Vấn Đề Sắp Xếp Lại Lực Lượng Lao Động Và Giải Quyết Lao Động “Dôi Dư” Trong Các Dncph

khi CPH, số nợ phải trả được xác định là 477.497.106.836 đồng so với tổng giá trị tài sản là 480.164.392.170 đồng.

3.3.4. Vấn đề sắp xếp lại lực lượng lao động và giải quyết lao động “dôi dư” trong các DNCPH

3.3.4.1.Vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động trong các doanh nghiệp sau CPH.

Một trong những khó khăn nhất của vấn đề chuyển đổi DNNN là xử lý các vấn đề xã hội gắn với đội ngũ cán bộ, công nhân đã gắn bó nhiều năm với doanh nghiệp. Về mặt quyền lợi, những cán bộ, công nhân các DNNN đang hưởng chế độ lương và bảo hiểm có nhiều ưu việt hơn so với các loại hình DN khác, kể cả trường hợp doanh nghiệp làm ăn thua lỗ. Nhiều cán bộ, công nhân do hạn chế về trình độ và tay nghề, đặc biệt là những người cao tuổi sẽ không đáp ứng yêu cầu mới của DN sau chuyển đổi. Vì thế, hiện tượng lao động “dôi dư” là không tránh khỏi. Chế độ chính sách đối với người lao động dôi dư sau CPH đã được thực hiện theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước như Nghị định số 41/2002/NĐ-CP, ngày 11/4/2002, Nghị định số 110/2007/NĐ-CP, ngày26/6/2007, Nghị định số 91/2010/NĐ-CP, ngày 20/8/2010. Ở 70 doanh nghiệp cố phần hóa từ năm 2002 đến 2013 có 2.960 người lao động được xem là lực lượng dôi dư trong đó 2653 người dôi dư theo Nghị định 41 và 307 người theo Nghị định 110 của Chính phủ. Tỉnh đã hỗ trợ 71.506 triệu đồng và tạo điều kiện cho số hộ nghèo vay trả chậm 6.842 triệu đồng. Vì vậy số lao động dôi dư sau cổ phần hóa các DNNN đều có việc làm mới. Song do việc chi trả cho người lao động dôi dư không đồng đều giữa các doanh nghiệp khi cổ phần hóa, đặc biệt nhiều doanh nghiệp chi trả thấp, nên vẫn còn nhiều người khó khăn trong cuộc sống (Công ty cổ phần Sông Mã hỗ trợ mỗi lao động dôi dư 53,1 triệu đồng, Công ty cổ phần quản lý và xây dựng đường bộ I hỗ trợ 46 triệu đồng/người, Công ty cổ phần đường bộ 2 Thanh Hóa chỉ hỗ trợ 28,6 triệu đồng/người)…Đối với doanh nghiệp nhà nước đã thực hiện chuyển đổi thành công ty TNHH một thành

viên, nay lại tiếp tục chuyển thành công ty cổ phần nên việc thực hiện chính sách cho người lao động dôi dư gặp nhiều khó khăn, người lao động chỉ được hưởng chế độ theo Luật Lao động mà không được hưởng chính sách theo quy định tại Nghị định số 91/2010/NĐ-CP ngày 20/8/2010 của Chính Phủ.

Vấn đề giải quyết chế độ cho người lao động vẫn bộc lộ những bất cập cả trong các DN đã có một thời gian hoạt động sau CPH. Thực tế, bên cạnh một số doanh nghiệp sau cổ phần hóa kinh doanh có hiệu quả, mở rộng được quy mô sản xuất, thu hút thêm lao động, thì vẫn có không ít doanh nghiệp kinh doanh sa sút, dẫn tới dư thừa lao động. Trong trường hợp này, nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước, doanh nghiệp sẽ không có điều kiện vật chất để giải quyết các vấn đề mang tính xã hội (trợ cấp, tìm việc làm mới…) liên quan đến những người bị mất việc. Điều đó ít nhiều dẫn tới tình trạng hoang mang chung cho đội ngũ những người lao động. Một mặt, những người lao động đang làm việc có thể lo sợ mất việc làm, do trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp, không đáp ứng được yêu cầu của công việc. Mặt khác do chênh lệch về thu nhập giữa người trực tiếp lao động và người điều hành, quản lý về tiền lương, tiền thưởng, lợi ích cổ phần… nên người lao động không có động lực để yên tâm cống hiến hết mình cho DN.

3.3.4.2. Vấn đề thu nhập của người lao động trong các DN sau CPH

Do phương án SXKD sau CPH chưa thực sát với yêu cầu thị trường, do hạn chế trong quản lý điều hành ở một số doanh nghiệp hình thành từ CPH DNNN nên khoảng 10% DN CPH có lợi nhuận sau thuế thấp, thậm chí giảm so với thời điểm trước CPH. Ở các DN này thu nhập bình quân của người lao động tăng không đáng kể, thậm chí bị giảm như: ở CTCP Xây dựng nông nghiệp và phát triển nông thôn, sau 11 năm CPH (2002- 2013) thu nhập bình quan của người lao động chỉ tăng từ 1 triệu đồng lên 1,2 triệu đồng; ở CTCP Vận tải sông biển, sau 10 năm CPH (2003- 2013) thu nhập bình quân của người lao động chỉ tăng từ 0,5 triệu đồng lên 0,9 triệu đồng; ở CTCP Lợn

giống Hoằng Hóa, sau 10 năm CPH (2003- 2013) thu nhập của người lao động chỉ tăng từ 0,45 triệu đồng lên 0,5 triệu đồng; ở CTCP Vật liệu Hàm Rồng sau 9 năm CPH (2004-2013) thu nhập của người lao động chỉ tăng từ 0,7 triệu đồng lên 0,9 triệu đồng... Ở một số CTCP, thu nhập của người lao động giảm so với trước CPH như: CTCP Công trình Giao thông CPH năm 2004 với mức thu nhập bình quân của công nhân là 0,7 triệu đồng nhưng đến năm 2014 chỉ còn 0,6 triệu đồng; ở CTCP Xây dựng Sông Mã 1, CPH năm 2007 với mức thu nhập bình quân của công nhân là 2 triệu đồng nhưng đến năm 2014 chỉ còn 0,5 triệu đồng; ở CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản, CPH năm 2007 với mức thu nhập bình quân của công nhân là 1,2 triệu đồng nhưng đến năm 2014 chỉ còn 1 triệu đồng...

Như vậy mục tiêu của CPH là làm tăng thu nhập cho người lao động và tăng đóng góp vào ngân sách nhà nước chưa thực sự đạt yêu cầu. Thu nhập của người lao động trong các doanh nghiệp hình thành từ CPH DNNN nhìn chung tăng, nhưng mức tăng không đáng kể so với lợi nhuận của công ty.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 232 trang tài liệu này.

3.3.5. Vấn đề chuyển đổi cấu trúc sở hữu và quan hệ giữa các nhóm cổ đông.

3.3.5.1. Thực trạng bán cổ phần ưu đãi cho người lao động trong các doanh nghiệp Nhà nước khi cổ phần hoá.

Những vấn đề kinh tế - xã hội nảy sinh trong quá trình cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước ở Thanh Hoá - 13

Việc bán cổ phần ưu đãi cho người lao động trong DNNN khi CPH đã được quy định khá cụ thể trong các Nghị định 28/NĐ-CP, Nghị định 44/NĐ- CP, Nghị định 64/2002/NĐ-CP. Tuy vậy, có những quy định cũng chưa thực phù hợp với thực tế. Chẳng hạn, việc quy định giá bán ưu đãi cổ phần cho người lao động trong DNNN khi CPH bằng 60% mức đấu giá thành công bình quân trên sàn chứng khoán có thể là cao và người lao động khó có thể mua để trở thành cổ đông của CTCP. Trên thực tế ở Thanh Hóa, đa số công nhân trong các DNNN là người lao động nghèo vì trong một thời gian dài, DNNN của họ hoạt động kém hiệu quả, thậm chí nhiều doanh nghiệp thua lỗ kéo dài nên tiền lương của họ chỉ đủ duy trì cuộc sống, chưa có tích lũy hoặc

tích lũy chưa đáng kể. Việc đa số người lao động không đủ tiền để mua hết cổ phần ưu đãi dẫn đến một số đã bán ngay quyền mua cổ phần ưu đãi cho các nhà đầu tư khác để hưởng một chút chênh lệch. Một số khác phải vay mượn để mua hết số cổ phần ưu đãi nhưng rồi lại cũng phải buộc lòng “bán lúa non” cho những người khác để lấy chênh lệch vì họ chưa đủ giàu để sở hữu cổ phần và chờ hưởng cổ tức, trong đó có cả những cổ phần ưu đãi ghi danh mà theo quy định không được chuyển nhượng trong 3 năm đầu. Thực tế này có thể thấy rò trong các công ty cổ phần xuất khẩu thủy sản, công ty cổ phần dịch vụ thương mại PETEC, CTCP Đầu tư Nông nghiệp Thiệu Yên, CTCP giống cây trồng Thanh hóa, CTCP giống và phát triển cây trồng Thanh hóa,… Việc quy định tổng giá trị cổ phần ưu đãi cho người lao động trong DNNN khi CPH theo Nghị định 44/NĐ-CP không quá 20% tổng vốn Nhà nước cho tất cả các doanh nghiệp cũng tỏ ra chưa phù hợp. Thực tế cho thấy: những doanh nghiệp quy mô vốn nhà nước lớn, số lượng lao động không lớn thì nhìn chung người lao động trong doanh nghiệp khi CPH có thể mua đủ được số cổ phần ưu đãi tối đa là 10 cổ phần cho một năm công tác tại DNNN. Nhưng những doanh nghiệp quy mô vốn nhà nước ít, số lượng lao động lại nhiều thì lượng cổ phần ưu đãi tính cho 1 năm công tác của người lao động tại DNNN lại quá thấp. Chẳng hạn: chỉ tiêu này ở CTCP Giấy Mục Sơn là: 5 năm/10 cổ phần, ở CTCP Bao bì Lam sơn: 4,1 năm/10 cổ phần, CTCP cơ khí

19/5: 3,1 năm/10 cổ phần…

Đặc biệt, sau CPH tồn tại xu hướng một số cổ đông lớn muốn thâu tóm quyền chi phối doanh nghiệp bằng cách mua lại cổ phần của công nhân nghèo, thậm chí có tình trạng ép công nhân bán cổ phiếu ưu đãi của mình trong một số doanh nghiệp. Xu hướng trên thường xảy ra trong trường hợp cổ phiếu ưu đãi có mệnh giá thấp do ưu đãi của nhà nước và do định giá thấp, hoặc trong trường hợp doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có hiệu quả,... Việc bán cổ

phiếu sẽ làm cho người công nhân mất đi nguồn thu nhập, ổn định từ cổ phần, mất quyền làm chủ đối với doanh nghiệp với tư cách của người góp vốn.

Cụ thể như ở các CTCP đầu tư nông nghiệp Thiệu Yên; CTCP giống và phát triển gia cầm Thanh hóa; CTCP Vật tư tổng hợp Thanh hóa; CTCP đầu tư phát triển đô thị Thanh hóa... khi mới CPH, hầu hết người lao động trong các công ty này đều có cổ phần., Tuy nhiên đến 2014, trung bình chỉ còn 1% người lao động còn nắm giữ vốn cổ phần của DN.

Các thực tế trên cho thấy: mục tiêu gắn bó người lao động với các CTCP thông qua việc biến họ thành những cổ đông thực sự của DN đã không đạt được kết quả như mong đợi. Mặt khác, việc bán cổ phần cho Tổ chức Công đoàn ở hầu hết các DN không thực hiện được, dẫn đến vai trò của công đoàn trong các DNNN sau CPH rất mờ nhạt.

Như vậy, mục tiêu thực hiện đa dạng hóa sở hữu trong các doanh nghiệp và biến công nhân thành người chú thực sự của các doanh nghiệp sau CPH không đạt được như kỳ vọng.

Việc cổ phần hóa cũng thường được thực hiện một cách khép kín, trong nội bộ DNCPH. Thực tế ở 98 doanh nghiệp hình thành từ CPH DNNN trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thì tỷ trọng cổ phần bán cho những người vốn từng làm việc trong doanh nghiệp chiếm khoảng 70% vốn điều lệ, các cổ đông ngoài doanh nghiệp chỉ nắm giữ xấp xỉ 10%. Việc CPH tương đối khép kín để lại nhiều hệ lụy: được định giá theo kiểu “nội bộ”, nhiều tài sản của DN có xu hướng bị định giá thấp, do đó tài sản xã hội dễ bị thất thoát; các tài năng kinh doanh và nguồn lực bên ngoài doanh nghiệp không được thu hút đủ mạnh để tạo ra một sức sống mới, một sự thay đổi mạnh mẽ đối với toàn bộ quá trình hoạt động của DN sau CPH.

3.3.5.2. Thực trạng về lựa chọn các nhà đầu tư chiến lược và đấu giá cổ phần ra công chúng.

Trong chuyển đổi cấu trúc sở hữu nhằm tạo ra sức sống mới cho DNCPH còn có vấn đề chọn các nhà đầu tư chiến lược và đấu giá cổ phần ra

công chúng. Nhìn chung rất ít CTCP có nhà đầu tư chiến lược. Qua khảo sát ở 98 DNNN đã CPH chỉ có 3 doanh nghiệp chọn được nhà đầu tư chiến lược là: CTCP Đường Lam Sơn là nhà đầu tư chiến lược của CTCP Du lịch Thanh Hóa, với 39% vốn điều lệ; CTCP sản xuất và thương mại PP là nhà đầu tư chiến lược của CTCP In Báo Thanh Hóa, với 11,18 % vốn điều lệ; Hợp tác xã Hợp Phát, Bản Cội xã Xuân Phú, huyện Quan Hóa là nhà đầu tư chiến lược của của CTCP Thương mại miền núi Thanh Hóa. Tổng cổ phần của các nhà đầu tư chiến lược trong các DNNN đã CPH của tỉnh chỉ chiếm 0,59%.

Việc CPH cơ bản khép kín, nên tỷ lệ cổ phần đem ra đấu giá công khai ở các DNNN CPH thường thấp: CTCP Thương mại miền núi 11,16%; CTCP Quản lý Thủy nội địa và Xây Dựng Thanh Hóa 19%, CTCP Đường bộ 2 Thanh Hóa 20%...

3.3.5.3. Vấn đề quan hệ giữa cổ đông lớn và các cổ đông nhỏ trong các DNCPH.

Thực tế, ở tất cả các công ty cổ phần tại Thanh Hóa các nhà đầu tư nhỏ, nắm giữ một số lượng cổ phiếu ít ỏi, hầu như không có tiếng nói đối với các quyết định của doanh nghiệp, kể cả đối với những quyết định có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của các nhà đầu tư này. Đặc biệt khi xảy ra xung đột hay tranh chấp về lợi ích thì các ý kiến của các nhà đầu tư nhỏ thường không được chú ý giải quyết hoặc giải quyết rất chậm. Điều này có thể dẫn đến nhận định cho rằng: ở các CTCP, quyền lợi của các cổ đông nhỏ không được bảo vệ, và điều đó làm cho niềm tin của họ đối với các cổ đông lớn và công ty cổ phần có phần giảm sút. Tuy nhiên, tiếng nói, quyền ra quyết định, quyền lợi và nghĩa vụ của các cổ đông tỷ lệ thuận với số lượng cổ phiếu mà cổ đông sở hữu là một đặc điểm và ưu thế của hình thức tổ chức doanh nghiệp dưới dạng CTCP. Nó cho phép lợi ích hay tổn thất của mỗi người trong việc tham gia ra quyết định đối với tài sản chung của DN tương thích với phần vốn góp của họ. Điều khắc phục được nhược điểm của hình thức tổ chức DN dưới dạng

các HTX, cho thấy sức sống thực sự của các CTCP. Việc hiện diện thực sự một nhóm nhỏ cổ đông lớn giúp cho CTCP có được những cá nhân sở hữu thực sự không bị “phi cá nhân hóa” theo kiểu đại chúng khi vốn của DN bị phân tán trong hàng ngàn cổ đông nhỏ lẻ. Cơ chế của CTCP là: khi các cổ đông nhỏ cảm thấy thất vọng hay cho là bị thua thiệt họ có thể rút vốn thông qua việc chuyển nhượng các cổ phiếu của mình. Trong trường hợp này, điều cần thiết chỉ là sự vận hành trôi chảy, minh bạch của thị trường chứng khoán nhằm tạo thuận lợi cho sự chuyển nhượng này.

3.3.5.4. Vấn đề quan hệ giữa cổ đông và người quản lý trong các DNCPH.

Quan hệ giữa cổ đông và người quản lý trong các DNCPH không còn đơn thuần là quan hệ giữa người lãnh đạo và công nhân mà còn là quan hệ giữa các cổ đông với nhau. Song qua khảo sát ở nhiều CTCP cho thấy: Quan hệ của các cổ đông và các CTCP cũng chưa được rò ràng, nhận thức chưa đầy đủ quyền và nghĩa vụ vị thế của cổ đông với tư cách là chủ của công ty, chưa có tiếng nói dân chủ thực sự, chưa có các cuộc hội thảo theo chuyên đề, các hội nghị và các diễn đàn thực sự để người lao động với tư cách là cổ đông bày tỏ quan điểm và đưa ra tiếng nói dân chủ thực sự của mình trước doanh nghiệp, nên đã gây ra ức chế, nghi kỵ lẫn nhau trong nội bộ công ty. Vấn đề giải quyết lao động dôi dư chưa được quan tâm đúng mức, thực thi chính sách chưa triệt để. Bên cạnh đó hoạt động của các tổ chức chính trị, xã hội ở các doanh nghiệp hình thành từ CPH DNNN còn nhiều hạn chế, lúng túng, chưa phát huy vai trò khả năng của mình [110]. Ngoài ra một số ít CTCP do quá chạy theo lợi nhuận mà bỏ qua hoặc coi nhẹ vấn đề bảo vệ môi trường.

3.3.5.5. Về vấn đề cổ đông nhà nước ở các DNCPH

Ở đây có hai khía cạnh: i) vị thế của cổ đông nhà nước hay tỷ trọng cổ phần mà nhà nước nắm giữ có ảnh hưởng như thế nào đến hiệu quả hoạt động của DN sau CPH; ii) việc thực hiện quyền sở hữu nhà nước trong các CTCP mà nhà nước là cổ đông.

Về khía cạnh thứ nhất, có thể thấy: cùng với quá trình cổ phần hóa về cơ bản mang tính khép kín, ở nhiều công ty cổ phần, Nhà nước vẫn là cổ đông chính, nắm nhiều cổ phần. Chẳng hạn, ở công ty cổ phần Quản lý thủy nội địa và xây dựng Thanh Hóa, cổ đông Nhà nước chiếm tới 70% vốn điều lệ. Ở một số công ty, Nhà nước vẫn sở hữu từ 60% vốn điều lệ trở lên như: Công ty quản lý đường bộ 1 Thanh Hóa, công ty quản lý đường bộ 2 Thanh Hóa, Công ty Du lịch Thanh hóa, cá biệt như CTCP Crôm mít Cổ Định nhà nước giữ tới 93% vốn điều lệ... Ở đa số các CTCP, tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ tuy thấp hơn 50%, nhưng do số vốn còn lại bị phân tán giữa nhiều cổ đông, nên trong nhiều trường hợp, Nhà nước vẫn là cổ đông lớn nhất, giữ vai trò quan trọng có tính chất quyết định đối với mọi hoạt động của công ty. Trong trường hợp này, CPH không làm thay đổi căn bản cấu trúc sở hữu, khiến cho DN sau CPH về cơ bản vẫn giữ hình dạng và mô thức hoạt động như một DNNN. Những chuyển biến thực sự trong vận hành của DN ít xảy ra, đúng như sự phân tích lý thuyết đã chỉ rò. Ngay trong “Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp” năm 2011 của Sở Tài chính Thanh Hóa cũng đưa ra nhận định: “Một số doanh nghiệp sau chuyển đổi tiếp tục duy trì đội ngũ cán bộ cán bộ quản lý chủ chốt của DNNN chuyển sang nên cách nghĩ, cách làm vẫn giữ theo cơ chế bao cấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, sức cạnh tranh của số doanh nghiệp này còn thấp” [110, tr.6]. Hệ quả là sau CPH, hiệu quả hoạt động của DN được cải thiện hầu như không đáng kể hoặc không được cải thiện. Thực tiễn CPH DNNN ở Thanh Hóa cho thấy, nhóm các DN cải thiện được hiệu quả hoạt động sau CPH thường là nhóm các DN mà sau CPH, tỷ lệ nắm giữ cổ phần của nhà nước là thấp, trong khi ở nhóm các DN không cải thiện được hiệu quả hoạt động sau khi được CPH, nhà nước vẫn là cổ đông lớn, nắm giữ hơn 50% cổ phiếu của công ty. Cụ thể:

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 18/07/2022