng
Xây dựng website về các hình thức phục vụ du lịch của tổ hợp du lịch cộng đồng tại Con Cuông. Trang web này bao gồm các thông tin về các tuyến điểm du lịch hấp dẫn; các cơ sở lưu trú và ăn uống trong đó có địa chỉ và hình ảnh để khách du lịch tiện lựa chọn và liên hệ. Bên cạnh đó, trang web này còn cần được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới như: Anh, Pháp, Đức, Nhật... nhằm hướng tới những thị trường thường quan tâm đến loại hình du lịch cộng đồng.
Du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Thái cần kết hợp với Sở Du lịch Nghệ An, Trung tâm Xúc tiến du lịch Nghệ An xây dựng và thiết kế tờ rơi, tập gấp về mô hình du lịch ở đây hoặc lồng ghép giới thiệu trong những ấn phẩm, tài liệu tuyên truyền, quảng bá tại các hội chợ, hội thảo và các hội nghị về du lịch. Tuy nhiên, những ấn phẩm này cũng cần được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới nhằm thu hút nhiều tập khách khác nhau.
Xúc tiến qua các phương tiện thông tin đại chúng là hình thức xúc tiến quảng bá thông qua việc làm phim quảng bá phát trên đài truyền hình trong nước và ngoài nước, viết bài, ảnh, phóng sự đăng tải trên báo chí trung ương và địa phương trong nước và ngoài nước. Du lịch cộng đồng Con Cuông cũng có thể xây dựng một chương trình riêng phát thường kỳ trên đài truyền hình, đài phát thanh hoặc các chuyên mục riêng về du lịch đăng trên các tạp chí, báo du lịch.
Mỗi thành viên tham gia hoạt động du lịch cộng đồng tại Con Cuông đều phải ý thức làm tốt nhất nhiệm vụ của mình và để lại ấn tượng tốt cho khách du lịch, tạo được nét khác biệt thì chính du khách sẽ kể lại những trải nghiệm quý báu của bản thân họ cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp hoặc trên những trang web chuyên về du lịch. Đây có thể là một kênh thông tin hữu hiệu và thực tế nhất đối với công tác tuyên truyền quãng cáo của mô hình Du lịch cộng đồng ở huyện Con Cuông vì nó có độ tin cậy rất cao.
Thực hiện việc điều tra, khảo sát, chụp ảnh các tài nguyên du lịch tại Con Cuông theo các chủ đề như: lịch sử văn hóa, nghề truyền thống, trải nghiệm nông nghiệp, dịch vụ du lịch,… Đồng thời thực hiện việc phỏng vấn người dân để tìm hiểu sâu hơn về văn hóa phong tục, đời sống của người dân địa phương. Tập hợp những thông tin đã thu thập, thực hiện việc xây dựng cataloge, bản đồ du lịch, bắt đầu từ hệ thống giao thông, cầu, các cơ quan hành chính địa phương, các điểm tham quan du lịch, các cơ sở lưu trú, các quán ăn địa phương…. Thực hiện việc quy ước ký hiệu cho từng điểm đến, lập bảng ghi chú, hướng dẫn và bố trí hình ảnh cho các điểm tham quan chính trên bản đồ du lịch. Từ những thông tin thu thập và bản đồ du lịch, xây dựng cuốn cẩm nang du lịch cộng đồng Con Cuông. Xây dựng khẩu hiệu tiếp thị và hình ảnh nhận diện thương hiệu cho du
lịch cộng đồng Con Cuông, theo đó, làm nổi bật nét hấp dẫn của Con Cuông mà các điểm du lịch khác không có.
Tập trung khảo sát và cập nhật các thông tin về các điểm tham quan, cơ sở lưu trú homestay, dịch vụ ẩm thực, dịch vụ vận chuyển, các chương trình du lịch đặc trưng…Tiến hành xây dựng lịch thời vụ nhằm cung cấp kịp thời và hiệu quả thông tin cho du khách, giúp du khách có những kế hoạch và quyết định du lịch hợp lý. Phát hành Cẩm nang du lịch Con Cuông là những việc cần phải được thực hiện. Cơ quan quản lý du lịch của địa phương tiến hành nghiên cứu, biên soạn các tài liệu, ấn phẩm như báo, tạp chí, tờ rơi, bản đồ du lịch giới thiệu chi tiết về vị trí địa lý, tài nguyên môi trường du lịch, các loại hình du lịch, các điểm tuyến, chương trình du lịch cộng đồng tại Con Cuông. Công tác này tuy đã được tiến hành nhưng cũng cần phải gia công thêm.
Công tác quảng bá tại chỗ và quảng bá thông qua mạng xã hội phải được chú ý. Ngoài các phương tiện truyền thông đại chúng, sản phẩm du lịch cộng đồng cần được tuyên truyền thông qua các ấn phẩm được phát miễn phí cho du khách, trưng bày pano, biển quảng cáo, chạy đường dẫn, hình ảnh trên website, quảng cáo qua facebook, fanpage… là những giải pháp cần được thực hiện để tăng cường độ biết đến cho du lịch cộng đồng Con Cuông. Việc mời các nhân vật nổi tiếng, có sức hút đến trải nghiệm sản phẩm du lịch cộng đồng để ghi hình và quảng bá qua các trang mạng xã hội là phương thức quảng bá cần được áp dụng.
4.2.7. Các giải pháp khác
4.2.7.1. Cải thiện điều kiện vệ sinh và môi trường, hạn chế tác động của con người làm ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên, sinh thái của vùng
Để làm được điều này, cần phải:
- Giáo dục ý thức cộng đồng giữ gìn vệ sinh môi trường. Kiến nghị đầu tư các điểm thu gom rác hợp vệ sinh.
- Lồng ghép các chương trình tham quan du lịch với nội dung bảo vệ môi trường.
- Bên cạnh việc xử lý rác, hiện nay điều kiện nhà vệ sinh và nước sạch cũng là một vấn đề của cộng đồng người dân nơi đây. Đặc biệt, ở một số bản hiện nay vẫn chưa có điện lưới. Chính vì thế, phát triển Du lịch cộng đồng làm sao phải đưa ra mục tiêu cải thiện tình trạng này:
- Đầu tư, hỗ trợ vốn cho các cơ sở nhà dân phục vụ du khách sửa sang, xây mới nhà vệ sinh, phòng tắm đủ điều kiện phục vụ khách du lịch và bản thân những người trong gia đình, cải thiện điều kiện lưu trú vừa thu hút thêm khách vừa nâng cao chất lượng cuộc sống.
- Tuyên truyền các hộ lân cận về việc giữ gìn vệ sinh môi trường thông qua các hướng dẫn viên địa phương. Thuyết phục họ cải tạo nhà vệ sinh để có thể tham gia phục vụ khách du lịch
- Với hệ thống nước sinh hoạt, có thể kêu gọi các tổ chức cử chuyên gia giúp người dân lọc nước từ suối, hay kêu gọi hỗ trợ vốn cho người dân xây bể chứa nước mưa...vv. Những công trình này cũng có thể phát động khách du lịch tự nguyện quyên góp.
4.2.7.2. Chú trọng hợp tác phát triển du lịch và đảm bảo trật tự an toàn xã hội để phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển du lịch cộng đồng
Du lịch cộng đồng Con Cuông cần có sự hợp tác đa phương, đa chiều để phát triển. Cộng đồng người Thái làm du lịch cần tham gia vào các tổ chức quốc tế ở khu vực và trên thế giới để tiếp cận các chương trình phát triển du lịch, phát triển cộng đồng, bảo tồn văn hóa tộc người. Hợp tác phát triển giúp du lịch cộng đồng Con Cuông tăng cường kết nối nguồn khách, tìm kiếm sự hỗ trợ trong công tác quảng bá và kêu gọi đầu tư.
Du lịch cộng đồng của người Thái ở Con Cuông cần tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, các cấp và địa phương để đảm bảo hiệu ứng thống nhất. Trên địa bàn huyện Con Cuông, cần có sự kết nối các điểm đến khác nhau, các loại hình du lịch khác nhau để kéo dài thời gian lưu trú của du khách. Trên địa bàn tỉnh, du lịch cộng đồng của người Thái ở Con Cuông cần liên kết với các huyện khác để hình thành các tour du lịch nội tỉnh hấp dẫn du khách. Không thể thiếu trong hợp tác phát triển du lịch, đó là hợp tác với các tỉnh thuộc vùng du lịch Bắc Trung bộ để thu hút nguồn khách từ các trung tâm cấp khách lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.
An toàn xã hội chính là một yếu tố quan trọng thuộc nhóm những điều kiện chung để phát triển du lịch. Đối với loại hình du lịch cộng đồng, du khách thường có những hoạt động hòa nhập với đời sống người dân địa phương, sử dụng các dịch
vụ ăn uống, lưu trú của cộng đồng nên yếu tố an toàn xã hội càng trở nên quan trọng hơn. Do vậy việc đảm bảo trật tự an toàn xã hội để phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển du lịch cộng đồng là một trong những giải pháp cần thiết.
4.2.7.3. Nâng cao nhận thức về phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển du lịch cộng đồng
Giáo dục ý thức cộng đồng giữ gìn vệ sinh môi trường là không thể thiếu. Kiến nghị đầu tư các điểm thu gom rác hợp vệ sinh; lồng ghép các chương trình tham quan du lịch với nội dung bảo vệ môi trường. Bên cạnh việc xử lý rác, hiện nay điều kiện nhà vệ sinh và nước sạch cũng là một vấn đề của cộng đồng người dân nơi đây. Bên cạnh việc chú trọng bảo tồn, phát triển du lịch bền vững, điều quan trọng vẫn là tạo ra nhận thức, hành động đúng đắn từ mỗi người dân bản địa về phát huy giá trị di sản trong phát triển du lịch cộng đồng. Giá trị di sản văn hóa của người Thái ở Con Cuông được phát huy trong du lịch cộng đồng khi di sản văn hóa được xem như là yếu tố quan trọng để xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng, là công cụ hỗ trợ tích cực trong việc định vị hình ảnh, xây dựng thương hiệu du lịch cộng đồng người Thái Con Cuông. Di sản văn hóa Thái chính là tài nguyên du lịch có sức hấp dẫn mạnh mẽ, là động lực thu hút ngày càng nhiều du khách trong nước, quốc tế đến với du lịch cộng đồng Con Cuông. Nhận thức như vậy, bản thân mỗi người dân, cộng đồng sẽ có cách ứng xử phù hợp với di sản; xây dựng sản phẩm du lịch có thể truyền tải văn hóa Thái, kiểm soát sức chứa, loại hình hoạt động để bảo vệ hệ sinh thái tại di sản; gắn lợi tích của cộng đồng địa phương với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
4.2.8. Cơ chế thực hiện các giải pháp
4.2.8.1. Về chính sách
Một cơ chế chính sách thống nhất giúp việc thực hiện phát triển du lịch cộng đồng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng dân cư được khả thi. Đây là cơ chế quan trọng nhất góp phần định hướng cho việc phát triển này. Đồng thời, một cơ chế chính sách thống nhất cũng như một nhạc trưởng, một kim chỉ nam cho các cơ chế thực hiện khác tiến hành theo như kế hoạch vạch ra. Cơ chế chính sách này phải: