Mô Hình Chủ Sở Hữu Là Cá Nhân Kiêm Giám Đốc Bảo Tàng


kinh phí 12 tỷ đồng vào năm 2010. Đến năm 2012, bảo tàng tiếp tục mở rộng diện tích xây dựng khu vực sinh thái gồm nhà cổ, vườn cây lâu năm, hồ nước và nhà hàng… với tổng kinh phí là 15 tỷ đồng. Năm 2015, bảo tàng xây dựng mới cổng ra vào và trồng gần 20 cây xanh cổ thụ trị giá gần 10 tỷ đồng. Theo chủ sở hữu, từ khi chuyển bảo tàng sang cơ sở mới với quy mô cơ sở vật chất lớn, được đầu tư bài bản đã thu hút sự quan tâm của công chúng, đặc biệt là khách du lịch đến với Thanh Hóa. Hằng năm bảo tàng cũng luôn chú ý đến việc đầu tư tài chính vào việc nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất, đặc biệt là khu nhà cổ, nhà hàng và bảo trì lại hệ thống mái, sơn tường nhà bảo tàng với tổng kinh phí khoảng từ 150 triệu đến 200 triệu đồng/năm (nguồn: chủ sở hữu bảo tàng cung cấp). Bảo tàng Đồng quê, chủ sở hữu bảo tàng đã đầu tư kinh phí khoảng 10 tỷ đồng bao gồm: hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho các hộ dân để xây dựng bảo tàng, làm đường vào bảo tàng,

xây dựng cơ sở vật chất của bảo tàng như ngôi nhà bảo tàng 4 tầng, các ngôi nhà địa chủ, trung nông, bần nông... được xây dựng trong khuôn viên bảo tàng với diện tích 6.000m2. Mặc dù, bảo tàng cũng đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ một công ty của Bộ Quốc phòng về kinh phí xây dựng (khoảng 4 tỷ đồng), số tiền còn lại là do chủ sở hữu huy động từ các nguồn khác nhau trong gia đình để xây dựng bảo tàng. Hiện nay, bảo tàng mong muốn

được mở rộng quỹ đất khoảng 10ha để mở rộng khuôn viên bảo tàng và thực hiện các hoạt động trải nghiệm khác tại bảo tàng. Nguồn kinh phí để thực hiện công việc này là rất lớn khoảng hơn 10 tỷ đồng (nguồn: chủ sở hữu bảo tàng cung cấp).

Nhìn chung, các bảo tàng ngoài công lập là đối tượng nghiên cứu của luận án đã thực hiện đầu tư, phát triển cơ sở vật chất của bảo tàng theo kế hoạch ngắn hạn (hằng năm) cũng như có kế hoạch phát triển dài hạn (5 - 10 năm) quản lý chặt chẽ nguồn vốn đầu tư. Ngoài Bảo tàng Chiến sỹ cách mạng bị địch bắt và tù đày có nhận được sự hỗ trợ về kinh phí của nhà nước trong hoạt động và xây dựng cơ sở vật chất của bảo tàng, còn lại các bảo tàng đã có sự chủ động huy động các nguồn kinh phí khác nhau để xây dựng và phát triển cơ sở của bảo tàng phục vụ cho những mục tiêu trước mắt cũng như lâu dài của bảo tàng. Trong điều kiện của từng địa phương, sự hỗ trợ về chủ trương, chính sách và các hỗ trợ khác về đất đai cũng giúp cho các bảo tàng ngoài công lập có thể phát triển cơ sở vật chất của bảo tàng mình nhằm tạo ra nguồn kinh phí chủ động để duy trì và phát triển bảo tàng trong tương lai.

* Tổ chức liên kết với các tổ chức khác

Trong những năm gần đây, lãnh đạo các bảo tàng ngoài công lập ở các tỉnh/thành phố đã và đang thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo kế hoạch liên kết với các tổ chức văn hóa khác


và đã đạt được những kết quả khả quan. Mỗi bảo tàng ngoài công lập tự tìm cho mình một hình thức liên kết để mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần làm tốt công tác tổ chức và quản lý các hoạt động chuyên môn. Có thể dẫn ra một số trường hợp liên kết sau:

Bảo tàng Chiến sỹ cách mạng bị địch bắt và tù đày đã thực hiện liên kết với các chi hội thuộc Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Ban Liên lạc toàn quốc Chiến sỹ cách mạng Việt Nam bị địch bắt và tù đày… tổ chức các đợt tham quan bảo tàng và sinh hoạt tập thể thông qua bữa cơm đồng đội được tổ chức ngay tại bảo tàng. Mỗi năm đơn vị đón tiếp khoảng trên 30.000 lượt khách tham quan là các chiến sỹ đã từng tham gia chiến đấu trong các cuộc kháng chiến của dân tộc (từ chống Pháp, chống Mỹ cho đến chiến tranh Biên giới) và các chiến sỹ, học viên đang công tác, học tập tại các đơn vị trong toàn quân. Ngoài ra, phòng Giáo dục huyện Phú Xuyên đã đề nghị bảo tàng phối hợp để tổ chức đón tiếp và giới thiệu, thuyết minh cho toàn bộ học sinh các cấp học trên địa bàn huyện (khoảng 30.000 học sinh tại 70 cơ sở đào tạo/năm). Từ năm 2015, bảo tàng đã tổ chức liên kết với một số công ty du lịch tại Hà Nội như Hà Nội Citytour, Cánh chim Việt, Đại Nam tourist… để đưa khách đến tham quan bảo tàng, khoảng gần

1.000 lượt khách/năm (nguồn: chủ sở hữu bảo tàng cung cấp). Bảo tàng Đồng quê đã liên kết, phối hợp với các đơn vị, tổ chức ngành văn hóa, du lịch từ nhiều năm nay. Cụ thể, trong 05 năm trở lại đây, bảo tàng đã phối hợp với 03 đơn vị là Bảo tàng tỉnh Nam Định (xây dựng điểm đến trong tuyến tham quan: Bảo tàng Nam Định - Các di tích nhà Trần - Bảo tàng Đồng quê, thu hút được khoảng trên 3.000 lượt khách/năm); một số công ty du lịch đóng trên địa bàn thủ đô Hà Nội như Hà Nội citytour và Sài Gòn tourist (đưa khách tham quan trải nghiệm chương trình “Du khảo đồng quê”, thu hút được khoảng 2.000 lượt khách mỗi năm); Công ty chuyên cung cấp máy sử dụng cho chế biến và đóng gói sản phẩm nông sản Học viện Nông nghiệp trong việc lựa chọn giống cây trồng và vật nuôi phù hợp với chất đất, khí hậu và nguồn nước tại bảo tàng để hướng tới phát triển nông nghiệp sạch (nguồn: chủ sở hữu bảo tàng cung cấp).

Bảo tàng Không gian văn hóa Mường trong những năm trước đây đã tổ chức liên kết với nhiều đơn vị của ngành văn hóa và giáo dục để phát triển hoạt động sáng tác tại bảo tàng. Trong 05 năm trở lại đây, bảo tàng đã liên kết với một trường Đại học Mỹ thuật tại Anh và Hà Lan tổ chức trại sáng tác vẽ tranh cho sinh viên và học sinh tại bảo tàng, mỗi năm đón khoảng 30 lượt khách lưu trú tại đây từ 15 đến 25 ngày trong tháng 6 hoặc tháng 7 dương lịch và đã thu được một khoản kinh phí khá lớn để đầu tư cho hoạt động chuyên môn của bảo tàng. Bên cạnh đó, bảo tàng cũng đã liên


kết với một công ty du lịch nước ngoài có trụ sở tại Hà Nội để xây dựng bảo tàng là điểm đến mỗi khi đưa khách lên Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên và mỗi năm thu hút được khoảng trên 2.000 lượt khách quốc tế ghé thăm. Do đã xây dựng được cơ sở lưu trú nên lượng khách có nhu cầu ở lại khá đông, năm sau tăng hơn năm trước và đã tạo ra được nguồn thu ổn định cho bảo tàng. Ngoài ra, bảo tàng còn tổ chức liên kết với một số trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn thành phố Hòa Bình tổ chức lớp học vẽ dành cho các em học sinh có năng khiếu và sở thích về mỹ thuật, thu hút được khoảng 80 em học sinh/năm theo học (được chia thành 4 lớp) vào mùa hè với thời gian 03 buổi sáng/tuần/tháng với khoản kinh phí đóng góp hỗ trợ là 600.000/học sinh. Để phát triển các dịch vụ ẩm thực phục vụ khách tham quan, bảo tàng đã mở nhà hàng chuyên phục vụ các món ăn dân dã của người Mường, giúp du khách có thể cảm nhận được nét văn hóa ẩm thực của người Mường ở Hoà Bình do đầu bếp là những người dân tộc Mường sống gần bảo tàng chế biến. Họ nuôi lợn, gà, trồng rau cung cấp cho bảo tàng và đồng thời cũng là người làm các đặc sản dân tộc mình giới thiệu đến khách tham quan (nguồn: chủ sở hữu bảo tàng cung cấp).

Bảo tàng cổ vật Hoàng Long đã chủ động phối hợp, liên kết với một số đơn vị trong ngành văn hóa, du lịch từ năm 2012 đến nay. Cụ thể trong nhiều năm qua bảo tàng đã liên kết với các công ty du lịch có trụ sở, chi nhánh đóng trên địa bàn thành phố Thanh Hóa để đưa bảo tàng thành điểm đến tham quan của khách du lịch trong và ngoài nước. Theo thống kê từ sổ ghi công việc đón tiếp tại trụ sở bảo tàng, trung bình mỗi năm bảo tàng đón khoảng 7.000 lượt khách tham quan trong chương trình nghỉ dưỡng biển tại Thanh Hóa. Ngoài ra, bảo tàng còn liên kết với Hội Cổ vật các tỉnh Hà Nội, Bắc Ninh, Nam Định, Ninh Bình, Thành phố Hồ Chí Minh để tổ chức các gian hàng giới thiệu, bày bán hiện vật nhân dịp khai xuân đầu năm (02 năm diễn ra một lần và lần gần đây nhất là năm 2018). Bảo tàng cổ vật Hoàng Long đã chủ động mời và phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Thanh Hóa tổ chức làm phóng sự ngắn đưa vào chuyên mục văn hóa để đăng tải vào các dịp tết Nguyên đán (nguồn: chủ sở hữu bảo tàng cung cấp).

Nhìn chung, việc liên kết, phối hợp giữa các bảo tàng ngoài công lập ở các tỉnh/thành phố với các đơn vị khác thuộc ngành văn hóa, du lịch đã bước đầu có tính chủ động, khai thác và phát huy tốt thế mạnh của mình trong việc tổ chức và quản lý các hoạt động chuyên môn, dịch vụ. Chính các hoạt động này đã góp phần quảng bá rộng rãi hình ảnh của bảo tàng ngoài công lập đến với cộng đồng, khách du lịch trong nước, quốc tế. Song để hoạt động này đạt được hiệu quả cao, theo NCS cần có sự tư


vấn, giúp đỡ của các cơ quan quản lý nhà nước để các bảo tàng chủ động thực hiện, cũng như tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động.

2.3.2.3. Tổ chức thực hiện kế hoạch

* Tổ chức bộ máy thực hiện kế hoạch

Theo kết quả khảo sát cho thấy, ở các bảo tàng ngoài công lập của nước ta hiện nay đang tồn tại 02 mô hình chính với cơ cấu gồm: Giám đốc/ban giám đốc và các phòng chức năng (phòng hành chính; phòng nghiệp vụ và phòng dịch vụ).

Sơ đồ 2.1. Mô hình chủ sở hữu là cá nhân kiêm giám đốc bảo tàng

Giám đốc bảo tàng

P. Hành chính

P. Nghiệp vụ

P. Dịch vụ

(Nguồn NCS)

Sơ đồ 2.2. Mô hình tổ chức, nhóm người chung nguyện vọng đồng thời là chủ sở hữu bảo tàng‌

Giám đốc bảo tàng



Phó Giám đốc bảo tàng

P. Hành chính

P. Nghiệp vụ

P. Dịch vụ

(Nguồn NCS)

Từ 02 mô hình nêu trên cho thấy: 1. Đối với chủ sở hữu kiêm giám đốc bảo tàng có thể dẫn ra gồm các bảo tàng như: Bảo tàng Đồng quê, Bảo tàng cổ vật Hoàng Long, Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường; 2. Đối với Mô hình tập thể, nhóm người chung nguyện vọng đồng thời là chủ sở hữu bảo tàng, điển hình là Bảo tàng Chiến sỹ bị địch bắt và tù đày.

Đối với mô hình chủ sở hữu làm giám đốc thì nhân viên làm việc trong bảo tàng có thể được thuê hoặc đến làm việc theo hình thức tình nguyện cộng tác. Ở mô hình này, các bảo tàng sẽ được điều hành hoạt động bởi giám đốc - chủ sở hữu bảo tàng, các nhân viên trong bảo tàng làm tất cả các công việc từ chuyên môn nghiệp vụ đến hoạt động dịch vụ và các công việc khác tại bảo tàng. Bảo tàng có nguồn kinh phí chủ động do chính bảo tàng tự chủ được như kinh phí thu từ bán vé vào tham quan, các hoạt động dịch vụ ẩm thực, lưu trú nghỉ dưỡng, bán các sản phẩm do bảo tàng làm ra hay các hoạt động ngoại khoá do bảo tàng tổ chức. Nguồn kinh phí này được sử dụng để trả lương


hằng tháng cho nhân viên và duy trì hoạt động trong bảo tàng. Có thể dẫn ra trường hợp tại Bảo tàng cổ vật Hoàng Long (tỉnh Thanh Hóa), cơ cấu tổ chức bao gồm: Ban giám đốc (02 người); các phòng chức năng 1 người kiêm nhiệm các công việc: Hành chính và nghiệp vụ (đảm trách các khâu nghiệp vụ công tác, trong đó nhấn mạnh đến công tác bảo quản và thuyết minh giới thiệu hiện vật bảo tàng). Trường hợp như Bảo tàng Đồng quê có 11 nhân viên nhưng chỉ có một nhân viên làm công việc chuyên môn nghiệp vụ, còn lại làm các công việc khác: bán hàng, phục vụ ăn uống và lưu trú…; Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường có 06 nhân viên chủ yếu làm công việc hành chính; Bảo tàng Chiến sỹ cách mạng bị địch bắt và tù đày có 18 nhân viên và cộng tác viên…) trong đó ban giám đốc có 4 người (một giám đốc và 3 phó giám đốc), còn lại nhân viên và cộng tác viên 12 người làm tất cả các công việc khác nhau của bảo tàng.

Đối với Mô hình tập thể, nhóm người chung nguyện vọng, ý chí: Họ tự nguyện, chung sức chung lòng, cùng đóng góp tài sản và kinh phí để thành lập bảo tàng như trường hợp Bảo tàng Chiến sỹ cách mạng bị địch bắt và tù đày tại huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội. Nhóm người có cùng nguyện vọng sẽ đề cử một cá nhân đứng ra làm giám đốc - người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của tập thể chịu trách nhiệm về các hoạt động của bảo tàng. Các vấn đề tại bảo tàng sẽ được tập thể tổ chức họp, xin ý kiến của đại diện thành viên và đưa ra quyết định cũng như đóng góp kinh phí để duy trì hoạt động của bảo tàng.

* Kiện toàn nguồn nhân lực

Đối với công tác tuyển dụng cán bộ nhân viên làm việc tại các bảo tàng ngoài công lập: Ngay từ khi thành lập, các bảo tàng đã phải tuyển dụng nguồn nhân lực và thiết lập tác phong chuyên môn đúng như quy định của ngành di sản văn hóa. Trong quá trình tồn tại và phát triển, các bảo tàng này có sự biến động về đội ngũ nhân viên, có bảo tàng tăng số lượng nhân viên và cũng có bảo tàng ngoài công lập ở các tỉnh/thành phố đã giảm số lượng nhân viên làm việc.

Bảng 2.4: Thống kê số lượng nguồn nhân lực được tuyển dụng vào làm việc tại một số bảo tàng ngoài công lập hiện nay‌

TT

Tên bảo tàng

Nguồn nhân lực khi

mới thành lập

Nguồn nhân

lực hiện nay

1

Bảo tàng Chiến sỹ cách mạng bị địch bắt

và tù đày

25

16

2

Bảo tàng Không gian văn hóa Mường

09

06

3

Bảo tàng Đồng quê

05

11

4

Bảo tàng cổ vật Hoàng Long

06

02

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 273 trang tài liệu này.

Quản lý các bảo tàng ngoài công lập ở Việt Nam - 12

[Nguồn: NCS lập, ngày 20 tháng 6 năm 2019]


Từ bảng thống kê trên cho thấy, số lượng cán bộ, nhân viên làm việc tại các bảo tàng ngoài công lập hiện nay giảm đi rò rệt, trong số 04 bảo tàng khảo sát chỉ duy nhất có Bảo tàng Đồng quê có số lượng nhân viên tăng lên, còn các bảo tàng khác, số lượng nhân viên đều giảm. Khi điều tra, phỏng vấn tại các bảo tàng, NCS được biết nguyên nhân cốt lòi của vấn đề giảm nguồn nhân lực là vì bảo tàng không có nguồn thu ổn định nên việc trả lương cho nhân viên rất khó khăn. Riêng với trường hợp Bảo tàng Đồng quê, do diện tích không gian bảo tàng khá rộng, lượng khách tham quan ổn định, bảo tàng có thể phát triển các dịch vụ đặc sản nông nghiệp, tạo ra sản phẩm ẩm thực độc đáo theo mùa và sản phẩm quà quê phục vụ cho nhu cầu của khách tham quan trải nghiệm, thưởng thức tại không gian của bảo tàng nên số lượng nhân viên hiện nay đã tăng lên so với lúc thành lập bảo tàng. Tuy nhiên, khi tiếp cận và trao đổi trực tiếp với nhân viên làm việc tại Bảo tàng Đồng quê cho thấy, phần lớn là lao động phổ thông được thuê làm các công việc gắn với nông nghiệp để phát triển dịch vụ cho hoạt động du lịch tại bảo tàng. Nguồn nhân lực phục vụ chính cho hoạt động nghiệp vụ chuyên môn của Bảo tàng Đồng quê chỉ có 03 người được đào tạo qua trường lớp và tham gia các lớp ngắn hạn do các cơ quan, đơn vị ngành văn hóa tổ chức hằng năm. Bà Ngô Thị Khiếu, Giám đốc Bảo tàng Đồng quê cho biết: “Do điều kiện của bảo tàng nên chỉ thuê được một cán bộ có trình độ đại học nhưng cũng chưa đúng chuyên ngành bảo tàng học, còn lại là lao động phổ thông tại địa phương, vừa làm công việc tại bảo tàng, vừa tranh thủ làm việc của gia đình mình” [TLPV ngày 29/5/2019]. Bảo tàng cổ vật Hoàng Long cũng thuê giám đốc bảo tàng tỉnh Thanh Hóa đã nghỉ hưu làm cố vấn chuyên môn nhưng sau khi hoàn thiện trưng bày thì không thuê tiếp, các công việc từ chuyên môn đến hành chính do một nhân viên đào tạo chuyên ngành sử học đảm nhiệm. Bảo tàng Chiến sỹ cách mạng bị địch bắt và tù đày có thuê một nhân viên tốt nghiệp chuyên ngành bảo tàng học mang tính chất thời vụ, nhưng cũng phải nghỉ việc vì những khó khăn về tài chính, còn lại chủ yếu phụ thuộc vào sự giúp đỡ của các tình nguyện viên. Bảo tàng Không gian văn hóa Mường sử dụng nhân viên là người địa phương để làm các công việc dịch vụ của bảo tàng nhưng chưa qua đào tạo về chuyên môn. Đây là vấn đề đặt ra đối với nguồn nhân lực của các bảo tàng ngoài công lập hiện nay.

Các bảo tàng ngoài công lập cũng đã cố gắng tuyển dụng nhân sự làm việc nhưng do tự chủ về tài chính nên sau thời gian hoạt động nếu không có nguồn thu từ bán vé và dịch vụ thì các bảo tàng đều phải cho nhân viên nghỉ việc dẫn đến những biến


động về số lượng nhân lực tại các bảo tàng. Vấn đề tài chính sẽ quyết định lớn đến sự thay đổi và không ổn định về nhân sự tại các bảo tàng ngoài công lập. Chủ sở hữu dù nhận thức được tầm quan trọng của nhân viên đào tạo đúng chuyên ngành nhưng nếu không tạo được nguồn kinh phí duy trì hoạt động thì họ cũng buộc phải cắt giảm nhân viên và nhân viên phải làm tất cả công việc khác nhau, không thể thực hiện chuyên môn hóa tại các bảo tàng ngoài công lập.

* Tiếp thu, triển khai văn bản pháp quy và ban hành các văn bản nội bộ

- Tiếp thu, triển khai văn bản pháp quy

Trước hết là việc tiếp thu và triển khai văn bản pháp quy các cấp: Từ khi ban hành Luật Di sản văn hóa năm 2001 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009 cùng với Quy chế tổ chức và hoạt động của bảo tàng tư nhân ban hành năm 2004, các bảo tàng ngoài công lập đã tiếp nhận và áp dụng vào hoạt động của mình dưới sự hướng dẫn của bảo tàng tỉnh/thành phố. Do UBND các tỉnh/thành phố ký quyết định thành lập bảo tàng ngoài công lập, nên trước khi thành lập và trong quá trình hoạt động, các bảo tàng này đều được các bảo tàng công lập của tỉnh/thành phố hướng dẫn các nội dung công việc hành chính, từng bước hoàn thiện nội dung cho các khâu công tác nghiệp vụ từ nghiên cứu, sưu tầm đến giáo dục, truyền thông. Các bảo tàng tỉnh/thành phố đều cử cán bộ chuyên môn hướng dẫn cụ thể, chuyển giao kiến thức nghiệp vụ cho nhân viên làm việc tại các bảo tàng ngoài công lập.

Bên cạnh đó, vào thời điểm ban hành luật và quy chế thực hiện, các bảo tàng ngoài công lập đã gấp rút hoàn thiện hồ sơ, giấy tờ về mặt pháp lý còn thiếu để bảo tàng có thể phục vụ tốt công tác thanh, kiểm tra của ngành văn hóa cũng như triển khai các hoạt động chuyên môn. Hằng năm, các bảo tàng ngoài công lập cũng chủ động cử cán bộ tham gia lớp tập huấn do Cục Di sản văn hóa tổ chức về công tác quản lý di sản văn hóa, trong đó có công tác quản lý bảo tàng nói chung và bảo tàng ngoài công lập nói riêng. Trong các đợt tập huấn hằng năm, đơn vị quản lý nhà nước đã cung cấp cho các đơn vị chuyên môn, trong đó có đại diện các bảo tàng ngoài công lập những tài liệu mới về công tác quản lý hoạt động bảo tàng, đặc biệt là tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn của quốc tế đã được dịch sang tiếng Việt để các bảo tàng ngoài công lập có thể nghiên cứu và áp dụng tại bảo tàng của mình trong từng trường hợp cụ thể. Bên cạnh đó, tại các tỉnh/thành phố, các Sở Văn hóa trực thuộc cũng đã trực tiếp ban hành thêm


một số văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các nội dung cụ thể cần triển khai đối với các bảo tàng ngoài công lập đóng trên địa bàn. Theo ông Lâm Văn Bảng - Giám đốc Bảo tàng Chiến sỹ cách mạng bị địch bắt và tù đày cho biết: “Hằng năm bảo tàng đều tiếp nhận và triển khai các công văn, văn bản pháp quy có liên quan đến hoạt động bảo tàng từ Cục Di sản văn hóa, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội và triển khai đến các cán bộ, nhân viên hiểu và thực hiện theo đúng quy định của cơ quan quản lý nhà nước” [TLPV ngày 29 tháng 7 năm 2019].

- Ban hành các văn bản từ phía các bảo tàng ngoài công lập hiện nay

Theo khảo sát thực tế từ các bảo tàng ngoài công lập ở một số tỉnh/thành phố ở nước ta cho thấy, tuy số lượng cán bộ, nhân viên tại các bảo tàng chỉ có từ 01 đến 05 nhân viên, song hầu hết các bảo tàng này đều thực hiện việc ban hành các văn bản có tính chất nội bộ thể hiện tình trạng hoạt động của bảo tàng.

Trường hợp tại Bảo tàng Chiến sỹ cách mạng bị địch bắt và tù đày đã ban hành các loại văn bản như: Văn bản liên quan đến việc tuyển dụng nhân viên vào làm việc gồm: Quyết định số 46/QĐ ngày 25/10/2018 về việc tiếp nhận cán bộ, nhân viên, tình nguyện. Tiếp đến là văn bản quy định về nội quy làm việc dành cho cán bộ nhân viên làm việc tại bảo tàng theo giờ hành chính, trong đó thể hiện rất rò các quy định về thời gian làm việc, trang phục, phong cách làm việc, giao tiếp trong các mối quan hệ ở bảo tàng… Điển hình như nội quy làm việc tại bảo tàng ngày 01/09/2009.

Bảo tàng Đồng quê cũng đã ban hành quy chế tổ chức hoạt động tại bảo tàng từ khi bắt đầu thành lập vào tháng 3/2013 quy định rò nhiệm vụ, quyền hạn và chế độ làm việc của nhân viên bảo tàng. Ngày 18/3/2013, Bảo tàng Đồng quê có xây dựng đề cương trưng bày khái quát và đề cương trưng bày chi tiết chuyên đề “Cây lúa và đời sống sinh hoạt của cư dân đồng bằng Bắc Bộ” gửi tham vấn ý kiến của Bảo tàng Nam Định về chuyên môn. Đồng thời, bảo tàng đã gửi Báo cáo số 01/BC-BTĐQ ngày 07/12/2013 về việc tổng kết hoạt động năm 2013 của bảo tàng đến Sở VHTTDL Nam Định, phòng VHTT huyện Giao Thuỷ, UBND xã Giao Thịnh.

Chính vì vậy, trước khi tổ chức trưng bày, các bảo tàng ngoài công lập thường soạn thảo và ban hành các văn bản như sau: 1/Kế hoạch và nội dung trưng bày chuyên đề cổ vật; 2/Văn bản liên kết phối hợp tổ chức trưng bày chuyên đề với các bảo tàng công lập ở các tỉnh/thành phố; 3/Giấy mời đại biểu tham dự trưng bày chuyên đề…

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 10/06/2022