- Cần kiện toàn Ban xử lý nợ giai đoạn 3. Mỗi Bộ nên cử 1 Thứ trưởng, mỗi tỉnh nên cử 1 phó chủ tịch chuyên trách xử lý công nợ dây dưa. Định kỳ 6 tháng, 1 năm nên đánh giá kết quả xử lý nợ xấu, có khen thưởng kỉ luật.
3.3.5. Cải cách ngân hàng thương mại nhà nước và môi trường chính sách vĩ mô
Cần phải thực hiện một cách thống nhất những chương trình mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra trong thời gian gần đây, bao gồm cải cách lại Ngân hàng Nhà nước theo hướng tăng cường chức năng của Ngân hàng Trung ương trong điều hành chính sách tiền tệ, đảm bảo sự độc lập tương đối của Ngân hàng Nhà nước trong vấn đề này đồng thời chuyển sang sử dụng các công cụ chính sách gián tiếp theo cơ chế thị trường, tăng cường năng lực của thanh tra ngân hàng theo chuẩn mực quốc tế đi đôi với tự do hóa khu vực ngân hàng.
Cải cách ngân hàng thương mại nhà nước phải tiến hành song song với tiến trình đổi mới cơ chế quản lý kinh tế vĩ mô, cơ cấu bộ máy quản lý nhà nước đi đôi với cải cách khu vực chi tiêu công. Để đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu và ngăn ngừa nguy cơ gia tăng nợ xấu trong ương lai, cần phải đẩy nhanh cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước. Hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại nhà nước là bức tranh phản chiếu tình hình hoạt động của hệ thống doanh nghiệp. Các ngân hàng thương mại nhà nước không thể lành mạnh nếu các doanh nghiệp, khách hàng của họ làm ăn thua lỗ. Doanh nghiệp nhà nước được cải cách sẽ làm giảm gánh nặng ngân sách do phải bù lỗ liên tục cho hệ thống thường làm ăn kém hiệu quả này, giảm gánh nặng bao cấp tín dụng và kết quả là làm giảm nợ xấu.
3.3.6. Phối hợp chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa
Những khoản chi ngân sách cho củng cố và cải cách hệ thống ngân hàng thương mại nhà nước thường là khá lớn. Những khoản cho vay cứu trợ khi ngân hàng mất khả năng thanh toán hoặc chi phí để khắc phục hậu quả của khách hàng, xử lý nợ xấu cũng là áp lực gây ra sự mất ổn định. Nếu lạm dụng phát hành tiền sẽ gây lạm phát và mất ổn định kinh tế vĩ mô. Nhưng nếu chỉ
dựa vào hình thức phát hành trái phiếu Chính phủ thì khả năng cải thiện tình hình tài chính cho các ngân hàng thương mại nhà nước là rất khó khăn, và nhiều khi chỉ dựa vào ngân hàng trung ương. Do đó, cần có sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Trách nhiệm do bán tài sản bảo đảm nợ là nguồn thu nợ tồn đọng của nghiệp vụ cho vay, không phải là hoạt động kinh doanh bất động sản. Do đó, ngân hàng không phải nộp thuế giá trị gia tăng.
3.3.7. Sửa đổi các quy định về phân loại nợ
Việc phân loại nợ phải chuyển từ những tiêu chí dựa trên thời hạn quá hạn sang những tiêu chí dựa trên cơ sở rủi ro. Phân loại nợ xấu một cách khoa học, dựa trên các tiêu thức: nguyên nhân phát sinh nợ, khả năng thu hồi nợ, tài sản bảo đảm nợ vay, đối tượng khách hàng.
Tiêu chí nợ xấu có thể được xem xét thêm các yếu tố:
Có thể bạn quan tâm!
- Pháp Luật Dân Sự Và Đất Đai Liên Quan Đến Xử Lý Nợ Xấu
- Pháp Luật Về Phá Sản Doanh Nghiệp Liên Quan Đến Xử Lý Nợ Xấu
- Thách Thức Đặt Ra Đối Với Hệ Thống Ngân Hàng Thương Mại Nhà Nước Trong Quá Trình Hội Nhập Kinh Tế Quốc Tế
- Pháp luật về xử lý nợ xấu của ngân hàng thương mại nhà nước ở Việt Nam - 13
- Pháp luật về xử lý nợ xấu của ngân hàng thương mại nhà nước ở Việt Nam - 14
Xem toàn bộ 119 trang tài liệu này.
- Người vay vi phạm pháp luật, bị tước hoặc bị thu hồi giấy phép kinh doanh.
- Chủ doanh nghiệp hoặc cá nhân bị khởi tố về hành vi vi phạm pháp luật.
- Tình hình sản xuất kinh doanh của khách hàng có dấu hiệu xấu.
- Vốn vay đã được sử dụng sai mục đích.
- Khách hàng chết, hoặc mất tích.
- Khách hàng không có thiện chí trong việc giải quyết nợ xấu.
- Các trường hợp khác.
3.3.8. Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản trực thuộc ngân hàng thương mại (AMC)
Nên xác định AMC là đơn vị kinh doanh không vì mục tiêu lợi nhuận:
- Đa chức năng cho AMC bằng các hoạt động như môi giới mua bán bất động sản, tư vấn cơ cấu doanh nghiệp.
- Đào tạo cán bộ cho AMC đủ kĩ năng thực hiện các kĩ năng mới của AMC ở trong nước và nước ngoài có kinh nghiệm về vấn đề này.
- Miễn tất cả các loại thuế đối với AMC.
3.3.9. Xây dựng hoàn thiện cơ chế thị trường mua bán nợ
Khi thị trường mua bán nợ đang được hình thành, cần ban hành Nghị định về xây dựng thị trường mua bán nợ, với các nội dung như: đảm bảo lợi ích của các bên tham gia hoạt động mua bán nợ, như lợi ích của chủ nợ, con nợ, các công ty môi giới, kinh doanh nợ, địa vị pháp lý và các quyền đặc biệt đối với chủ nợ, các ưu đãi của Nhà nước đối với các hoạt động mua bán nợ, ví dụ như truy cập thông tin …
DATC (Debt Assets Trading Company) nên được chuyển thành một doanh nghiệp đặc biệt, hoạt động công ích và các khoản lỗ do mua bán nợ phải được Nhà nước bù lại.
Nhà nước nên sớm có những chế tài nghiêm ngặt để các công ty dịch vụ thu hồi nợ hoạt động hợp pháp, hiệu quả, tránh thu hồi nợ theo kiểu "xã hội đen".
3.3.10. Pháp luật cho vay
Pháp luật cho vay phải thay đổi quy định cho vay có bảo đảm bằng tài sản như là điều kiện tiên quyết. Việc tiến hành thu nợ bằng tài sản bảo đảm phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố khách quan đối với ngân hàng cho vay như:
- Tính thanh khoản của tài sản bảo đảm
- Thị trường mua bán, cho thuê tài sản
- Khung pháp lý cho việc xử lý nợ xấu
Việc coi tài sản bảo đảm như là nguồn thu nợ sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho ngân hàng thương mại nhà nước. Trong điều kiện môi trường pháp lý chưa hoàn thiện, còn nhiều bất cập tính khả thi của dự án vay vốn và khả năng sinh lời của vốn vay có thể coi là điều kiện tiên quyết trong quyết định cấp tín dụng của ngân hàng.
Pháp luật về bảo đảm tiền vay thừa nhận quyền chủ động của ngân hàng thương mại nhà nước trong việc xử lý tài sản bảo đảm. Theo đó, ngân hàng cho vay có toàn quyền xử lý tài sản bảo đảm (bao gồm cả quyền sử dụng đất) đã nhận bảo đảm hợp pháp khi cho vay. Ngân hàng có quyền lựa chọn và
thỏa thuận hình thức xử lý tài sản bảo đảm (bao gồm cả quyền sử dụng đất) phù hợp với từng trường hợp.
Pháp luật về bảo đảm tiền vay cần thừa nhận nhiều biện pháp bảo đảm bằng tài sản đã, đang và sẽ được thực hiện trên thực tế như quyền chuyển nhượng, quyền điều hành nhà máy, quyền thu lợi tức của dự án...
Pháp luật cần thừa nhận nguyên tắc xử lý nợ xấu theo hướng tối đa hoa lợi ích kinh tế thu lại từ tài sản bảo đảm. Theo đó, khi xử lý tài sản bảo đảm, các ngân hàng cần tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh của tài sản bảo đảm để tiếp tục thu được lợi tức từ tài sản này thay vì tiến hành kê biên, niêm phong ngay tài sản khi khách hàng vi phạm nghĩa vụ trả nợ.
Khi Tòa án thụ lý quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án vì lí do vắng mặt hoặc khi Tòa án quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là kê biên tài sản bảo đảm giao cho ngân hàng quản lý nhưng ngân hàng không được xử lý tài sản bảo đảm, thì ngân hàng không thể thực hiện quyền hợp pháp của mình là xử lý tài sản bảo đảm trong khi tài sản bảo đảm để lâu bị hư hỏng, mất giá... Không những thế ngân hàng còn phải trả các chi phí trông giữ, bảo quản và có trường hợp cán bộ ngân hàng bị khởi tố vì khai thác tài sản để tận thu nợ cho ngân hàng. Cuối cùng là ngân hàng vẫn phải chịu mất vốn. Như vậy, pháp luật cần trao cho ngân hàng quyền khai thác, sử dụng tài sản để bảo đảm cho khả năng thu hồi lại vốn. Trong khi Luật Các tổ chức tín dụng và các văn bản khác chưa được sửa đổi thì giải pháp tối đa hóa lợi ích kinh tế thu lại từ các tài sản bảo đảm trong trường hợp tạm đình chỉ giải quyết vụ án cần được đề ra theo hướng Tòa án nên ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời giao cho ngân hàng quản lý và được quyền xử lý tài sản để thu hồi nợ, tránh hư hỏng thất thoát và giảm thiểu rủi ro cho ngân hàng.
3.3.11. Sáp nhập, mua lại, giải thể, phá sản ngân hàng
Sáp nhập, mua lại ngân hàng không phải là thuật ngữ xa lạ, đặc biệt ở các định chế tài chính lớn của các quốc gia phát triển trên thế giới. Xu thế sáp nhập các Ngân hàng thương mại nhà nước hay mua lại đều có thể xảy ra ở nước ta, vì quy mô vốn của ngân hàng nước ta đều ở mức trung bình so với thế giới.
Vì vậy, có thể sáp nhập các ngân hàng lại theo các mục đích kinh doanh thống nhất, và cũng có thể giải thể, chia tách các ngân hàng hoạt động yếu kém.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 3
Kinh nghiệm thành công của một số quốc gia trên thế giới trong việc phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nợ xấu cho thấy: Công tác xử lý nợ xấu không phải là một việc làm đơn lẻ, mà đó là một chu trình tổng hợp, xen kẽ rất nhiều cách thức khác nhau, từ pháp luật, chính sách đến các phương thức khác. Dựa trên kinh nghiệm của thế giới, các ngân hàng thương mại nhà nước ở Việt Nam có thể xử lý nợ xấu theo một chu trình: dự báo, phòng ngừa, phát hiện, xử lý, ngăn chặn triệt để, không để nợ xấu tái phát sinh, ảnh hưởng đến sự an toàn và lành mạnh của hệ thống. Có thể thấy rằng, xử lý nợ xấu không phải là việc làm đơn giản. Xử lý nợ xấu đòi hỏi sự thống nhất từ pháp luật tới việc thi hành. Theo đó, các giải pháp xử lý nợ xấu có thể bao gồm:
- Quản trị rủi ro tín dụng.
- Nâng cao năng lực cạnh tranh các ngân hàng thương mại nhà nước.
- Cổ phần hóa ngân hàng thương mại nhà nước.
- Xử lý tốt công nợ.
- Cải cách ngân hàng thương mại nhà nước và môi trường chính sách
vĩ mô.
- Phối hợp chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa.
- Sửa đổi quy định về phân loại nợ.
- Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản trực thuộc ngân hàng thương
mại (AMC).
- Xây dựng và hoàn thiện thị trường mua bán nợ.
- Pháp luật cho vay.
- Sáp nhập, mua lại, giải thể, phá sản ngân hàng.
KẾT LUẬN
Rõ ràng, nợ xấu tác động không tốt tới hoạt động của ngành ngân hàng, cũng như toàn nền kinh tế. Trước đây và hiện nay, do thông tin về nợ xấu rất nhạy cảm, có thể ảnh hưởng sâu sắc đến ngân hàng nên rất nhiều thông tin không được minh bạch. Việc tiếp cận với vấn đề này quả là không dễ dàng. Ai cũng biết, nếu các thông tin về nợ xấu trở nên phổ biến, việc thu hút vốn đầu tư trở nên khó khăn, thêm vào đó, người gửi tiền khó có sự tin tưởng thực sự để ủy thác cho ngân hàng quản lý vốn. Vì vậy, không có gì là khó hiểu khi các thông tin về nợ xấu luôn luôn là một "bí mật nghiêm ngặt" của tất cả các ngân hàng. Tuy vậy, trong thời gian gần đây, do chủ trương cổ phần hóa của Chính phủ, các ngân hàng đứng trước những bước ngoặt thay đổi to lớn thì "căn bệnh trầm kha" của ngân hàng cũng được hé mở ra công chúng phần nào. Vì các lý do khách quan như pháp luật, chính sách..., vì lý do chủ quan như vẫn còn tâm lý coi đó là điều cần phải " ẩn đi" mà các thông tin, tài liệu nghiên cứu trong lĩnh vực này đặc biệt hạn chế. Do vậy, việc nghiên cứu dưới khía cạnh pháp luật về vấn đề này còn rất khiêm tốn. Giới nghiên cứu luật pháp không có công trình nào nghiên cứu một cách triệt để, toàn diện về các khâu, trình tự và cách thức xử lý nợ xấu. Đó là một khó khăn không nhỏ nhưng cũng là động lực khá lớn cho người viết khi nghiên cứu đề tài này, vì tính thời sự, mới mẻ, thách thức nhưng hữu ích của việc nghiên cứu. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, cả 4 ngân hàng thương mại nhà nước lớn là VCB, ICB, BIDV, VBARD đang đứng trước quá trình cổ phần hóa theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Vậy nên, dù khó khăn, nhưng vấn đề nợ xấu là không thể né tránh, cần phải minh bạch và cần có quyết sách đúng đắn. Nợ xấu phải được đưa lên bàn cân để tính toán trước khi cổ phần hóa.
Với mong muốn góp phần nhỏ bé vào công cuộc xây dựng pháp luật, luận văn đã nghiên cứu những vấn đề liên quan đến bản chất, nguyên nhân, hậu quả, cách thức xử lý, so sánh với kinh nghiệm nước ngoài và khả năng áp dụng vào Việt Nam, đánh giá thực trạng áp dụng pháp luật xử lý nợ xấu, từ đó
chỉ ra những điểm bất cập, khiếm khuyết cần phải sửa đổi. Trên cơ sở đó, luận văn có những kiến nghị nhằm hoàn thiện những quy định pháp luật về quy trình xử lý nợ xấu, từ khâu nhận định rủi ro đến đánh giá, xử lý và ngăn ngừa tái phát. Luận văn đã phân tích các nguyên nhân xảy ra nợ xấu trên rất nhiều góc độ: từ chính sách kinh tế vĩ mô, sự thay đổi của nền kinh tế thế giới và nội địa, các chính sách pháp luật vừa thiếu, vừa chồng chéo và mâu thuẫn đến các nguyên nhân tự thân của ngân hàng thương mại nhà nước như: năng lực tài chính yếu kém, xử lý nợ không triệt để, nguồn nhân lực ngân hàng hạn chế … Có thể thấy, các nguyên nhân này xảy ra rất đồng thời, từ khách quan đến chủ quan theo một diễn tiến bất lợi khiến cho nợ xấu luôn luôn là một "bài ca đi cùng năm tháng" trong hoạt động của ngành ngân hàng. Xem xét một cách tổng thể, một trong những căn nguyên quan trọng nhất là sự yếu kém trong các chính sách cho vay và các chính sách pháp luật liên quan như đất đai, doanh nghiệp, hôn nhân gia đình… Chính vì vậy, sự sửa đổi hoàn thiện ở đây, nếu có, cũng phải thay đổi từ nội tại các chính sách bất hợp lý của nước ta. Do một nền luật pháp còn non trẻ và hàm chứa nhiều mâu thuẫn, sự tham khảo kinh nghiệm quốc tế là rất cần thiết. Trên cơ sở kinh nghiệm của các nước có nền kinh tế và văn hóa tương đương với đất nước chúng ta như Thái Lan, Malaysia…, luận văn đã đưa ra một số đề xuất giải pháp hoàn thiện theo hướng chú trọng từ khâu phòng ngừa, dự báo, cảnh báo đến phát hiện, xử lý triệt để và ngăn ngừa nợ xấu phát sinh, bao gồm các giải pháp:
* Về phòng ngừa:
- Quản trị tốt rủi ro tín dụng
- Nâng cao hơn nữa năng lực quản trị rủi ro và năng lực cạnh tranh của các ngân hàng thương mại nhà nước
* Về phát hiện, xử lý triệt để và ngăn ngừa nợ xấu phát sinh có các biện pháp đồng bộ:
Xử lý tốt công nợ, cổ phần hóa các ngân hàng thương mại nhà nước, cải cách môi trường kinh tế và đầu tư, sửa đổi các quy định về phân loại nợ,
thay đổi cơ chế công ty quản lý nợ và tài sản tồn đọng, xây dựng thị trường mua bán nợ, sửa đổi pháp luật cho vay và các biện pháp cơ cấu lại các ngân hàng theo hướng mua bán, giải thể, sáp nhập hoặc phá sản ngân hàng. Có thể nói, trong xử lý nợ xấu, quan trọng là cần minh bạch hóa thông tin về tình trạng nợ, trên cơ sở đó, cần có sự phối hợp nghiên cứu chính sách và sự thi hành triệt để giữa các ban ngành, cơ quan hữu quan.
Các biện pháp này cần được thực hiện nghiêm túc hơn trước. Việt Nam đã là thành viên của WTO vào cuối năm 2006, vì vậy, các ngân hàng lớn của đất nước không những phải đáp ứng các cam kết về mở cửa và tự do của quốc tế mà chúng ta còn phải đối diện với sự khủng hoảng của thị trường khi có quá đông các tổ chức và định chế cùng hoạt động. Vì vậy, hơn lúc nào hết, các ngân hàng thương mại nhà nước cần đẩy nhanh tiến độ lành mạnh hóa tài chính.
Luận văn đưa ra những kiến giải, kiến nghị theo quan điểm của người nghiên cứu khoa học, với mong muốn đưa ra một cái nhìn, một góc độ sâu hơn về luật pháp trong vấn đề xử lý nợ xấu. Dù đã có nhiều cố gắng, song, do bản chất vấn đề là phức tạp và nhạy cảm, do điều kiện nghiên cứu và thời gian có hạn nên không tránh khỏi thiếu sót, vì vậy, người viết rất mong nhận được sự trao đổi để luận văn tiếp tục được nghiên cứu sâu hơn.