triệu du khách quốc tế trong năm 2007. Ngành du lịch Thái Lan cũng có cam kết về một “Chiến dịch thương hiệu” địa điểm có thời hạn ít nhất 3 năm và đây là một thành phần chính trong chiến lược, trong đó bao gồm các nỗ lực để chiếm lại thị phần, tăng cường doanh thu và nâng cao tính cạnh tranh của Thái Lan. Với cách làm này, gần 60% khách du lịch quốc tế đến Thái Lan đã quay trở lại với lý do đa số các khách du lịch quốc tế hài lòng về chất lượng của ngành du lịch
2. Kinh nghiệm nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành du lịch Malaixia
Cùng với Thái Lan, Malaixia cũng được đánh giá là một quốc gia đạt nhiều thành công về lĩnh vực du lịch thông qua thương hiệu hoá một cách mạnh mẽ. Malaixia - Truly Asia (Châu Á đích thực) là một chiến dịch thương hiệu rất thành công, đã phá vỡ thói quen quảng bá du lịch một dân tộc được sử dụng như ở nhiều quốc gia Châu Á, bằng cách xác định vị trí của Malaixia là một điểm du lịch đa dân tộc. Khách du lịch quốc tế đến Malaixia năm 1998 gần 5 triệu lượt, năm 2005 là trên 18 triệu lượng, doanh thu trên 30 tỷ MYR.
Ngoài thương hiệu hoá, ngân sách du lịch Malaixia cũng không nhỏ. Bộ du lịch có ngân sách hoạt động vào khoảng gần 144 tỷ USD năm 2006 (không có số liệu cụ thể về tỷ lệ % nguồn này được sử dụng để duy trì Malaixia - Châu Á đích thực), nhưng vào thời điểm đỉnh cao của chiến dịch Malaixia - Châu á đích thực, nhất là trong chiến lược phục hồi hoạt động du lịch sau dịch SARS, hơn 350 triệu USD đã được chi hàng năm.
Nghiên cứu ngành du lịch Malaixia cho thấy, Malaixia - Châu Á đích thực được phát động năm 1999 đã tạo nên sự đột biến về số lượng du khách
- thương hiệu hoá Malaixia là một điểm du lịch duy nhất tại Châu á. Thương hiệu đã được mở rộng để truyền tải một thông điệp mới về chiều sâu và sự đa dạng trong du lịch của Malaixia qua các khởi xướng như “Thật
sự bình dị”, “Thật sự ấn tượng”, “Thật sự hoành tráng”. Du lịch Malaixia đã đi tiên phong trong việc thành lập mối liên hệ đối tác trong thành phần Uỷ ban Du lịch với khu vực Tư nhân, bao gồm sự tham gia của các vùng miền tại Malaixia.
3. Những bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam
Thái Lan và Malaixia là những nước trong khu vực có điều kiện để phát triển du lịch tương đối giống như Việt Nam, nhưng đã thể hiện mình là những nước phát triển nhất về du lịch trong khu vực. Vì thế, học tập kinh nghiệm phát triển du lịch của các nước Thái Lan và Malaixia là một điều rất cần thiết đối với ngành du lịch Việt Nam hiện nay. Trên cơ sở học tập kinh nghiệm của các nước khác như Thái Lan và Malaixia, có thể rút ra được những bài học cho Việt Nam như sau:
Thứ nhất, Ngành du lịch muốn phát triển cần sự định hướng của Chính phủ về cơ chế, chính sách, chế độ tài chính. Phải có chiến lược phát triển rõ ràng trong ngắn hạn và trong dài hạn, nằm trong tổng thể phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia. Ngành du lịch cần có sự quan tâm và đầu tư đúng mức, để có thể trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn như trong định hướng phát triển ngành nêu trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ IX. Bài học từ Thái Lan và Malaixia là khi Chính phủ có chính sách đầu tư đúng mức vào ngành du lịch sẽ thúc đẩy ngành du lịch phát triển.
Có thể bạn quan tâm!
- Các Tiêu Chí Đánh Giá Năng Lực Cạnh Tranh Của Ngành Dịch Vụ Du Lịch
- Hội Nhập Về Du Lịch Của Việt Nam Và Sự Cần Thiết Nâng Cao Năng Lực Cạnh Tranh Của Ngành Du Lịch
- Cơ Hội Và Thách Thức Đối Với Ngành Du Lịch Việt Nam Trong Quá Trình Hội Nhập
- Đánh Giá Năng Lực Cạnh Tranh Của Ngành Du Lịch Việt Nam
- Đánh Giá Năng Lực Cạnh Tranh Về Nguồn Nhân Lực Của Ngành Du Lịch Việt Nam
- Một Số Thành Tựu Chủ Yếu Của Ngành Du Lịch Việt Nam
Xem toàn bộ 106 trang tài liệu này.
Thứ hai, du lịch Việt Nam cũng cần học tập kinh nghiệm của ngành du lịch Thái Lan và Malaixia trong việc xây dựng cho mình một thương hiệu riêng. Ngành du lịch Việt Nam chưa có hình ảnh thương hiệu rõ ràng, chưa có chiến lược toàn ngành cụ thể cũng như các mục tiêu phát triển. Đó cũng chính là một trong những nguyên nhân mà năng lực cạnh tranh trong ngành du lịch Việt Nam thua kém các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaixia, Singapore.
Thứ ba, Ngành Du lịch cần nghiên cứu tìm ra lĩnh vực dịch vụ du lịch độc đáo mang sắc thái riêng, gắn liền với phong tục tập quán của dân tộc cũng như sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Hiện nay loại hình du lịch miệt vườn phù hợp với từng vùng miền của Việt Nam cũng đang được rất nhiều du khách ưa thích, đặc biệt là du khách nước ngoài. Các loại hình nghệ thuật dân tộc như múa rối nước, hát quan họ, nhã nhạc cung đình Huế rất thu hút khách nước ngoài quan tâm. Đặc biệt là nghệ thuật múa rối nước của Việt Nam rất đặc sắc, được du khách nước ngoài đặc biệt ưa thích. Vì thế phải có chiến lược duy trì, bảo tồn và phát triển các loại hình nghệ thuật dân tộc này.
Thứ tư, Việt Nam cần phải học tập Thái Lan, Malaixia trong chiến dịch quảng bá mua sắm, nhằm tạo cho du khách sự hứng thú, đồng thời cũng kích thích du khách tiêu tiền nhiều hơn ở Việt Nam. Việt Nam cần tận dụng cơ hội mình là nước có nền công nghiệp bán lẻ phát triển tương đối nhanh và giá cả rất rẻ để thu hút khách du lịch quốc tế.
Thứ năm, ngành du lịch Việt Nam cần khuyến khích sự tham gia tích cực của các thành phần kinh tế tư nhân.
CHƯƠNG II: ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA NGÀNH DU LỊCH VIỆT NAM TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY
I. KHÁI QUÁT TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN CỦA NGÀNH DU LỊCH VIỆT NAM
Sau 40 năm hình thành và phát triển (hình thành tháng 7/1960), du lịch Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể, đặc biệt từ những năm 90 trở lại đây, nó góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Đảng và Chính phủ đã xác định: “Phát triển du lịch là một định hướng chiến lược quan trọng trong đường lối phát triển kinh tế xã hội nhằm góp phần thực hiện công nghiệp hoá-hiện đại hoá đất nước.”
Trong tiến trình hội nhập toàn cầu, ngành du lịch Việt Nam mới bắt đầu hội nhập và vừa hợp tác vừa tìm hiểu cơ chế và luật chơi quốc tế, nên khả năng chủ động đưa ra các dự án hợp tác còn nhiều hạn chế. Ngành du lịch Việt Nam đến nay đã tròn 47 tuổi, song mới chỉ có những khởi sắc trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây.
Mặc dù khu vực nhà nước vẫn chiếm ưu thế trong ngành du lịch, khu vực tư nhân và nước ngoài đã bắt đầu gia tăng thị phần. Hiện nay, khu vực tư nhân và khu vực nước ngoài chiềm khoảng một nửa doanh thu du lịch lữ hành.
Tự do hoá năng lực sản xuất nội địa và mở cửa cho khách du lịch quốc tế đã đóng góp đáng kể vào kết quả hoạt động của ngành du lịch. Từ năm 1991 đến 2006, số lượng khách du lịch quốc tế đến tăng trên 12 lần: từ 03, triệu lượt đến 3,6 triệu; số lượng khách du lịch nội địa tăng gần 11 lần, từ 1,5 triệu đến 16 triệu; thu nhập do du lịch tạo ra ước tính tăng gần 20 lần, từ 1.500 tỷ đồng đến 30.000 tỷ đồng.
Theo số liệu của Tổng cục thống kê, 9 tháng đầu năm 2007, đã có 3,47 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2006. Từ nay đến năm 2010, ngành du lịch Việt Nam phấn đầu lượng khách quốc tế
tăng 10 - 20%/năm, đạt 5,5 đến 6 triệu lượt người vào năm 2010, khách nội địa tăng trung bình 15 - 20%/ năm và đạt 25 triệu lượt người vào năm 2010.
Sự phát triển nhanh chóng của ngành du lịch tạo ra số việc làm đáng kể và góp phần giảm nghèo đói. Các yếu tố cơ bản trong việc cải thiện nhanh chóng hình ảnh ngành du lịch Việt Nam và tạo điều kiện di chuyển tự do cho khách du lịch tới Việt Nam và đi lại trong nước, nỗ lực khuếch trương hình ảnh du lịch Việt Nam ra nước ngoài, và các nỗ lực nhằm phát triển cơ sở hạ tầng liên quan đến du lịch, cùng với những cố gắng trong việc khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân, giảm kiểm soát của chính phủ đối với hoạt động du lịch và cải thiện nguồn nhân lực trong khu vực du lịch.
Sau thời kỳ đổi mới, Việt Nam đã chuyển đổi từ một quốc gia tương đối cô lập với phần còn lại của thế giới (ngoại trừ quan hệ với khối các nước Xã hội chủ nghĩa cũ) sang một cơ chế tương đối thoáng hơn. Chính phủ ủng hộ việc mở rộng quan hệ và khuyến khích hợp tác kinh tế với tất cả các quốc gia trên thế giới. Hoạt động du lịch Việt Nam luôn tăng trưởng tương đối ổn định với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 20,5% trong gian đoạn từ năm 1991 đến nay. Tuy nhiên, ngành du lịch luôn rất dễ chịu tác động của những cú sốc bên ngoài. Ngành du lịch Việt Nam đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ hai cú sốc là cuộc khủng hoảng tài chính 1997 - 1998 và sự lan truyền của Hội chứng suy giảm hô hấp cấp (SARS) năm 2003. Ngoài ra trong thời gian gần đây, khu vực Châu Á còn chịu đe doạ nặng nề của dịch cúm gia cầm. Bằng việc duy trì được tốc độ tăng trưởng của lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong một thời gian dài, Việt Nam đã tăng thị phần khách quốc tế so với cả khu vực từ 5% năm 1995 lên 7% năm 2003.
Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối diện với áp lực cạnh tranh khốc liệt từ các quốc gia khác trong khu vực trong việc thu hút khách quốc tế. Mặc dù tốc độ tăng trưởng hàng năm của lượng khách quốc tế đến Việt Nam luôn cao hơn so với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á, nhưng Việt Nam vẫn
chưa thể nào bắt kịp về mặt số lượng khách tuyệt đối so với các đối thủ cạnh tranh chính trong khu vực như Thái Lan và Malaixia và Singapore. Tính riêng trong năm 2005, ba nước này đã thu hút được trên 70% số lượng khách du lịch quốc tế đến ASEAN.
Ngày 7/11/2006 Việt Nam đã chính thức được kết nạp làm thành viên chính thức của tổ chức Thương mại thế giới WTO. Nền kinh tế Việt Nam nói chung, cũng như ngành du lịch nói riêng bước vào sân chơi quốc tế với nhiều thuận lợi và khó khăn mới. Trong xu thế chung, du lịch Việt Nam đã có nhiều cố gắng chủ động hội nhập quốc tế.
Nếu được đầu tư và quản lý đúng cách, du lịch Việt Nam đang hứa hẹn triển vọng của một thời kì phát triển thịnh vượng trong ngắn và trung hạn khi đất nước tiếp tục khẳng định cam kết thúc đẩy sự phát triển của ngành kinh tế mũi nhọn này. Xu hướng của hoạt động du lịch trong thời gian vừa qua đã cho thấy khách du lịch trở lại khu vực Đông Nam Á sau nạn dịch SARS và cúm gia cầm có vẻ như đang muốn đi tìm những điểm đến mới. Những điểm đến quen thuộc như Singapore, Malaixia, Thái Lan đã trở nên kém hấp dẫn hơn với khách du lịch. Liệu Việt Nam có thể tận dụng cơ hội vàng này để thúc đẩy sự phát triển ngành du lịch Việt Nam sánh ngang với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực hay không phụ thuộc vào khả năng ứng phó với những thử thách từ áp lực cạnh tranh từ bên ngoài, đặc biệt khi Việt Nam đã là thành viên của WTO, cũng như những điểm yếu trong khả năng quản lý bên trong đất nước đối với những điểm du lịch. Để đối phó với áp lực cạnh tranh trong khu vực, điểm mấu chốt là phải đánh giá được khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam so với các quốc gia khác trong khu vực và chỉ ra điểm mạnh, điểm yếu của du lịch Việt Nam để từ đó phát huy điểm mạnh và hạn chế các điểm mạnh.
II. NHỮNG LỢI THẾ ĐỂ PHÁT TRIỂN NHANH DU LỊCH CỦA VIỆT NAM
Việt Nam có những lợi thế đặc biệt về vị trí địa lý, kinh tế và chính trị. Nằm ở trung tâm Đông Nam Á, lãnh thổ Việt Nam vừa gắn liền với lục địa vừa thông rộng với đại dương, có vị trí giao lưu quốc tế thuận lợi cả về đường biển, đường sông, đường sắt, đường bộ và đường hàng không. Đây là tiền đề rất quan trọng trong việc mở rộng và phát triển du lịch quốc tế.
Nước ta có chế độ chính trị ổn định, có nguồn nhân lực dồi dào, dân tộc Việt Nam thông minh, cần cù, mến khách là những yếu tố quan trọng đảm bảo cho du lịch phát triển.
Tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn của Việt Nam phong phú và đa dạng. Các đặc điểm đa dạng về cấu trúc địa hình biển và hải đảo, đồng bằng, đồi núi, cao nguyên đã tạo cho lãnh thổ Việt Nam sự đa dạng và phong phú về cảnh quan và các hệ sinh thái có giá trị cho phát triển nhiều loại hình du lịch, đặc biệt là các hệ sinh thái biển - đảo, hệ sinh thái sông, hồ, hệ sinh thái rừng, hang động.
Việt Nam là quốc gia có bờ biển dài đứng thứ 27 trong 156 quốc gia có biển trên thế giới và là nước ven biển lớn ở khu vực Đông Nam Á. Đường bờ biển Việt Nam trải dài trên 3.260 km qua 15 vĩ độ với 125 bãi biển có các điều kiện thuận lợi cho họat động nghỉ dưỡng, tắm biển và vui chơi giải trí, trong đó có nhiều bãi biển hấp dẫn như Trà Cổ, Sầm Sơn, Cửa Lò, Thuận An, Lăng Cô, Non Nước, Văn Phong - Đại Lãnh, Nha Trang, Phan Thiết, Long Hải, Vũng Tàu, Hà Tiên... Đặc điểm hình thái địa hình vùng ven biển tạo ra nhiều vịnh đẹp có tiềm năng phát triển du lịch lớn như Vịnh Hạ Long, vịnh Văn Phong, Vịnh Cam Ranh... Trong đó vịnh Hạ Long đã được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Trong tổng số hơn 2.700 đảo lớn nhỏ ven bờ, nhiều đảo như Cái Bầu, Cát Bà, Tuần Châu, Cù Lao Chàm, Phú Quý, Côn Đảo, Phú Quốc... với hệ sinh thái phong phú, cảnh quan đẹp, là nơi có điều kiện hình thành các khu, điểm du lịch hấp dẫn.
Với khoảng 50.000 km2 địa hình karst, Việt Nam được xem là nước có tiềm năng du lịch hang động, thác, ghềnh to lớn, trong đó có hơn 200 hang động đã được phát hiện, điển hình là động Phong Nha với chiều dài gần 8 km, được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.
(Địa hình karst là địa hình của các kiểu phân rã đặc trưng thông thường được đánh dấu bởi các hệ thống thoát nước theo hang động ngầm dưới đất. Đây là các khu vực mà ở đó nền đá có lớp bị hoà tan hoặc các lớp, thông thường (nhưng không phải là luôn luôn) là đá cacbonat chẳng hạn như đá vôi hay đôlômit. Trong những chỗ như thế có rất ít hoặc thậm chí không có hệ thống thoát nước trên bề mặt).
Nguồn nước khoáng ở nước ta phong phú và có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển du lịch. Đến nay đã phát hiện được hơn 400 nguồn nước khoáng tự nhiên với nhiệt độ từ 27 độ đến 105 độ C. Thành phần hóa học của nước khoáng rất đa dạng, từ bicabonat natri đến clorua natri với độ khoáng hóa cao có giá trị đối với du lịch nghỉ dưỡng chữa bệnh.
Việt Nam có hệ sinh thái động – thực vật rừng đa dạng. Tính đến nay, cả nước đã có 107 rừng đặc dụng trong đó có 16 vườn quốc gia, 55 khu bảo tồn thiên nhiên và 34 khu rừng văn hóa – lịch sử – môi trường với tổng diện tích là 2.092.466 ha. Đây là nguồn tài nguyên du lịch sinh thái quý giá, nơi bảo tồn khoảng 12.000 loài thực vật, gần 7.000 loài động vật với nhiều loại đặc hữu và quí hiếm, trong đó có vườn quốc gia Ba Bể với hồ thiên nhiên được đánh giá vào loại lớn trên thế giới đang được đề nghị UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.
Tài nguyên du lịch nhân văn của Việt Nam phong phú với lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Trong số khoảng 40.000 di tích có hơn 2.5000 di tich được Nhà nước chính thức xếp hạng. Tiêu biểu là quần thể di tích triều Nguyễn ở cố đô Huế, đô thị cổ Hội An, di tích Mỹ Sơn đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.