Là một nhà giáo dục, Nguyễn Đỗ Mục ý thức sâu sắc rằng giáo dục trẻ con là một yếu tố mang tính quyết định trong công cuộc cải cách phong tục:
“Tôi thiết-tưởng muốn cải-lương phong tục, không gì bằng cải-lương việc dạy trẻ, để theo lối tân-học ngày nay mà đúc thành một bộ óc mới”123. Vì thế, phương pháp học tập cũng rất được Nguyễn Đỗ Mục chú trọng. Ông cho rằng việc giáo dục phải căn cứ vào tâm sinh lý của trẻ. Trẻ con thường hay chuộng lạ, cái gì ít thì thích, nhiều thì chán mà việc học của ta xưa kia hầu như diễn ra quanh năm, không điều độ, muốn thì nửa đêm gà gáy cũng bắt trẻ học. Để cho trẻ không chán việc học thì phải cho trẻ nghỉ ngơi, có năm học phải có mùa hè, học mãi trong sách thì lâu lâu cũng phải cho đi xem thực tế để mãn nguyện tính chuộng lạ của trẻ, trẻ thích chí thì sự học mới tấn tới được124.
Do đó, tính hợp lý của chương trình giáo dục phải được chú trọng. Dạy trẻ phải theo thứ tự, không được vội vàng, lớp nào phải có chương trình của lớp ấy, điều giản dị học trước, điều cao xa học sau. Thường thì thầy nào cũng muốn học trò mình chóng giỏi nhưng “dục tốc bất đạt”, phải theo thứ tự, có đầu có đuôi, có nền tảng thì mới không bị tắt khúc125. Đặc biệt, việc đổi mới vật chất, phương tiện dạy
và học cũng rất quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục. Nhà trường không phải là những bàn ghế lổng chổng và bảng đen nham nhở, mà phải có “quả cầu, thước đồ bản”, sắm sửa những sách truyện, tranh vẽ có ích cho việc học; các thầy thì phải có chương trình, các thứ sổ sách nhà trường chứ không phải chỉ “mấy cái bút chì xanh đỏ và cái đồng hồ quả quít”; học trò thì không thể chỉ một quản bút, một lọ mực, một tập giấy mà phải có tập đồ, đèn học.v.v..126 Triết lý giáo dục kể trên của Nguyễn Đỗ Mục có thể xem là bước khởi đầu của bộ môn tâm lý sư phạm mà ngày nay các trường đại học chuyên ngành sư phạm đã đưa vào chương trình giảng dạy.
Chia sẻ quan điểm này với Nguyễn Đỗ Mục, Nguyễn Văn Vĩnh cũng có những bài viết bàn về phương pháp giáo dục trẻ hiệu quả. Ông phản đối cách giáo
123 “Gò đầu trẻ”, Đông Dương tạp chísố 31. 124 “Gò đầu trẻ”, Đông Dương tạp chí số 34. 125 “Gò đầu trẻ”, Đông Dương tạp chí số 43. 126“Gò đầu trẻ”, Đông Dương tạp chí số 44
dục trẻ thiếu khoa học của các bậc cha mẹ. Theo ông, quan tâm đến sự học hành của con cái không có nghĩa là phải ngồi bên cạnh để kèm cặp trẻ từng câu từng chữ, điều mà nếu thiếu hiểu biết sẽ phản tác dụng:
Có thể bạn quan tâm!
- Đổi Mới Văn Hoá Việt Nam Dựa Trên Nền Tảng Đổi Mới Học Thuật
- Sự Lựa Chọn Các Giá Trị Cộng Hoà Của Đông Dương Tạp Chí
- Những đóng góp của Đông Dương tạp chí trong quá trình hiện đại hóa văn học, văn hóa Việt Nam đầu thế kỷ XX - 21
- Những đóng góp của Đông Dương tạp chí trong quá trình hiện đại hóa văn học, văn hóa Việt Nam đầu thế kỷ XX - 23
- Đông Dương Tạp Chí Và Vấn Đề Nữ Quyền
- Những đóng góp của Đông Dương tạp chí trong quá trình hiện đại hóa văn học, văn hóa Việt Nam đầu thế kỷ XX - 25
Xem toàn bộ 290 trang tài liệu này.
“Có những người cha tự biến mình thành những thầy giáo của nhà trường đối với những đứa con của mình và vì vậy bắt các con phải làm công việc học ở lớp hai lần, thực là vất vả cho những đứa trẻ, đối với chúng, việc học tập trở thành một việc bị cưỡng bức không ngừng…
Ngược lại có những người cha khoán trắng cho nhà trường việc giáo dục và đào tạo những con cái của mình, và trong việc này ông ta không cả định kì để ý xem xét việc học của con. Lấy cớ là vì hoàn toàn không biết gì về giáo dục, hay là vì công việc bận quá. Nhất là khi ông ta đã lo đến tìm được một người có đủ trình độ, trả tiền cho họ để họ chăm sóc con cái học hành.
Có những bà mẹ cũng quyết tâm kèm cặp con cái học bài. Nhưng có quyết tâm thôi không phải là bao giờ cũng đã đầy đủ, khi mà không thạo nghề. Và vì vậy mà chúng ta có khi đã được chứng kiến những cảnh đau thương là những đứa trẻ bị đày đoạ vì phải học tập quá mức vì người mẹ ép buộc chúng phải học. Những đứa trẻ khốn khổ, chỉ được rời bỏ ghế nhà trường để bị đóng đinh vào bàn học ở gia đình hay đơn giản là để bị đóng đinh vào ghế đẩu ở bên một tấm phản, nhìn thèm thuồng ra sân, đàn gà và đàn chim mổ thóc, nghe tiếng động ở ngoài phố với một lòng mong muốn điên cuồng được trốn nhảy ra ngoài cửa sổ ngay từ lần đầu ba mẹ sơ ý; nhiều khi lại phải trả lời những câu hỏi được đặt ra một cách sai lạc không đúng với những bài học hay bài làm, mà bà mẹ chẳng hiểu một tí gì cả. Những cái cốc đầu không đúng chỉ dẫn tới làm thằng bé khốn khổ ngu đần thêm. Cứ thế làm cho nó chán nản mệt mỏi về việc học tập, làm cho hạnh phúc gia đình trở thành mối bất hạnh sâu sắc nhất”127.
Khi viết những dòng này, Nguyễn Văn Vĩnh cho thấy ông là một người am hiểu về tâm lý trẻ nhỏ. Những cuốn sách mà ông đọc được của phương Tây về giáo
127 Nhời đàn bà (Cần hiểu tâm lý nhu cầu của trẻ), Đông Dương tạp chí số 10, Jeudi 17 Juillet 1913; Đông Dương tạp chí số 14, Jeudi 14 Aout 1913 viết dưới bút danh Đào Thị Loan.
dục tỏ ra khá hữu ích để ông vạch ra một nền giáo dục mới khoa học và tiến bộ hơn.
Ở chuyên mục Nhời đàn bà, trong vai một người phụ nữ nuôi con, ông viết:
“Trong một quyển sách dạy con gọi là “Emile” của ông Rousseau làm ra, cậu nó có đọc cho tôi nghe, thì có dạy rằng: Trẻ con còn bé đã nên cho nó biết ngay cái giá mọi vật ở quanh mình nó, khó nhọc thế nào mới lấy được. Nó đòi cái gì đáng cho chơi thì nên để nó bò đến nơi, hoặc cầm tay nó mà đưa cho nó với lấy; hoặc để trên cao thì nâng nó lên cho nó với để nó suy xét cái gì xa, cái gì gần, cái gì dễ lấy, cái gì khó lấy. Như thế thì trẻ còn bé đã suy được viễn cận dị nan, về sau nhớn nó có trí cách vật. Trẻ con đứa nào cha mẹ nuông quá, nó đòi cái gì cũng cho, về sau nhớn lên được quyền cao chức trọng nó hay có tính áp chế”.128
Có thể nói rằng, giáo dục là chủ đề luôn giữ một vị trí quan trọng trong Đông
Dương tạp chí. Ngay từ số 42 ngày 5/3/1914, một chuyên mục gồm 8 trang đã được triển khai mang tên là Tân học văn tập bao gồm Văn chương khoa và Sư phạm khoa, mỗi chương gồm 4 trang và tập san này hiện diện cho tới cuối 1914. Sau đó, kể từ 1915, thêm một phần sư phạm khác được đính kèm vào mỗi số báo cho tới ngày 17/3/1918 – năm ra ấn bản sách Nam học niên khóa - bộ sách giáo khoa nho nhỏ nhanh chóng trở thành một phần quan trọng của tạp chí. Kể từ năm 1919, Đông Dương tạp chí trở thành một tạp chí chuyên về sư phạm, gọi là Đông Dương học báo.
Khoan xét đến mức độ thành công của những tham vọng đã được ban biên tập đề ra ban đầu, rò ràng là Đông Dương tạp chí đã đem đến cho độc giả những phương pháp lí luận của phương Tây thông qua những chuyên mục về giáo dục. Những bài viết trong những chuyên mục khác của tạp chí, tuy không thuộc chủ đề giáo dục nhưng cũng giúp ích cho độc giả về mặt phương pháp như Kỹ thuật nuôi trẻ, Vệ sinh, Luật, Kinh tế, Thuật thương mại, Thời tiết, Thị trường, Hối đoái v.v…tất cả đều là những bộ môn khoa học hoàn toàn mới mẻ.
128 Đông Dương tạp chí số 13.
Vượt qua những khó khăn của những người đi tiên phong, ban biên tập Đông Dương tạp chí đã rất nỗ lực trong việc phổ biến rộng rãi những kiến thức mới đến cho quần chúng, với hy vọng khơi dậy ở nơi họ một lối tư duy, phương pháp khoa học như người phương Tây. Có thể xem Đông Dương tạp chí như một “trường học” buổi giao thời cho tất cả mọi người. Với những triết lí giáo dục mới mẻ, tiến bộ, trong suốt sáu năm tồn tại, Đông Dương tạp chí đã tạo nên những sự vận động đổi mới quan trọng, mang tính đột phá trong lĩnh vực văn hóa cho xã hội Việt Nam đầu thế kỉ XX. Và đối với quá trình đổi mới của đất nước ta ở thời điểm này, những bài học đó vẫn còn nguyên giá trị.
3.3. Đông Dương tạp chí và vấn đề đổi mới phong tục, tập quán
3.3.1 Chuyên mục Xét tật mình
Nhắc đến vấn đề đổi mới phong tục trên Đông Dương tạp chí, người ta thường nghĩ ngay đến chủ bút Nguyễn Văn Vĩnh, mặc dù tờ báo này có một chuyên mục rất hay do Phan Kế Bính phụ trách có tên là Việt Nam phong tục. Tình huống thú vị này xuất phát từ thực tế rằng Việt Nam phong tục là tuyển tập những tập tục tốt đẹp của Việt Nam thời xưa. Lập ra chuyên mục này, ban biên tập gửi gắm vào đó nguyện vọng bảo tồn những cái hay, cái đẹp của văn hoá dân tộc. Tuy nhiên, bên cạnh những cái hay, cái đẹp cần gìn giữ, phát huy. Những người thực hiện Đông Dương tạp chí nhận thấy rằng việc cần kíp không kém là phải đổi mới những phong tục tập quán lạc hậu, những thói hư tật xấu đã ăn sâu vào trong máu của người Việt. Có như thế, giống nòi Việt Nam mới hiểu biết hơn, tiến bộ hơn để giữ lấy quyền tự chủ, tự cường của dân tộc. Để làm được điều này, không ai thích hợp hơn chủ bút của tờ báo: Nguyễn Văn Vĩnh.
Được biết đến như là một nhà chính trị thất bại nhưng trong lĩnh vực văn hoá, ông lại được đánh giá là một nhà cải cách gặt hái không ít thành công. Kể từ năm 1907, khi biết đến sức mạnh của báo chí, nhà in và nghệ thuật trong việc tác động đến xã hội, Nguyễn Văn Vĩnh đã từ bỏ cuộc đời công chức để xúc tiến cuộc cách mạng văn hoá và xã hội trong xã hội cổ truyền Việt Nam. Báo chí, niềm say
mê của ông là một diễn đàn để tranh luận, trao đổi ý kiến, để tấn công vào mọi vấn đề xã hội và chính trị của thời đại mà ông đang sống. Lúc bấy giờ, ít có trí thức Tây học nào có được nhiều hiểu biết thực tế cả về các vấn đề nông thôn, thành thị như Nguyễn Văn Vĩnh.
Theo những người từng tiếp xúc với Nguyễn Văn Vĩnh, ấn tượng mạnh nhất về ông qua các câu chuyện là ông muốn xây dựng một nước Việt Nam thực sự hiện đại, phát triển như là Châu Âu. Điều làm ông bận tâm hơn cả là ghi tên Việt Nam lên bản đồ các nước “văn minh”. Để làm được việc đó, ông ra sức cổ vũ chữ quốc ngữ, hô hào người dân cởi bỏ những hủ tục, học nếp sống văn minh, giữ gìn vệ sinh, chăm sóc sức khỏe theo cách của người phương Tây.
Cuộc cách mạng văn hoá xã hội trên báo chí của ông một mặt là những tác phẩm dịch về chủ đề văn học tư tưởng, một mặt là những bài viết tấn công vào những hủ tục và thói hư, tật xấu của người Việt. Trên Đông Dương tạp chí, ông lập một chuyên mục có tên là Xét tật mình trong đó tổng hợp mọi công thức của ông chống lại những gì mà ông coi là nhược điểm của xã hội Việt Nam, những tập quán gắn liền với việc chửa đẻ, tục ăn trầu, sự đồi bại, thói mê tín dị đoan… Loạt bài Xét tật mình một mảng rất điển hình cho phong cách chính luận của Nguyễn Văn Vĩnh và tư tưởng cải cách của ông. Với giọng điệu châm biếm đôi khi hơi quá quắt của ông, những thói tệ mà ông vạch ra làm nhiều người không mấy dễ chịu. Nhưng Nguyễn Văn Vĩnh vốn là một người rất kiên định với những gì mà mình đã tin tưởng. Dựa vào một phương châm của người Pháp: “Tout dire, pour tout connaitre, pour tout guérir - Nói hết, để biết hết, để chữa hết”, ông cho rằng cách hiệu quả nhất để loại bỏ những tính xấu, những hủ tục là công khai những thói xấu, hủ tục đó ra để người đời soi vào đó mà sửa, các thiết chế của Nhà nước hay chính quyền cũng nhìn vào đó để có những điều chỉnh cho thích hợp. Đó không phải là sự bêu xấu dân tộc, hay coi thường nguồn gốc của mình mà là một cách xây dựng, mở lối cho những điều tốt đẹp. Theo Nguyễn Văn Vĩnh: “Tự biết dại ấy là đã giơ chân bước vào đường văn minh đó”. Từ những năm trước đây, khi sang Pháp dự đấu xảo, trong lá thư gửi người bạn Phan Duy Tốn của mình, ông đã bộc lộ suy nghĩ này:
“Nhận thấy sự còn kém của mình, có phải là xấu xa gì đâu? Trên đời này người nào thấy được chỗ kém của mình, người ấy đã gần đi đến chỗ tiến bộ”.
Nguyễn Văn Vĩnh cho rằng, từ sự va chạm dữ dội với nước Pháp thực dân, dân tộc Việt Nam sẽ biết tìm ra sức mạnh và sự phân định đủ để trừ bỏ những tệ nạn xã hội, các tập quán và những thói tục của nó vốn là sản phẩm lỗi của thời đại quá khứ. Suy nghĩ này cho thấy cách tiếp cận vấn đề rất Tây của ông và bộc lộ một tham vọng rò ràng rằng Việt Nam, một khi được cải cách sẽ có thể có một cấp độ văn hoá ngang hàng với cấp độ văn hoá của kẻ đô hộ.
Chính vì lẽ đó mà khi phác họa ra bức chân dung “người Việt xấu xí”, Nguyễn Văn Vĩnh không hề tỏ ra e dè hay khoan nhượng.
Có thể kể ra những chủ đề chính của một số bài Xét tật mình như sau: về các nết xấu và hủ tục (Đông Dương tạp chí số 6), tính ỷ lại trong cuộc sống (Đông Dương tạp chí số 8), ăn gian nói dối (Đông Dương tạp chí số 9), coi ăn uống là việc quan trọng hàng đầu (Đông Dương tạp chí số 10), phụ nghề, ham danh (Đông Dương tạp chí số 11), không biết tính trước tính sau dự phòng cho lâu dài (Đông Dương tạp chí số 12), tính bán tín bán nghi không dứt khoát (Đông Dương tạp chí số 13), ăn mặc suồng sã hớ hênh (Đông Dương tạp chí số 14), tật huyền hồ về nhận thức tư tưởng (Đông Dương tạp chí số 15), lối học cổ hủ thông qua tiếng Trung Hoa, tác hại đến hoạt động trí tuệ của dân tộc (Đông Dương tạp chí số 16), lợi dụng đau khổ của đồng bào để trục lợi (Đông Dương tạp chí số 17), những khuyết tật trong hoạt động trí thức (Đông Dương tạp chí số 18), nạn đồng bóng dị đoan (Đông Dương tạp chí số 19), hay viết thư tố cáo nặc danh (Đông Dương tạp chí số 20), vụng nói chuyện do hoạt động tư duy kém (Đông Dương tạp chí số 21), gì cũng cười (Đông Dương tạp chí số 22), ham mê cờ bạc (Đông Dương tạp chí số 29)...
Việt Nam là một nước nông nghiệp lạc hậu nên còn nhiều hủ tục và tư tưởng tiểu nông, cản trở không ít đến sự phát triển của đất nước. Một trong số đó là lối nghĩ “trọng miếng giữa làng”, lấy miếng ăn làm qui chuẩn cho những thước đo quan hệ xã hội, nhất là ở vùng nông thôn.
Về việc này, Nguyễn Văn Vĩnh có một bài viết khá gay gắt và thấm thía trên Đông Dương tạp chí số 10. Theo ông, ở nông thôn, cái thói xấu đáng hổ thẹn nhất, cần lên án và loại trừ là thói coi việc ăn uống là việc quan trọng hàng đầu trong quan hệ xã hội, “hạch nhau từ miếng thịt nắm xôi, làm cho người ở chốn hương thôn điêu đứng về cái nợ miệng”.
Chính vì “trọng miếng giữa làng” nên người Việt thành ra thích “ma to giỗ lớn”. Người Việt Nam vốn trọng tình cảm, lễ nghĩa, coi trọng mối quan hệ với họ hàng làng xóm, việc ma chay, cúng giỗ đương nhiên phải có. Thế nhưng, tổ chức “ma to dỗ lớn” như một cách để trả nợ miệng, trong khi nhà không có cái mà ăn, phải bán cả ruộng vườn thì hóa ra lại là một tội ác:
“Ăn đâu mà lại có, mẹ người ta chết cũng đòi ăn, bố người ta già cũng đòi ăn. Không có cảnh nào làm cho người nhà quê An Nam nên xấu hổ bằng cái cảnh một nhà tấp nập, người chết nằm trong áo quan, người sống thì kẻ khóc người rên, mà chồng còn phải đi cầm trâu bán ruộng, vợ thì tất tả đi mượn nồi mượn niêu, trước giường thờ thì thân hào kỳ lão, cụ nọ ông kia thứ tự ngồi nhìn nhau đợi mâm cơm nai rượu cho được”.
Chính vì cái hủ tục đó mà đời sống người nông dân khốn đốn “tiền buôn bán chẳng có, đi vay nợ về làm mấy mâm cỗ để giữ thể diện với hàng xóm”. Quá bức xúc trước những thói tệ vô lý, dã man đó, ông Vĩnh dường như không giữ được bình tĩnh nữa:
“Nhục! Nhục! là nhục cả bọn khu khu thủ cựu, giữ thói giã man, nhà người ta chết cha than khóc, còn vác miệng đến đòi ăn. Nhục là nhục những đồ quanh năm bỏ sòng hai tay chỉ nay đi giỗ này, mai đi chay nọ, làm cho việc đãi khách vốn là cái thảo, là việc cầu thân, mà sinh ra một cái nợ phải nhăn nhó. Nhục, nhục cho xã hội nước Nam, tưởng đoàn tụ nhau mà cùng giữ yên chung, mà đồng tâm hiệp lực đưa nhau cho mỗi ngày một dảo bước lên còi sung sướng, lên còi khôn ngoan, chẳng hóa ra hội tụ để mà tranh nhau thịt lợn thịt gà, để mà ghen tị nhau miếng to miếng nhỏ, đầu cánh phao câu, để mà tị nhau chiếu trên chiếu dưới, bát đầy bát vơi. Miếng thịt là miếng nhục!”
Ở các nước văn minh người ta ghét nhất sự ỷ lại. Đến mức cha mẹ dù có vất vả cũng sống giản dị với nghề của mình, thấy con ăn nên làm ra, giàu có thì mừng cho con chứ không muốn nhờ cậy. Chỉ khi nào thật sự già yếu quá, túng thiếu quá mới yêu cầu con cái giúp đỡ. Dân ta thì ngược lại. Nhiều người có thói quen coi việc được sống dựa vào sự giàu có của người khác là một vinh dự. Đến độ thấy người sang bắt quàng làm họ; một người làm quan cả họ được nhờ; có người bỏ cả việc đang làm để bám vào người khác mà ăn không ngồi rồi. Vì thế người nghèo thì không khá hơn do lười lao động, người giàu thì phải tìm cách bất lương để có thêm tiền chu cấp cho họ hàng; người làm quan thì phải ra sức hà hiếp, chèn ép dân để ăn hối lộ. Cứ thế, đất nước quanh quẩn trong đói nghèo, lạc hậu:
“Phải trông vào hai tay mình mà có ăn, tựa hồ như một cái nhục. Ai có được anh em chú bác hoặc con cháu làm nên mà nương nhờ, thì lấy làm vinh hạnh. Người làm nên cho họ được nhờ cậy, thì lấy làm một nghĩa vụ danh giá. Vì một lí tưởng ỷ lại ấy, cho nên trong nước thực lắm kẻ ăn không. Trong một họ, có người làm quan, hoặc có người giàu có, thì từ ông bà, cha mẹ, chú bác, anh em, ai cũng trông vào đấy cả. Ví bằng đương có nghề gì làm ăn, thì hình như cũng phải bỏ nghề đi mà nhờ. Mà người làm nên quan cả, nếu để cho thân thích phải làm nghề hèn kiếm ăn, tự hồ cho như là một điều bạc ác, diết dóng”.
Theo ông, cái tệ này rất nguy hiểm. “Nếu nước Nam ta mà cứ để vậy mãi cái phong tục nhờ vả, trông cậy lẫn nhau, thì càng ngày trong nước càng thêm giống sâu bọ, công nghệ không sao tiến hóa được, việc bán buôn không sao thịnh được, mà trong đám thượng lưu cũng sai mất cái đường hy vọng” 129.
Thói chuộng hư danh cũng là một thói xấu bị lên án trong chuyên mục này. Người Việt Nam vốn có tính cần cù chịu khó, hay lam hay làm nhưng lại hay đứng núi này trông núi nọ, không biết coi trọng công việc hiện tại của mình, xem thường việc lao động chân tay:
129 “Xét tật mình”, Đông Dương tạp chí số 8.