Phát Triển Cbt Gắn Với Tăng Trưởng Kinh Tế Cộng Đồng


Lĩnh vực

đánh giá


Lợi ích tiềm năng của CBT


Giáo dục

Thúc đẩy việc chuyển giao các kỹ năng làm việc

Tạo thêm những nghề mới trong làng bản

Khuyến khích sử dụng các kiến thức mới trong làng bản

Tăng cường sự giao lưu các nền văn hóa khác nhau - thúc đẩy tôn trọng lẫn nhau

Thúc đẩy sự tôn trọng kiến thức và kỹ năng của người dân địa phương


Chính trị

Cho phép sự tham gia của người dân địa phương

Tăng sức mạnh của cộng đồng

Đảm bảo quyền quản lý tài nguyên thiên nhiên trong cộng đồng


Sức khỏe

Nâng cao ý thức người dân về giữ gìn vệ sinh, đảm bảo sức khỏe cộng đồng

Số lượng lương thực thực phẩm cung cấp cho khách du lịch phong phú và đa dạng hơn, góp phần cải thiện tình trạng dinh dưỡng

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 233 trang tài liệu này.

Nghiên cứu một số nhân tố ảnh hưởng đến phát triển du lịch cộng đồng tiểu vùng Tây Bắc - 4

Nguồn: Tác giả tổng hợp từ REST, 2003; Tuffin, 2005

Việc tổng hợp những lợi ích tiềm năng của CBT có thể mang lại cho cộng đồng địa phương là những gợi mở rất quan trọng để tác giả kế thừa, vận dụng khi xây dựng các chỉ tiêu đánh giá sự phát triển CBT tại tiểu vùng Tây Bắc.

1.2. Nghiên cứu về phát triển du lịch cộng đồng

1.2.1. Quan điểm về phát triển trong nghiên cứu

Phát triển là một thuật ngữ được sử dụng trong nhiều lĩnh vực và được đo bằng những chỉ số khác nhau tùy theo lĩnh vực nghiên cứu. Theo Mason (1990), giai đoạn trước những năm 1970, quan niệm về phát triển thường được đo thông qua các chỉ tiêu kinh tế như tổng sản phẩm quốc dân, cơ cấu lao động, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế và sản xuất lương thực. Tuy nhiên, từ sau những năm 1970, quan niệm về phát triển đã có sự thay đổi không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà y tế và giáo dục cũng được xem là những yếu tố quan trọng trong phát triển cá nhân và sự phát triển của xã hội. Phát triển những nghiên cứu trước đây, Hicks và Streeten (1979) chỉ ra rằng trong giai đoạn trước chỉ số thu nhập bình quân đầu người được cho là thước đo tốt nhất đánh giá sự phát triển. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy sự phát triển kinh tế càng làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội, nghiên cứu đã điều chỉnh bổ sung thêm các chỉ tiêu liên quan đến việc đáp ứng các nhu cầu của con người. Do đó, các chỉ số xã hội khác như chỉ số phát triển con người (Human Development Index - HDI); chỉ số tự do của con người (Human


Freedom Index - HFI)… để đo lường sự phát triển của sức khỏe, dinh dưỡng, phân phối thu nhập và các khía cạnh khác của sự phát triển văn hóa, xã hội.

Trên thực tế, chưa có một khái niệm mang tính phổ quát về phát triển, theo Trần Tiến Dũng (2007, tr.8), “phát triển được hiểu là một quá trình tăng trưởng của nhiều yếu tố cấu thành khác nhau về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, khoa học - kỹ thuật…”. Mục tiêu của phát triển nhằm nâng cao điều kiện và chất lượng cuộc sống của con người, tạo lập một xã hội công bằng và bình đẳng giữa các thành viên.

Ủy ban thế giới về môi trường và phát triển (1987) (WCED: World Commission on Environment and Development) ủng hộ quan điểm cho rằng phát triển được coi là một quá trình thay đổi và cải tiến theo hướng tích cực, nó ảnh hưởng đến tất cả mọi người ở tất cả các quốc gia. Theo Todaro (1989), phát triển không chỉ là quá trình tăng trưởng kinh tế mà còn thể hiện toàn bộ sự thay đổi của hệ thống xã hội, điều chỉnh theo nhu cầu và mong muốn cơ bản đa dạng của các nhóm cá nhân và hệ thống xã hội đó, được coi là tốt hơn về mặt vật chất và tinh thần. Trong Báo cáo phát triển con người của UNDP (1990) thì phát triển là sự mở rộng các lựa chọn của con người để có một cuộc sống lâu dài, khỏe mạnh, tiếp thu kiến thức và tiếp cận với những nguồn lực cần thiết cho một mức sống tốt hơn.

Tổng hợp các quan điểm khác nhau, Ingham (1993) định nghĩa về sự phát triển là dựa trên cách hiểu ngày nay về những kinh nghiệm đã trải qua và mối quan tâm mới của chúng ta (Based on present-day interpretations of the old wisdoms and our newer concerns). Trên cơ sở đó, tác giả đã thảo luận về 9 nội dung của sự phát triển, gồm: (1) Sự tăng trưởng và phát triển trong bối cảnh lịch sử; (2) Phát triển như là sự thay đổi về cơ cấu; (3) Sự phát triển là quá trình hiện đại hóa; (4) Phát triển và sự thay đổi chính trị;

(5) Phát triển gắn với phân cấp và tham gia; (6) Phân phối lại nhu cầu cơ bản; (7) Phát triển là phát triển con người; (8) Phát triển bền vững và (9) Vấn đề đạo đức trong phát triển. Đây có thể coi là những nội dung cơ bản liên quan đến quan niệm về phát triển trong xã hội hiện tại, là những gợi mở quan trọng để tác giả vận dụng trong xây dựng các biến số, thước đo đánh giá sự phát triển CBT trong nghiên cứu.

Xét theo các bộ phận cấu thành, phát triển được xem là sự kết hợp một cách chặt chẽ quá trình hoàn thiện các vấn đề kinh tế và xã hội ở một khu vực cụ thể (Phạm Ngọc Linh, Nguyễn Thị Kim Dung, 2008; Nguyễn Ngọc Sơn, 2012), theo cách hiểu này, nội dung của phát triển có thể được khái quát theo bốn tiêu chí sau:

Thứ nhất, phát triển thể hiện quá trình biến đổi về lượng, như sự gia tăng về thu nhập và tiềm lực của nền kinh tế;

Thứ hai, phát triển thể hiện sự thay đổi về chất, bao gồm quá trình thay đổi cấu trúc bên trong các vấn đề kinh tế - xã hội (chuyển dịch cơ cấu) theo hướng tiến bộ, có khả năng phát huy tốt nhất hiệu quả sử dụng các nguồn lực sẵn có.


Thứ ba, phát triển gắn với thúc đẩy tiến bộ, công bằng xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo khả năng tiếp cận các nguồn lực, dịch vụ công cộng.

Thứ tư, phát triển phải dựa trên cơ sở khai thác, sử dụng hợp lý các nguồn lực tài nguyên tự nhiên, kiểm soát vấn đề ô nhiễm môi trường và phát triển các nguồn tài nguyên tái sinh.

Trong lĩnh vực du lịch, quan điểm phát triển không chỉ dừng ở những chỉ tiêu thông thường như sự gia tăng lượng khách tại điểm đến, thu nhập của những người kinh doanh du lịch… mà nhấn mạnh đến phát triển du lịch bền vững (Godfrey, P, 1996), tức là phát triển du lịch cần phải quan tâm dung hòa những mâu thuẫn liên quan đến lợi ích và mục tiêu cũng như việc phối hợp giữa các bên tham gia nhằm đáp ứng những mong muốn và lợi ích chung cho cộng đồng địa phương điểm đến, theo đó những lợi ích cá nhân sẽ bị hạn chế để tập trung vào những lợi ích chung và mục tiêu cho phát triển bền vững. Theo Saarinen (2006), quan niệm về phát triển bền vững trong du lịch bắt nguồn từ khái niệm phát triển bền vững được đề cập trong tác phẩm “tương lai chung của chúng ta” hay còn được gọi là báo cáo Brundtlant (WCED, 1987). Theo đó, du lịch bền vững là việc phát triển các hoạt động du lịch có suy tính đầy đủ đến những ảnh hưởng kinh tế, xã hội và môi trường cả trong hiện tại và tương lai, đến nhu cầu của khách du lịch, của ngành du lịch, của môi trường và sự phát triển các cộng đồng (UNWTO, 2005). David L. Edgel (2006) cho rằng, sự thành công của phát triển du lịch phụ thuộc vào việc duy trì sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế với bảo tồn văn hóa, tôn trọng cộng đồng và bảo vệ môi trường sinh thái. Tuy nhiên, một số học giả (Wheeler, 1993; Butler, 1999; Sharpley, 2000) lại cho rằng, không thể có được sự phát triển du lịch bền vững một cách tổng thể, thay vào đó, nó có thể được hình thành như một sự cân bằng thiết yếu giữa những thành tựu đạt được trong các lĩnh vực khác nhau. Theo quan điểm này, việc đạt được mục tiêu phát triển kinh tế thông qua phát triển du lịch, có thể phải đòi hỏi sự hy sinh của các yếu tố văn hóa, xã hội và môi trường ở các mức độ khác nhau.

Tổ chức du lịch Nam Úc (Tourism South Australia) (trích dẫn theo Hall, 1998), đưa ra quan niệm về phát triển du lịch như là sự tăng cường kinh nghiệm của du khách về các nguồn lực để thu được những lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường cho các cá nhân, Nhà nước, các nhà kinh doanh và cộng đồng. Trước đó, Pearce, D.G. (1989) đã chỉ ra phát triển du lịch không chỉ dừng ở những chỉ tiêu thông thường, mà còn bao gồm những mối liên kết phức tạp giữa các thành viên và quan hệ cung - cầu trên thị trường. Theo đó, năm cách khác nhau liên quan đến quan niệm phát triển, gồm: (1) Sự tăng trưởng về kinh tế;

(2) Quá trình hiện đại hóa; (3) Sự công bằng trong phân phối; (4) Quá trình chuyển đổi kinh tế - xã hội và (5) Tái tổ chức không gian.


Kế thừa những chỉ tiêu sử dụng đánh giá về chỉ số phát triển con người của UNDP, Basu (2001) đã xây dựng hệ thống chỉ số du lịch bền vững (Sustainable Tourism Index - STI) và nhấn mạnh rằng chỉ số du lịch bền vững có thể được sử dụng để đánh giá vai trò quan trọng trong phát triển tương lai của ngành du lịch theo quan điểm phát triển bền vững, chỉ số này bao gồm bốn chỉ tiêu sau:

Thứ nhất, những thành tựu về kinh tế, được phản ánh thông qua việc chi tiêu bình quân đầu người trong lĩnh vực du lịch, nó được xác định bằng tổng chi phí cho du lịch chia cho dân số của quốc gia hay khu vực;

Thứ hai, những điều kiện về môi trường, được đo bằng sự tồn tại các quy định ở những khu vực cần bảo vệ, số lượng các loài động, thực vật quý hiếm hay có nguy cơ tuyệt chủng; cường độ khai thác sử dụng điểm đến trong thời gian cao điểm (người/ha);

Thứ ba, tình trạng xã hội, được đo bằng tỷ lệ khách du lịch đến các địa phương (thời kỳ cao điểm và giai đoạn giai đoạn bình thường); số vụ tội phạm du lịch liên quan;

Thứ tư, tình trạng văn hóa, được đo bằng mức độ hài lòng của du khách tại các

điểm tham quan du lịch; mức độ hài lòng của người dân địa phương.

Daniela Drumbrăveanu (2006) trong cuốn “nguyên tắc và thực hành kế hoạch du lịch bền vững” (Principles and practice of sustainable tourism planning) đã chỉ ra những khác biệt trong phát triển du lịch bền vững và du lịch đại chúng, đồng thời tác giả hệ thống và đề xuất 6 nhóm nguyên tắc của của phát triển du lịch bền vững, gồm: (1) giảm thiểu tác động đến môi trường để đảm bảo sự bền vững về sinh thái; (2) giảm thiểu tác động tiêu cực đến cộng đồng địa phương để bảo đảm tính bền vững về xã hội; (3) giảm thiểu tác động tiêu cực đến văn hóa, truyền thống của các địa phương để bảo đảm sự bền vững về văn hóa; (4) tối đa hóa lợi ích kinh tế của các địa phương để có được sự bền vững về kinh tế; (5) thông tin, giáo dục nhận thức đến doanh nghiệp, du khách, chính quyền và người dân địa phương để cải thiện thái độ của các chủ thể đối với môi trường và giảm thiểu tác động tiêu cực từ hành vi của chủ thể đến môi trường, xã hội; (6) phát huy vai trò tham gia, kiểm soát của cộng đồng địa phương đối với các hoạt động du lịch ở điểm đến.

Tóm lại, mặc dù còn nhiều quan niệm khác nhau và chưa có một khái niệm nào mang tính phổ quát cho phát triển, điều quan trọng trong nghiên cứu này là làm rõ ý nghĩa của phát triển liên quan đến phát triển CBT. Tổng hợp những quan điểm nghiên cứu trước đây, tác giả tiếp cận quan điểm về phát triển trong nghiên cứu được hiểu là quá trình thay đổi về lượng và chất của các vấn đề kinh tế - xã hội, dựa trên cơ sở khai thác, sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên tự nhiên, kiểm soát vấn đề ô nhiễm môi trường và phát triển các nguồn tài nguyên tái sinh. Quan điểm này cũng phù hợp với xu hướng phát triển của ngành du lịch nói chung và tại Việt Nam nói riêng, Điều 3, Luật Du lịch


(2017) cũng chỉ rõ “Phát triển du lịch bền vững là sự phát triển du lịch đáp ứng đồng thời các yêu cầu về kinh tế - xã hội và môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch, không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch trong tương lai”.

1.2.2. Phát triển du lịch cộng đồng

Quan niệm về phát triển CBT được Jafari (2000) đề cập trong tác phẩm “Encyclopedia of Tourism”, theo đó: phát triển CBT là một quá trình phát triển kinh tế và xã hội dựa trên các sáng kiến của người dân địa phương. Tác giả cho rằng, phát triển du lịch có thể dẫn đến các vấn đề tích cực hay tiêu cực liên quan đến cộng đồng, nhưng việc quy hoạch và phát triển có thể góp phần bồi dưỡng, nâng cao nhận thức của người dân trong phân tích vấn đề, cơ hội cũng như việc đưa ra các quyết định của mình; đào tạo cho người dân biết cách quản lý, cung cấp nhiều hơn các sản phẩm, dịch vụ của cộng đồng có chất lượng tốt và tạo điều kiện cho các tổ chức cộng đồng phát triển cũng như tạo được sự gắn kết với nhau tốt hơn. Bùi Thị Hải Yến (2012) đề cập đến CBT như một phương thức phát triển du lịch bền vững, trong đó cộng đồng địa phương là những người trực tiếp tham gia trong các giai đoạn phát triển của hoạt động du lịch.Theo Wall và Mathieson (2006), để đánh giá sự phát triển CBT cần xem xét khả năng đáp ứng yêu cầu của khách du lịch tại các cơ sở kinh doanh; những tác động đến kinh tế, môi trường và phúc lợi xã hội cho cộng đồng địa phương.

Quan điểm phát triển CBT ở Việt Nam được đề cập lần đầu tiên tại Hội thảo chia sẻ bài học kinh nghiệm phát triển CBT năm 2003, tại Hà Nội (trích trong Võ Quế, 2006), theo đó phát triển CBT nhằm:

- Đảm bảo phát triển tài nguyên tự nhiên và tài nguyên văn hóa bền vững, cụ thể:

+ Phát triển CBT cân bằng với các tiêu chuẩn kinh tế, văn hóa - xã hội và môi trường;

+ Khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên tự nhiên và tài nguyên văn hóa;

+ Bảo vệ môi trường sinh thái và cảnh quan;

+ Bảo tồn, giữ gìn và phát triển các bản sắc văn hóa truyền thống bản địa, tôn trọng văn hóa địa phương, thúc đẩy các ngành nghề truyền thống;

+ Cần có sự tham sự tham gia của người dân địa phương nhằm nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái, vệ sinh trong cộng đồng, bản sắc văn hóa;

- Sở hữu thuộc về cộng đồng:

+ Cộng đồng là những người quản lý các tài nguyên du lịch, có phong cách, lối sống riêng cần được tôn trọng;

+ Cộng đồng có quyền sở hữu các nguồn tài nguyên và có quyền tham gia vào các hoạt động du lịch.


- Thu nhập có được do cộng đồng quản lý:

+ Những khoản lợi nhuận thu được từ hoạt động kinh doanh du lịch được chia sẻ cộng bằng cho cộng đồng;

+ Các khoản lợi nhuận và lợi ích kinh tế có được từ hoạt động kinh doanh du lịch được sử dụng để tái đầu tư cho địa phương ngoài phần hỗ trợ của Nhà nước.

- Nâng cao nhận thức của cộng đồng:

+ Cộng đồng nâng cao được trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bảo vệ môi trường và bảo tồn hệ sinh thái;

+ Nâng cao ý thức bảo vệ di sản văn hóa cộng đồng, chống các trào lưu du nhập, giao thoa văn hóa.

- Tăng cường quyền lực cho cộng đồng:

+ Các hoạt động kinh doanh phát triển CBT là do cộng đồng tổ chức, quản lý;

+ Cộng đồng dâ cư được quyền tự chủ, thực hiện các dịch vụ và quản lý phát triển du lịch.

- Tăng cường hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ và cơ quan quản lý Nhà nước:

+ Có sự hỗ trợ về kinh nghiệm và vốn đầu tư của các tổ chức phi chính phủ;

+ Được sự hỗ trợ về cở sở vật chất và ưu tiên về các chính sách cho cộng đồng trong việc phát triển du lịch và phát triển cộng đồng.

Như vậy, quan niệm về phát triển CBT xoay quanh các vấn đề về nâng cao nhận thức của người dân địa phương để họ có thể chủ động trong thảo luận, lập kế hoạch, đầu tư, thực hiện, quản lý và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ của cộng đồng cho phát triển du lịch. Qua đó góp phần cải thiện kinh tế của người dân địa phương, duy trì, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, phong tục tập quán truyền thống bản địa, nâng cao ý thức trong giữ gìn bảo vệ môi trường sống trong cộng đồng. Tổng hợp và kế thừa quan điểm của các nghiên cứu trước đây, trong phạm vi nghiên cứu, tác giả tiếp cận quan điểm về phát triển CBT là quá trình biến đổi về lượng và chất của các vấn đề kinh tế - xã hội theo hướng tiến bộ, dựa trên sáng kiến của người dân địa phương trong lĩnh vực du lịch, nâng cao nhận thức của người dân và khách du lịch trong bảo vệ môi trường tự nhiên cũng như đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của du khách, đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội ngày càng cao cho cộng đồng. Theo quan điểm này, việc đánh giá phát triển CBT gồm: (1) tăng trưởng kinh tế cộng đồng; (2) bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa - xã hội truyền thống cốt lõi của cộng đồng; (3) nâng cao nhận thức của người dân địa phương và khách du lịch trong bảo vệ môi trường sinh thái và (4) đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.


1.2.2.1. Phát triển CBT gắn với tăng trưởng kinh tế cộng đồng

Nhiều nghiên cứu đã ghi nhận những tác động tích cực của phát triển CBT gắn với quá trình tăng trưởng kinh tế cho cộng đồng địa phương, tạo thêm cơ hội việc làm, sinh kế trong lĩnh vực du lịch, góp phần tăng thu nhập cho người dân trong cộng đồng thông qua việc chi tiêu của khách du lịch khi đến thăm bản làng.

Xem xét quá trình biến đổi về lượng các vấn đề kinh tế trong phát triển CBT có thể kể đến như thu nhập của người dân được tăng lên thông qua những khoản chi tiêu của khách du lịch, giảm tỷ lệ đói nghèo, giảm thiểu việc di cư ra thành phố lớn tìm kiếm việc làm để có thêm thu nhập; cộng đồng có thêm nhiều nguồn thu từ thuế, phí và các khoản quỹ được trích ra từ hoạt động kinh doanh CBT (Andereck và cộng sự, 2005; Lai và Nepal, 2006; Lepp, 2007; Tasci và cộng sự, 2013) góp phần cải thiện cở sở hạ tầng, hỗ trợ trang thiết bị cở sở vật chất kỹ thuật, góp phần thay đổi diện mạo địa phương theo hướng tích cực (Phạm Hồng Long, Nguyễn Thị Thanh Kiều, 2019). Theo đó, các ngành nghề truyền thống của địa phương như nông nghiệp, công nghiệp nhẹ, thủ công mỹ nghệ, chế biến thực phẩm… cũng được quan tâm, phát triển, mở rộng theo hướng hiện đại hóa, tạo ra những sản phẩm có giá cao hơn do nhu cầu phát triển của thị trường địa phương (Nopparat Satarat, 2010).

Phát triển CBT gắn với tăng trưởng về chất các vấn đề kinh tế cũng được các học giả (Marsh, 1998; Neto, 2002; Tosun, 2002…) đề cập đến như sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong cộng đồng từ hoạt động nông, lâm, thủ công nghiệp sang dịch vụ du lịch, người dân được nâng cao kiến thức kinh doanh, kỹ năng quản lý và nhiều kinh nghiệm kinh doanh mới từ việc phát triển CBT…, chất lượng cuộc sống được nâng cao.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực của phát triển CBT gắn với quá trình phát triển kinh tế cộng đồng, nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra những tác động tiêu cực đến kinh tế địa phương như vấn đề tăng giá của đất đai, hàng hóa, dịch vụ (Garland, 1984); gánh nặng thuế cho người dân địa phương hay vấn đề rò rỉ kinh tế ra bên ngoài (Ashley và Roe, 1998; Mowforth và Munt, 2003). Ngoài ra, nghiên cứu của Akis và cộng sự, (1996) cũng chỉ ra rằng, nhiều người dân địa phương tham gia vào các hoạt động kinh doanh du lịch thường được sắp xếp, bố trí ở những công việc phổ thông và có vị trí thấp hơn so với nhân viên được tuyển từ bên ngoài cộng đồng. Thêm vào đó là vấn đề phân phối không đều những phúc lợi từ phát triển du lịch đối với người dân mà thường tập trung ở một nhóm nhỏ trong cộng đồng.

Trần Tiến Dũng (2007) không đo lường cụ thể những chỉ tiêu kinh tế khi đánh giá sự phát triển du lịch bền vững ở Phong Nha, Kẻ Bàng, nhưng nghiên cứu cũng đã chỉ ra bên cạnh những mặt tích cực của phát tiển du lịch như đóng góp cho kinh tế địa phương; tạo sinh kế và việc làm cho người dân trong lĩnh vực du lịch; góp phần giảm nghèo, nâng


cao thu nhập cho người dân thì phát triển du lịch cũng để lại một số hạn chế như chưa tạo việc làm, góp phần tăng thu nhập cho cộng đồng các dân tộc ít người; chưa tận dụng hết những lợi thế tài nguyên của địa phương cho phát triển kinh tế.

Tóm lại, việc đánh giá sự phát triển CBT gắn với tăng trưởng kinh tế cộng đồng thường được đo lường thông qua các chỉ tiêu như chi tiêu của khách du lịch; thu nhập của người dân, cộng đồng, việc làm, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong cộng đồng. Tác giả sẽ tiếp tục kế thừa những chỉ tiêu này, vận dụng đo lường với bối cảnh nghiên cứu của tiểu vùng Tây Bắc.

Tác giả tóm tắt những chỉ tiêu đánh giá phát triển CBT gắn với tăng trưởng kinh tế cộng đồng được các học giả đề cập trong nghiên cứu trước đây tại phụ lục 5.1.

1.2.2.2. Phát triển CBT gắn với phát triển văn hóa - xã hội

Nghiên cứu của nhiều học giả đã chỉ ra sự phát triển CBT gắn với các khía cạnh văn hóa - xã hội như: Các giá trị văn hóa, phong tục tập quán truyền thống của người dân được bảo tồn; Nâng cao năng lực của cộng đồng trong quản lý du lịch; Phát triển nguồn nhân lực và các kỹ năng của người dân. Một số nghiên cứu quan tâm đến phát triển CBT gắn với sự hợp tác, hỗ trợ của các cá nhân, tổ chức trong cộng đồng, tạo ra những cam kết cho mục tiêu chung của cộng đồng địa phương.

Vấn đề thứ nhất, liên quan đến bảo tồn các giá trị văn hóa, phong tục tập quán truyền thống, nghiên cứu của Akis và cộng sự (1996) chỉ ra rằng, sự phát triển CBT gắn với việc bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống cốt lõi/nguyên bản (authenticity) trước những áp lực của quá trình đô thị hóa như những ngôi nhà mang kiến trúc truyền thống, phong tục tập quán của người dân địa phương; cải thiện các dịch vụ xã hội, phương tiện giải trí và các hoạt động văn hóa trong cộng đồng thông qua các hoạt động giao lưu, trao đổi, triển lãm văn hóa, lịch sử. Tuy nhiên, Rosenow và Pulsipher (1979) cho rằng nếu phát triển du lịch với tốc độ nhanh nhưng quy hoạch và quản lý kém thì cộng đồng sẽ mất đi bản sắc văn hóa truyền thống.

Việc bảo tồn các di sản văn hóa là điều quan trọng không chỉ vì ý nghĩa lịch sử của nó, mà còn là tiềm năng trong việc góp phần tạo thêm thu nhập cho người dân địa phương. Điều này được chứng minh bởi sự thành công của một số dự án như Grampians và Gap Halls tại Victoria, Australia hay điểm du lịch Làng Kim Bồng (Hội An); Bản Lác (Mai Châu, Hòa Bình) (Bùi Thanh Hương và cộng sự, 2007), các dự án này đã nhấn mạnh đến việc tận dụng tối đa các nguồn lực địa phương trong phát triển du lịch như: sử dụng các nguồn nguyên liệu địa phương, lương thực thực phẩm, vật liệu xây dựng hay những kiến trúc, các giá trị văn hóa bản địa cũng như huy động tối đa nguồn nhân lực tại địa phương để phát triển du lịch.

Xem tất cả 233 trang.

Ngày đăng: 06/03/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí