Lợi Ích Tiềm Năng Của Du Lịch Cộng Đồng


Thứ hai: Xác định mức độ ảnh hưởng của các nhân tố được lựa chọn đến phát triển CBT tại tiểu vùng Tây Bắc, Việt Nam;

Thứ ba: Đề xuất những khuyến nghị cho các bên liên quan nhằm phát triển CBT tiểu vùng Tây Bắc, Việt Nam.

3. Câu hỏi nghiên cứu

Xuất phát từ mục tiêu nghiên cứu, luận án được thực hiện nhằm trả lời bốn câu hỏi nghiên cứu sau:

1. Đánh giá sự phát triển CBT tại tiểu vùng Tây Bắc dựa trên những chỉ tiêu nào?

2. Những nhân tố nào có ảnh hưởng đáng kể đến phát triển CBT tại tiểu vùng Tây Bắc?

3. Các nhân tố ảnh hưởng như thế nào và mức độ ảnh hưởng của các nhân tố đến phát triển CBT tiểu vùng Tây Bắc?

4. Từ kết quả nghiên cứu có thể đưa ra những khuyến nghị gì để phát triển CBT tại tiểu vùng Tây Bắc, Việt Nam?

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

- Đối tượng nghiên cứu của luận án là phát triển CBT và một số nhân tố ảnh hưởng đến phát triển du lịch cộng đồng.

- Phạm vi nghiên cứu

+> Về không gian nghiên cứu

Nghiên cứu thực hiện tại bốn tỉnh thuộc tiểu vùng Tây Bắc theo Quyết định số 1064/QĐ-TT, ngày 08 tháng 7 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng trung du và miền núi phía Bắc đến năm 2020”, gồm: Hòa Bình; Sơn La; Điện Biên; Lai Châu.

+> Về thời gian nghiên cứu

Đối với điều tra dữ liệu sơ cấp được thu thập trong khoảng thời gian từ tháng 4/2016 đến tháng 12/2017.

Đối với dữ liệu thứ cấp được thu thập trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2017 của UBND các tỉnh; Tổng cục Du lịch, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Cục Thống kê các tỉnh thuộc tiểu vùng Tây Bắc để phân tích đánh giá.

5. Khái quát về phương pháp nghiên cứu

Để đạt được mục tiêu nghiên cứu và thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu trên, luận án sử dụng kết hợp hai phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng, trong đó:


- Nghiên cứu định tính: Được sử dụng như một nghiên cứu thăm dò để xác định các nhân tố được cho là có ảnh hưởng đến phát triển CBT tại tiểu vùng Tây Bắc, qua đó giúp điều chỉnh mô hình nghiên cứu, đồng thời giúp khám phá, điều chỉnh và bổ sung các biến quan sát cho phù hợp với bối cảnh nghiên cứu. Bên cạnh đó, nghiên cứu định tính cũng giúp xác định, điều chỉnh những biến số, thước đo phát triển CBT phù hợp với bối cảnh nghiên cứu. Nghiên cứu được thực hiện thông qua 20 cuộc phỏng vấn sâu người dân địa phương tại 8 bản CBT thuộc tiểu vùng Tây Bắc; 17 khách CBT và 03 cuộc thảo luận nhóm (02 với lãnh đạo chính quyền, tổ chức đoàn thanh niên, hội phụ nữ bản Bon, xã Mường Chiên; bản Mển, Điện Biên và 01 với khách du lịch). Thời gian thu thập thông tin từ tháng 4/2016 đến tháng 11/2016.

- Nghiên cứu định lượng: Được tiến hành thông qua phiếu điều tra có cấu trúc được rút ra từ nghiên cứu định tính, đối tượng khảo sát gồm cán bộ thôn bản (trưởng/phó bản; bí thư/phó bí thư chi bộ); cán bộ các tổ chức đoàn thể trong bản (hội hội phụ nữ; đoàn thanh niên…); người dân địa phương đại diện các hộ gia đình trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia hoạt động kinh doanh CBT tại các điểm khảo sát. Quá trình thực hiện được chia thành 2 giai đoạn, giai đoạn 1 điều tra sơ bộ nhằm phát hiện những lỗi mắc phải trong phiếu điều tra và là căn cứ để tác giả điều chỉnh bảng hỏi cho phù hợp với điều kiện chung nhất của các đối tượng điều tra. Số lượng mẫu điều tra cho giai đoạn này là 100 phiếu, tại một số điểm CBT thuộc tỉnh Sơn La và Điện Biên, thời gian thu thập từ tháng 3/2017 đến tháng 5/2017. Giai đoạn 2, điều tra chính thức, được tiến hành sau khi điều chỉnh lại bảng hỏi cho phù hợp với điều kiện chung nhất của các đối tượng điều tra. Tổng số phiếu hợp lệ được sử dụng để phân tích trong giai đoạn này là 518 phiếu phát trực tiếp tại 11 điểm CBT thuộc 4 tỉnh tiểu vùng Tây Bắc, thời gian thu thập dữ liệu từ tháng 6/2017 đến tháng 12/2017. Kết quả điều tra chính thức được phân tích thông qua phần mềm SPSS22 nhằm kiểm định các giả thuyết nghiên cứu. Những phát hiện từ phân tích định lượng này là cơ sở khẳng định tầm quan trọng và mối quan hệ giữa các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển CBT được phát hiện trong giai đoạn nghiên cứu định tính.

Nội dung chi tiết phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng được trình bày trong chương 3.

6. Đóng góp của luận án

Đóng góp về mặt lý luận

- Dựa trên nền tảng lý thuyết phát triển bền vững; lý thuyết các bên liên quan, lý thuyết kỳ vọng, nghiên cứu đã thống nhất quan điểm, các chỉ tiêu đánh giá phát triển CBT cho khu vực nghiên cứu trên cơ sở kế thừa các nghiên cứu trước đây. Theo đó,


quan điểm phát triển CBT trong nghiên cứu được hiểu là quá trình biến đổi về lượng và chất các vấn đề kinh tế, văn hóa - xã hội trong cộng đồng, cũng như ý thức của người dân trong giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ các nguồn tài nguyên tự nhiên và đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách du lịch. Kết quả nghiên cứu đã xây dựng được một bộ thước đo đánh giá sự phát triển CBT đảm bảo tính hệ thống và phù hợp với sự phát triển CBT của tiểu vùng Tây Bắc.

- Trên cơ sở tổng hợp, kế thừa các nghiên cứu trước đây, tác giả đã xác định năm nhân tố được xem là có ảnh hưởng đáng kể đến phát triển CBT của khu vực nghiên cứu. Đồng thời điều chỉnh các biến số, thước đo cho phù hợp với bối cảnh nghiên cứu dựa trên kết quả nghiên cứu định tính. Tổng hợp trong năm nhân tố đưa vào nghiên cứu, có 11 biến số và 44 thước đo đánh giá phát triển CBT. Với cỡ mẫu đã chọn, kết quả kiểm định cho thấy việc điều chỉnh này có ý nghĩa cho khu vực nghiên cứu của luận án, thể hiện qua sự giải thích tới 55,4% sự biến thiên của phát triển CBT là do các nhân tố đưa vào nghiên cứu tác động đến.

Đóng góp về mặt thực tiễn

- Nghiên cứu đã chỉ ra những nhóm nhân tố và biến số có tác động ảnh hưởng đến phát triển CBT, đồng thời xác định thứ tự ảnh hưởng của các biến số, thước đo này đến phát triển CBT tại tiểu vùng Tây Bắc. Qua đó giúp các bên liên quan có cách nhìn rõ ràng hơn trong quá trình xây dựng kế hoạch, thực hiện triển khai cũng như kiểm tra đánh giá phát triển CBT tại tiểu vùng Tây Bắc.

- Từ kết quả nghiên cứu, kết hợp với những đặc thù của bối cảnh nghiên cứu, luận án đề xuất một số khuyến nghị mang tính hàm ý với các bên liên quan đến phát triển CBT tiểu vùng Tây Bắc, làm luận cứ cho những giải pháp, chính sách phù hợp nhằm phát triển CBT, đáp ứng các nhu cầu khác nhau của khách du lịch, đảm bảo phát triển hài hòa giữa kinh tế cộng đồng địa phương với việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, phong tục tập quán cũng như vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái.

7. Kết cấu của luận án

Để trình bày toàn bộ nội dung nghiên cứu, ngoài phần Mở đầu và Kết luận, luận án được kết cấu thành 5 chương, cụ thể:

Chương 1: Tổng quan nghiên cứu

Chương 2: Cơ sở lý thuyết và mô hình nghiên cứu

Chương 3: Đặc điểm khu vực nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu Chương 4: Kết quả nghiên cứu

Chương 5: Thảo luận kết quả nghiên cứu và khuyến nghị


CHƯƠNG 1:

TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU


1.1. Nghiên cứu về du lịch cộng đồng

1.1.1. Cộng đồng

Cộng đồng địa phương đóng vai trò quan trọng trong phát triển du lịch, họ là đầu mối cung cấp những cơ sở hạ tầng như chỗ ở, các dịch vụ ăn uống, thông tin, vận tải và các dịch vụ khác. Thuật ngữ “cộng đồng” được đề cập từ thế kỷ 19, đến nay đã có nhiều học giả quan tâm nghiên cứu như như: Hillery, G, 1955; Keith và Ary (1998); Ivanovic (2009)… các nghiên cứu thường xoay quanh ba vấn đề sau:

Thứ nhất, nhiều nghiên cứu đưa ra quan điểm về cộng đồng thường gắn với một khu vực địa lý cụ thể, theo đó, một cộng đồng có thể được xác định và mô tả trên bản đồ địa lý, có tên gọi, biên giới, cột mốc và những nét văn hóa, phong tục tập quán của mình (Ivanovic, 2009). Hillery (1955) đã chỉ ra, có ít nhất chín mươi bốn định nghĩa khác nhau về cộng đồng, tuy nhiên, theo quan điểm của ông thì cộng đồng bao gồm những người có liên quan đến xã hội và văn hóa trong một khu vực địa lý và có một hoặc nhiều mối quan hệ chung. Keith và Ary (1998) (trích trong Võ Quế, 2006, tr.6) cho rằng “cộng đồng là một nhóm người, thường sinh sống trên cùng một khu vực địa lý, tự xác định mình thuộc về cùng một nhóm. Những người trong cùng một cộng đồng thường có quan hệ huyết thống hay hôn nhân, và có thể thuộc cùng một nhóm tôn giáo, một tầng lớp chính trị”.

Thứ hai, một số nghiên cứu đề cập đến quan điểm về cộng đồng gồm những người có thể cư trú gần nhau hoặc không gần nhau (không xác định về mặt địa lý) nhưng có chung các đặc điểm hoặc sở thích (cộng đồng chức năng). Theo quan điểm này, cộng đồng có thể được hiểu là một mạng lưới những mối quan hệ hiện có hoặc tiềm năng của các cá nhân, nhóm và tổ chức chia sẻ hoặc có khả năng chia sẻ những mục tiêu và mối quan tâm chung (Bush, R., Dower, J., & Mutch, A, 2002). Tô Duy Hợp, Lương Hồng Quang (2000) đã chỉ ra cộng đồng là một thực thể xã hội có cơ cấu và tổ chức (chặt chẽ hoặc không chặt chẽ), là một nhóm người cùng chia sẻ và chịu ràng buộc bởi các đặc điểm và lợi ích chung được thiết lập thông qua tương tác và trao đổi giữa các thành viên.

Thứ ba, cộng đồng ảo, xuất hiện cùng với sự phát triển của các phương tiện truyền thông hiện đại trong những thập kỷ gần đây, quan niệm về cộng đồng đã vượt qua giới hạn thời gian, không gian và địa lý. Cộng đồng ảo được hiểu là những nhóm người có cùng mối quan tâm chung, tương tác với nhau thông qua hệ thống các trang website, mạng xã hội bằng cách sử dụng máy tính và công nghệ kỹ thuật số hiện đại, liên kết chung với các ranh giới địa lý nhất định hoặc liên kết của các dân tộc (Howard Rheingold, 1993). Tuy nhiên, để cộng đồng ảo được coi là một cộng đồng thì chúng


cũng phải đáp ứng một số điều kiện sau: (1) Cộng đồng ảo bao gồm một nhóm người;

(2) Cùng chia sẻ những sở thích; (3) Tương tác được đặc trưng bởi tính liên tục và tốc

độ phản ứng; (4) Phải có phương tiện và không gian để giao tiếp;

Tại Việt Nam, quan niệm về cộng đồng đầu tiên được đề cập trong ngành giáo dục từ những năm 1950 ở các tỉnh phía Nam, sau đó lan rộng sang các lĩnh vực công tác xã hội khác. Từ những năm 1980 trở đi, quan điểm về cộng đồng được phát triển rộng rãi hơn thông qua các chương trình tài trợ của các tổ chức nước ngoài vào Việt Nam, theo đó sự tham gia của cộng đồng người dân là một nhân tố quyết định để các chương trình này thực hiện được và đạt hiệu quả (Võ Quế, 2006).

Đề cập đến sự tham gia của cộng đồng trong ngành du lịch, nghiên cứu của Milne và cộng sự (2001) đã chỉ ra cộng đồng là một nhóm người sống trong cùng một địa phương, có thể là thường trú hoặc không thường trú nhưng có chung một mối quan tâm, chia sẻ, liên kết và tương tác với nhau. Sự tham gia của cộng đồng trong việc lập kế hoạch, duy trì và phát triển du lịch nhằm tạo ra một ngành công nghiệp bền vững hơn, CBT được quản lý và sở hữu bởi cộng đồng, với mục đích cho phép du khách tới thăm có thêm những nhận thức, hiểu biết rõ hơn về cộng đồng và cuộc sống của họ.

Telfer và Shrpley (2008) cho rằng, rất nhiều quan điểm có thể được áp dụng cho các cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch, cộng đồng địa phương có thể được coi là điểm thu hút chính cho phát triển các kỹ năng và kiến thức, trong khi đó có những người coi cộng đồng chỉ đơn giản là nơi diễn ra các hoạt động du lịch. Các cộng đồng đang ngày càng thu hút các hoạt động du lịch không chỉ từ phía nhu cầu, bởi vì khách du lịch tìm kiếm các điểm đến và cộng đồng mới để trải nghiệm, mà còn từ phía cung, vì bản thân cộng đồng đang nhận thức được tiềm năng của những sản phẩm mà họ có thể cung cấp cho khách du lịch và những lợi ích kinh tế có thể đạt được thông qua các hoạt động đó.

Tóm lại, dựa trên quan điểm và mục đích nghiên cứu khác nhau, quan niệm về cộng đồng được đề cập không hoàn toàn giống nhau, tuy nhiên có một số điểm chung như: thường được dựa trên giá trị của sự gắn kết xã hội và trong một khung thời gian liên tục; thể hiện những mối quan hệ liên quan đến kinh tế, xã hội (cộng đồng làng xã, khu dân cư đô thị); đặc điểm về huyết thống (cộng đồng của các thành viên trong một dòng họ); theo mối quan tâm và quan điểm giống nhau (nhóm sở thích trong một chương trình phát triển); theo môi trường, văn hóa hay các đặc điểm khác như tổ chức, vùng địa lý… Đây là những tiền đề lý thuyết cơ bản để tác giả kế thừa, vận dụng vào thực tiễn phát triển CBT tại Việt Nam nói chung và tiểu vùng Tây Bắc nói riêng. Trong phạm vi nghiên cứu của luận án, tác giả tiếp cận quan điểm về cộng đồng được hiểu là những người sống trong một khu vực được xác định về mặt địa lý, có những mối quan hệ văn hóa - xã hội với nhau và trách nhiệm với nơi họ sinh sống.


1.1.2. Du lịch cộng đồng

Thuật ngữ “Du lịch cộng đồng” được đề cập từ những năm 1980 ở các nước thuộc khu vực châu Âu, châu Mỹ và châu Úc. Khách du lịch đi tham quan các làng bản, tìm hiểu về văn hóa, phong tục tập quán lễ hội của người dân địa phương, khám phá hệ sinh thái, cảnh quan thiên nhiên vẫn còn giữ được những nét tự nhiên, hoang dã. Tại các điểm đến, khách du lịch cần có sự hỗ trợ, giúp đỡ của người dân địa phương như dẫn đường, ăn, nghỉ và các dịch vụ khác, đây là tiền đề cho phát triển loại hình du lịch cộng đồng (Võ Quế, 2006). Có rất nhiều tên gọi khác nhau liên quan đến hoạt động du lịch có sự tham gia của cộng đồng địa phương như:

- Community-Based Tourism: (Du lịch dựa vào cộng đồng);

- Community-Development in Tourism (Phát triển cộng đồng dựa vào du lịch);

- Community-Based Ecotourism (Du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng);

- Community-Participation in Tourism (Du lịch có sự tham gia của cộng đồng);

- Community-Based Moutain Tourism (Phát triển du lịch núi dựa vào cộng đồng).

Tuy có nhiều tên gọi khác nhau nhưng vẫn có những điểm tương đồng giống nhau về địa điểm, mục tiêu và phương pháp tổ chức. Trong phạm vi nghiên cứu của luận án, tác giả sử dụng thuật ngữ “du lịch cộng đồng” (CBT) để chỉ các loại hình “du lịch dựa vào cộng đồng” nói chung.

Phát triển từ những năm 1980, đến nay đã có nhiều nghiên cứu về CBT, tuy nhiên chưa có khái niệm mang tính phổ quát cho loại hình du lịch này. Theo Carrard. N và Paddon. P (2010), CBT được hiểu là một loại hình du lịch, ở đó cộng đồng trực tiếp sở hữu và tham gia quản lý, vì mục tiêu phát triển chung trong cộng đồng. Đây là loại hình du lịch thiên về các nhà cung cấp dịch vụ địa phương, tập trung truyền đạt về môi trường và văn hoá bản địa, nó được thực hiện và hỗ trợ bởi cộng đồng, chính quyền địa phương và các tổ chức Phi Chính phủ (NGOs).

Tổ chức du lịch Caribbean (trích dẫn trong Henry, G, 2009) cho rằng CBT là một cách tiếp cận hợp tác để làm du lịch, trong đó các thành viên trong cộng đồng thực hiện kiểm soát thông qua việc tham gia tích cực vào thẩm định, phát triển, quản lý và/hoặc làm chủ một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh. Các doanh nghiệp mang lại lợi ích kinh tế - xã hội cho các thành viên trong cộng đồng, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa, tạo thêm giá trị cho các trải nghiệm của du khách trong và ngoài nước.

Trong khi đó, Viện Du lịch Cộng đồng Thái Lan (2012) (Thailand Community Based Tourism Institute, 2012) cho rằng CBT coi trọng sự bền vững của môi trường, xã hội và văn hoá. Cộng đồng tham gia sở hữu và quản lý, vì cộng đồng, với mục


đích thúc đẩy du khách nâng cao ý thức và tìm hiểu về cộng đồng và lối sống của người dân địa phương. Luật Du lịch Việt Nam (2017) cũng chỉ rõ CBT “là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở các giá trị văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi”. Theo Võ Quế (2006, tr.34) thì CBT “là phương thức phát triển du lịch trong đó cộng đồng dân cư tổ chức cung cấp các dịch vụ để phát triển du lịch, đồng thời tham gia bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường, đồng thời cộng đồng được hưởng quyền lợi về vật chất và tinh thần từ phát triển du lịch và bảo tồn tự nhiên”.

Tóm lại, dựa trên những quan điểm nghiên cứu khác nhau thì quan niệm về CBT không hoàn toàn giống nhau, tuy nhiên có một số điểm chung sau:

Thứ nhất, Cộng đồng địa phương là người kiểm soát các tài nguyên du lịch và hỗ trợ cho khách du lịch có cơ hội tìm hiểu và nâng cao nhận thức của họ khi có cơ hội tiếp cận hệ thống tài nguyên du lịch tại không gian sinh sống của cộng đồng;

Thứ hai, Khách du lịch là tác nhân bên ngoài, là tiền đề mang lại lợi ích kinh tế và sẽ có những tác động nhất định kèm theo việc thụ hưởng các giá trị về môi trường sinh thái tự nhiên và văn hóa khi đến với một cộng đồng địa phương cụ thể;

Thứ ba, Cộng đồng địa phương sẽ nhận được lợi ích về mặt kinh tế, mở rộng tầm hiểu biết về đặc điểm, tính cách của du khách cũng như cơ hội nắm bắt các thông tin bên ngoài từ khách du lịch. Đồng thời, cộng đồng địa phương ngày càng được tăng cường về khả năng tổ chức, vận hành và thực hiện các hoạt động, xây dựng các sản phẩm du lịch phục vụ khách du lịch, phát huy vai trò làm chủ của mình.

Tổng hợp những quan điểm về CBT, trong phạm vi nghiên cứu của luận án, tác giả tiếp cận quan niệm về CBT là một loại hình du lịch hướng đến tính chủ động của người dân địa phương trong tham gia, nâng cao các kỹ năng, kiến thức cũng như những hiểu biết của họ đối với quy hoạch và phát triển du lịch. Tạo điều kiện cho khách du lịch có được những trải nghiệm thỏa mãn nhu cầu, nâng cao nhận thức và tìm hiểu về di sản thiên nhiên, văn hóa của cộng đồng điểm đến.

Liên quan đến những lợi ích mà CBT có thể đem lại, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, CBT không chỉ đơn thuần là một hoạt động kinh doanh du lịch, mang lại lợi ích kinh tế, tối đa hóa lợi nhuận cho các nhà đầu tư. Thay vào đó, CBT tập trung vào những tác động của du lịch với cộng đồng và môi trường, nếu biết vận dụng đúng cách thì CBT có thể không chỉ giúp người dân địa phương kiểm soát được tác động của du lịch, mà còn tạo thêm sinh kế, thu nhập và đa dạng hoá nền kinh tế địa phương (Tuffin, 2005).

Ngoài ra, còn có rất nhiều lợi ích về môi trường như: tạo ra nhận thức và phát triển kỹ năng quản lý, khuyến khích quy hoạch và quản lý các vấn đề môi trường


(Anucha Leksakundilok, 2004); nâng cao nhận thức về sự cần thiết bảo tồn các nguồn tài nguyên cho khách du lịch và người dân địa phương; đẩy mạnh quản lý, xử lý chất thải (Nopparat Satarat, 2010).

Bảo tồn văn hóa địa phương cũng là một lợi ích khác của CBT, nếu người dân địa phương hiểu được những giá trị văn hóa truyền thống của họ và duy trì, bảo tồn qua các thế hệ khác nhau sẽ góp phần thúc đẩy trao đổi, giao lưu văn hóa giữa các dân tộc khác nhau, nâng cao niềm tự hào và tự tôn dân tộc. Ngoài ra, sự hợp tác với các cơ quan, tổ chức bên ngoài cộng đồng, sự liên hệ chặt chẽ với khách du lịch và nâng cao chất lượng cuộc sống cũng là những lợi ích xã hội có được từ CBT, góp phần nâng cao tính tự chủ trong cộng đồng (Kontogeorgopoulos, Nick, 2005). Đồng thời, những khoản quỹ thu được từ hoạt động CBT có thể góp phần cải thiện sức khỏe, giáo dục, giảm nghèo của người dân địa phương.

Tổ chức du lịch sinh thái có trách nhiệm xã hội (2003) (REST: Responsible Ecological Social Tours); Tuffin, Bill (2005) đã chỉ ra những lợi ích tiềm năng khác nhau của CBT được tác giả tổng hợp trong bảng 1.1.

Bảng 1.1. Lợi ích tiềm năng của du lịch cộng đồng


Lĩnh vực

đánh giá


Lợi ích tiềm năng của CBT


Kinh tế

Tạo ra nguồn thu bền vững và quỹ để phát triển cộng đồng

Tạo việc làm trong ngành du lịch

Tăng thu nhập hộ gia đình


Xã hội

Nâng cao chất lượng cuộc sống

Thúc đẩy niềm tự hào cộng đồng

Thúc đẩy bình đẳng giới tính

Xây dựng năng lực cho các tổ chức quản lý cộng đồng


Văn hóa

Khuyến khích sự tôn trọng đối với các nền văn hóa khác nhau

Thúc đẩy giao lưu văn hóa

Tạo được sự ấn tượng trong văn hóa địa phương


Môi trường

Thúc đẩy trách nhiệm đối với môi trường

Nâng cao nhận thức cho khách du lịch và người dân về sự cần thiết phải bảo tồn tài nguyên tự nhiên

Đẩy mạnh quản lý xử lý chất thải

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 233 trang tài liệu này.

Nghiên cứu một số nhân tố ảnh hưởng đến phát triển du lịch cộng đồng tiểu vùng Tây Bắc - 3

Xem tất cả 233 trang.

Ngày đăng: 06/03/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí