Các Kết Quả Đạt Được Đối Với Phát Triển Du Lịch Bà Rịa – Vũng Tàu

đề ra các biện pháp hợp lý đảm bảo môi trường du lịch trong sạch an toàn duy trì ổn định môi trường xã hội tại các tuyến, điểm và khu du lịch trọng điểm. Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về du lịch còn rất nhiều bất cập, chưa đồng bộ. Quy hoạch tổng thể bị chỉnh sửa, diện tích đất phục vụ cho du lịch bị chia cắt nhỏ cho những dự án nhỏ có quy mô nhỏ dẫn tới hiệu quả thấp. Sự phối hợp giữa các ban ngành chưa tích cực, đồng bộ dẫn đến nhiều khó khăn khi thực hiện dự án mới. Công tác quản lý, kiểm tra, giám sát chưa sâu, chồng chéo, thiếu tính khoa học và không liên tục dẫn đến tình trạng lộn xộn trong kinh doanh, ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng và tài nguyên du lịch bị khai thác một cách bừa bãi.

4.1.3. Các kết quả đạt được đối với phát triển du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu


Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch như: Bờ biển dài, khí hậu ôn hòa, địa hình núi rừng kết hợp và tiềm năng văn hóa khá phong phú cùng với nỗ lực của ngành du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu đã có những bước phát triển vững chắc, đạt được những thành tựu quan trọng, tương đối toàn diện góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, cụ thể:

a) Tại thời điểm năm 1991, tỉnh mới thành lập, cơ sở hạ tầng nói chung và hạ tầng du lịch nói riêng rất thiếu thốn; sản phẩm du lịch nghèo nàn, hầu như chỉ có tắm biển; nguồn nhân lực nhiều hạn chế, doanh thu du lịch đạt thấp…, việc điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh đến năm 2010 -2015, nhờ đó, đến nay cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch đã khá đồng bộ và hiện đại. Chất lượng nhân lực phục vụ du lịch được nâng lên; sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng, phong phú hơn. Công tác tổ chức các sự kiện ngày càng mang tính chuyên nghiệp hơn. Doanh thu du lịch tăng bình quân 13,8%/năm, lượng khách nội địa tăng bình quân khoảng 7,39%/năm, khách quốc tế khoảng 9,36%/năm.

b) Cùng với công tác tổ chức các sự kiện, các cơ quan quản lý nhà nước và Hiệp hội Du lịch tỉnh đã đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, giới thiệu hình ảnh, thương hiệu Bà Rịa – Vũng Tàu và các doanh nghiệp ra thế giới đã tạo luồng sinh khí mới cho ngành du lịch. Công tác bảo vệ môi trường tự nhiên, xã hội được quan tâm. Công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm được thực hiện tốt,

không để xảy ra ngộ độc tập thể tại các khu, điểm du lịch và công tác cứu hộ, cứu nạn tại các bãi tắm được tăng cường.

c) Bà Rịa - Vũng Tàu đã sắp xếp, tổ chức và sử dụng hợp lý cơ sở vật chất, phát huy tối đa tính năng động của nguồn nhân lực sẵn có, nên ngày càng thúc đẩy các hoạt động du lịch phát triển mạnh cả về chất lượng lẫn số lượng và về lâu dài có sự liên kết giữa các ngành, nhằm đẩy mạnh tốc độ phát triển, thu hút du khách cũng như các nguồn đầu tư vào lĩnh vực này. Song song đó, công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch luôn được quan tâm đúng mức, đặt trọng tâm là tổ chức các sự kiện, hội chợ, triển lãm, quảng bá… đã đưa hình ảnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến với một số nước có nguồn khách du lịch đông đảo, xây dựng hình ảnh Bà Rịa - Vũng Tàu là điểm đến an toàn, thân thiện, thú vị đối với du khách.

d) Bà Rịa – Vũng Tàu đã bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, các hoạt động lễ hội được quan tâm triển khai tích cực với kết quả đạt được là đã có 41 di tích được xếp hạng và được phân cấp quản lý, khai thác có hiệu quả. Nhiều đề tài nghiên cứu, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể đã được triển khai. Đặc biệt, việc Khai hội Văn hóa Du lịch được tổ chức thường niên đến nay đã tạo nên dấu ấn riêng thu hút khách du lịch. Các hoạt động tổ chức sự kiện ngày càng đi vào chiều sâu, góp phần nâng cao hình ảnh về đất nước, con người vùng đất Bà Rịa-Vũng Tàu; Các sự kiện văn hóa, thể thao mang tầm quốc tế được tổ chức thành công như: Festival Diều Quốc tế; Giải Bóng chuyền Bãi biển nữ Quốc tế; Cờ vua Trẻ Thế giới; Cuộc thi Hoa hậu Quý bà đẹp và thành đạt thế giới; Lễ hội Văn hóa Ẩm thực thế giới đánh dấu sự phát triển của ngành cũng như góp phần tích cực trong việc tạo dựng vị thế, hình ảnh của tỉnh với các tỉnh bạn và bạn bè Quốc tế.

e) Cải cách thủ tục hành chính công là khâu quan trọng bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước thuộc lĩnh vực Ngành. Có những bước tăng trưởng ổn định vững chắc, lượng khách du lịch và doanh thu du lịch tăng hàng năm. Theo Báo cáo của Sở Thể thao và Du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu (2014), tỉnh được Tổng cục Du lịch đánh giá là một trong những địa phương thu hút được lượng khách du lịch nội địa đông nhất trong cả nước.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 233 trang tài liệu này.

f) Ngành Du lịch đã thay đổi hoàn toàn, từ một ngành dịch vụ với cơ sở vật chất thiếu thốn và qui mô vốn nhỏ bé đã trở thành một ngành kinh tế quan trọng của Bà Rịa – Vũng Tàu, đã khẳng định được một phần nào uy tín của Ngành du lịch và hình ảnh Bà Rịa-Vũng Tàu là một điểm đến du lịch an toàn, thân thiện trên thị trường du lịch trong nước và các thị trường quốc tế. Nhiều sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch quan trọng qui mô quốc gia và quốc tế đã chọn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu làm địa điểm tổ chức và đã đạt được thành công nhất định, khẳng định thương hiệu du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu.

4.1.4. Các hạn chế đối với phát triển du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu

Nghiên cứu mô hình năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong lĩnh vực du lịch - 16


Bà Rịa-Vũng Tàu, thực trạng được đánh giá là tỉnh rất giàu tiềm năng đối với phát triển du lịch và đạt được khá nhiều thành công nhưng cũng có một số hạn chế, cụ thể:

a) Bà Rịa – Vũng Tàu cũng gặp không ít khó khăn, trở ngại như biển thường xuyên có sóng lớn, nhiều ao xoáy, đảo xa đất liền, các sự cố tràn dầu cũng như việc khai thác thủy sản gần bờ gây ô nhiễm; các di tích lịch sử tuy nhiều nhưng quy mô và tính chất không bằng các địa phương khác.

b) Bà Rịa – Vũng Tàu cũng phải đối phó với những khó khăn, thách thức do tác động của tình hình kinh tế thế giới và trong nước, ảnh hưởng của thiên tai và biến đổi khí hậu toàn cầu cùng dịch bệnh.

c) Công tác quảng bá du lịch chưa theo kịp tốc độ và nhu cầu phát triển trong nước và ngoài nước. Nguồn kinh phí từ ngân sách chi cho công tác quảng bá, xúc tiến du lịch rất hạn chế; nhiều đơn vị và doanh nghiệp du lịch chưa tích cực tham gia chương trình quảng bá chung cũng như chưa chú trọng việc giới thiệu doanh nghiệp mình.

d) Một số tồn tại mà ngành du lịch chưa khắc phục được là sự thiếu chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch. Sự liên kết kinh doanh giữa các doanh nghiệp chưa chặt chẽ; Lượng khách cao cấp, khách quốc tế còn thấp. Mục tiêu của ngành du lịch là tạo ra thị trường du lịch năng động với nhiều sản phẩm phong phú, mới lạ chưa hoàn thành.

4.1.5. Định hướng nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu


Hiện nay, mức độ cạnh tranh quốc tế, khu vực và giữa các địa phương trong nước diễn ra rất gay gắt, để nâng cao năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực du lịch, Bà Rịa – Vũng Tàu cần phải có định hướng, cụ thể:

a) Ổn định kinh tế vĩ mô: Điều hành một cách đồng bộ, hệ thống, linh hoạt và hiệu quả các chính sách tài khóa, tiền tệ, tín dụng, đầu tư, thương mại và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để bảo đảm kiểm soát lạm phát và những cân đối lớn trong nền kinh tế.

b) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Tăng cường cải cách hệ thống giáo dục và đào tạo theo hướng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu thực tế của nền kinh tế.

c) Tập trung phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng bảo đảm chất lượng và đồng bộ; điều chỉnh chính sách đầu tư nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của tỉnh.

d) Chuyển đổi cơ cấu kinh tế ngành, tập trung phát triển các ngành có lợi thế so sánh, tỷ trọng giá trị gia tăng cao, từng bước giảm tỷ trọng các ngành gia công, sơ chế và khai thác tài nguyên. Tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ vào du lịch, tập trung ưu tiên công tác nghiên cứu phát triển du lịch.

e) Phát triển vùng kinh tế, cụm du lịch, khu du lịch: Tập trung phát triển một số vùng kinh tế trọng điểm, cụm du lịch, khu du lịch, đặc khu kinh tế có lợi thế so sánh về địa bàn kinh tế hình thành chuỗi giá trị và mạng lưới liên kết sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh chuyên môn hóa, nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm.

f) Nâng cao chất lượng và hiệu quả thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài: Tổ chức rà soát, xây dựng và triển khai áp dụng nghiêm hệ thống quy định các yêu cầu bắt buộc về công nghệ, đào tạo kỹ năng cho lao động trong du lịch, hình thành mạng lưới liên kết các ngành công nghiệp hỗ trợ để hình thành chuỗi giá trị du lịch.

g) Đẩy mạnh phát triển hệ thống doanh nghiệp du lịch: Có cơ chế, chính sách phù hợp khuyến khích nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp du lịch.

h) Nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng tài nguyên, giảm thiểu tác động đến môi trường thông qua các cơ chế, chính sách phù hợp, đặc biệt là các chính sách thuế, phí, lệ phí.

k) Đẩy mạnh phát triển các thị trường nhân tố sản xuất như lao động, công nghệ, vốn, đất đai; rà soát, xóa bỏ các rào cản đối với việc nâng cao hiệu quả thị trường; tăng cường tính công khai, minh bạch và giảm thiểu chi phí tham gia thị trường.

m) Đẩy mạnh cải cách hành chính, thể chế, phân cấp, biên chế và tiền lương; tăng cường tính hiệu quả, hiệu lực của công tác xây dựng và thực hiện các chiến lược, kế hoạch, quy hoạch, chính sách.

Như vậy, Bà Rịa – Vũng Tàu là tỉnh có vị trí địa lý thuận lợi, bờ biển dài, thời tiết tốt, có tài nguyên tự nhiên và đa dạng sinh học, có tài nguyên văn hóa đặc sắc, khả năng kết nối với các địa phương khác dễ dàng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch tương đối đồng bộ với tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh nên nghiên cứu này chính thức chọn Bà Rịa – Vũng Tàu là địa phương để kiểm định mô hình.

4.2. Phương pháp lấy mẫu

4.2.1. Bảng câu hỏi khảo sát

Theo Schuman & Presser (1981), bảng câu hỏi là công cụ thu thập dữ liệu định lượng hiệu quả khi nhà nghiên cứu biết chính xác điều cần hỏi và cách đo lường các biến nhằm đạt được kết quả phù hợp và sự chính xác đó là tiết kiệm chi phí, thời gian, nguồn lực, đảm bảo được tính ẩn danh cao vì người nghiên cứu và đối tượng khảo sát không cần phải gặp mặt nhau.

Sau khi xem xét nhu cầu thu thập thông tin, bảng câu khảo sát tương ứng một thang đo Likert năm điểm được sử dụng để định lượng phản ứng của các đối tượng khảo sát với các giá trị khác nhau, từ 1 = Rất không đồng ý, 2 = Không đồng ý, 3 = Vân vân , 4 = Đồng ý và 5 = Hoàn toàn đồng ý vì nó là thang phổ biến nhất để đo lường thái độ, hành vi và có độ tin cậy tương đương thang đo 7 hay 9 điểm.

Kết cấu của bảng câu hỏi khảo sát được thiết kế chứa đựng một số thông tin cần thiết cho nghiên cứu (chi tiết xem Phụ lục 5), bao gồm:

4 yếu tố chính được đo lường thông qua 20 yếu tố thành phần tác động đến năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong lĩnh vực du lịch;

1 yếu tố chính là năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong lĩnh vực du lịch được đo lường thông qua 3 yếu tố thành phần;

Các thông tin của người được khảo sát như giới tính, trình độ chuyên môn, thời gian làm việc, thu nhập bình quân, các đối tượng khảo sát và vùng thuộc địa bàn khảo sát.

4.2.2. Kích thước mẫu


Một số nhà nghiên cứu đưa ra kích thước mẫu phụ thuộc vào tỷ lệ giữa số mẫu cần thiết và số tham số cần ước lượng. Với phân tích nhân tố, kích thước mẫu phụ thuộc vào số lượng biến được đưa vào phân tích nhân tố. Với Gorsuch (2003) cho rằng số lượng mẫu cần gấp 5 lần số lượng biến.

Theo Tabachnick & Fidell (2007)[125], một vấn đề cần lưu ý là việc áp dụng

phương pháp hợp lý cực đại ML (Maximum Likehood) đòi hỏi kích thước mẫu phải phù hợp, trong trường hợp khi dữ liệu thu thập tại một thời điểm (Cross sectional data), quy mô mẫu ít nhất là: N = (số biến đo lường x 5) + 50, nếu số liệu thu thập là dạng số liệu thay đổi theo thời gian, quy mẫu đòi hỏi ít nhất là n = Số biến đo lường + 50.

Trong khi Trọng & Ngọc (2008)[9] cho rằng tỷ lệ là 4 hay 5 lần số lượng

biến. Có nhiều quan điểm khác nhau về kích thước mẫu, chẳng hạn như Comrey và Lee (2002) thì đưa ra con số khác nhau với các nhận định tương ứng: 100 = tệ, 200

= khá, 300 = tốt, 500 = rất tốt, 1.000 hoặc hơn = tuyệt vời. Còn Guilford (2004) đề nghị con số đó là 200.

Theo Kumar (2005), kích thước mẫu sẽ phụ thuộc vào việc nhà nghiên cứu muốn gì từ những dữ liệu thu thập được và mối quan hệ nhà nghiên cứu muốn thiết lập là gì. Nếu vấn đề nghiên cứu đa dạng phức tạp thì mẫu nghiên cứu càng lớn, một nguyên tắc là mẫu càng lớn thì độ chính xác của các kết quả nghiên cứu càng cao. Trong khi Hair & ctg (2006) cho rằng kích thước mẫu tối thiểu là từ 100 mẫu đến 200 mẫu.

Như vậy, mô hình đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong lĩnh vực du lịch là mô hình cấu trúc tuyến tính SEM bắt buộc phải sử dụng phương pháp hợp lý cực đại ML với số liệu thu thập tại một thời điểm, cho nên kích thước mẫu của nghiên cứu này được xác định theo Tabachnick & Fidell (2007)[125] là: N = 23 x 5 + 50 = 165.

4.2.3. Chọn mẫu


Theo Scheaffer RL et al (1990), có nhiều phương pháp chọn mẫu, chúng được chia thành hai nhóm chính, cụ thể:

a) Các phương pháp chọn mẫu theo xác suất, biết trước được xác xuất tham gia vào mẫu của các phần tử. Khi mẫu được chọn theo phương pháp xác xuất thì thông số của nó có thể dùng để ước lượng hoặc kiểm định mức độ phù hợp của dữ liệu đối với thị trường. Các phương pháp này thường dùng trong nghiên cứu ứng dụng là: (1) Phương pháp ngẫu nhiên đơn giản; (2) Phương pháp hệ thống; (3) Phương pháp phân tầng; (4) Phương pháp chọn mẫu theo nhóm.

b) Các phương pháp chọn mẫu phi xác xuất, các phần tử tham gia vào mẫu được chọn không theo quy luật ngẫu nhiên và có thể chọn theo sự thuận tiện hoặc theo đánh giá chủ quan của các nhà nghiên cứu. Các phương pháp này thường dùng trong nghiên cứu hàn lân bao gồm: (1) Phương pháp thuận tiện; (2) Phương pháp phán đoán; (3) Phương pháp phát triển mầm; (4) Phương pháp theo định mức.

Như vậy, việc chọn mẫu cho nghiên cứu này được thu thập bằng phương pháp chọn mẫu phi xác xuất, cụ thể là chọn mẫu thuận tiện nghĩa là người nghiên cứu tiếp cận với phần tử mẫu bằng phương pháp thuận tiện để có thể chọn những phần tử nào mà có khả năng tiếp cận được.

4.2.4. Đối tượng lấy mẫu


Zikmund (1997), xác định đối tượng lấy mẫu trong nghiên cứu được coi là cơ sở để phân tích và kiểm định rút ra kết luận về toàn bộ nghiên cứu. Vì vậy, xác định đối tượng lấy mẫu là một thủ tục rất quan trọng để tăng tính hợp lệ của dữ liệu thu thập và đảm bảo rằng mẫu là đại diện của các bên liên quan du lịch.

Theo Nguyễn Văn Đính (2006)[18], Giáo trình kinh tế du lịch, nếu xét trên mức độ tác động trực tiếp hoặc gián tiếp thì lao động trong du lịch được chia ra 3 thành phần chính là: Lao động chức năng quản lý nhà nước về du lịch; Lao động chức năng sự nghiệp du lịch; Lao động chức năng kinh doanh du lịch, cụ thể:

a) Lao động chức năng quản lý nhà nước về du lịch: Thành phần lao động này bao gồm những người làm việc trong các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch từ Trung ương xuống đến địa phương hay còn gọi là cán bộ công chức nhà nước có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng chiến lược phát triển du lịch của quốc gia và của từng địa phương, tham mưu cho các nhà hoạch định chính sách ở các cấp trong việc đề ra đường lối và chính sách phát triển du lịch trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt và chiếm tỷ trọng không lớn trong toàn bộ nhân lực du lịch, song đây là bộ phận có trình độ cao, có trình độ chuyên môn về du lịch ở tầm vĩ mô thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước.

b) Lao động chức năng sự nghiệp du lịch: Thành phần lao động này bao gồm những người làm việc ở các cơ sở giáo dục, đào tạo, viện nghiên cứu về du lịch. Đây là những người có trình độ học vấn cao và có trình độ chuyên sâu trong toàn bộ nhân lực du lịch, đặc biệt là các đội ngũ giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ, thạc sỹ…họ có kiến thức và am hiểu khá toàn diện và sâu sắc trong lĩnh vực du lịch.

c) Lao động chức năng kinh doanh du lịch: Thành phần lao động kinh doanh du lịch được phân chia thành 4 nhóm, mỗi nhóm có vai trò đặc trưng riêng. Do đó cần phải hiểu rõ vai trò và đặc trưng của nó, cụ thể:

Nhóm 1. Lao động quản lý chung của doanh nghiệp du lịch: Lao động của người lãnh đạo trong lĩnh vực kinh doanh du lịch có những điểm riêng biệt bởi đối tượng, công cụ và sản phẩm lao động của họ có tính đặc thù. Việc sử dụng con người rất khó khăn và phức tạp, người lãnh đạo đòi hỏi phải có kết hợp giữa khoa học và nghệ thuật.

Nhóm 2. Lao động quản lý theo các nghiệp vụ kinh tế trong doanh nghiệp du lịch: Là lao động thuộc phòng kế hoạch đầu tư và phát triển; lao động thuộc phòng tài chính kế toán; lao động thuộc phòng vật tư thiết bị, phòng tổng hợp; Lao động thuộc phòng quản lý nhân sự.

Xem tất cả 233 trang.

Ngày đăng: 19/03/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí