Người Kể Chuyện Với Vai Trò Tổ Chức Kết Cấu Tác Phẩm


số nhà nghiên cứu khi đồng nhất bốn khái niệm giọng điệu, điểm nhìn, tác giả hàm ẩn và người kể chuyện với nhau.

Các nhà tự sự học cũng xác định nội dung khái niệm giọng điệu một cách khác nhau.

- Trần Đình Sử trong Giáo trình dẫn luận thi pháp học cho rằng: “Giọng điệu giúp chúng ta nhận ra tác giả. Giọng điệu là tình cảm, thái độ ứng xử của nhà văn trước các hiện tượng đời sống được thể hiện trước hết trong giọng điệu cơ bản” [61, tr.111].

- Lê Huy Bắc trong bài Giọng và giọng điệu trong văn xuôi hiện đại đưa ra quan niệm: “Giọng điệu là âm thanh được xét ở góc độ tâm lí, biểu hiện các thái độ: buồn, vui, giận, hờ hững” [7, tr.6].

- Nguyễn Thái Hòa khi tìm hiểu giọng điệu, xem xét giọng điệu trong quan hệ của chủ thể và đối tượng qua ngôn ngữ của mỗi cá nhân thì nhận định: “Giọng điệu là mối quan hệ giữa chủ thể và hiện thực khách quan thể hiện bằng hành vi ngôn ngữ trong đó bao hàm cả việc định hướng đánh giá và thói quen cá nhân sử dụng ngôn từ trong những tình huống cụ thể” [31, tr.154].

Như vậy đã có nhiều nội dung được xác định trong khái niệm giọng điệu. Ở góc độ nào đi nữa thì giọng điệu vẫn là yếu tố không thể thiếu của tác phẩm văn học để qua đó “phản ánh lập trường xã hội, thái độ tình cảm và thị hiếu của tác giả, có vai trò rất lớn tạo nên phong cách nhà văn và có tác dụng truyền cảm cho người đọc”. Trong luận văn này chúng tôi hiểu giọng điệu là thái độ, tình cảm, cảm xúc thể hiện trong các phát ngôn để các phát ngôn trở nên hấp dẫn và thu hút người đọc.

Để nhận diện người kể chuyện trong tác phẩm tự sự ta không thể không căn cứ vào giọng điệu kể chuyện. Bởi giọng điệu là “thái độ, tình cảm, lập trường, tư tưởng, đạo đức của người kể chuyện thể hiện trong lời văn quy định cách xưng hô, gọi tên, dùng từ, sắc điệu tình cảm, cách cảm thụ xa gần,


thân sơ, thành kính hay suồng sã, ngợi ca hay châm biếm” [28, tr.112]. Có nhiều yếu tố làm nên giọng điệu của người kể chuyện trong đó yếu tố quan trọng mang tính quyết định chính là cảm hứng chủ đạo của anh ta. Chẳng hạn trong các tác phẩm đậm chất sử thi như Đất nước đứng lên (Nguyên Ngọc), Vỡ bờ (Nguyễn Đình Thi), Dấu chân người lính (Nguyễn Minh Châu)…ta bắt gặp giọng điệu kể chuyện trang trọng cao cả vì cảm hứng của người kể chuyện là hướng về cái cao cả. Ngược lại, trong một số tác phẩm văn học phê phán như Mất cái ví (Nguyễn Công Hoan), Số đỏ (Vũ Trọng Phụng)… do người kể chuyện có cảm hứng chính là phê phán thực tại nên anh ta sẽ chọn cho mình giọng điệu mỉa mai, châm biếm, tố cáo. Dựa theo các tiêu chí khác nhau mà ta có những cách phân loại giọng điệu kể chuyện khác nhau. Nếu phân chia theo sắc thái tình cảm ta có giọng trang trọng hay thân mật, mạnh mẽ hay yếu ớt, tha thiết hay gay gắt… Nếu phân chia theo loại tình cảm ta có giọng bi hay hài, trữ tình hay châm biếm… Nếu theo khuynh hướng tình cảm ta lại có giọng thương cảm hay lên án, phê phán hay ngợi ca… Các bình diện trên không tách rời nhau, không đứng độc lập với nhau mà xen lẫn và hòa quyện vào nhau, vì vậy hệ thống giọng điệu kể chuyện của tác phẩm có thể hết sức đa dạng và phức tạp.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 128 trang tài liệu này.

1.3. Vai trò của người kể chuyện

1.3.1. Người kể chuyện với vai trò tổ chức kết cấu tác phẩm

Người kể chuyện trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư - 5

Mỗi tác phẩm văn học có thể có nhiều khả năng kết cấu, mỗi khả năng kết cấu thích hợp với một quá trình khái quát nghệ thuật của người nghệ sĩ. Người kể chuyện phải cố gắng tìm cho mình một kết cấu tối ưu để làm cho câu chuyện lôi cuốn, hấp dẫn người đọc. Vai trò tổ chức kết cấu tác phẩm của người kể chuyện được thể hiện trên những phương diện sau:

Trước hết là tổ chức hệ thống hình tượng nhân vật. Người kể chuyện có thể tổ chức các quan hệ của nhân vật theo hình thức đối lập, đối chiếu, tương


phản hoặc bổ sung. Chẳng hạn như trong truyện ngắnChiều vắng của Nguyễn Ngọc Tư, người kể chuyện đã lựa chọn quan hệ đối chiếu, tương phản để làm cho nhân vật hiện lên sắc nét hơn. Đó là dì Út Thu Lý và dì Ba Thu Lê: cả hai người con gái đều sống nặng tình nghĩa, đều sống theo tiếng gọi của con tim nhưng về tính cách thì họ lại dường như trái ngược nhau. Dì Út Thu Lý đểnh đoảng, vụng về; dì Ba Thu Lê khéo léo. Dì Út Thu Lý như trẻ con vui buồn ra mặt; dì Ba Thu Lê hiền thục, nhu mì.

Thứ hai là tổ chức hệ thống sự kiện và liên kết chúng lại để tạo thành truyện. Truyện ngắn Ấu thơ tươi đẹp của Nguyễn Ngọc Tư là một ví dụ cho sự kết nối khéo léo của người kể chuyện. Tác phẩm gồm hai câu chuyện của hai đứa trẻ có cùng cảnh ngộ: cha mẹ li dị, mỗi người đều có cuộc sống riêng, mỗi dịp hè đến chúng được người này đưa về ở với người kia. Ký ức tuổi thơ của hai đứa trẻ không có gì ngoài những chuyến đi và mỗi lần về bên cha hoặc bên mẹ và phải chứng kiến những điều mà lẽ ra ở tuổi của chúng không nên chứng kiến. Người kể chuyện với sự tài tình, khéo léo của mình đã kết nối hai câu chuyện riêng lẻ của hai đứa trẻ ấy thành một mạch truyện thống nhất, liền mạch để từ đó thể hiện sự chia sẻ cảm thông của nhà văn với những đứa trẻ có hoàn cảnh bất hạnh. Đồng thời lên tiếng cảnh báo xã hội, nhất là những bậc làm cha mẹ cần phải có trách nhiệm hơn nữa với những đứa con của mình. Tại sao với những đứa trẻ thơ không phải là những miền ký ức vui? Ai đã đánh cắp “ấu thơ tươi đẹp” của các em? Đây cũng là câu hỏi được đặt ra để các bậc làm cha mẹ nghiêm túc tự vấn lại mình.

Với cách tổ chức hệ thống sự kiện khác nhau, cách kể khác nhau, người kể chuyện sẽ hình thành nên các dạng cốt truyện khác nhau: cốt truyện tuyến tính, cốt truyện tâm lí, cốt truyện “chuyện lồng chuyện”… Có tác phẩm chỉ có một người kể chuyện và cũng chỉ kể một câu chuyện (Ngày đùa – Nguyễn Ngọc Tư). Có tác phẩm chỉ có một người kể chuyện nhưng kể nhiều câu chuyện khác nhau (Đất kinh kì – Nguyễn Khải). Có tác phẩm trong đó nhiều


người kể chuyện cùng kể về một câu chuyện (Khách ở quê ra – Nguyễn Minh Châu). Cũng có tác phẩm trong đó nhiều người kể chuyện kể nhiều câu chuyện khác nhau (Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành – Nguyễn Minh Châu)…

Chức năng tổ chức tác phẩm của người kể chuyện còn được thể hiện ở việc kết cấu văn bản nghệ thuật. Đó có thể là việc sắp xếp bố cục của trần thuật, việc tạo nên độ lệch giữa phạm vi đầu cuối của trần thuật so với cốt truyện để tạo cho trần thuật những khả năng biểu hiện lớn như trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao. Đó cũng có thể là việc lựa chọn, kết hợp các thành phần trần thuật. Trong Bà Bôvary, người kể chuyện bên cạnh sử dụng thành phần lời kể đã đưa vào rất nhiều lời miêu tả. Chẳng hạn như lời miêu tả ngoại hình nhân vật Saclơ: “Tóc hắn cắt dựng lên trên trán, như một tay hát lễ ở thôn quê, vẻ người phải chăng và rất lúng túng. Tuy vai hắn không rộng, chiếc áo lễ lai vét bằng dạ màu be cài khuy chắc làm hắn khó chịu vì kích hẹp…”. Với cách miêu tả này, người kể chuyện đã chỉ ra những nét hài hước, lố bịch của Saclơ. Đó còn là cách tổ chức điểm nhìn trần thuật. Trong Vụ án (Kafka), người kể chuyện đứng ở ngôi thứ ba từ bên ngoài nhưng lại nương theo điểm nhìn của nhân vật K để kể. Người đọc bị kéo vào nỗi hoảng sợ mơ hồ của K, vào cái tòa án bẩn thỉu trên gác xép tầng năm, vào những quán trọ lố nhố người và mùi bia rượu…

Tóm lại, người kể chuyện có vai trò rất lớn trong việc tổ chức kết cấu tác phẩm. Timofiev khẳng định: “Hình tượng này có tầm quan trọng hết sức to lớn trong việc xây dựng tác phẩm bởi các quan niệm, các biến cố xảy ra, cách đánh giá các nhân vật và các biến cố đều xuất phát từ cá nhân người kể chuyện” [73, tr.44].

1.3.2. Người kể chuyện với vai trò dẫn dắt, định hướng người đọc

“Trong tiểu thuyết, trong truyện ngắn, những con người được tác giả thể hiện đều hành động với sự giúp đỡ của tác giả; tác giả luôn bên cạnh họ; tác


giả mách cho người đọc hiểu rõ cần phải hiểu như thế nào, giải thích cho người đọc hiểu những ý nghĩa thầm kín, những động cơ bí ẩn ở phía sau những hành động của các nhân vật được miêu tả” [Theo Trần Đình Sử/ 62, tr.117]. “Tác giả” mà Gorki nói tới ở đây chính là người kể chuyện. Bởi tác giả là người là người sáng tạo ra tác phẩm nhưng tác giả không bao giờ xuất hiện trực tiếp trong tác phẩm đó mà lại hư cấu ra người kể chuyện để thay mặt mình dẫn dắt người đọc thâm nhập vào thế giới nghệ thuật.

Trước hết, người kể chuyện là người môi giới, gợi mở giúp người đọc tiếp cận với nhân vật, hiểu được những suy nghĩ, nỗi niềm, những động cơ thầm kín trong hành động của nhân vật, rút ngắn khoảng cách giữa nhân vật với mình. Trong Dòng nhớ (Nguyễn Ngọc Tư), người kể chuyện đã vừa kể, vừa tả, vừa giải thích, bình luận giúp người đọc hiểu rõ hơn về cảnh ngộ của người cha, người má và người dì. Người kể chuyện cứ dẫn dắt, gợi mở và truyền đến người đọc sự cảm thông đối với cuộc đời, số phận của ba nhân vật.

Không chỉ giúp người đọc hiểu rõ hơn, sâu sắc hơn về nhân vật mà người kể chuyện còn hướng người đọc cùng chia sẻ và đồng cảm với những suy nghĩ của mình về cuộc đời. Đọc Đời như ý (Nguyễn Ngọc Tư) qua lời kể thương cảm của người kể chuyện, người đọc cảm thấy xót xa cho cảnh sống nghèo khó, cơ cực của gia đình chú Đời: “Nhìn vẻ mặt này không ai nghĩ chú mù, thấy sao mà tự tin, thanh thản quá chừng. Không ai biết chú khổ còn hơn… cô Lựu (…). Một ngày của gia đình chú Đời bắt đầu từ sáng sớm, chú buộc vô mình sợi dây điện nối giữa cây đờn với cái loa con Như đang cầm, nó ghịt dây thì chú bước tới, chùng dây thì đứng lại. Con Ý nhỏ con chạy lăng xăng đằng trước, đứng coi búp bê người ta chưng tủ kiếng. Vợ chú vừa đi vừa ca hát đằng sau, nhặt hoa phượng để lên đầu. Cũng giống như những người hát rong khác, nhà chú có cả thảy bốn người nhưng trên con đường tấp nập, trông họ nhỏ nhoi, cô độc làm sao” [84, tr.58-59].


Trong nhiều trường hợp, người kể chuyện còn tiến hành đối thoại, tranh luận với người đọc để kiếm tìm và khám phá chân lí cuộc sống. Trong Anh hùng bĩ vận (Nguyễn Khải), lời kể như là lời đối thoại của hai ý thức – người kể chuyện xưng tôi đã phân thân để đối thoại với chính mình về nghề viết: “Anh viết chính trị quá, cao siêu quá bạn đọc sẽ khó mua. Bạn đọc nào? Bạn đọc của tôi vẫn trung thành với tôi mà? Bạn đọc quen thuộc của anh đã tới tuổi về hưu rồi, đã về hưu tiền ăn còn chả đủ lấy tiền đâu mua sách”. Có nhiều khi, lời kể mang tính khiêu khích người đọc: “Này các bạn trẻ, các bạn chớ có vội cười, các bạn chớ có nghĩ một cách tự phụ rằng chỉ có lứa tuổi các bạn mới biết mãnh lực tình yêu. Không nên chủ quan như thế! Các bà nội cũng vẫn có, nếu như cái ma lực ấy các cụ không tiêu xài quá phung phí lúc thiếu thời”. Người kể chuyện hướng đích danh đến các bạn trẻ, buộc họ phải tranh luận, đồng tình hoặc phản đối. Trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư, người kể chuyện cũng rất có ý thức trong việc lôi kéo người đọc cùng tham gia vào câu chuyện, buộc người đọc phải lên tiếng, phải đối thoại. Ngôn ngữ của người kể chuyện chứa đựng nhiều đối thoại ngầm.

1.3.3. Người kể chuyện thay mặt tác giả trình bày quan niệm về nghệ thuật, cuộc sống

Khác với các nhà tư tưởng, các nhà văn không trình bày tư tưởng của mình bằng những lời phát biểu trực tiếp mà trình bày một cách nghệ thuật thông qua những hình tượng mà mình hư cấu nên, trong đó có hình tượng người kể chuyện. Có lẽ tất cả những nhà văn chân chính đều gặp gỡ nhau ở một điểm là mong muốn thể hiện một tư tưởng về con người, về cuộc sống.

Qua nhân vật người kể chuyện ta phần nào thấy được quan niệm, tư tưởng của nhà văn về cuộc sống. Trong truyện ngắn của Lỗ Tấn thông qua nhân vật người kể chuyện, nhà văn đã bày tỏ thái độ phê phán, phẫn nộ của mình đối với chế độ phong kiến ăn thịt người. Trong Cố hương, nhân vật


người kể chuyện xưng tôi thể hiện thái độ đau buồn trước xã hội thối nát tạo nên một bức tường ngăn cách người với người: “Tôi đã lớn tiếng yêu cầu xóa bỏ sự ngăn cách người lao động với trí thức, đạp đổ bức tường do chế độ phong kiến dựng lên”. Trong Nhật kí người điên, người kể chuyện đã phê phán những kẻ ăn thịt người, kêu gọi xã hội hãy “cứu lấy trẻ em”.

Trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư, nhà văn đã thông qua nhân vật người kể chuyện để bày tỏ những suy nghĩ, mong muốn, thái độ của mình về mối quan hệ tốt tốt đẹp giữa người với người trong cuộc đời. Mối quan hệ ấy, theo Nguyễn Ngọc Tư phải được giữ gìn, nâng niu, trân trọng và nuôi dưỡng cho dù thế giới này có thay đổi đến mức nào đi chăng nữa. Đời người vốn ngắn ngủi vì thế “làm người làm phải cho ngon”, mà muốn được như vậy phải biết chia sẻ lòng nhân từ, sự quan tâm từ chính trái tim mình trước nhất; con người trong ứng xử với nhau phải bằng niềm thương yêu chân thành. Ở Cánh đồng bất tận, nhân vật người kể chuyện đã gửi gắm một thông điệp: làm người phải có tấm lòng vị tha: “Đứa bé không cha nhưng chắc chắn được đến trường, sẽ tươi tỉnh và vui vẻ sống đến hết đời, vì được mẹ dạy, là trẻ con, đôi khi nên tha thứ lỗi lầm của người lớn”.

Bên cạnh quan niệm về cuộc sống, qua nhân vật người kể chuyện ta còn thấy quan niệm của nhà văn về văn chương nghệ thuật. Đọc truyện ngắn Nam Cao, tập hợp những suy nghĩ của nhân vật người kể chuyện lại có thể thấy rõ quan niệm nhất quán, hệ thống của nhà văn về văn chương. Đó là quan niệm về mối quan hệ giữa văn chương với hiện thực: “Nghệ thuật không cần là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối. Nghệ thuật chỉ có thể là tiếng kêu đau khổ thoát ra từ những kiếp lầm than” (Trăng sáng). Là quan niệm về sự cần thiết của tính sáng tạo trong văn chương nghệ thuật: “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những


nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có” (Đời thừa). Trong Đất kinh kì, qua lời người kể chuyện Nguyễn Khải cũng đã gửi gắm một quan niệm khá sâu sắc về văn chương: “Văn chương đâu phải là thứ để dành ướp lạnh được, không dùng trước thì dùng sau hoặc dùng dần. Nó là sự sống mà lại là phần thiêng liêng mong manh dễ vỡ nhất của sự sống”.

Từ sự phân tích ở trên có thể khẳng định rằng: người kể chuyện là nhân tố đóng vai trò tích cực trong việc tổ chức tác phẩm, dẫn dắt và định hướng người đọc tiếp cận với thế giới nghệ thuật. Ngoài ra, người kể chuyện còn là điểm tựa để tác giả bộc lộ những quan điểm, tư tưởng của mình về nghệ thuật, cuộc sống. Với những vai trò quan trọng đặc biệt này của người kể chuyện nên trong quá trình sáng tác nhà văn rất có ý thức trong việc lựa chọn cho mình một người kể chuyện thích hợp.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 08/12/2023