Những đóng góp của Đông Dương tạp chí trong quá trình hiện đại hóa văn học, văn hóa Việt Nam đầu thế kỷ XX - 23


“…Tay cầm cày mà mắt vẫn trông bọn dài lưng tốn vải, lúc nào quăng được cái cày có ích, mà cầm lấy cái bút lông thỏ vẽ hươu vẽ vượn, tả cảnh trên giời dưới biển, thì cũng quăng đi ngay. Người đi buôn, người làm thợ thì lúc nào bất đắc dĩ phải vất vả thì vất vả. Đến khi nhờ cái chàng cái đục, cái kim cái chỉ, mà có đồng dư, thì đi lo ngay cái hàn cái bát chi chi, nghề nhà giao cho lũ đầy tớ không thèm làm nữa. Còn nhà nho thì khôn học, gia công đèn sách, cũng chẳng qua cố lấy đôi hia cái lọng, khi đã được rồi như người được câu thần chú mở cái cửa công đường. Làm đến quan chữ nghĩa xưa không dùng đâu đến nữa, thì cái cần lao đó có gọi là

cần lao hữu dụng được không?” 130

Ngoài thói chuộng hư danh, thói mê tín dị đoan cũng là một căn bệnh lâu năm của người Việt. Nguyễn Văn Vĩnh viết mấy bài liền để lên án thói tục này. Bài viết Hội kiếp Bạc đăng trên Đông Dương tạp chísố 14 là một ví dụ. Qua bài viết, ông phê phán nạn buôn thần bán thánh, mượn một bậc công thần như Hưng Đạo Đại Vương để mưu lợi cá nhân:

“Ai cũng nên biết rằng vua phong cho ông Trần Hưng Đạo làm thượng đẳng thần, dựng lên đền cho thiên vạn cổ cúng vái cũng đã hình như bên đại Pháp dựng tượng đồng để báo ơn mấy bậc đại hiền nhân có công to với nhà nước, để cho đời sau thấy đó thì nhớ đến sự nghiệp của người xưa chứ không phải là để bắt ma mà chữa bệnh cho mấy người đàn bà hiếm muộn đâu”.

Từ sự mông muội của người dân, nơi linh thiêng trở nên xô bồ bát nháo: “Năm nào đến hôm hội này, sân đền Kiếp Bạc cũng còn la liệt chỗ này một đám, chỗ kia một đám mấy anh thầy cúng gò trống gò thanh la xúm quanh mình người đàn bà nhăn da đỏ mắt, ngẳng cổ môi thâm, quăn queo uốn éo, khi khóc khi cười. Thầy ốp già thì xưng bậy xưng bạ, có khi một người đến 36 con ma làm”.


130 Đông Dương tạp chí số 11


Ông đề xuất: “Cái tệ đồng bóng thực là hại lắm, tưởng nên nhân dịp này mà tỏ cái dại và cái càn dở làm nhục thần tủi thánh”.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 290 trang tài liệu này.

Cũng là vấn đề đức tin, nhưng trong Đông Dương tạp chí số 13, Nguyễn Văn Vĩnh tập trung phê phán tật bán tín bán nghi, không dứt khoát của người Việt. Ông lấy ví dụ rằng tuy không ít người đi nhà thờ làm lễ, nhưng đến các phủ điện chùa có tiếng là linh thiêng thì cũng lễ vái không kém ai, với quan điểm: “bên cha cũng lễ, bên mẹ cũng vái”. Những người theo Phật giáo hoặc tin vào sự linh thiêng của các thánh thần thì khỏi nói. Họ tụng kinh niệm Phật, miệng không ngớt “Nam mô A di đà Phật” nhưng không có chút hiểu biết gì về Phật pháp. Sự lễ bái cầu lợi này tạo cơ hội cho các cùa chiền, đền đài biến thành nơi buôn thần bán Phật:

“Người An Nam ta có một điều, không biết là hay hay là dở, là tôn giáo cũng vậy mà làm việc gì cũng vậy, tin chẳng ra tin, mà không tin cũng chẳng ra không tin. Bởi vậy nên không có điều gì là thực nhiệt thành cả. […] Vì một cái lý tưởng đó, người An Nam sinh ra tâm thần bất định. Không những việc tôn giáo, ra đến việc đời hàng ngày cũng vậy, làm gì không có nhiệt thành quyết đoán; cứ do dự, thấy người ta làm thì mình cũng làm mà chẳng suy trước tính sau. Chẳng hỏi nhẽ tại làm sao mà mình làm, làm rồi nó ra thế nào. […] Bởi dân mình lòng tin không quyết, tôn giáo không chỉ, cho nên chùa chiền thành ra những cửa hiệu buôn thần bán Phật, mà người đi lễ cũng không biết, cứ tiền trăm bạc chục đem vào mà cúng”.

Những đóng góp của Đông Dương tạp chí trong quá trình hiện đại hóa văn học, văn hóa Việt Nam đầu thế kỷ XX - 23

Ngoài ra, Nguyễn Văn Vĩnh cũng mổ xẻ một tật xấu mà nhiều người vẫn cứ cho là một đức tính tốt của người Việt: tính hay cười.

“An Nam ta có một thói lạ là thế nào cũng cười. Người ta khen cũng cười, người ta chê cũng cười. Hay cũng hì, mà dở cũng hì; phải cũng hì, quấy cũng hì. Nhăn răng hì một tiếng, mọi việc hết nghiêm trang”.

Ông đã chỉ ra rằng cái cười không đúng lúc đúng chỗ chẳng những không tích cực mà còn gây phản cảm:

“Xét ra cái cười của ta nhiều khi có cái vô tình độc ác; có cách láo xược khinh người; có câu chửi người ta; có nghĩa yên chí không phải nghe hết lời


người ta mà đã rèm (bác bỏ) trước ý tưởng người ta; không phải nhìn kỹ việc người ta làm mà đã chê sẵn công cuộc người ta. […] Không gì bực mình bằng rát cổ bỏng họng, mỏi lưỡi tê môi để mà hỏi ý một người, mà người ấy chỉ đáp bằng một tiếng hì, khen chẳng ơn, mắng chẳng cãi, hỏi chẳng thưa, trước sau chỉ có miệng cười hì, thì ai là không phải phát tức”.

Cái cách ứng xử kiểu “gì cũng cười” như vậy, theo Nguyễn Văn Vĩnh, là “cách đãi kẻ dưới một cách thô tục, người có giáo dục đãi đứa ở cũng không nỡ thế”. Theo ông, thói quen “gì cũng cười” của người Việt là một thái độ không đúng mực chứ không phải là “cách của người hiền” như người ta vẫn tưởng: “Nó làm cho ta hình như (là) kẻ xấc láo, không coi ai ra gì. Mà nên phân cái xấc láo là cái nết tiểu nhân với cái cười đời là một cách cười kín đáo” (Xét tật mình - Đông Dương tạp chí số 22).

Một tính xấu nữa của người Việt cũng bị đem ra mổ xẻ không thương tiếc: tính gian dối, đối phó, biển lận, nhất là khi tiếp xúc với chính quyền. “Lên đến quan, người thì có nói không, người không nói có, thi nhau đứa nào điêu ngoa đứa ấy được. Mà các quan An - nam ta thì cũng đã biết chán ra rồi. Cho nên ông quan thực thanh liêm, biết thương dân là những ông biết, cứ mỗi lần có đứa đi kiện nhau, đét cho mỗi bên vài roi, đuổi nó về”.

Theo Nguyễn Văn Vĩnh, “nết xấu ấy lại là một nết cũ do lối xã hội ta mà ra”. Ông giải thích rằng, từ xưa chịu sự áp chế của người Trung Quốc, người Việt sinh ra cái tính ấy. Do quan lại lúc nào cũng tìm cách “dối dân em để có tiền nên dân cũng tìm cách dối lại cho đỡ nạn”. Dân đen phải còng trên mình cái “lễ” với quan, nhưng thực bụng không phục cái “lễ” ấy, sinh ra ức chế, phản đối ngầm. Ngoài mặt thì tuân phục để yên thân nhưng bên trong thì gây hấn, khích bác. (Xét tật mình - Đông Dương tạp chí số 9).

Trong những thói quen người Việt cần phải sửa, có cả tính không biết cách cần kiệm, dự phòng. Điều này thoạt nghe thì thấy vô lý, bởi người Việt Nam vốn được xem như một dân tộc chịu khó, tiết kiệm. Tuy nhiên, theo Nguyễn Văn Vĩnh, cái chịu khó tiết kiệm đó không khoa học nên nghèo vẫn hoàn nghèo. Người nhà


quê chỉ có hai cách tiết kiệm: “một là giấu đi. Bạc nén chứa từng chum, nhà lò xếp tiền kẽm hàng vạn, mà vẫn ăn gio bọ chấu, cái áo chẳng dám may, cái nhà nát chẳng dám cất lại. Hai là của ấy đem ra phá cho nó sướng tay, được lúc nào hay lúc ấy, tội gì mà giữ”.

Cả hai cách này đều không tạo ra của cải, không đóng góp gì cho xã hội. Nhìn ra được những hạn chế từ thói quen của đồng bào mình, Nguyễn Văn Vĩnh cũng đồng thời phân tích những căn nguyên tạo ra cách hành xử đó. Theo ông, nguyên nhân sâu xa hơn của việc này là do những bất an của xã hội phong kiến: “xét trong gốc rễ cái tật ấy, thì tại nước Nam ta ngày xưa dân không được vững. Phần thì quan hà hiếp, mồ hôi nước mắt quanh năm, ăn nhịn, để dành có được đồng dư thì “đèn giời” hay dòm đến, mà đèn giời của quan thời cổ, soi vào đâu nấy rò công lý ra thì ít, làm choáng anh phú hộ thì nhiều”131.

Không chỉ cần phải thay đổi về cách tiêu xài, người Việt cũng cần phải học cách ăn mặc cho ý tứ, văn minh lịch sự. Theo chủ bút Đông Dương tạp chí, “người mình có cách che thân thể sỗ sã quá”. Cả đàn ông lẫn đàn bà đều không để ý chuyện ăn mặc, đâm ra bị người phương Tây chê là kém văn minh: “Có ông thì đứng giữa đường cái, quần kéo khỏi đầu gối, chẳng sợ người chướng mắt. Người đàn bà ta cũng vậy, ngồi giữa chợ mà cho con bú, hoặc sốc quần aó một cách tự do quá, quen coi da thịt mình như một khúc gỗ, không quản ngại mắt người đi đường”.

Lý do cho những cử chỉ vô ý tứ này xuất phát từ “nết người đàn bà An Nam không bao giờ vì thấy da thịt người đàn ông mà động lòng. Điều ấy chắc nghiệm ra một vạn người như một. Cho nên tha hồ người đàn ông tự do sỗ sã. Người đàn bà thấy qua dễ cũng không tưởng gì đến nỗi cúi đầu nhìn xuống đâu”. Về phía người đàn ông thì: “xưa nay, cái luân lý nghiêm của nước ta, nó làm cho mình bao giờ có tơ tưởng đến người có chồng con. Người đàn bà bồng con là người không ai dám. Dầu trong ngọc trắng ngà cũng không ai dám thèm, dám để mắt vào nhìn nữa. Đứa



131 Nguyễn Văn Vĩnh, “Xét tật mình” (Thói không biết cần kiệm, dự phòng cho lâu dài), Đông Dương tạp chí

số 12, Jeudi 31 Juillet 1913.


con bồng trên tay hình như là mốc cắm giới kỳ phận của ai rồi. Lòng người đàn bà nào cũng tin như thế, cho nên đã con mọn thì có quyền suồng sã”132.

Tuy nhiên, ông cho rằng không thể lấy lý do vì cái tục nước mình quen xuề xoà với những người đã có gia đình để mà ăn mặc suồng sã. Cái gì hay nên học, cái gì tệ nên bỏ: “tôi ngẫm cho nghĩ, hễ khi nào hai giống người đã ở lộn với nhau, thì giống người sức kém, văn minh kém phải theo người sức hơn, văn minh hơn trong những điều trái nhau đến nỗi chướng mắt. Cái lệ nhường nhịn ấy là một cái lệ xã hội”.

Ngoài những thói tật “sờ sờ trước mắt”, người Việt có những tật mà tuy không mấy người chú ý nhưng lại “can dự đến hết mọi điều”. Đó là tật “huyền hồ về tư tưởng”133. Nếu như những tật xấu như coi trọng miếng ăn, gì cũng cười, ăn mặc thiếu ý tứ là những vấn đề thường gặp ở tầng lớp lao động chân tay thì bệnh “huyền hồ về tư tưởng” lại là vấn đề của giới trí thức:

“Xét trong văn chương, điều gì cũng toàn là huyền hồ giả dối hết cả, không cái gì là thực. Người làm thơ thì ngâm cảnh núi Thái Sơn, sông Hoàng Hà, giời cao, bể rộng. Núi Tản Viên, Nhị hà sờ sờ trước mắt thì không ứng bao giờ, […] thành ra đến hát cũng hát cho người, cảnh mình thì như mù mắt điếc tai. Mượn chữ người mượn cả đến phong tục, tính tình, chứ không biết dung vật liệu mượn ấy mà gây dựng văn chương riêng, cho nó có nét riêng đặc biệt”.

Chính vì căn bệnh này của người Việt đã ngăn trở việc đổi mới phong tục, tiến tới văn minh:

“Văn chương ta thì chí để mà tô điểm vẽ rồng vẽ phượng. Việc hay có ít thì suýt ra nhiều, cho nên sự thật với cái hư văn xa nhau lắm lắm, tư tưởng không hợp với tính tình, cảm động nhân tâm một cách giả dối cho nên không


132 Nguyễn Văn Vĩnh, “Xét tật mình” (Ăn mặc suồng sã, hớ hênh), Đông Dương tạp chí số 14, Jeudi 14 Aout 1913.

133 Nguyễn Văn Vĩnh, “Xét tật mình”, (Huyền hồ về nhận thức, tư tưởng), Đông Dương tạp chí số 15, Jeudi 21 Aout 1913.


thấy hiệu nghiệm đến phong tục. Vậy tôi tưởng ta muốn noi văn minh Thái tây, nên tập lấy lối tả tính tình, lối văn chương chân thật. Mà kể được thực tình dù xấu, dù hay, nên vinh hạnh ở cái bút khéo, chớ nên hổ thẹn hẹp hòi”.

Thực ra, căn bệnh này đã được các trí thức trong ban biên tập mổ xẻ rất nhiều trong hầu hết các bài viết trên Đông Dương tạp chí. Họ kêu gọi đổi mới giáo dục, đổi mới tư tưởng, học tập văn minh phương Tây cũng đều nhằm mục đích để chữa căn bệnh này của người Việt. Tuy nhiên, để có sự chuyển biến, rất cần thiết phải nói đi nói lại, cho đến khi người Việt thông suốt thì thôi: “Tật mình xin cứ bàn mãi, dù thay mục sách cũng cứ giữ một chủ ý đó cho mình biết bệnh, mà thầy cũng dễ thuốc thang. Bên Xét tật mình thì xin tệ nhà cứ moi móc cho ra chân răng kẽ tóc, mà nết người thì ta cũng mượn nhời hay dịch lại để đồng bào cùng noi theo”.

Để giúp dân ta tiến bộ, điều quan trọng là nhận rò dân tộc mình đang đứng ở đâu trên bước đường văn minh. Theo Nguyễn Văn Vĩnh, “Người An Nam ta, trình độ văn minh ở một quãng thực lạ. […] Bảo dân ta là một dân trẻ con thì không phải, mà bảo là dân đã trưởng thành cũng không được. Học vấn thì thực là tạp”.

Điều éo le là, mặc dù vậy, người dân lại có tính bảo thủ, chẳng chịu thừa nhận cái hay, cái tốt để bước đến văn minh, tiến bộ. Việc học hành là một ví dụ:

“Xưa nay phần đông người Việt học không có qui thức, cứ học tràn đi, thấy cắt nghĩa nghe càng khó bao nhiêu, lại càng cho sự học của mình làm hay bấy nhiêu. Có khi học mãi không hiểu được, mà trí không nghĩ đến điều mình học, không biết suy rộng ra, thấy nhời các tiên nho dạy hay thì thuộc lòng mà yên trí rằng không có điều gì hay hơn nữa và nên học hơn nữa”.

Chính bởi suy nghĩ này, họ không chịu tiếp thu cái mới, cái hay:

“Bản quán đã thí nghiệm một việc nhật báo này thì biết. Trong mục phổ thông, bản báo đem những điều dễ mà dịch ra trước, nhiên hậu mới luận đến những điều cao xa, triết học, thuần lý học thì người xem báo nói rằng: ta có phải là trẻ con đâu mà dạy ta sơ học? Thế mà có đem điều cao mà luận thì nhiều người nghe không vỡ? Nhưng mà kẻ xem không vỡ không chịu rằng không vỡ không tệ bằng những người không hiểu mà cứ làm như ta hiểu thừa


đi, lại còn có ý chưa được cao luận bằng báo Tàu. […] Đã từng thấy có kẻ đọc xong tờ báo mà khen rằng: Khéo kiếm chuyện! mà chê rằng: nhật báo chê cả giời! Người nói rằng: Bẻm nhỉ! Có kẻ xem trong cả một bài mới thấy một vài nơi có điểm câu buồn cười, thì cười, nhưng mà cái cười ở chỗ hay vặt, quên cả đến nghĩa lý bài luận”.134

Ông kết thúc bài viết bằng một lời than: “khó thay, việc khai hoá một dân tộc học vấn dở dang như nước Nam nhà ta”.

Bài viết này của Nguyễn Văn Vĩnh khiến ta nhớ đến mấy câu thơ của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu:

Dân hai nhăm triệu ai người lớn Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con” (Mậu Thìn Xuân cảm -1932)

Thật đúng là những tư tưởng lớn gặp nhau!

Tiếp tục với chủ đề tấn công vào các khiếm khuyết trong lĩnh vực tư tưởng của người Việt, Nguyễn Văn Vĩnh còn chỉ ra một căn bệnh nữa cũng cần phải chỉnh đốn: “bệnh ngồi thừ”.

“Giống người An Nam ta, và nhiều giống ở Á châu có một tính truyền nhiễm lâu đời là tính ngồi thừ, không làm gì và cũng không nghĩ gì cả. Như ta nói rằng con ruồi đậu mép cũng chẳng buồn xua. […] Nhiều kẻ cũng có đầu óc, có chân, có tay mà như không kể đến, sống không ai biết, chết không ai hay, chẳng can dự gì đến nhân quần xã hội”.

Tác giả đề nghị: “Đó là một tật nên sửa. Mình nên học lấy cách sống của các giống minh mẫn bên châu Âu, nhiên hậu mới lo toan được đến cách gầy cho có quốc thể, có mặt mũi trong trường ganh đua thế giới”.

Qua mảng đề tài về những thói hư tật xấu của người Việt, có thể thấy sự sắc sảo và thẳng thắn của ngòi bút Nguyễn Văn Vĩnh. Từ những hiện tượng tưởng chừng như nhỏ nhặt trong đời sống, ông đã khái quát thành một cách ứng xử, một thái độ sống của người Việt để nhìn vào đó, người ta có thể sửa mình. Văn minh


134 “Xét tật mình”, Những khuyết tật trong hoạt động tri thức của dân ta, Đông Dương tạp chí số 18.


phong tục của dân tộc từ đó mới được đắp bồi, phát triển. Có như vậy, Việt Nam mới đạt được mục đích thoát khỏi ách đô hộ nhanh hơn và theo cách tốt hơn, như được trình bày trong câu đề “Nói hết, để biết hết, để chữa hết”.135

Qua chuyên mục này, bài học mà ban biên tập Đông Dương tạp chí muốn nhắn nhủ với độc giả là: vấn đề không phải là theo đuổi mô hình Tây phương một cách liều lĩnh mà phải phân tích kĩ càng những khuyết điểm của người Việt Nam để có thể sửa đổi và tiến bộ. Theo họ, những khuyết điểm chính của người Việt Nam chủ yếu nằm ở cách mà họ tổ chức xã hội: “Các tật xấu của ta hết thảy chỉ có một cái căn, là cái cách đoàn thể, cách lập hương thôn, sinh ra một cách giáo dục riêng

làm cho người ta lớn lên, hội một cái ý thắt buộc về phận làm người, về xã hội”.136

Vì cách tổ chức của xã hội Việt Nam không được toàn diện, nên cải cách là hết sức cần thiết. Do đó, cần phải theo những phương pháp mới.

3.3.2. Chuyên mục Việt Nam phong tục


Kể từ năm 1915, trong mục Bổ Quốc Sử trên Đông Dương tạp chí, với loạt bài Việt Nam phong tục, Phan Kế Bính cũng cung cấp một cái nhìn thú vị phong tục tập quán của người Việt Nam, thông qua lăng kính đặc biệt của một nhà trí thức am tường cả Hán học lẫn Tây học. Các bài viết trong chuyên mục này sau đó được tập hợp lại thành cuốn sách mang tên Việt Nam phong tục và nhanh chóng trở thành một tác phẩm được yêu thích rộng rãi, không chỉ trong dân gian mà ngay cả với giới nghiên cứu về văn học, văn hoá.

Mặc dù là một trí thức của nền văn hóa Nho học, Phan Kế Bính quan tâm sâu sắc đến các phong tục tập quán dân gian, những điều mà theo ông, đại diện cho một bộ phận quan trọng của văn hoá dân tộc và từ đó tạo nên hình ảnh hiện đại của nền văn minh quốc gia.

Việt Nam phong tục được Phan Kế Bính chia thành ba thiên: thiên thứ nhất về “phong tục trong gia tộc”, thiên thứ hai về “phong tục trong hương đảng” và


135 Phần đầu của mục Đông Dương tạp chí, 1913 số 6 (19/7), trang 4 - 5

136 Phần đầu của mục Đông Dương tạp chí, 1913 số 6 (19/7), trang 4 - 5

Xem tất cả 290 trang.

Ngày đăng: 20/07/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí