Kiến Thức Và Kỹ Năng Về Du Lịch Của Người Dân Địa Phương


cho cộng đồng, tạo ấn tượng và thỏa mãn những nhu cầu của khách CBT. Những chỉ tiêu đánh giá tính tiện nghi của điểm đến du lịch tìm thấy trong các nghiên cứu trước đây được tác giả trình bày trong phụ lục 6.3.

1.3.4. Sự tham gia của người dân địa phương

Sự tham gia của người dân địa phương là yếu tố quan trọng trong quy hoạch phát triển du lịch và sự hỗ trợ của cộng đồng là điều thiết yếu để đạt được sự phát triển du lịch bền vững (Bramwell và Sharman, 1999; Hall, 2005; Tosun, 2002). Đã có nhiều học giả nghiên cứu đánh giá sự tham gia của người dân địa phương trong quá trình phát triển CBT như: Arnstein (1965); Murphy (1985); Cernea (1991), Jamal và Getz (1995); Reed (1997); Wearing & McDonald (2002); Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (2016)… Tuy nhiên, đứng trên những góc độ nghiên cứu khác nhau thì quan điểm về sự tham gia cũng có sự khác biệt, tổng quan tài liệu cho thấy có 2 quan điểm chính, tham gia theo hình thức là một quá trình và tham gia là một công cụ để đạt được mục tiêu của chương trình.

Tham gia theo hình thức là một quá trình, đề cập đến việc người dân địa phương được tham gia ở nhiều cấp độ khác nhau, từ việc thiết kế, lập kế hoạch, ra quyết định thực hiện và quản lý, giám sát và đánh giá, chia sẻ lợi ích trong cộng đồng… qua đó người dân sẽ có một phần thu nhập từ hoạt động kinh doanh du lịch góp phần tạo nên sinh kế bền vững. Theo quan điểm tham gia là một công cụ để đạt được mục tiêu của chương trình, đề cập đến sự tham gia của người dân địa phương với tư cách là người lao động trực tiếp, chịu sự quản lý, chỉ đạo của người khác (trong hoặc ngoài cộng đồng) thuê sức lao động của họ. Trong phạm vi nghiên cứu, tác giả tiếp cận sự tham gia của người dân địa phương theo hình thức là một quá trình.

Armstein (1965) xác định sự tham gia của người dân trong phát triển CBT là một hình thức giúp họ thay đổi quan điểm, lối sống cũng như chia sẻ các lợi ích trong xã hội. Tác giả phân chia sự tham gia thành 8 bậc gồm: (1) bị lôi kéo, (2) đào tạo, (3) được thông báo, (4) được tham vấn, (5) tư vấn, (6) hợp tác, (7) phân cấp và (8) kiểm soát. Trong đó, các bậc (1) và (2) không có sự tham gia của người dân, từ bậc (3) đến (5) người dân tham gia theo hình thức nửa vời và từ bậc (6) đến (8) tham gia chính thức từ việc thiết kế, lập kế hoạch, ra quyết định thực hiện và quản lý, giám sát và đánh giá.

Nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định tham gia tổ chức du lịch cộng đồng của người dân tỉnh An Giang, Nguyễn Quốc Nghi và cộng sự (2012) đã đề cập đến năm nhân tố ảnh hưởng, gồm: (1) trình độ học vấn của chủ hộ; (2) quy mô gia đình; (3) thu nhập gia đình; (4) vốn xã hội và (5) nghề truyền thống. Theo kết quả nghiên cứu thì quy mô hộ gia đình có tác động mạnh nhất đến quyết định tham gia phát triển du lịch của người dân tỉnh An Giang.


Nopparat Satarat (2010) chia sự tham gia của người dân địa phương trong quản lý CBT thành bốn tiêu chí là (1) tham gia vào quá trình ra quyết định, (2) tham gia vào quá trình thực hiện, (3) tham gia vào chia sẻ lợi ích và (4) tham gia vào các hoạt động đánh giá. Một số nghiên cứu khác (Henry, 2009; Lucchentti và Font, 2013) cho rằng sự tham gia của cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch phải tạo được sự khác biệt so với các điểm du lịch cạnh tranh khác, điều này tạo cho khách du lịch có những cảm nhận trải nghiệm khác biệt hơn so với các điểm CBT họ đã qua. Việc tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, sáng tạo, độc đáo như vấn đề ẩm thực, hàng thủ công mỹ nghệ, trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người dân bản địa tại điểm đến… vừa góp phần tạo thên thu nhập cho người dân địa phương, vừa thu hút được khách du lịch trong việc tăng chi tiêu và thời gian lưu trú cũng như giới thiệu người khác đến thăm. Phụ lục 6.4 tóm tắt những chỉ tiêu đánh giá sự tham gia của người dân địa phương trong phát triển du lịch đã được tìm thấy trong các nghiên cứu trước đây.

1.3.5. Kiến thức và kỹ năng về du lịch của người dân địa phương

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 233 trang tài liệu này.

Nghiên cứu của nhiều học giả (Frank & Smith, 1999; Aref và cộng sự, 2009; Moscardo, 2008) trước đây đều chỉ ra rằng để nâng cao năng lực cộng đồng trong phát triển du lịch, người tham gia phải có kiến thức và kỹ năng, qua đó giúp họ có được những suy nghĩ và hành động theo những cách thức phù hợp nhất. Kỹ năng và kiến thức được coi là một công cụ hỗ trợ hỗ trợ cho phát triển cộng đồng và là nhân tố quan trọng cho phát triển CBT, nó thực sự cần thiết đối với bất kỳ đối tượng nào tham gia vào hoạt động CBT, từ cán bộ chính quyền địa phương hay những nhà lãnh đạo trong cộng đồng đến những người dân địa phương.

Nghiên cứu của Aref và cộng sự (2009); Moscardo (2008) đã chỉ ra ở hầu hết những nước đang phát triển, việc thiếu năng lực trong cộng đồng được thừa nhận là một rào cản để thúc đẩy phát triển CBT. Theo Aref, xây dựng năng lực cộng đồng đóng vai trò trung tâm và giữ vị trí quan trọng trong hoạt động kinh doanh du lịch, trong đó, thiếu kiến thức du lịch là một rào cản quan trọng không chỉ trực tiếp hạn chế sự tham gia của người dân địa phương trong phát triển du lịch, mà còn góp phần gây ra những trở ngại khác như bị phụ thuộc vào sự sắp sếp các tour du lịch của các công ty bên ngoài cộng đồng. Vì vậy, để nâng cao năng lực cho cộng đồng địa phương trong phát triển CBT thì cần thiết phải nâng cao kiến thức và kỹ năng về du lịch. Hình 1.1 cho thấy việc kết nối giữa hạn chế về năng lực cộng đồng, sự tham gia của địa phương và phát triển du lịch không bền vững.

Nghiên cứu một số nhân tố ảnh hưởng đến phát triển du lịch cộng đồng tiểu vùng Tây Bắc - 6


Phát triển du lịch không bền vững


Hạn chế về sự tham gia của cộng đồng trong phát triển du lịch


Hạn chế về xây dựng năng lực cộng đồng


Thiếu nguồn nhân lực

Cơ cấu tổ chức

Vốn xã hội

Sự thống trị của bên ngoài/sự thao túng

Hình 1.1: Xây dựng năng lực cộng đồng và sự tham gia của cộng đồng, sự chi phối bên ngoài và phát triển du lịch không bền vững.

Nguồn: Moscardo, 2008

Davis và cộng sự (1988) là một trong những nhóm học giả đầu tiên nghiên cứu về kiến thức của người dân địa phương đối với phát triển du lịch, kết quả nghiên cứu đã chỉ ra kiến thức của người dân về du lịch và kinh tế địa phương có tác động ảnh hưởng đến thái độ của họ đối với phát triển du lịch. Cụ thể, nếu người dân hiểu biết nhiều hơn về sự phát triển kinh tế địa phương thì họ có xu hướng ủng hộ phát triển du lịch. Việc nâng cao kỹ năng và kiến thức có thể thực hiện ở bất kỳ bên liên quan nào trong phát triển CBT (cán bộ chính quyền địa phương; lãnh đạo và người dân trong cộng đồng). Moscardo (2008) cũng cho rằng, thiếu kiến thức về du lịch đối với các cộng đồng ở các quốc gia đang phát triển là một trong những rào cản lớn nhất không chỉ trực tiếp hạn chế khả năng tham gia của người dân địa phương, các tổ chức trong cộng đồng vào việc phát triển du lịch mà còn góp phần vào các rào cản tiếp theo như thiếu khả năng lãnh đạo và bị lệ thuộc vào các đối tác bên ngoài cộng đồng.

Nopparat Satarat (2010) đã đưa ra 6 chỉ tiêu liên quan đến quá trình học tập, nâng cao kiến thức, kỹ năng của người dân địa phương khi đánh giá tính bền vững trong phát triển CBT ở Thái Lan, gồm: (1) người dân địa phương cung cấp các hoạt động du lịch khuyến khích quá trình trao đổi, học tập giữa khách và người dân; (2) Hướng dẫn viên là người địa phương có thể giải thích và cung cấp thông tin chi tiết về các điểm tham quan tự nhiên và văn hóa cho khách du lịch; (3) các tour du lịch trong làng luôn có sẵn để khách du lịch tìm hiểu cách sống của người dân địa phương; (4) người dân địa phương chia sẻ các bài học sản xuất các sản phẩm địa phương (như đan lát, dệt, chế biến thức


ăn…); (5) khách du lịch có cơ hội thảo luận và trao đổi ý tưởng và kiến thức với các thành viên trong cộng đồng và (6) khách du lịch có cơ hội học hỏi những kiến thức sống truyền thống của người dân địa phương.

Nghiên cứu của Ni Made Ernawati (2015) về định hướng thị trường các sản phẩm CBT tại bốn ngôi làng thuộc BaLi (Indonesia), kết quả nghiên cứu đã chỉ ra người dân địa phương có kinh nghiệm về cuộc sống thực tế của họ và sẵn sàng chia sẻ với khách du lịch, tuy nhiên họ gặp những khó khăn trong tính phí và định giá sản phẩm dịch vụ. Từ đó tác giả cho rằng cộng đồng địa phương muốn phát triển CBT thì cần thiết phải xây dựng năng lực, nâng cao kiến thức và kỹ năng kinh doanh du lịch để tự tin vận hành các hoạt động CBT.

Như vậy, từ tổng quan các nghiên cứu cho thấy kiến thức và kỹ năng về du lịch của người dân địa phương cũng giữ vai trò quan trọng, ảnh hưởng đến phát triển CBT của địa phương. Tóm tắt những chỉ tiêu đánh giá kiến thức và kỹ năng về du lịch của người dân địa phương trong phát triển du lịch tìm thấy trong các nghiên cứu trước đây (phụ lục 6.5) là những gợi mở quan trọng cho nghiên cứu để đánh giá kiến thức và kỹ năng về du lịch của người dân tại khu vực nghiên cứu.

1.3.6. Lãnh đạo cộng đồng

Sự phát triển CBT thường bắt nguồn từ một nhóm nhỏ trong cộng đồng, tuy nhiên, những sáng kiến phát triển CBT phải đực sự hỗ trợ của những người có kiến thức và kỹ năng thích hợp trong quản lý các nguồn lực tài chính và con người, cũng như xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện. Những công việc này thường do lãnh đạo cộng đồng thực hiện, do vậy, lãnh đạo cộng đồng giữ vai trò quan trọng trong phát triển cộng đồng thành công và đặc biệt, nó là một phần thiết yếu trong phát triển CBT (Aref và Redzuan, 2008).

Để phát triển CBT trong môi trường kinh tế, xã hội như hiện nay, mỗi cộng đồng cần có những nhà lãnh đạo có thể giúp đỡ được các nhóm, các doanh nghiệp trong cộng đồng và các tổ chức đoàn thể của địa phương làm việc cùng với nhau để giải quyết những thách thức cũng như thúc đẩy các thế mạnh của địa phương mình. Tùy theo từng khu vực khác nhau, thuật ngữ lãnh đạo cộng đồng có những tên gọi cụ thể như Trưởng Làng; Trưởng Bản; Trưởng thôn hay Tù trưởng... Nghiên cứu của Nopparat (2010) về quản lý CBT bền vững ở Thái Lan đã chỉ ra vai trò quan trọng của lãnh đạo cộng đồng địa phương trong phát triển CBT, theo đó lãnh đạo cộng đồng là những người có thể phổ biến thông tin du lịch, truyền cảm hứng cho các thành viên và người dân tham gia phát triển du lịch. Đồng thời, có thể phối hợp với các cơ quan bên ngoài để phát triển CBT trong cộng đồng, bao gồm cả giải quyết những xung đột liên quan đến hoạt động du lịch và phân phối lợi ích công bằng cũng như lắng nghe tiếng nói của người khác.


Trước đó, Henry (2009) cũng chỉ ra vai trò quan trọng của lãnh đạo động đồng trong quản lý, phát triển du lịch và quá trình làm việc với các thành viên trong cộng đồng, khuyến khích người dân tham gia phát triển CBT. Đồng thời, họ cũng là đầu mối liên kết/kết nối giữa người dân địa phương và các bên liên quan khác như chính quyền địa phương, doanh nghiệp tạo thuận lợi cho các hoạt động giao tiếp, tương tác giữa các bên phát triển CBT.

Suthamma Nitikasetsoontorn (2014) khi đánh giá các yếu tố thành công của CBT tại Thái Lan cũng chỉ ra, lãnh đạo cộng đồng giữ vai trò quan trọng trong chỉ đạo, quản lý phát triển du lịch và làm việc với các thành viên trong cộng đồng cũng như các bên liên quan khác. Theo Labonte & Laverack (2001), lãnh đạo cộng đồng đòi hỏi sự tham gia của người tham gia và sự tham gia mà không có sự lãnh đạo tốt sẽ dẫn đến sự mất tổ chức. Một số học giả khác (Williams & Wade, 2002; Raik và cộng sự, 2003; Kirk & Kraft, 2004; Mills, 2005) cũng đã có những đóng góp đáng kể cho các nghiên cứu về lãnh đạo cộng đồng trong phát triển CBT, họ cho rằng lãnh đạo cộng đồng đã nhấn mạnh một quá trình hợp tác, liên tục, có ảnh hưởng dựa trên mối quan hệ giữa con người với các quy trình phát triển CBT.

Tóm lại, từ tổng quan nghiên cứu cho thấy lãnh đạo cộng đồng cũng giữ vai trò quan trọng, ảnh hưởng đến phát triển CBT của địa phương. Phụ lục 6.6 tóm tắt những chỉ tiêu đánh giá lãnh đạo cộng đồng trong quản lý phát triển du lịch đã được tìm thấy trong các nghiên cứu trước, đây là những gợi mở quan trọng cho nghiên cứu để đánh giá tại khu vực nghiên cứu.

1.3.7. Sự hỗ trợ của các tổ chức trong cộng đồng

Liên quan đến các tổ chức trong cộng đồng, về bản chất đó là các nhóm trong một cộng đồng, có quy mô nhỏ theo từng nhóm đối tượng tham gia chính thức hoặc không chính thức như Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội nông dân… và một số tổ chức đoàn thể khác trong cộng đồng, ở đó các thành viên có cơ hội để bày tỏ quan điểm và trao đổi thông tin cho sự phát triển CBT. Theo Maclellan Wright và cộng sự (2007), các tổ chức trong cộng đồng có thể góp phần làm thu hẹp khoảng cách giữa các cá nhân và tổ chức trong một cộng đồng, chúng cũng có thể tác động ảnh hưởng đáng kể đến quá trình phát triển CBT.

Các tổ chức trong cộng đồng được xem là một trong những nhân tố tác động tích cực đến phát triển năng lực cộng đồng, tuy nhiên chủ yếu được đề cập trong các nghiên cứu về y tế cộng đồng (Maclellan-Wright, F., và cộng sự, 2007) ít được đề cập trong các nghiên cứu về du lịch. Thực tế, bên cạnh vai trò của các lãnh đạo trong cộng đồng (già làng/ trưởng bản…) thì các tổ chức trong cộng đồng, đặc biệt là tổ chức Đoàn thanh


niên; Hội phụ nữ tại một số điểm CBT giữ vai trò quan trọng, đi đầu thực hiện các dự án CBT, quy tụ các thành viên trong cộng đồng cùng tham gia hoạt động và chia sẻ các nguồn lực để phát triển CBT. Tuy nhiên, nhân tố này chưa được đề cập nhiều trong các nghiên cứu trước đó về phát triển CBT, trong phạm vi nghiên cứu của luận án, tác giả sẽ tiếp cận nhân tố sự hỗ trợ của các tổ chức trong cộng đồng trong nghiên cứu định tính, phỏng vấn sâu các nhóm tổ chức Hội phụ nữ và Đoàn thanh niên tham gia phát triển CBT nhằm xác định rõ hơn những nhân tố cũng như các thành phần của nó tác động ảnh hưởng đến phát triển CBT tại khu vực nghiên cứu.

1.3.8. Hợp tác và hỗ trợ từ bên ngoài cộng đồng

Hợp tác và hỗ trợ từ bên ngoài cộng đồng được hiểu là sự liên kết, phối hợp cùng thực hiện CBT giữa cộng đồng địa phương với các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp khác bên ngoài cộng đồng. Trong đó, các cơ quan, tổ chức bên ngoài cộng đồng chủ yếu hỗ trợ giúp cộng đồng trong việc quảng bá, xúc tiến du lịch; tư vấn, hỗ trợ, đào tạo giáo dục người dân trong việc nâng cao kỹ năng và kiến thức, tính chuyên nghiệp trong phát triển CBT.

Hợp tác và hỗ trợ từ bên ngoài cộng đồng được coi là một chìa khóa để phát triển thành công một dự án CBT. Mặc dù mục tiêu của phát triển CBT là tập trung vào phát triển cộng đồng, tuy nhiên cần nhận thức được mối liên kết và kết hợp với các ngành khác như Chính quyền địa phương, các Viện nghiên cứu, các tổ chức Phi chính phủ hay các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, nhà đầu tư bên ngoài cộng đồng. Hợp tác và hỗ trợ từ bên ngoài là cơ hội để cộng đồng tiếp cận, tạo ra những lợi thế cho phát triển CBT trong cộng đồng địa phương, hợp tác và hỗ trợ từ bên ngoài cộng đồng có thể cung cấp, trợ giúp cho cộng đồng trong việc điều hành CBT, bao gồm cả hỗ trợ về kinh phí cho cho phát triển du lịch, cũng như cung cấp những tư vấn cho hoạt động kinh doanh CBT (Hiwasaki, L, 2006). Hợp tác và hỗ trợ từ bên ngoài cộng đồng cũng có thể góp phần vào việc trao quyền cho tổ chức cộng đồng để tận dụng các cơ hội phát triển cộng đồng (Reid, M., & Gibb, K, 2004).

Brennan và Allen (2001) đã đề cập đến vai trò hợp tác và hỗ trợ của chính phủ, các công ty tư nhân và các tổ chức phi chính phủ đối với phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại Kwa Zulu-Natal, Nam Phi. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng nhấn mạnh đến vai trò của người dân địa phương đối với quản lý các nguồn tài nguyên, thực tế cho thấy, người dân địa phương chỉ được hưởng một số lợi ích từ việc làm và cải thiện cơ sở hạ tầng; không có khả năng tạo dựng các nguồn lực và kiến thức của mình để phát triển các dự án và sáng kiến của mình. Vai trò của các tổ chức phi chính phủ thường chỉ dừng ở việc hỗ trợ đào tạo người dân địa phương về các kỹ năng và kiến thức kinh doanh du lịch, tuy nhiên sau khi các tổ chức phi chính phủ rút khỏi cộng đồng thì người dân địa phương có đủ năng lực và các điều kiện cần thiết để tiếp tục duy trì, phát triển các hoạt động kinh doanh du lịch nữa hay không; các cơ chế chính sách và sự hợp tác hỗ trợ


của Nhà nước có đủ mạnh để người dân được tham gia phát triển không; các doanh nghiệp có thực sự quan tâm đầu tư hỗ trợ và hợp tác với người dân trong phát triển du lịch không. Nghiên cứu này tập trung đánh giá vai trò của các bên liên quan, gồm: cơ quan chức năng của Nhà nước; doanh nghiệp và các tổ chức phi chính phủ trong hợp tác, hỗ trợ cộng đồng địa phương phát triển CBT dựa trên nhận thức và đánh giá của người dân địa phương; khách du lịch xem tổ chức nào giữ vai trò quan trọng trong tư vấn, hỗ trợ cho người dân địa phương phát triển du lịch tốt hơn; trong đầu tư, hỗ trợ các chương trình giáo dục và đào tạo co người dân để nâng cao kiến thức và kỹ năng phát triển CBT; hỗ trợ trong quảng bá các hoạt động CBT.

Hoạt động CBT không nên triển khai độc lập với các thành phần khác, bởi vì khả năng hoạt động của cộng đồng trong phát triển CBT cần có những cơ chế, chính sách và hỗ trợ từ phía các cơ quan quản lý của Nhà nước, các mối liên kết của các ngành khác nhằm hỗ trợ, duy trì và phát triển du lịch. Đối tác và hỗ trợ bên ngoài có thể cung cấp những trợ giúp trong việc tư vấn, điều hành CBT, huy động kinh phí cho phát triển CBT, duy trì, tôn tạo và nâng cấp cơ sở hạ tầng, quảng bá cho các điểm đển (Armstrong, 2012).

1.4. Xác định khoảng trống nghiên cứu và định hướng nghiên cứu

Qua tổng quan nghiên cứu cho thấy các nghiên cứu về CBT đã có một quá trình kế thừa và phát triển khá dài, nhiều nghiên cứu cũng như thực tiễn đã chỉ ra mô hình CBT có thể là một trong những giải pháp khắc phục những hạn chế của du lịch đại chúng cũng như những vấn đề phát triển kinh tế địa phương, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống bản địa, nâng cao ý thức của người dân và khách du lịch trong bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, thực tế tại Việt Nam cho thấy CBT luôn gặp khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện, mỗi vùng miền có những đặc điểm điều kiện tự nhiên, văn hóa - xã hội cũng như phong tục tập quán truyền thống của các dân tộc và tài nguyên du lịch khác nhau ảnh hưởng đến sự phát triển CBT. Do vậy, nghiên cứu đánh giá những nhân tố ảnh hưởng đến phát triển CBT sẽ rất cần thiết để bổ sung vào cơ sở lý luận về CBT cũng nhưng gợi ý những giải pháp quản lý nhằm triển khai thành công hơn mô hình này. Quá trình tổng quan cho thấy còn một số khoảng trống nghiên cứu sau:

Thứ nhất, các nghiên cứu đánh giá phát triển du lịch nói chung và phát triển CBT nói riêng thường theo hướng phát triển bền vững, dựa trên ba biến số là: kinh tế, văn hóa - xã hội và môi trường. Tuy nhiên, từ tổng quan cho thấy ngoài ba biến số trên còn có các biến số khác như: giáo dục, sức khỏe, đáp ứng nhu cầu khách du lịch… tùy thuộc vào đối tượng, quan điểm và mục tiêu nghiên cứu khác nhau của các học giả. Ví dụ, Wall và Mathieson (2006) cho rằng, để đánh giá sự phát triển CBT, ngoài các tiêu chí về kinh tế, môi trường và phúc lợi xã hội cho cộng đồng địa phương, cần xem xét khả năng đáp ứng nhu cầu của khách du lịch tại các cơ sở kinh doanh. Quan điểm này cũng


được Trần Tiến Dũng (2007) đề cập khi đánh giá thực trạng phát triển du lịch bền vững ở Phong Nha - Kẻ Bàng và đây cũng là những tiêu chí đánh giá tính bền vững điểm du lịch của tổ chức du lịch thế giới (UNWTO), theo đó tính bền vững của sự phát triển CBT sẽ được thiết lập nếu thỏa mãn các yêu cầu sau:

- Nhu cầu của khách du lịch: Được thỏa mãn;

- Vấn đề kinh tế: Thúc đẩy kinh tế địa phương, tạo cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho người dân trong cộng đồng;

- Vấn đề văn hóa - xã hội: Giữ gìn, bảo tồn, phục hồi các giá trị văn hóa, phong tục tập quán truyền thống của người dân bản địa trên cơ sở tăng cường giao lưu, chia sẻ với khách du lịch và các nền văn hóa khác nhau;

- Vấn đề môi trường: Nâng cao nhận thức của người dân địa phương trong bảo vệ các tài nguyên thiên nhiên, có ý thức hơn trong giữ gìn vệ sinh môi trường và quản lý tốt nước thải, chất thải trong cộng đồng.

Trong khi nghiên cứu của Lê Đức Viên (2017) đánh giá phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng theo hướng bền vững dựa trên bốn tiêu chí là kinh tế; văn hóa - xã hội; môi trường và quản lý Nhà nước. Suansri (2004) đánh giá phát triển du lịch trên năm khía cạnh là kinh tế; văn hóa; xã hội; môi trường và chính trị. Điều này cho thấy, việc đánh giá các khía cạnh của phát triển du lịch phụ thuộc vào quan điểm, nhận thức, đặc điểm của khu vực nghiên cứu và giai đoạn nghiên cứu. Do vậy, tác giả cho rằng trên cơ sở kế thừa các nghiên cứu trước đây và mục đích nghiên cứu của luận án, cần điều chỉnh, bổ sung các tiêu chí đánh giá sự phát triển CBT cho khu vực nghiên cứu.

Thứ hai, nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển CBT cũng như các chỉ tiêu đánh giá khá đa dạng, trên những góc độ khác nhau và ở các địa phương khác nhau là không giống nhau, không mang tính đại diện, gắn với đặc điểm của từng quốc gia, vùng miền. Các nghiên cứu trước đó thường tập trung vào một số nội dung như: đánh giá các yếu tố tạo nên sự thành công của CBT (Veronica Garcia Lucchetti, 2013; Suthamma Nitikasetsoontorn, 2014; Sila Karacaoğlu và Kemal Birdir, 2017); Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định tham gia tổ chức du lịch cộng đồng của người dân (Nguyễn Quốc Nghi và cộng sự, 2012); đánh giá những hạn chế về sự tham gia của cộng đồng trong quản lý và vận hành CBT (Tosun, 2000); đánh giá sự tham gia của cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch miền núi (Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, 2016); vai trò của CBT trong xây dựng năng lực cộng đồng ở các nước đang phát triển (Moscardo, 2008); chất lượng dịch vụ du lịch do CBT cung cấp (Lpez-Guzman và cộng sự, 2011); khai thác du lịch theo hướng phát triển bền vững; nghiên cứu về tầm quan trọng của cộng đồng địa phương trong quy hoạch và phát triển du lịch (Picard, 2008; Egmond, 2007); đánh giá các phương pháp tiếp cận CBT từ quan điểm của các bên liên quan

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 06/03/2023