Mối Quan Hệ Pháp Lý Đối Với Hợp Đồng Bảo Đảm


bảo đảm nghĩa vụ thanh toán ngoài lĩnh vực ngân hàng. Trong lĩnh vực cho vay ngân hàng, biện pháp “cầm giữ tài sản” vẫn thường xảy ra đối với trường hợp cầm giữ sổ tiết kiệm ngân hàng khi chưa đến thời điểm đáo hạn. Tài sản cầm giữ ở đây là sổ tiết kiệm, với đặc điểm là giấy tờ có giá, thuộc sở hữu của bên vay.

Theo xu hướng phát triển kinh tế quốc tế, hoạt động các tập đoàn, doanh nghiệp có quy mô lớn không chỉ giới hạn ở phạm vi tài sản có được tại một quốc gia. Mở rộng tài sản bảo đảm bằng việc sử dụng động sản (máy móc, thiết bị, nguyên liệu, hàng hóa…) để bảo đảm khoản vay cũng là nhu cầu khách quan hiện nay.119 Song, bất cập trong thực tiễn Việt Nam nằm ở khâu kiểm soát tài sản bao gồm cả khâu thẩm định, quản lý, bảo quản, xử lý tài sản là động sản; cơ chế bảo vệ quyền lợi của các TCTD khi tài sản được bảo đảm cho nhiều TCTD vẫn chưa rõ ràng, là những trở ngại cần được các nhà làm luật quan tâm khắc phục.

3.2.2.2. Mối quan hệ pháp lý đối với hợp đồng bảo đảm

Xét về bản chất, hợp đồng bảo đảm là một phần của HĐCV, vì vậy nội dung hợp đồng bảo đảm được đề cập trong hợp đồng vay hoặc được thiết kế thành một hợp đồng riêng biệt. Song, hai hợp đồng này phải thể hiện mối quan hệ khăng khít, ràng buộc lẫn nhau, theo đó: i) Hợp đồng có nghĩa vụ được bảo đảm bị vô hiệu mà các bên chưa thực hiện hợp đồng đó thì giao dịch bảo đảm chấm dứt, nếu đã thực hiện một phần hoặc toàn bộ thì giao dịch bảo đảm không chấm dứt; ii) Giao dịch bảo đảm vô hiệu không làm chấm dứt hợp đồng có nghĩa vụ được bảo đảm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác (Điều 15 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 về giao dịch bảo đảm, sửa đổi năm 2012).

Quy định của điều luật được viện dẫn trên đã thể hiện rõ nét đặc điểm mối quan hệ pháp lý giữa hai hợp đồng này như sau:

Thứ nhất, điều luật khẳng định tính độc lập của các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, được thực hiện thông qua hình thức pháp lý là hợp đồng bảo đảm. Theo đó, quan hệ giữa hai hợp đồng này là quan hệ giữa hợp đồng chính và hợp đồng phụ, song hiệu lực của hợp đồng bảo đảm không phụ thuộc vào HĐCV, kể cả khi HĐCV bị vô hiệu (khoản 2 Điều 407 BLDS năm 2015).

Quy định đã thể hiện nguyên tắc pháp lý cơ bản: Bên vay ngay từ đầu thể hiện ý chí đồng ý, xác lập nghĩa vụ đối với tài sản được bảo đảm, cho dù hợp đồng có phát sinh nghĩa vụ bị vô hiệu thì hợp đồng bảo đảm cũng không bị vô hiệu (quy định này loại trừ trong trường hợp các bên có thỏa thuận thì tòa án có thể tuyên bố cả hợp đồng bảo đảm bị vô hiệu cùng với HĐCV). Khi đó, nếu các bên đã thực hiện một phần nội dung của hợp đồng vay, thì vẫn phát sinh nghĩa vụ trả nợ của bên vay. Bên cho vay


119 Xem thêm tài liệu: International Finance Corporation (Công ty tài chính quốc tế), năm 2015, Hội thảo tài trợ vốn có bảo đảm là động sản – Kinh nghiệm quốc tế trong soạn thảo HĐTD và hợp đồng bảo đảm, Thành phố Hồ Chí Minh

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 232 trang tài liệu này.


đồng thời là bên nhận bảo đảm được quyền yêu cầu bên bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thay cho bên vay.

Pháp luật Việt Nam về hợp đồng cho vay trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng - 12

Thứ hai, giao dịch bảo đảm vô hiệu không làm chấm dứt HĐCV, bên vay vẫn phải thực hiện các nghĩa vụ của hợp đồng. Quy định này như một sự cam kết của các nhà làm luật để bảo vệ quyền lợi bên cho vay, kể cả trong trường hợp giao dịch bảo đảm bị vô hiệu. Khi đó, các chế tài vi phạm HĐCV vẫn phải được đặt ra nếu bên vay vi phạm các điều khoản và điều kiện của hợp đồng. Ở trường hợp này, có thể thấy, tuy HĐCV không bị vô hiệu, tiền vay, lãi suất không thay đổi nhưng bên cho vay vẫn phải đối diện những rủi ro là không thu hồi được nợ (do bên vay không có tài sản trả nợ tại thời điểm thanh toán).

Thực tiễn giải quyết tranh chấp minh chứng hợp đồng bảo đảm vô hiệu (không ràng buộc nghĩa vụ bảo đảm) vẫn thường xảy ra, gây khó khăn, tạo nguy cơ mất an toàn cho vay, nguyên nhân là do tính đặc thù của từng loại tài sản được công nhận hợp pháp và sự đa dạng hình thức sở hữu, nên hợp đồng bảo đảm được ký kết không đúng ý chí của chủ sở hữu tài sản, trái pháp luật, và đã được ngành tòa án nhận diện thông qua các bản án, án lệ.120

Trong phạm vi nghiên cứu về HĐCV, luận án nhận diện những trường hợp điển hình về mối quan hệ này còn tồn tại bất cập, tiêu biểu như sau:

- Các TCTD thường dựa trên dư nợ tín dụng cuối kỳ hạn vay làm cơ sở áp dụng biện pháp bảo đảm. Biện pháp nghiệp vụ này phù hợp cho các khoản vay trung, dài hạn, phù hợp nhu cầu tín dụng thay đổi liên tục của bên vay.121 Song, trở ngại là: Khi đó, bên vay phải sử dụng nhiều tài sản bảo đảm, giá trị tài sản bảo đảm cao, bên bảo đảm khó thu hồi phần tài sản bảo đảm để tiến hành các giao dịch khác nếu không thực hiện hết nghĩa vụ trả nợ (cho dù tài sản đó có giá trị cao hơn nhiều so với dư nợ).


120 Vấn đề này xảy ra khá phổ biến hiện nay, nhất là đối với tài sản bảo đảm là tài sản chung, tài sản có thể chuyển nhượng một phần. Tuy nhiên do phạm vi giới hạn của luận án tác giả không đi sâu nghiên cứu. Song có thể thấy, chính các quy định của pháp luật nằm rải rác ở nhiều đạo luật khác nhau nên việc áp dụng không thống nhất. Chẳng hạn: i) Đối với các giao dịch tài sản được chuyển nhượng từng phần, thông thường quyền lợi của ngân hàng chỉ được bảo đảm phần tài sản được bảo đảm hợp pháp theo đúng trình tự thủ tục. Các cơ quan tố tụng không được hủy bỏ toàn bộ giao dịch với lý do liên quan đến quyền lợi của chủ thể khác như Án lệ số 11/2017/AL (theo Quyết định số 299/QĐ-CA ngày 28/12/2017) đã nhận diện, giải quyết; ii) Đối với tài sản chung (của vợ chồng, hộ gia đình, tài sản thừa kế chung,…), việc định đoạt tài sản này phải theo thỏa thuận hoặc theo luật định. Bên cạnh đó, chủ sở hữu tài sản chung phải có nghĩa vụ quản lý đối với tài sản của chính mình trong khối tài sản chung đó. Nếu khoản tiền giải ngân được sử dụng vì mục đích chung (mua nhà đất, thanh toán nợ chung, sử dụng vào hoạt động kinh doanh chung), vợ, chồng, thành viên hộ gia đình biết rõ giao dịch dưới hình thức xác nhận khoản vay, nhận nợ có ghi rõ thông tin tài sản bảo đảm chung,… thì cho dù họ không trực tiếp ký kết HĐCV, hợp đồng bảo đảm, khi xét xử tòa án vẫn phải công nhận hợp đồng bảo đảm đó hợp pháp.

121 Ví dụ: Hợp đồng thế chấp tài sản của bên thứ ba số 402-200-003/2013/HĐBLTCBĐS-NHNA ký ngày 20/12/2013 giữa Ngân hàng thương mại cổ phần NA với Công ty cổ phần HC, tại khoản 2 Điều 1 có ghi nghĩa vụ được bảo đảm không chỉ giới hạn ở phạm vi một thỏa thuận tín dụng cụ thể, mà còn mở rộng bao gồm:“nghĩa vụ phát sinh trước và sau thời điểm ký kết Hợp đồng này”. Từ thỏa thuận bảo đảm này, ngân hàng yêu cầu bên vay thế chấp nhiều tài sản bảo đảm, nhưng các bên không đề ra các giải pháp để giải chấp tài sản, chỉ để lại tài sản bảo đảm tương ứng khoản vay, gây khó khăn khi bên vay muốn sử dụng phần tài sản bảo đảm không cần thiết bảo đảm vào các mục đích giao dịch khác.


- Tài sản được bảo đảm cho các khoản vay từng lần vẫn được bên vay lựa chọn áp dụng. Trong trường hợp này, khi có sự thay đổi nhu cầu tín dụng, không ít các ngân hàng do sơ sót đã sử dụng lại hợp đồng bảo đảm được ký kết ban đầu bảo đảm cho các nhu cầu tín dụng (thỏa thuận vay) tiếp sau đó, hành vi này tạo ra sự thiếu kết nối, ràng buộc giữa hai hợp đồng, dẫn đến vô hiệu hợp đồng bảo đảm.

- Qua các vụ “đại án” gần đây có liên quan đến hoạt động cho vay ngân hàng, nổi lên tình trạng xác lập giao dịch vay thông qua các công ty “bình phong” để ngân hàng nhận tài sản bảo đảm có nguồn gốc chiếm hữu trái pháp luật, đẩy rủi ro, thiệt hại về phía ngân hàng,… xảy ra khá phổ biến,122 những hành vi vi phạm này gắn với trách nhiệm xử lý tội phạm theo thủ tục tố tụng hình sự. Trong đó, việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt (dùng bảo đảm khoản vay – vật chứng vụ án), là ưu tiên trong chính sách xử lý tội phạm tham nhũng, kinh tế của nhà nước. Song vấn đề này cần được xem xét dựa trên đặc thù của quan hệ cho vay, trong đó bên vay là công chúng, số đông, ngân hàng không thể nhận diện được nguồn gốc hợp pháp tài sản bảo đảm đó.

Những vướng mắc điển hình trên cần tháo gỡ, thống nhất về quan điểm, nếu không xử lý kịp thời, sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho TCTD như tình huống pháp lý đề cập dưới đây:

Tình huống pháp lý (1):

Trong một vụ án tranh chấp HĐCV theo Quyết định Giám đốc thẩm số 14/2015/KDTM ngày 21/5/2015 của Tòa án nhân dân tối cao. Tòa án các cấp vận dụng không thống nhất quy định về mối quan hệ giữa hợp đồng bảo đảm với HĐCV, từ đó các cấp tòa ban hành phán quyết mâu thuẫn, không đúng pháp luật.

Nội dung vụ án được tóm lược như sau:123

Ngày 17/11/2010 Ngân hàng thương mại cổ phẩn ĐA cho ông Nguyễn Vũ A và bà Đinh Thị Thu Th vay 450.000.000 đồng theo Hợp đồng tín dụng số TD08/0031/ThP ngày 29/01/2008 để mua xe tải. Tài sản bảo đảm cho khoản vay này:… Quyền sử dụng 57,6m2 đất (nhà có diện tích 51,5 m2) theo Hợp đồng thế chấp số ThP08/020/HĐBĐ ngày 21/01/2008 được công chứng và đăng ký giao dịch bảo đảm của ông Lê Quốc D và bà Lê Thị Lan A. Tài sản này có giá trị 280.000.000 đồng. Hợp đồng không ghi tài sản bảo đảm cho khoản vay là bao nhiêu mà chỉ ghi là: “Nghĩa vụ được bảo đảm thực hiện theo quy định tại các HĐTD, hợp đồng bảo lãnh Ngân


122 Ví dụ: Vụ án có bị cáo đầu vụ được đưa ra xét xử tại tòa án gần đây như vụ Hứa Thị Ph, Phạm Công D, Hoàng Văn T. Xem tại: Phan Thương (2018), Tranh luận về số tiền 4.500 tỉ đồng trong đại án VNCB,Thanh Niên, https://thanhnien.vn/thoi-su/tranh-luan-ve-so-tien-4500-ti-dong-trong-dai-an-vncb-1033170.html; Phan Thương (2018), Đại án TrustBank: Y án Hứa Thị Phấn 30 năm tù, bồi thường 16.791 tỉ đồng, https://thanhnien.vn/thoi-su/dai-an-trustbank-y-an-hua-thi-phan-30-nam-tu-boi-thuong-16791-ti-dong- 1019469.html; truy cập ngày 20/1/2019 Thạch Miên (2018), Ông Hoàng Văn Toàn, cựu Chủ tịch NH Đại Tín khai: Bị cáo không có thực quyền, chỉ làm theo chỉ đạo của bà Phấn, http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/tien-te-bao-hiem/2018-05-09/ong-hoang-van-toan-cuu-chu-tich-nh-dai- tin-khai-bi-cao-khong-co-thuc-quyen-chi-lam-theo-chi-dao-cua-ba-phan-57215.aspx, truy cập ngày 20/1/2019

123 Xem thêm: Phụ lục 03 – Tóm lược những vụ án tranh chấp HĐCV điển hình (Vụ án thứ 02)


hàng ký kết giữa bên vay vốn và bên nhận thế chấp”… Do bên vay không thực hiện đúng nghĩa vụ thanh toán nên ngân hàng đã kiện ra tòa án.

Bản án sơ thẩm số 21/2011/KDTM-ST ngày 23/5/2011, Tòa án nhân dân tỉnh ĐN quyết định: Buộc ông A và bà Th trả cho ngân hàng tổng số tiền 110.224.339 đồng và lãi suất phát sinh. Tài sản là nhà và đất theo Hợp đồng thế chấp số ThP08/020/HĐBĐ ngày 21/01/2008 được đảm bảo thi hành án…

Ngày 03/6/2011, ông Lê Quốc D và bà Lê Thị Lan A (người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan) có đơn kháng cáo. Tại Bản án phúc thẩm số 147/2011/KDTM-PT ngày 13/9/2011, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại TP. Hồ Chí Minh (nay là Tòa án nhân dân cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh) đã tuyên xử: Chấp nhận kháng cáo, sửa bản án sơ thẩm tuyên bố vô hiệu hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.

Tòa án cấp giám đốc thẩm khi thẩm tra, xét xử đã chỉ ra những sai sót của tòa án cấp dưới, đồng thời đánh giá, quyết định như sau: Quá trình giải quyết tranh chấp trước khi ngân hàng khởi kiện ra tòa án, ông D, bà A thừa nhận đã sử dụng 90.000.000 đồng/450.000.000 đồng tiền vay nói trên và cam kết trả nợ. Tài sản của ông D, bà A trị giá 280.000.000 đồng. Trong hợp đồng thế chấp không ghi phạm vi bảo lãnh cụ thể là bao nhiêu mà chỉ ghi “Nghĩa vụ được bảo đảm theo HĐTD...”. Do đó, tòa án đã áp dụng khoản 1, Điều 319 BLDS năm 2005 tuyên buộc bên bảo lãnh (ông D, bà A) phải chịu trách nhiệm đối với số tiền họ đã sử dụng là 90.000.000 đồng và khoản tiền lãi phát sinh.

Một số bình luận, đánh giá:

Những viện dẫn của tòa án minh chứng cho thấy: Các cấp tòa án không giải quyết tranh chấp hợp đồng bảo đảm (tiền vay) độc lập, riêng lẻ mà giải quyết trong cùng vụ án tranh chấp HĐCV, là phù hợp với việc xác định phạm vi nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên tham gia quan hệ bảo đảm.124 Quan điểm pháp lý này phù hợp với pháp luật về giao dịch bảo đảm, chỉ khi phát sinh nghĩa vụ thanh toán theo HĐCV khi đó mới ràng buộc trách nhiệm của bên bảo đảm (trong vụ án này là ông D và bà A).

Kết quả xét xử của Tòa án cấp giám đốc thẩm ở tình huống nêu trên cho thấy có sự khác biệt trong cách vận dụng pháp luật về hiệu lực của giao dịch bảo đảm, và trong quan hệ đối với HĐCV như sau: Tòa án cấp phúc thẩm thừa nhận phạm vi bảo đảm không thể hiện rõ áp dụng cho khoản tiền vay cụ thể nào, nên không xác định trách nhiệm cụ thể của bên bảo lãnh là ông D và bà A. Tuy nhiên, quan điểm của Tòa án cấp giám đốc thẩm sau đó đã tuyên buộc bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh đối



124 Xuất phát từ yêu cầu bảo đảm quyền chủ động xử lý tài sản theo Nghị quyết số 42/2017/QH14, pháp luật hiện hành còn cho phép tòa án có thể giải quyết yêu cầu nắm giữ tài sản bảo đảm (theo thủ tục rút gọn) như một vụ án độc lập nhằm giúp cho TCTD nhanh chóng thực hiện các quyền xử lý tài sản bảo đảm (khoản 1, Điều 8 của Nghị quyết).


với số tiền thực tế đã nhận, thay vì đối với toàn bộ tài sản bảo đảm như Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên.

Quan điểm của Tòa án cấp giám đốc thẩm (Tòa án nhân dân tối cao), đã dựa trên ý chí của bên bảo lãnh biết được phạm vi trách nhiệm của mình khi đứng ra cam kết bảo lãnh. Song, do hợp đồng bảo đảm không thể hiện rõ phạm vi bảo đảm là lỗi của hai bên, từ đó tòa tuyên buộc ông D và bà A phải chịu trách nhiệm bằng tài sản với số tiền thực tế đã nhận (bao gồm cả tiền lãi phát sinh), thay vì toàn bộ giá trị tài sản bảo đảm là có những căn cứ pháp lý, theo đúng quy định tại khoản 1, Điều 319 BLDS năm 2005 (nay là khoản 1, Điều 293 BLDS năm 2015) về bảo đảm nghĩa vụ toàn bộ, kể cả nghĩa vụ trả lãi và bồi thường thiệt hại.

Phán quyết của tòa án cấp giám đốc thẩm trong vụ án điển hình này có những lập luận, căn cứ pháp lý đầy đủ như trên, nhưng không phải lúc nào việc giải quyết tranh chấp, xác định phạm vi bảo đảm tiền vay cũng thuận lợi. Ở tình huống pháp lý này, bên giao kết hợp đồng bảo lãnh là ông D và bà A đã nhận khoản tiền vay. Nghĩa là, họ (bên bảo lãnh) đã ý thức trách nhiệm về phạm vi bảo đảm của mình nên phải gánh chịu trách nhiệm về hậu quả xảy ra.

Hợp đồng bảo đảm thông thường phải qua trình tự thủ tục giao dịch phức tạp, khi đó mới có hiệu lực. Song, trên thực tế, các cán bộ tín dụng thường tin tưởng bên vay, bỏ qua các bước thủ tục này dẫn đến những sai phạm nghiêm trọng. Chẳng hạn, trong một vụ án tranh chấp HĐTD, tòa án đã tuyên cam kết thế chấp tài sản của bên vay bị vô hiệu, vì tài sản này đã được công chứng và đăng ký giao dịch bảo đảm cho một khoản vay tại một ngân hàng khác trước đó.125 Theo tình huống này, mặc dù bên vay có cam kết bảo đảm khoản vay, nhưng bên cho vay đã không thực hiện đúng trình tự thủ tục của giao dịch bảo đảm tài sản là trái pháp luật, nên ngân hàng phải gánh chịu những thiệt hại do giao dịch bảo đảm bị vô hiệu.

Cam kết thế chấp ở trường hợp này có những khác biệt với cam kết do bên thứ ba đơn phương phát hành dưới dạng văn bản ghi rõ phạm vi, trách nhiệm bảo lãnh khoản vay cụ thể. Hình thức cam kết bảo lãnh của bên thứ ba không qua thủ tục công chứng, chứng thực bắt buộc nhưng văn bản cam kết này vẫn ràng buộc trách nhiệm của bên bảo lãnh (khoản 1, Điều 335 BLDS năm 2015). Hình thức bảo đảm bằng văn bản cam kết của bên thứ ba cũng được ghi nhận trong pháp luật các nước. Chẳng hạn, theo các luật gia Đức thì đây là cam kết với chủ nợ của một người thứ ba, phổ biến


125 Xem thêm: Quyết định Giám đốc thẩm số 25/2015/KDTM ngày 06/11/2015 của Tòa án nhân dân tối cao về việc “Tranh chấp hợp đồng tín dụng”. Trong vụ án này, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm quyết định: Ngân hàng được quyền yêu cầu phát mại... toàn bộ máy móc thiết bị và công trình trên đất của Công ty TNHH rượu VPh là không đúng và không thể thi hành được. Bởi vì Công ty rượu VPh chỉ mới “Cam kết thế chấp toàn bộ nhà xưởng, máy móc thiết bị của dự án đầu tư xây dựng nhà máy cồn-gas, rượu, phân vi sinh...” trong các Phụ kiện nhận nợ và trả nợ. Công ty rượu VPh đã đem ”Công trình xây dựng của nhà máy sản xuất đường, cồn, rượu, phân vi sinh tổng hợp...” ”toàn bộ máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất của hệ thống sản xuất đường, cồn, rượu, phân vi sinh tổng hợp” thế chấp cho một ngân hàng khác, được công chứng và đăng ký giao dịch bảo đảm đúng pháp luật (Xem thêm Bản án tại: Phụ lục 3, Vụ án số 5)


trong quan hệ giữa người vay tín dụng với chủ nợ là một TCTD.126 Biện pháp này được pháp luật các nước đặt ra nhằm bổ sung, tăng cường nghĩa vụ hoàn trả tiền vay. Do đó, người cam kết bảo lãnh thanh toán nợ vay phải có uy tín (tín nhiệm), có năng lực tài chính nhất định.

Tóm lại, mối quan hệ giữa hai hợp đồng này dựa trên nguyên tắc an toàn vay, bảo đảm quyền lợi cho các TCTD. Duy trì quy định HĐCV vô hiệu không làm ảnh hưởng đến hiệu lực của hợp đồng bảo đảm cũng nhằm mục đích ý nghĩa này. Song, với bản chất là một dạng hợp đồng có phương thức cho vay đa dạng, thời hạn kéo dài, thêm vào đó do tính phức tạp của chính tài sản bảo đảm nên việc gắn kết, ràng buộc này vẫn chưa được giải quyết triệt để. Các sai phạm vẫn thường xảy ra, gây thiệt hại lớn cho các TCTD, tạo tâm lý hoang mang cho các cán bộ, nhân viên tín dụng khi cho vay phải chịu trách nhiệm bồi thường do làm mất vốn.


3.3. PHÁP LUẬT VỀ NỘI DUNG CỦA HỢP ĐỒNG CHO VAY

3.3.1. Nghĩa vụ cung cấp thông tin tín dụng

Nghĩa vụ cung cấp thông tin tín dụng giữ vị trí quan trọng trong quan hệ HĐCV, xuất phát từ nguyên tắc bảo đảm tính minh bạch, trung thực được các nhà làm luật đề cao, đồng thời để đạt được hiệu quả mục đích kinh tế, dân sự mà các bên hướng đến. Trên lý thuyết, chỉ có việc nắm bắt thông tin đầy đủ và kịp thời mới làm tăng khả năng đánh giá, dự đoán rủi ro có thể xảy ra, nhất là các lĩnh vực liên quan đến tài chính vốn dĩ chịu sự kiểm soát chặt chẽ, bảo mật cao của chính các doanh nghiệp (Ví dụ: Giao dịch mua bán chứng khoán, pháp luật đặt ra nguyên tắc công khai, minh bạch để bảo vệ quyền và lợi ích của các nhà đầu tư theo quy định tại khoản 2, Điều 9 Luật Chứng khoán năm 2013).

Trong lĩnh vực ngân hàng, pháp luật cũng có những quy định như tương tự, nghĩa vụ cung cấp thông tin là khái niệm rộng được đề cập tương đối cụ thể, có ý nghĩa quan trọng, giúp các bên hợp đồng hiểu biết đầy đủ, tăng cường tín nhiệm lẫn nhau. Quy định này được liên tục kế thừa, khẳng định những ưu điểm nhất định trong việc minh bạch, tự do lựa chọn thị trường tín dụng, củng cố niềm tin đối với bên vay.

a) Nghĩa vụ đối với bên cho vay

TCTD với tư cách là bên cho vay phải thông tin đầy đủ về sản phẩm, chất lượng tín dụng mình cung cấp, giúp người vay được lựa chọn sản phẩm vay phù hợp trên thị trường tín dụng. Sau khi ký kết HĐCV, TCTD có trách nhiệm cập nhật, cung cấp cho bên vay kịp thời, đầy đủ những thông tin như sau: thông tin về tiền vay gốc và lãi, các khoản phí; thông tin năng lực của người đại diện giao dịch với bên vay; thông tin về quá trình quản lý, sử dụng tài sản bảo đảm; các chính sách, quy định nội bộ của


126 Phan Huy Hồng (2014), Bảo lãnh trong Bộ Luật dân sự Đức và mấy liên hệ trong Bộ luật dân sự Việt Nam, Tài liệu Hội thảo quốc tế: Biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự, Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh, ngày 29/9/2014, tr. 218


TCTD. Nghĩa vụ cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác không chỉ là đơn thuần là vấn đề nghiệp vụ, pháp lý mà còn là trách nhiệm, sự tôn trọng của bên cho vay đối với bên vay.

Thực tiễn ký kết HĐCV lâu nay, nghĩa vụ cung cấp thông tin đối với TCTD không được đặt ra. Nguyên nhân là do các TCTD không chủ động đưa nghĩa vụ này vào điều khoản hợp đồng để thực thi, bên vay cũng chưa ý thức quyền lợi chính đáng của mình khi vận dụng quy định về nghĩa vụ này trong thực tiễn.

Pháp luật hiện hành quy định cụ thể nghĩa vụ của TCTD cung cấp thông tin trước khi xác lập thỏa thuận cho vay, đó là các thông tin về: lãi suất, phương pháp tính lãi, phí (khoản 1, Điều 16 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN). Quy định mới này như một nỗ lực của các nhà làm luật trong việc nâng cao trách nhiệm của TCTD đối với khách hàng, làm bình đẳng hơn các quyền lợi hợp đồng vay. Với các quy định nêu trên, kể cả khi các bên không thỏa thuận ghi trong các điều khoản của HĐCV, bên vay vẫn có thể yêu cầu bên cho vay nghiêm túc thực hiện (theo nguyên tắc, nghĩa vụ được luật định bắt buộc phải thực hiện). Song, từ nghĩa vụ này, các TCTD thường lập các “khế ước nhận nợ” ghi nhận đầy đủ nội dung về khoản tiền vay, lãi suất, phí tín dụng được bên vay xác nhận. Hành vi này làm phát sinh các vấn đề pháp lý như sau: Khế ước nhận nợ được hình thành như một phụ lục hợp đồng. Công tác cung cấp thông tin được các nhà làm luật đặt ra thay vì là nghĩa vụ hợp đồng của bên cho vay, nay được các TCTD thay bằng một văn bản thỏa thuận mới ghi rõ thông tin khoản tiền vay, lãi suất vô hình chung gây bất lợi đối với bên vay nếu nội dung thỏa thuận của khế ước đó không rõ ràng, trái pháp luật.

Về chế tài, pháp luật ngân hàng hiện hành đặt ra biện pháp xử phạt hành chính nếu TCTD không thực hiện ngay yêu cầu đính chính của bên vay về những sai sót phát sinh do quá trình xử lý thông tin (khoản 1, Điều 23 Nghị định số 96/2014/NĐ-CP). Nhưng có thể thấy, quy định này làm cho nghĩa vụ cung cấp thông tin được đặt ra (đối với TCTD) nhằm mục đích duy trì trật tự trong hoạt động cho vay, chưa cụ thể hóa như một nghĩa vụ hợp đồng.

Khác với hành vi trao đổi, chia sẻ thông tin của các TCTD như một kênh thông tin nhằm làm rõ thêm năng lực của người vay (khoản 3, Điều 13 Luật các TCTD năm 2010), nghĩa vụ cung cấp thông tin trong HĐCV gắn liền với các chế tài do thông tin không đầy đủ, không đúng sự thật. Do đó, các TCTD phải có nghĩa vụ giữ bí mật thông tin mà các chủ thể có được xuất phát từ quyền nhân thân của cá nhân, quyền sở hữu trí tuệ, bí mật kinh doanh của doanh nghiệp, cá nhân được pháp luật bảo hộ…. để bảo vệ lợi ích của bên vay hoặc những người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Không chỉ có riêng ở pháp luật Việt Nam, nghĩa vụ về bảo mật thông tin khách hàng còn được đề cập trong thực tiễn tranh chấp đối với ngân hàng ở các nước. Chẳng hạn, thực tiễn phán quyết của Tòa án Anh tuyên buộc một Ngân hàng Anh phải chịu trách nhiệm với


bên vay vì lý do để lộ bí mật thông tin.127 Phán quyết này như một tiền lệ đặt ra trước hết đối với các TCTD là phải có trách nhiệm thiết lập hệ thống bảo mật thông tin để bảo vệ quyền lợi của bên vay. Hơn thế nữa, đó còn là năng lực, uy tín, trách nhiệm của ngân hàng với cộng đồng xã hội.128

Như vậy, với quy định hiện hành, pháp luật ngân hàng Việt Nam đã tăng cường hơn trách nhiệm cung cấp thông tin tín dụng đối với bên cho vay, phù hợp với thông lệ và thực tiễn tài phán, kinh nghiệm các nước. Song, nghĩa vụ này vẫn chưa ràng buộc trách nhiệm của bên cho vay (chủ thể của hợp đồng) nhằm bảo đảm quyền lợi của bên vay được cân xứng. Đây là điểm hạn chế trong các quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin của bên cho vay, cần sớm được quan tâm sửa đổi, có biện pháp chế tài trong trường hợp bên cho vay vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin tín dụng, gây thiệt hại cho bên vay.

b) Nghĩa vụ đối với bên vay

Pháp luật trước đây cũng như hiện nay quy định tương đối cụ thể các thông tin bên vay phải có nghĩa vụ cung cấp và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực, đầy đủ các tài liệu đó (khoản 2, Điều 16 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN).

Để khoản vay được chấp thuận, bên vay phải cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin về chủ thể, dự án đầu tư kinh doanh có sử dụng vốn vay (đối với việc thực hiện dự án đầu tư), thông tin về tài sản bảo đảm… Không những thế, nghĩa vụ này còn được các TCTD đặt ra xuyên suốt quá trình thực hiện HĐCV như một điều kiện bắt buộc để bên vay được giải ngân theo tiến độ hợp đồng. Pháp luật ngân hàng còn đề cập đến công tác thẩm định tín dụng để các TCTD nắm lấy thông tin cần thiết và chính xác, khách quan về bên vay, đánh giá khả năng tài chính, hiệu quả của hồ sơ vay, tương tự những quy định ưu việt của các quốc gia theo hệ thống thông luật, nhất là đối với thông tin cho vay tiêu dùng (Mục 19 của Nghị định số 2008/48/EC của Nghị viện châu Âu và Hội đồng Liên minh châu Âu ngày 23/4/2008 về HĐTD tiêu dùng; Mục 3 Luật về Tài chính tiêu dùng và Hợp đồng tín dụng New Zealand - Credit Contracts and Consumer Finance Act129).

Về trách nhiệm pháp lý, các nhà làm luật đã chú trọng ban hành những quy định ràng buộc bên vay tuân thủ nghĩa vụ cung cấp thông tin bằng biện pháp chế tài: chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn (khoản 1, Điều 21 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN). cũng như đánh giá khả năng tài chính của mình trước và sau khi quyết định vay.


127 Vụ kiện giữa Tournier v National Provincial - Union Bank of England [1924] 1 KB 461, Tòa kháng án Anh (Court of Appeal) tuyên bố nhân viên ngân hàng phải có nghĩa vụ giữ bí mật công việc của bên vay. Xem: http://www.singaporelaw.sg/sglaw/laws-of-singapore/commercial-law/chapter-22, truy cập lúc 21:39 ngày 1/1/2017

128 Để nắm rõ thông tin bên vay có quan hệ tín dụng, pháp luật đặt ra Trung tâm thông tin tín dụng (CIC) với chức năng có chức năng thu nhận, lưu trữ, phân tích, xử lý, dự báo thông tin tín dụng phục vụ cho yêu cầu quản lý nhà nước của NHNN; thực hiện các dịch vụ thông tin ngân hàng theo quy định của NHNN của pháp luật; cung cấp thông tin lịch sử về khoản vay góp phần giúp các chia sẻ thông tin, nắm được tình trạng sức khỏe của khách hàng trước khi cho vay

129 Credit Contracts and Consumer Finance 2003

Nguồn: http://www.legislation.govt.nz/act/public/2003/0052/latest/DLM211512.html, truy cập lúc 7:54 ngày 10/9/2016

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 09/12/2022