Những đóng góp của Đông Dương tạp chí trong quá trình hiện đại hóa văn học, văn hóa Việt Nam đầu thế kỷ XX - 21


Theo Nguyễn Văn Vĩnh, có một thực tế là những cuốn sách của bậc hiền thánh cổ xưa không chứa tất cả các kiến thức của con người. Để xã hội phát triển, con người cần phải được bổ sung bằng các kiến thức mới không ngừng cập nhật: “nhà Nho ta đi học thường cứ cho kinh sử của thánh hiền để lại là tóm cả bao nhiêu điều phải biết ở cả đó, rồi lại không biết cho rằng nước nào cũng vậy, thánh hiền kế thế nhau, ông đời trước dạy điều biết trước, ông đời sau lại nhân điều dạy trước mà học thêm ra và dạy thêm ra, mỗi ngày một rộng”.

Trong thực tế, theo ông, hệ thống giáo dục này của Nho học là vô ích vì những người theo Nho học chỉ khăng khăng giữ lấy những điều họ đã được học trong các sách thánh hiền. Họ muốn tìm hiểu tất cả mọi thứ, nhưng trong thực tế, họ không học bất cứ điều gì khác hơn so với các sách vở đó.

Suy nghĩ này của Nguyễn Văn Vĩnh cũng được Phạm Quỳnh chia sẻ trong các bài viết của mình.

Trong mục Học cũ học mới114, Phạm Quỳnh nêu lên vấn đề xây dựng nền

học mới trong bối cảnh Việt Nam đã có một nền giáo dục dựa theo mô hình Trung Hoa. Hệ thống giáo dục mà ông gọi là “nền học cũ” phải đương đầu với “nền học mới”, vốn rất khác biệt với căn bản tư duy của người phương Đông. Theo ông, Việt Nam đang trải qua một buổi giao thời khó khăn, đó là lí do vì sao chúng ta phải hiểu vấn đề giáo dục cho tường tận để không phạm sai lầm trong việc lựa chọn con đường để đi cho dân tộc vì con đường đó có ảnh hưởng rất lớn tới tương lai.

Phạm Quỳnh cố gắng nêu lên điểm khác biệt giữa hai nền giáo dục Đông – Tây. Ông nhấn mạnh rằng các nước Châu Âu đều coi trọng các lĩnh vực học thuật như nhau và họ phân ra làm ba lĩnh vực riêng biệt: lý học, thực học và văn tự. Trong khi đó, tại Trung Quốc và Việt Nam người ta lại chuộng từ chương - một lối học “hư văn”. Vì thế theo ông, trong khi Châu Âu tiến bộ hàng ngày nhờ vào tinh thần cởi mở đó thì Trung Quốc và Việt Nam lại giẫm chân tại chỗ: “cứ lấy 9 quyển Tứ thư ngũ kinh làm thánh thư, cho là tổng hợp cả các sự vật trong trời đất, trong loài


114 Đông Dương tạp chísố 5.


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 290 trang tài liệu này.

người, bàn đi bàn lại sách cũ, không sáng được một tư tưởng hay một học thuyết gì mới. Chỉ bởi cái học hư văn ấy nên sự học hành không tấn hóa được.”

Theo Phạm Quỳnh, ở Việt Nam, kiến thức về nhiều lĩnh vực khoa học đều có nhưng không được đầu tư nghiên cứu nghiêm chỉnh như ở Châu Âu. Một số người Việt bỏ công nghiên cứu về thiên nhiên hay về kỹ thuật ứng dụng thì thông thường cũng không đạt được kết quả tích cực “vì ta thường chuộng uẩn ảo huyển diệu hơn là rò ràng, thực nghiệm và quan sát sự vật cũng không có phép tắc nhất định. Mỗi người xét một cách, người nào cũng lấy ý kiến riêng làm nhẽ thực chính sác. Thành ra rút lại thì chỉ có văn tự là học kỹ”.

Những đóng góp của Đông Dương tạp chí trong quá trình hiện đại hóa văn học, văn hóa Việt Nam đầu thế kỷ XX - 21

Thế nhưng, ngay cả văn tự cũng không được phát triển thấu đáo vì các nhà Nho cứ phải tìm dùng những từ thật khó, thật hiếm và những điển cố sâu xa, ít người biết: “Cái tệ tập ấy nhân tuấn mãi thành ra tính chất tự nhiên”. Giáo dục Việt Nam vốn theo hình mẫu của Trung Quốc, mà trong suốt ba ngàn năm, “nước Tàu chỉ học huấn cổ”, có nghĩa là chỉ luận về cổ thư. Vì thế, đi theo mô hình này, trí tuệ Việt Nam không thể nảy sinh được một tư tưởng hay triết thuyết gì mới lạ.

Đi xa hơn nữa, trong bài viết của mình, Phạm Quỳnh còn nhận định Trung Quốc trong hai ngàn năm qua chưa nảy sinh ra một nhà tư tưởng lớn nào như Bacon, Spinoza, Kant, Comte của phương Tây, những người mà tư tưởng mới lạ của họ đã thay đổi nền học thuật của thế giới. Điều ấy do sĩ tử phải luôn lo học chữ Hán không ngừng nghỉ. Các nhà Nho phải bỏ cả một đời để học chữ Hán nên rốt cuộc không không còn thì giờ để dành cho tư tưởng: “học chữ còn chưa đủ, lúc nào học tư tưởng”.

Theo Phạm Quỳnh, nền giáo dục truyền thống quá đặt nặng về văn học tạo ra thói “hư văn” làm cản trở tất cả mọi lĩnh vực học thuật khác “chính bởi cái hiếu hư văn ấy cho nên sự học hành không tiến hóa được. Nước ta còn học lại nước Tầu, tất cái tệ hư văn lại còn tệ hơn nữa. Muốn cho học mới khỏi nhầm như học cũ thì phải tiệt cái tính chất hư văn ấy đi”. Cho nên, ông đưa ra giải pháp “đem các lý tưởng là gốc cho sự học cũ đời xưa cùng sự học mới thời này” và theo ông, cần phải giải thích rò về hai khuynh hướng cũ và mới để có thể hiểu được thấu đáo hai hệ thống


khác nhau: “điều gì giống nhau, điều gì khác nhau, điều gì phản đối, điều gì dung hóa”.

Con đường mà Phạm Quỳnh vạch ra cho đất nước của mình chính là sự dung hòa của hai nền học thuật: “tôi tin rằng sự học mới ta mai sau này là cách dung hóa cái cổ học nước ta với cái tân học thời nay”.115

Trong mục Tân học cổ bình luận (Đông Dương tạp chí số 8), chủ đề này một lần nữa được Phạm Quỳnh đào xới kỹ hơn116. Trong đó Phạm Quỳnh trở lại ý tưởng dung hòa hai nền học thuật mà ông đã trình bày trước kia. Trong đó, ông nhấn mạnh về ý tưởng tiệm tiến, tức là mọi thay đổi phải được diễn tiến từ từ. Như thế, nền học cũ sẽ dần dà biến đổi và nền học mới cũng sẽ từ từ phát huy: “tất học cái học cũ

phải dần dần biên cải đi, học mới dần dần thâu nhập vào, hai cái dung hóa lẫn nhau, nhiên hậu mới thành được một cái nền học chắc chắn.”

Để dẫn chứng, ông lấy thí dụ ở môn Hóa học, một lĩnh vực khoa học mới, là thông thường các thành tố có thể được trộn lẫn theo hai phương pháp: hoặc là hai thành tố sẽ hòa lẫn với nhau mà vẫn giữ đặc tính của riêng mình, và nếu cần cũng có thể tách rời ra được; hoặc hai thành tố sẽ hòa lẫn với nhau để trở thành một thành tố mới, và hầu như sẽ không thể tách phân ra được nữa. Theo đó, Phạm Quỳnh cho rằng hai hệ thống văn hóa, tân và cựu, không chỉ pha lẫn, mà còn có thể dung hòa, đến độ khó có thể phân biệt được đâu là nguồn gốc Trung Hoa đâu là nguồn gốc Phương Tây: "hai chất đã dụng luyện làm thành ra hồn Nam Việt”.

Ông còn cho rằng chuyện sĩ tử cựu học và Tây học kình chống nhau trong một nước cũng giống như anh em trong một nhà mà kình chống nhau, điều ấy thật là vô ích. Nhóm đầu tiên cần phải chấm dứt phỉ bang nền Tây học là “đê tiện”, là” thô thiển” hay “nhăng nhố”, bởi vì “cái Tây học có ích lợi gì thì tôi tưởng các ông cũng đã mục kích biết rồi, không phải nói nữa.” Ngoài ra, nhóm Tây học cũng



115 Chỉ mới 21 tuổi, Phạm Quỳnh đã đặt nền móng tư tưởng qua bài báo này và ông luôn giữ chí hướng đó trong suốt một thời gian dài ngay cả sau Đông Dương tạp chí. Ý tưởng dung hòa hai nền học thuật được tìm thấy trong nhiều bài viết của ông sau đó.

116 Bài này được viết như một dạng “tự ngôn” tức là lời nói đầu cho đề mục. (Trang 9, 10)


không nên cho là nền Nho học là “hủ bại”. Vì theo ông, Nho học “có hủ bại nữa thời cái hủ bại ấy đã lâu năm lắm rồi, sâu trong não chất rồi, không thể loại bỏ nó trong chốc lát. Nho học vẫn có thể dùng được, nếu biết được những hạn chế của nó: “tôi giám quyết rằng cũng không hủ bại lắm đâu, chỉ cần bỏ đi cái phần nó khiến cho Nho học bị đình trệ. […] Học cũ ta chỉ phải cái hiểu hư văn nó làm cho ngưng trệ lại mà không tiến hóa lên được, cái thói ấy tiệt đi thì nghĩa lý thánh hiền ứng dụng thời nay mới dùng được”.

Cuối bài, Phạm Quỳnh bày tỏ ý muốn thêm vào Đông Dương tạp chí hai chuyên mục Tân học bình luận Cổ học bình luận. Thông qua hai chuyên mục này, ông sẽ giới thiệu đến độc giả những tư tưởng hay đẹp trong các sách vở Trung Hoa và phương Tây và sẽ diễn giải những tư tưởng ấy ra tiếng Việt.

Hai bài viết kể trên của Phạm Quỳnh cho ta hiểu được mục đích dung hòa hai nền văn hóa và xu hướng hợp tác song phương Pháp Việt mà ông đeo đuổi. Nghĩa là, tạo mối tương quan giữa chế độ thực dân và người bị trị dựa trên thuyết hòa hợp. Đó cũng là tinh thần chủ đạo của Đông Dương tạp chí với chủ trương khai hóa nền giáo dục qua lăng kính hợp tác Pháp Việt.

Trong Việt Nam phong tục đăng trên Đông Dương tạp chí năm 1915, Phan Kế Bính cũng trình bày rất rò tham vọng tác động tới ý thức của người đọc về tính cấp thiết của việc thay đổi phương pháp giáo dục. Trích đoạn sau đây giúp chúng ta hiểu được rò hơn cái nhìn của ban biên tập thời bấy giờ về giáo dục truyền thống:

Xưa nay lối khoa cử của ta là một con đường cho bọn sĩ phu. Sĩ phu có do con đường ấy xuất thân mới là chính đồ, mà sự vinh hạnh về sau cũng bởi đó mà ra cả. Bởi vậy nhân tâm nước mình say mê bia đá bảng vàng, cố sức mà dùi mài truyện hiền kinh thánh, có người đầu bạc mà vẫn chịu khó đeo bộ lều chiếu để đua ganh vối bọn thiếu niên. Mà rút lại thì có gì đâu, học cũng chẳng qua là học văn chương, thi cũng chẳng qua là thi văn chương. […] Vậy mà ta mê mẩn mấy trăn năm nay vẫn chưa tỉnh hết. […] Thiết tưởng làm sao cũng phải có một phen đổi hết cách cũ mà dùng toàn cách mới có ngày mong đến được còi tân hóa. Xem như các nước bên Á Đông ta, như nước Tàu, Nhật,


trước cũng thi cử như ta, mà họ bỏ đi đã lâu rồi. Duy ta còn khăng khăng giữ mãi, không biết bao giờ mới đổi được.”

Tất cả các bài viết về chủ đề “học cũ, học mới” trên Đông Dương tạp chí đều thể hiện ý tưởng chủ đạo: nếu Việt Nam muốn giữ vững vị trí là một đất nước có nền văn hóa lớn thì không nên khăng khăng giữ lấy mô hình lỗi thời của Trung Quốc (mà ngay cả Trung Quốc cũng đã bắt đầu thay đổi). Ngược lại, chúng ta phải ý thức được lợi ích của việc theo đuổi mô hình phương Tây trong bối cảnh lịch sử thời bấy giờ.

3.2.2 Những phương pháp mới cho giáo dục

Ban biên tập Đông Dương tạp chí hoàn toàn tin tưởng vào tính ưu việt của hệ thống giáo dục phương Tây. Đối với họ, những kỹ thuật của phương Tây đều được xây dựng trên nền tảng của những phương pháp đã được minh chứng và đã trải qua nhiều thực nghiệm. Những phương pháp đó chính là sự kết tinh của một tinh thần gọi là tinh thần khoa học. Hệ thống giáo dục này, vì thế, có nhiều điểm hữu ích cũng giống như hệ tư tưởng đã thoát thai ra chúng.

Bởi thế mà những chuyên mục mới chiếm nhiều trang nhất trong Đông Dương tạp chí chính là những chuyên mục giới thiệu những phương pháp trong giáo dục. Mục đích chính của các chuyên mục này nhằm giúp người Việt Nam biết cách học như thế nào bởi họ vốn đã quen với lối học thuộc lòng. Và ban biên tập hy vọng rằng, một khi nắm được phương pháp mới, được phát triển tinh thần khoa học, độc giả sẽ dễ dàng tiếp thu những kiến thức mới, có được một cái nhìn khoa học như người phương Tây.

Từ số 3, Đông Dương tạp chí đã mở mục Sư phạm khoa do Trần Trọng Kim đảm trách để bàn về việc giáo dục nước nhà. Trong những bài viết ở mục này, Trần Trọng Kim đã nhận định lại một cách xác đáng những bất cập của nền giáo dục truyền thống. Theo đó, “ở nhà thì cha mẹ bắt con phải biết năm ba điều phép theo thói thường, còn đi học thì thầy chỉ biết lấy roi vọt giọa nạt để ép trẻ học cho nhớ mặt chữ và câu sách mà thôi, chứ chưa hề biết cách tìm phương kế để luyện tập cho đứa trẻ ngày sau lớn lên thành một người khôn khéo, biết suy nghĩ, biết làm phải


trái, biết mến điều thật, ghét điều giả, yêu của đẹp, chê của xấu, trọng điều lành, khinh điều ác.”

Chính vì thế, Trần Trọng Kim đề xuất phải tìm kiếm những phương pháp mới để giáo dục cho trẻ: “Chúng tôi thiết tưởng rằng những sự giáo hóa có ích lợi thế nào và can hệ cho dân một nước là thế nào, thì người ta bây giờ cũng đã hiểu ít nhiều rồi. Chỉ hiềm một nỗi rằng cách giáo dục thế nào là phải đạo thì còn ít người biết, cho nên chúng tôi xin thỉnh thoảng lấy sự giáo dục nói chuyện cho những

người xem báo nghe. Hay dở ta sẽ bàn luận với nhau, như thế những sự học ích nước ta rồi cũng một ngày tấn hóa được”.117

Cũng với tinh thần đó, trên Đông Dương tạp chí số 11, tháng 7 năm 1913, Trần Trọng Kim có bài viết mang tên Giáo dục là thế nào với nhận định: ở Việt Nam, ai cũng nói về giáo dục nhưng không ai tìm hiểu về nguyên tắc và mục tiêu của giáo dục. Thông thường, xã hội vẫn đồng tình với định nghĩa “giáo là dạy, dục là nuôi”. Theo Trần Trọng Kim, không thể hiểu nghĩa giáo dục đơn thuần chỉ có thế. “Ta cứ bảo giáo là dạy, dục là nuôi, nuôi con cho lớn, dạy con cho khôn, thế là giáo dục chứ không xem xét xem nuôi thì thế nào là nuôi, mà dạy thì thế nào là dạy và dạy bảo thì phải làm sao”.

Thực ra Trần Trọng Kim muốn đánh động đến tầng lớp trí thức về sự cần thiết đặt câu hỏi vì sao và như thế nào để có được một sự giáo dục hoàn hảo cho con trẻ; nghĩa là quan tâm đến phương pháp giáo dục, nghiên cứu lĩnh vực này một cách khoa học. Nói cách khác là quan tâm đến lí thuyết và phương pháp của giáo dục.

Trần Trọng Kim phân tích trong phần dẫn luận của mình mục đích của giáo dục và dẫn chứng ra nhiều quan niệm mà theo ông là không phù hợp:

“Có người bảo rằng sự giáo dục cốt chỉ làm cho thân mình được sung sướng, ý ấy tôi dám chắc không đủ, bởi vì sự sung sướng mỗi người hiểu mỗi cách. […] Thế thì cái ý sung sướng cũng phải thay đổi không nhất định, vậy thì lấy nó làm cốt giáo dục thế nào được? Có người lại nói rằng chủ ý sự giáo dục là khai hóa những năng khiếu (faculties) người ta cho đến thập


117 “Cách dạy bảo trẻ con”, Đông Dương tạp chí số 3


toàn? Có phải là bao nhiêu những khiếu chất của người ta phải khai hóa cả cho đến cực điểm không? Nghĩa là trong xã hội phải toàn là người thông thái hết cả? Nhưng mà xét ở đời có người thông minh, có kẻ ngu đần, người giỏi làm việc giỏi, người dở làm việc dở, mỗi người làm một việc đều có ích lợi cho xã hội cả. Nếu dạy người nào cũng cho đến cực điểm cả thì dạy thế nào được, mà lại chẳng hại cho xã hội lắm hay sao? Thí dụ như trong một nước mà ai cũng chỉ chuyên về tư tưởng thì còn lấy ai mà làm ruộng, ai mà gánh phân?”

Ông kêu gọi độc giả suy nghĩ về những điểm tiêu cực trong nền giáo dục truyền thống của Việt Nam và noi theo lối giáo dục của người Pháp: “tìm trong cách giáo dục của ta thường dùng tự xưa đến nay xem có những cái gì hư tệ, và xem có thể bắt chước cách giáo dục nước Pháp được chút nào không?”.

Sự đam mê đặc biệt của Trần Trọng Kim đối với lĩnh vực giáo dục giải thích vì sao ông muốn đem phương pháp sư phạm của Tây phương về áp dụng cho xã hội Việt Nam. Cũng không ngạc nhiên lắm nếu chúng ta biết rằng Trần Trọng Kim đã từng được đào tạo ở Pháp. Nhận thấy nền giáo dục truyền thống có vẻ thiếu sự rò ràng, chính xác, ông chủ trương lối học mang tính khoa học của Tây phương. Cũng như Phan Kế Bính khi viết về đề tài văn minh, Phạm Quỳnh viết về văn hóa hay Nguyễn Văn Vĩnh viết về ngôn ngữ, những bài viết về giáo dục của Trần Trọng Kim đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phân tích rò đề tài nghiên cứu để tránh những sai lầm. Tinh thần này của ban biên tập Đông Dương tạp chí cho thấy yêu cầu về tính khúc chiết, khoa học của các bài viết luôn được nêu cao. Ban biên tập muốn đem đến cho độc giả những bài viết thật rò ràng và chính xác. Họ cố gắng phát triển những định nghĩa cụ thể để chấm dứt tình trạng mông lung của nền giáo dục truyền thống mà theo họ, nó cản trở tính hiệu quả trong tư duy. Tất cả đều thể hiện mong muốn phát triển tinh thần khoa học ở Việt Nam. Đây chính là điểm tiến bộ của Đông Dương tạp chí khi mà triết lý Trung Hoa ảnh hưởng rất nặng nề đến các trí thức Việt Nam và óc tư tưởng thực dụng hầu như không được khuyến khích vào thời điểm ấy.


Sau mục Sư phạm khoa, bắt đầu từ số 20, Đông Dương tạp chí mở riêng một mục mới chuyên về giáo dục với tên gọi là Gò đầu trẻ do Nguyễn Đỗ Mục phụ trách. Từ số 20 đến số 45, chuyên mục này đăng những bài bàn về việc đổi mới nội dung, cách thức giáo dục trẻ con.

Với quan niệm “Việc dạy bảo trẻ con, nước nào cũng lấy làm hệ trọng từ lúc mới vỡ lòng, vậy nên việc dạy và việc học phải dùng hết cách mà sửa đổi luôn luôn.”118, qua những bài viết của mình, Nguyễn Đỗ Mục làm nổi bật lên tầm quan trọng của phương pháp đúng đắn khi dạy trẻ, chẳng hạn như phải biết lựa tính trẻ,

phải hiểu trẻ để có những cách thức thích hợp làm cho sự dạy và sự học có hiệu quả. Nguyễn Đỗ Mục cho rằng, đối với trẻ, sự học và sự chơi không khác gì nhau. Người thầy phải làm sao để sự học cũng vui vẻ, sung sướng như sự chơi để trẻ vui lòng mà không trốn học. Dạy trẻ phải như nói chuyện với trẻ, câu cú phải gãy gọn, ngọt ngào, êm ái làm cho trẻ vui tai mà nghe. “Các nhà giáo dục bên nước Đại-pháp xưa nay vẫn hay chọn những truyện cổ-tích có tư-tưởng, có luân-lý để làm bài cho trẻ học, thực là lựa tính trẻ một cách rất khôn ngoan”119. Theo ông, nên tránh dạy trẻ theo kiểu truyền thống, chỉ cho học bằng mồm (cứ ê a thuộc lòng mà không biết sự vật ra sao) mà bài nào cũng phải cho học bằng mắt. Ví dụ, muốn dạy trẻ cái quạt máy thì không thể cứ cho học thuộc hai từ “quạt máy” mà ít nhất phải vẽ hình nó ra hoặc cho thấy sự vật thật120. Đặc biệt, người thầy cần phải tạo tư tưởng cạnh tranh, ganh đua cho các cậu trẻ. Vì trong bất cứ nghề gì, đặc biệt là nghề học, càng cạnh

tranh bao nhiêu thì càng tiến bộ bấy nhiêu121.

Nguyễn Đỗ Mục cũng nhấn mạnh vai trò của giáo dục thể chất trong nhà trường. Ông cho rằng, bên cạnh việc dạy cho trẻ trí khôn thì cũng nên lấy thể dục làm một khoa học phổ thông vì “nếu học-trò không có thể-giục, thì dẫu sống lâu tám chín mươi, hay là ngoại trăm, mà lúc nào cũng gầy-gò, lệt-bệt trói chẳng nổi con gà, thì còn giúp việc Nhà-nước làm sao nổi122.


118 “Gò đầu trẻ”, Đông Dương tạp chí số 20. 119 “Gò đầu trẻ”, Đông Dương tạp chí số 22. 120 “Gò đầu trẻ”, Đông Dương tạp chí số 23. 121 “Gò đầu trẻ”, Đông Dương tạp chí số 25. 122 “Gò đầu trẻ”, Đông Dương tạp chí số 28.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 20/07/2022