tiếng và uy tín của trường, cùng với sự hỗ trợ ban đầu về quyền sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị và phòng thí nghiệm (Hoàng Anh, 2020).
Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có các văn bản hướng dẫn cụ thể về việc giao quyền sử dụng tài sản và hoàn trả giá trị tài sản. Việc này còn gây khó khăn thêm cho các doanh nghiệp KH&CN trực thuộc CSGDĐH công lập, do còn phải phụ thuộc vào thỏa thuận giữa đại diện chủ sở hữu Nhà nước và CSGDĐH công lập mà nó trực thuộc nếu đó là tài sản mà doanh nghiệp được CSGDĐH công lập giao sử dụng.
Liên quan đến việc phân chia lợi nhuận thu được từ việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học cho Nhà nước, Nghị định 70/2018/NĐ-CP quy định tại khoản 3 Điều 28. Theo đó, khi CSGDDH công lập nhận giao quyền sử dụng tài sản là kết quả của nhiệm vụ KH&CN để tiếp tục nghiên cứu và phát triển hay thương mại hóa kết quả nghiên cứu phải chuyển giao có lợi nhuận tương ứng với tỉ lệ vốn mà Nhà nước đã đóng góp vào nhiệm vụ. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp KH&CN trực thuộc CSGDĐH công lập sẽ phải gánh vác nghĩa vụ phân chia lợi nhuận cho Nhà nước khi được CSGDĐH công lập giao quyền sử dụng tài sản là kết quả nghiên cứu KH&CN hình thành từ nhiệm vụ KH&CN sử dụng vốn Nhà nước. Hơn nữa, doanh nghiệp KH&CN sẽ phải đối mặt với việc chi trả cho mức lợi nhuận cao nếu Nhà nước đóng góp với tỉ lệ vốn cao trong nhiệm vụ nghiên cứu khoa học đó. Quy định này sẽ không tạo động lực cho doanh nghiệp KH&CN trực thuộc tham gia quá trình thương mại hóa, dù có ở trong vai trò là tổ chức chủ trì triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN hay là nhận giao quyền sử dụng tài sản từ CSGDĐH công lập. Tương tự như vậy, chính các CSGDĐH công lập cũng không có động lực để tiếp tục tham gia quá trình thương mại hóa kết quả nghiên cứu hay tài sản trí tuệ để làm tiền đề cho việc thành lập ra các doanh nghiệp KH&CN.
2.2. Thực tiễn thi hành pháp luật về thành lập và quản lý điều hành doanh nghiệp KH&CN trực thuộc đại học công lập
2.2.1. Những kết quả đạt được
Thành lập doanh nghiệp trực thuộc các CSGDĐH tại các nước phát triển đã được triển khai trong thực tế từ lâu, tuy vậy khái niệm này vẫn còn khá mới mẻ trong
môi trường pháp lý tại Việt Nam. Việc cho phép thành lập doanh nghiệp trực thuộc các CSGDĐH, đặc biệt là đại học công lập, đã thể hiện tinh thần đổi mới của các nhà làm luật, sẵn sàng thay đổi để hội nhập quốc tế. Sự kiện này sẽ tạo điều kiện cho các trường đại học công lập tại Việt Nam phát huy tối đa việc ứng dụng các thành tựu nghiên cứu khoa học vào thực tiễn cũng như nâng cao khả năng thương mại hóa các thành tựu này. Thông qua các sản phẩm được thương mại hóa bởi doanh nghiệp trực thuộc, các trường đại học sẽ có thêm được một nguồn thu đáng kể, phục vụ cho quá trình tự chủ đại học và tái đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu khoa học. Tính đến thời điểm hiện tại, đa số đều thành lập theo loại hình công ty TNHH. Trong số các trường đại học đã thành lập doanh nghiệp trực thuộc, có những mô hình doanh nghiệp đã có những thành công nhất định và tạo được dấu ấn trên thị trường.
Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu của ĐHQGHN, một trong những đơn vị hoạt động hiệu quả nhất trong số các doanh nghiệp trực thuộc đại học công lập là BK Holdings, với 100% vốn đầu tư của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Tính đến nay, BK Holdings hiện đang có 10 đơn vị thành viên hoạt động trong ba lĩnh vực chính là giáo dục đào tạo, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo. Mặc dù hiện nay BK Holdings chưa có đủ nguồn lực về cơ sở vật chất như các khu chế thử, sản xuất thử nghiệm, nhưng doanh nghiệp này vẫn có những đột phá về mảng nghiên cứu KH&CN và đóng góp cho các đề tài nghiên cứu khoa học cũng như thương mại hóa sản phẩm trên thị trường. Một số kết quả nghiên cứu có thể nói đến như (Thùy Vân, 2021):
- Đề tài khoa học cấp quốc gia nghiên cứu chế tạo lớp phủ chống cháy từ một số hệ polyme hữu cơ và các chất phụ gia nhằm ứng dụng bảo vệ kết cấu, ngăn lửa cho các công trình công nghiệp và dân dụng khi có sự cố hỏa hoạn.
Có thể bạn quan tâm!
- Thực Trạng Pháp Luật Về Thành Lập Và Quản Lý Điều Hành Doanh Nghiệp Khoa Học Và Công Nghệ Trực Thuộc Cơ Sở Giáo Dục Đại Học Công Lập Tại
- Thẩm Quyền Quyết Định Thành Lập Doanh Nghiệp Trực Thuộc
- Pháp luật về thành lập và quản lý điều hành doanh nghiệp khoa học công nghệ trực thuộc cơ sở giáo dục đại học công lập tại Việt Nam - 7
- Đề Xuất Giải Pháp Hoàn Thiện Pháp Luật Về Thành Lập Và Quản Lý Điều Hành Doanh Nghiệp Khoa Học Và Công Nghệ Trực Thuộc Cơ Sở Giáo Dục Đại
- Giải Pháp Hoàn Thiện Pháp Luật Về Thành Lập Và Quản Lý Điều Hành Doanh Nghiệp Kh&cn Trực Thuộc Csgdđh Công Lập
- Pháp luật về thành lập và quản lý điều hành doanh nghiệp khoa học công nghệ trực thuộc cơ sở giáo dục đại học công lập tại Việt Nam - 11
Xem toàn bộ 99 trang tài liệu này.
- Ứng dụng công nghệ sinh học trong chế biến để nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm nước mắm từ nguồn lợi thủy sản.
- Dự án với Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông nghiên cứu chế tạo và sản xuất thử nghiệm các loại bột huỳnh quang chuyên dụng hiệu suất cao phục vụ sản xuất các sản phẩm bóng đèn huỳnh quang chất lượng cao và đèn huỳnh quang xuất khẩu.
- Nghiên cứu và phát triển công nghệ sản xuất, thử nghiệm và thương mại hóa sản phẩm LED dùng trong chiếu sáng nhân tạo nông nghiệp công nghệ cao
- Nghiên cứu cung cấp máy thu nhận vân tay cho dự án cấp căn cước công dân của Bộ Công an; Dự án với Công ty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại cung cấp tấm phát tín hiệu xung mồi và panel điều khiển.
- Nghiên cứu và sản xuất thành công 3 loại sơn chống cháy cho vật liệu gỗ, bê tông và thép
Ngoài ra, BK Holdings đã và đang tham gia tư vấn và triển khai các đề án quốc gia và dự án quốc tế về công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như Đề án 844 của Bộ KH&CN, Đề án 1665 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Đề án 4889 của thành phố Hà Nội, dự án IPP của chính phủ Phần Lan (Thùy Vân, 2021).
BK Holdings hiện đã tách bạch hoạt động chuyển giao công nghệ và sản xuất kinh doanh ra khỏi sự điều hành của Trường Đại học Bách Khoa, và minh bạch hóa việc đưa tài sản nhà trường vào quá trình sản xuất kinh doanh nhằm tạo cơ chế để các nhà khoa học trong trường được tham gia hoạt động của doanh nghiệp; hơn nữa doanh nghiệp này tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong mọi hoạt động của mình, nhưng vẫn chịu sự quản lý giám sát từ phía trường (Hoàng Anh, 2020).
Hình 2. Mô hình thành lập Công ty TNHH MTV BK Holdings
(Nguồn: http://www.bkholdings.com.vn/vn/Gioi-thieu.html)
Ngoài BK Holdings, các doanh nghiệp KH&CN trực thuộc khác vẫn đang hoạt động rất sôi nổi và hiệu quả. Cụ thể (Văn Toàn, 2019):
Công ty TNHH Khoa học Tự nhiên: Giống như BK Holdings, Công ty TNHH Khoa học Tự nhiên có 100% vốn đầu tư của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – ĐHQGHN. Doanh nghiệp này chủ yếu tập trung khai thác các đề tài, nhiệm vụ hợp tác KH&CN với các Bộ, ngành, địa phương. Mặc dù quy mô còn nhỏ và doanh thu chưa cao, nhưng các hoạt động chuyển giao, thương mại hóa sản phẩm vẫn được tiến hành. Một số công nghệ hiện công ty đang nắm như công nghệ sản xuất vật liệu xốp Aluminum, công nghệ sản xuất màng lọc Diamond, công nghệ sản xuất phân bón vi sinh… Về cơ cấu tổ chức, phía trường bổ nhiệm các vị trí chủ chốt của doanh nghiệp như Chủ tịch và thành viên của Hội đồng thành viên, và Ban điều hành doanh nghiệp. Hoạt động của doanh nghiệp này vẫn có sự can thiệp của các lãnh đạo trường do chưa có sự tách bạch giữa quản lý trường và doanh nghiệp.
Công ty Tư vấn và Chuyển giao công nghệ Trường Đại học Thủy lợi: Hoạt động theo mô hình công ty TNHH hai thành viên, với cơ cấu vốn điều lệ gồm 39% của Trường Đại học Thủy lợi và 61% của các thành viên khác. Hiện tại, doanh nghiệp có 6 đơn vị trực thuộc gồm: 4 chi nhánh tại các miền Bắc, Trung, Nam và Tây Nguyên, Trung tâm Tư vấn và ứng dụng công nghệ và Văn phòng Công ty. Trong năm 2017, tổng doanh thu của doanh nghiệp đạt tới con số 75 tỷ 112 triệu đồng. Doanh nghiệp chủ yếu tham gia vào các hoạt động tư vấn đầu tư xây dựng và khảo sát thiết kế, thi công xây dựng, chuyển giao kết quả nghiên cứu KH&CN mới vào công tác thiết kế thi công và quản lý công trình thủy lợi.
Điểm chung của các doanh nghiệp KH&CN trực thuộc CSGDĐH công lập hiện nay đều là những công ty thuộc loại doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các hoạt động chuyển giao công nghệ và thương mại hóa sản phẩm từ kết quả nghiên cứu khoa học tại các doanh nghiệp này trong những năm gần đây đều diễn ra sôi động, khẳng định hiệu quả của các doanh nghiệp trực thuộc và giá trị nó tạo ra cho CSGDĐH và kinh tế xã hội nói chung. Ngoài việc mang lại nguồn thu đáng kể và lợi nhuận cho CSGDĐH trực thuộc, mô hình này còn là cầu nối giữa đào tạo của CSGDĐH công lập với thực tiễn sản xuất và đời sống, góp phần đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao
các sản phẩm nghiên cứu KH&CN đi vào thực tế. Hơn nữa còn tạo điều kiện cho giảng viên và sinh viên của trường được tiếp cận nhiều hơn với các vấn đề thực tế, qua đó nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo trong trường.
2.2.2. Những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện các quy định pháp luật
Bên cạnh các kết quả đã đạt được như thực hiện được mục tiêu chuyển giao tri thức và thương mại hóa sản phẩm từ kết quả nghiên cứu KH&CN, hay xây dựng cầu nối giữa CSGDĐH với doanh nghiệp và xã hội, các doanh nghiệp KH&CN trực thuộc cũng như các lãnh đạo của CSGDĐH công lập vẫn còn gặp một số khó khăn về vấn đề pháp lý ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Hiện nay, số lượng doanh nghiệp KH&CN trực thuộc CSGDĐH công lập mới chỉ dừng lại ở con số rất nhỏ, trong khi tiềm năng khai thác nghiên cứu KH&CN tại các CSGDĐH là rất lớn do có sẵn nguồn tài nguyên về cơ sở vật chất cũng như nhân lực chất lượng cao. Một số khó khăn tiêu biểu mà các doanh nghiệp KH&CN trực thuộc đã và đang phải đối mặt có thể kể đến như sau:
Thứ nhất, hoạt động của doanh nghiệp KH&CN trực thuộc CSGDĐH công lập còn bị vướng mắc bởi nhiều quy định pháp luật. Có thể nói là mô hình tự chủ đại học kết hợp cùng với tinh thần khởi nghiệp sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong trường được hình thành. Tại Việt Nam, các CSGDĐH công lập thường có rất ít sự tự chủ, tự trị do vai trò quản trị đều được giao cho Bộ GD&ĐT hoặc cơ quan chủ quản các trường. Hầu hết các vấn đề then chốt các CSGDĐH công lập đều không được tự quyết định, từ việc cung cấp phân bổ ngân sách cho đến những vấn đề quản trị nội bộ như học phí, hạch toán chi phí…Mặc dù một số văn bản quy phạm pháp luật đã được xây dựng nhằm đổi mới cơ chế hoạt động trong các CSGDĐH công lập, tuy vậy trên thực tế chưa có những sự thay đổi đáng kể so với tiềm năng vốn có của các CSGDĐH công lập và so với sự mong đợi của xã hội. Hoạt động của CSGDĐH công lập không chỉ bị ảnh hưởng bởi Luật GDĐH mà còn vướng mắc tới các quy định khác như Luật Viên chức, Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Luật Đất đai… tạo nên không ít rào cản trong hoạt động của doanh nghiệp trực thuộc.
Khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp này thường gặp phải đó chính là hạn chế về chính sách sử dụng cơ sở vật chất, thương hiệu và nguồn lực cũng như các thủ tục hành chính liên quan để triển khai các hoạt động của doanh nghiệp. Pháp luật không quy định rõ ràng về việc góp vốn hay giao tài sản, đất đai của Nhà nước cho các doanh nghiệp trực thuộc đơn vị theo mô hình góp vốn, do vậy ít nhiều gây vướng mắc và lúng túng đối với các CSGDĐH công lập. Nếu đưa đất đai và tài sản công vào sử dụng tại doanh nghiệp KH&CN trực thuộc dưới hình thức cho thuê hoặc liên doanh, các thủ tục và yêu cầu cũng rất khó khăn và tốn thời gian, khi phải lập đề án, chờ duyệt đề án, lập kế hoạch tổ chức thực hiện và cập nhật lên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia. Quá trình này sẽ ảnh hưởng tới các hoạt động của doanh nghiệp KH&CN trực thuộc để bắt kịp được tiến độ dự án nghiên cứu khoa học hay là trong quá trình thực hiện thương mại hóa sản phẩm từ kết quả nghiên cứu KH&CN.
Khó khăn tiếp theo đến từ quy định của Luật Viên chức không cho phép cán bộ, giảng viên của CSGDĐH công lập được tham gia vào hoạt động thành lập và quản lý điều hành doanh nghiệp, dù là doanh nghiệp trực thuộc đơn vị nơi họ đang công tác. Dù trên thực tế các CSGDĐH công lập đã phần nào giải quyết được vấn đề này bằng cách biệt phái các viên chức công tác tại trường tham gia vào hoạt động của doanh nghiệp trong thời gian nhất định, nhưng việc này không nhằm giải quyết được dứt điểm vấn đề do viên chức đó chỉ được nằm trong biên chế của một trong hai nơi
– hoặc CSGDĐH công lập, hoặc là doanh nghiệp trực thuộc. Hơn nữa, Luật Viên chức cũng có quy định về việc viên chức phải trở về đơn vị công tác ban đầu sau khi kết thúc thời hạn biệt phái (Khoản 6 Điều 36, Luật Viên chức 2010), do vậy đây cũng chỉ được coi là một biện pháp tạm thời khi chưa có nhân lực cho vị trí đó. Việc đưa các cán bộ, giảng viên của trường công tác tại doanh nghiệp trực thuộc ở các vị trí quản lý có ý nghĩa rất lớn trong việc ổn định hoạt động của doanh nghiệp đi theo đúng định hướng đề ra, nhất là trong thời gian đầu mới thành lập doanh nghiệp. Hơn nữa, các bộ phận chuyên trách về chuyên môn và nghiên cứu khoa học trong doanh nghiệp rất cần những nhân lực chất lượng cao và dày dạn kinh nghiệm khi triển khai các dự án chuyển giao công nghệ hay thương mại hóa sản phẩm, nhưng lại không tận dụng được nguồn lực từ phía CSGDĐH công lập do vướng quy định pháp luật.
Thứ hai, việc đăng ký doanh nghiệp KH&CN còn gặp nhiều khó khăn, dẫn đến việc các doanh nghiệp này chưa được hưởng chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp KH&CN về thuế, thuê đất hay vay vốn hoạt động, lãi suất ưu đãi. Hiện nay, các doanh nghiệp KH&CN trực thuộc CSGDĐH công lập vẫn đang hoạt động như các doanh nghiệp thường, và vẫn đang chờ đợi hỗ trợ từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước. Đây không phải là vấn đề của riêng doanh nghiệp trực thuộc CSGDĐH công lập mà là vấn đề chung của tất cả các doanh nghiệp KH&CN hiện đang hoạt động tại Việt Nam. Hầu hết các doanh nghiệp này đều gặp khó khăn trong việc đạt được các yêu cầu về doanh thu cũng như việc chứng minh được khả năng tạo ra và ứng dụng kết quả nghiên cứu KH&CN. Về tỉ lệ doanh thu, các doanh nghiệp KH&CN trực thuộc CSGDĐH công lập hiện đều hoạt động theo quy mô vừa và nhỏ, hơn nữa do tính mới của sản phẩm nên việc thu hút người tiêu dùng cũng như tạo thị phần trên thị trường còn nhiều khó khăn, do vậy khó duy trì doanh thu với tỉ lệ tối thiểu 30%. Về việc chứng minh khả năng tạo ra hoặc ứng dụng kết quả KH&CN, doanh nghiệp thường gặp khó khăn trong một số khâu liên quan như việc giải trình quá trình nghiên cứu, ươm tạo và lảm chủ công nghệ, hay là việc chứng minh là chủ sở hữu hay có quyền sử dụng kết quả nghiên cứu KH&CN, nhất là đối với các kết quả nghiên cứu KH&CN có nguồn gốc là ngân sách Nhà nước (Bích Liên, 2015).
Thứ ba, chính sách phát triển doanh nghiệp KH&CH trong các CSGDĐH công lập chưa nhận được đủ sự chú ý của các lãnh đạo đơn vị. Các chính sách này chưa đủ mạnh để tạo được môi trường năng động cho việc phát triển doanh nghiệp; chưa có sự rạch ròi về tài chính, tài sản và nhân lực được sử dụng cho mục đích của doanh nghiệp và mục đích nghiên cứu khoa học của cơ sở đào tạo; và thiếu sự rõ ràng về trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ giữa các bên liên quan trong doanh nghiệp gây nên xung đột về lợi ích của các bên (Hoàng Anh, 2020). Hơn nữa, nếu chính sách phát triển doanh nghiệp KH&CN của CSGDĐH công lập không đủ tốt có thể dẫn đến việc doanh nghiệp KH&CN trực thuộc không có quy chế và chính sách hoạt động rõ ràng, kết quả là thiếu cơ chế và hướng dẫn về mặt pháp lý dẫn đến những sai phạm. Đơn cử trường hợp của Công ty cổ phần công nghệ vi sinh IMBT thuộc ĐHQGHN, mặc dù doanh nghiệp này rất có tiềm năng phát triển trong ngành công nghệ vi sinh nhưng lại không rõ ràng về cơ chế hoạt động, dẫn đến việc doanh nghiệp hoạt động
trên cơ sở tự phát. Doanh nghiệp này đã bị giải thể năm 2019 và bị kết luận hoạt động sai chủ trương (Hoàng Anh, 2020).
Thứ tư, quy định về quyền tự chủ đại học còn tồn đọng một số vướng mắc. Nghị định 60/2021/NĐ-CP mới chỉ dừng lại tại việc quy định về tự chủ trong hoạt động liên doanh, liên kết mà không nhắc đến hoạt động thành lập doanh nghiệp trực thuộc. Đây cũng là một khó khăn đối với các CSGDĐH công lập, do sẽ vấp phải sự lúng túng không biết hoạt động thành lập và vận hành doanh nghiệp trực thuộc có theo quy định giống như hoạt động liên doanh, liên kết không, mặc dù các hoạt động này cũng có phần nào những sự tương đồng nhất định.
Thứ năm, các chính sách hiện hành dành cho doanh nghiệp KH&CN nói chung mới chỉ dừng lại ở bước hỗ trợ cho quá trình khởi tạo doanh nghiệp và phần nào về mặt tài chính, và chưa có sự tập trung hỗ trợ cho việc duy trì và phát triển quá trình hoạt động trên thị trường của doanh nghiệp. Năm 2012, Chính phủ đã thông qua Quyết định số 592/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN và tổ chức KH&CN công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm (còn gọi là Chương trình 592) nhằm mục đích góp phần hình thành và phát triển doanh nghiệp KH&CN, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp KH&CN cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực tự chủ của tổ chức KH&CN công lập, mang lại kết quả là cho ra các sản phẩm có tính mới được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất kinh doanh (Trần Ngọc Hà, 2021). Tuy nhiên, chương trình này mới chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ cho quá trình khởi tạo ban đầu của các doanh nghiệp KH&CN nói chung mà chưa có sự hỗ trợ cho các khâu nhằm phát triển lâu dài cho doanh nghiệp. Do vậy, các doanh nghiệp KH&CN nói chung vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình tìm kiếm khách hàng cũng như nắm giữ thị phần trên thị trường nên rất khó để tồn tại lâu dài, nhất là đối với các doanh nghiệp có sản phẩm mang tính mới mẻ và chưa từng xuất hiện trên thị trường.