Thực Trạng Quá Trình Cổ Phần Hoá Các Doanh Nghiệp Nhà Nước Ở Việt Nam 4459

Cụ thể hoá tinh thần Nghị quyết Trung ương 9 khoá IX và Chỉ thị số 45/CT-BCT ngày 22/10/2004 của Bộ Chính trị khoá IX về việc đẩy mạnh CPH DNNN, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 187/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004 "Về việc chuyển Công ty Nhà nước thành Công ty Cổ phần" với những nội dung mới như: việc xác định giá trị DNNN chủ yếu qua đấu giá theo giá thị trường, kết quả của các trung tâm, đơn vị định giá chỉ là mức giá để tham khảo khi xác định vốn điều lệ, làm cơ sở cho chủ sở hữu đưa ra mức giá sàn; minh bạch hoá, công khai hoá tài sản, tình hình tài chính của doanh nghiệp, có quy định cụ thể, hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư chiến lược,.... Nghị định này được đánh giá là biện pháp "mạnh tay" để đẩy nhanh tiến độ CPH. Tuy nhiên, sau 2 năm áp dụng, Nghị định đã bộc lộ nhiều hạn chế, như: đối tượng CPH không "lường trước" được những loại hình doanh nghiệp mới; không cho phép nhà đầu tư nước ngoài trở thành nhà đầu tư chiến lược; chưa khuyến khích doanh nghiệp bán Cổ phần ra bên ngoài,... [6].

Ngày 24/12/2004, Bộ Tài chính ra Thông tư số 126/2004/TT-BTC "Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 187/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004 về việc chuyển Công ty Nhà nước thành Công ty Cổ phần".

Ngày 17/3/2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 04/2005/CT- TTg, trong đó đã chỉ rõ: "CPH là khâu then chốt nhất, là giải pháp cơ bản và quan trọng để cơ cấu lại, đổi mới cơ chế quản lý và nâng cao hiệu quả DNNN, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế,...."

Ngày 27/7/2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 189/2005/QĐ-TTg "Về việc thành lập Trung tâm Lưu ký Chứng khoán".

Ngày 04/8/2005, Bộ Tài chính ra Quyết định số 2592/QĐ-BTC "Về việc ban hành quy trình kết hợp CPH DNNN với niêm yết/đăng ký giao dịch Cổ phiếu tại các Trung tâm giao dịch chứng khoán".

Ngày 27/01/2006, Chính phủ ban hành Nghị định số 17/2006/NĐ-CP "Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật đất

đai và Nghị định số 187/2004/NĐ-CP về việc chuyển Công ty Nhà nước thành Công ty Cổ phần".

Ngày 25/9/2006, Bộ Tài nguyên môi trường ra Thông tư số 09/2006/TT- BTNMT "Hướng dẫn việc chuyển đổi hợp đồng thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi chuyển Công ty Nhà nước thành Công ty Cổ phần".

Ngày 12/10/2006, Bộ Tài chính ra Thông tư số 95/2006/TT-BTC "Sửa đổi, bổ sung Thông tư số 126/2004/TT-BTC ngày 24/12/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 187/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004 của Chính phủ về việc chuyển Công ty Nhà nước thành Công ty Cổ phần".

Chỉ trong vòng 6 năm từ 2001-2006, việc phải ban hành tới 5 Nghị định hướng dẫn việc sắp xếp, CPH các DNNN không chỉ phản ánh nỗ lực của Chính phủ mà còn cho thấy quá trình này gặp phải những cản trở nghiêm trọng.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 107 trang tài liệu này.

Ngày 20/3/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 38/2007/QĐ-TTg "Về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước" với những quy định rất cụ thể. Theo Quyết định này, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực kinh doanh tiền tệ, bảo hiểm khi thực hiện CPH, Nhà nước nắm giữ trên 50% tổng số Cổ phần.

Ngày 28/5/2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 87/2007/NĐ-CP "Ban hành Quy chế thực hiện dân chủ ở Công ty Cổ phần, Công ty trách nhiệm hữu hạn".

Cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam - Thực trạng và giải pháp - 7

Ngày 26/6/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định 109/2007/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thành Công ty Cổ phần. Nghị định này thay thế Nghị định 187/2004/NĐ-CP và được đánh giá là có nhiều thay đổi phù hợp, góp phần giải quyết khá triệt để những vướng mắc trong quá trình CPH DNNN thời gian qua.

Nghị định 109 đã bổ sung các đối tượng CPH thuộc các loại hình: (i)

Công ty mẹ của tập đoàn kinh tế, (ii) Công ty mẹ trong tổ hợp Công ty mẹ - Công ty con, (iii) Công ty TNHH do Nhà nước nắm giữ 100% vốn. Như vậy, đối tượng CPH đã bao quát các mô hình tổ chức của DNNN mới phát sinh trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, có lẽ cũng cần phải có thêm các quy định điều chỉnh về trình tự CPH Công ty mẹ-Công ty con, vì trong một số trường hợp, việc CPH Công ty con trước, Công ty mẹ/ tập đoàn sau hoặc ngược lại sẽ có nhiều sự khác biệt.

Trong quy định về điều kiện CPH, tiêu chí "còn vốn Nhà nước" vẫn được giữ nguyên nhưng "chất" của tiêu chí đã thay đổi. Theo Nghị định 187, vốn Nhà nước được ghi chú là chưa bao gồm giá trị quyền sử dụng đất còn theo Nghị định 109 không còn ghi chú này. Mặt khác, Nghị định 109 cũng đã quy định rõ nếu giá trị doanh nghiệp (sau khi xử lý tài chính và đánh giá lại) nhỏ hơn nợ phải trả thì không CPH mà phải tiến hành bán hoặc giải thể, phá sản doanh nghiệp. Như vậy, có thể hiểu, giá trị quyền sử dụng đất đã được nhìn nhận đầy đủ như một cấu thành của vốn Nhà nước khi xác định giá trị doanh nghiệp.

Điểm quan trọng nhất của Nghị định 109 là trao quyền cho Hội đồng quản trị phê duyệt tất cả các quyết định liên quan đến CPH như: phương thức bán Cổ phần, xác định giá trị doanh nghiệp CPH, xử lý tài chính, công nợ,... thay vì phải trình lên bộ quản lý ngành như trước đây. Quy định này vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc đẩy nhanh tiến trình CPH nhưng đồng thời đặt ra trách nhiệm rất cao đối với Hội đồng quản trị.

Với những nội dung đổi mới cơ bản nêu trên của Nghị định số 109/2007/NĐ-CP, quá trình CPH theo cơ chế mới này sẽ góp phần thúc đẩy quá trình CPH DNNN trong thời gian tới đạt được mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đề ra.

II. Thực trạng quá trình Cổ phần hoá các doanh nghiệp Nhà nước ở Việt Nam

1. Về số lượng

Chủ trương CPH DNNN đã được thí điểm từ trước năm 1992, thực hiện từ năm 1993, được triển khai mạnh từ năm 1998 và đẩy mạnh hơn từ năm 2003.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá IX đã đề ra phải rà soát và thu hẹp hơn nữa diện các DNNN giữ 100% vốn hoặc có Cổ phần chi phối, tập trung vào một số ngành và lĩnh vực then chốt thật sự cần có vai trò của kinh tế Nhà nước; đẩy mạnh CPH DNNN, mở rộng diện các DNNN CPH, kể cả những doanh nghiệp lớn và một số Tổng công ty kinh doanh có hiệu quả. Nhờ đó, tính đến nay, tổng số DNNN được sắp xếp là

5.366 doanh nghiệp, trong đó nhiều nhất là sắp xếp theo hình thức CPH được 3.756 DNNN, đặc biệt đã CPH nhiều DNNN quy mô lớn [49].

Theo Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, Chính phủ quyết tâm tiếp tục rà soát, sắp xếp lại DNNN. Đến cuối năm 2010, cả nước chỉ còn 745 doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chỉ còn lại khoảng 60 tập đoàn, Tổng công ty do Nhà nước giữ Cổ phần chi phối [49].

Qua 15 năm thực hiện CPH DNNN, tính đến hết năm 2007, số lượng các DNNN CPH là 3.756, đạt 82,4% mục tiêu của kế hoạch CPH đến năm 2010. Số DNNN được CPH chiếm 17% tổng số vốn Nhà nước tại DNNN. Như vậy, có thể thấy rằng, CPH DNNN đã đạt được kết quả nhất định, tuy nhiên tốc độ CPH DNNN như vậy là chậm, còn không ít vướng mắc đang tồn tại cần giải quyết [46].

Năm 2007, cả nước đã triển khai sắp xếp được 257 doanh nghiệp, trong đó CPH 136 doanh nghiệp, bộ phận doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp được CPH tuy không nhiều nhưng chất lượng công tác CPH đã được nâng lên rõ rệt. Đã có nhiều DNNN lớn trong các ngành, lĩnh vực quan trọng như: Điện lực, Dầu khí, Tài chính-Ngân hàng,... được CPH. Đặc biệt, phải kể đến việc tiến hành CPH và phát hành lần đầu Cổ phiếu ra công chúng (IPO) của

Tổng công ty Bảo hiểm Việt Nam cùng với việc hình thành Tập đoàn Tài chính Bảo hiểm Việt Nam, IPO Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt đề án CPH Tổng công ty Rượu bia và Nước giải khát Hà Nội, Tổng công ty Rượu bia và Nước giải khát Sài Gòn. Với việc ban hành Nghị định số 109/2007/NĐ-CP thay thế cho Nghị định số 187/2004/NĐ-CP trước đây về chuyển doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thành Công ty Cổ phần, cơ chế, chính sách CPH về cơ bản đã được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn và theo cơ chế thị trường. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính trong việc kết hợp CPH với niêm yết trên thị trường chứng khoán. Cho đến nay có 250 Công ty niêm yết với giá trị vốn hoá thị trường đạt tới 20 tỷ USD, tương đương gần 40% GDP [24].

Về cơ chế sắp xếp, CPH DNNN được hoàn thiện, việc tổ chức thực hiện kế hoạch có lộ trình chặt chẽ đã thúc đẩy hoạt động sắp xếp, CPH doanh nghiệp. Đặc biệt, công tác bán Cổ phần lần đầu thông qua phương thức đấu giá đã tăng thu cho Nhà nước 5,6 lần so với mệnh giá và tăng 1,6 lần so với giá khởi điểm. CPH gắn với niêm yết đã tạo ra những Cổ phiếu có chất lượng cao cho thị trường chứng khoán [24].

Theo kế hoạch CPH các tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước đã được thủ tướng Chính phủ phê duyệt, số lượng tập đoàn, Tổng công ty thực hiện CPH trong giai đoạn 2007-2010 là 71, trong đó năm 2007 là 20, năm 2008 là 26, năm 2009 là 19 và năm 2010 là 6. Tuy nhiên, kế hoạch CPH 20 tập đoàn và Tổng công ty Nhà nước năm 2007 đã không thực hiện được. Ngoài tập đoàn Bảo Việt và Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam đã hoàn thành CPH trong năm, nhiều doanh nghiệp được giới đầu tư quan tâm như: Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội, Tổng công ty Bia-Rượu-Nước giải khát Hà Nội phải chuyển tiếp sang năm 2008 để CPH cùng với những tên tuổi như: Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Ngân hàng Công thương, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Nông

nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn, Tổng công ty Thép, Tổng công ty Hoá chất, Tổng công ty Xi măng,... là những đơn vị được CPH vào 2 năm cuối 2009 và 2010 [24].

2. Về cơ cấu

Thứ nhất, về cơ cấu vốn điều lệ hay cơ cấu sở hữu đã có những thay đổi đáng khích lệ. Cải cách DNNN, đặc biệt là CPH đã củng cố khu vực tư nhân và làm giảm nợ công, phần nào cải thiện được cơ cấu sở hữu trong các DNNN.

Từ năm 2001 đến hết năm 2005, nước ta đã thực hiện CPH 2.472 DNNN với khoảng 11% tổng số vốn của các DNNN. Tuy nhiên, sang năm 2006, chỉ có thêm 595 doanh nghiệp được CPH với tổng số vốn đạt 12%; còn năm 2007 thì chỉ CPH được vỏn vẹn 82 doanh nghiệp đưa tổng số vốn đã CPH lên 17%; đồng thời đưa tổng vốn Nhà nước ở doanh nghiệp CPH lên tới 29.766 tỷ đồng, bằng 42% tổng vốn Nhà nước của các doanh nghiệp đã CPH [36].

Theo Bộ Tài chính, tính đến tháng 8 năm 2007, tỷ lệ Cổ phần do Nhà nước giữ ở các doanh nghiệp đã CPH như sau: nắm giữ Cổ phần chi phối trên 50% ở 33% số doanh nghiệp; dưới 50% số vốn ở 37% số doanh nghiệp và không giữ lại tỷ lệ % vốn nào ở gần 30% số doanh nghiệp. Xem xét cụ thể hơn có thể thấy, số vốn Nhà nước đã được CPH chỉ mới chiếm 12% và ngay trong số vốn này, Nhà nước vẫn nắm khoảng 40%. Vì thế, số vốn mà Nhà nước CPH được bán ra ngoài mới chiếm một tỷ lệ rất nhỏ (khoảng 3,6%) [14].

Với cơ cấu vốn Nhà nước đã CPH như trên có thể thấy bức tranh CPH DNNN ở nước ta hiện nay và hiểu rõ hơn khái niệm Cổ phần "chi phối" của Nhà nước.

Nhìn tổng thể, xét về đối tượng CPH thì so với quy định ban đầu, chúng ta đã bổ sung đối tượng CPH là các doanh nghiệp có quy mô lớn, các Tổng công ty Nhà nước. Tuy vậy cho đến nay, 77% số doanh nghiệp đã CPH chỉ có

quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng. Riêng đối với loại doanh nghiệp CPH mà Nhà nước không giữ tỷ lệ nào trong vốn điều lệ thì đều là doanh nghiệp nhỏ có vốn Nhà nước dưới 1 tỷ đồng và kinh doanh kém hiệu quả. Loại doanh nghiệp nhỏ này chiếm gần 30% số doanh nghiệp mà Nhà nước thực hiện CPH [36].

Sự lựa chọn các doanh nghiệp thực hiện CPH như vậy đã làm chậm tiến độ thực hiện chủ trương CPH; các DNNN chưa thể hiện được rõ những ưu thế của doanh nghiệp đã CPH so với những doanh nghiệp chưa CPH, chưa thực hiện được các mục tiêu CPH đề ra.

Thứ hai, về cơ cấu cổ đông, cổ đông trong các doanh nghiệp đã CPH là cán bộ, công nhân viên nắm 29,6% Cổ phần; cổ đông là người ngoài doanh nghiệp nắm 24,1% Cổ phần; cổ đông là Nhà nước nắm 46,3% Cổ phần [35].

Nét đáng chú ý về cơ cấu cổ đông là các nhà đầu tư chiến lược trong nước khó mua được lượng Cổ phần đủ lớn để có thể tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp, còn nhà đầu tư nước ngoài có tiềm năng về vốn, công nghệ, có năng lực quản lý kinh doanh cũng chỉ được mua số lượng Cổ phần hạn chế (mới có trên 20 Công ty có cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài). Các cổ đông chiến lược vì thế không có nhiều cơ hội để tham gia vào phát triển sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp. Điều này làm cho các doanh nghiệp đã CPH rất khó hoạt động có hiệu quả, nhất là trước sức ép cạnh tranh ở cấp độ quốc tế, khi nước ta đã chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới WTO.

Bên cạnh đó, có tình trạng một số DNNN sau khi CPH đang dần chuyển hoá thành doanh nghiệp tư nhân do một số cổ đông đã bán, chuyển nhượng số Cổ phần của mình, hoặc làm trung gian thu gom Cổ phần cho tư nhân ngoài doanh nghiệp nắm giữ, có trường hợp đã nắm hơn 50% tổng giá trị Cổ phần danh nghĩa để trở thành chủ nhân đích thực của doanh nghiệp. Đây là điều trái với chủ trương CPH của Đảng và Nhà nước [46].

3. Về chất lượng

Thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp sau CPH DNNN cho thấy, khoảng 90% số doanh nghiệp có hiệu quả kinh doanh tốt hơn so với trước khi CPH, góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước, tăng thu nhập cho người lao động, huy động vốn xã hội cũng tăng lên, chấm dứt tình trạng bù lỗ của ngân sách Nhà nước, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động [17].

Theo Báo cáo của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DNNN, tổng số đơn vị được sắp xếp lên 5.366 doanh nghiệp, trong đó CPH 3.756 doanh nghiệp. Qua tổng hợp báo cáo của 1.616 doanh nghiệp có thời hoạt động sau CPH hơn 1 năm cho thấy: vốn điều lệ bình quân tăng 58,6%; doanh thu tăng 48,2%; lợi nhuận tăng 331,8%; nộp ngân sách tăng 44,2%; thu nhập của người lao động tăng 51,8%; cổ tức đạt 13%. Tuy nhiên, có 109 doanh nghiệp thua lỗ (chiếm 7,1% số doanh nghiệp có báo cáo). Đáng lưu ý là số lượng doanh nghiệp được sắp xếp trong năm 2007 còn ít, chỉ bằng trên 17% phương án đã được duyệt [36].

Có được kết quả như vậy là do sau CPH, các doanh nghiệp có điều kiện gia tăng vốn đầu tư; đổi mới, hiện đại máy móc, trang thiết bị; tinh giản bộ máy quản lý, đổi mới cách thức điều hành,... nên đã nâng cao được chất lượng hàng hoá, dịch vụ; cải tiến mẫu mã; hạ giá thành,.... Với những ưu thế đó, các doanh nghiệp hình thành từ CPH DNNN không chỉ giữ được thị trường mà còn mở rộng thị phần, tăng lợi nhuận. Trước thực tế đó, ở một số địa phương đã có những doanh nghiệp nếu theo đúng lộ trình thì chưa đến thời gian phải CPH nhưng đã xin CPH trước, hoặc có doanh nghiệp có thể được ưu tiên giữ lại là DNNN nhưng cũng xin được CPH và tiến hành CPH với thời gian ngắn nhất. Như vậy, có thể thấy rằng, doanh nghiệp hình thành từ CPH DNNN đi vào hoạt động có hiệu quả, sức cạnh tranh tăng đã góp phần nâng cao nhận thức của lãnh đạo doanh nghiệp và người lao động về quá trình CPH DNNN.

III. Đánh giá thực trạng quá trình Cổ phần hoá các doanh nghiệp Nhà nước ở Việt Nam

Ngày đăng: 30/04/2022