Lợi Ích Và Vai Trò Của Các Công Cụ Tài Chính Phái Sinh

Thứ hai, theo thông lệ quốc tế, trước khi thực hiện các giao dịch về sản phẩm phái sinh như hoán đổi, quyền chọn, các bên tham gia phải kí với nhau bản thỏa thuận chung của Hiệp hội các nhà kinh doanh phái sinh và hoán đổi quốc tế ISDA. Thỏa thuận này bao gồm các điều khoản và điều kiện nhằm quy định phạm vi giao dịch, loại công cụ giao dịch, nghĩa vụ của các bên tham gia, quy định về vấn đề giải quyết tranh chấp, tòa án hay xử lí khi một bên tham gia bị mất khả năng thanh toán.

Cuối cùng, thị trường phái sinh yêu cầu có sự am hiểu, cơ sở vật chất và phần mềm rất hiện đại. Do đó các ngân hàng cần phải có nghiệp vụ và cơ sở công nghệ rất hiện đại để có thể thực hiện các giao dịch sản phẩm về phái sinh.

Các nghiệp vụ tài chính phái sinh là sản phẩm tất yếu của sự phát triển ngày càng sâu, rộng và đa dạng của thị trường tài chính. Đến nay, trên thị trường tài chính quốc tế, nghiệp vụ phái sinh đã phát triển rất đa dạng và đóng vai trò quan trọng trong thị trường tài chính. Ở Việt Nam, mặc dù đã ra đời không lâu từ sau khi thị trường chứng khoán được thành lập, nhưng thị trường nhìn chung còn nhỏ bé, chưa phát triển.

3. Chủ thể tham gia


Nếu xem xét các sản phẩm về phái sinh như một loại hợp đồng như các hợp đồng khác, thì chủ thể tham gia là người bán và người mua. Tuy nhiên, xem xét cụ thể thì ở đây, chúng ta có thể nhận thấy những người tham gia vào thị trường phái sinh bao gồm người sản xuất sản phẩm, người kinh doanh nhập khẩu, người kinh doanh xuất khẩu, trung gian tài chính gồm ngân hàng thương mai, các sàn giao dịch và chủ thể đặc biệt, những người đầu cơ.

Những chủ thể này tham gia vào thị trường với những mục đích khác nhau. Người sản xuất tham gia để bán được sản phẩm của mình. Các trung gian là cầu nối cho giao dịch, với mục tiêu kiếm hoa hồng, lợi nhuận từ phí hợp đồng và phí giao dịch. Các nhà đầu cơ tham gia với hi vọng kinh doanh kiếm lời từ sự chênh lệch tỷ giá. Và các nhà kinh doanh xuất nhập khẩu, là những chủ thể chính tham gia thị trường phái sinh, những chủ thể chính mà chúng ta xem xét ở đây, tham gia với mục tiêu phòng ngừa, hạn chế rủi ro tỷ giá.

4. Lợi ích và vai trò của các công cụ tài chính phái sinh


4.1. Quản trị rủi ro

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 123 trang tài liệu này.


Như đã phân tích, công cụ tài chính phái sinh ra đời bởi tính rủi ro của thị trường, bởi vậy vai trò quan trọng nhất của chúng chính là để quản trị rủi ro. Thị trường sản phẩm phái sinh cho phép những người muốn làm giảm rủi ro cho mình chuyển nhượng rủi ro cho những người sẵn sàng chấp nhận nó, đó là những nhà đầu cơ. Vì vậy, thị trường này rất hiệu quả trong việc phân bổ lại rủi ro giữa các chủ thể tham gia, không có ai bắt buộc phải chấp nhận mức độ rủi ro mà mình không mong muốn. Và cũng vì thế mà họ có thể cung cấp nhiều vốn hơn cho thị trường, điều này tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển, phát huy khả năng huy động vốn và giảm thiểu chi phí sử dụng vốn. Bên cạnh đó thị trường tài chính phái sinh cũng là một công cụ hiệu quả cho những người muốn đầu cơ. Bởi người muốn phòng ngừa rủi ro phải tìm được một người khác có nhu cầu hoàn toàn đối lập với mình. Tại sao các giao dịch lại có thể thực hiện khi mà một bên có lợi sẽ kéo theo thiệt hại của bên kia? Bởi mỗi chủ thể có mức độ chấp nhận rủi ro khác nhau, tuy nhiên, ai cũng muốn giữ cho khoản tiền của mình có một mức độ rủi ro thích hợp. Đó chính là lí do họ gặp gỡ nhau để tiến hành giao dịch.

Nghiên cứu việc sử dụng nghiệp vụ phái sinh để phòng ngừa rủi ro. Tỷ giá đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam - 3

Và cũng không như người ta lo sợ, thị trường phái sinh không dẫn vốn của nền kinh tế vào những kế hoạch đầu cơ nguy hiểm. Những nhà đầu cơ không phải là những tay cờ bạc. Họ giao dịch các sản phẩm phái sinh và chính việc này giúp cho việc phòng ngừa rủi ro ít tốn kém hơn và đạt hiệu quả hơn. Bởi cần khẳng định chắc chắn rằng, thị trường phái sinh không hề tạo ra và cũng không thể phá hủy tài sản, chúng chỉ là những phương tiện chuyển giao rủi ro trên thị trường. Không có thêm bất cứ rủi ro nào được tạo ra trên thị trường phái sinh, nó tạo nên tác dụng lan tỏa cho toàn xã hội.

4.2. Thông tin hiệu quả hình thành giá


Các thị trường kì hạn và tương lai là nguồn thông tin quan trọng với giá cả. Đặc biệt thị trường tương lai được xem là một công cụ chủ yếu để xác định giá giao ngay của tài sản. Điều này không có gì là bất bình thường, bởi có rất nhiều hàng hóa được giao dịch trên thị trường tương lai nhưng thị trường giao ngay của nó rất rộng lớn và phân tán nên khó có thể xác định được giá giao ngay của chúng. Ở đây thường giá tương lai của những giao dịch sớm nhất sẽ được xác định là giá giao ngay của tài sản. Hơn nữa, thị trường giao sau thường nhộn nhịp hơn nên thông tin về giá cả của chúng có độ tin cậy cao hơn. Những thông tin được cung cấp trên thị trường phái sinh dù trực tiếp hay gián tiếp đều góp phần xác định giá giao ngay một cách có hiệu quả mà những người tham gia có thể chốt lại trong giới hạn có thể chấp nhận được của mình.

4.3. Các lợi ích về hoạt động và tính hiệu quả

Thứ nhất, chi phí giao dịch thấp hơn, điều này làm cho việc chuyển hướng từ các giao dịch giao ngay sang phái sinh ngày càng dễ dàng và hấp dẫn hơn.

Thứ hai, tính thanh khoản của nó cao hơn hẳn thị trường giao ngay. Trước hết đó là mức vốn yêu cầu để tham gia thị trường tương đối thấp. Thêm nữa, tỷ suất sinh lời và rủi ro có thể được điều chỉnh ở bất cứ mức độ nào như mong muốn.

Thứ ba, các giao dịch bán khống được thực hiện dễ dàng hơn. Các chủ thể tham gia có thể kiếm được lợi nhuận từ việc chênh lệch tỉ giá. Tất cả các chủ thể đều có thể kiếm được lợi nhuận.

Cuối cùng, thị trường phái sinh khiến cho các tín hiệu thị trường khó bị bóp méo. Vì thế, những nhà đầu cơ có ý định thao túng thị trường cũng gặp phải những khó khăn nhất định. Đặt bên cạnh thị trường giao ngay, nó khiến nâng cao sự lành mạnh của thị trường.

5. Các công cụ phái sinh chủ yếu


Các công cụ phái sinh, từ những hợp đồng tương lai, hợp đồng kì hạn sơ khai đến nay đã phát triển rất đa dạng và phong phú. Các công cụ phái sinh được phân loại thành các công cụ phái sinh chuẩn và không chuẩn, hay còn gọi là các công cụ phái sinh độc lập và công cụ phái sinh được gắn thêm. Tiêu chí phân loại ở đây là về mức độ độc lập với tài sản cơ sở, trong đó về cơ bản các sản phẩm phái sinh đều là loại tài sản phụ thuộc vào tài sản cơ sở, tuy nhiên các công cụ chuẩn có thể được tách ra và giao dịch như một tài sản độc lập. Trên thị trường, hiện nay các công cụ được giao dịch chủ yếu là các công cụ phái sinh chuẩn, chủ yếu bao gồm: hợp đồng kì hạn (forwards); hợp đồng

tương lai (futures); hợp đồng quyền chọn (options) và hợp đồng hoán đổi (swaps).

5.1. Hợp đồng kì hạn (Forwards)


5.1.1. Định nghĩa


Đây là một công cụ tài chính phái sinh lâu đời nhất trên thị trường, vì vậy, đây có lẽ cũng là loại công cụ đơn giản nhất. Đó là một thỏa thuận mua hoặc bán một tài sản (là hàng hóa hoặc các tài sản tài chính) tại một thời điểm trong tương lai với giá cả đã được xác định trước. Thời điểm xác định trong tương lai gọi là ngày thanh toán hợp đồng, hay ngày đáo hạn. Thời gian từ khi kí hợp đồng cho đến khi thanh toán gọi là kì hạn của hợp đồng. Giá xác định áp dụng trong ngày thanh toán hợp đồng gọi là giá kì hạn.

5.1.2. Đặc điểm


Tại thời điểm kí kết hợp đồng kì hạn, không hề có sự trao đổi tài sản cơ sở hay thanh toán tiền. Hoạt động thanh toán xảy ra trong tương lai tại thời điểm xác định trong hợp đồng. Vào lúc đó, hai bên thỏa thuận hợp đồng buộc phải thực hiện nghĩa vụ mua bán theo mức giá đã xác định, bất chấp giá thị trường lúc đó là bao nhiêu đi nữa.

Thông thường, loại hợp đồng này được thực hiện giữa các tổ chức tài chính với nhau hoặc giữa tổ chức tài chính với khách hàng là doanh nghiệp phi tài chính (điều này có nghĩa là các hợp đồng này thường được kí kết song phương).

Trong hợp đồng này, người mua được gọi là người giữ thế trường vị (long position), người bán được gọi là người giữ thế đoản vị (short position).

Hợp đồng này chỉ được thực hiện khi đáo hạn: đến ngày đáo hạn, người bán phải thực hiện bán tài sản cho người mua, và nhận một khoản tiền từ người mua với giá cả đã được định sẵn trong hợp đồng, cho dù vào thời điểm đó giá thị trường có cao hơn hay thấp hơn giá đã định sẵn trong hợp đồng. Nếu giá thị trường cao hơn giá hợp đồng thì người mua sẽ có lãi và ngược lại.

5.1.3. Ý nghĩa của hợp đồng kì hạn với việc phòng ngừa rủi ro tỷ giá

Có thể nói hợp đồng kì hạn là công cụ đơn giản và dễ nắm bắt, sử dụng nhất trong các hợp đồng phái sinh. Nó là một công cụ hữu hiệu để phòng ngừa rủi ro tỷ giá đối với khoản thu hoặc chi trong tương lai. Nếu như thực hiện các giao dịch đổi ngoại tệ giao ngay theo thời vụ trên thị trường, thì doanh nghiệp khó có thể tránh khỏi những lúc gặp phải rủi ro, gây tổn thất nặng nề về mặt tài chính. Hợp đồng kì hạn ra đời với nhu cầu tránh gặp phải rủi ro trong giao dịch ngoại tệ xảy ra trong tương lai mà người dùng không nắm bắt chắc chắn được sự biến động về tỉ giá. Tuy nhiên, giao dịch này chỉ phù hợp với các doanh nghiệp có nguồn thu chi ngoại tệ có kế hoạch ổn định, ít có kinh nghiệm về biến động tỷ giá hàng ngày. Bởi vì hợp đồng này bắt buộc phải thực hiện và chỉ thực hiện khi đáo hạn nên nó có nhiều hạn chế, doang nghiệp chỉ có thể sử dụng với các nguồn ngoại tệ nhỏ lẻ, ổn định vì không thể có cơ hội đạt được lợi nhuận, nói cách khác không thể đầu cơ kiếm lời từ loại hợp đồng này. Khi mà chúng ta cần có một nguồn ngoại tệ nhất

định với tỷ giá biết trước trong tương lai thì hợp đồng forward là một lựa chọn tốt.

5.2. Hợp đồng tương lai (Futures)


5.2.1. Định nghĩa


Về cơ bản, hợp đồng tương lai là một công cụ phái sinh tương tự như hợp đồng kì hạn. Tuy nhiên, giữa hai loại hợp đồng này có một số điểm khác biệt. Hiện nay, các sàn giao dịch chứng khoán mua bán hợp đồng tương lai lớn là Hội đồng mậu dịch Chicago (Chicago Board of Trade CBOT), Sở Thương mại Chicago (Chicago mercantile exchange CME), và Sở giao dịch tương lai London. Các hợp đồng tương lai chủ yếu gồm: hợp đồng tương lai ngoại hối (currency futures), hợp đồng tương lai nông sản (agricultural futures), hợp đồng tương lai kim loại và khoáng sản (metal and mineral futures)...

5.2.2. Đặc điểm


Đặc điểm khác biệt giúp phân biệt hợp đồng kì hạn và hợp đồng tương lai là những điểm sau:

Hợp đồng tương lai là những hợp đồng được chuẩn hóa (về loại tài sản cơ sở mua bán, số lượng đơn vị tài sản cơ sở được mua bán, thể thức thanh toán, kì hạn...), còn những hợp đồng kì hạn thì không được chuẩn hóa, các chi tiết là do hai bên đàm phán và thỏa thuận cụ thể.

Hợp đồng tương lai được thỏa thuận và mua bán thông qua người môi giới còn hợp đồng kì hạn được thoản thuận giữa hai bên tham gia hợp đồng. Khi tham gia hợp đồng tương lai, người mua và người bán

thường không quen biết nhau, do vậy đơn vị môi giới thường đưa ra một số tiêu chuẩn cho loại hợp đồng này.

Hợp đồng tương lai thường được mua bán trên thị trường tập trung còn hợp đồng kì hạn thường được mua bán trên thị trường phi tập trung.

Hợp đồng tương lai được tính hàng ngày theo giá thị trường (marking to market daily), hợp đồng kì hạn được thanh toán vào ngày đáo hạn.

5.2.3. Ý nghĩa của hợp đồng tương lai với việc phòng ngừa rủi ro tỷ giá

Như đã phân tích, hợp đồng tương lai là một dạng chuẩn hóa của hợp đồng kì hạn nên nó cũng có những ý nghĩa nhất định của hợp đồng kì hạn. Để phòng ngừa rủi ro tỷ giá với khoản thu chi ngoại tệ trong tương lai, người ta sử dụng hợp đồng tương lai được mua bán trên thị trường phi tập trung để chắc chắn rằng khoản ngoại tệ của mình trong tương lai có tỷ giá xác định. Nó có điểm ưu việt hơn hợp đồng kì hạn ở chỗ, có thể không cần phải gặp gỡ trực tiếp hay đàm phán thỏa thuận mà có thể thông qua trung tâm, sở giao dịch để có được một hợp đồng tương lai với hình thức, số lượng đã chuẩn hóa. Chúng ta chỉ cần tính toán số lượng hợp đồng phù hợp với khoản ngoại tệ cần bảo hiểm rủi ro và thực hiện giao dịch. Và cũng vì được giao dịch qua sở giao dịch như vậy nên hợp đồng được đảm bảo về tính thực hiện của nó trong tương lai. Tuy nhiên, cũng như hợp đồng kì hạn, do tính bắt buộc thực hiện và chỉ thực hiện khi đáo hạn nên hợp đồng tương lai cũng có điểm hạn chế. Ngoài ra, việc khó lòng tính toán số lượng hợp đồng trùng khớp với lượng ngoại tệ cần thiết (bởi số tiền và các điều khoản trong hợp đồng đã được chuẩn hóa) nên nó cũng tạo ra nhiều bất cập cho người sử dụng.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 11/05/2022