Liệt Nữ Bản Địa Đầu Tiên Và Sự Khẳng Định Kết Quả Quá Trình Nho Giáo Hóa Xã Hội Đại Việt Cuối Thế Kỉ Xiv - Đầu Thế Kỉ Xv: Trường Hợp Lê


con người, hay nói cách khác, con người được chủ động ứng xử với hoàn cảnh theo ý muốn của mình, thực sự dấn thân cho lẽ phải mà mình tin tưởng. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ tiêu cực, nó phản ánh sự ích kỉ của nam giới trong việc sở hữu phụ nữ mà biểu tượng là sở hữu thân thể phụ nữ và quan niệm về vấn đề trinh tiết theo cách nghĩ của đàn ông. Cái chết của nhân vật Mị Ê, vốn có thực trong lịch sử, đã tạo nên một sự xúc động khá mạnh mẽ với đương thời, và khi trở thành hình tượng nghệ thuật lại được cấp thêm cho một ý nghĩa ngoài dự kiến của nó, giúp người đời sau treo gương tiết liệt theo lối đòn bẩy: “Đến một người phụ nữ bị coi là “mọi rợ” còn làm được thế, chẳng lẽ phụ nữ Đại Việt lại không làm được hay sao?”. Không khó hiểu khi trong chính văn của Đại Việt sử kí Tiền biên, Ngô Thì Sĩ chép việc “sai người hầu trong cung gọi Mị Ê là phi của vua Chiêm Sạ Đẩu sang hầu thuyền vua” [160, tr.271] nhưng ngay ở phần Lời bàn ông đã “chữa thẹn” cho Lí Thái Tông bằng cách viết “Thái Tông nghe nói Mị Ê đẹp, sai người hầu ngầm vời vào hầu” [160, tr.271] để người đọc thấy Lí Thái Tông cũng còn có chút “e lệ” khi ra lệnh. Việc các sử thần đời trước không chê trách hành động của Lí Thái Tông khiến Cương mục căm giận phê rằng: “Bấy giờ không nghe nói có việc người Chiêm vào lấn cướp thì không phải là bất đắc dĩ mà dùng binh, thế mà muốn phô sức mình, thích lập công nghiệp, buông thả lòng dục, giết hại mạng người! Thậm chí cướp bắt phụ nữ để chứa đầy vào hậu cung: việc này lại càng thất đức! So với Mị Ê, thật đáng thẹn chết!” [155, tr.309]. Sự chê trách, tiếc nuối của Cương mục không phải không có cơ sở nhưng chưa thực sự đầy đủ khi không nhìn sự việc trong bối cảnh của nó, một bối cảnh cách triều Nguyễn tới tám thế kỉ.

Tuy có cốt truyện khá đơn giản nhưng câu chuyện về Mị Ê lại có một sức sống lâu bền. Đi từ Việt điện u linh sang các phiên bản Lĩnh nam chích quái và sau đó, đến đầu thế kỉ XX, hình tượng Mị Ê còn được đề vịnh 5 lần trên Nam phong tạp chí. Việc Mị Ê được phong thần, ở một khía cạnh nào đó, thể hiện nhà nho xưa “muốn chứng minh tính phổ quát toàn nhân loại của giá trị trinh tiết ở người phụ nữ (…), định hướng một giá trị, một khuôn hành vi mẫu mực cho phụ nữ nói chung, xác lập một cách tinh vi trật tự đạo đức của xã hội phong kiến nam quyền” [187,


tr.31]. Thêm nữa, việc làm của các nhà nho là để hợp thức hóa ý chí của chính quyền khi đó, đưa Mị Ê vào hệ thống các vị thần của Đại Việt, làm trách nhiệm âm phù cho người đang sống, đứng cạnh số nhiên thần vốn đã quá đông đảo ở các thần điện đương thời trong tự điển của triều đình. “Vinh dự” này không phải đặc quyền của một mình Mị Ê. Trong bối cảnh “liệt nữ như sao buổi sớm”, các sử thần kêu ca mãi về những bê bối hậu cung của các triều Đinh, Tiền Lê, Lí, Trần thì việc xuất hiện hành vi của Mị Ê rất đáng được lưu tâm. Có một số vị thần Chiêm Thành được du nhập về Đại Việt trong thời trung đại nhưng chỉ riêng mình Mị Ê là có tiểu sử và hành động phù hợp với “giao diện” của văn hóa Nho giáo mà các nhà nho đang xác lập và tưởng tượng về truyền thống của nó trên lãnh thổ Đại Việt. Câu chuyện về Mị Ê khiến ta liên tưởng tới chuyện về vị thần được thờ ở đền Cờn (Nghệ An). Trong truyền thuyết, thần vốn là một “phu nhân” của triều Tống lưu lạc sang Đại Việt sau thất bại của nhà Nam Tống trước nhà Nguyên. Theo khảo sát của một số nhà nghiên cứu, việc nhà Nam Tống thất bại, mấy vạn người chạy ra biển và hầu hết chết theo nạn nước là một sự thật nhưng sử sách Trung Quốc không ghi lại

chuyện “phu nhân” nào lưu lạc sang Đại Việt khi đó cả22. Trong bài viết “Đi tìm dị

bản của truyện cổ tích Sự tích đền Cờn”, Mai Xuân Hải đã khảo sát 14 thần tích về đền Cờn và cho biết “con số này chưa phải đã là chấm hết, đã là cuối cùng” vì cả nước có tới 1964 ngôi miếu thờ bốn vị Thánh nương này [Xem: 53, tr.40]. Nếu đúng như vậy thì đây là những vị thần thuộc hàng được thờ phụng nhiều nhất ở Việt Nam. Điều đáng lưu ý là có khá nhiều thần tích kể lại tình huống éo le của bốn vị thần này với nhà sư người bản xứ, chi tiết chứng tỏ sự quyến rũ về mặt nhan sắc của họ. Như vậy, có thể việc thờ thần ở đền Cờn đã có từ rất sớm và câu chuyện tiết liệt sau này được phụ hội vào để địa vị của thần càng thêm chính thống, phạm trù nhân cách của thần được chuyển từ Trung sang Trinh, và yếu tố Trung bị làm mờ đi theo thời gian. Trong thực tế, không thể biết được chính xác “độ vênh” giữa những gì triều đình gán cho thần với những gì dân gian quan niệm về thần, trong khi đó có


22 Xem thêm: Tạ Chí Đại Trường (2006), Thần, Người và Đất Việt, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr.173 - 175.


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 193 trang tài liệu này.

một thực tế là “truyện ngắn lịch sử (…) thường bị dân gian hóa để hấp dẫn người nghe, người đọc và truyện dân gian lại luôn được lịch sử hóa để tỏ ra chúng có “thật” và đáng tin cậy” [116, tr.822]. Như vậy, giữa vị thần được thờ ở đền Cờn và Mị Ê có một số yếu tố khác biệt. Mị Ê nhờ có hành vi phù hợp với chuẩn mực Nho giáo nên được các nhà nho Đại Việt “vơ vào” rồi “chế biến” cho hợp lí để trở thành một liệt nữ chuẩn mực, còn thần đền Cờn thì được gán cho hẳn một tiểu sử, một “hồ sơ” giả và những diễn giải gán ghép cùng một dụng ý trên. Nhưng Mị Ê có phần “thân thiện” hơn so với nữ thần được thờ ở đền Cờn vì bà chỉ thể hiện mình ở phương diện hấp dẫn giới tính chứ không đe dọa quá trình tu dưỡng nhân cách của đàn ông. Không phải ngẫu nhiên khi thần đền Cờn được quan niệm là “phu nhân” của một ông vua nhà Tống - triều đại nổi tiếng với những thành tựu văn hóa, sự sa sút về kinh tế và có rất nhiều liệt nữ trong lịch sử Trung Quốc. Cũng phải nói thêm rằng, vì người gây ra tai họa cho Mị Ê là người đứng ở thang bậc cao nhất trong xã hội khi đó nên bà không thể đe dọa được gì mà chỉ có thể phục tùng hoặc tìm đến cái chết như một con đường tìm kiếm tự do theo cách tiêu cực, còn thần đền Cờn có “nạn nhân” là một sư ông bình thường nên sự cương liệt của thần mới có tác dụng răn đe. Như vậy, tính phổ quát của những giá trị văn hóa Nho giáo đã giúp thần điện Đại Việt “thu nạp” được một số liệt nữ đáng kể trong đó ít nhất là hai người có nguồn gốc ngoài Đại Việt. Những câu chuyện vừa thực vừa hư đó tạo nên một hiệu ứng tiếp nhận mạnh mẽ cho đến tận sau này ở các nhà nho sống trong giai đoạn giao thời 1900 - 1930.

Trong lịch sử văn học Việt Nam trung đại, Mị Ê là một trường hợp khá đặc biệt. Bà là một nhân vật có nguồn gốc Chiêm Thành, nhưng lại được đánh giá theo “khung tham chiếu” Trung Hoa dưới con mắt các nhà nho Đại Việt. Sự phức tạp đó được phản ánh một cách sinh động trong quá trình di chuyển nhân vật Mị Ê từ Việt điện u linh sang các phiên bản Lĩnh nam chích quái sau này. Từ chỗ là một nhân vật có thật trở thành một nhân vật văn học, hình tượng Mị Ê chịu nhiều thử thách, một trong những thử thách đó là duy trì được sự hấp dẫn đối với độc giả trung đại. Các nhà nho đã thành công khi gán cho hành vi thực tế của nhân vật một ý nghĩa có tính

Nhân vật liệt nữ trong văn học Việt Nam trung đại - 7


phổ quát lúc đó, và đã “nuôi” được hình tượng này tới tận đầu thế kỉ XX. Dẫu là một liệt nữ bất đắc dĩ trong lịch sử văn học Việt Nam trung đại, là sản phẩm của trí tưởng tượng và gán ghép tập thể nhưng Mị Ê lại có một địa vị nhất định mà một số liệt nữ sau này không có được. Ý nghĩa đó nằm ở vai trò “khai khoa” và nguồn gốc Chiêm Thành của bà. Hành trình đi từ Văn sang Sử, từ Sử lại trở về Văn của Mị Ê phản ánh quá trình Nho giáo hóa của xã hội Việt Nam và cũng là chứng tích về những dấu ấn của Nho giáo trong một nền văn học mà ở đó rất nhiều phụ nữ đã chủ động trả giá cho sự bảo toàn danh tiết bằng mạng sống của chính mình.

2.2. Liệt nữ bản địa đầu tiên và sự khẳng định kết quả quá trình Nho giáo hóa xã hội Đại Việt cuối thế kỉ XIV - đầu thế kỉ XV: Trường hợp Lê thái hậu và Nguyễn thị (Nam Ông mộng lục )

2.2.1. Sự lấn át của phương diện Trinh so với Trung trong việc thể hiện nhân vật Lê thái hậu và Nguyễn thị

Từ những năm đầu của kỉ nguyên độc lập, các triều đại Đại Việt đã dần tìm cách chứng tỏ sự độc lập về mặt văn hóa cùng sự độc lập về mặt chính trị với Trung Hoa. Sự độc lập về văn hóa ở đây không phải là dứt bỏ những giá trị văn hóa Trung Hoa mà là gây dựng những sự kiện văn hóa có nguồn gốc Đại Việt nhằm làm đối trọng với các hình mẫu của phương Bắc. Dẫu muộn màng, Nam Ông mộng lục của Hồ Nguyên Trừng là một “nỗ lực hải ngoại” như thế.

Theo một truyền thống của văn xuôi tự sự trung đại, các công trình mang màu sắc kì ảo, hoang đường có sức sống rất mạnh. Từ Việt điện u linh, Thiền uyển tập anh, Tam tổ thực lục, Lĩnh Nam chích quái… cho đến những bộ sử sau này, dấu ấn của yếu tố kì ảo, hoang đường, mê tín thể hiện rất rõ, với những liều lượng khác nhau, như trong Đại Việt sử lược đậm nét hơn so với Đại Việt sử kí Toàn thư. Nhưng đến Nam Ông mộng lục, tình hình đã có đôi chút khác biệt, yếu tố chân thực lại chiếm vai trò chủ đạo và, theo Nguyễn Đăng Na, dường như “Hồ Nguyên Trừng muốn chứng minh rằng “giấc mộng” Nam Ông là một hiện thực 100% (…)” [211, tr.30]. Từ chủ trương của Hồ Nguyên Trừng, Nam Ông mộng lục chỉ toàn các truyện “bao” và “khuyến”, đi lệch ra khỏi truyền thống “bao - biếm”, “khuyến -


trừng” của nhà nho, với cảm hứng “Huống chi đất Giao Nam từ xưa người và vật đều phồn thịnh, há có thể cho là nơi xa xôi mà bảo không có nhân tài chăng?” [211, tr.43]. Trong tập truyện này, Hồ Nguyên Trừng viết về nhiều nhân vật, trong đó có hai người mang những dấu hiệu của mô hình liệt nữ: Lê thái hậu và Nguyễn thị vợ Ngô Miễn. Hai nhân vật có xuất thân khác nhau, hoàn cảnh để đi tới hành vi trinh liệt cũng khác nhau, nhưng đều là những người quyền quý, có địa vị trong xã hội lúc bấy giờ.

Truyện Phụ đức trinh minh viết về Lê thái hậu (Chính phi của Trần Duệ vương, là mẹ của Linh Đức) có dung lượng ngắn, thậm chí rất ngắn. Tác giả tuy không nói ra, nhưng dường như có tham vọng muốn bao quát cả cuộc đời của Lê thái hậu vào trong đó. Câu chuyện chia cuộc đời của bà làm hai phần: Trước khi đi tu và từ khi đi tu cho đến khi viên tịch. Cuộc đời ấy, với tất cả những ràng buộc trần gian, lại cũng được nhìn từ các dấu mốc chính trị: Trước và sau khi vị vua nhỏ tuổi đáng thương Linh Đức lên ngôi, thậm chí bà mất trước khi Linh Đức bị phế hai năm, tất nhiên điều này không được Hồ Nguyên Trừng đề cập kĩ, và ta sẽ hiểu phần nào lí do khi đem truyện so sánh cùng chính sử. Chia cuộc đời Lê thái hậu làm hai phần riêng biệt như vậy, với cách kể của Hồ Nguyên Trừng, có thể thấy tác giả đứng từ điểm nhìn của một người đã biết hết mọi điều. Khi viết “Trước đây, khi Duệ vương đem quân đi không trở về , bà xuống tóc làm ni sư” [211, tr.65], rõ ràng Hồ Nguyên Trừng đang đứng ở thời điểm kết thúc của câu chuyện để nhìn ngược về và kể lại từ đầu, dù rằng phần tác giả quan tâm chính là phần sau của câu chuyện. Truyện được kể một cách từ tốn, vào truyện chậm rãi, kể từ lai lịch của nhân vật chính (và cũng là nhân vật duy nhất trong diễn biến của truyện tham gia một cách thực sự vào sự vận động của “cốt truyện”, hiểu theo nghĩa rộng rãi nhất của từ này). Nhân vật không được miêu tả ngoại hình, tâm lí của nhân vật cũng không được tác giả chú ý, chỉ được thể hiện phần nào qua câu nói đầy chua xót khi bà xin cho Linh Đức thoái vị. Nếu như câu nói của bà là thực và đáng tin cậy thì rõ ràng bà đã nhận ra sự thất thế của hai mẹ con bà ngay từ khi Duệ vương qua đời. Thông điệp chính của câu nói: “Con ta phúc mỏng, khó kham nổi ngôi cao, chỉ để chuốc họa mà thôi. Cố chúa


lìa trần, kẻ vị vong này chỉ mong mau chết, không muốn nhìn thấy thế sự, huống chi nay con ta lại sắp gặp nguy khốn?” [211, tr.65] có lẽ không phải là lòng thương xót Duệ vương mà là cảm thán về thân phận mẹ góa con côi trong bối cảnh chính trị cung đình khi ấy.

Khi bình luận về cuộc đời và đức hạnh của nhân vật, Hồ Nguyên Trừng đã đánh giá cao và xếp thứ tự “sự quân chi thành” (lòng thành thờ vua) đứng trước “trinh phụ chi tiết” (tiết hạnh của người trinh phụ) nhưng trong tiêu đề câu chuyện thì chỉ nhắc tới sự “trinh minh” của bà phi này. Rõ ràng, ở đây, “sự quân chi thành” đã trở thành “điều kiện cần” và sau đó nhân vật phải trình ra thứ “chứng chỉ” quan trọng nhất của mình là “trinh phụ chi tiết”. Sự kiên trinh, sáng suốt của bà đã được nhấn mạnh khía cạnh “phụ đức” hơn là “thần tiết”, và quan trọng hơn, trong hai vai trò tự nhiên (làm mẹ) và xã hội (làm vợ, làm bề tôi), vai trò tự nhiên tuy được nhắc đến nhiều và chiếm dung lượng lớn trong truyện nhưng đến khi viết Lời bình tác giả lại quên đi hay lờ hẳn đi vai trò này của nhân vật. Thiên chức làm mẹ, với những hành xử rất đáng trân trọng, đã bị làm nhòe đi trước sự chói sáng của vai trò xã hội. Việc bà “tinh tu khổ hạnh, sớm tối đọc kinh sám hối” [211, tr.65] rất có thể là để cầu phúc cho đứa con nhỏ đáng thương nhưng đã bị lái sang mục tiêu “để báo đền ơn chúa” và ở đây, vì bà là một hoàng hậu nên quan hệ với “chúa” cũng là quan hệ với “chồng”, một mối quan hệ kép. Thêm nữa, việc nhân vật “chưa đầy năm sáu năm đã “nhiên tí, luyện đính”, không điều gì là không đạt được” và “mới quy y cửa Phật mà đã tạo ra được một môn phái riêng sâu sắc” [211, tr.65] lại được lái sang vấn đề “phụ đức trinh minh” theo chuẩn mực đơn thuần của Nho giáo. Phần Lời bình cuối truyện thực ra chưa đánh dấu sự kết thúc của diễn biến truyện mà nhân việc “cái quan định luận”, tác giả lại kể “vớt” thêm về việc mọi người “phục bà biết nhìn người, giỏi tiên tri và cảm kích về lòng thành thờ vua, về đức kiên định của người làm vợ” [211, tr.65] khi Linh Đức bị phế. Như vậy, trong vai trò là người đã nắm rõ mọi tình tiết của truyện, tác giả đã đảo lộn một phần (rất nhỏ) cốt truyện để phục vụ cho ý đồ nghệ thuật của mình, cùng với việc quy một phần Lời bình đó cho số đông để tạo nên tính khách quan trong đánh giá: “Ai chẳng xót thương và khen


ngợi?” [211, tr.65]. Lời bình ở cuối truyện “Tuy phi tần đời trước của nhà Trần có nhiều bậc hiền tài nhưng bà phi này ra đời sau lại vượt hơn họ, bà sao kì vĩ đến vậy?” [211, tr.66] chưa rõ có ý thiên vị bà phi này hay không23 nhưng việc so sánh bà với các phi tần đời trước của nhà Trần giúp tác giả gửi gắm thông điệp về việc chọn mẫu khách quan của mình trong khi “mộng lục”.

Bên cạnh câu chuyện về Lê thái hậu, Nam Ông mộng lục của Hồ Nguyên Trừng còn viết về vợ chồng Ngô Miễn trong Phu thê tử tiết (Vợ chồng chết vì tiết nghĩa). Truyện như một mảnh vỡ sử liệu, ghi lại một lát cắt trong cuộc đời của nhân vật: “Năm Đinh Hợi [1407], niên hiệu Vĩnh Lạc, khi đại quân bình định Giao Chỉ, viên đầu mục là Ngô Miễn gieo mình xuống sông tự vẫn. Vợ chàng là Nguyễn thị ngửa mặt lên trời than rằng: “Chồng thiếp thờ chủ, một đời hưởng lộc, từ bậc Trung quan lên đến chức quan trong chính phủ. Nay chết vì tiết nghĩa là đúng chỗ vậy, có gì phải oán thán? Thiếp nếu ham sống, há phải không có nơi? Nhưng đạo chồng, ơn vua, nếu vì nhất thời mà mang tội phụ bạc, ta không nỡ, thà rằng theo nhau vậy!”. Nói xong, cũng gieo mình xuống sông tự vẫn” [211, tr.81]. Trong truyện này, Hồ Nguyên Trừng đã ghi lại thời gian cụ thể xảy ra sự kiện chính của truyện (niên hiệu của triều đại) nhưng không nói địa điểm cụ thể. Như vậy, ấn tượng mà câu chuyện, vốn có thật, để lại trong hồi ức của ông là vấn đề thời gian và hành động của nhân vật. Câu chuyện được đặt trong không gian quốc gia “Giao Chỉ”, còn nó xảy ra cụ thể ở con sông nào, chiến trường nào có lẽ không còn quan trọng nữa. Tuy truyện có nhan đề Phu thê tử tiết nhưng chỉ nhắc đến Ngô Miễn rất ít, như một cái cớ của câu chuyện, mà sau đó dành phần chính cho lời nói và hành động của người vợ là Nguyễn thị. Người đàn bà khuyết danh này, được đặt trong không gian của vũ trụ, trong tương quan với vũ trụ khi “ngửa mặt lên trời mà than” chứ không phải “khóc lóc, nói với người thân” như trường hợp Lê thái hậu. Rõ ràng, ý thức ngôn chí, ý thức về vị trí của mình trong tương quan với vũ trụ của nhân vật rất mạnh, dẫu rằng



23 Lê thái hậu là bà cô họ của Hồ Nguyên Trừng. Chính vì vậy nên trong bài “Hồ Nguyên Trừng mà cũng “quyến luyến quê hương”, “không quên Tổ quốc” ư?” (1974) Trần Nghĩa cho rằng Hồ Nguyên Trừng “thực chất chỉ là phô trương công đức của dòng họ nhà Hồ, bên ngoại cũng như bên nội” [211, tr.240].


nhân vật vẫn đặt mình trong đầy đủ các mối quan hệ xã hội hiện có, vẫn biết phải sống theo “đạo chồng, ơn vua”, vẫn ý thức rõ ràng việc mình “nếu ham sống, há phải không có nơi” (một cách “kiêu ngầm” về sự hấp dẫn giới tính cũng như khả năng tái giá của bản thân). Nếu như nhân vật Lê thái hậu được miêu tả theo một tiến trình mà trong đó tâm lí nhân vật đi từ đau khổ vì việc đời đến bình thản (có thể thế) nhờ tu tập thì nhân vật Nguyễn thị được khắc họa trong một khoảnh khắc duy nhất, khoảnh khắc bà tuẫn thân vì nghĩa, như một mảnh vỡ văng ra sau vụ nổ lớn. Làm một phép so sánh đơn thuần, sẽ thấy nhân vật Nguyễn thị công thức, lí trí và cứng rắn hơn nhiều so với Lê thái hậu, ít nhất là qua biểu hiện bề ngoài mà sử sách ghi lại và câu chuyện được kể ra. Trước cảnh nước sắp mất, và nhà vừa tan, người phụ nữ ấy vẫn đủ bình tĩnh để không sa nước mắt, cho rằng cái chết của chồng là “chết vì tiết nghĩa là đúng chỗ vậy, có gì phải oán thán”. Không thể nói trong nhân vật này không còn những rung động, xúc cảm giống như của bao người vợ khác trước cảnh chồng hi sinh vì việc nước, nhưng rõ ràng yếu tố lí trí đã lấn át và chiến thắng, dưới ngòi bút của Hồ Nguyên Trừng. Lí trí của người phụ nữ ấy được dẫn lối bởi quá khứ và thành tích “thờ chủ, một đời hưởng lộc, từ bậc Trung quan lên đến chức quan trong chính phủ” của chồng, điều không thấy ghi trong Đại Việt sử kí Toàn

thư24. Phát ngôn của Nguyễn thị là phần chính của truyện, bởi nó giải thích cho cái

chết của bà sau đó. Không có phát ngôn này, tính chất “treo gương” của hành vi sẽ bị giảm phần nào sức nặng. Nguyễn thị lại là người quyết liệt, khiến truyện có diễn biến khá nhanh. Có lẽ vì thế mà hành động của Nguyễn thị đã gây xúc động mạnh cho Hồ Nguyên Trừng khiến tác giả dành cho nhân vật phần Lời bình dài đến một nửa dung lượng của truyện, dài hơn về tỉ lệ so với tỉ lệ phần Lời bình trong Phụ đức trinh minh dù cho Phụ đức trinh minh viết về bà cô họ của tác giả. Cũng như phần truyện, Lời bình được chia làm hai mảng: bình về Ngô Miễn và bình về Nguyễn thị. Tuy nhiên, phần Lời bình dành cho Ngô Miễn ngắn hơn so với phần Lời bình dành cho chính vợ ông: “Than ôi, chết vì tiết nghĩa là việc đương nhiên của bậc sĩ đại phu,


24 Theo Hoàng Văn Lâu, “giá trị văn học” của Đại Việt sử kí Toàn thư “không phải là tài hư cấu, mà (…) là sự lựa chọn rất khéo, rất đắt sử liệu có trong tay người soạn sử, và được viết theo phương pháp viết “liệt truyện” của sử học” [96, tr.55].

Xem tất cả 193 trang.

Ngày đăng: 18/12/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí