- Bao gồm:
+ Du lịch tham quan các di tích lịch sử văn hóa
+ Du lịch làng bản
+ Du lịch lễ hội
+ Du lịch làng nghề
+ Du lịch chữa bệnh nghỉ dưỡng
+ Du lịch tâm linh
+ Du lịch sinh thái nhân văn
+ Du lịch nghiên cứu
- Theo khoản 1, điều 4, chương I - Luật du lịch Việt Nam năm 2005, du lịch văn hóa là hình thức du lịch dựa vào bản sắc văn hóa dân tộc với sự tham gia của cộng đồng nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống.
- Trong du lịch, yếu tố “lạ’’ là tài nguyên hết sức quý giá. Bản sắc văn hóa của cộng đồng địa phương chính là “cực hút’ du khách, đặc biệt là khách quốc tế. Các hoạt đồng du lịch này thường được tổ chức ở: những địa bàn nông thôn đồng bằng, các khu phố cổ, các vùng ngoại ô, nơi tập trung nhiều di tích lịch sử, văn hóa có giá trị cao và giàu tài nguyên du lịch nhân văn phi vật thể, những cộng đồng địa phương miền núi – nơi bảo tồn được nhiều giá trị văn hóa truyền thống vật thể và phi vật thể đặc sắc, giao thông không quá cách trở.
1.3.6.3 Du lịch Homestay
- Trong từ điển tiếng Anh (Oxford), “homestay’’ chỉ người từ nơi khác, vùng khác đến ở tại nhà người dân nơi mình đến, học tập, tìm hiểu văn hóa, lối sống của vùng đất mới. Thuật ngữ này xuất hiện lần đầu tiên trong lĩnh vực giáo dục khi việc hợp tác quốc tế về giáo dục trở nên cấp thiết và vấn đề du học trở nên phổ biến. Năm 1980, đã xuất hiện những slogan ấn tượng như:
“Open your home to the world and the world become your home - Hãy mở cánh cửa nhà bạn ra với thế giới và thế giới sẽ trở thành ngôi nhà của bạn’
Hoặc “Become part of my family’ - Hãy là thành viên của gia đình chúng tôi nhé.
- Khái niệm du lịch homestay là một khái niệm mới. Không chỉ tại Việt Nam mà trên thế giới, khái niệm này vẫn đang trong quá trình tranh luận để đi đến thống nhất vì nó đã và đang được hiểu dưới nhiều góc độ khác nhau và nghiên cứu với nhiều tên gọi khác nhau như “du lịch nghỉ tại gia” hay “du lịch ở nhà dân”. Trong lĩnh vực du lịch, homestay không chỉ là một phương thức lưu trú mà đã phát triển thành một loại hình du lịch. Loại hình du lịch homestay nghĩa là mục đích chính trong chuyến đi của khách du lịch là được ở nhà người dân bản địa để thông qua đó tìm hiểu, khám phá những nét văn hóa độc đáo, đặc sắc của địa phương. Nhà dân không chỉ là cơ sở lưu trú mà trở thành một tài nguyên du lịch nhân văn hấp dẫn và độc đáo.
Ở một số nước mà loại hình này tương đối phát triển như Ailen hay Thái lan, khái niệm du lịch homestay được hiểu: “Là một loại hình du lịch cộng đồng, dành cho các đối tượng khách thích được trải nghiệm cuộc sống cùng với các hộ gia đình tại nhà của họ, nhằm tìm hiểu về cộng đồng và phong cách sống của người dân địa phương cũng như nâng cao hiểu biết về điều kiện tự nhiên và những nét văn hóa đặc sắc thông qua các hộ gia đình đó”.
Các đặc trưng chủ yếu của du lịch Homestay:
+ Du lịch homestay phát triển dựa trên những giá trị hấp dẫn của thiên nhiên và đặc biệt văn hóa bản địa. Tạp chí Người đưa tin Unesco (12/1989) đã viết: “Cuộc phiêu lưu giờ đây không còn chân trời địa lý, không còn những lục địa trinh bạch (…) Vậy mà, về nhiều mặt, các dân tộc vẫn còn xa lạ với nhau và những phong tục, những niềm hi vọng ẩn giấu, những xác tin sâu kín của mỗi dân tộc vẫn tiếp tục là những thứ mà các dân tộc khác chẳng mấy biết đến”.
Như vậy, bản sắc văn hóa của mỗi vùng đất luôn là những ẩn số hấp dẫn, trở thành động cơ để khách du lịch đến tìm hiểu, khám phá.
+ Du lịch homestay chia sẻ lợi ích từ du lịch với cộng đồng địa phương đảm bảo sự phân chia công bằng cho các bên tham gia, đóng góp cho những nỗ lực bảo tồn các giá trị tài nguyên và phát triển cộng đồng.
+ Du lịch Homestay được tổ chức theo phương thức: “ba cùng”: Cùng ăn - cùng ở - cùng sinh hoạt. Đây là đặc trưng nổi bật nhất của loại hình du lịch này. Khách du lịch đến sinh sống tạm thời, được coi như một thành viên chính thức và tham gia trực tiếp vào một số hoạt động hàng ngày của gia đình người dân bản địa.
Mối quan hệ giữa du lịch cộng đồng và du lịch homestay được thể hiện qua bảng so sánh sau:
Du lịch Homestay | Du lịch cộng đồng | |
Tài nguyên | Chủ yếu dựa vào tài nguyên du lịch văn hóa | Dựa vào tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch văn hóa |
Mục tiêu | Nhấn mạnh khai thác và bảo tồn các giá trị văn hóa bản địa | Khai thác và bảo tồn các giá trị tự nhiên và văn hóa bản địa |
Đối tượng tham quan | Nhà dân và một phần tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa của điểm đến | Tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa của điểm đến |
Lưu trú | Ở nhà dân | Ở nhà dân hoặc không |
Hướng dẫn viên | Chủ nhà có vai trò như một hướng dẫn viên không chuyên | Vai trò của hướng dẫn viên và người dân rất quan trọng |
Lợi ích | Chủ nhà và một phần lợi ích cộng đồng | Lợi ích toàn bộ cộng đồng |
Có thể bạn quan tâm!
- Nghiên cứu hoạt động du lịch cộng đồng tại Hoa Lư - Ninh Bình - 1
- Nghiên cứu hoạt động du lịch cộng đồng tại Hoa Lư - Ninh Bình - 2
- Vai Trò Của Cộng Đồng Địa Phương Trong Hoạt Động Du Lịch
- Các Nguồn Lực Phát Triển Du Lịch Ở Hoa Lư
- Tài Nguyên Du Lịch Nhân Văn Và Điều Kiện Kinh Tế - Xã Hội:
- Nghiên cứu hoạt động du lịch cộng đồng tại Hoa Lư - Ninh Bình - 7
Xem toàn bộ 144 trang tài liệu này.
Xét trên phương diện loại hình, mục tiêu, đối tượng tham quan hay lợi ích thì du lịch Homestay là bộ phận của du lịch cộng đồng. Nếu như du lịch cộng đồng là loại hình du lịch khai thác và đảm bảo lợi ích cho cả cộng đồng thì du lịch Homestay là loại hình khai thác một phần giá trị của cộng đồng nhưng đảm bảo lợi ích cho một bộ phận cộng đồng về mặt kinh tế và đảm bảo lợi ích cho cả cộng đồng về mặt môi trường, văn hóa, xã hội. Như vậy, du lịch Homestay là một bộ phận của du lịch cộng đồng.
1.3.6.4 Du lịch bền vững
Phát triển bền vững đã trở thành mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của toàn nhân loại trong thế kỷ XXI. Phát triển du lịch bền vững trở thành xu hướng và mục tiêu phát triển ngành kinh tế du lịch của nhiều quốc gia trên thế giới cũng như Việt Nam trong hiện tại và tương lai.
Theo Hội đồng thế giới về môi trường và phát triển (WCED) “Phát triển bền vững là sự phát triển đáp ứng các nhu cầu hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng của các thế hệ tương lai trong đáp ứng nhu cầu của họ”.
Theo khoản 21, điều 4, chương I – Luật Du lịch Việt Nam (2005): “Du lịch bền vững là sự phát triển du lịch đáp ứng được các nhu cầu hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch của các thế hệ tương lai”.
Trong các nguyên tắc phát triển bền vững, có 2 nguyên tắc đề cập đến cộng đồng địa phương:
+ Hỗ trợ kinh tế địa phương:
Nguồn tài nguyên mà ngành du lịch đang sử dụng vốn thuộc quyền sở hữu của người dân bản địa. Hoạt động du lịch một mặt mang lại hiệu quả tích cực cho kinh tế - xã hội địa phương, mặt khác cũng để lại nhiều hậu quả tiêu cực cho tài nguyên môi trường và kinh tế của địa phương. Do vậy, ngành du lịch có trách nhiệm đóng góp một phần thu nhập cho phát triển kinh tế địa phương.
+ Thu hút sự tham gia của cộng đồng địa phương:
Việc tham gia của cộng đồng địa phương vào hoạt động du lịch không chỉ mang lại lợi ích cho họ và môi trường mà còn góp phần duy trì, phát triển du lịch, đa dạng hóa nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, tạo ra sự hấp dẫn với du khách.
1.4 Một số bài học kinh nghiệm về phát triển du lịch cộng đồng
1.4.1 Vườn quốc gia Cúc Phương
VQG Cúc Phương có nhiều nguồn lực cho phát triển du lịch sinh thái. Dân cư sống đông đúc trong và xung quanh VQG là một trong những đặc điểm nổi bật của phần lớn các VQG tại Việt Nam Phần lớn họ là dân nghèo, sinh sống chủ yếu
dựa vào phát nương làm rẫy và thu lượm, săn bắt động thực vật hoang dã và các sản phẩm rừng khác. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến nạn mất rừng và suy giảm số lượng các loài động thực vật sống trong VQG. Để khắc phục tình trạng trên cần thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ, song điểm mấu chốt vẫn là làm sao nâng cao được mức sống của người dân địa phương. Kinh nghiệm của VQG Cúc Phương cho thấy nếu biết tổ chức du lịch một cách hợp lý thì có thể thu hút một bộ phận dân cư địa phương tham gia làm du lịch và qua đó tăng thêm thu nhập. Hiện tại Cúc Phương cùng hợp tác với chính quyền và nhân dân địa phương xây dựng được 3 làng du lịch tại làng Khanh, La, Biên Động. Các làng du lịch này đều nằm trong vùng đệm của vườn do đó giảm thiểu được những tác động tiêu cực của hoạt động du lịch lên hệ sinh thái của vườn. Làng du lịch kể trên được nối với tuyến du lịch xuất phát từ vườn do cán bộ nhân viên của vườn thực hiện. Bằng nguồn thu nhập từ du lịch, VQG Cúc Phương đã hỗ trợ dân địa phương trong việc cải tạo nâng cao giá trị mảnh vườn gia đình, làm thủy điện nhỏ, đường xá nông thôn Tất cả những việc làm trên đều có tác động tích cực đến việc quản lý, bảo vệ vườn.
1.4.2 Vườn quốc gia Xuân Thủy
VQG Xuân Thủy nằm ở huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, có điều kiện tự nhiên lý tưởng cho việc nuôi trồng và khai thác nguồn lợi thủy hải sản và phát triển du lịch. Theo ông Nguyễn Viết Cách - Giám đốc VQG Xuân Thủy, việc đầu tiên là cần bảo vệ tốt môi trường, việc này với vùng đất ngập nước bao giờ cũng đem lại kết quả thực hiện việc bảo vệ các giá trị thiên nhiên lâu dài. Ngay trong điều kiện thực tiễn ở đây đã đáp ứng cho đời sống chính của cộng đồng địa phương. Vùng dự trữ thiên nhiên này mang nguốn sống, dự trữ thức ăn và môi sinh cho các mô hình khai thác, nuôi trồng thủy sản ở vùng đệm cùng một phần trong vùng lõi. Từ đó đóng góp cho sự phát triển môi sinh, kinh tế xã hội địa phương, trở thành nền cơ bản cho việc cung cấp phát triển mô hình sinh thái độc đáo của vùng đất mới, đem lại nhiều tiềm năng cho đích phát triển.
Chức năng du lịch của VQG phải được phát huy để tạo phúc lợi chung cho cộng đồng và tại đây đã từng bước làm được điều này. Ngoài việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, chất lượng dịch vụ, VQG có một dự án du lịch cộng đồng để phát huy tất cả các tiềm năng có thể, đáp ứng cho du khách thăm thú thiên nhiên, có được ngày nghỉ cuối tuần thật thoải mái.
1.4.3 Sapa
Sapa là một huyện nhỏ phía bắc tỉnh Lào Cai, là “thành phố trong sương” đẹp huyền ảo. Theo thống kê của Tổng cục du lịch, nếu năm 1995 có 9300 lượt khách (2300 khách nước ngoài) tới Sapa thì chỉ trong 6 tháng đầu năm 1996 đã có 7282 lượt khách, trong đó có 3282 khách nước ngoài. Có thể thấy hoạt động du lịch đã thực sự mang lại những hiệu quả kinh tế cho huyện này, tạo điều kiện cho sự phát triển đời sống vật chất và tinh thần của người dân nơi đây.
Mặt khác, sự phát triển du lịch cũng có những tác động tiêu cực tới hệ sinh thái tự nhiên và đời sống xã hội. Hệ sinh thái tự nhiên của Sapa đã bị biến đổi nhanh chóng, đặc biệt là đời sống xã hội văn hóa. Sự tấn công mạnh mẽ của nền kinh tế hàng hóa - nền kinh tế du lịch đã gây những tác động không nhỏ tới các sản phẩm văn hóa đồng thời làm biến đổi cả phương thức hoạt động kinh tế của người dân thiểu số vùng cao. Ví dụ: Đối với các sản phẩm thêu tay, để tăng cường số lượng hàng hóa bán ra, giảm bớt công sức, người dân tộc đã giảm bớt những đường nét hoa văn truyền thống. Sự phức tạp và tinh tế của đường nét và màu sắc không còn nhiều.
Cả vùng du lịch Sapa đang từng bước bị thương mại hóa (cả về tâm lý, nếp sống). Do đó, cần bảo vệ chất văn hóa của hoạt động du lịch. Điều kiện quan trọng nhất đảm bảo sự bền vững của hoạt động du lịch là độ bền vững của các sản phẩm du lịch. Song một vấn đề đặt ra là: trong quá trình giao lưu văn hóa thông qua hoạt động du lịch, giữa các vùng miền, giữa các quốc gia thường hay diễn ra sự đánh giá nơi này, nơi kia “tiến bộ” hay “lạc hậu”. Các nước có nền kinh tế phát triển, các vùng có mức sống cao thường tự nhận là “tiến bộ”. Các nước có nền kinh tế chậm phát triển, các vùng có mức sống thấp thường bị đánh giá là “lạc
hậu”. Vì thế, thường có khẩu hiệu: “Việt Nam đuổi kịp các nước tiên tiến”, “miền núi đuổi kịp miền xuôi”… Người ở vùng “tiến bộ” thường có mong muốn khá chân thành là cải hóa vùng “lạc hậu”. Người ở vùng “lạc hậu” thường mang nhiều mặc cảm và cố gắng tự loại bỏ những cái mà họ tự cho là thấp kém hơn để vươn tới cái tiến bộ. Nếu xét ở khía cạnh kinh tế, về mức sống, về tiện nghi vật chất thì không có gì phải bàn cãi, nhưng nếu điều này xảy ra trong lĩnh vực văn hóa truyền thống thì lại là một “thảm hại to lớn” đối với du lịch: Khi các dân tộc, các tộc người thiểu số cố gắng vứt bỏ bản sắc văn hóa của mình, tìm cách hòa trộn trong văn hóa của tộc người đa số, có nghĩa là môi trường văn hóa – sản phẩm của du lịch đã mất đi yếu tố “lạ”, “độc đáo”, mất đi sức hấp dẫn của nó.
Do vậy, chúng ta cần khẳng định và bảo vệ chất văn hóa trong du lịch – du lịch sinh thái nhân văn.Trong quá trình du lịch, sự giao lưu văn hóa giữa các vùng miền trong một quốc gia cũng như sự giao lưu văn hóa giữa các nền văn hóa của đa quốc gia, sự ảnh hưởng qua lại là điều khó tránh, nhưng nếu để mất đi cái “lạ”, cái độc đáo của sắc thái văn hóa tộc người, có nghĩa chúng ta đã làm mất đi độ bền vững của sản phẩm du lịch, và cũng chính là mất đi mục tiêu du lịch bền vững.
Có thể nói, trong lĩnh vực văn hóa, nhất là văn hóa tinh thần, chỉ có sự khác biệt giữa các nền văn hóa, chứ không có nền văn hóa cao, nền văn hóa thấp. “Khoan dung là một thái độ ứng xử tích cực, không hàm ý ban ơn hay hạ mình chiếu cố đối với người khác. Khoan dung là tôn trọng sự đa dạng của các nền văn hóa. Khoan dung là sự thừa nhận không có một nền văn hóa, một quốc gia hay một tôn giáo nào là độc tôn về tri thức và chân lý…” (Tuyên bố của Unesco khi chọn năm 1995 là năm Quốc tế về sự khoan dung khi bàn về sự tiếp xúc văn hóa trong hoạt động du lịch).
1.4.4 Nepal và khu vực Annapurna:
Du lịch là một trong những nguồn thu nhập ngoại tệ chính của Nepal. Mỗi năm, có hơn 36.000 du khách ưa hiểm trở và hơn 36.000 người khuân vác đi kèm đã tới thăm quan vùng Annapurna, tạo nguồn thu nhập cho hơn 40.000 người dân
địa phương. Khoảng 60% những du khách theo kiểu này đến trong vòng 4 tháng trong năm. Họ tập trung chỉ tại một vài điểm, do vậy gây nên những ảnh hưởng mang tính phá hủy nghiêm trọng lên cả môi trường tự nhiên và môi trường văn hóa địa phương.
Mỗi năm rừng bị chặt đi để xây dựng khách sạn, nhà nghỉ và tiện nghi nhà, để cung cấp củi đốt cho việc nấu thức ăn, tắm nước nóng, lửa trại… Hàng năm, 400.000ha rừng bị cắt. Tỉ lệ chặt phá rừng là 3%/năm. Cũng hàng năm, cứ 1ha rừng bị cắt, mất đi 30 - 70 tấn đất. Điều này đã dẫn đến những vụ lở đất và lụt lội nghiêm trọng.
86% năng lượng của Nepal lấy từ rừng. Ở Annapurna, mọi người dân đều dùng củi để nấu ăn bởi không còn nguồn năng lượng nào khác. Tổng lượng gỗ tiêu thụ hàng ngày do một người khách du lịch tương đương với lượng gỗ một gia đình Nepal dùng trong khoảng 5 ngày hoặc 1 tuần…
Do vậy, Nepal đã phấn đấu đảm bảo rằng bên có lợi từ các hoạt đồng bảo tồn và du lịch đường bộ sẽ là những người dân địa phương; đồng thời biến người dân địa phương thành những người bảo vệ nguồn tài nguyên của họ. Phương thức thực hiện là lấy kinh nghiệm của người dân chứ không sử dụng những triết lý sách vở. Kết quả là các hoạt động truyền thống ghép vào một hệ thống quản lý tài nguyên quan trọng được trợ giúp bởi các dự án quy mô nhỏ về năng lượng và bảo tồn nhằm giảm đến mức tối thiểu tác động của khách du lịch và nâng cao mức sống của người dân địa phương.