và phát triển trong ngành KH&CN để tận dụng hiệu quả nhất nguồn tài nguyên và nguồn nhân lực chất lượng cao tại Việt Nam với chi phí phù hợp nhất.
Đảm bảo sự tương thích với pháp luật quốc tế và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Việt Nam hiện là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế và tham gia các điều ước quốc tế về nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội. Đây là cơ hội cũng như thách thức cho chính các doanh nghiệp trong nước, kể cả các doanh nghiệp trực thuộc CSGDĐH. Do vậy, điều quan trọng là phải đảm bảo sự tương thích với pháp luật và cam kết quốc tế của Việt Nam khi hoàn thiện pháp luật, đồng thời học hỏi kinh nghiệm pháp luật của các nước có nền GDĐH tiên tiến, tiếp thu những tinh hoa của họ để hoàn thiện pháp luật và đưa ra những giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật. Các quy định pháp luật cần có những thay đổi theo hướng hiện đại, học hỏi những điểm mới và cải tiến phù hợp với sự phát triển quốc gia.
Có sự tham khảo các kết quả nghiên cứu khoa học và kinh nghiệm xây dựng pháp luật.
Việc xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật là sự kết tinh của những bài học kinh nghiệm của các nhà nghiên cứu khoa học đã đúc kết trong những công trình nghiên cứu của mình. Do vậy, cần phải loại bỏ những hạn chế trong các quy định pháp luật, đồng thời tiếp thu những giải pháp có tính khả thi cao, phù hợp với sự phát triển kinh tế để từ đó xây dựng các đề xuất trong việc hoàn thiện quy định về thành lập và quản lý điều hành doanh nghiệp KH&CN trực thuộc CSGDĐH.
3.3. Giải pháp hoàn thiện pháp luật về thành lập và quản lý điều hành doanh nghiệp KH&CN trực thuộc CSGDĐH công lập
Hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến thành lập và quản lý điều hành doanh nghiệp KH&CN trực thuộc và tự chủ đối với các CSGDĐH công lập.
Thứ nhất, có sự điều chỉnh một số quy định pháp luật liên quan đến thành lập và quản lý điều hành doanh nghiệp KH&CN trực thuộc CSGDĐH công lập. Cụ thể, cần sớm có hướng dẫn thực hiện các bộ luật như Luật GDĐH và Luật bổ sung sửa đổi Luật GDĐH về việc thành lập doanh nghiệp trong các CSGDĐH; các quy định liên quan đến công chức và viên chức tại Điều 14 Luật Viên chức sửa đổi năm 2019
cho phép các cán bộ, giảng viên công tác tại các CSGDĐH công lập được phép tham gia vào hoạt động thành lập, quản lý điều hành của các doanh nghiệp KH&CN trực thuộc CSGDĐH công lập mà họ đang công tác. Hơn nữa, cơ chế đánh giá và cho phép sử dụng, góp vốn bằng đất và tài sản có nguồn gốc Nhà nước giao tại các CSGDĐH công lập vào các doanh nghiệp trực thuộc cần sớm được ban hành để có hướng dẫn cụ thể tới các CSGDĐH công lập đang có ý định hoặc đã thành lập doanh nghiệp KH&CN trực thuộc, tuy nhiên phải ban hành quy chế quản lý chặt chẽ tránh trường hợp lạm dụng tài sản công phục vụ cho lợi ích cá nhân hoặc lợi ích nhóm trong các hoạt động của doanh nghiệp.
Thứ hai, một số quy định về doanh nghiệp KH&CN cũng cần có sự điều chỉnh và bổ sung nhằm hỗ trợ cho việc thực thi pháp luật. Cần có các văn bản hướng dẫn về việc xác định tỉ lệ doanh thu từ các sản phẩm hình thành từ kết quả nghiên cứu KH&CN và việc xác định, đánh giá khả năng tạo ra hoặc ứng dụng kết quả nghiên cứu KH&CN cho quá trình cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN để có sự thống nhất về cách hiểu và áp dụng thực tế trong thủ tục cấp Giấy chứng nhận. Hơn nữa, cần thiết phải ban hành các văn bản hướng dẫn về cách thức xác định các yếu tố để các doanh nghiệp được hưởng ưu đãi dành riêng cho doanh nghiệp KH&CN, ví dụ như các yếu tố để xác định được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp hay là cách thức xác định diện tích đất sử dụng cho mục đích KH&CN… Quy định về phí dịch vụ khi sử dụng máy móc, trang thiết bị tại các phòng thí nghiệm, cơ sở ươm tạo, cơ sở nghiên cứ KH&CN của nhà nước theo chế độ tự chủ tài chính cần có một cơ chế riêng nhằm phù hợp với tình hình thực tế về tự chủ tài chính của các đơn vị đó.
Có thể bạn quan tâm!
- Pháp luật về thành lập và quản lý điều hành doanh nghiệp khoa học công nghệ trực thuộc cơ sở giáo dục đại học công lập tại Việt Nam - 7
- Thực Tiễn Thi Hành Pháp Luật Về Thành Lập Và Quản Lý Điều Hành Doanh Nghiệp Kh&cn Trực Thuộc Đại Học Công Lập
- Đề Xuất Giải Pháp Hoàn Thiện Pháp Luật Về Thành Lập Và Quản Lý Điều Hành Doanh Nghiệp Khoa Học Và Công Nghệ Trực Thuộc Cơ Sở Giáo Dục Đại
- Pháp luật về thành lập và quản lý điều hành doanh nghiệp khoa học công nghệ trực thuộc cơ sở giáo dục đại học công lập tại Việt Nam - 11
- Pháp luật về thành lập và quản lý điều hành doanh nghiệp khoa học công nghệ trực thuộc cơ sở giáo dục đại học công lập tại Việt Nam - 12
Xem toàn bộ 99 trang tài liệu này.
Thứ ba, cần có những quy định đặc thù dành cho các CSGDĐH công lập để hỗ trợ cho công tác chuyển đổi sang cơ cấu tự chủ, nhằm giúp cho CSGDĐH công lập có sự chủ động trong việc sử dụng đất đai, tài sản công và tài chính, từ đó hỗ trợ cho công cuộc thành lập doanh nghiệp KH&CN trực thuộc đơn vị mình. Cụ thể, Luật Đầu tư công năm 2019 cần có quy định riêng cho các CSGDĐH công lập đã và đang thực hiện tự chủ để trao quyền quyết định chủ trương đầu tư của các CSGDĐH công lập dành cho các hoạt động phát triển KH&CN cho Hội đồng trường hoặc Hội đồng Đại học. Tương tự, Hội đồng trường và Hội đồng Đại học nên được trao thẩm quyền
phê duyệt đề án sử dụng và cho thuê tài sản công, quyền sử dụng đất và chỉ cần thông báo với cơ quan chủ quản nếu tài sản được sử dụng cho doanh nghiệp KH&CN trực thuộc đơn vị.
Đề ra các quy định và chính sách về thành lập doanh nghiệp trực thuộc CSGDĐH công lập trong bối cảnh tự chủ đại học.
Thiết lập hành lang pháp lý về doanh nghiệp trực thuộc CSGDĐH công lập sẽ khuyến khích các cơ sở giáo dục thành lập doanh nghiệp, thúc đẩy các CSGDĐH công lập tiến tới công cuộc tự chủ tài chính và tự chịu trách nhiệm, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo và thu hút sinh viên cũng như khẳng định vị thế và uy tín của mình. Hơn nữa, cần phải thiết lập một cơ chế kiểm soát hoạt động của các doanh nghiệp trực thuộc CSGDĐH công lập để gia tăng sự công khai minh bạch, tránh xảy ra việc lợi dụng tài sản công để trục lợi cá nhân hoặc lợi ích nhóm. Cơ chế kiểm soát này còn giúp cho CSGDĐH công lập quản lý tốt hơn doanh nghiệp trực thuộc của mình, đảm bảo thực hiện đúng mục tiêu và định hướng đề ra đối với các doanh nghiệp đó. Do vậy, cần thiết có sự điều chỉnh bổ sung trong Nghị định 60/2021/NĐ-CP về các quy định liên quan đến thành lập doanh nghiệp trực thuộc trong bối cảnh tự chủ đại học. Cụ thể như các thủ tục, quy trình trong việc xây dựng đề án thành lập doanh nghiệp trực thuộc, sử dụng đất đai, tài sản công trong doanh nghiệp trực thuộc; phân chia kết quả hoạt động kinh doanh theo cơ chế doanh nghiệp. Quy định về xác định giá trị thương hiệu để góp vốn cho doanh nghiệp có thể thực hiện giống như quy định về xác định giá trị thương hiệu để liên doanh, liên kết, tuy nhiên cần có hướng dẫn cụ thể hơn về các tiêu chí và cách thức xác định giá trị thương hiệu.
Trao toàn quyền quản lý, định đoạt tài sản cho Hội đồng trường, Hội đồng Đại học của CSGDĐH công lập quyết định
Quyền quản lý, định đoạt tài sản của CSGDĐH công lập cần được trao toàn quyền cho Hội đồng trường trong bối cảnh thúc đẩy tự chủ đại học hiện nay, cũng như lợi ích mà nó mang lại trong việc sử dụng và quản lý tài sản trong doanh nghiệp trực thuộc. Quan điểm này được đưa ra trong Hội thảo Giáo dục Việt Nam 2020 về tự chủ trong GDĐH, theo đó Hội đồng trường hoặc Hội đồng Đại học nên được trao toàn quyền quyết định trong các nội dung về tài sản như định giá tài sản, giao trách
nhiệm bảo toàn giá trị tài sản và tự quyết định mục đích sử dụng tài sản2. Việc trao toàn quyền quản lý, định đoạt tài sản của CSGDĐH công lập cho Hội đồng trường hoặc Hội đồng Đại học phù hợp với quy định của Luật GDĐH, do đây là tổ chức quản trị thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan theo Điều 16 Luật GDĐH sửa đổi năm 2018. Hơn nữa, việc này còn giúp CSGDĐH công lập có sự chủ động với tài sản được giao cho đơn vị mình, từ đó tận dụng và khai thác được tiềm năng và công suất sử dụng của tài sản. Điều này rất có lợi trong việc quản lý vận hành các doanh nghiệp trực thuộc do đã loại bỏ được những khó khăn về các thủ tục hành chính cũng như những rào cản quy định pháp luật trong việc sử dụng và chuyển giao tài sản cho các doanh nghiệp trực thuộc, tạo lợi thế cho doanh nghiệp trực thuộc khi tận dụng được tài sản của cơ sở mẹ với chi phí thấp trong các hoạt động kinh doanh sản xuất của mình.
Đưa ra các chính sách hỗ trợ cho hoạt động của doanh nghiệp KH&CN trực thuộc các CSGDĐH công lập.
Giống như các doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp KH&CN khác, nên có các chính sách hỗ trợ cho hoạt động của các doanh nghiệp KH&CN trực thuộc CSGDĐH trong quá trình thành lập và đi vào hoạt động để được tiếp cận vốn ưu đãi. Một số ưu tiên nên được ưu tiên tập trung như lập quỹ hỗ trợ thương mại hóa các kết quả nghiên cứu KH&CN thông qua doanh nghiệp trực thuộc CSGDĐH; hỗ trợ phát triển hệ thống vườn ươm công nghệ và doanh nghiệp trong các CSGDĐH; cho phép các CSGDĐH công lập được định giá và đóng góp thành lập doanh nghiệp KH&CN dưới dạng tài sản trí tuệ, thương hiệu, quyền sử dụng đất. Hơn nữa, quy định về việc thu hồi khoản kinh phí Nhà nước đã đầu tư cho nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN và chia phần lợi nhuận phát sinh từ việc khai thác kết quả nghiên cứu KH&CN hình thành từ nhiệm vụ nghiên cứu cho Nhà nước cần được loại bỏ hoặc điều chỉnh theo hướng thuận lợi nhất nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp KH&CN cũng như khuyến khích sự hợp tác với Nhà nước trong việc thực hiện các nhiệm vụ KH&CN. Ví dụ, có thể điều chỉnh tỉ lệ kinh phí phải thu hồi hay lợi nhuận phát sinh phải nộp lại cho
2 Trích trong báo cáo trình bày tại Hội thảo Giáo dục Việt Nam 2020 của PGS.TS Hoàng Văn Cường – Trường ĐH Kinh tế Quốc dân.
Nhà nước tùy thuộc vào tình hình kinh doanh trong thời điểm hiện tại của doanh nghiệp KH&CN, hoặc có thể miễn chia lợi nhuận cho Nhà nước trong vòng ba năm đầu sau khi sản phẩm hay dịch vụ được thương mại hóa từ kết quả nghiên cứu KH&CN bắt đầu được kinh doanh ngoài thị trường. Hầu hết, các doanh nghiệp KH&CN nói chung cũng như doanh nghiệp KH&CN trực thuộc CSGDĐH công lập đều đang hoạt động với quy mô nhỏ và vừa, hơn nữa quá trình thương mại hóa kết quả nghiên cứu hay tài sản trí tuệ luôn đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư với nguồn vốn lớn cũng như luôn ẩn chứa những rủi ro tiềm ẩn. Do vậy, rất cần những sự hỗ trợ từ phía các cơ quan quản lý nhằm đưa ra những chính sách phù hợp với thực tế hoạt động của doanh nghiệp.
Chính sách và cơ chế quản lý Nhà nước đối với các CSGDĐH công lập cần có sự điều chỉnh và hoàn thiện theo hướng tạo điều kiện cho tự do học thuật nhằm thúc đẩy các nghiên cứu khoa học, chuyển đổi mô hình tổ chức và quản trị để đảm bảo quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm. Cần phải có những thay đổi cởi mở và tích cực hơn thì mới có thể khuyến khích thúc đẩy đưa các kết quả nghiên cứu KH&CN từ các CSGDĐH đi vào thực tiễn.
Xây dựng chương trình hỗ trợ cho quá trình phát triển của các doanh nghiệp KH&CN nói chung
Pháp luật Việt Nam hiện hành đã phần nào xây dựng được nền tảng cơ bản tạo điều kiện cho việc hình thành các doanh nghiệp KH&CN nói chung, tuy nhiên việc duy trì và phát triển hoạt động của doanh nghiệp KH&CN còn chứa đựng nhiều khó khăn. Do vậy cần thiết phải xây dựng chương trình hỗ trợ cho các doanh nghiệp KH&CN với những nội dung giúp doanh nghiệp tiếp cận với những nguồn tài chính trong và ngoài nước, tìm kiếm thị trường và khách hàng tiềm năng. Theo đó, cần phải thiết lập một mạng lưới với các cơ quan Nhà nước, các ngân hàng, doanh nghiệp lớn trong ngành cũng như các nhà đầu tư nhằm xây dựng nền tảng vững chắc cho nguồn tài chính; thiết lập đội ngũ nghiên cứu thị trường trong và ngoài nước nhằm nắm bắt xu hướng thị trường, thu thập những thông tin trong ngành; hơn nữa, cần thiết tạo dựng mối liên kết với các nhà khoa học để có sự cố vấn tốt nhất cho các doanh nghiệp
KH&CN tham gia chương trình. Về cơ quan chủ quản, Bộ Khoa học và Công nghệ nên là cơ quan chủ trì triển khai thực hiện chương trình.
Tại Vương quốc Anh, mô hình này hiện đang được triển khai với tên gọi là Chương trình Innovate UK, với mục đích giúp các doanh nghiệp công nghệ với quy mô vừa và nhỏ (bao gồm các doanh nghiệp spin-off từ trường đại học) dễ dàng tiếp cận hơn với nguồn hỗ trợ tài chính, đối tác, các khách hàng đầu ngành, thông tin về thị trường cũng như đào tạo các kỹ năng cần thiết cho nguồn nhân lực của doanh nghiệp3. Chương trình này đã giúp hiện thực hóa rất nhiều sáng chế có ích cho xã hội và nâng cao đời sống của người dân, với tổng kinh phí hỗ trợ lên tới 885 triệu bảng Anh trong hai năm 2020-20214. Do vậy, đây là mô hình rất đáng học hỏi và áp dụng tại Việt Nam nhằm hỗ trợ cho sự phát triển lâu dài bền vững cho các doanh nghiệp KH&CN tại Việt Nam.
3.4. Biện pháp cho các CSGDĐH công lập nhằm hỗ trợ cho quá trình thành lập và quản lý điều hành doanh nghiệp KH&CN trực thuộc CSGDĐH công lập
Hoàn thiện chính sách phát triển doanh nghiệp KH&CN trong các CSGDĐH công lập.
Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp KH&CN có cơ hội được phát triển trong môi trường học thuật của các CSGDĐH công lập, việc đưa ra chính sách hỗ trợ sự phát triển của loại hình doanh nghiệp này là rất quan trọng. Chính sách phát triển doanh nghiệp KH&CN trong cơ sở giáo dục phải thể hiện rõ mục tiêu phát triển cũng như tầm nhìn và định hướng chiến lược của các cơ sở đào tạo, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trực thuộc được phép sử dụng nguồn tài nguyên về cơ sở vật chất cũng như nguồn lực thuộc sở hữu của CSGDĐH.
Những nội dung quan trọng cần đưa vào chính sách phát triển doanh nghiệp KH&CN trực thuộc bao gồm chính sách sở hữu trí tuệ, cơ chế dành cho các nhà khoa học, chính sách hợp tác và hỗ trợ khởi nghiệp, xúc tiến thành lập doanh nghiệp… Cụ
3 Tham khảo thông tin tại: https://www.ukri.org/what-we-offer/browse-our-areas-of-investment-and-support/business- innovation/
4 Tham khảo thông tin tại: https://www.ukri.org/what-we-offer/what-we-have-funded/innovate-uk/
thể, cần phải quy định rõ về các nội dung về đăng ký, xác lập và chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ của đơn vị mình cho các doanh nghiệp trực thuộc, theo đó là các quy định về cơ chế hợp tác và đãi ngộ dành cho nhà khoa học tham gia vào công tác nghiên cứu khoa học và triển khai thương mại hóa các kết quả nghiên cứu. Chính sách phát triển các vườn ươm công nghệ, vườn ươm doanh nghiệp trong trường nên được phát triển nhằm xây dựng tiền đề hỗ trợ khởi nghiệp, xúc tiến thành lập doanh nghiệp KH&CN, triển khai các ý tưởng kinh doanh mới.
Một trong những chính sách cần thiết được đưa vào chính sách phát triển KH&CN trong CSGDĐH công lập để hỗ trợ cho việc hình thành của doanh nghiệp KH&CN trực thuộc là về việc thành lập các văn phòng chuyển giao công nghệ (TTO), đóng vai trò như một đơn vị trung gian giữa CSGDĐH và doanh nghiệp với mục đích thúc đẩy liên kết nghiên cứu khoa học với thực tế sản xuất. Nghiên cứu theo mô hình doanh nghiệp spin-off tại các nước phát triển cũng cho thấy kết quả về mối tương quan tích cực giữa việc đầu tư cho việc bảo vệ sở hữu trí tuệ và nâng cao năng lực của các TTO với sự hình thành và phát triển kinh doanh của mô hình doanh nghiệp spin-off học thuật (Lockett & Wright, 2005).
Thiết lập các kênh kết nối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cùng ngành.
Việc thiết lập nhiều kênh kết nối CSGDĐH công lập với ngành nghề là điều rất cần thiết để nắm bắt xu thế hiện tại của thị trường, nguồn nhân lực cũng như thường xuyên cập nhật về đổi mới KH&CN. Hoạt động này cũng mang lại cho CSGDĐH cũng như doanh nghiệp trực thuộc nguồn tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu và đào tạo, hơn nữa tạo lập mối quan hệ giữa doanh nghiệp trực thuộc trường với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong cùng ngành nghề.
Các CSGDĐH nên thiết lập một bộ phận chuyên trách về vấn đề liên kết, hợp tác với doanh nghiệp trong lĩnh vực; kết hợp với doanh nghiệp để tổ chức các buổi hội thảo chuyên ngành, cuộc thi nghiên cứu sáng tạo khởi nghiệp cho sinh viên, cán bộ giảng viên nhằm gia tăng sự liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp. Các cơ quan chủ quản của CSGDĐH công lập có thể đứng ra tổ chức các diễn đàn trao đổi, tạo cơ hội cho CSGDĐH công lập và các doanh nghiệp được tiếp cận với nhau. Hơn nữa, cần có các cơ chế hỗ trợ CSGDĐH công lập và doanh nghiệp thành lập quỹ đầu
tư phát triển chung nhằm nâng cao tính năng động và trách nhiệm giữa các chủ thể liên kết với nhau. Ngoài ra, các CSGDĐH công lập có thể mời các nhà quản lý, nhà quản trị giỏi trong ngành tham gia vào các hoạt động đào tạo và nghiên cứu của đơn vị mình cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp trực thuộc, đặc biệt là khi doanh nghiệp trực thuộc vẫn còn non trẻ trên thị trường và cần một lãnh đạo giỏi để định hướng chiến lược cũng như cập nhật về xu hướng hiện tại trong ngành.
Nâng cao nhận thức về doanh nghiệp cho lãnh đạo CSGDĐH công lập.
Để nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật cũng như hoạt động của doanh nghiệp trực thuộc trong việc thành lập và quản lý điều hành doanh nghiệp trực thuộc CSGDĐH phải bắt nguồn từ việc điều chỉnh tư duy của lãnh đạo cấp cao đơn vị. Từ trước đến nay, tư duy quản lý của các lãnh đạo CSGDĐH công lập luôn hướng tới việc đề cao mục tiêu đào tạo hàn lâm, tuy nhiên không thể mang tư duy này vào việc quản lý điều hành doanh nghiệp vì mục đích của doanh nghiệp là luôn đưa mục tiêu tạo ra doanh thu lên hàng đầu. Do vậy, lãnh đạo CSGDĐH cần phải nhận thức rõ doanh nghiệp KH&CN trực thuộc đơn vị mình là cơ hội cũng như trách nhiệm của trường trong quá trình tiến tới tự chủ đại học và thực hiện nghĩa vụ đóng góp cho sự phát triển chung của xã hội trong công cuộc đổi mới và ứng dụng sáng tạo KH&CN. Mấu chốt quan trọng là phải đổi mới sâu sắc trong tư duy quản lý, bớt can thiệp hành chính và tạo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của doanh nghiệp trực thuộc, tạo cơ chế thu hút nguồn lực của xã hội tham gia đầu tư vào hệ thống doanh nghiệp của trường.