trong việc kể chuyện khá dễ dàng thì người bình thường sẽ cảm thấy khó khăn hơn khi nhập vai. Do đó, việc sử dụng các “khóa” như những yếu tố siêu ngôn ngữ chỉ báo cho việc diễn xướng sẽ do người kể quyết định. Người kể chuyện sẽ dựa trên những giá trị truyền thống và vận dụng sự ứng tác của bản thân để thực hiện việc kể lại câu chuyện theo kiểu của mình. Theo đó, nội dung, kết cấu câu chuyện trong truyền thống sẽ bị chi phối, thậm chí biến dạng và thay đổi căn bản để phù hợp với vị thế của người kể. Người nghe hay khán giả, cộng đồng tiếp nhận và đối thoại trong diễn ngôn kể chuyện là một yếu tố được hiện diện rò ràng trong bối cảnh. Người nghe không quyết định nội dung câu chuyện nhưng lại là yếu tố tác động buộc người kể phải lựa chọn. Người nghe có quyền “phê chuẩn” câu chuyện đang được diễn xướng bằng thái độ, bằng những tương tác có tính tâm lí hoặc bằng lời nói lẫn hành động buộc người kể phải điều chỉnh phát ngôn của mình. Người nghe còn thể hiện sự phê chuẩn của mình thông qua việc thông diễn ý nghĩa và giá trị của truyện kể. Khái niệm “nghe” chỉ nên hiểu một cách tương đối vì trong một cuộc giao tiếp thì các vai đôi khi sẽ đổi chỗ cho nhau. Trình độ, tập quán, mối quan hệ giữa người kể và khán giả cũng là yếu tố quan trọng để quyết định cấu trúc của truyện kể. Những cách nói sao cho dễ hiểu, dễ nhớ và dễ tiếp nhận sẽ được người kể tận dụng tối đa để tạo hiệu quả. Một trong những cách nói được coi là gây hiệu quả là lối diễn đạt lặp lại có tính song trong lời kể.
Trong nghiên cứu truyện dân gian theo hướng bối cảnh thường xuất hiện khái niệm diễn xướng (performance), và một số công trình vẫn gọi là nghiên cứu diễn xướng đối với folklore. Vấn đề này cần có sự phân biệt về mức độ trong mối quan hệ giữa nghiên cứu diễn xướng và nghiên cứu VHDG trong bối cảnh, cụ thể như sau: Diễn xướng trong nghiên cứu folklore thế giới được quan niệm trong sự đối lập với văn bản, chú trọng vào ứng dụng trên thực tế. Nếu nghiên cứu trên văn bản chú trọng vào thông tin đã được mã hóa
vào ngôn từ hay các dạng tồn tại khác (nghĩa là thông tin đã ở trong trạng thái hoàn thành) thì trong diễn xướng, người ta chú trọng vào hành động thông tin trong sự giao tiếp, ở đó hành động thông tin được đem ra cho người ta quan sát. Về mặt tâm lí, diễn xướng là sự biểu diễn của bản thân người kể cho chính anh ta và cho người tham dự, là sự đóng vai và tự nhìn lại bản thân, là quá trình vừa thể hiện vừa tự nhận thức của người kể. Vì vậy, về mặt tác dụng, diễn xướng được xem là sự “phản ánh hình thức- là ý nghĩa về ý nghĩa - bởi vì nó gây ra sự chú ý vào đặc tính hình thức của hệ thống thông tin” [104, tr.77]. Nghĩa là, diễn xướng thu hút người nghe chú ý vào các đặc điểm nhận thấy bề ngoài của hệ thống thông tin; cụ thể hơn, khi diễn xướng, người tham dự bị thu hút vào hai yếu tố: vừa là hành động có tác dụng tạo ra thông điệp vừa là thông điệp được chuyển tải. Nghiên cứu diễn xướng tập trung vào cả hai yếu tố trên: cách thức mà người kể chuyện chuyển tải câu chuyện cũng quan trọng ngang với nội dung câu chuyện được kể. Ở Việt Nam, diễn xướng thường được hiểu là hành động biểu diễn dành cho các loại hình văn hóa dân gian có liên quan đến yếu tố hình thể, âm thanh, sân khấu; còn lĩnh vực kể chuyện thường ít sử dụng khái niệm này. Do đó, khái niệm diễn xướng trong luận án này, cũng như trong hướng tiếp cận bối cảnh, được hiểu ở mức độ rộng hơn sự biểu diễn, nó là một hành động thông tin trong giao tiếp nghệ thuật. Hành động thông tin đó ẩn chứa rất nhiều cách thức và yếu tố để tạo nên thông điệp gửi tới người tiếp nhận. Như vậy, so với hướng tiếp cận bối cảnh trong nghiên cứu VHDG, diễn xướng là một yếu tố, một phương thức phụ thuộc. Ngoài diễn xướng, nghiên cứu theo hướng này còn xem xét nhiều yếu tố khác, cho nên khi nói nghiên cứu diễn xướng, nghĩa là luận án muốn nói đến những phương pháp thực hiện trong việc nghiên cứu VHDG đặt trong bối cảnh. Tuy nhiên, diễn xướng được xem là yếu tố nổi bật lên trong hướng
tiếp cận này nên đôi lúc, cách nói bối cảnh diễn xướng cũng mang ý nghĩa tương đương với khái niệm bối cảnh.
1.3. Nghiên cứu truyện dân gian trong bối cảnh – những vấn đề về phương pháp tiếp cận
1.3.1. Sự thay đổi trong thu thập và ghi chép tư liệu
Có thể bạn quan tâm!
- Nghiên Cứu Folklore Trong Bối Cảnh – Khuynh Hướng Mới Ở Phương Tây.
- Sự Đa Dạng Trong Hướng Tiếp Cận Bối Cảnh Trong Nghiên Cứu Folklore
- Một Cách Hiểu Về Tiếp Cận Bối Cảnh Trong Nghiên Cứu Văn Học Dân Gian
- Nghiên cứu truyện dân gian Khmer Nam bộ dưới góc nhìn bối cảnh - 11
- Không Gian Văn Hoá Tộc Người Khmer Nam Bộ
- Những Vấn Đề Về Phân Loại Truyện Dân Gian Khmer Nam Bộ Trong Nghiên Cứu Truyền Thống
Xem toàn bộ 284 trang tài liệu này.
Vì liên quan đến những thao tác khoa học cụ thể, một trọng tâm của luận án, nên chúng tôi muốn đi sâu vào trình bày cách vận dụng lí thuyết bối cảnh trong việc nghiên cứu VHDG. Trước hết cần nhận thức rằng chuyển hướng nghiên cứu từ tiếp cận ngữ văn với việc lấy văn bản làm trung tâm sang hướng tiếp cận bối cảnh lấy việc diễn xướng làm trung tâm đã kéo theo những thay đổi về phương pháp, kết cấu, nội dung, và định hướng phân tích giá trị của truyện dân gian. Từ một câu chuyện được in trên văn bản với những cấu trúc ngữ pháp được lưu ý gọt giũa và ngôn từ ít nhiều được lựa chọn chuyển sang một diễn ngôn vừa có lời nói, vừa có thái độ, vừa có hành động đặt trong một tổng thể quan hệ với người nghe và những tình huống cụ thể thì việc phân tích các yếu tố của một câu chuyện đã không còn giống nhau nữa. Dĩ nhiên, ngôn bản chứa đựng nội dung câu chuyện kể vẫn là đối tượng quan trọng cho bất cứ một việc phân tích truyện dân gian nào; giá trị thẩm mĩ và hiệu ứng nghệ thuật của toàn bộ hoạt động kể chuyện mới chính là điều cần đặt lên hàng đầu để văn học dân gian không lẫn với các ngành khoa học kế cận.
Việc ghi chép lại truyện dân gian không phải đợi tới nghiên cứu theo hướng bối cảnh mới thực hiện mà nó đã được các nhà folklore học trên giới nhắc đến từ trước. Trong công trình nghiên cứu về loại truyện cổ tích – folktales [105], Dan Ben-Amos đã miêu tả 04 lối ghi chép truyện kể theo lịch sử phát triển: ghi chép nội văn hóa (các bậc trí thức ghi lại truyện của dân tộc
mình bằng nhận thức và văn phong riêng), ghi chép do tiếp xúc văn hóa (những người truyền giáo hay du lịch ghi lại truyện của người bản xứ), sáng tác văn học dựa trên truyện dân gian (nhà văn sử dụng văn phong và cách kể chuyện dân gian trong sáng tác của mình) và ghi chép có mục tiêu (ghi chép theo mục tiêu văn chương và học thuật các truyện dân gian bằng lối giữ nguyên từ vựng văn phong). Bốn lối ghi chép trên có một điểm chung là tạo ra văn bản bằng chữ viết, xem chữ viết là đích đến. Hoàn cảnh kể chuyện được xem là yếu tố để lí giải chứ không phải là yếu tố tham gia vào câu chuyện. Điều quan trọng là các cách ghi chép đều xuất phát từ ý định mang tính chủ quan.
Hướng tiếp cận bối cảnh có những cách thức ghi chép tương đối khác so với hướng tiếp cận lấy văn bản làm trung tâm. Vì đối tượng nghiên cứu là một quá trình nên việc tham gia của người ghi chép vào trong hoàn cảnh thực tiễn được xem như là một nguyên tắc tối ưu. Tất cả những câu chuyện được kể phải được ghi lại một cách trực tiếp, giữ nguyên ngôn ngữ của người kể chuyện, không biên tập, không chỉnh sửa. Phần văn bản được ghi theo kiểu ghi chép điền dã với bố cục và hình thức trình bày riêng. Khi tiếp cận với các bản ghi chép này, những yếu tố mà nhiều nhà nghiên cứu folklore trên thế giới thường đề cập đến là:
1. Bối cảnh của câu chuyện được kể là gì và nguyên nhân nào gây ra tình trạng người ta muốn kể chuyện. Vì lấy giá trị thực tiễn, xem xét “công dụng xã hội” hay tính chất “dụng xã hội” [105, tr.620] của một câu chuyện kể làm mục tiêu hàng đầu nên hướng tiếp cận bối cảnh đặc biệt chú ý miêu tả các yếu tố làm phát sinh truyện kể. Người nghiên cứu có thể hỏi những người xung quanh về nguyên nhân nảy sinh câu chuyện hoặc tự mình, trong quá trình quan sát tham gia, suy đoán các tình huống làm nảy sinh câu chuyện được kể. Vì vậy, việc ghi chép lại bối cảnh rộng lớn của nhiều câu chuyện văn
hóa gắn liền với tình huống nảy sinh câu chuyện được kể là một việc làm cần thiết. Từ kết quả ghi chép này, giá trị của phần lớn câu chuyện đã được xác định. Nếu so với cách tiếp cận liên ngành, tiếp cận tổng thể, tiếp cận hệ thống
- vốn lấy văn bản hoặc hệ thống văn bản làm cơ sở để đối chiếu, liên kết với các ngành khoa học có liên quan nhằm giải thích ý nghĩa của văn bản - thì hướng tiếp cận bối cảnh không lấy văn bản làm mục tiêu mà lấy quá trình kể chuyện làm đối tượng chính. Nếu ở các hướng tiếp cận trước đó, các yếu tố dân tộc học, bối cảnh văn hóa, tình huống kể chuyện, không gian thời gian diễn ra câu chuyện là cơ sở để giúp cho nhà nghiên cứu tìm hiểu các motif hay type truyện thì hướng tiếp cận này sẽ lấy những chi tiết từ quan sát tham gia của người nghiên cứu về thái độ, tâm lí, hành động của người kể trong sự tương tác với người nghe làm cơ sở để luận giải. Hành động diễn xướng được nghiên cứu ngang hàng với nội dung thông tin được chuyển tải.
2. Quá trình kể chuyện và sự tương tác giữa các yếu tố tham gia kể chuyện có tác động đến kết cấu, chi tiết và ý nghĩa của câu chuyện. Thái độ của người kể, tình trạng tâm lí và cách ứng phó khi có sự phản hồi của người nghe, những thương thảo, lượt lời, các phương châm hội thoại, vị thế của người kể, bản sắc xã hội (sự đóng vai, hóa thân) của các vai tham gia quá trình kể chuyện, … là những yếu tố sẽ được chú trọng trong quá trình diễn xướng. Không phải bản thân các type hay motif của truyện kể có nghĩa tự thân hoặc do người nghiên cứu phát hiện mà quá trình đối thoại trong kể chuyện mới nảy sinh khả năng kiến tạo ý nghĩa tác phẩm trong cảm hứng của cộng đồng. Dưới góc nhìn này, việc ghi lại lời kể phải chấp nhận những yếu tố ngoài câu chuyện được kể. Có thể một truyện kể chỉ là một phần nhỏ trong tổng thể của nhiều hoạt động rộng hơn câu chuyện đó nhiều lần. Bối cảnh ấy có khi là một tình huống tình cờ trong đời sống hằng ngày nhưng cũng có khi là một lễ hội, có khi là một đám cưới, đám tang, hay một lễ cúng tế thần linh.
Trong những sự kiện ấy, truyện kể hiện ra như một phần quy ước có thể tham gia vào một tiết mục của lễ hội hoặc là một phông nền có khả năng giải thích cho những nghi lễ được thực hành. Trong hướng tiếp cận liên ngành hay hướng tiếp cận tổng thể khi nghiên cứu folklore, bối cảnh được xem như yếu tố ngoài văn bản và không có tính “trực tiếp” khi nghiên cứu. Nghĩa là người ta không thể mang văn bản truyện dân gian xuất phát từ một lễ hội đi vào ngồi trong không khí lễ hội ấy để tìm thấy ý nghĩa. Về vấn đề này, Chu Xuân Diên đã phân tích thật rò khi bàn đến việc nghiên cứu thi pháp VHDG lấy văn bản làm sơ sở. Ông thừa nhận trong điều kiện bình thường, việc lấy văn bản làm đối tượng nghiên cứu là việc làm hợp lí nhưng cần phải hết sức coi trọng những gì ngoài văn bản, vì nếu không lưu ý đến những yếu tố đó thì có những thứ không thể lí giải thỏa đáng. Cụ thể hơn, nghiên cứu ngữ văn giúp cho ta tìm hiểu được cấu tạo, tổ chức tác phẩm VHDG dưới góc độ ngôn từ, còn để lí giải nó, phải cần đến dân tộc học. Tuy nhiên hiểu cho đúng, bối cảnh ngoài văn bản không thể xem chỉ là yếu tố phục vụ cho nghiên cứu và tham chiếu khi lí giải mà trong xâu xa nó chính là một phần của văn bản. Có điều:
Giá trị của những yếu tố ngoài văn bản không phải chúng là những yếu tố ghép thêm vào, …, mà chính là ở chỗ chúng bằng nhiều cách biến dạng thành những đặc điểm cấu trúc bên trong của văn bản VHDG [22, tr.110].
3. Nếu như trong hướng tiếp cận hệ thống đối với VHDG, nhà nghiên cứu phải dựa vào văn bản có được nhằm xem xét toàn bộ hệ thống các thể loại, các dị bản của một tác phẩm, các motif và type truyện để rút ra yếu tố tương đồng và dị biệt thì trong hướng tiếp cận bối cảnh đối với truyện dân gian, người điền dã không thể làm được công việc như vậy. Một bối cảnh cụ thể nào đó chỉ chứa đựng vài yếu tố có thể nảy sinh một vài truyện dân gian chứ không có khả năng diễn ra tất cả các thể loại. Trong mỗi câu chuyện được
kể, ý nghĩa và giá trị của nó gắn liền với tình huống nảy sinh cụ thể của một cộng đồng được xác định. Do đó, nghiên cứu truyện dân gian trong bối cảnh không thể thực hiện như kiểu tiếp cận hệ thống mà là dạng nghiên cứu trường hợp (case study). Barbara Krishenblatt-Gimblett [105] đã lí giải tính khoa học của cách tiếp cận này đại ý như sau: Trong một tình huống nhất định thì những câu chuyện trước đó, vốn cũng tác động đến không khí cho câu chuyện đang kể, không được nêu ra; đồng thời cùng một bối cảnh sẽ có rất nhiều câu chuyện khác có khả năng được kể với cùng một chức năng nhưng không xuất hiện. Do đó, một câu chuyện tuy rằng đơn lẻ nhưng tính chất đại diện của nó thực hiện chức năng trong một bối cảnh nhất định là rất cao. Vì vậy, tính chất khoa học của việc nghiên cứu VHDG trong bối cảnh nằm ở hệ thống lí luận của nhân học văn hóa và ngôn ngữ học xã hội chứ không chỉ nằm ở hệ thống lí luận ngữ văn học.
Trên đây là những vấn đề có tính nguyên tắc về sự thay đổi hướng tiếp cận và thu thập, ghi nhận thông tin từ văn bản sang bối cảnh. Những vấn đề về kĩ thuật và phương pháp cụ thể sẽ được xây dựng kĩ hơn ở chương 3. Một khía cạnh cần quan tâm trong phần định hướng là khi đã thay đổi cách thu thập dữ liệu nghĩa là cũng cần phải thay đổi trong cách phân loại và lí giải.
1.3.2. Sự thay đổi trong nghiên cứu thể loại
Thể loại là một phạm trù được xem là tất yếu trong nghiên cứu folklore truyền thống. Đối với hướng tiếp cận bối cảnh trong nghiên cứu VHDG, vấn đề thể loại được quan niệm như sau:
Nếu như các nhà folklore học Nga và Châu Âu có khuynh hướng nghiêng về giá trị thẩm mĩ qua văn bản thì các nhà folklore Hoa Kì có chủ trương hướng về đời sống thực tại của tác phẩm. Khác với V. Propp, để giải quyết vấn đề phân loại trong khi nghiên cứu văn học dân gian các tộc người,
Dan Ben-Amos và Richard Bauman đều có bài viết về “thể loại” [104] với kì vọng hướng tới một quan niệm về phân loại dựa trên bối cảnh diễn xướng. Trong đó, các nhà khoa học thống nhất rằng: không xem thể loại như là cái gì có sẵn đã hoàn chỉnh mà là những yếu tố được nảy sinh từ thực tế giao tiếp, trong quan niệm đó, thể loại như một hình thức diễn ngôn. Mỗi thể loại có một nhóm các đặc điểm tu từ, từ vựng hướng về hiện thực theo một cách hiểu, cách hình dung riêng để hướng tới một hình thức đối thoại với người nghe. Và với tư cách là một hình thức diễn ngôn, thể loại được nhìn thấy trong nhiều yếu tố khác (giao tiếp, đàm thoại, diễn xướng) chứ không chỉ có văn bản. Do đó, hiệu quả và chất lượng của một thể loại folklore trong giao tiếp bị chi phối bởi: 1) yêu cầu của bản thân hình thức thể loại, 2) chức năng biểu hiện, tác động của folklore trong giao tiếp, 3) kì vọng về mặt xã hội của người nói. Ngoài ra, diễn xướng và đàm thoại là yếu tố bất biến đối với folklore còn khả biến là tương tác nói và nghe, giữa lời nói và cách trình bày. Với góc nhìn này, thể loại được xem là một khái niệm giao tiếp. Dan Ben Amos, trong bài viết Các phạm trù có tính phân tích và thể loại có tính tộc người [145, tr.38- 64], đã trình bày rất công phu về nghiên cứu thể loại folklore theo quan điểm tộc người. Quan điểm mang tính thực tiễn đó có thể được tóm tắt ở một số vấn đề như sau:
- Thứ nhất, hệ thống thể loại có tính tộc người là cách phân loại không có tính phản ánh thực tại, có ý nghĩa đối với cộng đồng và có giá trị tự thân trong giao tiếp của cộng đồng. Các nhà khoa học theo trường phái hình thức chỉ tập trung vào bản thể của các hình thức văn học và cho rằng sự phân loại bản địa (của các tộc người) không có tính thực tại khách quan. Hệ thống phân loại tộc người đó đầy chất định tính, chủ quan và thường chỉ là những gì có ý nghĩa đối với các thành viên của một cộng đồng cũng như có thể hướng dẫn cộng đồng ấy những hành động có tính quan hệ cá nhân và thực hành nghi lễ.