sau đây: Giao dịch nội bộ bất hợp pháp (giao dịch nội gián); Thao túng giá; Công bố thông tin sai lệch; Điều chỉnh hoặc làm giả hồ sơ, tài liệu. Cụ thể:
Một là, giao dịch nội gián (giao dịch nội bộ bất hợp pháp)
Giao dịch nội bộ (Insider trading) xảy ra theo hai cách: Một là giao dịch nội bộ hợp pháp là việc mua hoặc bán của người trong công ty khi thông tin đã được công khai, vào thời điểm đó người trong cuộc không có lợi thế trực tiếp so với các nhà đầu tư khác, giao dịch hoàn toàn minh bạch và báo cáo theo quy định; Hai là giao dịch nội bộ bất hợp pháp là trường hợp người trong công ty vi phạm mối quan hệ uỷ thác hoặc các mối quan hệ tin tưởng, trong khi sở hữu các thông tin phi công khai về chứng khoán (Newkirk & Robinson (1998), Kallunki & cộng sự (2009)).
Tuy nhiên, SEC và các tòa án đã mở rộng định nghĩa này, bất kỳ cá nhân giao dịch trên thông tin độc quyền/không công khai về một công ty hoặc vi phạm bất kỳ trách nhiệm tín thác nào đều trở thành tội giao dịch nội gián. Do đó, người thực hiện giao dịch nội gián bao gồm “người nội bộ - employees” và "người nội bộ tạm thời - Temporary insiders" như các nhà bảo hiểm, kế toán và luật sư, những người đã từng có nghĩa vụ pháp lý không tiết lộ thông tin quan trọng được uỷ thác trong quá trình nhiệm vụ công việc của họ mà có liên quan đến công ty. Tùy thuộc vào việc các cá nhân tiết lộ hoặc trao đổi thông tin, người nội bộ có thể được đặt tên là tippers hay tippees. Tippers là những người chuyển tải thông tin do vi phạm các nghĩa vụ của họ đối với các thông tin chưa công khai của công ty, Tippees là những người nhận được thông tin này và hành động. Tippees sẽ phải chịu trách nhiệm nếu tippers đã vi phạm trách nhiệm uỷ thác cho các công ty của họ bằng cách tiết lộ thông tin chưa công khai và tippees biết hoặc biết rõ về hành vi vi phạm đó. Meulbroek (1992) gọi những người trong công ty có nguồn thông tin chưa công khai là "người nội bộ trực tiếp - immediate insiders" và những người không trong công ty nhưng có nguồn thông tin chưa công khai là "người nội bộ từ xa - remote insiders”.
Hai là, Thao túng giá
Do những tác động về giá cả trên thị trường rộng lớn, thuật ngữ "thao túng giá" và "thao túng thị trường" được xem là cùng nghĩa (Foster & Viswanathan, 1994).
Thao túng giá là hành vi cố ý nhằm đánh lừa các nhà đầu tư bằng cách kiểm soát hoặc làm ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán. Thao tác có thể liên quan đến một số kỹ thuật để ảnh hưởng đến cung cầu cho một cổ phiếu (SEC).
Người vi phạm được xem là thao túng giá khi theo đuổi một kế hoạch đồng thời làm suy yếu cả tính chính xác của giá cả và tính thanh khoản của thị trường.
Có thể bạn quan tâm!
- Nghiên cứu hành vi gian lận trên thị trường chứng khoán Việt Nam - 1
- Nghiên cứu hành vi gian lận trên thị trường chứng khoán Việt Nam - 2
- Khái Niệm Hành Vi Gian Lận Trên Thị Trường Chứng Khoán
- Quản Lý Nhà Nước Đối Với Các Hành Vi Gian Lận Trên Thị Trường Chứng Khoán
- Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Tới Quản Lý Nhà Nước Đối Với Các Hành Vi Gian Lận Trên Thị Trường Chứng Khoán
- Kinh Nghiệm Quốc Tế Về Quản Lý Nhà Nước Đối Với Các Hành Vi Gian Lận Trên Thị Trường Chứng Khoán Và Bài Học Đối Với Việt Nam
Xem toàn bộ 233 trang tài liệu này.
Các giao dịch thao túng giá có thể xuất hiện dưới nhiều dạng và được gọi bằng những thuật ngữ khác nhau như: bơm giá và bán tháo (pump and dump), giao dịch không dẫn đến việc thay đổi sở hữu, giao dịch tạo giá đóng cửa, giao dịch tạo ấn tượng giả tạo về tính thanh khoản, giao dịch ấn định giá và nhiều loại giao dịch khác.
Ba là, công bố thông tin sai lệch là công bố thông tin không chính xác hoặc gây hiểu nhầm làm ảnh hưởng lớn đến giá chứng khoán hoặc công bố thông tin không kịp thời, đầy đủ về các sự việc xảy ra có ảnh hưởng lớn đến giá chứng khoán trên thị trường.
Bốn là, điều chỉnh hoặc làm giả hồ sơ, tài liệu trong phát hành thông tin, chào bán, giao dịch chứng khoán.
1.2.3 Tác động của hành vi gian lận trên thị trường chứng khoán
Các hành vi gian lận không chỉ gây thiệt hại cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp phát hành mà còn tác động tiêu cực tới thị trường chứng khoán. Cụ thể:
1.2.3.1 Tác động tới các nhà đầu tư
- Dẫn đến các giao dịch không công bằng
Ba mục tiêu hoạt động cơ bản của thị trường chứng khoán các nước là hoạt động có hiệu quả, công bằng và phát triển ổn định. Khi các hành vi gian lận dựa trên lợi thế thông tin là khi thị trường không công bằng với các nhà đầu tư (Schwert (1996), Fishman & Hagerty (1992)). Người nội bộ sử dụng những thông tin chưa công bố để làm lợi riêng cho chính mình, hoặc những người thao túng đẩy giá chứng khoán vượt quá giá trị thực, là khi các nhà đầu tư đã mua với giá cao hơn giá trị thực hoặc bán với giá thấp hơn giá trị thực, điều đó là không công bằng với các nhà đầu tư.
- Gây tổn thất về tài chính
Thị trường chứng khoán là một kênh đầu tư hấp dẫn, linh hoạt cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, các hành vi gian lận lại khiến các nhà đầu tư mất niềm tin vì những khoản thua lỗ do thực hiện giao dịch với mức giá vượt quá giá trị thực. Các nhà đầu tư bên ngoài và các nhà giao dịch thanh khoản bị tổn thương bởi chi phí của những người nội bộ và những kẻ thao túng giá (Copeland & Galai, 1983). Những kẻ phạm tội đã kiếm được lợi nhuận giao dịch lớn trong khi làm mất niềm tin các nhà đầu tư khác, những người đang ở thế bất lợi về thông tin (Leland (1992)).Theo Maug (2002), nếu giao dịch nội gián là chi phí đại diện và thị trường đánh giá thấp một cách có hệ thống số lượng giao dịch, các nhà đầu tư bên ngoài bị tổn hại bởi giao dịch nội gián, vì họ đang trả nhiều hơn giá trị thực của cổ phiếu.
- Làm suy giảm niềm tin của các nhà đầu tư
Gian lận chứng khoán làm suy giảm niềm tin của các nhà đầu tư đầu tư, bởi những người giao dịch nội gián và thao túng giá đã tìm kiếm được lợi nhuận do có được lợi nhuận vượt trội từ những hành vi gian lận trên thị trường (Peterson & Buckhoff (2004), Rezaee & cộng sự (2004)). Theo Maug (2002), gian lận chứng khoán sẽ gây tổn hại đến các cổ đông nhỏ. Các nhà đầu tư nhỏ sẽ không muốn đầu tư vào cổ phiếu của công ty mà nguy cơ có các hành vi gian lận đặc biệt là giao dịch nội gián cao vì rủi ro chiếm quyền sở hữu của các nhà quản lý và cổ đông chi phối cao.
1.2.3.2 Tác động tới tổ chức phát hành
Gian lận là vấn đề không thể ngờ tới và có nhiều hậu quả tiêu cực bao gồm ảnh hưởng tiêu cực đến giá cổ phiếu của các doanh nghiệp, tạo ra thiệt hại cho cổ đông, nhân viên, người bán hàng và khách hàng, kết quả là làm giảm khả năng tăng vốn cho công ty (Lord (2010), Rezaee & Riley (2010), Murphy & Tibbs (2010)).
- Làm giảm động lực ở các doanh nghiệp. Nếu người quản lý doanh nghiệp có các hành vi gian lận có thể khiến nhà đầu tư đánh đồng giữa công ty gian lận và không gian lận, làm giảm động lực ở các doanh nghiệp do vấn đề quả chanh.
Ngoài ra, nếu người trong cuộc có lợi nhuận từ việc kinh doanh những hành vi gian lận thì họ sẽ không quan tâm đến việc làm việc chăm chỉ và tăng khả năng sinh lời của công ty, hoặc không tốn nhiều công sức và làm cho công ty lâm vào tình trạng phá sản (Xu Sun, 2015).
- Tăng rủi ro cho các doanh nghiệp. Mặt khác, một khi người quản lý doanh nghiệp đã gian lận, họ càng có động lực để sử dụng chiến lược đầu tư nhằm che giấu sự gian lận. Động cơ để che giấu sự gian lận không chỉ khiến cho họ quyết định vượt quá mức đầu tư mà còn tạo cho họ cơ hội ưu tiên rủi ro và đa dạng hóa dưới mức, giao dịch trong nội bộ cũng cản trở hoặc làm chậm quá trình ra quyết định của công ty (Yue Wang (2005), Louhichi (2008)).
Ngoài ra, việc xác định giao dịch nội gián bất hợp pháp có thể bị trừng phạt sau Đạo luật Chứng khoán năm 1933 và Đạo luật Giao dịch Chứng khoán năm 1934. Trong trường hợp quản lý công ty bị truy tố vì lạm dụng nội gián, cả cá nhân và công ty sẽ bị phạt nặng từ SEC và Quốc hội, từ đó tăng chi phí giao dịch, là đối tượng cho các nhà phê bình, và đánh mất niềm tin của nhà đầu tư.
- Gian lận chứng khoán có thể làm giảm độ chính xác của giá cổ phiếu bằng cách tăng các khuyến khích của người trong công ty để thao túng tiết lộ thông tin
nhằm tối đa hóa lợi nhuận giao dịch của họ. Kết quả là giao dịch ít thông tin hơn và do đó vốn hóa thông tin cụ thể của công ty thấp hơn vào giá cổ phiếu. Khả năng thu lợi từ giao dịch nội gián của người trong cuộc về cơ bản phụ thuộc vào khả năng tiếp cận thông tin vượt trội của họ. Họ càng có thể kiểm soát rò rỉ thông tin, họ càng có cơ hội kiếm được từ giao dịch nội gián. Điều này có thể bao gồm tích trữ thông tin gây bất lợi cho cả độ chính xác về giá và hiệu quả hoạt động của công ty (Kraakman (1991)). Tương tự, Fishman & Hagerty (1992) cho rằng, thay vì đạt được hiệu quả thị trường, gian lận trên thị trường chứng khoán dẫn đến giá cổ phiếu không hiệu quả. Giân lận chứng khoán cũng có thể làm giảm tính chính xác của giá cổ phiếu bằng cách giảm mức độ cạnh tranh trên thị trường thông tin. Ảnh hưởng đầu tiên là tổng số lượng giao dịch viên có thông tin trên thị trường thấp hơn, bởi vì sự hiện diện của nhóm người có hiểu biết tốt hơn ngăn cản những người không có đầy đủ thông tin. Hiệu ứng thứ hai là sự phân phối thông tin không đồng đều; người nội bộ có nhiều thông tin hơn phần còn lại của thị trường. Các hiệu ứng này cùng nhau làm giảm số lượng cạnh tranh trên thị trường và do đó dẫn đến giá cổ phiếu ít thông tin hơn (Fishman & Hagerty, 1992). Cuối cùng, giao dịch nội gián có thể làm giảm độ chính xác của giá cổ phiếu bằng cách tăng các khuyến khích của người trong công ty để thao túng thông tin nhằm tối đa hóa lợi nhuận giao dịch của họ. Kết quả cuối cùng là giao dịch ít thông tin hơn và do đó vốn hóa thông tin cụ thể của công ty thấp hơn.
- Tăng chi phí vốn của doanh nghiệp: Ausubel (1990) cho rằng gian lận chứng khoán có thể làm giảm sự sẵn lòng tham gia vào thị trường chứng khoán của nhà đầu tư khiến cho thị trường càng kém thanh khoản. Điều này đúng cho cả thị trường sơ cấp và thứ cấp. Amihud & Mendelson (1986) xác nhận rằng các công ty có cổ phiếu thanh khoản thấp hơn phải trả cho nhà đầu tư tỷ lệ lợi nhuận kỳ vọng cao hơn so với các công ty có cổ phiếu ít thanh khoản hơn. Và các công ty có cổ phiếu ít thanh khoản hơn sẽ có chi phí vốn cổ phần cao hơn.
Thị trường kém thanh khoản cũng có thể làm tăng chi phí đại lý, bằng cách tăng chi phí cơ hội giám sát và kiểm soát doanh nghiệp (Maug (2002); Bettis & cộng sự (2000)). Giao dịch nội gián cá nhân có lợi thế thông tin cho thấy sự bất đối xứng thông tin đối với thị trường và gây ra cho bên ngoài yêu cầu tỷ lệ chiết khấu cao để bù đắp cho những bất lợi về thông tin. Kết quả là chi phí vốn cổ phần cao và giảm thanh khoản của cổ phiếu công ty (Bettis & cộng sự, 2000).
1.2.3.3 Tác động tới thị trường chứng khoán
- Làm giảm hiệu quả đầu tư, hạn chế sự phát triển của thị trường vốn và cả nền kinh tế. Thị trường chứng khoán là kênh luân chuyển vốn trực tiếp giữa người có vốn và các doanh nghiệp. Gian lận trên thị trường chứng khoán dẫn đến sự sai lệch nhận thức của thị trường giữa công ty có chất lượng hoạt động tốt với công ty có chất lượng hoạt động không tốt. Nó là vấn đề quả chanh, sự bất đối xứng thông tin. Dẫn đễn dòng vốn có thể chảy vào những công ty kinh doanh không hiệu quả, trong khi các công ty kinh doanh khả thi lại không nhận được nguồn vốn giá hợp lý. Do đó, ảnh hưởng đến hiệu quả của cả nền kinh tế. Tóm lại, gian lận có thể gây ra các ưu đãi đầu tư bị bóp méo, đó là chi phí kinh tế thực sự của gian lận (Peterson & Buckhoff (2004), Rezaee & cộng sự (2004), Yue Wang (2005)). Gian lận trên thị trường chứng khoán nên bị hạn chế bởi vì nó làm cho thị trường kém cạnh tranh hoàn hảo, do đó cản trở hiệu quả của giá cổ phiếu (Fishman & Hagerty, 1992). Bhattacharya & Daouk (2009) chứng minh rằng gian lận làm cho vốn trở nên đắt đỏ hơn. Hạn chế về vốn, hạn chế phạm vi đầu tư khả thi trong nền kinh tế, đến lượt nó lại hạn chế tăng trưởng kinh tế.
- Làm giảm tính thanh khoản của thị trường. Gian lận chứng khoán là hành động phá hoại cả vai trò thông tin và giao dịch của thị trường tài chính, làm suy yếu cả tính chính xác của giá cả và tính thanh khoản của thị trường (O'Hara (1998), Manove (1989)). Nếu thông tin bất cân xứng là cực đoan, các nhà đầu tư không hiểu biết có thể không giao dịch hoàn toàn, làm cho thị trường chứng khoán mất thanh khoản (Kraakman, 1991). Một lập luận kinh tế khác là người ngoài sẽ mất niềm tin vào thị trường và từ chối tham gia khi người nội bộ, người thao túng có thể sử dụng thông tin không công khai để đảm bảo lợi nhuận bất thường trong giao dịch của họ với các nhà đầu tư khác (Jalil, 2003). Với góc độ nhà quản lý, giao dịch nội gián làm suy yếu niềm tin vào sự công bằng, hiệu quả, và tính toàn vẹn của thị trường chứng khoán (Carlton & Fischel (1983), Bettis & cộng sự (2000)).
- Gây ra nhiều chi phí, tổn thất cho xã hội. Theo Hiệp hội các nhà điều tra gian lận Mỹ - ACFE (2010) thì “gian lận khiến nền kinh tế Mỹ mất khoảng 6% trên tổng thu nhập quốc nội vào năm 2004 (tương đương với 10,000 tỷ USD), tức là mỗi năm nền kinh tế bị thiệt hại trên 600 tỷ USD. Đây là con số rất lớn vì nó gần gấp đôi số ngân sách mà Chính phủ Mỹ dành cho các hoạt động quân sự trong năm 2003. Và
nhiều hơn cả nguồn tiền Chính phủ đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng và giáo dục, vượt quá 28 lần số ngân sách Chính phủ ưu tiên dùng để phòng chống tội phạm năm 2003”. Và chi phí gian lận toàn cầu là 2,9 nghìn tỷ đô la mỗi năm và số tiền này chiếm 5% doanh thu hàng năm của công ty (ACFE (2010), Campanelli (2016)).
Nhiều nghiên cứu cho rằng rất khó xác định được tất cả thiệt hại do gian lận bởi không phải tất cả các gian lận đều bị phát hiện và không phải tất cả các gian lận được phát hiện đều được báo cáo và không phải tất cả gian lận đã báo cáo đều bị khởi tố theo đúng pháp luật. Các công trình nghiên cứu trên chỉ thống kê thiệt hại về kinh tế trực tiếp, trong khi còn rất nhiều thiệt hại chưa được tính toán như chi phí kiện tụng, phí bảo hiểm, phí xử lý hậu quả do hành vi gian lận... (Peterson & Buckhoff (2004), Rezaee & cộng sự (2004)). Vì giao dịch nội gián là một loại giao dịch có thông tin. Tỷ lệ gian lận chứng khoán càng lớn, chi phí giao dịch khi các nhà tạo lập thị trường tăng chênh lệch giá chào mua để phản ánh khả năng họ giao dịch với những người trong nhóm có hiểu biết hơn (Fishman & Hagerty, 1992).
1.3 Cơ sở lý thuyết của đề tài
Nghiên cứu các hành vi gian lận trên thị trường chứng khoán vận dụng các lý thuyết nghiên cứu gồm: lý thuyết thị trường hiệu quả, lý thuyết tài chính hành vi, lý thuyết tín hiệu, lý thuyết tam giác gian lận. Trong đó lý thuyết cơ sở để xây dựng mô hình nghiên cứu là lý thuyết tam giác gian lận của Cressey (1953).
1.3.1 Lý thuyết thị trường hiệu quả
Giả thuyết thị trường hiệu quả (EMH) đã được sử dụng làm cơ sở lý thuyết cho nhiều nghiên cứu và là khuôn khổ lý thuyết hỗ trợ nghiên cứu về gian lận tài chính. Có ba mức độ hiệu quả thị trường: (1) hình thức hiệu quả dạng yếu cho rằng giá cổ phiếu phản ánh tất cả thay đổi giá trong quá khứ, tức tất cả thông tin có trong các biến động giá trong quá khứ được phản ánh đầy đủ trong giá thị trường hiện tại; (2) hình thức hiệu quả dạng bán mạnh tức là giá thị trường hiện tại phản ánh tất cả thông tin công khai và thông tin trong quá khứ; (3) hình thức hiệu quả dạng mạnh mẽ - giá thị trường hiện tại phản ánh tất cả các thông tin thích hợp, cho dù có sẵn công khai hay chưa công khai (Fama và cộng sự (1969), Birau (2011)).
Năm giả định quan trọng sau đây đã đặt nền móng cho các giả thuyết thị trường hiệu quả: Một số lượng lớn các nhà đầu tư có lợi nhuận bằng cách phân tích, định giá, và giao dịch chứng khoán; Giá chứng khoán thể hiện hành vi; Các thông tin
là miễn phí và lan truyền rộng rãi để các nhà đầu tư tham gia thị trường vào khoảng cùng thời gian; Thông tin được tạo ngẫu nhiên; Nhà đầu tư phản ứng một cách nhanh chóng và chính xác đến thông tin mới, khiến giá cổ phiếu điều chỉnh phù hợp (Munir và cộng sự (2012))
Giả thuyết thị trường hiệu quả (EMH) có thể giúp dự đoán gian lận vì trọng tâm của giả thuyết thị trường hiệu quả là giá cổ phiếu hiện tại phản ánh cả thông tin doanh nghiệp đã công bố và chưa công bố. Đổi lại, giá cổ phiếu của một công ty nhất định phải phản ánh sự gian lận trước khi thông báo công khai (Ball (2009), Jennifer (2013)). Nhiều nghiên cứu cung cấp bằng chứng phong phú việc vi phạm hình thức mạnh mẽ của giả thuyết thị trường hiệu quả bởi các nhà đầu tư giao dịch nội gián thu được lợi nhuận bất thường từ giao dịch thông tin nội bộ (Jaffe (1974), Seyhun (1986), Karpoff & Lee (1991) và Jordan (1999)).
Luận án vận dụng lý thuyết này trong nghiên cứu định tính phân tích tình huống điển hình, khi cổ phiếu có sự biến động giá bất thường mà thông tin cơ bản không giải thích được thì nhà đầu tư cần cẩn trọng với các hành vi gian lận như giao dịch nội gián, thao túng giá…
1.3.2 Lý thuyết tài chính hành vi
Trong những năm 1990, các nhà tâm lý học và kinh tế tài chính với số lượng ngày càng tăng đã lập luận rằng quyết định của nhiều nhà đầu tư bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các đặc điểm hành vi như quá tự tin và phản ứng quá mức. Có hai mục đích chính của tài chính hành vi:
- Tìm ra quá trình học hỏi những sai lầm cá nhân của các nhà đầu tư và tạo ra một chiến lược.
- Khám phá sự bất thường khi các nhà đầu tư bị thúc đẩy bởi cảm xúc, sự thụ động và các yếu tố khác trong việc ra quyết định.
Các cuộc thảo luận về tài chính hành vi xuất hiện trong tiêu chí dưới nhiều hình thức và quan điểm khác nhau. Về cơ bản, tài chính hành vi cố gắng giải thích những gì, tại sao và làm thế nào về tài chính và đầu tư, từ quan điểm của con người. Ví dụ, tài chính hành vi nghiên cứu thị trường tài chính cũng như giải thích cho nhiều giả thuyết về thị trường chứng khoán (như hiệu ứng tháng giêng), thị trường đầu cơ (cơn sốt chứng khoán Internet bán lẻ năm 1999), và sự sụp đổ (sụp đổ năm 1929 và 1987).
Bốn chủ đề của tài chính hành vi: sự tự tin thái quá, sự bất hòa về nhận thức tài chính, sự hối tiếc và lý thuyết triển vọng.
- Trong cả hai lĩnh vực tâm lý học và hành vi, vấn đề liên quan đến sự tự tin quá mức đều có sự hiện diện đáng kể. Với tư cách là nhà đầu tư, chúng ta có khả năng quên hoặc không học được từ những sai lầm trong quá khứ.
- Lý thuyết về sự bất hòa về nhận thức nói rằng mọi người cố gắng thực hiện các hành vi phân biệt hợp lý, do đó họ dường như tuân theo các giá trị cá nhân hoặc quan điểm. Một số nhà đầu tư cá nhân có thể gặp phải mâu thuẫn trong quá trình đầu tư. Họ có thể mua cổ phiếu dựa trên đà tăng giá trong khi bỏ qua các nguyên tắc kinh tế cơ bản của cung và cầu.
- Lý thuyết về sự hối tiếc nói rằng một cá nhân đánh giá các phản ứng dự kiến của mình đối với sự kiện hoặc tình huống bất thường. Cảm xúc hối tiếc gây ra bằng cách so sánh trạng thái kết quả nhất định với trạng thái của sự lựa chọn đã qua. Các nhà đầu tư có thể bán các cổ phiếu đã giảm giá trị để tránh sự hối tiếc vì đã lựa chọn đầu tư tồi và khó chịu khi báo cáo thua lỗ. Ngoài ra, nhà đầu tư đôi khi thấy dễ dàng mua cổ phiếu phổ biến hoặc nóng hơn trong tuần theo đám đông. Nhà đầu tư có thể giảm bớt các phản ứng cảm xúc hoặc cảm xúc (giảm bớt sự lo lắng hối tiếc) khi một nhóm các nhà đầu tư cá nhân bỏ tiền vào cùng một khoản đầu tư xấu.
- Lý thuyết triển vọng liên quan đến ý tưởng rằng mọi người không hành xử hợp lý. Giả thuyết này cho rằng những thành kiến dai dẳng được thúc đẩy bởi các khía cạnh tâm lý có ảnh hưởng đến con người. Sự lựa chọn trong điều kiện không chắc chắn. Lý thuyết triển vọng coi sở thích là một chức năng của trọng số quyết định.
Luận án vận dụng lý thuyết này trong nghiên cứu định tính, thiết kế bảng hỏi và giải thích về yếu tố tâm lý bầy đàn của các nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán. Trong đó, nhóm yếu tố cơ hội dẫn đến các hành vi gian lận do nhà đầu tư chủ yếu xuất phát từ hành vi tâm lý đám đông như giao dịch theo người nội bộ hoặc người được cho là có thông tin nội bộ, giao dịch theo nhà đầu tư nước ngoài, giao dịch theo lời khuyến nghị của người môi giới, giao dịch theo tư vấn trên các diễn đàn chứng khoán...
1.3.3 Lý thuyết tín hiệu
Lý thuyết tín hiệu của Spence (1973) đề cập đến sự bất đối xứng thông tin trong thị trường lao động. Sau đó, lý thuyết này đã được Ross (1977) sử dụng để giải thích việc công bố thông tin trong các báo cáo của tổ chức phát hành. Rằng các công ty sẽ tiết lộ thông tin nhiều hơn so với những quy định bắt buộc của luật pháp để báo hiệu rằng họ tốt hơn các công ty khác trên thị trường và ngược lại, các công ty tránh tiết lộ