Các Loại Nông Cụ, Dụng Cụ, Kỹ Thuật Canh Tác‌


An có 4 vụ lúa. Tuy nhiên, đó là sự thống kê mùa vụ ở tất cả các khu vực trong tỉnh. Còn riêng ở địa bàn huyện Nam Đàn và một số huyện đồng bằng lân cận như: Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Diễn Châu, Yên Thành... nghề trồng lúa nước của nông dân chỉ có 3 mùa vụ đó là vụ chiêm, vụ mùa và vụ bát.

Việc phân chia mùa vụ trong nông nghiệp ở Nghệ An và Nam Đàn chịu ảnh hưởng lớn của thời tiết, khí hậu. Nơi đây, mùa nóng thường có hạn hán, trong những ngày hè gió Lào thổi mạnh cả ngày lẫn đêm khiến cho cỏ cây khô héo, ruộng đồng nứt nẻ, nhưng lại có những trận mưa giông với lượng mưa lớn đột ngột bất thường làm hạ nền nhiệt, dịu sức nóng, nước chảy lênh láng lại làm bào mòn đi mùn đất, mùn lá do sức gió trước đó cày lên khiến cho đất đai thêm cằn cỗi ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

Hàng năm vào tháng 7 đến tháng 9, Nam Đàn thường chịu ảnh hưởng trực tiếp từ những cơn bão có cường độ mạnh, kèm với bão là lũ lụt làm cho nước sông Lam dâng cao, gây ngập úng hoa màu, nhấn chìm nhiều nhà cửa, xóm làng nhất là ở vùng hữu ngạn thuộc tổng Nam Hoa (Nam Kim) cũ như làng Dương Liễu, Hoành Sơn, Trung Cần… hay ở Thịnh Lạc (xã Hùng Tiến), Xuân La (xã Xuân Lâm) ở vùng tả ngạn sông Lam. Nhiều khi đang giữa mùa khô hạn, lốc xoáy kèm theo mưa đá lại đột ngột nổi lên làm đổ nhà cửa, hư hỏng cả vật dụng và hoa màu gây nhiều khó khăn cho sản xuất nông nghiệp và đời sống của cư dân làng xã.

Mùa đông ở Nam Đàn, ngoài giá rét còn xuất hiện thêm hiện tượng mưa dầm kéo dài từ ngày này qua ngày khác. Mưa dầm trong mùa đông kèm gió mùa đông bắc khiến cho nền nhiệt càng hạ thấp, giá rét bao phủ toàn vùng, khiến cho cây trồng chậm phát triển, năng suất thu hoạch không cao.

Nhà Nguyễn duy trì chính sách không đắp đê ở dọc sông Lam, sông La, nên hậu quả lũ lụt gây nên cho các mùa vụ trong năm rất lớn. Quốc sử quán triều Nguyễn trong sách Đại Nam nhất thống chí ghi rõ: “Nước lũ từ miền núi đầu nguồn đổ xuống rất mạnh, làm cho nhà cửa, súc sản thường bị cuốn trôi. Nhưng vì núi cao lại gần bể, nước đổ xuống chỉ vài ngày đã tiêu hết, nên xưa nay không nghĩ đến việc đắp đê” [155, tr.782].

3.2.1.2. Giống, cây trồng

Ở nước ta, giống cây trồng các loại hàng mấy trăm năm không thay đổi. Theo Đại Nam nhất thống chí, nghề trồng lúa có hơn 90 loại giống lúa tẻ và lúa nếp. Trong đó, một số giống lúa tẻ cho gạo trắng, thơm như: Minh Xuân, Thơm, Móng Châu,


Cánh, Tám Xoan, Bát Lùn, Hiên, Dự.... Các giống lúa này thường có thời gian cấy gặt là 5 tháng, nhưng cũng có các loại giống ngắn ngày hơn như: Lúa bát (Bát ngoạt, Bát lùn) Ba giằng... là các giống có thời gian cấy gặt khoảng 3 tháng [200, tr.105]. Đây là những giống lúa được trồng ở nhiều nơi trên cả nước. Tuy vậy, sách này không ghi giống lúa cụ thể ở từng địa phương.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 203 trang tài liệu này.

Về giống, cây trồng ở địa phương, theo Lê Quý Đôn trong sách Vân đài loại ngữ cho biết: Ngô trồng ở Nghệ An phần nhiều là ngô trắng, còn lúa thì có giống lúa tẻ và lúa nếp [48, tr.420]:

Đối với các giống lúa tẻ được trồng phổ biến như:

Kinh tế huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An dưới triều Nguyễn thời kỳ 1802 - 1884 - 11

- Lúa Ba Trăng, cũng gọi là ba tháng; từ lúc gieo mạ đến khi lúa chín, vừa vặn chỉ, ba tháng. Các loại lúa này tuy năng suất thấp nhưng lại cho gạo trắng, cơm thơm, dẻo nhiều bột, thời gian cấy trồng ngắn.

- Lúa Chiêm có thân mềm, bông gạo to, lúa đỏ, cơm dẻo được nông dân canh tác ở vùng ruộng sâu, tháng 5 cấy tháng 8 thì thu hoạch;

- Lúa Chiêm vàng cây cao, lá to, gió mưa không sợ đổ rạp, được cấy vào ruộng tốt, thóc đỏ, gạo không trắng lắm, cơm hạt cứng;

Các giống lúa Chiêm (lúa Chăm) có thân cứng, thấp, bông dày hạt tròn, ưa ruộng trũng thời gian canh tác từ tháng 11 cấy đến tháng 4 thu hoạch cũng được trồng phổ biến. Còn các giống khác như: tám xoan, bát ngoạt, ba lá, ba giằng, lúa lốc, lúa thông... được trồng ở ruộng cao, hoặc ruộng vừa không cao, không thấp tùy theo địa hình [48, tr.421 - 423].

Các giống lúa nếp được trồng thường có các loại sau:

- Lúa nếp chuối, cây cao hạt dài mà to, được nhiều gạo, vị mềm nhuyễn, ưa ruộng bùn sâu.

- Lúa nếp tượng hay nếp voi bất cứ ruộng nào cũng cấy được, thóc to gạo trắng, cấy vào mùa thu.

- Lúa nếp quạ thóc gạo đều đen, thổi cơm thơm và dẻo.

- Lúa nếp hương có bông to, hạt tròn, gạo trắng mag thơm dẻo.

- Lúa nếp hoa vàng (nếp ả) cây to, hạt nhiều to dẹt, bông cao, gạo trắng rất dẻo.

- Lúa nếp lùn ngọn bông lúa không ra khỏi lá, hạt thóc, hạt gạo đều có mùi thơm... [48, tr.424 - 425].


Các giống lúa nếp thường được trồng trên những chân ruộng có chất lượng đất vừa phải, thời gian phát triển nhanh hơn các giống lúa tẻ. Theo kinh nghiệm dân gian, lúa nếp thường phải cấy thưa mới cho năng suất cao và hạn chế sâu bệnh.

Ngoài các giống lúa cấy trồng hai vụ, trên các vùng đất bãi bồi ven sông Lam, nông dân Nam Đàn trong thời kỳ này đã tiến hành gieo trồng các loại hoa màu phù hợp với chất đất nhằm đảm bảo lương thực, thực phẩm cho đời sống gồm các giống như: lạc, ngô, khoai, đậu, vừng, rau, củ, quả... Trong Nghệ An ký của Bùi Dương Lịch còn cho biết thêm: “các thứ rau, củ, quả, nấm, măng không tháng nào không có” [106, tr.27]. Điều này cho thấy sự đa dạng, phong phú về sản phẩm lương thực trong đời sống hàng ngày của cư dân trên vùng đất Nam Đàn.

Ở một số vùng như Nộn Liễu, Thanh Thủy, Tràng Đen, Ngọc Trừng, Đông Liệt, Diên Lãm, Nghĩa Động, Nam Kim, Vạn Lộc, Vũ Nguyên, Tàm Tang, Hoành Sơn... cư dân làng xã còn khai phá các thung lũng nhỏ hẹp dọc theo các sườn đồi, núi Đại Huệ, Thiên Nhẫn, Ngũ Liên Châu, Hùng Sơn... để trồng chè, hồng, cam, dứa, ngô, sắn, kê, bầu, bí, rau quả [78]... Phần đất khai hoang, phục hoá dọc theo dãy Thiên Nhẫn, Đại Huệ... không nằm trong diện tích đất bị đánh thuế do năng suất các loại cây trồng thấp vì lệ thuộc hoàn toàn vào khí hậu, thời tiết lại thường xuyên bị châu chấu, chuột, thú rừng... phá hoại. Nhân dân địa phương gọi loại hình đất đai này là rày, trại. Theo khảo sát của chúng tôi, phần đất rày, trại dọc theo sườn núi Đại Huệ và Thiên Nhẫn thuộc sở hữu tư nhân và có thể được truyền từ đời cha sang đời con, hoặc có thể mua, bán, chuyển nhượng, nhưng giá trị thấp.

Trong thế kỷ XIX, cũng như nhiều địa phương khác ở trấn/tỉnh Nghệ An, canh tác nông nghiệp ở huyện Nam Đàn vẫn chủ yếu phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên. Do đó, yếu tố khí hậu, địa hình, chất đất đã tác động đến đặc điểm trong nông nghiệp của huyện Nam Đàn là sự đa dạng về giống, cây trồng trong trồng trọt, đặc biệt là trồng lúa. Năng suất, sản lượng lúa và các loại hoa màu từ các giống cây, trồng Nam Đàn không cao, chủ yếu để phục vụ nhu cầu tại chỗ; việc trao đổi, mua bán các sản phẩm nông nghiệp trong địa bàn huyện là nhằm góp phần cải thiện cuộc sống thường nhật của cư dân làng xã lúc bấy giờ.

3.2.2. Các loại nông cụ, dụng cụ, kỹ thuật canh tác‌

3.2.2.1. Nông cụ, dụng cụ sản xuất

Ở thế kỷ XIX, các loại nông cụ, dụng cụ mà cư dân làng, xã ở Nam Đàn sử dụng phục vụ cho hoạt động nông nghiệp vẫn là sự kế thừa những tư liệu sản xuất của


ông cha đã sáng tạo ra trong quá trình lao động từ nhiều thế kỷ trước. Nông cụ trong canh tác lúa nước, hoa màu, chăn nuôi vẫn là các loại phổ biến gồm cày, bừa, cuốc, cào, liềm, hái, đòn xóc, đòn càn, đòn gánh, quang gánh, xe cút kít, xe tay... Còn các loại dụng cụ như: chum, ché, hũ sành hay nống vựa, nống gấm, dần, sàng, thúng, mủng vịnh, mủng lường, bồ cót, sập gỗ… dùng để chế biến, cất trữ sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch phục vụ nhu cầu ăn uống sinh hoạt hàng ngày hoặc dành làm giống cho mùa vụ tiếp theo [10].

Trong quá trình trồng lúa và hoa màu, dụng cụ phổ biến trong khâu làm đất mà cư dân nông nghiệp Nam Đàn thường xuyên sử dụng là cày chìa vôi, bừa sắt. Lưỡi cày và lưỡi bừa làm bằng sắt được đúc ở một số nơi có nghề rèn lớn trong địa bàn huyện như lò rèn ở xã Vân Đồn (nay thuộc thị trấn Nam Đàn), hay được thương nhân đưa từ làng rèn Nho Lâm (Diễn Châu), làng rèn Trung Lương (Đức Thọ, Hà Tĩnh) đến bán tại khu hàng sắt ở các chợ trong làng, xã. Các loại liềm, hái, dao, rựa, rìu, cào, cuốc... dùng cho việc làm cỏ, gặt hái, phát quang, đào bờ đắp ruộng được các lò rèn có quy mô nhỏ ở các làng xã trong huyện rèn theo phương thức truyền thống. Riêng các loại đòn gánh, đòn càn, quang gánh phục vụ cho việc gánh phân, mạ, thóc, lúa, ngô, khoai... được làm từ tre, mây khai thác ở ngay trong vườn nhà hoặc ở gần vùng đồi rừng núi trong địa bàn huyện.

Ngoài các loại quang, gánh phục vụ việc vận chuyển, nông dân Nam Đàn nói riêng và Nghệ An nói chung còn sử dụng loại xe tay, hoặc xe cút kít, do các thợ mộc trong làng xã đóng theo các khuôn mẫu có từ trước. Nguyên liệu làm xe tay, xe cút kít từ mạ xe, thùng xe, bánh xe... chủ yếu từ gỗ dổi, hoặc mít. Loại xe này dùng để chở phân, mạ, cày bừa khi cày cấy hay chở ngô, lúa, khoai sắn trong mùa thu hoạch. Những người nông dân khoẻ mạnh có thể dùng xe tay để chở được 80 - 120 kg hàng hoá, trong khi đó, nếu dùng quang, gánh chỉ có thể gánh được 40 - 60 kg, vì phần lớn đồng ruộng thường ở cách nơi cư trú từ 2 - 3 km, riêng các rày, trại có khi cách nơi cư trú tới 10 - 12 km [9].

Sau khi thu hoạch, dụng cụ mà người nông dân sử dụng để chế biến lúa, gạo phục vụ nhu cầu ăn uống là néo đập lúa, trục lăn để làm cho những hạt thóc lìa ra khỏi rơm (thân cây lúa) và dùng cối xay thóc (lúa), cối giã gạo, cối xay bột, để xay, xát làm ra hạt lúa, hạt gạo hay các loại bột từ lúa, gạo, ngô, sắn. Những dụng cụ chế biến lúa


gạo, ngô, khoai, sắn được sử dụng phổ biến hầu khắp trong các hộ gia đình ở huyện Nam Đàn, góp phần tự túc trong nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của cư dân.

3.2.2.2. Kỹ thuật canh tác, thu hoạch mùa vụ

Về kỹ thuật canh tác ruộng đất trong nông nghiệp, cho đến đầu thế kỷ XIX ở Việt Nam nói chung, huyện Nam Đàn nói riêng đã thuần thục các kỹ thuật như cày, bừa, sử dụng sức kéo gia súc. Tuy nhiên, tùy thuộc vào từng địa hình của các xứ đồng, chân ruộng mà người nông dân sử dụng linh hoạt các loại nông cụ khác nhau trong các khâu sản xuất nông nghiệp.

Đối với những chân ruộng cao, ngoài việc dụng cày chìa vôi có lưỡi ngắn, lưỡi bừa hình lược hay còn gọi là bừa chữ nhi thì nông dân Nam Đàn còn sử dụng nhiều nông cụ khác như cuốc, mai, bàn vét, thuổng, vồ đập đất.... Các ruộng đất sét (tiếng địa phương gọi là đất thịt) phải tiến hành cày hai lần. Lần đầu gọi là cày vở, lần thứ hai gọi là cày trở. Sau khi cày vở, người nông dân phơi đất cho nỏ, sau đó mới cày trở, vì thế tục ngữ mới có câu “một hòn đất nỏ bằng giỏ phân” là ý nói đến vai trò quan trọng của việc làm đất trong kỹ thuật canh tác. Đến thời vụ gieo cấy, người nông dân sử dụng bừa sắt, do trâu, bò kéo để bừa dọc, bừa ngang từ ba đến bốn lượt tuỳ theo chất đất từng thửa ruộng, làm cho đất tơi nhuyễn rồi mới cấy lúa.

Riêng đối với những thửa ruộng là đất cát pha hay đất phù sa, thường có nước ngập, nông dân Nam Đàn tiến hành cày, bừa hai lần. Lần thứ nhất gọi là cày úp và bừa vở, mục đích là để loại bỏ các gốc rạ, các loại cỏ dại len lách trong đất và làm sục bùn, tăng độ mùn cho đất. Trước ngày cấy lúa từ hai đến ba ngày, người ta cày trở đất, rồi sau đó tiến hành bừa (tiếng địa phương gọi là bừa sục bùn, bừa khoả) nhằm tạo độ bằng phẳng cho mặt ruộng, tránh chỗ cao, chỗ thấp, thuận tiện cho việc giữ nước đều cả ở bốn góc ruộng. Trong quá trình làm đất lần thứ hai, người ta bỏ phân chuồng (phân trâu, bò, lợn) xuống mặt ruộng (tiếng địa phương gọi là bón lót), sau đó bừa kỹ để sau này khi gieo hoặc cấy mạ thì mạ, lúa trên toàn bộ thửa ruộng có thể tốt đều.

Khi đã hoàn thành khâu làm đất, người ta làm cỏ, bón phân (tiếng địa phương gọi là bón thúc) cho lúa đẻ nhiều nhánh, lắm bông, trĩu hạt. Kế thừa kinh nghiệm từ nhiều thế kỷ trước của cha ông “công cấy là công bỏ, công làm cỏ là công ăn”, “nước

- phân - cần - giống”, nông dân Nghệ An nói chung, Nam Đàn nói riêng đã vận dụng các kỹ thuật canh tác, bỏ ra nhiều công sức làm cỏ, tát nước (bằng gàu sòng, gàu giai), bón phân... để làm ra hạt lúa, hạt gạo.


Ở khu vực có chân ruộng cạn, hay những thửa ruộng nhỏ hẹp bậc thang dọc theo các khe suối dưới chân núi Đại Huệ, Thiên Nhẫn... Tùy vào chất đất của từng thửa ruộng mà người nông dân có thể dùng cày, bừa hoặc dùng các loại cuốc, bàn vét để đào đất, be bờ, làm ruộng trồng lúa hoặc các loại hoa màu. Đối với ruộng ở các khu vực có địa hình tiếp giáp đồi, núi người ta thường trồng các giống lúa cạn có khả năng chịu hạn, hoặc để trồng khoai lang, ngô, sắn, bầu, bí, đậu, đỗ, mía... Kỹ thuật canh tác ở những chân ruộng cạn có những điểm khác so với các ruộng ở vùng đồng bằng, đó là người ta gieo hẳn hạt giống vào các lỗ (giống như cách gieo hạt của đồng bào Thái, Mường... trên nương rẫy). Riêng khoai lang, sắn, mía, người ta dùng cày, bàn vét, cuốc, vun thành luống (tiếng địa phương gọi là vồng/vùng khoai, vồng sắn, vồng mía), sau đó lấy dây khoai lang, hoặc thân cây sắn, cắt thành từng khúc (độ dài 15 - 20 cm) để trồng (riêng ngọn mía có độ dài từ 30 - 40 cm/ngọn) [9].

Khi mùa gặt đến, nông dân làng, xã dùng hái, liềm để gặt lúa, sau đó được bó thành từng gồi, từng lượm, từng bó, gánh bằng đòn gánh bởi quang (tiếng địa phương gọi là gióng mây, được làm từ sợi dây mây, nứa, tre, gồm có bốn/hay hai sợi mây cho một chiếc quang); hoặc bằng đòn xóc, đòn càn dài, ngắn khác nhau (phù hợp với trẻ em, người lớn khi sử dụng). Khung cảnh tấp nập của mùa thu hoạch nông vụ trên đồng ruộng đã đi vào ca dao, điệu hò đối đáp trong văn hóa địa phương, phản ánh phần nào đời sống sản xuất nông nghiệp của nông dân làng xã ở Nam Đàn:

“Đố anh, đố cả người bày

Một trăm gánh lúa mấy tay, mấy gồi?

Em về đếm cá dưới sông, đếm cây Đại Huệ

Thì anh đối được một trăm gánh lúa mấy tay, mấy gồi” [9].

Trong thế kỷ XIX, ở Nam Đàn hiện tượng tư hữu đất đai dù diễn ra không quá gay gắt như ở nhiều địa phương khác, nhưng do diện tích công điền không đủ phân chia cho đại bộ phận nông dân nên một số gia đình không có ruộng đất để canh tác. Những người không có hoặc có ít ruộng đất, không đủ để các thành viên trong gia đình canh tác sản xuất buộc họ phải cày thuê, cuốc mướn cho những nhà khá giả (phú nông), cho địa chủ hoặc chức sắc địa phương, bộ phận có nhiều ruộng đất tư trong làng xã. Trong trường hợp cày cấy ruộng công làng xã thì gia đình nông dân phải lo


toàn bộ từ trâu, bò cày kéo, bón phân, bắc mạ, cấy gặt... Nếu cày cấy ruộng họ, thì mọi công việc từ canh tác đến thu hoạch đều được hội đồng gia tộc, tộc biểu cho các gia đình là thành viên trong họ đảm nhận và phải nộp hoa lợi để lo việc cúng tế tổ tiên theo quy định của dòng họ.

Gia phả dòng họ Vương ở làng Hà Long, Nguyễn Trần ở làng Nam Bình, họ Đinh ở làng Đông Giai (nay thuộc thị trấn Nam Đàn), họ Bùi Danh, Bùi Hữu (Thanh Thuỷ), họ Nguyễn Cảnh ở Xuân Hồ, Nguyễn Đức (Khánh Sơn), Nguyễn Trọng (Trung Cần)... cho biết, các dòng họ này thường có tới 3 đến 5 mẫu ruộng họ, do con cháu trong dòng họ cung tiến [51], [52], [54], [61]. Bên cạnh đó, địa bạ các xã thôn còn cho biết trong làng xã thường có có 3 - 5 mẫu ruộng học điền, 1 - 2 mẫu ruộng thờ ở các đền, miếu thờ, từ vũ… “Đất đình 1 mẫu, đất chùa Vân Tiêu 5 sào. Xứ Đội Long, đất tiên hiền từ vũ: 5 sào, xứ đội Long” [248]; Đất đình, chùa: 6 mẫu 7 sào 9 thước 3 tấc lưu hoang, đất Niệm Sơn thần từ: 3 sào 8 thước xứ Cồn Đình lưu hoang tư thổ, thần từ đền Mai Hắc Đế: 8 sào xứ Cồn Vệ lưu hoang tư thổ, chùa Niệm Sơn: 3 mẫu 6 sào 1 thước 3 tấc, xứ Cồn Đình, lưu hoang tư thổ, chùa Ngọc Sơn: 2 mẫu xứ Cửa Chùa lưu hoang tư thổ [227].

Trong diện tích đất canh tác trên đồng ruộng ở Nam Đàn có loại hình ruộng chùa thuộc sở hữu của các nhà chùa trên địa bàn huyện như chùa Đại Tuệ, chùa Vĩnh Phúc, chùa An Lạc, chùa Phúc Linh, chùa Nhạn Tháp, chùa Bà Đanh, chùa Viên Quang... Ruộng chùa thuộc sở hữu công điền, công thổ, mỗi chùa thường có diện tích từ vài sào đến vài mẫu ruộng để canh tác, nguồn gốc của loại ruộng này do nhà nước phân cấp, hoặc trích từ nguồn ruộng đất công của địa phương. Một số chùa, ruộng chùa còn do các vị trụ trì mua về hoặc được các tín đồ Phật giáo có tiền của mua cung tiến cho nhà chùa. Việc cày cấy, thu hoạch trên những thửa ruộng của nhà chùa do tăng ni, phật tử và cả nông dân làng xã đảm nhận, hoa lợi thu được do nhà chùa cất giữ, sử dụng vào việc tế lễ, sinh hoạt tôn giáo của các chùa.

Các loại ruộng họ, ruộng học điền, ruộng thờ, ruộng chùa thường ở gần làng và không nằm trong diện phải nộp thuế cho nhà nước. Trên diện tích các loại ruộng này (trừ ruộng học điền) thường dùng trồng lúa nếp, các giống lúa có gạo trắng, dẻo, thơm ngon tiện cho việc đồ xôi, làm cơm phục vụ công quả, cúng tế trong năm.


Như vậy, nông cụ, dụng cụ, kỹ thuật canh tác, phương thức thu hoạch mùa vụ trên đồng ruộng của nông dân làng xã ở Nam Đàn dưới triều Nguyễn thời kỳ 1802 - 1884 là sự kế thừa, không có nhiều thay đổi so với các thế kỷ trước và có nhiều nét tương đồng với các huyện, phủ khác trong trấn/tỉnh Nghệ An.

3.2.3. Công tác trị thủy - thủy lợi‌

Huyện Nam Đàn là vùng đất thuộc hai miền tả ngạn và hữu ngạn hạ lưu sông Lam. Đặc điểm địa hình với đặc trưng là hình thái có hướng nghiêng thay đổi từ Tây sang Đông, trong đó trung du đồi núi tập trung ở phía Tây và Tây Bắc, còn đồng bằng tập trung ở phía Đông và phía Nam. Phía Tây và Tây Bắc, do yếu tố địa hình là vùng bán sơn địa nên đất đai có độ dốc và thường bị xói mòn, rửa trôi vào mùa mưa bão. Phía Đông và Đông Nam diện tích đồng bằng nhỏ hẹp, bị chia cắt bởi các hệ thống đồi núi, sông ngòi, ao hồ, đất đai có địa hình thấp, chủ yếu là đất bãi bồi, hình thành bởi phù sa sông Lam nên thường xuyên bị ngập úng về mùa mưa lũ.

Dưới triều Nguyễn, chính sách không đắp đê ở sông Lam, sông La hay dọc theo các cửa biển từ Quỳnh Lưu đến Kỳ Anh mà các vị vua nhà Nguyễn duy trì trong thời kỳ 1802 - 1884 khiến cho tình hình sản xuất, canh tác nông nghiệp của cư dân làng xã Nghệ An gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là trong việc dẫn thuỷ nhập điền hay chống ngập úng cho lúa, hoa màu và làng mạc nơi dân cư sinh sống.

Đối với huyện Nam Đàn, vào mùa lũ lụt, nước từ thượng nguồn dồn về lưu vực sông Lam, các khe suối ở vùng núi Thiên Nhẫn, Đại Huệ nước tràn khắp nơi khiến hầu hết diện tích canh tác lúa và hoa màu đều bị ngập úng, hoặc bị nhấn chìm trong biển nước lũ. Do đặc điểm địa hình, với độ cao khá lớn so với mực nước biển (120 - 170 m), tình trạng ngập lụt diễn ra phổ biến vào mùa mưa nhưng không kéo dài, nước sông Lam lên nhanh nhưng cũng thoát nhanh ra biển. Sách Nghệ An ký đã lý giải hiện tượng này như sau: “Vì núi cao và gần biển, nên ngập lụt chẳng qua chỉ vài ngày thôi, cho nên từ xưa đến nay không có chính sách đắp đê, mà ruộng đất cũng không bị úng thủy, vẫn màu mỡ phì nhiêu” [106, tr.27 - 28].

Vào mùa hạ, nắng hạn kéo dài, nền nhiệt khắp vùng Nghệ An nói chung, ở Nam Đàn nói riêng tăng cao có khi lên hơn 40°C khiến cho ruộng đồng nứt nẻ, khô cằn, việc dẫn thủy nhập điền tưới tiêu chống hạn cho lúa và hoa màu là vấn đề thiết yếu.

Xem tất cả 203 trang.

Ngày đăng: 16/04/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí