Huyền Thoại Và Sự Thể Hiện Huyền Thoại Trong Văn Học Việt Nam


Tiểu kết

Truyền kì Việt Nam nhận được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu. Do đặc thù thể loại của văn học trung đại, các tác phẩm truyền kì được các nhà nghiên cứu, thậm chí các tác giả, người giới thiệu gọi bằng nhiều tên gọi khác nhau. Các tác phẩm truyền kì đã định hình được phong cách thể loại. Nội dung và nghệ thuật của thể loại này thấm đẫm tinh thần của chữ “kì”. Truyền kì cũng có đời sống riêng của thể loại với sự khởi đầu, phát triển rực rỡ và cải tiến, hòa nhập với các thể loại khác. Các nghiên cứu về truyền kì không chỉ dừng lại ở việc tìm hiểu các tác phẩm truyền kì độc lập mà còn tiến tới so sánh với truyền kì các nước khác. Việc so sánh với truyền kì Trung Hoa cho thấy một số tác giả truyền kì Việt Nam đã tiếp nhận ảnh hưởng của truyền kì Trung Hoa một cách đầy sáng tạo. Truyền kì luôn là những tác phẩm viết về đất nước và con người Việt Nam. Một số nhà nghiên cứu đã đề cập, phân tích, lí giải các yếu tố văn hóa dân gian trong truyền kì Việt Nam thời trung đại. Cho đến nay, chưa có một công trình nào nghiên cứu một cách hệ thống truyền kì của Việt Nam thời trung đại từ góc nhìn huyền thoại.

Vấn đề huyền thoại được nghiên cứu bởi nhiều lí thuyết khác nhau. Chúng tôi chủ yếu vận dụng lí thuyết cấu trúc, lí thuyết nhân học, lí thuyết phân tâm học… nói về vấn đề huyền thoại để nghiên cứu về huyền thoại trong truyền kì. Ngoài ra, chúng tôi còn sử dụng các khái niệm của lí thuyết thi pháp học để mô hình hóa tác phẩm và phân tách các yếu tố. Dĩ nhiên, sau quá trình khảo sát về các lí thuyết phê bình huyền thoại và các tác phẩm truyền kì, chúng tôi nhận thấy sự vận dụng các lí thuyết huyền thoại không mang tính giới hạn. Bởi vì các tác phẩm truyền kì đã dung chứa huyền thoại theo một cách thức đặc biệt – không chỉ ở tư duy nghệ thuật mà còn ở hình thức nghệ thuật, không chỉ bằng lí trí mà còn bằng trực cảm.


Chương 2. HUYỀN THOẠI VÀ SỰ THỂ HIỆN HUYỀN THOẠI TRONG VĂN HỌC VIỆT NAM

Huyền thoại nhận được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu. Huyền thoại không chỉ được xem như một phương thức tư duy mà còn là một thể loại khởi đầu của văn học. Tư duy huyền thoại có nhiều đặc điểm khác với tư duy duy lí. Với tư cách là một thể loại văn học, huyền thoại có những đặc trưng về nghệ thuật phân biệt với các thể loại văn học khác. Mặc dù thời kì hoàng kim của huyền thoại – xuất hiện như một kiểu tư duy, một thể loại văn học – không còn nữa; khi khảo sát sự kế thừa huyền thoại trong văn học Việt Nam, chúng tôi nhận thấy các yếu tố huyền thoại vẫn được tái hiện một cách đa dạng, phong phú.

2.1. Huyền thoại

Xung quanh thuật ngữ huyền thoại có rất nhiều quan niệm khác nhau: “M.I.Sakhnôvich – nhà nghiên cứu người Nga từng tổng kết có đến hơn 500 định nghĩa, giới thuyết về huyền thoại” (Nguyễn Tường Lịch, 1997, tr.34). Các lí thuyết, trường phái có cách nhìn nhận về thuật ngữ này theo các góc độ khác nhau.

E.Morin là nhà triết học, xã hội học người Pháp. Ông xác định huyền thoại là những câu chuyện kể. Ông cho rằng có một lối tư duy đôi (lí tính – huyền thoại) trong tư duy của người nguyên thủy và cả con người thời hiện đại. Theo ông, tư duy huyền thoại là “một ý nghĩa khêu gợi hoặc cụ thể, trong đó ý tưởng tượng trưng vượt trội lên, nó là vật mang tải và gợi ra sự hiện hữu và phẩm chất của cái được tượng trưng” (Edgar, 2006, tr.290). Cụ thể hơn, tượng trưng có hai tính chất cơ bản. Thứ nhất, “tượng trưng mang một liên hệ căn tính đối với cái nó tượng trưng” (Edgar, 2006, tr.293). Thứ hai, “tượng trưng gây ra ý thức về sự hiện diện cụ thể của cái được tượng trưng, và ở trình độ sức mạnh đầy đủ của nó, chỉ bằng một từ hoặc một hình vẽ, nó tạo thành một quan hệ hay một tập trung toàn bộ, có tính độc đáo về cái tổng thể được làm cho nó hiện hữu” (Edgar, 2006, tr.293). Chẳng hạn, chữ thập mang trong bản thân nó sự khổ hình, cái chết, sự phục sinh và thông điệp cứu thế của Chúa… Huyền thoại và ma thuật là những bức màn mang đầy những yếu tố tượng trưng. Lối tư duy tượng trưng quan tâm đến những vấn đề liên quan đến sự tồn tại của con người (sự ra

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 271 trang tài liệu này.


đời, cái chết, tái sinh…), những liên hệ xã hội của cộng đồng. Nó thường liên kết các đối tượng để tạo nên các huyền thoại gắn kết con người và tự nhiên, sinh thể và vũ trụ. Theo E.Morin, “mọi sự từ bỏ tri thức, kinh nghiệm, kĩ thuật, lí tính có thể đưa người ta đến cái chết, mọi sự từ bỏ những tín ngưỡng cơ bản có thể làm tan rã xã hội của họ” (Edgar, 2006, tr.286).

Ngôn ngữ và Văn học Việt Nam: Truyền kì Việt Nam thời trung đại từ góc nhìn huyền thoại (đối chiếu với truyền kì Trung Hoa thời trung đại) - 6

Là một nhà nghiên cứu của chủ nghĩa cấu trúc, C.L.Strauss khẳng định “huyền thoại trước hết là lĩnh vực của các thao tác vô thức logic, là công cụ logic để giải quyết các mâu thuẫn” (Meletinsky, 2004, tr.96). Cơ sở của cấu trúc huyền thoại chính là các đối lập nhị phân sinh ra từ logic nhị phân. Theo C.L.Strauss, sự biểu hiện của các cặp đôi đối lập là hằng số tư duy của con người hoang dã, là bản thể tinh thần của con người và thế giới. Các cặp đối lập nhị phân chính là sự phân chia sự vật, hiện tượng thành các cực đối lập. Người nguyên thủy nhận xét thế giới trước hết bằng các cặp đối lập trời/ đất, đực/ cái… Nhà nghiên cứu R.Barthes khẳng định “huyền thoại là một hệ thống thông báo, là một thông điệp” (Barthes, 2008, tr.289). Vận dụng những lí thuyết của ngôn ngữ học, ông đã lí giải huyền thoại là sự kết hợp của hệ thống kí hiệu và siêu kí hiệu.

Các nhà nghiên cứu thuộc trường phái nghi lễ coi trọng chức năng thực hành của huyền thoại. Họ cho rằng huyền thoại được tái tạo liên tục bằng các nghi lễ, cân đối và điều chỉnh trật tự xã hội, giữ vững sự hòa hợp của con người với tự nhiên và xã hội: “Huyền thoại không đơn thuần là lịch sử được kể lại hoặc một câu chuyện có ý nghĩa phúng dụ, biểu tượng, huyền thoại được những người thổ dân duy trì lâu dài với tư cách là một loại “sấm truyền”, một thực tại có ảnh hưởng đến số phận con người và thế giới” (Meletinsky, 2004, tr.38). Trong công trình Nguồn gốc các tôn giáo, M.Eliade xác định huyền thoại (cái thiêng và đời sống tôn giáo) đối lập với cái phàm và đời sống hiện thực. Cái thiêng và cái phàm đối lập nhau như giữa cái tồn tại và không tồn tại, giữa cái tuyệt đối và cái tương đối, giữa cái vĩnh hằng và cái sinh thành.

Các nhà nhân học, tiêu biểu là E.B.Tylor, khẳng định huyền thoại là tôn giáo của người nguyên thủy. Người nguyên thủy tin rằng tất cả các vật trên thế gian này - từ con người, các động vật khác, thực vật và các vật vô tri vô giác - đều có linh hồn.


Người nguyên thủy không chỉ hiểu mà còn tin huyền thoại. Các nhà nghiên cứu tâm lí như S.Freud, C.G.Jung cũng khẳng định con người nguyên thủy không tư duy với huyền thoại mà họ tin, trải nghiệm huyền thoại. S.Freud cho rằng “huyền thoại là sự thể hiện công khai trạng thái tâm lí quan trọng nhất, và hiện thực hóa sự say mê dục tính có thể xảy ra trước khi hình thành thể chế gia đình trong lịch sử” (Meletinsky, 2004, tr.66). C.G.Jung thì khẳng định huyền thoại là biểu hiện của vô thức tập thể, thành phần chính của huyền thoại là các cổ mẫu – các biểu tượng của vô thức tập thể. Trường phái xã hội học Pháp với các nhà nghiên cứu như Emile Durkheim, Marcel Mauss, Lucien Lévy Bruhl… đã nghiên cứu về các hình thái ý thức xã hội, đặc biệt là tư duy nguyên thủy và tư duy hiện đại. Hầu hết các nhà nghiên cứu cho rằng tâm thức con người chỉ có một hình thái duy nhất. Ngược lại, nhà nghiên cứu Lucien Lévy Bruhl khẳng định tâm thức của người nguyên thủy không giống tâm thức của người hiện đại. Theo ông, tư duy huyền thoại là tư duy tiền logic. Kiểu tư duy này thể hiện qua các biểu tượng và luật thông quan. Trong công trình Kinh nghiệm thần bí và biểu tượng ở người nguyên thủy, ông đã dành phần lớn dung lượng để nói về những biểu tượng của người nguyên thủy, cụ thể là: bản chất và chức năng của các biểu tượng, các kiểu hành động mang tính tượng trưng, việc dự báo trước tượng trưng. Đầu tiên, ông xác định biểu tượng của những người nguyên thủy: là biểu

hiện của những sự tham dự được cảm nhận, được khách quan hóa, có nghĩa là:

Nếu như chức năng chủ yếu của chúng là “tượng trưng”, theo nghĩa đầy đủ của từ đó, những cá nhân và những đồ vật vô hình, là làm cho sự hiện diện trở thành có thật, thì do đó chúng không nhất thiết là những tái hiện hay những hình ảnh của những cá nhân và những đồ vật này. Chỉ cần là việc tham dự giữa chúng với nhau và những gì mà chúng tượng trưng được cảm nhận hay được nhìn thấy (Bruhl, 2018, tr.232, 233).

Theo L.L.Bruhl, hệ thống biểu tượng của người nguyên thủy rất phong phú và không cố định. Nếu các sự vật, hiện tượng thỏa mãn định luật về sự tham dự thì chúng sẽ trở thành biểu tượng của người nguyên thủy. Tư duy nguyên thủy đồng nhất cái sống động và cái vô tri, hình và bóng, nguyên mẫu và hình ảnh, nguyên mẫu và tên gọi… Nếu các sự vật, hiện tượng là cái vô tri, bóng, hình ảnh… - tham dự vào quá


trình đồng nhất này, thì sẽ trở thành biểu tượng. Ngoài ra, L.L.Bruhl còn đề cập đến các các kiểu hành động mang tính tượng trưng như: cầu mưa, yểm bùa, vẽ tranh cầu sự trợ giúp…

Nhà triết học Ernst Cassirer với những công trình nghiên cứu tiêu biểu như Tư duy huyền thoại, Triết học về các hình thái biểu tượng, Tiểu luận về con người… đã tập trung nghiên cứu hoạt động tinh thần của con người. Ông đã phát hiện ra một số cấu trúc nền tảng của tư duy huyền thoại và bản chất của chủ nghĩa biểu tượng huyền thoại. Trong đó, ông cho rằng vũ trụ có mô hình: các yếu tố thiêng liêng đối lập với các yếu tố trần tục. Từ đó nảy sinh không gian thiêng liêng và không gian trần tục. Nhìn chung, hệ thống các quan hệ trong không gian bắt nguồn từ trực giác của con người đối với vật thể sở hữu: trên/ dưới, trước/sau… Mặc dù đã phân chia mô hình vũ trụ, tư duy huyền thoại vẫn không phân biệt sự sống và cái chết (xem nó như là hai bộ phận của hiện tại), kí hiệu và sự vật, nguyên nhân và quá khứ… Đặc biệt, các con số trong huyền thoại không được dùng để giải thích mà là để đánh dấu, kéo dần cái trần tục vào quá trình thiêng liêng hóa. Đối với vấn đề huyền thoại, ông cho rằng sáng tạo huyền thoại là kiểu dạng cổ xưa nhất của hoạt động tinh thần của con người và hoạt động này tạo ra các biểu tượng. Trong công trình Tiểu luận về con người, ông đã gọi con người là “động vật biểu tượng”. Trong đó, “huyền thoại được thể hiện như một hệ thống biểu tượng biệt lập, được thống nhất bởi tính chất hoạt động và khả năng mô hình hóa thế giới xung quanh” (Meletinsky, 2004, tr.48), “thế giới mới của các kí hiệu cần phải thể hiện trước tri giác như một thực tại khách quan đầy đủ. Huyền thoại thống trị về mặt tinh thần đối với thế giới thông qua những hình tượng thay thế cho chúng” (Meletinsky, 2004, tr.50). Như vậy, theo E.Cassirer, biểu tượng / kí hiệu huyền thoại là khái niệm rất rộng, bao gồm tất cả các yếu tố là sản phẩm của tư duy huyền thoại. Các biểu tượng/ kí hiệu huyền thoại được xem như là cái biểu đạt chứ không phải cái được biểu đạt. Cách tiếp cận huyền thoại này được nhiều nhà nghiên cứu đồng tình và kế tục. U.M.Urban khẳng định rằng tôn giáo sơ khai đã “sử dụng ngôn ngữ huyền thoại để biểu tượng hóa thực tại phi huyền thoại” (Meletinsky, 2004, tr.59, 60). S.Langer coi “biểu tượng của huyền thoại như là giai đoạn phát triển cao nhất của cái hoang đường” (Meletinsky, 2004, tr.61)…


Ở Việt Nam, vấn đề huyền thoại cũng được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm trong những năm gần đây. Trong bài viết Để góp phần nghiên cứu huyền thoại và thi pháp huyền thoại trong sáng tác văn học thuộc công trình Huyền thoại và văn học, nhà nghiên cứu Chu Xuân Diên nhận định huyền thoại (myth) là truyện kể thiêng liêng, giải thích thế giới và con người đã hình thành và có được dạng tồn tại hiện nay như thế nào. Ngoài ra, huyền thoại (mythology) được dùng để chỉ tổng thể các câu chuyện như thế, đồng thời cũng được dùng để chỉ hệ thống những quan niệm hoang đường về thế giới. Nhà nghiên cứu Phùng Văn Tửu nhận định “thần thoại (mythologie) là một khái niệm dùng để chỉ toàn bộ những huyền thoại thời xưa của mỗi dân tộc, do hầu hết các nhân vật trong huyền thoại cổ là thần thánh hoặc anh hùng đã được thần thánh hóa” (Barthes, 2008, tr.381). Theo nhà nghiên cứu Trần Viết Thiện, “huyền thoại là một loại hình thuộc thể loại văn học dân gian, trong đó, thần thoại là thể loại chủ yếu, đặc thù” (Trần Viết Thiện, 2017). Theo nhà nghiên cứu Đào Ngọc Chương, “huyền thoại là một thể loại lâu đời nhất, tồn tại trong cái thời gian đầu tiên là lúc mà những khu biệt thể loại chưa có, lúc mà sự phân cách giữa con người và tự nhiên chưa thực sự xảy ra” (Đào Ngọc Chương, 2009, tr.20). Ông cho rằng huyền thoại cổ đại luôn được tái sinh trong văn học với những vóc dáng mới, đặc biệt là với các cổ mẫu. Trong bài viết Huyền thoại lập quốc của người Korea thuộc công trình Huyền thoại và văn học, nhà nghiên cứu Phan Thu Hiền nhận định thuật ngữ huyền thoại trong bài viết không chỉ nói đến phương thức tư duy và thể hiện mà còn được dùng như phạm trù thể loại – chỉ một tổ hợp các thể loại thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích thần kì.

Như vậy, huyền thoại được các nhà nghiên cứu xem xét dưới nhiều góc độ khác nhau. Trong đó, chủ yếu huyền thoại được xem như những câu chuyện dân gian đầu tiên, thể hiện những quan niệm của người nguyên thủy. Đa số các nhà nghiên cứu cho rằng huyền thoại gắn liền với kiểu tư duy đặc biệt, là công cụ để nhận thức thế giới theo nguyên tắc của logic nhị phân. Huyền thoại mang tính nguyên hợp: gắn liền với nghi lễ, tôn giáo. Huyền thoại thể hiện vô thức cá nhân, vô thức tập thể. Một trong những thành phần quan trọng nhất của huyền thoại là biểu tượng. Người nguyên thủy không chỉ hiểu mà còn sống và trải nghiệm huyền thoại. Con người về sau dù mô


phỏng huyền thoại nhưng những huyền thoại hiện đại này không còn tính chất nguyên hợp. Theo chúng tôi, những đặc điểm này là sự khu biệt huyền thoại với các khái niệm vốn dễ bị nhầm lẫn với nó như cái kì ảo, hoang đường…

Chúng tôi dựa vào quan điểm của nhà nghiên cứu E.M.Meletinsky, huyền thoại là: “những truyện về các vị thần, các nhân vật được sùng bái hoặc có quan hệ nguồn gốc với các vị thần, về các thế hệ xuất hiện trong thời gian ban đầu, tham gia trực tiếp và gián tiếp vào quá trình tạo lập thế giới cũng như việc tạo lập nên những nhân tố của nó – thiên nhiên và văn hóa” (dẫn theo Bùi Mạnh Nhị, 2012,

tr.74).

Huyền thoại là một hiện tượng trung tâm trong lịch sử văn hóa, đồng thời là một phương tiện cổ xưa để nhận thức thực tại, là mô hình của mọi hệ tư tưởng, là cái nôi nguyên hợp của các loại hình văn hóa khác nhau - văn học, nghệ thuật, tôn giáo và ở mức độ nào đó, cả triết học, thậm chí cả khoa học (Meletinsky, 2004, tr.XIV).

Trong quá trình khảo sát huyền thoại, chúng tôi chủ yếu khảo sát huyền thoại tồn tại trong những hình thức tương đối cố định như trong truyện dân gian – những truyện kể đầu tiên của nhân loại, là kết quả của phương thức tư duy mang tính nguyên hợp.

Trong công trình Thi pháp của huyền thoại, nhà nghiên cứu E.M.Meletinsky đã có sự phân biệt “huyền thoại”, “truyện cổ tích”, “sử thi”. Trong đó, huyền thoại và truyện cổ tích được phân biệt chủ yếu theo kiểu thiêng liêng – không thiêng liêng. Truyện cổ tích thoát thai từ huyền thoại. Tuy nhiên, truyện cổ tích là một sự giải thiêng huyền thoại vì nó có sự phát triển của trí tưởng tượng có ý thức; có sự thay thế các nhân vật huyền thoại bằng những con người bình thường; thay thời gian huyền thoại bằng thời gian cổ tích vô định; làm yếu hoặc mất hẳn tính chất suy nguyên luận… Sử thi anh hùng khác huyền thoại bởi sử thi thường chú ý mối quan hệ của các bộ lạc và các quốc gia cổ đại đã từng tồn tại trong lịch sử. Nhà nghiên cứu S.Langer cũng phân biệt huyền thoại và truyện cổ tích. Theo bà, truyện cổ tích liên quan tới cá nhân, tới việc hiện thực hóa những khát vọng của nó, mang tính chủ quan. Nhân vật của truyện cổ tích là người trần mắt thịt chứ không phải các vị thánh thiêng liêng. Nếu trong truyện cổ tích, nhân vật hành động trong một thế giới thần diệu thì


trong huyền thoại, nhân vật thần lại hoạt động ở thế giới thực tại. Hình thức quá độ giữa huyền thoại và truyện cổ tích là những truyền thuyết về anh hùng văn hóa.

Trong công trình Myth and literature – Contemporary theory and practice (Thần thoại và văn học - Lý thuyết và thực hành đương đại), nhà nghiên cứu Géra Róheim cũng phân biệt huyền thoại (myth) và truyện dân gian (folktale) khi cho rằng:

Trong một huyền thoại, nhân vật chủ yếu là thần thánh và thỉnh thoảng là con người. Trong một tập truyện dân gian, nhân vật chính hầu hết là con người, đặc biệt những anh hùng là con người, thường xuyên có những sinh vật siêu nhiên là đối thủ. Trong một huyền thoại, chúng ta có địa phương xác định. Trong một truyện dân gian, các diễn viên không tên, không gian là bất cứ nơi nào. Một huyền thoại là một phần tín ngưỡng, nó được tin bởi người kể chuyện. Truyện dân gian là hư cấu (Vickery, 1966, tr.25).

Nhà nghiên cứu Philippe Sellier cho rằng “Để có thể nhớ lại bản chất và chức năng của huyền thoại, không làm lu mờ ý nghĩa sâu xa của nó, hãy phân biệt nó với câu chuyện không có tính cách thiêng liêng hoặc với truyền thuyết” (Monneyron and Thomas, 2002, tr.65).

Trong công trình Văn học Việt Nam: Văn học dân gian – những công trình nghiên cứu, nhà nghiên cứu Bùi Mạnh Nhị đã dịch thuật ngữ “myf” và “myfalogia” trong tiếng Nga thành “thần thoại” và “hệ thần thoại”. Trong công trình Folklore thế giới – một số công trình nghiên cứu cơ bản, các nhà nghiên cứu cho rằng “Dường như thế giới thần thoại được xây dựng nên chỉ là để lại tan vỡ ra và các thế giới mới lại được xây dựng nên từ các mảnh vỡ” (Ngô Đức Thịnh và Proschan, 2005, tr.281). Công trình Folklore và văn học viết: Nghiên cứu từ góc độ “dịch chuyển không gian” trong truyện cổ tích và truyện truyền kỳ cũng khẳng định truyện cổ tích là một mảnh vỡ của thần thoại, là một thứ thần thoại đã bị tước đi ý nghĩa tôn giáo đồng thời được cấp thêm những ý nghĩa hiện thực sắc bén.

Căn cứ vào khái niệm huyền thoại, sự phân biệt huyền thoại và các thể loại văn học dân gian khác; chúng tôi nhận thấy huyền thoại thể hiện tập trung trong thể loại khởi đầu của văn học dân gian: thần thoại. Bên cạnh đó, các yếu tố của huyền thoại vẫn được bảo tồn trong các thể loại văn học dân gian khác. Xuyên suốt lịch sử nhân

Xem tất cả 271 trang.

Ngày đăng: 10/06/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí