Nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn đánh giá trình độ tập luyện nữ vận động viên bóng đá cấp cao Việt Nam - 15


TĐTL cũng sẽ khác nhau. Hay nói một cách khác, năng lực khác nhau, TĐTL khác nhau thì tiêu chuẩn đánh giá cũng sẽ phải khác nhau. Đối với lứa tuổi thanh thiếu niên, thì năng lực thể chất càng phát triển rõ nét theo quy luật lứa tuổi. Ví dụ: ở lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng (lứa tuổi 8 - 12) chủ yếu là phát triển tố chất sức nhanh, tố chất mềm dẻo, khéo léo. Đến sau lứa tuổi 12 thì chủ yếu là phát triển các tố chất sức mạnh và sức bền [9], [19], [21], [23].

Như vậy, kết quả nghiên cứu thông qua việc đánh giá tính khả thi và độ tin cậy (hệ số tương quan) của các tiêu chí đã được sử dụng để đánh giá TĐTL của các nữ VĐV bóng đá cấp cao Việt Nam, luận án đã lựa chọn được một hệ thống tiêu chí với 29 nội dung bao hàm đầy đủ các tiêu chí về hình thái, thần kinh tâm lý, y sinh, kỹ - chiến thuật, thể lực của đối tượng nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu này cũng đồng nhất với quan điểm của các tác giả đã nêu ở trên. Cụ thể đối với từng nhóm tiêu chí đã lựa chọn như sau:

Về các tiêu chí hình thái:

Kết quả nghiên cứu của luận án đã lựa chọn 3 thông số đặc trưng về hình thái cho VĐV bóng đá là chiều cao đứng, cân nặng và chỉ số Quetelet. Có thể nói, di truyền đóng một vai trò quan trọng khi nói đến chiều cao, tuy nhiên cùng với sự phát triển theo độ tuổi sinh học và dưới ảnh hưởng của tập luyện bóng đá có hệ thống, cùng với chế độ dinh dưỡng một cách có khoa học đã giúp các cầu thủ bóng đá cải thiện được chiều cao [14], [22], [89].

Với tiêu chí chiều cao đứng của nữ VĐV bóng đá theo các tuyền (tiền đạo, tiền vệ, hậu vệ, thủ môn) như kết quả nghiên cứu của luận án đã xác định (bảng 3.2) cho thấy, về cơ bản chiều cao của các nữ VĐV có sự phát triển khá đồng đều ở các tuyến tiền đạo, tiền vệ và thủ môn, nhưng thực trạng cho thấy đối với tuyến hậu vệ thì chiều cao thấp hơn so với các tuyến còn lại. Mặt khác do đối tượng nữ VĐV bóng đá cấp cao được tuyển chọn tại các CLB thuộc nhiều độ tuổi khác nhau, nên nhiều VĐV ở lứa tuổi trưởng thành thì sự phát triển về chiều cao sẽ chậm lại hoặc không phát triển (theo quy luật lứa tuổi


sinh học), nhưng cũng có nhiều VĐV vẫn đang ở độ tuổi phát triển. Do đó, trong quá trình theo dõi và kiểm tra sư phạm cho thấy, chiều cao của các VĐV (theo các vị trí chuyên môn) vẫn có sự phát triển (tuy rằng sự phát triển đó không lớn - vấn đề sẽ được đề cập ở các bảng 3.4 đến 3.7). Kết quả này cũng tương đối trùng hợp với các nghiên cứu của Vương Chí Hồng (1989) [28], của Tomat A. (1973) [64], và của Phạm Xuân Thành (2007) [59]. Kết quả nghiên cứu của các tác giả cho rằng: Chiều cao của các VĐV lứa tuổi 14 là: 160.10±4.00 (cm) và các VĐV lứa tuổi 16 là: 167.43±4.19 (cm). Trung bình mỗi năm các em cao hơn 3.5 cm, đó là sự tăng đều và không có sự đột biến lớn; chỉ số Quetelet (g/cm) cũng tăng trung bình 14 g/cm mỗi năm, từ 332.61±10.14 (g/cm) ở tuổi 14 lên 346.09±10.56 (g/cm) ở tuổi 15 và

359.57±10.97 (g/cm) ở tuổi 16.

Chiều cao là thông số hình thái vô cùng quan trọng đối với VĐV bóng đá. Thực tế cầu thủ có chiều cao tốt sẽ lợi thế khi chơi bóng bổng (đánh đầu ghi bàn hoặc phá bóng). Các hậu vệ cũng phải cao to để hoàn thành nhiệm vụ là bức tường cản phá các đợt tấn công của đối phương, không để hàng công của đối phương có thể thực hiện được mọi ý đồ chiến thuật mà họ toan tính. Chính vì vậy, trong công tác tuyển chọn nữ VĐV bóng đá (riêng đối với tuyến hậu vệ), các HLV cũng cần quan tâm hơn đến chiều cao của các VĐV.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 230 trang tài liệu này.

Chỉ số Quetelet thường liên quan đến sức mạnh tốc độ của VĐV bóng đá, đặc biệt trong các cuộc tranh chấp tay đôi (tranh cướp bóng, phá bóng) hoặc sút bóng.

Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, 03 chỉ số hình thái mà luận án lựa chọn có mối tương quan rất chặt với hiệu suất thi đấu của họ (với hệ số tương quan từ 0.742 đến 0.875 và 0.771 đến 0.844).

Nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn đánh giá trình độ tập luyện nữ vận động viên bóng đá cấp cao Việt Nam - 15

Từ những phân tích ở trên cho thấy, có sự khác biệt về độ lớn và thành phần cấu trúc cơ thể của nữ VĐV bóng đá cấp cao Việt Nam có liên quan chặt chẽ đến thành tích thể thao, và cho phép dự báo rằng, nếu VĐV bóng đá có


cấu trúc cơ thể phù hợp ở thời điểm giai đoạn hoàn thiện thể thao sẽ cho phép họ tập trung phát triển các năng lực khác (tâm lý, y sinh và kỹ thuật) cần thiết để đạt được những kết quả tốt nhất; đồng thời cũng phù hợp với xu hướng huấn luyện bóng đá hiện đại hiện nay. Kết luận này cũng phù hợp với kết quả nghiên cứu của Hebbeline (1992) [24] và John Jaman (1976) [31] cho rằng các VĐV xuất sắc nhất ở mỗi môn thể thao là những người được tuyển chọn kỹ và theo quan điểm sinh cơ họ là những người có cấu trúc cơ thể tốt nhất.

Về các tiêu chí tâm lý vận động:

Như chúng ta đã biết, đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi luôn được xem xét một cách hữu cơ trong toàn bộ quá trình huấn luyện, nhất là huấn luyện cho các VĐV cấp cao (ở lứa tuổi trưởng thành). Thực tiễn đã cho thấy, hiệu quả đào tạo VĐV phụ thuộc vào một loạt các yếu tố đặc trưng của công tác huấn luyện, nhưng trong đó huấn luyện tâm lý cho VĐV đóng một vai trò quan trọng. Huấn luyện tâm lý nằm trong quá trình huấn luyện nhằm phát triển và hoàn thiện những biểu hiện tâm lý quan trọng nhất của VĐV. Điều này có ý nghĩa quan trọng vì bóng đá là một môn tập thể, thành tích của đội bóng phụ thuộc vào từng cá nhân VĐV, do vậy mỗi VĐV cần phải luôn có trạng thái tâm lý sẵn sàng và sự ổn định tâm lý trong các tình huống căng thẳng biến đổi của tập luyện và thi đấu [48], [54], [80].

Khả năng lập được thành tích thể thao cao phụ thuộc vào mức độ biểu hiện tối đa trình độ kỹ chiến thuật, thể lực dưới tác động của các tác nhân kích thích bên ngoài cũng như các nỗ lực, động cơ bên trong của việc phấn đấu giành thành tích thể thao cao. Trình độ chuẩn bị tâm lý phải phù hợp với trình độ chuẩn bị về chuyên môn. Các quá trình, trạng thái tâm lý của VĐV bóng đá diễn ra rất đa dạng và phức tạp, với các kích thích đa chiều (như di chuyển của đối thủ, quy định của luật lệ và các ảnh hưởng bên ngoài như trình độ đối thủ, tính chất cuộc thi đấu, thái độ khán giả, các thay đổi về môi trường, nhiệt độ, mặt sân, không gian thi đấu…). Do đó việc nắm vững các năng lực, phẩm


chất tâm lý của từng cá nhân VĐV sẽ giúp cho các HLV chủ động trong việc lựa chọn biện pháp, phương pháp huấn luyện nhằm điều chỉnh trạng thái tâm lý cho VĐV, giúp họ dần dần từng bước có tâm lý ổn định và phù hợp với TĐTL, cũng như yêu cầu thi đấu ngày càng cao.

Năm thông số đánh giá về năng lực tâm lý của nữ VĐV bóng đá được luận án lựa chọn gồm: phản xạ đơn, phản xạ lựa chọn, tốc độ thu nhận và xử lý thông tin, khả năng tập trung chú ý và nỗ lực ý chí là những chỉ số quan trọng về hoạt động thi đấu của VĐV bóng đá. Nó phản ánh độ chính xác và tốc độ của các quá trình và chức năng cảm giác vận động của VĐV.

Về các tiêu chí năng lực phản xạ:

Phản xạ đơn là một hành động trả lời đã được biết trước lên một tín hiệu đã được biết trước [78], [84], [88]. Kết quả nghiên cứu ở bảng 3.2 đã cho thấy các nữ VĐV bóng đá ở hàng tiền vệ có thời gian phản xạ đơn trung bình là 184.92±7.86 (ms) về cơ bản kết quả đạt được là cao hơn so với kết quả nghiên cứu của Phạm Ngọc Viễn [82], [85] ở các VĐV bóng đá nam cùng độ tuổi (18 - 19) là 192.07±2.17 (ms); hay kết quả nghiên cứu của Phạm Xuân Thành (2007) [59] ở các VĐV bóng đá nam (lứa tuổi 14 - 16) là 198.77±3.22 (ms). Phản xạ phức là loại phản ứng lựa chọn trên cơ sở có từ 8 tín hiệu kích thích trở lên [78], [84]. Trên cơ sở thời gian phản xạ của đối tượng, chúng ta khảo sát được quá trình ức chế phân biệt và quá trình tồn lưu hưng phấn. Kết quả cho thấy, ở các đối tượng được nghiên cứu có sự phát triển khá tốt: 269.63±11.19 (hàng tiền vệ); 264.43±11.74 (hàng tiền đạo); 264.76±11.19 (hàng hậu vệ); 258.09±10.63 (hàng thủ môn), tốt hơn rất nhiều so với nhiều công trình nghiên cứu trên VĐV bóng đá nam có cùng độ tuổi: John Jaman (1976) 365±35 ms [31]; Phạm Ngọc Viễn (1990) 382.4±7.21 ms [79] và

Nguyễn Đức Nhâm, Phạm Ngọc Viễn, Lê Quý Phượng (2001) 341±56 ms [43]. Mặc dù việc so sánh như trên là chưa phù hợp về lứa tuổi và giới tính (do chưa có các số liệu để so sánh trên cùng đối tượng khách thể nghiên cứu


của luận án), tuy nhiên sự khác biệt này có thể giải thích được là những VĐV mà luận án nghiên cứu là những nữ VĐV bóng đá cấp cao thuộc các CLB tham dự giải vô địch quốc gia, các nữ VĐV thuộc đội tuyển bóng đá nữ quốc gia có sự tuyển lựa khá kỹ lưỡng, còn đối tượng nghiên cứu của các nhà khoa học khác là VĐV năng khiếu của các địa phương. Các thông số tâm lý vận động của các nữ VĐV bóng đá cấp cao Việt Nam đều có mối tương quan chặt chẽ với hiệu suất thi đấu của họ (rtính đều > rbảng với P < 0.05) (xem bảng 3.2).

Từ kết quả nghiên cứu về phản xạ đơn và phản xạ lựa chọn ở VĐV

bóng đá trẻ cho thấy tốc độ phản ứng đối với các kích thích ở ngoại biên (đặc biệt là phản xạ lựa chọn) là thành phần cơ bản và có ý nghĩa quyết định đối tới năng lực chiến thuật ở VĐV. Điều đó liên quan đến sự phân biệt chính xác các kích thích trong khoảng thời gian rất ngắn với sự đánh giá đúng tốc độ di chuyển của VĐV và tốc độ của bóng [78], [84].

Về các tiêu chí: tốc độ thu nhận và xử lý thông tin (bit/s), khả năng tập trung chú ý (P), nỗ lực ý chí (P). Các tiêu chí này được lựa chọn phù hợp với đặc trưng (sức bền chuyên môn) của môn bóng đá. Đây là những tiêu chí đánh giá năng lực sức bền chuyên môn của các VĐV bóng đá. Trong đó:

Tiêu chí nỗ lực ý chí (P) là tiêu chí đánh giá biểu hiện mức độ duy trì nhịp độ trong suốt trận đấu. Trong hoạt động thi đấu mọi diễn biến trên sân với nhiều tình huống luôn xảy ra, không có sự xếp đặt sẵn và luôn có sự tranh chấp, truy cản của đối phương, cũng như chịu sự ảnh hưởng của thời tiết dưới ánh nắng gay gắt hay dưới cơn mưa tầm tã, sân bãi lầy lội… các yếu tố này không cho ta thực hiện một ý đồ hay một động tác nào đó để đem lại hiệu quả, từ đó đòi hỏi mỗi cầu thủ phải gắn sức khắc phục những khó khăn, cản trở để vượt qua.

Tiêu chí khả năng tập trung chú ý (P) nhằm đánh giá sự chú ý đảm bảo hiệu quả trong sự tập trung xử lý các tình huống, phối hợp với đồng đội và sự cố gắng trong từng pha bóng và suốt trận đấu. Ở mỗi trận đấu đòi hỏi mỗi cầu


thủ phải tập trung cao độ trong lúc tấn công lẫn phòng thủ, chỉ cần sơ xảy tích tắc sẽ tạo cơ hội cho đối phương ghi bàn hoặc thiếu tính tập trung mà bỏ qua cơ hội mười mươi để giành phần thắng.

Tiêu chí tốc độ thu nhận và xử lý thông tin (bit/s) biểu thị đặc tính các khả năng tâm lý vận động và trí tuệ trong các điều kiện ít thời gian và lượng tín hiệu lớn phức tạp cần phải điều chỉnh và trả lời chính xác. Năng lực tâm lý này đặc biệt quan trọng đối với VĐV đối kháng cá nhân và các môn bóng. Đặc thù các môn bóng nói chung và bóng đá nói riêng, diễn biến tâm lý rất phức tạp với sự ảnh hưởng của nhiều yếu tố chi phối (khán giả, HLV, trọng tài, sân bãi,…) ngay trong tập luyện và thi đấu: việc kết hợp kỹ chiến thuật với đồng đội, tập trung phòng thủ, phát động tấn công.

Vì vậy, luận án chọn ra 05 tiêu chí đánh giá năng lực tâm lý phù hợp với đặc thù của môn bóng đá gồm: phản xạ đơn (ms), phản xạ phức (ms), tốc độ thu nhận và xử lý thông tin (bit/s), khả năng tập trung chú ý (P), nỗ lực ý chí (P). Kết quả nghiên cứu của luận án cũng trùng hợp với các kết quả nghiên cứu đã công bố của các tác giả Tomat A. (1973) [64] (gồm 4/5 tiêu chí so với luận án); Vương Chí Hồng (1989) [28] (gồm 5/5 tiêu chí so với luận án); Võ Đức Phùng, Nguyễn Kim Minh, Trần Quốc Tuấn, Ngô Đức Nhuận, Nguyễn Thị Tuyết (1999) [50] (gồm 5/5 tiêu chí so với luận án); Phạm Ngọc Viễn (1999) [85] (gồm 5/5 tiêu chí so với luận án); Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn Kim Minh, Trần Quốc Tuấn (2002) [69] (gồm 5/5 tiêu chí so với luận án); Nguyễn Đức Nhâm (2005) [44] (gồm 3/5 tiêu chí so với luận án); Phạm Xuân Thành (2007) [59] (gồm 2/5 tiêu chí so với luận án); Võ Văn Quyết (2016) [53] (gồm 5/5 tiêu chí so với luận án); Nguyễn Hồng Sơn (2017) [55] (gồm 5/5 tiêu chí so với luận án)… Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của các tác giả đã công bố chủ yếu là áp dụng trong các lĩnh vực kiểm tra - đánh giá năng lực chuyên môn, tuyển chọn hoặc đánh giá sự phát triển của các tố chất thể lực chuyên môn đối với nam VĐV bóng đá các lứa tuổi, trong


các giai đoạn huấn luyện khác nhau. Còn đối với lĩnh vực nghiên cứu của luận án là kiểm tra - đánh giá TĐTL của nữ VĐV bóng đá cấp cao thì có thể nói mặc dù có sự trùng khớp về 05 tiêu chí lựa chọn, nhưng đây là lần đầu tiên được triển khai áp dụng trên đối tượng nữ VĐV bóng đá ở giai đoạn huấn luyện hoàn thiện thể thao. Vì thế các kết quả kiểm tra của các tiêu chí lựa chọn sẽ không có số liệu để so sánh với các kết quả đã công bố.

Về các tiêu chí thể lực chung và chuyên môn:

Kết quả nghiên cứu của luận án đã tìm ra được 08 tiêu chí vừa đảm bảo độ tin cậy và tính thông báo, có khả năng đánh giá TĐTL của nữ VĐV bóng đá cấp cao về mặt thể lực chung và chuyên môn. Đó là các test: bật cao tại chỗ (cm), chạy 30 m xuất phát cao (s), chạy 60 m xuất phát cao (s), chạy con thoi 7 50 m (s), Cooper test (m), Yo-Yo IR1 test (m), T test (s), ném biên tại chỗ (m). So với các kết quả nghiên cứu của Vương Chí Hồng (1989) [28] và Tomat A. (1973) [64] thì chỉ có test chạy 60 m xuất phát cao và test bật cao tại chỗ là không có sự trùng hợp. Đó là vì, các tác giả Vương Chí Hồng và Tomat A. xuất phát từ góc độ tuyển chọn, còn trong kết quả nghiên cứu của luận án là xuất phát từ góc độ đánh giá TĐTL của VĐV bóng đá, dù rằng hai mặt đó có quan hệ với nhau chứ không phải là một.

So với những nghiên cứu của Oxtamev V. (1982) [46], Lê Bửu, Nguyễn Thế Truyền (1986) [8]; Nguyễn Thiệt Tình (1997) [61]; Phạm Ngọc

Viễn (1999) [85]; Phạm Ngọc Viễn, Phạm Quang (2004) [86]; Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn Kim Minh, Trần Quốc Tuấn (2000) [68]… thì hầu như 06/08 tiêu chí do kết quả nghiên cứu của luận án đưa ra là trùng khớp với họ, còn lại 02/08 tiêu chí gồm Yo-Yo IR1 test (m) và T test (s) là những test mới được luận án nghiên cứu áp dụng, nên không trùng lặp với các kết quả nghiên cứu của các tác giả nêu trên đã công bố. Tuy vậy, trong những công trình của các tác giả nêu trên còn đưa ra một số chỉ tiêu khác như: bật xa tại chỗ, chạy con thoi 5 30 m hoặc 7 50 m, ném biên, đứng gập thân về trước, chạy zích


zắc. Có sự khác biệt như vậy là do số đối tượng nghiên cứu của luận án là đã qua giai đoạn huấn luyện chuyên môn hóa sâu và đang là VĐV cấp cao ở các câu lạc bộ và đội tuyển, còn số VĐV do các nhà chuyên môn quan sát là thuộc diện cần phải qua tuyển chọn nên đòi hỏi cần phải khảo sát toàn diện hơn về mặt thể lực.

Về các tiêu chí kỹ, chiến thuật:

07 tiêu chí kỹ - chiến thuật được đưa vào hệ thống đánh giá TĐTL của nữ VĐV bóng đá cấp cao đều là những kỹ thuật nâng cao mang tính chất phối hợp vận động và thể lực của bóng đá phù hợp với giai đoạn hoàn thiện thể thao. Phân tích chương trình huấn luyện kỹ - chiến thuật giai đoạn hoàn thiện thể thao cho thấy, trọng tâm của chương trình được dành cho việc hoàn thiện các kỹ thuật khống chế xử lý bóng trong các tình huống đa dạng phức tạp và biến đổi; nâng cao kỹ thuật đá bóng trong sút cầu môn, đá phạt trong chuyền bóng tổ chức tấn công, phối hợp di chuyển nhanh với trọng tâm đá bóng có lực và chính xác; tập luyện nâng cao khả năng sử dụng kỹ thuật dẫn bóng trong các bài tập chiến thuật, dẫn bóng chiến thuật; các bài tập khéo léo khống chế điều khiển bóng trong các khoảng không hẹp… Chính vì vậy luận án đã nghiên cứu lựa chọn được 07 tiêu chí kỹ - chiến thuật, chúng đều tương quan chặt với hiệu suất thi đấu của các nữ VĐV bóng đá cấp cao cũng như trong thực hiện test lặp lại. Điều đó có nghĩa là chúng có độ tin cậy và tính thông báo cao với ý nghĩa là thước đo đánh giá năng lực kỹ thuật của họ. Đó là các tiêu chí: tâng bóng (lần), tâng bóng 12 điểm chạm (lần), Short Dribbling test (s), Creative speed test (s), sút bóng xa chân thuận (m), sút bóng xa chân không thuận (m), ném biên có đà (m). So với nghiên cứu của Vương Chí Hồng (1989) [28] và Tomat A. (1973) [64] thì số lượng các tiêu chí đánh giá trình độ kỹ thuật của luận án nhiều hơn và mang tính hiện đại hơn (do có những tiêu chí gần đây mới có một số công trình nghiên cứu áp dụng như Short Dribbling test, Creative speed test), đó là do hai tác giả trên nghiên cứu

Xem tất cả 230 trang.

Ngày đăng: 20/12/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí