Quy Định Về Cơ Cấu Lại Thời Hạn Trả Nợ, Quyền Chấm Dứt Cho Vay Thu Hồi Vốn Trước Hạn Theo Hợp Đồng Cho Vay


bên cho vay phải tuân thủ pháp luật, bảo vệ lợi ích chung của xã hội, kể cả nghĩa vụ đôn đốc giám sát bên vay hoàn trả tiền vay.

3.3.4. Quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, quyền chấm dứt cho vay thu hồi vốn trước hạn theo hợp đồng cho vay

3.3.4.1. Cơ cấu lại thời hạn trả nợ


Pháp luật Việt Nam trước đây thường đặt ra các điều kiện bắt buộc để được cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Theo các điều kiện này, khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ chỉ khi gặp khó khăn do thiên tai, hạn hán, chứ không phải do thua lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh. Song, khi chuyển sang mô hình đơn vị kinh doanh tiền tệ hoạt động theo quy luật kinh tế thị trường, những lý do này không còn là căn cứ pháp lý duy nhất.

Về phương diện quan hệ hợp đồng, cơ cấu lại thời hạn trả nợ được xem như một thỏa thuận mới, phát sinh, hàm ý hỗ trợ bên vay khắc phục những khó khăn, tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh để trả nợ vay. Để biện pháp này ràng buộc chặt chẽ trách nhiệm của các bên (bao gồm các yêu cầu về hiệu quả sau khi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ), pháp luật hiện hành đặt ra nhiều điều kiện hướng đến mục tiêu an toàn vay. Quy định này cùng với các quy định về mua bán nợ đã thể hiện rõ nét những giới hạn của quyền tự do trong các cam kết của hợp đồng, đó là nghĩa vụ tuân thủ các quy định vì lợi ích chung của hệ thống tín dụng.

Luật các TCTD năm 2010 sửa đổi năm 2017 đang có hiệu lực không đề cập đến việc thay đổi kỳ hạn trả nợ, nhưng quy định này được đề cập trong các văn bản hướng dẫn thi hành luật tương đối đầy đủ, rõ ràng. Cụ thể, Điều 19 Thông tư số 39/2016/TT- NHNN đề cập hai hình thức này như sau: i) điều chỉnh kỳ hạn trả nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay đó phù hợp với nguồn trả nợ của khách hàng; thời hạn cho vay không thay đổi; ii) cho gia hạn nợ với thời hạn phù hợp với nguồn trả nợ của khách hàng. Thời hạn được thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ trước hoặc trong thời hạn 10 (mười) ngày kể từ ngày đến kỳ hạn, thời hạn trả nợ thỏa thuận.

Mặc dù quy định của luật tương đối cụ thể, nhưng vận dụng vào thực tiễn HĐCV vẫn còn nhiều lúng túng, phần lớn các TCTD tự đặt ra các điều kiện riêng ghi trong hợp đồng vay như một “đặc ân” đối với khách hàng, khẳng định quyền được chủ động quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho các TCTD. Chẳng hạn, Hợp đồng tín dụng số C0110073-NHKD, ký ngày 28/1/2011 giữa Ngân hàng thương mại cổ phần VNTV (Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh) với Ông Nguyễn Lưu H, tại khoản 2 có ghi: “Bên ngân hàng có quyền chấp nhận hoặc không chấp nhận đề nghị cơ cấu lại thời hạn trả nợ của Bên vay mà không cần có lý do152. Điều khoản hợp đồng này chỉ ghi


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 232 trang tài liệu này.

152 Hợp đồng tín dụng số C0110073-NHKD, ký ngày 28/1/2011 giữa Ngân hàng thương mại cổ phần VNTV – Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh với Ông Nguyễn Lưu H


Pháp luật Việt Nam về hợp đồng cho vay trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng - 15

nhận tương đối quyền quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ của bên cho vay, không ràng buộc trách nhiệm nếu ngân hàng không thực hiện điều khoản này.

Ngay trong thực tiễn xét xử, giải quyết tranh chấp, có thể thấy, bên vay vẫn thường xin gia hạn nợ để khắc phục những khó khăn, tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ của hợp đồng cho dù đã có những vi phạm trước đó. Mặc dù vậy, các quyết định của tòa án khi giải quyết tranh chấp có yêu cầu này của bị đơn (khách hàng vay) đều bị tuyên bác bỏ với cùng lý do, đây là quyền tự quyết định của ngân hàng, ngân hàng chỉ được phép thực thi khi đáp ứng các điều kiện của pháp luật.

Ví dụ: Bản án số 61/2012/KDTMPT ngày 28/12/2012 của tòa án đã tuyên xử như sau: “Việc Ngân hàng thương mại cổ phần SGCT không xem xét đề nghị của Công ty về việc giãn nợ, khoanh lãi, giãn thời gian thanh toán… Hội đồng xét xử xét thấy vấn đề này thuộc quyền hạn của ngân hàng khi xem xét doanh nghiệp có đủ điều kiện hay không để thực hiện theo quy chế, nên không thể cho rằng ngân hàng có lỗi…

Theo các viện dẫn ghi trong bản án, cơ cấu lại thời hạn trả nợ phụ thuộc vào quyền quyết định, khả năng xử lý nợ xấu của TCTD… Chính các quy định về “khả năng tài chính” của TCTD, nhân tố quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ được các nhà làm luật đặt ra (Điều 19 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN) như một điều kiện bắt buộc, làm cho công tác cơ cấu lại thời hạn trả nợ không đơn thuần là một quyền năng của bên vay.

Thật vậy, điều kiện để cơ cấu lại thời hạn trả nợ được pháp luật cho phép, dựa theo các yêu cầu gi ả i q u yế t n h u c ầ u x ử l ý n ợ x ấ u , n ợ q u á h ạ n, mục tiêu làm lành mạnh hóa tài chính, năng lực hoạt động của các TCTD. Theo đó, khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, TCTD phải đáp ứng được quy định của NHNN về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn, bao gồm cả tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn, dài hạn trong trường hợp cơ cấu lại khoản nợ ngắn hạn để thành khoản nợ trung hạn, dài hạn, nhưng chỉ được thực hiện 01 (một) lần. Kèm theo đó là các biện pháp chế tài hành chính nếu TCTD có hành vi vi phạm (Thông tư số 02/2013/TT- NHNN ngày 21/1/2013; Điểm b, khoản 11, Điều 1 Thông tư số 09/2014/TT-NHNN ngày 18/3/2014).

Từ những quy định chặt chẽ này, các nhà làm luật đã thể hiện rõ những quan điểm về cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo hướng an toàn tín dụng như sau:

Thứ nhất, áp dụng các biện pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ không chỉ dựa nhu cầu của khách hàng về một phương án hiệu quả sau khi cơ cấu lại, mà còn được TCTD đánh giá có khả năng trả nợ tốt hơn theo cam kết điều chỉnh, gia hạn nợ. Các bên tuy được thỏa thuận thay đổi kỳ hạn trả nợ nhưng thỏa thuận này vẫn không có giá trị ràng buộc chắc chắn, nếu không đáp ứng các điều kiện được viện dẫn.

Thứ hai, trước các yêu cầu đặt ra đối với sự phát triển ổn định của hệ thống tín dụng, mục đích của cơ cấu lại thời hạn trả nợ dần dần thay đổi, được quy định rõ hơn, phù hợp với các mục tiêu, định hướng hoàn thiện pháp luật HĐCV như hệ thống các tiêu chí về an toàn cho vay đã được luận án đề cập. Pháp luật ngân hàng đã thể hiện


nghiêm túc quan điểm chỉ đạo của Đảng, nhà nước về xử lý nợ theo hướng an toàn vay. Các tiêu chí về rủi ro khách quan của các doanh nghiệp, cá nhân vốn dĩ là cơ sở để được cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ không còn đóng vai trò chủ yếu.

Như vậy, trong việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, pháp luật thể hiện những khắc khe trong công tác quản lý tín dụng, chưa khuyến khích các bên cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tác động tiêu cực đến hiệu quả thực hiện HĐCV, vì chỉ mới dừng lại ở mục tiêu đạt được: Đó là lợi ích của nền kinh tế quốc gia (sự an toàn tín dụng), chưa bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể hợp đồng vay.

Về nguyên tắc điều chỉnh của pháp luật ngân hàng, các nghiên cứu trong khoa học pháp lý ngân hàng đã khẳng định yếu tố cân bằng quyền lợi của các chủ thể.153 Vì vậy, pháp luật phải dung hòa lợi ích của các bên nói chung, hướng đến mục tiêu trọng tâm là lợi ích của các chủ thể trực tiếp giao kết, thực hiện hợp đồng vay.

Tóm lại, từ thực tiễn pháp lý trên, các quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ như được phân tích, cần hoàn thiện hơn theo định hướng: Những rủi ro khách quan khi khách hàng sử dụng tiền vay là nhân tố tiên quyết cho công tác cơ cấu lại thời hạn trả nợ; Giảm tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro đối với TCTD. Đây là giải pháp hữu hiệu khuyến khích các bên tìm đến biện pháp này khi gặp rủi ro khách quan tạm thời. Việc sửa đổi pháp luật theo hướng này không làm mất đi sự an toàn vay, mà cơ chế thực hiện sẽ hài hòa, thông thoáng hơn.

3.3.4.2. Quyền chấm dứt cho vay, thu hồi vốn trước hạn theo hợp đồng cho

vay


a) Căn cứ pháp lý để tổ chức tín dụng chấm dứt cho vay thu hồi vốn trước hạn

TCTD khi cho vay mong muốn bên vay sử dụng vốn vay theo đúng kế hoạch

được ghi trong hợp đồng, nhằm mang lại hiệu quả kinh tế khi sử dụng vốn vay, thực thi nghĩa vụ hoàn trả nợ. Việc chấm dứt cho vay thu hồi vốn trước hạn sẽ đẩy người vay đối mặt với nhiều khó khăn, rủi ro… Biện pháp chế tài này được áp dụng chỉ khi TCTD đánh giá khoản vay có nguy cơ mất an toàn, rủi ro cao hơn dự định ban đầu nếu phải tiếp tục thực hiện hợp đồng.

Trong lĩnh vực thương mại, pháp luật cũng có những quy định tương tự. Theo Điều 310 Luật Thương mại Việt Nam năm 2005, việc đình chỉ thực hiện hợp đồng chỉ khi xảy ra hành vi vi phạm mà các bên thỏa thuận hoặc khi một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng, gây thiệt hại đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của hợp đồng.

Trong lĩnh vực ngân hàng, biện pháp này cũng được áp dụng trong trường hợp khách hàng cung cấp thông tin sai sự thật, vi phạm các quy định trong hợp đồng cấp tín dụng, khi đó TCTD có quyền chấm dứt việc cấp tín dụng, thu hồi nợ trước hạn (khoản 1, Điều 95 Luật các TCTD năm 2010). Những điều kiện chấm dứt cho vay như


153 Xem thêm: Mục 4.1.4. Nguyên tắc cân bằng (kết hợp hài hòa) quyền lợi của các chủ thể trong Luật Ngân hàng. Nguồn: Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh (2015), Sđd (34), tr. 55


viện dẫn này có thể đến từ nguyên nhân chủ quan hoặc khách quan, nhưng thông thường đó là các căn cứ làm thay đổi tình trạng ban đầu được TCTD dự liệu, có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến hợp đồng vay.

Điều luật khẳng định thời điểm “trước hạn” (nghĩa là: trước thời hạn thực hiện nghĩa vụ thanh toán) như một căn cứ xác định hành vi chấm dứt thực hiện HĐCV, không phụ thuộc vào thời hạn của hợp đồng, mà có thể xảy ra bất cứ lúc nào của quá trình hợp đồng đó. Quy định này khác với hành vi vi phạm không thanh toán các khoản nợ đến hạn, vi phạm này bị chế tài bằng lãi phạt quá hạn chỉ khi đến thời hạn thanh toán.

Trên thực tiễn, các TCTD thường ghi vào trong các HĐCV nhiều điều kiện chấm dứt cho vay như một sự ràng buộc chắc chắn hơn trách nhiệm của người vay, kể cả đó là những lý do khách quan (ví dụ: người đại diện theo pháp luật, người điều hành của bên vay bị khởi tố; bên vay là doanh nghiệp bị giải thể, ngừng hoạt động;...). Với quy định (trong điều khoản HĐCV được viện dẫn) về chấm dứt cho vay, thì kể cả trong trường hợp phát sinh những sự kiện pháp lý xảy ra nằm ngoài ý thức chủ quan của bên vay, bên cho vay vẫn được phép chấm dứt cho vay. Tuy đây là những lý do khách quan nhưng những lý do này đã tác động, làm cho khoản vay thiếu an toàn hơn nên bên cho vay cũng được quyền chấm dứt cho vay là phù hợp.

b) Hậu quả pháp lý

Trong quan hệ pháp luật dân sự, hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng (do lỗi cố ý) nếu gây thiệt hại thì cá nhân, tổ chức có quyền dân sự bị xâm phạm được bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác (Điều 360 BLDS năm 2015).Thiệt hại được bồi thường trong trường hợp này chính là “lợi ích mà lẽ ra mình sẽ được hưởng do hợp đồng mang lại” (Điều 419; khoản 4, Điều 428 BLDS năm 2015).

Pháp luật ngân hàng không quy định cụ thể vấn đề này nhưng về nguyên tắc chung, bên có lỗi (khách hàng vay) phải bồi thường thiệt hại cho TCTD. Đó chính là lãi suất lẽ ra TCTD sẽ thu được từ việc cho khách hàng khác vay (thông thường các thẩm phán, luật sư gọi theo nghĩa đơn giản: “lợi nhuận bị bỏ lỡ”), là khoản lãi trong hạn chứ không phải lãi phạt quá hạn như các HĐCV có viện dẫn. Nếu bên vay vẫn không thanh toán (nợ gốc) dẫn đến nợ quá hạn hợp đồng thì họ phải gánh chịu lãi suất nợ quá hạn như quy định của pháp luật.

Như vậy, chấm dứt cho vay thu hồi vốn trước hạn được luật hóa như một biện pháp để TCTD bảo đảm thu hồi vốn vay, tránh những thất thoát do hành vi vi phạm hợp đồng của bên vay gây ra. Đây là biện pháp phòng ngừa, bảo toàn tiền vay, phù hợp với đặc thù kinh doanh rủi ro vốn dĩ cho vay nhiều đối tượng, ngân hàng không thể hiểu rõ, nắm bắt hết tình hình tài chính của khách hàng. Pháp luật ngân hàng cho phép áp dụng điều luật này dựa trên những sai phạm hợp đồng của bên vay song về nguyên tắc, bên vay chỉ phải chịu lãi suất trong hạn.


Tóm lại, hành vi chấm dứt cho vay là quy định đặc thù trong lĩnh vực ngân hàng, tương tự như hành vi đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng (được quy định theo Điều 428 BLDS năm 2015). Tuy nhiên, trong lĩnh vực ngân hàng, việc áp dụng biện pháp này như được phân tích, mới chỉ dừng lại ở công tác thu hồi tiền vay, điều này làm nảy sinh tâm lý đối phó, không chấp hành quyết định của bên vay. Theo tác giả, pháp luật cần ấn định mức phạt cụ thể để bảo đảm chi phí, bù đắp những thiệt hại cho các TCTD trong quá trình thực hiện công tác thu hồi tiền vay, tìm kiếm nguồn khách hàng mới để cho vay lại.

3.3.5. Chuyển nợ quá hạn, thu hồi nợ, xử lý tài sản theo hợp đồng cho vay và hợp đồng bảo đảm

3.3.5.1. Quy định về chuyển nợ quá hạn


a) Lãi suất nợ quá hạn, biện pháp chế tài vi phạm nghĩa vụ thanh toán nợ gốc


Xét về bản chất, lãi suất đối với dư nợ gốc bị quá hạn (còn gọi là “lãi suất nợ quá hạn”) là hình thức chế tài do chậm thanh toán nợ (nợ phát sinh từ nghĩa vụ thanh toán tiền hàng trong quan hệ thương mại, hoàn trả tiền vay trong quan hệ ngân hàng). Bên vi phạm phải trả số tiền lãi được tính trên số tiền gốc bị vi phạm tương ứng với thời hạn chậm trả theo một tỷ lệ lãi suất nhất định, cao hơn mức lãi suất khi cho vay.

Quy định chuyển nợ quá hạn chỉ áp dụng đối với dư nợ gốc cùng với quy định phạt chậm trả lãi theo pháp luật hiện nay, khắc phục tình trạng còn thiếu thống nhất trong quan điểm áp dụng luật về nợ quá hạn là nợ gốc hay bao gồm cả lãi; cùng một khoản nợ vừa bị chuyển nợ quá hạn, lại vừa chế tài phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại,… xảy ra khá phổ biến.

Trong lĩnh vực ngân hàng, biện pháp chế tài vi phạm hợp đồng bằng lãi suất nợ quá hạn được đặt ra là phù hợp thông lệ chung, góp phần nâng cao ý thức tuân thủ hợp đồng của bên vay. Biện pháp này chỉ được áp dụng khi bên vay có lỗi (cố ý hoặc vô ý) vi phạm nghĩa vụ hoàn trả nợ gốc khi đến thời hạn hoàn trả như cam kết.

Khi bị TCTD áp dụng nghiệp vụ chuyển nợ quá hạn, bên vay phải gánh chịu lãi suất cao hơn mức lãi suất vay thông thường được thỏa thuận trong hợp đồng. Pháp luật hiện nay khống chế tỷ lệ lãi suất phạt này không được vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn như một giới hạn bắt buộc để phòng tránh bị lạm dụng trục lợi, bảo vệ quyền lợi của bên vay. Các bên có thể thỏa thuận một mức lãi suất phạt theo tỷ lệ thấp hơn quy định (từ trên 100% đến dưới 150% so với lãi suất cho vay trong hạn) tùy thuộc vào năng lực tài chính, điều kiện, nhân tố ảnh hưởng đến nghĩa vụ này.

Có thể thấy, hiện nay vẫn còn tồn tại quan điểm giải quyết hệ quả của thỏa thuận lãi suất trong HĐCV vượt quá mức trần lãi suất quá hạn hoặc không thỏa thuận lãi suất quá hạn (khoản 2, 3 Điều 5 Dự thảo lần 3 của Nghị quyết về lãi suất, phạt vi


phạm).154 Thiết nghĩ đây là vấn đề đã được luật định, như tác giả trình bày về một cơ chế lãi suất thỏa thuận với những giới hạn về lãi suất, quy định về chuyển nợ quá hạn đương nhiên khi đến hạn, do đó các bên phải có nghĩa vụ tuân thủ. Việc đặt ra những điều kiện này như dự thảo là không phù hợp (về điểm này, Nghị quyết 01/NQ-HĐTP ngày 11/1/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua sau đó không đề cập đến).

Như vậy, lãi suất nợ quá hạn xét về bản chất là một trong các hình thức chế tài (bên vay), khi bên vay không hoàn trả hoặc trả không đầy đủ nợ gốc. Biện pháp chế tài này khác với dạng chế tài chấm dứt cho vay thu hồi vốn trước hạn xuất phát từ sai phạm (lỗi) của bên vay đã vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin, vi phạm các cam kết trong HĐCV.

b) Các quy định pháp luật về chuyển nợ quá hạn trong hợp đồng cho vay

Pháp luật cho phép TCTD áp dụng nghiệp vụ pháp lý chuyển nợ quá hạn đối với số dư nợ gốc tại thời điểm bên vay có hành vi vi phạm (Điều 20 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN),155 cho dù bên cho vay không nhắc nợ bằng văn bản. Quy định này tiếp tục kế thừa những ưu việt của chế tài về lãi suất nợ quá hạn, đồng thời khẳng định, làm minh bạch hơn số tiền để tính lãi phạt phải là nợ gốc (số tiền vay đến hạn thanh toán). Điều này phù hợp với nguyên tắc xác định trách nhiệm pháp lý tại thời điểm vi phạm hợp đồng nếu giữa các bên không có thỏa thuận khác, tương tự như trong các quy định của pháp luật thương mại quốc tế (áp dụng đối với các hành vi vi phạm nghĩa vụ thanh toán trong thương mại).156

Pháp luật ngân hàng hiện hành cho phép các bên tự thỏa thuận lãi phạt khi chuyển nợ quá hạn, nhưng mức phạt không vượt quá 150% lãi suất ghi trong hợp đồng. Mặc dù vậy, hầu hết trong các HĐCV, bên cho vay vẫn “áp đặt” thỏa thuận khung về mức lãi suất nợ quá hạn cố định bằng 150% lãi suất cho vay trong hạn. Bên vay khó có cơ hội thỏa thuận điều chỉnh mức lãi suất này theo hướng thấp hơn (nguyên do các nhà làm luật không luật hóa tiêu chí cụ thể đối với từng mức lãi suất phạt) nên ý nghĩa của lãi suất nợ quá hạn theo thỏa thuận vẫn chưa đạt mục đích như mong muốn (Ví dụ: Hợp đồng tín dụng khách hàng cá nhân số 0078/2016/HĐTD-CN ngày 05/5/2016 ký giữa Ngân hàng thương mại cổ phần PhĐ – Chi nhánh quận 4 (TP. Hồ Chí Minh) với bà Nguyễn Thị Xuân Tr, tại khoản 1 Điều 7 quy định như sau: “…lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất vay trong hạn”. Hầu hết các hợp đồng vay của NHTM đều ấn định lãi suất quá hạn theo mức phạt tương tự như trên).

Vì vậy, trong từng khoản vay cho các mục đích, đối tượng vay vốn đặc thù khác nhau, pháp luật ngân hàng cần có khung lãi suất nợ quá hạn linh hoạt hơn, theo từng


154 Xem tại: https://vbpq.toaan.gov.vn/webcenter/portal/htvb/chi-tiet-vbdt?dDocName=TAND053142, truy cập lúc 7:54 ngày 21/1/2019

155 Xem thêm: Công văn số 950/NHNN/CSTT ngày 03/9/2002 của NHNN về chuyển nợ quá hạn đối với trường hợp chậm trả nợ gốc, lãi vốn vay

156 Chẳng hạn: Điều 9.508 Bộ quy tắc Châu Âu về hợp đồng; Điều 7.4.9 Bộ nguyên tắc Unidroit. Xem: Đỗ Văn Đại (2011), Sđd (59), tr. 222


biên độ, tỷ lệ nhất định để bảo vệ các quyền lợi chính đáng của bên vay. Theo tác giả, trong từng khoản vay vì mục tiêu chính sách của nhà nước, cho vay hỗ trợ người nghèo, trường hợp khách hàng không hoàn trả tiền vay vì rủi ro khách quan (thiên tai, định họa), pháp luật cần ấn định tỷ lệ phạt cụ thể không vượt quá 130% lãi suất cho vay trong hạn.

Đối với đối tượng vay nhằm mục đích tiêu dùng, lãi suất cho vay trên thực tế thường cao hơn nhiều so với lãi suất cho vay cùng kỳ hạn với mục đích khác. Khi bị chuyển nợ quá hạn, áp lực trả nợ đối với người vay tiêu dùng tăng lên rất cao, hậu quả là người vay tiêu dùng có tâm lý đối phó, trốn tránh thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Chẳng hạn: Hợp đồng tín dụng số 3425317852, được các bên ký kết ngày 12/8/2014, lãi suất Công ty tài chính H cho ông H vay là 6,06%/tháng157. Trong khi đó, lãi suất trung bình cho vay năm 2014 và hiện nay đối với khu vực sản xuất kinh doanh thông thường chỉ ở mức 6,8-11%/năm.158 Với thực tế này, nếu áp dụng mức lãi suất phạt quá hạn cố định 150% lãi suất cho vay trong hạn do ngân hàng ấn định ban đầu, người vay tiêu dùng bị chèn ép, quyền lợi bị xâm hại nghiêm trọng.

Hiện nay, nhiều TCTD tự ý đặt ra điều khoản cho phép chuyển nợ quá hạn đối với cả các khoản vay chưa đến hạn thanh toán có vi phạm hợp đồng (Ví dụ: Điều 6 tiết

6.2.1 Hợp đồng cấp tín dụng một ngân hàng có ghi: “MB được quyết định chuyển các khoản nợ sang nợ quá hạn khi bên vay không thanh toán các khoản nợ đầy đủ, đúng thời hạn kể cả trường hợp MB thu hồi nợ trước hạn”;159 Quy định này tương tự Điều 11 về chuyển nợ quá hạn tại Mẫu hợp đồng số 01A/TD-OCB/2017 - Phụ lục 02). Tình trạng này xảy ra từ lâu, được nhiều ngân hàng áp dụng như Hợp đồng tín dụng số HCM.RB101029.SHM1 ngày 25/11/2010 được ký kết giữa Ngân hàng thương mại cổ phần TP (Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh) với ông Lương Khải V và bà Nguyễn Thị Lệ Ch tại Điều 4 khoản 4.4 có đề cập, nhưng hợp đồng này lại ấn định thời hạn 30 ngày kể từ ngày ngân hàng có thông báo thu hồi nợ trước hạn mà bên vay không thanh toán đủ nợ vay, khi đó toàn bộ dư nợ gốc bị chuyển sang nợ quá hạn.160

Điều khoản nêu trên cho phép bên cho vay được quyết định chuyển nợ quá hạn ngay khi có quyết định của TCTD chấm dứt cho vay. Song, như đã được phân tích, bản chất của hành vi chấm dứt cho vay thu hồi vốn trước hạn là để bảo đảm an toàn vay, pháp luật ngân hàng trước đây cũng như hiện nay đều quy định: Chỉ khi bên vay vi phạm nghĩa vụ thanh toán nợ đến hạn theo thỏa thuận (Điều 20 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN), khi đó TCTD mới được phép chuyển nợ quá hạn. Thỏa thuận chuyển nợ quá hạn khi chưa đến thời hạn theo các hợp đồng nêu trên là trái pháp luật,


157 Xem tại: Bản án số 396/2017/DS-ST ngày 07/9/2017 của Tòa án nhân dân quận 8, TP. Hồ Chí Minh, tại Phụ lục số 03 – Tóm lược những vụ án tranh chấp HĐCV điển hình (Vụ án thứ 4)

158 Mặt bằng lãi suất cho vay trong năm 2014 từ 9,5-10%/năm (xem tại: https://www.stockbiz.vn/News/2014/12/31/539010/ngan-hang-nam-2014-dau-an-den-tu-lai-suat.aspx). Hiện nay, theo thống kê, lãi suất trung bình là 6,8% - 11%/năm, Ủy ban giám sát tài chính quốc gia (2017), Tlđd (71), tr. 14

159 Hợp đồng cấp tín dụng kiêm khế ước nhận nợ của Ngân hàng thương mại cổ phần QĐ (MB), Xem tại: www.vca.gov.vn/hopdongmau/02HDTDNGANHANKIEMNN_suafinal070316.doc, lúc 14:44 ngày 20/1/2017 160 Hợp đồng tín dụng số HCM.RB101029.SHM1 ký ngày 25/11/2010 giữa Ngân hàng thương mại cổ phần TP – Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh với ông Lương Khải V


gây thiệt hại cho bên vay. Lãi suất bên vay phải trả trong trường hợp này vẫn phải theo lãi suất trong hạn, cho đến khi hết thời hạn thanh toán nợ gốc.

Nguyên nhân của tình trạng này (chuyển nợ quá hạn) là do các TCTD tự đặt ra các điều khoản khung (trái pháp luật), cho phép TCTD chuyển nợ quá hạn khi khách hàng vi phạm hợp đồng dẫn đến chấm dứt cho vay. Vì vậy, khi giải quyết tranh chấp, những người xét xử cần nhận diện những thỏa thuận trái pháp luật để tuyên bác bỏ. Về lâu dài, các nhà làm luật cần ban hành quy định xử phạt hành chính đối với TCTD ban hành mẫu hợp đồng có các điều khoản sai trái, gây xâm hại đến quyền lợi của bên vay tương tự như hành vi đã nêu trên.

3.3.5.2. Thu hồi nợ

a) Thu hồi nợ theo thỏa thuận (không thông qua hoạt động tố tụng tài phán)

Pháp luật ngân hàng hiện hành có đề cập đến công tác giám sát, thu hồi nợ phát sinh từ HĐCV như một trách nhiệm quan trọng của chính các TCTD được luận án đề cập đến. Việc xử lý nợ xấu, nợ quá hạn trong hoạt động ngân hàng đến từ các nguồn giao dịch khác của ngân hàng (đầu tư, mua bán tài sản của ngân hàng không liên quan đến tài sản bảo đảm tiền vay), luận án không đề cập nghiên cứu.

Nghĩa vụ trả nợ theo HĐCV trước hết phải do bên vay tự giác thực hiện, song không phải bên vay lúc nào cũng nghiêm túc chấp hành nghĩa vụ này. Bằng biện pháp nghiệp vụ như nhắc nợ, yêu cầu bên vay đối chiếu, có kế hoạch trả nợ cụ thể, thu giữ tài sản bảo đảm… các TCTD bước đầu tiến hành các nghiệp vụ thu hồi tiền vay.

Trong HĐCV của các NHTM được tác giả tiếp cận, nhìn chung đều có thể hiện điều khoản thu hồi nợ, nhưng phần lớn những điều khoản này chưa được đầy đủ, rõ ràng chưa phù hợp với quy định của pháp luật nên không được bên vay tự giác thực thi khi phát sinh nợ. Ví dụ: Hợp đồng tín dụng hạn mức số 0443/2016/200 ký ngày 14/6/2016 giữa Ngân hàng thương mại cổ phần NA với Công ty trách nhiệm hữu hạn GRA, tại điểm a, khoản 3 Phụ Lục A có ghi như sau: “Khi đến ngày đáo hạn hoặc đến kỳ hạn trả nợ, nến bên vay không trả nợ… đầy đủ kịp thời, Ngân hàng được toàn quyền trích tài khoản tiền gửi của Bên vay mở tại Ngân hàng hoặc tại bất kỳ TCTD nào khác (nếu có) để thu nợ”.

Với nội dung thỏa thuận về điều khoản thu nợ từ tài khoản tiền gửi tiết kiệm (có khoản vay thấp hơn hoặc bằng tổng giá trị sổ tiết kiệm và lãi, thời điểm đáo hạn của khoản vay ngắn hơn thời hạn của sổ tiết kiệm), biện pháp xử lý nợ theo dạng này thông thường đơn giản, do TCTD chủ động thực hiện nghiệp vụ cấn trừ tiền tiết kiệm do TCTD đang quản lý. Song, khi áp dụng biện pháp bảo đảm này, TCTD phải thực hiện theo đúng trình tự thủ tục, kể cả đăng ký giao dịch bảo đảm nếu cần thiết nhằm tránh rủi ro do khách hàng sử dụng sổ tiết kiệm cầm cố nhiều nơi, có nhiều con nợ hoặc khi có tranh chấp quyền sở hữu tiền tiết kiệm.

Đối với trường hợp xử lý tài khoản tiền gửi của bên vay tại các TCTD khác (không phải là TCTD cho vay), khi xử lý phải có sự đồng thuận của các bên. Nếu không thống nhất, các bên phải thực hiện theo quyết định của cơ quan nhà nước có

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 09/12/2022