Tổng Hợp Những Nghiên Cứu Về Các Bên Liên Quan Trong Phát Triển Cbt Tìm Thấy Trong Các Nghiên Cứu Trước Đây


(Rocharungsat, 2005). Do vậy, tác giả cho rằng trên cơ sở tổng hợp, kế thừa các nghiên cứu trước đây và mục đích nghiên cứu của luận án, cần xác định những nhân tố nào có ảnh hưởng đáng kể đến phát triển CBT của khu vực nghiên cứu.

Thứ ba, tại tiểu vùng Tây Bắc Việt Nam là những địa phương giàu tiềm năng phát triển loại hình CBT do sở hữu những tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch văn hóa gắn liền với sự sinh sống của nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số. Thời gian qua, loại hình CBT đã được một số học giả quan tâm nghiên cứu với nhiều công trình có giá trị như: Nghiên cứu xây dựng mô hình bản du lịch sinh thái cộng đồng tại xã Chiềng Yên (Mộc Châu) và xã Mường Do (Phù Yên) tỉnh Sơn La (Nguyễn Đình Phong, 2007); nghiên cứu, sưu tầm di sản văn hóa các dân tộc phục vụ phát triển du lịch huyện Mộc Châu (Nguyễn Anh Cường, 2009); tổ chức lãnh thổ du lịch Sơn La (Đỗ Thị Mùi, 2010); nghiên cứu tiềm năng du lịch sinh thái và nhân văn huyện Quỳnh Nhai (Viện Dân tộc học, 2012); Nghiên cứu các loại hình sử dụng đất nông nghiệp phục vụ phát triển du lịch ở huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên (Nguyễn Thị Kim Yến, 2015); giải pháp marketing địa phương nhằm phát triển du lịch bền vững tại tỉnh Sơn La (Hoàng Xuân Trọng, 2016); tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững ở vùng Tây Bắc - Thực trạng và giải pháp (Đỗ Thúy Mùi và cộng sự, 2016). Tuy nhiên, theo tổng hợp của tác giả, tiểu vùng Tây Bắc vẫn còn thiếu những nghiên cứu khám phá các nhân tố tác động ảnh hưởng đến quá trình triển khai và thực hiện mô hình CBT, góp phần khai thác những lợi thế tài nguyên du lịch của vùng (cả tài nguyên tự nhiên và tài nguyên văn hóa), cũng như để những người dân sinh sống tại địa phương không đứng ngoài tiến trình phát triển du lịch đó.

Tóm lại, trên cơ sở những đánh giá trên, tác giả thấy rằng cần thiết phải tiến hành nghiên cứu để:

- Xem xét điều chỉnh các quan điểm, tiêu chí đánh giá sự phát triển CBT tại tiểu vùng Tây Bắc, Việt Nam trên cơ sở kế thừa những nghiên cứu trước đây;

- Xác định những nhân tố ảnh hưởng đến phát triển CBT tại tiểu vùng Tây Bắc;

- Xác định thước đo phù hợp để đo mức độ ảnh hưởng của các nhân tố đến phát triển CBT tiểu vùng Tây Bắc trên cơ sở kế thừa những nghiên cứu trước đây;

- Kiểm định, đo lường, đánh giá mức độ tác động của các nhân tố đến phát triển CBT tại tiểu vùng Tây Bắc, Việt Nam;

Bên cạnh kết quả thực nghiệm trên, để có căn cứ đề xuất những khuyến nghị cho phát triển CBT mang tính khả thi, phù hợp với những đặc điểm riêng có của tiểu vùng Tây Bắc, Việt Nam, tác giả nhận thấy cần thiết phải khám phá những đặc trưng về tài nguyên du lịch tự nhiên; các giá trị văn hóa, phong tục tập quán truyền thống của người dân bản địa thông qua nghiên cứu định tính.


Tiểu kết chương 1


Trong chương 1, luận án đã trình bày được các nội dung sau:

Thứ nhất, hệ thống lại cơ sở lý luận và tổng quan những nghiên cứu trước đây liên quan đến cộng đồng, CBT, phát triển CBT, trên cơ sở đó, tác giả xem xét, kế thừa và điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh nghiên cứu của luận án.

Thứ hai, tổng hợp một số nhân tố ảnh hưởng đến phát triển CBT, cũng như các biến số, thước đo đánh giá mức độ ảnh hưởng của những nhân tố này trong phát triển CBT được tìm thấy trong các nghiên cứu trước đây ở các khu vực nghiên cứu khác nhau.

Thứ ba, xác định khoảng trống nghiên cứu và định hướng nghiên cứu của luận án.


CHƯƠNG 2:

CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ MÔ HÌNH NGHIÊN CỨU


2.1. Cơ sở lý thuyết liên quan đến nghiên cứu

Có nhiều lý thuyết được các học giả đề cập khi nghiên cứu về CBT như: Lý thuyết trao đổi xã hội; Lý thuyết vốn xã hội; Lý thuyết công bằng… Tuy nhiên, trong phạm vi nghiên cứu, tác giả cho rằng việc vận dụng các Lý thuyết phát triển bền vững; Lý thuyết các bên liên quan và Lý thuyết kỳ vọng là phù hợp để giải quyết các mục tiêu nghiên cứu của luận án đề ra trong bối cảnh tiểu vùng Tây Bắc, Việt Nam.

2.1.1. Lý thuyết phát triển bền vững

Quan điểm về phát triển bền vững đã được thảo luận trong rất nhiều nghiên cứu của các học giả ở các lĩnh vực khác nhau kể từ năm 1987, tại Hội nghị Ủy ban Thế giới về Môi trường và Phát triển (WCED) công bố báo cáo “Tương lai chung của chúng ta” (còn được gọi là Báo cáo Brundtlant), thuật ngữ “Phát triển bền vững” đã chính thức được sử dụng để đưa ra cách nhìn mới về việc hoạch định các chiến lược phát triển lâu bền. Hội nghị Thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc về môi trường và phát triển bền vững ở Rio de Janeiro (tháng 6/1992) đã thông qua chiến lược phát triển bền vững và khẳng định: Phát triển bền vững là phát triển kinh tế - xã hội lành mạnh, dựa trên việc sử dụng hợp lý tài nguyên và bền vững môi trường nhằm đáp ứng nhu cầu của con người hiện nay và không ảnh hưởng bất lợi đối với các thế hệ tương lai trong việc thỏa mãn nhu cầu của họ. Hội nghị cũng đã thống nhất những nguyên tắc cơ bản và phát triển một chương trình hành động vì sự phát triển bền vững (Chương trình nghị sự 21/Agenda 21). Từ sau Hội nghị này, nội hàm của “phát triển bền vững” không ngừng được bổ sung với phương pháp tư duy và cách tiếp cận mới, hệ thống, toàn diện, sâu rộng, có tầm nhìn xa hơn. Tuy nhiên, quan điểm về phát triển bền vững ít nhất bao gồm 3 yếu tố là: kinh tế (tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế); xã hội (tiến bộ, công bằng xã hội) và môi trường (khai thác hợp lý và bảo vệ tài nguyên, môi trường).

Tại Việt Nam, quan điểm về phát triển bền vững đã được tiếp cận nghiên cứu và từng bước vận dụng trong hoạch định chủ trương, chính sách phát triển từ đầu những năm 1990 và ngày càng được bổ sung, hoàn thiện. Năm 2004, Thủ tướng Chính phủ Quyết định ban hành Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam (Chương trình Nghị sự 21 của Việt Nam), trong đó đã đưa ra mục tiêu tổng quát và các nguyên tắc chính để phát triển bền vững. Những mục tiêu này tiếp tục được khẳng định và bổ sung trong chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 với nội dung


“Tăng cường bền vững, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ quốc gia”, trong đó cũng xác định ba nhóm định hướng ưu tiên tương ứng với ba khía cạnh của phát triển bền vững nêu trên.

Như vậy, có thể thấy trong các nghiên cứu cũng như các chương trình nghị sự của thế giới và Việt Nam, quan điểm phát triển bền vững ngày càng được bổ sung và tiến dần đến những nhận thức chung, đó là quá trình phát triển đạt được sự kết hợp hài hòa, hợp lý của tối thiểu ba khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường.

Trong lĩnh vực du lịch, lý thuyết phát triển bền vững được nhiều tổ chức, học giả nghiên cứu vận dụng từ đầu những năm 1990. UNWTO (1998) đã tán thành các nguyên tắc tiếp cận bền vững trong hoạt động CBT, theo đó, UNWTO đã bắt buộc tất cả các doanh nghiệp kinh doanh CBT phải tuân thủ nguyên tắc phát triển bền vững, đó là: đáp ứng nhu cầu của khách du lịch và cộng đồng điểm đến, đồng thời bảo vệ và tăng cường cơ hội cho tương lai, quản lý tất cả các nguồn lực, đáp ứng các nhu cầu về kinh tế, xã hội và thẩm mỹ, duy trì tính toàn vẹn về văn hóa, môi trường sinh thái, đa dạng sinh học và cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu của cuộc sống.

Quan điểm này cũng phù hợp với xu hướng phát triển của ngành du lịch Việt Nam, tại điều tại điều 3, Luật Du lịch (2017) cũng chỉ ra: “Phát triển du lịch bền vững là sự phát triển du lịch đáp ứng đồng thời các yêu cầu về kinh tế - xã hội và môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch, không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch trong tương lai”. Trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Tổng cục Du lịch (2012) đã chỉ rõ quan điểm phát triển du lịch bền vững phải “đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, góp phần tích cực trong việc bảo tồn, bảo vệ môi trường tự nhiên và xã hội, bản sắc văn hóa dân tộc”. Quan điểm này tiếp tục được khẳng định, bổ sung trong Quyết định “Phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030” của Thủ tướng Chính phủ (2020), theo đó, phát triển du lịch bền vững trên nền tảng tăng trưởng xanh là yêu cầu xuyên suốt Chiến lược, tối đa hóa sự đóng góp của du lịch cho các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc; gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy các giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc; quản lý, khai thác bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Nhiều học giả (Butler, 1993; Murphy, 1994; Mowforth và Munt, 1998) cũng đã ủng hộ quan điểm phát triển bền vững trong phát triển du lịch và cho rằng phát triển du


lịch bền vững “là quá trình phát triển được duy trì trong không gian và thời gian nhất định, sự phát triển đó không làm giảm khả năng thích ứng của con người trong khi vẫn có thể ngăn chặn những tác động tiêu cực tới sự phát triển lâu dài” (trích theo Lê Chí Công, 2013). Ngoài ra, Swarbrooke (1999) đề cập đến du lịch bền vững là du lịch có hiệu quả kinh tế, nhưng không phá hủy các tài nguyên mà tương lai của du lịch sẽ phụ thuộc vào, đặc biệt là môi trường tự nhiên và kết cấu xã hội của cộng đồng điểm đến. Inskeep (1991) lập luận rằng du lịch bền vững đáp ứng nhu cầu du lịch đại chúng và cộng đồng địa phương, đồng thời bảo vệ và tăng cường cơ hội cho tương lai. Burns & Soofileld (2001) cho rằng cộng đồng địa phương là yếu tố quan trọng cần xem xét khi đánh giá tính bền vững trong phát triển CBT. Theo các học giả, CBT là một ngành dịch vụ, đòi hỏi sự thiện chí và hợp tác của người dân địa phương. Sự hài lòng của khách du lịch sẽ tăng lên khi người dân địa phương ủng hộ và tự hào về các hoạt động du lịch của họ.

Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO, 2004) đã tổng hợp các tiêu chí du lịch bền vững từ đầu những năm 1990 và ban hành các tiêu chí phát triển bền vững cho các điểm du lịch. Một số vấn đề lớn được UNWTO quan tâm như việc quản lý tài nguyên thiên nhiên, kiểm soát phát triển, vấn đề thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch và cộng đồng chủ nhà, vấn đề bảo tồn các di sản văn hóa, tính thời vụ của du lịch và rò rỉ kinh tế địa phương… Các chỉ số này được xây dựng dựa trên sự tham gia đóng góp của 60 chuyên gia từ 20 quốc gia khác nhau trên thế giới. Theo UNEP (1999), phát triển du lịch bền vững cần đáp ứng những yêu cầu sau (trích theo UNEP, 2003):

- Tài nguyên du lịch (bao gồm cả tài nguyên du lịch tự nhiên, văn hóa, lịch sử và các tài nguyên khác) được bảo vệ theo một cách thức phù hợp để cho phép chúng được sử dụng trong tương lai, trong khi hiện tại vẫn đem lại lợi ích cho xã hội;

- Quy hoạch và quản lý phát triển du lịch được thực hiện theo phương thức phù hợp để tránh gây ra những vấn đề nghiêm trọng về sinh thái, văn hóa - xã hội trong khu vực có liên quan;

- Mức độ hài lòng của khách du lịch nên được duy trì để đảm bảo rằng những điểm đến tiếp tục thu hút và duy trì được tiềm năng thương mại của nó và du lịch đem lại lợi ích rộng rãi cho các thành viên trong xã hội.

Tóm lại, mặc dù còn những quan điểm khác nhau liên quan đến lý thuyết phát triển bền vững trong lĩnh vực du lịch nói chung và CBT nói riêng. Tổng hợp các quan


điểm, nghiên cứu của các học giả cho thấy, điểm mấu chốt của phát triển CBT bền vững cần đảm bảo bốn tiêu chí cơ bản, gồm:

Thứ nhất, đảm bảo tính bền vững về văn hóa - xã hội: Phát huy được những giá trị nguyên bản/cốt lõi về văn hóa - xã hội của người dân bản địa, bảo tồn các di sản văn hóa truyền thống của họ và tăng cường tăng cường sự giao lưu trao đổi văn hóa;

Thứ hai, đảm bảo tính bền vững về kinh tế: Đảm bảo tính khả thi trong phát triển kinh tế của cộng đồng địa phương trong thời gian dài, cũng như đem lại lợi ích kinh tế

- xã hội cho các bên liên quan, bao gồm: việc làm ổn định, có cơ hội tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo;

Thứ ba, đảm bảo tính bền vững về môi trường sinh thái: Phát triển du lịch bền vững cần phát huy tối ưu và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, môi trường sống và động vật hoang dã;

Thứ tư, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch và cộng đồng địa phương: Việc cung cấp các sản phẩm CBT theo đúng cách sẽ làm hài lòng khách du lịch, khi đó số lượng khách đến đông hơn, số ngày lưu trú và chi tiêu tại điểm đến tăng. Ngược lại, sự hài lòng của khách du lịch sẽ là nguồn động viên khích lệ cho cộng đồng ủng hộ và tự hào về hình ảnh của địa phương và các hoạt động du lịch của họ.

Việc vận dụng lý thuyết phát triển bền vững trong nghiên cứu giữ va trò quan trọng, giúp tác giả hình thành các khái niệm phát triển CBT, xây dựng các tiêu chí, chỉ tiêu đánh giá sự phát triển CBT cho khu vực nghiên cứu.

2.1.2. Lý thuyết các bên liên quan

Lý thuyết các bên liên quan được đề cập từ thế kỷ thứ 19, bắt nguồn từ những quan điểm đánh giá vai trò quan trọng của hợp tác xã và sự tương hỗ (Clark, T, 1984). Tuy nhiên, khái niệm về các bên liên quan được Viện nghiên cứu Stanford (SRI - Stanford Research Institute) đề cập lần đầu tiên từ những năm 1960, theo đó, một công ty phải chịu trách nhiệm không chỉ đối với cổ đông của mình mà còn cho các bên liên quan, sự hỗ trợ của họ được xem là quan trọng cho sự tồn tại của công ty (Stoney, C., & Winstanley, D, 2001).

Phát triển khái niệm vủa SRI, Edward Freeman (1984), trong tác phẩm “Strategic Management: A Stakeholder Approach” đã đưa ra khái niệm một bên liên quan trong một tổ chức cũng như bất kỳ nhóm hoặc cá nhân nào có thể ảnh hưởng hoặc bị ảnh hưởng bởi việc đạt được các mục tiêu của tổ chức và một tổ chức được đặc trưng bởi


các mối quan hệ của nó với các nhóm và cá nhân khác nhau, bao gồm cả chủ sở hữu, người sử dụng lao động, khách hàng, nhà cung cấp và xã hội.

Lý thuyết các bên liên quan đã được áp dụng thành công trong một số lĩnh vực nghiên cứu như: nâng cao hiệu quả của tổ chức (Heugens, và cộng sự, 2002; Schneider, 2002); tăng cường sự tham gia của các nhóm thiểu số vào các chương trình cộng đồng (Bryson, và cộng sự, 2002); quản lý dự án (Karlsen, 2002); và tăng cường sự tham gia của người dân vào các dự án cộng đồng (Burby R., 2003); trong chính phủ điện tử (Scholl, 2001).

Trong lĩnh vực du lịch, một số học giả (Sautter và Leisen, 1999; Henning, 1974) đã vận dụng lý thuyết các bên liên quan để phân tích đánh giá sự khác biệt về quan điểm của các nhóm khác nhau tham gia vào hoạt động kinh doanh du lịch, đặc biệt ở khâu hoạch định chính sách và lập kế hoạch. Sautter và Leisen (1999) đã lập luận rằng các nhà kinh doanh du lịch nên đánh giá đầy đủ tất cả các bên liên quan có quan tâm đến việc lập kế hoạch, triển khai thực hiện, phân phối và đánh giá kết quả của các dịch vụ du lịch. Theo Henning (1974), các giá trị về mục tiêu, lợi ích, niềm tin của con người thay đổi theo thời gian và nhận thức của họ, vì vậy, các bên liên quan khác nhau thường có những giá trị và lợi ích khác nhau, điều này ảnh hưởng đến quan điểm của họ về các vấn đề họ tham gia.

Freeman (1984) đã xác định ba vấn đề quan trọng trong việc quản lý hiệu quả các bên liên quan, gồm: (1) Xác định các bên liên quan và nhận thức về các nội dung tham gia tương ứng; (2) Các quy trình cần thiết để quản lý mối quan hệ của tổ chức với các bên liên quan; (3) Quản lý các hoạt động/giao dịch giữa tổ chức và các bên liên quan. Như vậy, việc xác định các bên liên quan và nhận thức về các nội dung tham gia tương ứng là bước đầu tiên cần thiết trong quản lý hiệu quả các bên có liên quan. Thực tế cho thấy, có nhiều lợi ích đạt được từ sự tham gia của các bên liên quan trong phát triển CBT. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa các bên về quyền lực, sự bất bình đẳng, những quan điểm và thái độ khác nhau hay sự chênh lệch về nguồn lực cũng như năng lực và kiến thức về du lịch là những trở ngại cho thành công của sự tham gia giữa các bên liên quan (Jamal, & Getz, 1995; Eagles và cộng sự, 2002). Có rất nhiều mục tiêu mà các bên liên quan xác định và đề cập trong nghiên cứu về CBT, tổng hợp các tài liệu, tác giả thấy có bốn bên liên quan trong phát triển CBT được các nghiên cứu đề cập nhiều nhất, gồm: cộng đồng địa phương; khách du lịch; các cơ quan chức năng của nhà nước và doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, được tổng hợp trong bảng 2.1.


Bảng 2.1: Tổng hợp những nghiên cứu về các bên liên quan trong phát triển CBT tìm thấy trong các nghiên cứu trước đây

TT

Các bên liên quan

Ý nghĩa nghiên cứu

Tác giả nghiên cứu


1


Người dân

địa phương


Tìm kiếm nâng cao chất lượng cuộc sống, không có sự bóc lột, bất công trong cộng đồng

Fusco, và cộng sự,(2009); Murphy (1985); Aref và cộng sự (2010); Sheldon và Var (1984); McCool & Martin (1994)


2


Khách du lịch

Tìm kiếm một môi trường du lịch chất lượng, tự tích lũy và tăng kinh nghiệm du lịch trong một môi trường an toàn và hấp dẫn.

Swarbrooke (1999); Farrell & Marion (2001); Walter (2003); Timothy, & Boyd (2006); Bashir (2012);

Stanford, (2006)


3


Các cơ quan quản lý chức năng của Nhà nước

Mục tiêu xây dựng hệ thống hành lang pháp lý và chính sách nhằm nâng cao hiệu quả và năng suất, giảm thiểu việc sử dụng các nguồn lực, phòng ngừa ô nhiễm môi trường, phát huy nguồn lao động địa phương, đảm bảo an ninh, an toàn, quản lý hành vi của các hãng và xử lý các hành vi vi phạm.

Gracia (2013),

Choibamroong (2011),

Jamal (2010), UNEP/

UNWTO (2005). Sofield (2003); Julia & Yaffee (2000); Swarbrooke (1999); Mowforth & Hunt (1998); Timothy (1998); Craig & Mayo (1995)


4

Doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch

Tìm kiếm sự tồn tại lâu bền trong kinh doanh, đồng thời quan tâm đến hình ảnh cá nhân, cung cấp cho khách du lịch những sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao, giảm thiểu tác động đến môi trường.

Bashir (2012); UNWTO

(2005); Walter (2003);

Nazrin (2012); Byrd, và cộng sự (2009); Byrd (2007); Eagles và cộng sự (2002); Swarbrooke (1999)

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 233 trang tài liệu này.

Nghiên cứu một số nhân tố ảnh hưởng đến phát triển du lịch cộng đồng tiểu vùng Tây Bắc - 7

Nguồn: Tác giả tổng hợp

Lý thuyết các bên liên quan cũng được Wan & Xiangping (2013) sử dụng để đánh giá tác động về kinh tế, văn hóa xã hội, môi trường của du lịch, mức độ thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch và mức độ tham gia của cộng đồng trong quy hoạch phát triển du lịch địa phương bền vững, trên cơ sở đó, nhóm tác giả cũng đã đề xuất xây dựng một

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 06/03/2023