Tác Động Của Nợ Xấu Trong Cho Vay Kinh Doanh  Bất Động Sản  Đối Với Nhtm Cổ Phần Bidv Việt Nam – Chi Nhánh Quang Trung

Các yếu tố quan trọng hỗ trợ cho thị trường BĐS vận hành như dịch vụ môi giới BĐS, tư vấn, định giá BĐS, dịch vụ quản lí BĐS… chưa được pháp luật quy định và chưa có các biện pháp quản lí làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển lành mạnh của thị trường BĐS. Sự tham gia của các tổ chức tài chính, tín dụng, ngân hàng vào các giao dịch và thị trường BĐS còn nhiều hạn chế cả về số lượng và nghiệp vụ, chưa đóng vai trò hậu thuẫn về vốn cho thị trường BĐS phát triển.

Tình trạng đóng băng của thị trường BĐS hiện nay có thể thấy là phản ứng tất yếu của thị trường trước những bất cập về giá bán, cơ cấu sản phẩm. Kinh tế khó khăn chỉ là một nhân tố kích thích người mua phản ứng mạnh mẽ hơn với điều phi lý trong kinh doanh BĐS. Nói cách khác, nếu như nguồn lực của người mua không suy giảm thì trước sau gì phản ứng này của thị trường cũng sẽ xảy ra. Và cũng không thể phủ nhận, giá bán của bất kỳ hàng hóa nào cũng tăng khi kinh tế phát triển, người dân có thu nhập cao. Ngược lại, khi kinh tế khó khăn, nguồn thu thấp thì người dân sẽ thu hẹp nhu cầu tiêu dùng. Trong trường hợp này, doanh nghiệp sẽ phải chấp nhận giảm giá bán để có thể bán được hàng, tránh tình trạng hàng tồn kho cao.

Đặt trong bối cảnh chung về nợ xấu, vấn đề nợ xấu và giải quyết nợ xấu trong lĩnh vực BĐS hiện nay của BIDV đang được sự quan tâm đặc biệt, thực sự là một vấn đề lớn. Bởi dư nợ tín dụng liên quan đến BĐS, như vay kinh doanh BĐS, vay đầu tư sản xuất kinh doanh và thế chấp bằng BĐS… chiếm một tỷ trọng đáng kể trong tổng dư nợ. Chi nhánh BIDV Quang Trung tuy có tỉ trọng nợ xấu trong cho vay kinh doanh BĐS/Tổng dư nợ không lớn, nhưng khoản nợ xấu này phần nào đã làm ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng tín dung chung của Chi nhánh. Những nguyên nhân nêu trên đã lí giải cho sự phát sinh của nợ xấu BĐS.

Mối quan tâm hàng đầu của ngân hàng hiện nay là làm sao giải quyết hiệu quả nhất được những khoản nợ xấu “khổng lồ”, quản lí chặt chẽ các khoản nợ quá hạn đã phát sinh liên quan đến BĐS. Dù nguyên nhân có xuất phát từ phía ngân hàng, khách hàng hay các yếu tố khách quan từ nền kinh tế thì vấn đề quan trọng nhất vẫn từ phía ngân hàng. Bằng các biện pháp tích cực, đúng đắn, ngân hàng sẽ vừa có thể cải thiện được tình hình tín dụng của bản thân và hỗ trợ tốt cho khách hàng trong thu hồi công nợ.

2.6 Tác động của nợ xấu trong cho vay kinh doanh bất động sản đối với NHTM cổ phần BIDV Việt Nam – chi nhánh Quang Trung

Nợ xấu nói chung và nợ xấu trong cho vay kinh doanh BĐS nói riêng đang là vấn đề rất nóng của toàn xã hội đòi hỏi các ngân hàng phải có những bước đi đúng đắn, chính xác để có thể đối phó với rào cản tăng trưởng tín dụng kể trên. Thực tế các NHTM vẫn đang rất nỗ lực để giải quyết trong phạm vi khả năng và quyền hạn của mình. Nhưng khi nợ xấu đã đến ngưỡng báo động, nếu cứ để các NHTM và doanh nghiệp tự xử lý, thì số lượng doanh nghiệp dừng hoạt động, phá sản sẽ tiếp tục gia tăng do vẫn đang có nợ xấu tại ngân hàng, hàng hóa chậm tiêu thụ. Như vậy, nền kinh tế sẽ mất đi một lượng vốn lớn, do vốn không được quay, dòng tiền trong nền kinh tế không lưu thông được, hệ thống ngân hàng tiếp tục khó khăn về thanh khoản. Điều này sẽ đe dọa đến sự phát triển bền vững của hệ thống tài chính. Khi nợ xấu quá ngưỡng cho phép (dưới 5% trên tổng dư nợ là bình thường), thì phải có biện pháp xử lý nợ xấu từ nhiều phía, trong đó có biện pháp từ phía cơ quan quản lý Nhà nước.

Đối với riêng chi nhánh BIDV Quang Trung, khi để xảy ra nợ xấu sẽ gây ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng tín dụng của chi nhánh. Mặc dù chi nhánh vẫn có mức độ tăng trưởng tín dụng cao nhưng một số chỉ số về chất lượng hoạt động của chi nhánh bắt đầu có dấu hiệu xấu.

– Tác động đến chất lượng tín dụng chung của chi nhánh.

Sự mất cân đối về cơ cấu thời hạn vốn tín dụng cũng như việc sử dụng quá mức nguồn vốn ngắn hạn cho vay dài hạn là tiềm ẩn gây ra những bất ổn cho Chi nhánh.

Mặc dù chi nhánh đã có nhiều biện pháp huy động nhưng khả năng huy động vốn trung và dài hạn vẫn còn thấp so với vốn đầu tư dài hạn cho lĩnh vực tín dụng BĐS.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 100 trang tài liệu này.

Quản lí rủi ro thanh khoản được thực hiện trong một kế hoạch tổng thể về quản lí rủi ro thanh khoản và ứng phó với các sự cố rủi ro thanh khoản.

Trong năm 2013, NHNN sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ theo hướng thắt chặt đối với toàn hệ thống. Do vậy, BIDV Quang Trung cần phải có những biện pháp khắc phục những trở ngại do chính sách này gây ra để cải thiện tình hình tăng trưởng tín dụng một cách bền vững và hiệu quả nhất. Tốc độ tăng trưởng tín dụng của chi nhánh năm 2013 dự kiến sẽ ở mức 15 – 17%, đây là tốc độ tương đối cao trong hệ thống BIDV nhưng cũng không vì thế mà chủ quan về một số khoản nợ quá hạn còn tồn tại. Bởi khi nợ xấu xảy ra dẫn đến việc chi nhánh phải đẩy mạnh phân loại nợ xấu, trích dự phòng rủi ro nhiều làm giảm lợi nhuận ngân hàng, tốc độ tăng trưởng tín dụng vì thế mà cũng chậm lại.

– Tác động đến kết quả kinh doanh của chi nhánh

Yếu tố đầu tiên phải nhắc đến là giá trị trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Tuy giá trị trích lập dự phòng rủi ro tín dụng liên quan đến nợ xấu trong cho vay kinh doanh BĐS của Chi nhánh chưa lớn nhưng điều này cũng cho thấy: nếu tình trạng khó khăn về thanh khoản chi nhánh tiếp tục kéo dài thì con số trích lập dự phòng sẽ ngày càng gia tăng thêm. Theo báo cáo hàng năm của BIDV Quang Trung thì giá trị trích lập cho các khoản nợ xấu nói chung năm 2011 là 847,8 triệu đồng, năm 2012 tăng lên gấp 1,5 lần là 1.322 triệu đồng và đến thời điểm gần đây nhất là 30/6/2013 giảm nhẹ xuống mức 1.317,2 triệu đồng. Nếu chỉ tính riêng cho nhóm nợ BĐS thì mức trích lập dự phòng chiếm trên 30% tổng giá trị trích lập trong các năm 2011 – 2013.

Không chỉ có vậy, nếu tỷ lệ nợ xấu trong cho vay kinh doanh BĐS tăng cao vượt ngưỡng 0,02% và nợ xấu chung của toàn Chi nhánh ở mức 0,07% tổng dư nợ, cao hơn so với mức 0,05% vào cuối năm 2011 và chỉ giảm nhẹ so với cuối năm 2012 là 0,01%.

Trong tình hình cả nền kinh tế tăng trưởng bị chậm lại, rủi ro cho vay tăng, rủi ro đến từ tình hình chung của thị trường BĐS trong cả nước và đặc biệt là bị giới hạn về tăng trưởng tín dụng thì các NHTM, trong đó có cả BIDV Quang Trung đã có xu hướng gia tăng mức lãi suất cho vay đối với khách hàng để bù đắp các rủi ro. Điều này khiến cho lợi nhuận biên từ hoạt động tín dụng khi cho vay đối với khách hàng có xu hướng tăng cao. Có thể nhận thấy rằng, “tỷ lệ thu nhập lãi thuần trên giá trị cho vay khách hàng” của năm 2012 đều cao hơn nhiều so với năm 2011. Đây cũng có thể là một trong những nguyên nhân lý giải cho việc lợi nhuận của hệ thống ngân hàng trong năm 2012 vẫn tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng.

Tuy nhiên, các rủi ro về việc nợ xấu trong cho vay kinh doanh gia tăng cũng như tính thanh khoản của các tài sản BĐS tiếp tục là mối đe doạ lớn với lợi nhuận của các ngân hàng ngay từ quý đầu tiên của năm 2012. Nợ nhóm 2 đang có xu hướng gia tăng, nếu các khách hàng tiếp tục chậm trả nợ đối với ngân hàng sẽ khiến cho ngân hàng buộc phải chuyển nhóm nợ. Điều này đồng nghĩa với tỷ lệ trích dự phòng sẽ gia tăng và lợi nhuận ngân hàng sẽ giảm xuống. Tỷ lệ trích dự phòng đối với nợ nhóm 2 là 5%, nợ nhóm 3 tăng lên là 20%, nhóm 4 là 50% và nhóm 5 là 100%. Thanh khoản của nhiều TCTD yếu kém cũng khiến cho các khoản vay liên ngân hàng không thể trả được cũng làm cho nhiều TCTD tiếp tục tăng các khoản chi phí trích lập dự phòng lên.

Nguyên nhân là do quy mô các khoản cho vay liên ngân hàng thường lớn, nhiều ngân hàng lớn như BIDV, VCB như có các khoản cho vay liên ngân hàng chiếm từ 10 – 20% tổng tài sản. Tính đến hết quý 4/2012, theo số liệu của NHNN, dự phòng cho các TCTD vay trong cả nước của BIDV là 26,1 tỉ (năm 2011 là 13,7 tỉ), VCB là 18,9 tỉ (năm 2011 là 9,8 tỉ)… – Tác động đến khách hàng của ngân hàng

Năm 2013, thị trường BĐS được dự báo sẽ tiếp tục khó khăn. Nhiều doanh nghiệp BĐS đánh giá thị trường có thể phải “ngủ đông” hết 6 tháng đầu năm và hiện thị trường BĐS đang tiếp tục xuống dốc mà chưa thấy tín hiệu sáng sủa, dự báo sẽ có nhiều doanh nghiệp phải bán bớt dự án để thu hồi vốn tiếp tục đầu tư hoặc bán cổ phần cho ngân hàng, nhà đầu tư nước ngoài…Phần lớn doanh nghiệp BĐS nhận định thị trường có khả năng sáng sủa hơn từ giữa năm 2012 nếu lãi suất cho vay giảm xuống.

Lãi suất cho vay hiện vẫn trên 20%/năm khiến cả doanh nghiệp, nhà đầu tư lẫn người dân có nhu cầu mua nhà không dám vay. Chỉ tính riêng BIDV Quang Trung, lãi suất vào thời điểm hiện tại là 22%, đây vẫn là con số khá cao so với tình hình tài chính chung của các công ty vay vốn hiện nay và cả những nhà đầu tư nhỏ lẻ trên thị trường địa ốc hiện nay.

Thực tế, nhiều dự án dù đã giảm giá, bán tháo…nhưng vẫn ế ẩm. Giá BĐS được đẩy lên cao gấp 4 lần giá trị thực. Thanh khoản kém, các dự án tồn đọng không bán được… khiến chủ đầu tư không có tiền quay vòng trả nợ cho ngân hàng và nợ xấu trên thị trường này sẽ khó thu hồi trong một sớm một chiều. Những yếu tố kể trên thực sự có tác động tiêu cực đến tình hình chung của toàn hệ thống ngân hàng cũng như của chi nhánh BIDV. Đây là bài toán khó có lời giải trong một sớm một chiều, đòi hỏi các nhà quản trị ngân hàng phải chung sức cùng NHNN tạo lập những chính sách hữu hiệu nhất nhằm khắc phục tình trạng nêu trên.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng nếu tính đúng, tính đủ theo tiêu chuẩn quốc tế, nợ xấu của ngành ngân hàng không chỉ là con số hơn 3% mà sẽ vượt 10%. Theo tiêu chuẩn quốc tế, chẳng hạn ngân hàng có 100 đồng, cho vay 10 đồng nhưng không thu hồi được thì toàn bộ số tiền này được xem là nợ xấu và phải trích lập dự phòng rủi ro 100 đồng. Nhiều NHTM trong nước chỉ xem 10 đồng chưa thu hồi được là nợ xấu và trích lập dự phòng con số này. Hiện nay, mới có một vài NHTM phân loại nợ xấu theo đúng chuẩn quốc tế như VCB, BIDV…Vì vậy, điều quan trọng nhất là phải xác định được quy mô, tính chất của nợ xấu để phân loại, khoanh vùng rồi mới có hướng xử lý.

Chẳng hạn, nếu nợ nhóm 5 phải trích lập dự phòng rủi ro 100% hoặc ngay các công trình đầu tư công cũng cần được phân loại nợ xấu. Nhiều công trình xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản, đầu tư công… vay vốn của ngân hàng thực hiện nhưng ngân sách chưa giải ngân hoặc chưa có vốn. Chủ đầu tư lúc này không trả nợ được ngân hàng nên đây cũng là nợ xấu cần phải tính.

2.7 Một số giải pháp hiện đang được áp dụng trong công tác hạn chế nợ xấu trong cho vay kinh doanh bất động sản tại chi nhánh BIDV Quang Trung

– Thay đổi cơ cấu danh mục cho vay

Hiện nay trong cơ cấu danh mục cho vay của Chi nhánh có tỷ trọng cho vay trung và dài hạn quá lớn, chủ yếu là cho vay sản xuất kinh doanh, cho vay đầu tư BĐS như vậy tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Để phòng ngừa các loại nợ có rủi ro cao, từ quý 3 năm 2012, Chi nhánh đã thực hiện giảm bớt cho vay các khoản trung và dài hạn, mở rộng cho vay tiêu dùng với các khoản vay ngắn hạn vừa làm cho khả năng thu hồi vốn nhanh vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các nhân viên tín dụng theo dõi giám sát.

– Đa dạng hóa hoạt động tín dụng

Một trong những biện pháp để phòng ngừa rủi ro chính là đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng để phân tán rủi ro. Cùng với các dịch vụ cho vay truyền thống như cho vay ngắn hạn, trung và dài hạn, cho vay VNĐ, cho vay ngoại tệ thì ngân hàng nên có nhiều hình thức cho vay khác nhằm khuyến khích mở rộng tín dụng như:

Cho vay với lãi suất tăng dần có quyền lựa chọn vốn hoá khoản vay trong DN:

Sản phẩm cho vay này áp dụng đối với các doanh nghiệp thiếu vốn lưu động và ngân hàng dự đoán tình hình tài chính của doanh nghiệp có xu hướng phát triển. Lãi suất của khoản vay tăng dần trong 3 năm từ khi cho vay và Ngân hàng có quyền chuyển đổi khoản vay thành vốn góp hoặc trái phiếu chuyển đổi của chính doanh nghiệp vay vốn.

Cho vay theo mạng lưới: Trên cơ sở cam kết thanh toán ngân hàng sẽ cho một nhóm người hoặc tổng công ty vay và họ sẽ tự giám sát nhau trong quá trình sử dụng vốn và trả nợ.

Cho vay có đảm bảo bằng các khoản sẽ thu của doanh nghiệp: Các doanh nghiệp bán hàng nhưng do người mua chưa kịp thanh toán, dẫn đến làm cho doanh nghiệp bị thiếu vốn lưu động. Trong trường hợp này, ngân hàng có thể giúp doanh nghiệp thiếu vốn tạm thời bằng cách cho vay theo tỷ lệ nào đó trên khoản sẽ thu. Tỷ lệ này cao hay thấp phụ thuộc vào chất lượng các khoản nợ mà được ngân hàng thẩm định một cách chặt chẽ.

– Thực hiện chính sách lãi suất linh hoạt

Chi nhánh đã kết hợp việc mở rộng tín dụng với hạn chế rủi ro tín dụng 1

Chi nhánh đã kết hợp việc mở rộng tín dụng với hạn chế rủi ro tín dụng với việc linh hoạt lãi suât. Một chính sách lãi suất linh hoạt phải đảm bảo lãi cho vay đủ bù đắp chi phí biên của vốn, chi phí quản lý khoản vay, phần bù rủi ro và lợi nhuận hợp lý cho ngân hàng. Bởi vì một trong những điều quan tâm của doanh nghiệp khi đến vay vốn ngân hàng là lãi suất bởi lãi suất ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận mang lại cho doanh nghiệp. Do vậy, mức lãi suất phải hợp lý, hình thành trên cơ sở thoả thuận với khách hàng, hài hoà lợi ích ngân hàng và doanh nghiệp.

Ngân hàng có thể quyết định cho vay với quy mô khoản vay phù hợp với nhu cầu vay vốn trên cơ sở xem xét kỹ lưỡng về phương án/dự án sử dụng vốn vay cũng như các điều kiện về đảm bảo tiền vay.

2.8 Đánh giá chung về công tác hạn chế nợ xấu trong cho vay kinh doanh bất động sản tại chi nhánh BIDV Quang Trung

2.8.1 Ưu điểm

Ngân hàng BIDV Việt Nam nói chung và Chi nhánh BIDV Quang Trung nói riêng đã có sự quan tâm đúng mức, nhận thức được tầm quan trọng của công tác phân loại nợ và trích lập dự phòng trong công tác quản trị rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động tín dụng trên toàn hệ thống. Nhiều văn bản hướng dẫn, quy trình, quy định đã được ban hành kịp thời để có sự thấu hiểu và áp dụng thống nhất. Chi nhánh đã vận dụng tốt quy trình và thực hiện phân loại nợ cho kết quả khá chính xác nhờ sự hỗ trợ từ chương trình tin học phù hợp với công tác quản lý khách hàng. Ngân hàng đang trong quá trình ứng dụng mô hình quản trị rủi ro theo hướng hiện đại và hướng đến chuẩn mực quốc tế với việc phân tách các phòng chức năng theo hướng chuyên môn hóa cao. Đây là mô hình tổ chức khá phổ biến của các ngân hàng trên thế giới. Đặc biệt, ngân hàng đã và đang rất chú trọng trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào việc hỗ trợ các Chi nhánh trong công tác phân loại nợ đảm bảo kết quả phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro khá chính xác. Hệ thống thông tin tín dụng nội bộ ngày càng được hoàn thiện, thực hiện cung cấp các thông tin, chuyên đề phân tích về ngành thường xuyên cho các Chi nhánh để tăng khả năng nắm bắt thông tin, phục vụ cho công tác quản trị rủi ro và phân loại nợ đối với khách hàng.

Hiện nay BIDV Quang Trung là một trong những chi nhánh hoạt động hiệu quả nhất hệ thống BIDV Việt Nam. Để có được thành công đó BIDV Quang Trung đã luôn chú trọng đến hoạt động mang lại hiệu quả nhất là hoạt động tín dụng. Và việc hạn chế nợ xấu trong hoạt động cho vay kinh doanh BĐS là vấn đề quan tâm hàng đầu. BIDV Quang Trung luôn tổ chức nhìn nhận những hoạt động vừa qua của mình và các bài học kinh nghiệm của các ngân hàng bạn để rút kinh nghiệm trong hoạt động của mình.

Phân tích các số liệu cho thấy nợ xấu trong cho vay kinh doanh BĐS BIDV Quang Trung đã được hạn chế tốt. Biểu hiện là tỷ lệ nợ xấu qua các năm hầu như không có sự biến động. Trong giai đoạn từ năm 2011 – quý 2 năm 2013 nợ xấu trong lĩnh vực này chỉ giao động trong con số 0,02% tổng dư nợ. Đây là một con số thực sự lý tưởng cho các ngân hàng thương mại hiện nay. 

Ngày đăng: 01/11/2021