Nghiên Cứu Tác Động Của Dịch Vụ Ngân Hàng Điện Tử Đến Kết Quả Phi Tài Chính Của Ngân Hàng


NHĐT được thể hiện qua số lượng ngân hàng có website và có hoạt động ngân hàng qua Internet. Kết quả cho thấy Internet banking không có liên hệ nào với lợi nhuận ngân hàng nhưng cho thấy tác động tiêu cực đến danh mục tài sản rủi ro của NH, tức là sự xuất hiện của Internet banking đã không làm tăng danh mục rủi ro của NH mà còn có thể giúp giảm thiểu rủi ro hoạt động của NH. Ngoài ra, nhóm NH có ứng dụng Internet banking vẫn là những NH có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả và chất lượng tài sản tốt hơn nhiều nhóm NH chưa có ứng dụng Internet banking.

Tương tự, Rauf và Qiang (2014) đã đo lường tác động của dịch vụ NHĐT đối với hoạt động của các NHTM Pakistan, nơi hiệu suất được đo lường theo: ROA, ROE và lãi suất. Nghiên cứu cho thấy dịch vụ NHĐT có tác động dương đến tỷ suất lợi nhuận, ROA và ROE của những NH áp dụng gần đây trong khi đối với những NH đầu tiên triển khai mô hình NHĐT thì có ảnh hưởng tốt kể đến ROE và Margin nhưng ít ảnh hưởng đến ROA. Trên cơ sở các phát hiện, nghiên cứu khẳng định các ngân hàng có thể coi e-banking là một chiến lược hiệu quả tiết kiệm chi phí để cạnh tranh với các NH trong và ngoài nước khi được giám sát và kiểm soát tốt các rủi ro liên quan. Có kết quả tương đồng, Karimzadeh và cộng sự (2014) đã điều tra tác động của dịch vụ NHĐT đến lợi nhuận của ngân hàng ở Iran. Bằng cách sử dụng dữ liệu hàng quý trong giai đoạn 2004 - 2012, các tác giả kết luận việc mở rộng và phát triển dịch vụ NHĐT có mối liên hệ tích cực đáng kể đến lợi nhuận, được đo bằng ROA của các NH.

Một số nghiên cứu cụ thể hơn về tác động của các kênh phân phối dịch vụ NHĐT (ATM, POS, phone banking, mobile banking…) đến lợi nhuận kinh doanh ngân hàng đã được thực hiện. Nader (2011) trong nghiên cứu của mình cũng đã phân tích các nhân tố có ảnh hưởng đến thu nhập, lợi nhuận của các NHTM Ả Rập Saudi trong giai đoạn 1998- 2007 với kết quả nghiên cứu cho biết tính sẵn có của ngân hàng qua điện thoại (phone banking), số máy ATM và số lượng chi nhánh có tác động tốt đến kết quả lợi nhuận của các NH Ả Rập Saudi. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy rằng số điểm thiết bị đầu cuối (POS), tính khả dụng PC banking và mobile banking không cải thiện hiệu quả lợi nhuận ngân hàng. Nghiên cứu các quốc gia


khác nhau, Sadr (2013) đã thực hiện một nghiên cứu xuyên quốc gia của 4 ngân hàng tại các quốc gia châu Á được chọn. Thông qua việc kiểm tra các biến số đặc trưng của NH và đánh giá các yếu tố kinh tế vĩ mô, tác giả sử dụng mô hình OLS được sửa đổi cho kết quả NHĐT đã góp phần cải thiện ROE với độ trễ thời gian là 3 năm trong khi tác động tiêu cực được nhận thấy trong một năm bị trì hoãn.

Nghiên cứu sau này của Akhisar et al (2015) trên 23 quốc gia phát triển và đang phát triển điều tra các tác động đến hiệu suất sinh lời của ngân hàng bởi các dịch vụ ngân hàng dựa trên điện tử từ năm 2005 đến năm 2013, bằng các phương pháp dữ liệu bảng động. Các biến số độc lập như CARD (tổng số thẻ ngân hàng (thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, v.v.), số thiết bị đầu cuối POS hiện có và tỷ lệ (ATM/ chi nhánh) để đại diện cho hoạt động cung ứng dịch vụ NHĐT.Kết quả chứng minh rằng: số lượng POS và quy mô KH đăng ký và sử dụng Internet Banking được xác định là có tác động tiêu cực đến lợi nhuận NH trong khi số lượng các thẻ NH phát hành các loại thẻ (thẻ credit, thẻ debit, vv) và tỷ lệ của máy ATM/chi nhánh đem lại tác động tích cực. Kết quả này có thể lý giải bởi có sự khác biệt trong cơ sở hạ tầng NHĐT và đặc điểm kinh tế chính trị, văn hóa xã hội có liên quan tới hành vi của KH tại mỗi quốc gia. Hầu như ở mỗi quốc gia, KH quen thuộc nhất với các ứng dụng NHĐT như máy ATM và từ đó giảm chi phí hoạt động đối với chi nhánh văn phòng. Kết quả cho thấy các loại hình NHĐT ở mức độ nào, sơ khai hay phát triển và đều có ảnh hưởng đến hiệu suất ngân hàng đáng kể khi xét đến kết quả chung có được.

Nghiên cứu gần đây của Yang và Li (2018), điều tra kết quả hoạt động của các ngân hàng Trung Quốc sau khi áp dụng đầy đủ hệ thống ngân hàng điện tử, đặc biệt đối với chỉ tiêu về lợi nhuận và hiệu quả chi phí. Dịch vụ NHĐT được thể hiện qua sự xâm nhập của Interet banking vào hoạt động ngân hàng, với dữ liệu được thu thập so sánh giữa giai đoạn phát triển và giai đoạn đã phát triển dịch vụ NHĐT ở Trung Quốc. Nghiên cứu có ý nghĩa cấp thiết hơn với sự phát triển của ngân hàng điện tử và internet vì sự thâm nhập ngày càng tăng của ngân hàng điện tử đã thay đổi cách thức hoạt động ngân hàng ở Trung Quốc và toàn cầu. Hiệu quả hoạt động


của NH được đo lường dựa trên ROA, ROE, tỷ suất lợi nhuận hoạt động (OM), tỷ suất lợi nhuận ròng (NIM). Với dữ liệu thứ cấp thu thập được từ các ngân hàng Trung Quốc giai đoạn 2003-2013, hiệu suất đạt được khác nhau được ghi nhận và so sánh ở giai đoạn phát triển và giai đoạn đã phát triển của e-banking ở Trung Quốc. Nghiên cứu tiết lộ rằng e-banking có thể cải thiện hiệu suất ngân hàng Trung Quốc về ROA, ROE và OM. Ngược lại, e-banking có tác động nhẹ đến ngân hàng Trung Quốc hiệu suất so với NIM .

Tổng kết lại về tác động của dịch vụ NHĐT đến kết quả tài chính của các ngân hàng

Thông qua kết quả nghiên cứu được thực hiện ở các quốc gia phát triển và đang phát triển, có thể thấy các nghiên cứu có kết quả nghiên cứu khác nhau phụ thuộc vào trình độ phát triển nền kinh tế, đặc trưng hoạt động ngân hàng ở mỗi quốc gia, thời gian ứng dụng công nghệ vào dịch vụ ngân hàng và các yếu tố liên quan đến hành vi của khách hàng. Hầu hết các nghiên cứu sử dụng phương pháp ước lượng mô hình hồi quy để đánh giá tác động của dịch vụ ngân hàng điện tử, ngân hàng qua mạng đến kết quả hoạt động của ngân hàng. Các biến phụ thuộc đại diện cho kết quả hoạt động ngân hàng được sử dụng nhiều nhất là ROA, ROE và NIM của ngân hàng; bên cạnh đó các biến độc lập đại diện cho dịch vụ ngân hàng điện tử là biến Internet banking, Mobile banking, Website ngân hàng, số cây ATM, POS, Chi nhánh ngân hàng và Thẻ ngân hàng.

Tổng hợp kết quả nghiên cứu cho thấy: Ở giai đoạn đầu phát triển, dịch vụ NHĐT có tác động tiêu cực đến kết quả hoạt động ngân hàng đặc biệt ở các quốc gia đang phát triển khi nền kinh tế chưa hấp thụ được hết lợi ích của công nghệ tài chính. Ở các quốc gia phát triển hơn, dịch vụ NHĐT đã đạt sự ổn định trong tăng trưởng, đem lại những ảnh hưởng tích cực đến hoạt động ngân hàng, gia tăng các kết quả tài chính của ngân hàng. Có thể thấy các nghiên cứu có điểm chung đó là ảnh hưởng của dịch vụ NHĐT đến KQHĐ thay đổi đáng kể qua thời gian.


Bảng 1.1. Tổng quan một số kết quả nghiên cứu chính


STT

Kết quả nghiên cứu

Các nghiên cứu của tác giả

1

Dịch vụ NHĐT có tác động tích cực đến kết quả hoạt động ngân hàng sau một thời gian áp dụng

Hasan et al. (2002), Kagan et al. (2005), DeYoung (2005, 2007), Delgado et al. (2004, 2007); Agboola (2006); Hernando, I. và Nieto, M. J., (2007); Rahman (2007); Onay, Ozsoz và Helvacioglu (2008); Nader (2011); Josiah và Nancy (2012); Oyewole et al. (2013); Onay và Ozsoz (2013); Rauf và Qiang (2014); Karimzadeh và cộng sự (2014); Dinh Van (2015); Siddik và cộng sự (2016); Yang

và Li (2018).

2

Dịch vụ NHĐT không có tác động đáng kể đến kết quả hoạt động

ngân hàng

Egland et al. (1998), Sullivan (2000); Sathye (2005); Malhotra và Singh (2009); Mohammad và Saad (2011); Khrawish, A.H. và Al-Sa'di, N.M

(2011).

3

Dịch vụ NHĐT có tác động tiêu cực đến kết quả hoạt động ngân

hàng khi mới áp dụng

Siam (2006); Onay, Ozsoz và Helvacioglu (2008); Al-Smadi và Al-Wabel (2011); Sadr (2013); Oyewole et al. (2013); Akhisar et al (2015); Siddik

và cộng sự (2016)

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 226 trang tài liệu này.

Nghiên cứu tác động của dịch vụ ngân hàng điện tử đến kết quả hoạt động của các ngân hàng thương mại Việt Nam - 4

Nguồn: Tác giả tổng hợp

1.1.2. Nghiên cứu tác động của dịch vụ ngân hàng điện tử đến kết quả phi tài chính của ngân hàng

Các nghiên cứu thực nghiệm hiện nay hầu hết là nghiên cứu định lượng (quantative analysis), chú trọng đến tác động của dịch vụ NHĐT đến chỉ tiêu lợi nhuận của ngân hàng, chưa có nhiều nghiên cứu định tính (qualitative analysis) để đánh giá tác động của dịch vụ NHĐT đến các chỉ tiêu phi tài chính này. Các kết quả phi tài chính của ngân hàng có thể kể đến như: Mở rộng quy mô mạng lưới khách hàng; Tăng cường năng suất lao động; Gia tăng uy tín, thương hiệu hình ảnh của ngân hàng; Đa dạng danh mục SP - DV, Đổi mới quy trình hoạt động vận hành và cơ cấu tổ chức nhân sự.


Nghiên cứu của Summa et al (2011) khảo sát các nhà quản lý của 13 NH Pakistan, cho kết quả: Dịch vụ NHĐT đã thay đổi môi trường kinh doanh của các ngân hàng. Các giao dịch ngân hàng thủ công, văn hóa lưu trữ sổ cái và nhật ký giao dịch đã giảm mạnh do sự ra đời của ứng dụng điện tử. Ngoài ra, dịch vụ NHĐT được khẳng định giúp các NH mở rộng thị trường, gia tăng sức cạnh tranh, tăng cường chất lượng quan hệ KH và gia tăng sự trung thành của KH hiện có.

Một nghiên cứu nữa của Okiro và Ndungu (2013) nghiên cứu tác động của dịch vụ mobile banking và internet banking đến hoạt động của các tổ chức, công ty tài chính tại Kenya thông qua khảo sát 30 tổ chức tài chính cho kết quả: Các dịch vụ Internet banking phổ biến nhất mới chỉ là tìm hiểu thông tin về giá sản phẩm và việc sử dụng thẻ tín dụng trực tuyến. Kể từ khi được giới thiệu vào giữa năm 2005, việc áp dụng Internet banking vẫn còn chậm do không có sẵn cơ sở hạ tầng và thiếu văn bản pháp luật hỗ trợ cho NH trực tuyến. Tuy nhiên việc áp dụng NH trực tuyến đã tăng cường hiệu quả hoạt động của ngành NH do tăng hiệu quả và năng suất hoạt động của NH. Kết quả chỉ ra 66,7% và 80% người được khảo sát cho rằng Internet banking và mobile banking có ảnh hưởng tốt đến hiệu quả hoạt động ngân hàng.

Ngoài ra, nghiên cứu của DeYoung et al (2007) chỉ ra việc áp dụng kênh phân phối trực tuyến có ít tác động đến thành phần danh mục cho vay của NH mà chỉ có tác động tích cực đến tăng cường cho vay thẻ tín dụng, chính xác là loại khoản vay giao dịch dễ dàng nhất có thể phân phối qua Internet. Tuy nhiên, việc áp dụng giao dịch trực tuyến dẫn đến sự thay đổi đáng kể từ nguồn vốn tiền gửi không kỳ hạn, tài khoản thanh toán (deposit account, checking account) sang các tài khoản tiền gửi của thị trường tiền tệ (market money deposit account). Sự thay đổi này cho thấy thanh toán qua phương tiện điện tử và các hình thức thanh toán trực tuyến khác của các trang web NH có tác động đáng kể đến thực tiễn hoạt động NH bán lẻ.

Theo Nidhi (2016), khoảng 40% dân số ở Ấn Độ chưa tiếp cận được các dịch vụ ngân hàng truyền thống, mật độ bố trí các máy ATM khi xâm nhập vào các khu vực nông thôn cũng không phải là cao với chỉ 40 máy ATM trên 1 triệu người dân ở Ấn Độ. Kể từ khi dịch vụ NHĐT phát triển như một nền tảng ứng dụng số cho


những đổi mới trong tương lai có thể mang lại lợi ích kinh tế xã hội lâu dài cho Ấn Độ, giúp hiện thực hóa giấc mơ của Chính phủ Ấn Độ, đó là mỗi một người dân Ấn Độ đều có một tài khoản ngân hàng; và hiện thực chúng minh rằng dịch vụ NHĐT giờ đã là nhu cầu không thể thiếu ở Ấn Độ ngày nay. Đây là một kết quả có lợi cho tất cả các bên liên quan, trong đó các NH dần thay đổi tổ chức để vận hành các dịch vụ NHĐT có thể tiếp cận đến các vùng sâu vùng xa mà không phải chịu các chi phí lớn so với việc mở chi nhánh.

Bello và Dogarawa (2005) cũng đã kiểm tra và đánh giá tác động của dịch vụ NHĐT đối với sự hài lòng của khách hàng trong hệ thống ngành ngân hàng ở Nigeria. Nghiên cứu của họ phát hiện ra rằng nhiều khách hàng của NH tại Nigeria nhận thức đầy đủ về những phát triển tích cực trong CNTT và viễn thông dẫn đến việc sử dụng các ứng dụng của mô hình NHĐT như là các kênh giao dịch mới cho các sản phẩm và dịch vụ của các NHTM Nigeria. Mục đích của việc triển khai mô hình NHĐT là để đáp ứng và làm cho KH hài lòng. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cho thấy KH hiện tại sử dụng dịch vụ NHĐT vẫn chưa hài lòng với chất lượng và hiệu quả của dịch vụ. Nhận thức và phản ứng của KH đối với những phát triển này là vấn đề quan tâm của cả Chính phủ và ngành ngân hàng.

Từ những nghiên cứu trên có thể thấy, dịch vụ NHĐT không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình lợi nhuận của ngân hàng thông qua các kết quả tài chính mà còn giúp ngân hàng tăng năng suất lao động, phát triển được mạng lưới khách hàng không chỉ ở đô thị mà còn trải rộng đến các vùng nông thôn, từ đó quảng bá thương hiệu của ngân hàng, gia tăng uy tín ngân hàng. Tuy nhiên đi đôi với phát triển CNTT, ngân hàng cần chú trọng về cải thiện chất lượng dịch vụ NHĐT cung cấp để gia tăng trải nghiệm hài lòng cho khách hàng.

1.2. Tình hình nghiên cứu ở Việt Nam

Số lượng các nghiên cứu về dịch vụ NHĐT tại Việt Nam còn hạn chế so với các nghiên cứu về vấn đề khác trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, đặc biệt có rất ít nghiên cứu nghiên cứu tác động của dịch vụ NHĐT đến KQHĐ của ngân hàng.


Nghiên cứu điển hình nhất và cũng là duy nhất cho đến hiện tại mà nghiên cứu sinh tìm hiểu được có cùng chủ đề nghiên cứu đó là bài báo khoa học của Dinh Van (2015), “Measuring the Impacts of Internet banking to Bank performance: Evidence from Vietnam” trên Tạp chí thương mại điện tử và Internet banking. Nghiên cứu đã sử dụng mô hình định lượng để đánh giá tác động của dịch vụ Internet banking tới kết quả hoạt động của các ngân hàng ở Việt Nam, trong các năm từ 2009 đến 2014.

Ở mô hình này, Internet banking được tác giả đưa vào mô hình là biến giả (dummy variable) do không thể lượng hóa được, biến phụ thuộc là các chỉ tiêu tài chính như ROA, ROE, chi phí hoạt động và thu nhập ngoài lãi của ngân hàng. Kết quả cho thấy Internet banking có tác động tích cực đến thu nhập ngoài lãi, từ đó tác động đến lợi nhuận của NH với độ trễ là 3 năm và ở mức độ rất nhỏ. Nghiên cứu cũng khẳng định chưa có mối liên hệ nào giữa internet banking và chi phí hoạt động của ngân hàng. Tuy nhiên nghiên cứu mới chỉ dừng lại ở nghiên cứu định lượng với sử dụng biến giả đối với Internet banking. Như vậy chưa thể thấy được bức tranh tổng quát về tác động của dịch vụ NHĐT đến KQHĐ vì dịch vụ NHĐT được cung cấp thông qua nhiều kênh phân phối như ATM, POS, Internet và Mobile banking với những kết quả ứng dụng khác nhau cần có những số liệu lượng hóa cụ thể và cần áp dụng thêm các PPNC định tính khác như phỏng vấn sâu chuyên gia để làm tăng tính chính xác của kết quả nghiên cứu.

Một số nghiên cứu khác có cùng đối tượng nghiên cứu là dịch vụ NHĐT, dịch vụ thanh toán thẻ, TTKDTM như:

- Luận án tiến sỹ (LATS) của NCS Phạm Thu Hương (2012) “Phát triển dịch vụ NHĐT tại Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế 2012”, Đại học ngoại thương;

- Nghiên cứu của Phạm Long (2012): “Xây dựng mô hình về chất lượng dịch vụ NHĐT tại Việt Nam” trong Kỷ yếu Hội thảo Kinh doanh hàng năm lần 2, Đại học Sam Houston State;


- Nghiên cứu của Trương Thị Vân Anh và Lê Văn Huy (2008): “Mô hình nghiên cứu chấp nhận E-Banking tại Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu kinh tế, Số 362, 07/2008;

- LATS của Trần Đức Thắng (2016): “Nghiên cứu mối quan hệ giữa chất lượng dịch vụ NHĐT với mức độ thỏa mãn và mức độ trung thành của KH ở Việt Nam", Đại học KTQD;

- LATS của Nguyễn Danh Lương (2003): “Những giải pháp nhằm phát triển hình thức thanh toán thẻ ở Việt Nam”, Học viện ngân hàng và;

- LATS của Trịnh Thanh Huyền (2012): Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt qua NHTM ở Việt Nam, Học viện tài chính.

Nhìn chung, các nghiên cứu về dịch vụ NHĐT ở Việt Nam đã hệ thống được cơ sở lý luận về dịch vụ NHĐT, đặc điểm và phân loại SP - DV NHĐT. Các nghiên cứu chủ yếu đánh giá sự phát triển và phân tích các nhân tố tác động đến sự phát triển của dịch vụ NHĐT tại Việt Nam, tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến sự chấp nhận dịch vụ NHĐT của khách hàng tại các ngân hàng Việt Nam.

1.3. Khoảng trống nghiên cứu:

Cho đến thời điểm hiện tại, trong phạm vi tìm hiểu của nghiên cứu sinh, rất ít tài liệu nghiên cứu và phân tích tác động của dịch vụ NHĐT đến KQHĐ của NHTM tại Việt Nam. Trong các nghiên cứu trên thế giới cũng như Việt Nam, không có nhiều các nghiên cứu kết hợp đầy đủ PPNC định lượng và định tính mà chủ yếu là nghiên cứu định lượng hoặc nghiên cứu định tính.

Bên cạnh đó, các nghiên cứu với các kết quả khác nhau khi đánh giá tác động của dịch vụ NHĐT đến KQHĐ các ngân hàng. Phụ thuộc vào đặc điểm từng ngân hàng, lịch sử và sự phát triển dịch vụ NHĐT cùng với môi trường chính trị kinh tế của mỗi quốc gia mà tác động của dịch vụ NHĐT đến KQHĐ ngân hàng được xác định tích cực hay tiêu cực, có hay không có tác động. Hơn nữa, các đề tài nghiên cứu nước ngoài cũng như Việt Nam chủ yếu tập trung vào tác động của NHĐT đến kết quả tài chính của ngân hàng thông qua các chỉ tiêu về lợi nhuận mà

Xem tất cả 226 trang.

Ngày đăng: 24/11/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí