5. Nhiệm vụ nghiên cứu
Vận dụng mối quan hệ văn hoá - ngôn ngữ vào khảo sát một tác phẩm văn học cụ thể là một trong những hướng tiếp cận mang tính triết học, đa ngành. Hướng đi này sẽ trực tiếp luận giải mối quan hệ biện chứng giữa văn học, ngôn ngữ với văn hoá. Văn hoá là một hiện tượng tồn tại một cách không cụ thể, trực tiếp, người ta chỉ có thể nhận diện văn hoá qua hệ thống các biểu hiện cụ thể - các hiện tượng văn hoá như một tập hợp đa trị cần được tiếp cận từ nhiều phương diện khác nhau. Mục đích chính của luận văn là tìm hiểu những giá trị văn hoá truyền thống Việt Nam trong hệ thống Ngôn ngữ nghệ thuật của một tác phẩm cụ thể - Truyện Kiều. Thông qua những kết quả thu thập được, chúng tôi sẽ tiếp tục phân tích những yếu tố văn hoá ẩn hàm trong lớp ngôn từ nghệ thuật đặc sắc của thi phẩm này.
Nhiệm vụ cơ bản của luận án là tiến hành phác hoạ một cách chân thực bức tranh toàn cảnh về thế giới trữ tình của Nguyễn Du trong Truyện Kiều từ góc độ ngôn ngữ văn hoá. Từ đó, chúng tôi xác định những nét riêng biệt về giá trị văn hoá của ngôn ngữ tác phẩm trong hành trình phát triển của văn học cổ điển, những yếu tố đã làm nên giá trị bất hủ của thi phẩm.
6. Phương pháp nghiên cứu
Nhằm hỗ trợ cho việc lý giải, tìm hiểu một số vấn đề liên quan đến điển cố, thi liệu, từ ngữ tập cổ trong ngôn ngữ nghệ thuật Truyện Kiều và hàm nghĩa văn hoá của chúng trong từng ngữ cảnh cụ thể, chúng tôi tiến hành khảo sát, truy nguyên hệ thống ngữ liệu cổ văn Truyện Kiều trong các văn bản, tài liệu Hán Nôm. Đây là một việc làm cần thiết đối với những ai yêu mến tác phẩm và bảo tồn di sản văn học cổ điển của ông cha ta. Vì những lý do cơ bản ấy, chúng tôi thiết nghĩ ngôn ngữ văn hoá trong Truyện Kiều cần phải xem một biểu tượng, một minh chứng cho mối quan hệ ngôn ngữ - văn hoá thông qua các quan hệ hữu cơ của hai hệ thống này.
Xuất phát từ đối tượng và phạm vi nghiên cứu của đề tài, chúng tôi sử dụng kết hợp các lý thuyết, quan điểm nghiên cứu về văn hoá học, ngôn ngữ học lịch sử, thi pháp học và các kiến thức liên ngành liên quan đến việc khảo chứng hệ thống ngữ liệu văn hoá bác học, bình dân trong ngôn ngữ Truyện Kiều. Trong luận án này, chúng tôi đã vận dụng các phương pháp nghiên cứu chính như sau:
6.1. Phương pháp tiếp cận văn hóa đối với tác phẩm văn học
Với phương pháp này, chúng tôi sẽ tiến hành khảo sát cội nguồn, dấu vết văn hóa và đặt hệ thống ngữ liệu văn hóa trong mối quan hệ với chỉnh thể tác phẩm. Cụ thể, chúng tôi sẽ từng bước phân tích những giá trị của từng hệ thống ngữ liệu văn hoá bác học, bình dân đã tham gia kiến tạo nên những đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm. Bên cạnh đó, với tư cách là một yếu tố cấu tạo nên những nét đặc sắc trong Truyện Kiều, chúng tôi cũng đi sâu lý giải những những ảnh hưởng văn hóa của ngôn ngữ tác phẩm đến đời sống văn chương, học thuật và văn hóa Việt Nam hậu Truyện Kiều.
Có thể bạn quan tâm!
- Ngôn ngữ nghệ thuật Truyện Kiều từ góc nhìn văn hoá - 1
- Ngôn ngữ nghệ thuật Truyện Kiều từ góc nhìn văn hoá - 2
- Văn Bản Khảo Sát, Đối Chiếu Và Thống Kê
- Ngôn Ngữ Với Vấn Đề Bảo Tồn, Xây Dựng Và Phát Triển Văn Hóa
- Ngữ Liệu Văn Hoá Trong Ngôn Ngữ Nghệ Thuật Truyện Nôm Bác Học
- Giá Trị Thẩm Mỹ Của Ngôn Ngữ Nghệ Thuật Tác Phẩm Văn Chương Cổ Điển Việt Nam Nhìn Từ Góc Độ Văn Hoá
Xem toàn bộ 272 trang tài liệu này.
6.2. Phương pháp thống kê, phân loại và so sánh
Trên cơ sở giới thuyết về các nguồn gốc văn hoá trong ngôn ngữ nghệ thuật Truyện Kiều, chúng tôi đi vào thống kê và phân loại hệ thống ngữ liệu cổ văn. Thông qua việc phối kết hợp hai tiêu chí truyền thống văn hóa (văn hóa Hán, văn hóa Việt) và phẩm chất văn hóa (bác học và bình dân), chúng tôi phân chia thành ngữ liệu văn hóa Hán, bác học và ngữ liệu văn hóa Việt, bình dân. Đó là những cơ sở khoa học để khảo sát toàn bộ hệ thống ngôn ngữ văn hóa trong Truyện Kiều và chứng minh cho những luận điểm mà chúng tôi sẽ trình bày trong luận án của mình.
Dựa vào mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn tự cũng như khả năng hành chức của nó trong Ngôn ngữ nghệ thuật, trong khi nhận diện các thành phần ngữ liệu văn hoá trong Truyện Kiều, chúng tôi sử dụng các bản sau: Truyện Thuý Kiều (Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim hiệu khảo) [30]; Vương Thuý Kiều chú giải tân truyện (Tản Đà chú giải) [35]; Từ điển Truyện Kiều (Đào Duy Anh biên soạn) [03]; Đoạn Trường Tân Thanh dưới cái nhìn Nho gia, Thiền gia (Nguyễn Thạch Giang biên soạn); Truyện Kiều tập chú (Trần Văn Chánh và nhóm soạn giả chú giải) [32]; Tìm hiểu từ ngữ Truyện Kiều (Lê Xuân Lít biên soạn) [91]...
6.2. Phương pháp phân tích miêu tả
Chúng tôi vận dụng phương pháp này để phân tích, miêu tả, tìm hiểu các ngữ liệu đã thống kê, từ đó đưa ra những chỉ xuất, những dẫn liệu, nêu rò nguồn gốc, xuất xứ của ngữ liệu từ kho tàng cổ văn Trung Hoa và Việt Nam. Kết quả thu thập
được sẽ là luận cứ minh chứng cho những luận điểm mà chúng tôi đề xuất trong quá trình nghiên cứu đề tài luận án.
6.3. Phương pháp phân tích logic
Phương pháp này được sử dụng để phân tích những giá trị thẩm mỹ, văn hoá của các thành phần ngôn ngữ được sử dụng trong Truyện Kiều. Với ý nghĩa là phương tiện thể hiện thi pháp nghệ thuật ngôn từ của chính tác giả, qua phương pháp phân tích logic, chúng tôi sẽ nêu bật những hiệu quả nghệ thuật của các thành phần từ ngữ đối với việc xây dựng thế giới nghệ thuật Truyện Kiều và sự thể hiện hệ thống chủ đề tư tưởng tác phẩm.
6.4. Phương pháp tổng hợp, khái quát hoá
Bên cạnh các thao tác thống kê, phân loại, phân tích miêu tả, chúng tôi bước đầu tìm hiểu những tiếp thu, kế thừa và khả năng sáng tạo vốn văn hoá bác học của thi sĩ Tố Như trong ngôn ngữ Truyện Kiều. Qua đó, chúng tôi sẽ đi vào khảo sát những nét đặc sắc về phong cách, tâm thức văn hoá, quan niệm thẩm mỹ của nhà thơ như một phương cách tiếp cận đặc thù. Ngoài ra, chúng tôi đã đặt các hệ thống ngữ liệu đã khảo cứu trong toàn bộ chỉnh thể nghệ thuật của tác phẩm như một yếu tố đặc trưng, một thành phần cơ bản cấu thành “đặc chất văn hóa” của tác phẩm.
7. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của luận án
Trong những thập kỷ gần đây, việc nghiên cứu ngôn ngữ, văn hoá từ góc độ liên ngành được mở rộng và đạt nhiều thành tựu khả quan. Ở những bước phát triển này, sự quan tâm đến vấn đề tính dân tộc, giao lưu tiếp xúc hay tiếp biến trong ngôn ngữ luôn được quan tâm. Và dĩ nhiên, sự quan tâm ấy luôn thể hiện trong quá trình nghiên cứu văn hoá, mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hoá.
Tiếp cận từ chiều sâu của một hoạt động không tách rời của tư duy, ngôn ngữ được coi là một phương tiện duy nhất có khả năng giải mã cho các loại hình gắn liền với phạm trù văn hoá. Nhờ vào tiềm năng này, ngôn ngữ có thể tạo nên những tác phẩm nghệ thuật ngôn từ đặc sắc, đánh dấu những bước trưởng thành về mặt văn hoá của một cộng đồng. Những đặc sắc, giá trị văn hoá của ngôn ngữ nghệ thuật truyện Nôm, Ngâm khúc và Hát nói - những thể loại nội sinh trong văn học cổ điển
Việt Nam là một ví dụ điển hình. Những giá trị ấy không chỉ thể hiện đặc trưng nghệ thuật và tâm huyết của nhà thi sĩ mà còn đánh dấu một bước trưởng thành trong tư duy nghệ thuật, một bước tiến trong tư tưởng và góp phần tạo nên sắc thái trang trọng quý phái của văn chương cổ điển.
Có thể nói, mối quan hệ giữa văn hoá và ngôn ngữ được xác lập trong biên độ của quá trình tiếp nhận, thể hiện những đặc sắc về nghệ thuật, tư tưởng của tác phẩm. Trong thực tế tồn tại, hệ thống từ ngữ, ngữ liệu khi đi vào tác phẩm, nó kiến tạo nên những bức tranh sinh động về xã hội và tâm tưởng của tác giả.
Trong quá trình thực hiện luận án, chúng tôi nhận thấy, ngôn ngữ nghệ thuật
truyện thơ Nôm là một đối tượng hấp dẫn, có khả năng được phóng chiếu nghiên cứu từ nhiều góc độ, nhất là từ hướng tiếp cận văn hoá. Do đó, việc tìm hiểu các tầng nghĩa bề nổi, lớp trầm tích văn hoá ẩn giấu bên trong hệ thống ngôn ngữ thể loại truyện Nôm là một hướng giải mã văn hoá khá mới mẻ, góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu và giảng dạy truyện thơ Nôm trong nhà trường cũng như trong giới học thuật. Bên cạnh đó, sự phân tích hệ thống ngữ liệu văn hoá trong truyện Nôm dường như chưa thu hút được thật nhiều chú ý của giới nghiên cứu. Một vài cuốn chuyên khảo gần đây mới gợi lên được cái ý niệm về một vùng đối tượng mà trữ lượng dường như chưa lộ rò, do vậy những sự mô tả và phân tích chưa hẳn đã hoàn toàn hợp lý. Có lẽ, theo chúng tôi, đằng sau cả khối di sản này còn có thể đọc ra nhiều thông số lý thú về văn hóa tinh thần người Việt.
8. Cấu trúc của luận án
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo và Phụ lục, luận án được chia thành 03 chương như sau:
Chương 1. Mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hoá nhìn từ quan niệm thẩm mỹ trung đại
Đây là chương nghiên cứu lý luận, có tính chất tạo tiền đề khoa học cho quá trình triển khai luận án. Do vậy, trong chương này, thông qua việc làm rò mối quan hệ hữu cơ, tác động giữa ngôn ngữ và văn hoá, chúng tôi tiếp tục lý giải những đặc trưng nghệ thuật cơ bản về hàm nghĩa văn hoá của hệ thống ngữ liệu trong truyện Nôm bác học. Bên cạnh đó, chúng tôi đi sâu khái quát những giá trị văn hoá của
ngôn ngữ nghệ thuật truyện Nôm, sự thể hiện quan niệm thẩm mỹ của Nguyễn Du
qua thơ chữ Hán và Truyện Kiều.
Chương 2. Ngữ liệu văn hoá trong ngôn ngữ nghệ thuật Truyện Kiều
Đây là chương nghiên cứu trọng tâm của luận án. Nhiệm vụ cơ bản của chương này là tìm hiểu những ảnh hưởng của văn hoá bản địa và ngoại lai trong ngôn ngữ Truyện Kiều. Bên cạnh đó, để có được một cái nhìn cụ thể về những giá trị văn hoá trong Ngôn ngữ nghệ thuật Truyện Kiều, chúng tôi đã tiến hành những khảo sát, thống kê hệ thống ngữ liệu bình dân, bác học và khái quát một số nét đặc trưng văn hoá của hai hệ thống từ ngữ văn hoá trong ngôn ngữ Truyện Kiều.
Đặc biệt, từ những số liệu cụ thể, chúng tôi sẽ nêu bật một số nét về nghệ thuật sử dụng, tính linh hoạt, khả năng chuyển dịch, sự chuyển dẫn tự nhiên, hợp lý, thích đáng cùng với những đóng góp cụ thể của hai hệ thống ngữ liệu trong việc kiến tạo những giá trị văn hoá đặc sắc của Truyện Kiều.
Chương 3. Hiệu quả thẩm mỹ của hệ thống ngữ liệu văn hoá trong ngôn ngữ nghệ thuật Truyện Kiều
Với mục đích khẳng định giá trị văn hoá của ngôn ngữ nghệ thuật Truyện Kiều, chúng tôi sẽ khảo sát những biểu hiện cụ thể của ngữ liệu văn hoá trong cách tiếp cận, lý giải hiện thực qua nhãn quan văn hoá, tính triết lý của ngôn ngữ tác giả. Ngoài ra, từ những trải nghiệm về văn hoá, những khái quát nhân sinh của Nguyễn Du, chúng tôi đi sâu tìm hiểu sự chuyển hoá của những trải nghiệm ấy qua ngôn ngữ của hai hệ thống nhân vật chính diện và phản diện trong Truyện Kiều.
Sức ảnh hưởng của những giá trị văn hoá của Nguyễn Du, ngôn ngữ Truyện Kiều đến đời sống văn chương học thuật và xã hội Việt Nam cũng là một nội dung cần tìm hiểu, soi chiếu từ nhiều góc độ khác nhau. Từ kết quả nghiên cứu này, chúng ta có đủ cơ sở để khái quát những đóng góp của Nguyễn Du không chỉ về mặt văn học mà còn là những dấu ấn văn hoá đối với đời sống xã hội Việt Nam.
Chương 1. MỐI QUAN HỆ GIỮA NGÔN NGỮ VÀ VĂN HÓA NHÌN TỪ QUAN NIỆM THẨM MỸ TRUNG ĐẠI
1.1. Ngôn ngữ với văn chương và văn hóa
1.1.1. Ngôn ngữ và văn chương từ góc nhìn văn hoá
Xét từ góc độ chức năng, các nhà nghiên cứu cho rằng, ngôn ngữ là công cụ cơ bản để con người trao đổi giữa người với người trong cộng đồng, là âm thanh của con người được dùng để thể hiện những nội dung, ý nghĩ, tâm tư, tình cảm. Trong đời sống thường nhật và quá trình hành chức của nó, ngôn ngữ đôi khi còn được hiểu với một phạm vi khá rộng và bao quát hơn. Tuy nhiên, nhờ những điều kiện nào mà ngôn ngữ, vốn là công cụ giao tiếp giữa người với người trong xã hội, đồng thời lại là chất liệu cho một thứ nghệ thuật gọi là văn chương, nó đóng vai trò là cầu nối thông linh giữa tác giả, người đọc và văn bản nghệ thuật? Theo Nguyễn Phan Cảnh, “chính sự giống nhau giữa các đơn vị ngôn ngữ và sự gần nhau giữa các đơn vị ngôn ngữ đã đảm nhiệm việc giải thích, thuyết minh cho các tín hiệu ngôn ngữ… Hoạt động này làm nên nội dung cụ thể của điều mà chúng ta gọi là “người thuyết minh” trong các văn bản nghệ thuật.” [10, tr.08 - 09]. Trong chuyên luận Cấu trúc văn bản nghệ thuật, Iu.M.Lotman cũng nhận định:
Bất kỳ một hệ thống phục vụ cho những mục đích giao tiếp giữa hai hay nhiều cá thể đều có thể được xác định như là một ngôn ngữ (như chúng tôi đã từng lưu ý, trường hợp tự giao tiếp hàm ý rằng một cá thể xuất hiện với tư cách đúp). Điều chỉ dẫn thường gặp rằng ngôn ngữ ngụ ý giao tiếp trong xã hội loài người, nói một cách chặt chẽ, thì không phải là nhất thiết, bởi từ một phía, giao tiếp ngôn ngữ giữa con người và máy móc và giữa máy móc với nhau vào thời điểm hiện nay đã trở thành một vấn đề không còn chỉ mang tính lý thuyết mà đã trở nên là một thực tế kỹ thuật. Từ phía khác, sự hiện diện của các thông báo bằng ngôn ngữ xác định trong thế giới động vật không còn là điều phải nghi ngờ… [88, tr.23].
Và ông đã đi đến kết luận “chúng tôi sẽ hiểu ngôn ngữ là bất kỳ một hệ thống có tính giao tiếp nào có sử dụng những ký hiệu được sắp đặt bằng một dạng thức đặc biệt…” [88, tr.25].
Với tư cách là một chất liệu đặc biệt, là công cụ diễn giải nội dung, ngôn ngữ được xem là yếu tố thứ nhất của văn chương, nó có vai trò tối quan trọng như màu sắc, đường nét đối với hội họa, giai điệu, tiết tấu đối với âm nhạc và hình khối đối với kiến trúc. Và ngược lại, văn chương là nghệ thuật của ngôn từ. Vì vậy, trong lịch sử phát triển văn hoá của nhân loại, các nhà văn lớn đều là những nhà ngôn ngữ trác tuyệt. Trong quá trình tư duy sáng tạo của nhà văn, những đột phá về ngôn ngữ đóng vai trò hết sức quan trọng và có tầm ảnh hưởng đối với việc tạo nên vẻ đẹp, chiều sâu triết mỹ của thế giới nghệ thuật tác phẩm văn chương. Trong lao động nghệ thuật của nhà văn có một sự lao tâm khổ tứ về ngôn ngữ. Trên nền chung của ngôn ngữ toàn dân, nhà văn đã tinh luyện thành lớp ngôn từ nghệ thuật để tạo tác tác phẩm văn học. Quá trình sáng tạo ra ngôn ngữ văn học, dường như nhà nghệ sĩ đã tạo nên những nét khu biệt giữa ngôn ngữ đời sống và ngôn ngữ văn học. Vì vậy, có thể xem ngôn ngữ nhân dân là kho quặng nguyên liệu, còn ngôn ngữ văn học là sản phẩm, tinh chất đã được những nghệ nhân ngôn từ ấy tinh xảo nhào luyện.
Từ góc độ so sánh, ngôn ngữ trong văn học có những đặc điểm riêng biệt khác hẳn các loại hình nghệ thuật khác. Ở đây, trước tiên chúng ta phân biệt ngôn ngữ và lời văn (lời nói), Trong Giáo trình ngôn ngữ học đại cương [124], Ferdinand de Saussure đã đưa ra một phân biệt nổi tiếng giữa ngôn ngữ (langue) và lời nói (parole). Theo ông, ngôn ngữ là một hệ thống ký hiệu tạo thành một kho tàng dự trữ trong tư duy của một cộng đồng người. Mỗi ký hiệu bao gồm hai phương diện gắn liền với nhau như hai mặt của một tờ giấy: Cái biểu đạt và cái được biểu đạt. Cái biểu đạt trong ngôn ngữ gọi là vỏ vật chất còn cái được biểu đạt là khái niệm. Giữa chúng có mối quan hệ vò đoán tuyệt đối hay tương đối do qui ước của xã hội mà nhiều khi không thể giải thích một cách tường tận được. Lời nói là sản phẩm của cá nhân, là sự vận dụng kho tàng ngôn ngữ của từng người trong từng hoàn cảnh cụ thể. Ngôn từ trong tác phẩm là một kiểu lời nói (lời văn) nghệ thuật do nhà văn sáng tạo trên cơ sở sản phẩm xã hội mà ông ta tiếp thu được. Lời văn nghệ thuật chính là đối tượng của sự tìm hiểu, phân tích tác phẩm văn học. Do đó, việc kiểm định những đặc tính vốn có của chất liệu ngôn ngữ và xem xét sự chi phối của chúng đến
nghệ thuật văn chương là yêu cầu cần thiết của một công trình phê bình văn học. Điều ấy có thể xác định được một cách khái quát các cơ sở ngôn ngữ của việc phân tích văn học, nhất là từ góc độ ngôn ngữ văn hoá.
Xét từ phương diện lịch sử, ngôn ngữ là công cụ phục vụ cho quá trình nhận thức, tư duy và là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất. Nó mang những chức năng rất cơ bản như giao tiếp, nhận thức, tư duy. Những chức năng đó đã hình thành từ sớm ở mọi cộng đồng xã hội, mọi dân tộc. Diễn trình lịch sử phát triển của văn chương qua các thời kỳ, giai đoạn của một dân tộc cụ thể là minh chứng rất rò ràng. Xét về mặt không gian, trên diện rộng có thể thấy, với tư cách chất liệu của nghệ thuật, ngôn ngữ là loại chất liệu mang tính toàn dân, tính phổ thông tính phổ biến nhất. Nhờ thứ chất liệu sẵn có ấy mà sáng tác văn chương mang tính toàn dân. Mỗi người khi có cảm hứng đều có thể làm được một vài câu thơ, câu văn. Sau sáng tác là việc truyền bá tác phẩm. Nhờ chất liệu ngôn ngữ mang tính toàn dân nên tác phẩm văn chương có thể truyền bá dễ dàng và rộng rãi đến mọi người. Bùi Minh Toán trong Ngôn ngữ với văn chương cho rằng “…ngôn ngữ là tài sản riêng của từng dân tộc, mang đặc trưng dân tộc, hơn nữa chính ngôn ngữ là một trong những đặc trưng cơ bản nhất của dân tộc…” [155, tr.37]. Nói cách khác, ngôn ngữ của một dân tộc cụ thể chính là linh hồn của dân tộc đó và nghĩa của từ cũng chính là linh hồn của từ. Chẳng hạn trong các câu ca dao sau:
“Trăng thanh anh mới hỏi nàng:
Tre non đủ lá đan sàng nên chăng?”
Hay
“Tưởng giếng sâu, anh nối sợi gàu dài Ai ngờ giếng cạn, anh tiếc hoài sợi dây.”
Từ chất liệu, hình ảnh quen thuộc trong tiếng Việt, cái vẻ hồn hậu, chân chất, thuần phác đã được các tác giả dân gian sử dụng một cách nhuần nhị khiến cho câu ca trở nên gần gũi như lời ăn tiếng nói hàng ngày mà không đánh mất đi vẻ đẹp bình dị và chân tình của một lời tỏ tình đằm thắm hay sự tiếc nuối vô vàn của một chàng trai nơi thôn dã. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du cũng đã không ít lần sử dụng