Theo đó, ý kiến ngoại trừ được KTV đưa ra trong trường hợp BCTC có chứa đựng các sai sót trọng yếu nhưng không lan tỏa tới toàn bộ BCTC, hoặc KTV không thể thu thập đầy đủ các bằng chứng thích hợp để làm cơ sở đưa ra ý kiến về ảnh hưởng của các sai sót có thể là trọng yếu nhưng không lan tỏa đối với BCTC.
Ý kiến từ chối được đưa ra trong trường hợp KTV không thể thu thập đầy đủ và thích hợp các bằng chứng kiểm toán để có thể cho ý kiến về BCTC.
BCKiT với ý kiến trái ngược được đưa ra trong trường hợp, KTV cho rằng còn tồn tại các sai sót trọng yếu trên BCTC.
Tóm lại, trong các loại ý kiến kiểm toán, ý kiến chấp nhận toàn phần là loại ý kiến kiểm toán được DNNY và NĐT trên TTCK mong đợi nhất. Khi đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần, KTV cho rằng BCTC đã được kiểm toán của DNNY đã phản ánh trung thực hợp lý tình hình tài chính của doanh nghiệp (BCTC không còn chứa đựng các sai phạm trọng yếu làm ảnh hưởng tới quyết định kinh tế của người sử dụng BCTC).
1.3. Các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán báo cáo tài chính của doanh nghiệp niêm yết
1.3.1. Đối tượng quan tâm tới chất lượng kiểm toán báo cáo tài chính của doanh nghiệp niêm yết
Như đã phân tích ở trên, một trong những đặc điểm riêng của DNNY trên TTCK là thông tin trên BCTC của các DNNY nhận được sự quan tâm và ảnh hưởng đến lợi ích của nhiều đối tượng, theo đó, ý kiến kiểm toán BCTC của KTV/CTKT (báo cáo kiểm toán) cũng nhận được sự quan tâm từ nhiều phía. Những người sử dụng BCTC đã được KTV xác nhận có quyền kiện KTV/CTKT nếu chất lượng kiểm toán không đảm bảo gây thiệt hại tới lợi ích kinh tế của họ. Các nghiên cứu về chất lượng kiểm toán cũng cho thấy, chất lượng kiểm toán BCTC nhận được sự quan tâm bởi nhiều đối tượng, đặc biệt là các NĐT (Sơ đồ 1.3).
Sơ đồ 1.3 cho thấy, đối tượng quan tâm tới chất lượng kiểm toán BCTC doanh nghiệp niêm yết gồm:
Có thể bạn quan tâm!
- Cơ Sở Lý Luận Của Việc Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Chất Lượng Kiểm Toán Báo Cáo Tài Chính Doanh Nghiệp Niêm Yết Trên Thị Trường
- Doanh Nghiệp Niêm Yết Trên Thị Trường Chứng Khoán
- Kiểm Toán Báo Cáo Tài Chính Của Doanh Nghiệp Niêm Yết
- Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Chất Lượng Kiểm Toán Báo Cáo Tài Chính Của Các Doanh Nghiệp Niêm Yết
- Tổng Quan Thị Trường Chứng Khoán Việt Nam Và Các Doanh Nghiệp Niêm Yết
- Điều Kiện Niêm Yết Của Doanh Nghiệp Trên Thị Trường Chứng Khoán Việt Nam
Xem toàn bộ 225 trang tài liệu này.
Chủ thể kiểm toán (công ty kiểm toán)
- Ban lãnh đạo công ty
- Bộ phận giám sát chất lượng
- KTV/nhóm kiểm toán
Khách thể kiểm toán (doanh nghiệp niêm yết)
- Ban lãnh đạo DN (gồm ban giám đốc và ban quản trị)
- Cổ đông công ty
- Nhân viên/người lao động
Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền
- Bộ Tài chính và Thuế
- Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước
- Hiệp hội ngành nghề
Đối tác của khách hàng
- Ngân hàng cấp tín dụng
- Nhà cung cấp
- Đối tác liên danh, liên kết
Nhà đầu tư
- Tổ chức (quĩ, công ty chứng khoán)
- Cá nhân
Chuyên gia
Người sử dụng BCTC và BCKiT
(bên thứ ba)
Đối tượng quan tâm tới chất lượng kiểm toán BCTC doanh nghiệp niêm yết
Sơ đồ 1.3: Đối tượng quan tâm tới chất lượng kiểm toán BCTC doanh nghiệp niêm yết
- Trước hết, đó chính là các công ty kiểm toán- chủ thể thực hiện cuộc kiểm
toán, với trách nhiệm đảm bảo chất lượng kiểm toán theo đúng chuẩn mực nghề nghiệp (CMKiT) nhằm giữ gìn và nâng cao uy tín nghề nghiệp, đảm bảo sự phát
triển bền vững của công ty. Đối tượng này gồm: Ban lãnh đạo công ty kiểm toán (chủ phần hùn và ban giám đốc), bộ phận giám sát chất lượng kiểm toán, trưởng nhóm kiểm toán, kiểm toán viên và các trợ lý KTV. Họ là những người trực tiếp được giao thực hiện cuộc kiểm toán và giám sát chất lượng kiểm toán tại khách hàng. Để tăng cường uy tín của DNNY, thu hút các NĐT trên TTCK, lãnh đạo DNNY có xu hướng lựa chọn các KTV/công ty kiểm toán có đủ năng lực để thực hiện kiểm toán BCTC doanh nghiệp mình. Theo đó, KTV và công ty kiểm toán muốn giữ uy tín kiểm toán cũng phải quan tâm tới việc bảo đảm chất lượng kiểm toán, nghĩa là bảo đảm trách nhiệm phát hiện và báo cáo về các sai phạm quan trọng (nếu có) trên các BCTC của khách hàng được kiểm toán (DNNY).
Để quản lý chất lượng cuộc kiểm toán, các CTKT phải thực hiện kiểm soát chất lượng đối với từng cuộc kiểm toán thông qua các chính sách và thủ tục kiểm soát nội bộ của công ty (tuân thủ chuẩn mục kiểm soát chất lượng ISA 220), cũng như đáp ứng yêu cầu giám sát hệ thống chất lượng toàn công ty (theo ISQC1- Chuẩn mực kiểm soát chất lượng quốc tế đối với dịch vụ kiểm toán, dịch vụ soát xét thông tin tài chính, các dịch vụ đảm bảo và các dịch vụ liên quan khác).
- Doanh nghiệp niêm yết (khách thể kiểm toán): Theo chuẩn mực nghề nghiệp, ban lãnh đạo (gồm ban giám đốc và ban quản trị) DNNY có trách nhiệm thiết lập, trình bày và công bố các BCTC phù hợp với khuôn khổ về lập và trình bày BCTC được áp dụng, theo yêu cầu của pháp luật và các quy định liên quan (nếu có) (ISA 200). Ban quản trị là một bộ phận có trách nhiệm giám sát việc điều hành hoạt động và thực hiện nghĩa vụ giải trình, kể cả trách nhiệm giám sát việc lập và trình bày BCTC của đơn vị được kiểm toán. Ý kiến kiểm toán không thay thế trách nhiệm của ban lãnh đạo DNNY. Theo ISA 240 về gian lận và sai sót, nếu còn tồn tại các sai phạm trọng yếu trên các BCTC đã được kiểm toán thì trách nhiệm trước hết luôn thuộc về ban lãnh đạo DNNY, sau đó mới xét đến trách nhiệm của KTV/CTKT. Do vậy, lãnh đạo DNNY quan tâm tới chất lượng kiểm toán nhằm phát hiện những rủi ro, sai phạm (nếu có) để quản lý doanh nghiệp mình hiệu quả hơn. Ngoài ra, những người quan tâm và có lợi ích tới chất lượng kiểm toán BCTC còn gồm nhân viên và các cổ đông của DNNY. Cổ đông của DNNY rất đa dạng bao gồm tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài, cổ đông đại diện phần vốn nhà nước và tư nhân.
- Những người quan tâm và có lợi ích khác (bên thứ ba):
Bên thứ ba là đối tượng sử dụng dịch vụ kiểm toán, chất lượng kiểm toán nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các đối tượng này, gồm:
(i) Cơ quan quản lý Nhà nước là cơ quan ban hành các qui định nhằm đảm bảo chất lượng kiểm toán, đồng thời chịu trách nhiệm giám sát chất lượng kiểm toán (ở Việt Nam là Bộ Tài chính; Hiệp hội ngành nghề VACPA). Riêng đối với kiểm toán BCTC của DNNY, chất lượng kiểm toán còn chịu giám sát bởi TTCK (ở Việt Nam là UBCKNN) trong việc đề ra các tiêu chuẩn cũng như thực hiện giám sát, xử lý các sai phạm đối với KTV và công ty kiểm toán. Bên cạnh việc đề ra các qui định và giám sát khắt khe chất lượng kiểm toán, các cơ quan này cũng có trách nhiệm hỗ trợ đào tạo, tọa đàm trao đổi kinh nghiệm nhằm giúp đảm bảo và nâng cao chất lượng kiểm toán.
(ii) Đối tác của DNNY là những người có lợi ích từ kết quả kiểm toán BCTC DNNY, bởi đó là cơ sở cho các quyết định kinh tế của họ (ngân hàng có cơ sở để cấp tín dụng, nhà cung cấp có cơ sở trong việc bán chịu, khách hàng, đối tác có cơ sở để quyết định có hay không mối quan hệ kinh tế với DNNY);
(iii) Nhà đầu tư tổ chức (công ty chứng khoán, các quĩ đầu tư…) và nhà đầu tư cá nhân (thuộc mọi tầng lớp dân cư trong xã hội). Đây là nhóm quan tâm mang tính đặc trưng nhất trên TTCK tới chất lượng kiểm toán. Nhóm này thường phải đối mặt với rủi ro từ các BCTC thiếu tin cậy, do vậy luôn mong muốn nhận được BCTC và báo cáo kiểm toán có chất lượng từ phía KTV/CTKT- là cơ sở cho các quyết định đầu tư của mình (mua/bán cổ phiếu của DNNY) và họ có quyền kiện KTV/CTKT nếu các BCTC đã được kiểm toán còn chứa đựng cái sai phạm trọng yếu gây thiệt hại cho các quyết định đầu tư của họ.
Do BCTC và BCKiT nhận được sự quan tâm và ảnh hưởng đến lợi ích của nhiều đối tượng, nên chất lượng kiểm toán là một trong những vấn đề được quan tâm của không chỉ nhà cung cấp dịch vụ kiểm toán (KTV/CTKT), của khách hàng được kiểm toán (DNNY), nhà đầu tư… mà của nhiều nhà nghiên cứu về kiểm toán. Theo các nghiên cứu, mặc dù có các quan điểm khác nhau về chất lượng kiểm toán BCTC doanh nghiệp niêm yết dưới các góc nhìn khác nhau của đối tượng được
khảo sát, tuy nhiên, đều mong muốn đạt được mục đích chung của cuộc kiểm toán, đó là làm tăng độ tin cậy của các BCTC, thông qua việc KTV đưa ra ý kiến về tính trung thực, hợp lý của BCTC trên các khía cạnh trọng yếu, phù hợp với quy định hiện hành về lập, trình bày và công bố BCTC. Mục tiêu của kiểm toán BCTC còn giúp cho đơn vị được kiểm toán thấy rõ những tồn tại, sai sót để khắc phục nhằm nâng cao chất lượng thông tin tài chính của đơn vị (ISA 200).
1.3.2. Quan điểm chất lượng kiểm toán báo cáo tài chính doanh nghiệp niêm yết
Chất lượng phản ánh giá trị về mặt lợi ích của sản phẩm hàng hoá, dịch vụ và là khái niệm phức tạp, phụ thuộc vào trình độ của nền kinh tế và tuỳ những góc độ của người quan sát hay người sử dụng. Theo Từ điển Tiếng Việt “chất lượng là cái tạo nên phẩm chất, giá trị một con người, một sự vật, sự việc”. Theo định nghĩa của TCVN 5200-ISO 9000 thì “Chất lượng là mức phù hợp của sản phẩm hoặc dịch vụ thỏa mãn các yêu cầu đề ra hoặc đặt trước của người mua”. Tuy nhiên, kiểm toán BCTC được coi là một loại hình dịch vụ đặc biệt mà sản phẩm cuối cùng của nó là các BCKiT- nơi trình bày ý kiến của KTV (công ty kiểm toán) về BCTC của doanh nghiệp. Với đặc trưng riêng của kiểm toán đối với BCTC của DNNY trên TTCK và đòi hỏi cao về tính minh bạch, cũng như mức độ ảnh hưởng của chất lượng kiểm toán tới người sử dụng dịch vụ kiểm toán, dẫn đến quan điểm về chất lượng kiểm toán BCTC của DNNY cũng có đặc trưng riêng bên cạnh những quan điểm chung về chất lượng kiểm toán BCTC.
Khác với các sản phẩm, dịch vụ của các nghề nghiệp khác, chất lượng kiểm toán không dễ dàng quan sát hay kiểm tra, đánh giá. Thường có một khoảng cách nhất định về quan điểm hay mức độ thỏa mãn giữa người quản lý, người sử dụng và cung cấp dịch vụ tới chất lượng kiểm toán [83]. Tuy nhiên, mặc dù chất lượng kiểm toán BCTC được quan sát theo các quan điểm khác nhau tùy thuộc góc nhìn của các đối tượng quan tâm, nhưng đều cùng mục tiêu là KTV đưa ra ý kiến đúng đắn về tính trung thực và hợp lý của các thông tin trên BCTC.
Đến nay, tổng hợp từ các nghiên từ nước ngoài, có hai quan điểm chính về chất lượng kiểm toán độc lập đối với BCTC, được hình thành từ quan điểm thực
hành, nhằm thỏa mãn đối tượng sử dụng dịch vụ kiểm toán và quan điểm khoa học về kiểm toán, là khả năng phát hiện và báo cáo các sai phạm trọng yếu trên các BCTC được kiểm toán.
1.3.1.1. Chất lượng kiểm toán theo quan điểm thỏa mãn đối tượng sử dụng dịch vụ kiểm toán
Theo Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 220 (VSA 220) và Chuẩn mực Kiểm toán Quốc tế số 220 (ISA 220), “Chất lượng kiểm toán là mức độ thoả mãn về tính khách quan và độ tin cậy vào ý kiến kiểm toán của những đối tượng sử dụng dịch vụ kiểm toán đồng thời thoả mãn về mong muốn có được những ý kiến đóng góp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài chính, kế toán của đơn vị được kiểm toán với thời gian định trước và giá phí thích hợp” [4, tr.1]. Chất lượng kiểm toán ở đây được hiểu trên khía cạnh mức độ thỏa mãn của đối tượng sử dụng các BCTC. Với đặc trưng của kiểm toán BCTC DNNY trên TTCK thì đối tượng sử dụng dịch vụ kiểm toán phổ biến nhất là các nhà đầu tư (cá nhân và tổ chức), sau đó là các cơ quan quản lý và doanh nghiệp được kiểm toán.
Quan điểm này nghiêng về thực hành kiểm toán, được nhìn nhận dưới góc độ thỏa mãn người sử dụng dịch vụ. Theo đó, để đánh giá chất lượng kiểm toán thì người ta quan tâm tới mức độ thỏa mãn về chất lượng dịch vụ kiểm toán với mức giá phí phù hợp của đối tượng sử dụng dịch vụ. Mỗi góc nhìn khác nhau, quan điểm thỏa mãn được nhìn nhận và đánh giá khác nhau [76], [83]:
Thứ nhất, chất lượng kiểm toán dưới góc nhìn của công ty khách hàng
DNNY là khách hàng- đơn vị được kiểm toán, đối tượng đầu tiên sử dụng dịch vụ kiểm toán. Mặc dù yêu cầu kiểm toán độc lập đối với BCTC của DNNY là mang tính bắt buộc, tuy nhiên khách hàng DNNY luôn mong muốn nhận được ý kiến về tính trung thực, khách quan của các thông tin về BCTC đã được kiểm toán để cung cấp tới các NĐT trên TTCK, giúp tăng cường uy tín của chính doanh nghiệp và phục vụ cho mục đích thu hút vốn, đáp ứng nhu cầu mở rộng qui mô kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, DNNY mong muốn có được sự đảm bảo từ phía nhà cung cấp dịch vụ kiểm toán rằng, mọi sai sót trọng yếu trên BCTC đều được phát hiện và báo cáo cho ban lãnh đạo, từ đó, đưa ra các kiến nghị giúp khách hàng hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ. Do vậy, dưới góc độ là khách hàng, chất lượng kiểm toán được đánh giá bởi sự thỏa mãn của DNNY về tính khách quan, độ
tin cậy, khả năng đáp ứng, năng lực phục vụ, sự chia sẻ với khách hàng của KTV/CTKT. Quan điểm thỏa mãn này không hàm ý KTV đưa ra ý kiến theo hướng “làm đẹp BCTC” có lợi cho DNNY hay lợi ích nhóm cổ đông.
Thứ hai, chất lượng kiểm toán dưới góc nhìn của bên thứ ba (NĐT, nhà quản lý, đối tác của công ty khách hàng)
Như trên đã phân tích về đặc trưng của BCTC của DNNY trên TTCK, bên thứ ba là đối tượng chịu sự rủi ro cũng như lợi ích nhiều nhất từ việc sử dụng dịch vụ kiểm toán (BCKiT), họ chủ yếu là các NĐT cá nhân, tổ chức, ngoài ra là các cơ quan quản lý nhà nước (được giao quản lý chất lượng kiểm toán) và các đối tác có lợi ích kinh tế với doanh nghiệp được kiểm toán BCTC. Dưới góc nhìn của người sử dụng BCKiT, một cuộc kiểm toán có chất lượng là họ cảm thấy thỏa mãn về độ tin cậy, tính trung thực và hợp lý của các BCTC được kiểm toán, để qua đó họ có thể đưa ra quyết định kinh tế đúng đắn (đầu tư, hợp tác) hoặc quản lý, điều hành cho phù hợp.
Tuy nhiên, nếu đánh giá chất lượng kiểm toán được hiểu theo khía cạnh thỏa mãn mong muốn của đối tượng sử dụng là rất khó để lượng hóa, vì họ (bên thứ ba) không trực tiếp chứng kiến và tham gia vào công việc của KTV. Họ chỉ cảm thấy tin cậy hơn nếu ý kiến kiểm toán được đưa ra bởi các KTV có năng lực, trình độ chuyên môn, độc lập và kinh nghiệm. Tuy nhiên, chính người sử dụng dịch vụ kiểm toán cũng khó có thể tự đánh giá các tiêu chí này từ phía KTV và công ty kiểm toán. Do vậy, các nghiên cứu về chất lượng kiểm toán cũng tìm cách đánh giá mức độ hài lòng của người sử dụng thông qua các tiêu chí trung gian, hoặc nhân tố ảnh hưởng [47], cụ thể:
- Mức độ thoả mãn về tính khách quan và độ tin cậy vào ý kiến kiểm toán của những đối tượng sử dụng dịch vụ kiểm toán. Người sử dụng sẽ cảm thấy tin cậy nếu ý kiến kiểm toán được cung cấp từ phía các KTV có năng lực, trình độ chuyên môn, độc lập và kinh nghiệm.
- Mức độ thoả mãn về những đóng góp, gợi ý của KTV nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, hiệu năng quản lý tại đơn vị được kiểm toán. Tiêu chí này khó được lượng hóa được bằng các sai phạm cụ thể mà KTV phát hiện được cho lãnh đạo doanh nghiệp, mà phụ thuộc vào mức độ thỏa mãn của nhà quản lý về cách làm việc chuyên nghiệp của KTV, cũng như ý kiến của KTV về BCTC nhằm đáp ứng mong đợi của họ.
- BCKiT được phát hành theo đúng thời gian đã đề ra trong hợp đồng kiểm toán và chi phí cho dịch vụ kiểm toán ở mức độ phù hợp. Tiêu chí này được đo
lường bằng việc tuân thủ kế hoạch theo hợp đồng hoặc thư hẹn kiểm toán, nếu có thay đổi cần được báo trước, cũng như mức giá phí phù hợp.
Công ty kiểm toán- chủ thể thực hiện kiểm toán, thường xây dựng quy trình kiểm toán và kiểm soát nhằm yêu cầu và giúp KTV thực hiện một cuộc kiểm toán có chất lượng, đó là tuân thủ đầy đủ chuẩn mực nghề nghiệp, tuân thủ các quy trình, các thủ tục do CTKT thiết lập, đồng thời thỏa mãn khách hàng trong việc tư vấn, giúp nâng cao uy tín khách hàng. Tuy nhiên, chất lượng kiểm toán cũng phải gắn với sự thỏa mãn của CTKT về mục tiêu lợi nhuận, tức chi phí dịch vụ kiểm toán phù hợp với mức độ rủi ro kiểm toán (giảm thiểu các vụ kiện tụng, tăng cường uy tín). Điều này cũng chính là áp lực đối với nhà cung cấp dịch vụ kiểm toán độc lập đối với BCTC của DNNY trên TTCK trong việc cân đối nguồn lực, trong khi rủi ro kiểm toán và đòi hỏi về sự hài lòng của người sử dụng dịch vụ kiểm toán luôn cao hơn so với kiểm toán BCTC của doanh nghiệp không niêm yết.
1.3.1.2. Chất lượng kiểm toán theo quan điểm phát hiện và báo cáo sai sót trọng yếu trong báo cáo tài chính
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực kiểm toán đã thực hiện nghiên cứu về chất lượng kiểm toán. Theo một số công trình nghiên cứu, chất lượng kiểm toán được xác định là mức độ công ty kiểm toán tuân thủ theo các CMKiT trong suốt quá trình thực hiện kiểm toán. Tiêu biểu cho quan điểm này là Krishnan và Schauer (2001), McConnell và Banks (1998), Aldhizer và các cộng sự (1995). Một số nhà nghiên cứu khác lại cho rằng chất lượng kiểm toán được xem xét trên các khía cạnh như: Khả năng mà KTV phát hiện ra sai phạm của hệ thống kế toán của khách hàng và báo cáo các sai phạm này (DeAngelo, 1981; Watts và Zimmerman, 1983); khả năng KTV không phát hành báo cáo chấp nhận toàn phần cho các BCTC có chứa đựng những sai sót trọng yếu (Lee và các cộng sự, 1998); tính trung thực của thông tin tài chính được trình bày trên BCTC sau khi được kiểm toán (Beatty, 1989; Krinsky và Rotenberg, 1989; Davidson và Neu, 1993); khả năng KTV có thể làm giảm các sai sót và nâng cao tính trung thực của thông tin kế toán (Wallace, 1987) [28], [76], [80], [84].
Quan điểm chất lượng kiểm toán là khả năng phát hiện và báo cáo các sai sót trọng yếu được coi là quan điểm phổ biến của các nhà nghiên cứu về chất lượng kiểm toán. DeAngelo (1981) là nhà nghiên cứu đầu tiên xác định chất lượng kiểm toán dựa trên khả năng phát hiện và báo cáo các sai phạm trọng yếu trong BCTC của công ty