Phát Triển Cbt Gắn Với Việc Nâng Cao Nhận Thức Của Người Dân Và Khách Du Lịch Trong Bảo Vệ Môi Trường


Vấn đề thứ hai, liên quan đến nâng cao năng lực của cộng đồng trong quản lý du lịch, nhiều nghiên cứu thực nghiệm cũng chỉ ra, để phát triển CBT thì các thành viên trong cộng đồng cần được chủ động tham gia, chia sẻ ý tưởng và tập hợp các nguồn lực trong việc quản lý CBT, tạo mối liên hệ bền chặt, củng cố niềm tin và sự đoàn kết trong cộng đồng. Thực tế, một số nghiên cứu được tiến hành ở Bắc Mỹ, Châu Âu, Caribbean, Châu Á và khu vực Thái Bình Dương đã chỉ ra phát triển CBT chưa thể hiện được vai trò của nó trong phát triển cộng đồng. Nhiều dự án CBT, ban đầu được đề cập như bàn đạp để phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, góp phần vào bảo tồn các nguồn tài nguyên tự nhiên và tạo việc làm cho người dân địa phương, nhưng thực tế sau đó diễn ra ngược lại. Nghiên cứu của Simpson và Wall (1999) ở khu Paradise Beach Resort, tại Sulawesi (Indonesia) đã chỉ ra việc phát triển du lịch ở đây có xu hướng bỏ qua những lợi ích của người dân địa phương và kết quả đó đã có những tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên và xã hội, cụ thể:

- Trong quá trình phát triển khu Paradise Beach Resort, tại Sulawesi đã không có diễn đàn cho người dân địa phương tham gia;

- Vấn đề bồi thường đền bù đất đai cho người dân không được thỏa đáng;

- Nhiều loài cây ở vùng ngập mặn và cây dừa của địa phương bị phá bỏ;

- Hầu hết các nguồn lực lao động liên quan đến xây dựng hạ tầng được huy động từ những khu vực khác chứ không phải từ địa phương;

- Khoảng 250 nhân viên khách sạn là người Indonesia, nhưng chỉ khoảng 5% trong số đó được huy động từ người dân bản địa. Tuy nhiên, phần lớn các công nhân người địa phương làm việc trong các vị trí quét dọn lau chùi và làm vườn thông thường, họ không được đào tạo và được nhận mức lương rất thấp;

- Người dân địa phương không có cơ hội để bán trực tiếp những sản phẩm thủ công truyền thống mà họ tự làm cho các khách sạn, khách du lịch;

- Nhiều người dân địa phương cho biết, trong thời gian dài họ sẽ không còn đất để trồng rau hoặc trồng dừa;

- Các đội văn nghệ của địa phương không được huy động để tham gia trình diễn, mà thay vào đó là những đội từ các làng, địa phương khác.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 233 trang tài liệu này.

Bùi Thanh Hương và cộng sự (2007) đã chỉ ra những hạn chế, vướng mắc liên quan đến việc khai thác các nguồn tài nguyên du lịch tại địa phương. Các hoạt động này thường được chỉ đạo, sở hữu và điều hành bởi các chủ sở hữu hay các doanh nghiệp bên ngoài cộng đồng, họ thường cung cấp các tour du lịch chọn gói và sự tham gia duy nhất của người dân địa phương là việc sử dụng các nguồn tài nguyên tự nhiên và văn hóa của họ ở mức tối thiểu hoặc không nhận được kinh phí từ phía các nhà điều hành. Các hoạt


Nghiên cứu một số nhân tố ảnh hưởng đến phát triển du lịch cộng đồng tiểu vùng Tây Bắc - 5

động liên quan đến công việc của người dân địa phương bị áp đặt theo phương pháp tiếp cận từ trên xuống, các hộ kinh doanh lại thiếu nhân lực, đặc biệt là lao động trẻ và nữ; thu nhập từ hoạt động kinh doanh du lịch quá thấp do công ty áp đặt giá nên không đủ trang trải những chi phí cơ bản, không thúc đẩy việc tái đầu tư; các hộ gia đình bị ràng buộc bởi hợp đồng độc quyền của công ty nên không có cơ hội đón tiếp các đoàn khách của các công ty lữ hành khác, ngay cả đối với khách du lịch riêng lẻ, điều này tạo ra sự kìm hãm mức tăng lượng khách sử dụng dịch vụ tại nhà dân.

Từ những phân tích trên cho thấy, CBT phát triển theo đúng nghĩa của nó khi các thành viên trong cộng đồng có thể phát huy khả năng của mình và tham gia quản lý hoạt động kinh doanh du lịch để tối đa hóa lợi ích. Đồng thời phát huy những kỹ năng và kiến thức để giải quyết vấn đề, giảm thiểu sự phụ thuộc vào các cơ quan bên ngoài.

Vấn đề thứ ba, liên quan đến phát triển nguồn nhân lực và các kỹ năng của người dân, nghiên cứu của Tasci và cộng sự (2013) cũng chỉ ra, phát triển CBT gắn với việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho các cá nhân và cộng đồng không chỉ riêng thu nhập và việc làm, mà còn các vấn đề xã hội khác như y tế, giáo dục, giải trí và bình đẳng giới, phát triển nguồn nhân lực và các kỹ năng cho người dân địa phương. Thông qua phát triển CBT, người dân có thêm nhiều kiến thức kinh doanh, kỹ năng quản lý và kinh nghiệm mới từ giao tiếp với khách du lịch (Jones, K, 1995). Hơn nữa, CBT là loại hình du lịch thường gắn với các tài nguyên văn hóa và tài nguyên tự nhiên trong cộng đồng, bằng những kỹ năng và kiến thức của mình, người dân địa phương giới thiệu những nét văn hóa, phong tục tập quán, cảnh quan thiên nhiên cho du khách. Khách du lịch sẽ tìm hiểu văn hóa địa phương bằng cách tham gia các hoạt động giao lưu, lao động sản xuất cùng người dân bản địa, qua đó thúc đẩy các hoạt động kinh tế, tạo cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho người dân và góp phần bảo vệ, gìn giữ môi trường tự nhiên, văn hóa - xã hội. Do đó, những người được hưởng lợi chính của CBT không phải là khách du lịch hay các nhà kinh doanh CBT, mà là chính các thành viên trong cộng đồng.

Tóm lại, tổng hợp các nghiên cứu phát triển CBT về khía cạnh văn hóa - xã hội cho thấy, có ba nội dung chính được các học giả đề cập trong nghiên cứu của mình là:

(1) phát triển CBT gắn với việc bảo tồn, phục hồi các giá trị văn hóa, phong tục tập quán truyền thống của người dân bản địa; (2) người dân được chủ động tham gia, chia sẻ ý tưởng và tập hợp các nguồn lực trong việc quản lý CBT, tạo mối liên hệ bền chặt, củng cố niềm tin và sự đoàn kết trong cộng đồng; (3) phát triển nguồn nhân lực và các kỹ năng cho người dân địa phương. Tác giả tóm tắt những chỉ tiêu đo lường sự phát triển CBT gắn với văn hóa - xã hội tìm thấy trong các nghiên cứu trước đây tại phụ lục 5.2.


1.2.2.3. Phát triển CBT gắn với việc nâng cao nhận thức của người dân và khách du lịch trong bảo vệ môi trường

Phát triển CBT nói riêng và du lịch nói chung hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, do đó vấn đề nâng cao nhận thức của người dân địa phương, khách du lịch và các bên liên quan đối với bảo vệ tài nguyên du lịch, cũng như bảo vệ môi trường, cảnh quan trong cộng đồng cũng là một trong những tiêu chí đánh giá phát triển CBT và được thể hiện trên các khía cạnh sau:

Một là, khai thác, sử dụng hợp lý gắn với bảo vệ các nguồn tài nguyên du lịch trong cộng đồng là một phần thiết yếu, tạo nên sức hấp dẫn của điểm đến. Nghiên cứu của Akis và cộng sự (1996) ở ba cộng đồng người Cypriot; Nunkoo và Ramkissoon (2010) tại Port Luis, Mauritius đã chỉ ra việc đánh giá phát triển CBT không chỉ là việc bảo tồn/phục hồi các công trình kiến trúc (kiến trúc nhà, công trình xây dựng dựng nhân tạo của người dân phục phụ cho lao động, sinh hoạt…) mà còn bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, động thực vật hoang dã và các di tích văn hóa, lịch sử.

Hai là, khai thác sử dụng tài nguyên du lịch gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra những tác động của du lịch có ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường trong cộng đồng như ô nhiễm không khí (bao gồm khí thải từ xe cộ và các phương tiện khác), ô nhiễm nước (bao gồm nước thải, phân bón, thuốc trừ sâu…); sự cạn kiệt các tài nguyên thiên nhiên (Andereck và cộng sự, 2005. Liu & Var, 1986); phá hủy hệ thực vật, môi trường cảnh quan địa phương, nạn phá rừng, cháy rừng (Andereck và cộng sự, 2005; Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, 2016), rác thải, ùn tắc giao thông, ô nhiễm tiếng ồn… Do vậy, việc đánh giá phát triển CBT cũng cần xem xét giảm thiểu tác động tiêu cực của hoạt động du lịch đến môi trường, nâng cao nhận thức của người dân địa phương về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường trọng cộng đồng (Nopparat Satarat, 2010; Suthamma Nitikasetsoontorn, 2014).

Ngoài ra, một số nghiên cứu chỉ ra cần có hệ thống thu gom, xử lý rác tải và nước thải phù hợp tại các điểm du lịch (Trần Tiến Dũng, 2007); nâng cao ý thức trong vệ sinh thôn bản, góp phần cải thiện môi trường sinh thái (Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, 2016); qua tâm đến việc tái tạo và phát triển một số tài nguyên có khả năng tái sinh như rừng, thảm thực vật, các sông, hồ ở các điểm du lịch trong cộng đồng (Dương Hoàng Hương, 2017).

Tóm lại, tổng hợp các nghiên cứu cho thấy có ba vấn đề liên quan đến đánh giá phát triển CBT gắn với nâng cao nhận thức của người dân và khách du lịch trong bảo vệ môi trường là: (1) khai thác, sử dụng hợp lý gắn với bảo vệ các nguồn tài nguyên du lịch trong cộng đồng; (2) khai thác sử dụng tài nguyên du lịch gắn với bảo vệ môi trường sinh


thái và (3) quản lý tốt vấn đề rác thải, nước thải trong cộng đồng. Đây là những gợi mở có ý nghĩa quan trọng để tác giả kế thừa, đánh giá cho khu vực nghiên cứu (phụ lục 5.3).

1.2.2.4. Phát triển CBT gắn với đáp ứng nhu cầu của khách du lịch

Telfer và Sharpley (2008) đã chỉ ra rất nhiều dự án CBT bị thất bại vì số lượng khách du lịch đến quá ít, không đủ để đảm bảo mức thu nhập cho cộng đồng. Một trong những nguyên nhân là do những nhà quản lý CBT trong cộng đồng chưa phân đoạn thị trường khách CBT để đáp ứng nhu cầu của họ, do vậy không thể tập trung các hoạt động marketing vào những đối tượng khách du lịch này. Egmond (2007) đã chỉ ra rằng việc hiểu được các đoạn thị trường mục tiêu và cung cấp các sản phẩm để thỏa mãn chúng là chìa khóa thành công trong phát triển du lịch.

Oelkers (2007) cho rằng định hướng khách hàng là chìa khóa thành công trong kinh doanh, do vậy nhà kinh doanh cần phải quan tâm đến nhu cầu và nhận thức của khách hàng đối với sản phẩm mình kinh doanh. Tuy nhiên, trong kinh doanh CBT việc xác định nhu cầu và đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch còn phụ thuộc vào điều kiện thực tế của người dân địa phương trong cung cấp các sản phẩm, dịch vụ du lịch. Tuy nhiên, UNEP (1999) nhấn mạnh rằng việc đáp ứng nhu cầu của khách du lịch nên được duy trì để đảm bảo rằng những điểm đến tiếp tục thu hút và duy trì đực tiềm năng thương mại của nó, đồng thời sự phát triển du lịch đem lại những lợi ích rộng rãi cho các thành viên trong xã hội.

Một số học giả (Oliver, R, 1999; Reichheld, 1990) đánh giá mực độ thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch dựa trên thái độ nhận thức của khách đối với một hành vi cụ thể nào đó cho rằng, mức độ thỏa mãn nhu cầu của khách hàng có thể được đánh giá một cách hiệu quả bằng việc “sẵn sàng giới thiệu” thông qua truyền miệng của họ, các tác giả cho rằng, khi nhu cầu của khách hàng được thỏa mãn, họ sẽ hài lòng về sản phẩm/dịch vụ nào đó và thường truyền tin cho những người khác để lôi kéo họ về với sản phẩm/dịch vụ. Do vậy, việc đánh giá sự sẵn sàng giới thiệu của khách hàng cho người khác là một trong những cách xác định mực độ thỏa mãn nhu cầu của khách.

Để đánh giá sự phát triển CBT gắn với đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, tổ chức du lịch thế giới (UNWTO) đã xây dựng bộ chỉ tiêu đánh giá mức độ phát triển của một điểm đến du lịch cụ thể gồm 4 tiêu chí là nhu cầu của du khách được đáp ứng cao độ; vấn đề kinh tế; văn hóa - xã hội và môi trường. Trong đó, có chỉ tiêu về đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, được đo lường thông qua (1) tỷ lệ (%) số khách trở lại/tổng số khách; (2) số ngày lưu trú bình quân/đầu khách; (3) tỷ lệ (%) các rủi ro về sức khỏe (bệnh tật, tai nạn do du lịch/số lượng khách).

Ngoài ra, một số học giả đo lường khả năng đáp ứng nhu cầu của khách du lịch thông qua kiểm tra thái độ của du khách đối với một số chỉ tiêu như thời gian lưu trú


(Iwasaki và Havitz, 1998); Thời gian dành cho việc mua sắm, sử dụng hoặc tham gia vào các hoạt động giải trí mỗi ngày/tuần/tháng/năm (Iwasaki và Havitz, 1998); số lần/số lượng khách du lịch quay trở lại điểm đến (Bowen và Chen, 2001); việc giới thiệu điểm đến, các dịch vụ du lịch cho người khác (Chen và Tsai, 2007). Đây là những gợi mở quan trọng để tác giả vận dụng, kế thừa và phát triển bổ sung phù hợp với nội dung cũng như khu vực nghiên cứu của luận án, phụ lục 5.4 tóm tắt những chỉ tiêu đánh giá mức độ thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch được tìm thấy trong các nghiên cứu trước đây.

1.3. Các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển du lịch cộng đồng

Có nhiều nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển du lịch nói chung và CBT nói riêng, có thể chia thành hai hướng nghiên cứu chính:

Một là, các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển CBT mang tính vĩ mô như: năng lực và hiệu quả quản lý của Nhà nước; môi trường chính trị, kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, khu vực; các vấn đề toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế và biến đổi khí hậu;

Hai là, các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển CBT thuộc phạm vi cộng đồng địa phương như: sức hấp dẫn của điểm du lịch; khả năng tiếp cận điểm đến; cơ sở hạ tầng vật chất kỹ thuật hay những kỹ năng và kiến thức về du lịch của người dân địa phương; vấn đề hợp tác và hỗ trợ trực tiếp từ bên ngoài cộng đồng.

Trong phạm vi nghiên cứu này, luận án chỉ đề cập nội dung các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển CBT thuộc phạm vi cộng đồng địa phương của điểm đến.

1.3.1. Sức hấp dẫn của điểm đến du lịch

Điểm đến du lịch có thể được hiểu là một địa điểm mà khách du lịch lựa chọn đến và ở lại trong một khoảng thời gian để tham quan, trải nghiệm (Leiper, 1995). Theo UNWTO (2007) thì điểm đến du lịch bao gồm một số các thành phần cơ bản thu hút khách du lịch đến với điểm đến và thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch khi họ đã đến. Theo Holloway và Humphrey (2012), điểm đến du lịch bao gồm tất cả các tài nguyên có sức hấp dẫn, thu hút, khuyến khích khách du lịch đến tham quan, theo nhóm tác giả sức hấp dẫn của điểm đến du lịch gồm bốn khía cạnh là các địa điểm tự nhiên, các địa điểm xây dựng, các sự kiện tự nhiên và các sự kiện xây dựng. Điểm đến du lịch có sức hấp dẫn được xem là một trong những yếu tố quan trọng thu hút sự quan tâm của khách du lịch, đồng thời có thể là động lực cho khách du lịch ra quyết định đi du lịch. Một số học giả (Goodall, 1988; Gartner, 1989) đã chỉ ra mối quan hệ giữa sức hấp dẫn của điểm đến du lịch với quyết định lựa chọn của du khách, theo đó các điểm đến có nhiều hình ảnh hấp dẫn sẽ có khả năng được khách du lịch ra quyết định lựa chọn.

Abdulla M. Alhemoud và Edward G. Armstrong (1996) nghiên cứu về sức hấp dẫn của điểm đến du lịch ở Kuwwait đã chia thành bốn nhóm gồm: (1) các điểm tham


quan tự nhiên (núi, khu vực có rừng, sông, hồ, sa mạc…); (2) các điểm tham quan lịch sử (các tòa nhà, lâu đài cổ, khu di tích hay các địa điểm được xây dựng khác đã được xây dựng trong quá khứ); (3) các điểm tham quan văn hóa (các giá trị văn hóa, phong tục tập quán truyền thống của người dân địa phương tại điểm du lịch) và (4) các điểm tham quan liên quan đến hoạt động lao động sản xuất của người dân bản địa. Kết quả này cũng được Suthathip Suanmali (2014) chỉ ra trong một nghiên cứu thực nghiệm ở phía Bắc Thái Lan về các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của khách du lịch, theo tác giả có ba yếu tố tạo nên sức hấp dẫn của điểm đến du lịch, ảnh hưởng đến sự hài lòng của khách là (1) sức hấp dẫn về tài nguyên tự nhiên; (2) sự đa dạng về văn hóa bản địa và (3) các hoạt động giải trí.

Nopparat Satarat (2010) khi phân tích các sản phẩm du lịch trong nghiên cứu về quản lý CBT bền vững ở Thái Lan đã đề cập đến hai yếu tố liên quan đến sức hấp dẫn của điểm đến là (1) các điểm tham quan tự nhiên (địa hình đồi núi, sự đa dạng về thực vật, động vật hoang dã; thác nước, suối…); (2) các điểm tham quan văn hóa - lịch sử (các giá trị văn hóa, phong tục truyền thống, âm nhạc của người dân địa phương; các ngôi đền cổ). Ngoài ra, các hoạt động du lịch như leo núi ngắm cảnh, chèo thuyền, học khiêu vũ, sản xuất sản phẩm địa phương và quà lưu niệm cũng được xem là một nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động quản lý CBT bền vững. Một nghiên cứu khác của Ni Made Ernawati (2015) về định hướng thị trường của các sản phẩm CBT ở ba ngôi làng tại BaLi cũng chỉ ra sức hấp dẫn của điểm đến du lịch gồm (1) môi trường tự nhiên (của vùng nông thôn, thác nước tự nhiên); (2) các di tích lịch sử (hang Voi và các trạm khắc bằng đá thời trung cổ); (3) văn hóa truyền thống của người dân BaLi (nghi lễ tôn giáo, lối sống truyền thống) và (4) các hoạt động (sản xuất dừa; canh tác lúa gạo, cà phê; đi bộ quanh làng, qua các cánh đồng lúa).

Như vậy, điểm đến du lịch không chỉ là nơi gải trí, thu hút khách du lịch, đem đến sự thỏa mãn cho họ mà còn là nơi người dân địa phương đang sinh sống và làm việc hàng ngày. Việc nghiên cứu đánh giá sức hấp dẫn của điểm đến để nắm bắt được cách người dân địa phương khác nhau tương tác hỗ trợ cho phát triển du lịch, đồng thời duy trì những đặc tính có giá trị của địa phương và giải quyết các vấn đề tiêu cực trong quá trình phát triển CBT là cần thiết. Tổng hợp những chỉ tiêu đánh giá sức hấp dẫn của điểm đến du lịch của các nghiên cứu trước đây được trình bày trong phụ lục 6.1.

1.3.2. Khả năng tiếp cận điểm đến du lịch

Khả năng tiếp cận điểm đến du lịch có thể được hiểu là khả năng di chuyển đến điểm du lịch và việc di chuyển giữa các điểm trong khu vực của điểm đến được thuận tiện, đơn giản, nhanh chóng và an toàn. Đây được xem là một trong những yếu tố đánh giá thuộc tính hấp dẫn của điểm đến du lịch. Khả năng tiếp cận điểm đến du lịch phụ


thuộc vào hệ thống hạ tầng giao thông (đường xá, bãi đỗ xe, phương tiện vận chuyển…); trang thiết bị giao thông (loại hình, kích cỡ, tốc độ, phạm vi của loại hình vận tải…); các vấn đề liên qua đến điều hành vận tải (lịch trình chuyến đi, hướng, đường đi…) và những quy định liên quan đến hoạt động vận tải (Hà Nam Khánh Giao, 2011).

Theo Holloway & Humphrey (2012), khả năng tiếp cận điểm đến du lịch không chỉ dừng ở mức độ thuận tiện của khách du lịch từ khi rời nhà đến nơi đã chọn mà còn liên quan đến việc di chuyển giữa các điểm du lịch bên trong điểm đến. Điều này liên quan đến việc sử dụng các phương tiện vận tải đường bộ, đường thủy hay đường không khác nhau. Tuy nhiên, đối với hoạt động CBT, khách du lịch thường thích các phương thức vận tải thân thiện với môi trường, đặc biệt là vận chuyển trong khu vực của điểm đến (Butcher, 1996).

Christina Geng-Qing Chi và cộng sự (2008), khi nghiên cứu đánh giá mối quan hệ giữa hình ảnh điểm đến, sự hài lòng của khách du lịch và lòng trung thành của khách đã chỉ ra khả năng tiếp cận điểm đến cũng có tác động đến sự hài lòng của khách du lịch, nhóm tác giả đã phân tích dựa trên 4 chỉ tiêu, gồm: (1) lưu lượng giao thông hoạt động tốt và có điểm đậu xe; (2) có bãi đỗ xe tại các khu trung tâm; (3) dễ dàng tiếp cận điểm đến và (4) có hệ thống xe đẩy hỗ trợ vận chuyển trong điểm đến với giá cả phải chăng. Tuy nhiên, Suthathip Suanmali (2014), lại đánh giá khả năng tiếp cận điểm đến trong phát triển CBT không chỉ riêng vấn đề giao thông đi lại mà còn khả năng tiếp cận với các dịch vụ y tế và chính quyền địa phương. Tác giả cũng đưa ra 4 chỉ tiêu đánh giá, gồm: (1) có sẵn các thông tin và tài liệu liên quan đến điểm đến; (2) thuận tiện trong việc đi lại; (3) dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ y tế cơ bản và (4) có khả năng tiếp cận với chính quyền địa phương.

Khác với các nghiên cứu trên, khi nghiên cứu phát triển các chỉ số đánh giá sự phát triển du lịch nông thôn bền vững, Duk-Byeong Park và cộng sự (2011) đánh giá khả năng tiếp cận điểm đến trên ba chỉ tiêu là (1) hệ thống đặt phòng nghỉ trên website;

(2) có sách hướng dẫn du lịch và bản đồ phù hợp và (3) có trang bị bảng chỉ dẫn đến làng trong phạm vi 5 km.

Tóm lại, tổng quan các nghiên cứu cho thấy, khả năng tiếp cận điểm đến du lịch được xem là một trong những nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến phát triển CBT cũng như đánh giá sự hài lòng và lòng trung thành của khách du lịch. Đứng trên những quan điểm, khu vực nghiên cứu khác nhau thì quan niệm về khả năng tiếp cận điểm đến của các nghiên cứu cũng không giống nhau. Tuy nhiên, có 2 nội dung các nghiên cứu đề cập đến trong nhân tố này là khả năng tiếp cận điểm đến bằng các phương tiện giao thông và khả năng tiếp cận điểm đến thông qua các dịch vụ được cung cấp cho khách du lịch trước và trong quá trình thực hiện chuyến đi. Việc tổng quan nghiên cứu nhân tố khả năng tiếp cận điểm đến du lịch có ý nghĩa quan trọng cho tác giả lựa chọn biến số và


thước đo đánh giá sự phát triển CBT trong nghiên cứu của mình. Tóm tắt những chỉ tiêu đánh giá khả năng tiếp cận điểm đến du lịch tìm thấy trong các nghiên cứu trước đây được tác giả trình bày trong phụ lục 6.2.

1.3.3. Tính tiện nghi của điểm đến du lịch

Tính tiện nghi của điểm đến du lịch là những yếu tố dịch vụ và cơ sở vật chất nằm ở điểm đến hoặc gắn liền với điểm đến, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho du khách dễ dàng tiếp cận, sử dụng. Hà Nam Khánh Giao (2011); Baum (2013) cho rằng tính tiện nghi của điểm đến du lịch là một trong những nhân tố quan trọng tác động ảnh hưởng đến phát triển CBT, có tác động ảnh hưởng đến kinh nghiệm của khách du lịch trong suốt thời gian lưu trú, tạo môi trường thuận tiện, thoải mái cho khách du lịch tham gia vào điểm đến. Các tác giả đã chỉ ra những dịch vụ được yêu cầu để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch khi họ xa nhà, bao gồm: hệ thống chỗ ở, nhà vệ sinh công cộng; bảng chỉ dẫn, điểm mua sắm (cửa hàng bán lẻ), nhà hàng, quán bar, khu vui chơi giải trí, các dịch vụ y tế, viễn thông, phương tiện di chuyển đi lại, an ninh trật tự… Đây là những gợi mở quan trọng cho nghiên cứu trong việc kế thừa, lựa chọn những biến số, thước đo đánh giá tính tiện nghi và dịch vụ điểm đến cho nghiên cứu.

Smith (1992) lập luận rằng tính tiện nghi gắn liền với cơ sở hạ tầng và dịch vụ của điểm đến, theo đó, hệ thống cơ sở hạ tầng này có thể được xây dựng riêng phục vụ cho các hoạt động du lịch hoặc là các tiện nghi chung với sinh hoạt của người dân địa phương. Boo (1991) mô tả rằng khách CBT có thể chấp nhận hệ thống cơ sở hạ tầng có sẵn trong thôn bản, tuy nhiên, hệ thống cống rãnh thoát nước và nhà vệ sinh công cộng cần phải đảm bảo vệ sinh sạch sẽ và những thông tin này cần thiết phải thông báo rõ ràng trước mỗi chuyến đi.

Mặc dù không xác định là một nhân tố độc lập ảnh hưởng đến sự hài lòng của khách du lịch, Suthathip Suanmali (2014) cũng đề cập một số chỉ tiêu liên quan đến tính tiện nghi của điểm đến trong nhân tố cơ sở hạ tầng và môi trường của điểm đến như: hệ thống nhà vệ sinh công cộng đảm bảo sạch sẽ; vấn đề an ninh, an toàn và có sẵn dịch vụ internet tốc độ cao. Ni Made Ernawati (2015) xác định tính tiện nghi của điểm đến là một trong mười yếu tố ảnh hưởng đến phát triển sản phẩm du lịch bền vững, được đánh giá qua các chỉ tiêu liên quan đến hệ thống nhà vệ sinh công cộng, hệ thống internet, biển chỉ dẫn/cảnh báo…

Tóm lại, có thể thấy “tính tiện nghi của điểm đến” là yếu tố không mua được trực tiếp như các sản phẩm/dịch vụ du lịch khác, nhưng giữ vai trò quan trọng trong kinh nghiệm của khách du lịch. Việc nghiên cứu ảnh hưởng của nhân tố tính tiện nghi của điểm đến đối với phát triển CBT là cần thiết, góp phần tạo thêm những dịch vụ gia tăng

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 06/03/2023