Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến công tác kế toán quản trị chi phí tại các doanh nghiệp khai thác đá ở Bình Dương - 13

CHƯƠNG 5: KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ

5.1. Kết luận

Từ nội dung nghiên cứu ở Chương 4, tác giả tóm tắt 2 nội dung chính của luận văn như sau:

- Kế thừa, nhận diện, và phát triển các nhân tố ảnh hưởng đến công tác KTQTCP tại các DN khai thác đá ở Bình Dương, gồm: (1) quy mô sản xuất, (2) nhận thức về KTQTCP, (3) kiểm soát chi phí môi trường, (4) trình độ nhân viên kế toán, (5) hình thức sản xuất, (6) chiến lược kinh doanh, (7) quan hệ giữa lợi ích và chi phí, (8) quy định pháp lý.

- Đo lường mức độ ảnh hưởng của các nhân tố, xác định mức độ đóng góp của các nhân tố lần lượt là: 15,3%; 14,4%; 13,5%; 13,1%; 13,1%; 11,5%; 10,3%; và 8,8% là cơ sở giúp tác giả đưa ra các gợi ý nhằm nâng cao hiệu quả vận dụng công tác KTQTCP.

Kế thừa 6 nhân tố từ nghiên cứu của Nguyễn Thị Đức Loan (2019) tại các DN khai thác, chế biến và kinh doanh đá xây dựng tại các tỉnh Đông Nam Bộ, giai đoạn nghiên cứu năm 2015 – 2018, nhận thấy cả 6 nhân tố đều tác động cùng chiều với công tác KTQTCP tại các DN khai thác đá ở Bình Dương giai đoạn năm 2017 – 2019, đồng thời phát triển thêm 2 nhân tố mới tác động đến công tác KTQTCP tại các DN này, góp phần hoàn thiện thêm hệ thống KTQTCP tại các DN khai thác đá ở Bình Dương.

Nhìn nhận các kết quả đạt được cũng như hạn chế của các nghiên cứu trước, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc xác định mục tiêu nghiên cứu cho luận văn. Việc nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến công tác KTQTCP, nhằm giúp cho DN khai thác đá thấy được tầm quan trọng của KTQTCP trong quá trình hoạch định, kiểm soát, cung cấp các thông tin cho nhà quản trị đưa ra các quyết định chính xác, kịp thời.

Tác giả đã đo lường mức độ tác động của từng nhân tố ảnh hưởng đến công tác KTQTCP tại các DN khai thác đá ở Bình Dương, từ đó đề xuất các khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của DN. Nghiên cứu này sẽ là cơ sở tham khảo cho các nghiên cứu tiếp theo.

5.2. Khuyến nghị

Các DN khai thác đá ở Bình Dương cần:

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 175 trang tài liệu này.

- Quy mô sản xuất: các DN khai thác đá ở Bình Dương dù lớn hay nhỏ đều cần phải thấy được thông tin hữu ích của KTQTCP mang lại. Quy mô sản xuất càng lớn, sản xuất ra càng nhiều sản phẩm, nhưng nếu không kiểm soát chi phí tốt dẫn đến việc hao phí trong quá trình sản xuất, mất đi lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Các DN nhỏ, trữ lượng khai thác nhỏ, hệ thống máy móc thiết bị ít, nhưng nếu kiểm soát được chi phí, vận dụng KTQTCP vào quá trình sản xuất, có thể mang lại hiệu quả kinh tế, giảm giá thành sản phẩm, cạnh tranh giá bán với các DN lớn trong khu vực.

- Nhận thức về KTQTCP: nhà quản trị DN cần có nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng và lợi ích mà KTQTCP mang lại, kế toán xác định mục tiêu của KTQTCP trong việc phân loại, nhằm cung cấp các thông tin hữu ích cho nhà quản lý. Nhà quản trị nên thay đổi tư duy trong cách quản lý truyền thống, hạn chế việc ra quyết định mang tính chất cảm tính, hay cái tôi quá lớn, cần xem xét, đánh giá và sử dụng các thông tin từ KTQTCP cung cấp, mới tiến hành ra quyết định.

Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến công tác kế toán quản trị chi phí tại các doanh nghiệp khai thác đá ở Bình Dương - 13

- Kiểm soát chi phí môi trường: các chi phí phát sinh liên quan đến môi trường trong DN khai thác đá có giá trị rất lớn, cần phải phân loại tách biệt ra khỏi chi phí sản xuất, để nhà quản trị có các biện pháp kiểm soát chi phí này, hiện tại các DN khai thác đá ở Bình Dương vẫn đang hạch toán chung với chi phí sản xuất chung, dẫn đến việc kiểm soát chi phí này đang rất khó khăn. Khi cần tập hợp, cung cấp thông tin về chi phí môi trường này theo yêu cầu của nhà quản trị, hay cơ quan Nhà nước, thường rất lâu và thiếu sót. Kế toán cũng không so sánh chi phí môi trường phát sinh trong cùng nội dung, cùng kỳ có sự khác nhau hay không, nguyên nhân khác nhau là do đâu. Kế toán chỉ đơn thuần hạch toán chi phí này phát sinh ở khu vực khai thác mỏ, sản xuất thì mang vào chi phí sản xuất, phát sinh ở khu vực văn phòng thì mang vào chi phí quản lý DN, mặc dù cùng tính chất, cùng thời điểm như: làm bờ bao toàn khu mỏ, trồng cây chắn bụi, tưới phun khu vực sản xuất, hay hệ thống bơm nước xả thải, thoát nước mưa…

- Trình độ nhân viên kế toán: kế toán cần phải được tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên sâu về KTQTCP, để có thể áp dụng vào chính DN mình. Am hiểu về lĩnh vực hoạt động, các quy định quy chế của cơ quan Nhà nước đang áp dụng tại các DN khai thác đá ở Bình Dương. Nắm vững lý thuyết và thực tế, các kỹ năng giải quyết công việc. DN cũng cần phải phân cấp kế toán, để nâng cao tính bảo mật, trung thực trong các báo cáo của kế toán, theo đúng yêu cầu, mục đích sử dụng.

- Hình thức sản xuất: khuyến nghị DN tiếp tục sử dụng mô hình kết hợp giữa hình thức tự đầu tư và hình thức thuê mướn, dù là DN lớn hay nhỏ, mô hình kết hợp này giúp DN kiểm soát tốt chi phí ở tất cả các khâu khai thác, sản xuất hay kinh doanh của DN. Dùng định mức sản xuất của chính DN mình kiểm soát giá thuê mướn của các nhà cung cấp.

- Chiến lược kinh doanh: nhà quả trị phải nhận thức được tầm quan trọng, vai trò của mình ảnh hưởng lớn đến chiến lược kinh doanh của DN, nhà quản trị có tầm hiểu biết về ngành nghề, nắm bắt được thị trường, nhu cầu về sản phẩm của mình tại Bình Dương và các khu vực lân cận, để có những kế hoạch, định hướng trong tương lai, nhà quản trị cần tham dự các khoá học về quản lý, điều hành DN, đồng thời áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào công tác quản lý của mình.

Nhà quản trị phải cho người lao động thấy được sứ mệnh của DN trong hiện tại và tương lai như thế nào, để tất cả mọi người cùng nổ lực cho các mục tiêu của cá nhân, tiến tới hoàn thành mục tiêu chung của tập thể. Nội dung trong chiến lược được xây dựng một cách rõ ràng về phương thức và thời gian thực hiện, các chi phí phát sinh liên quan đến việc thực hiện chiến lược được kiểm soát và cung cấp kịp thời để làm cơ sở đưa ra các quyết định.

DN chủ động tạo điều kiện để cán bộ nhân viên tham gia các khoá học nâng cao chuyên môn liên quan đến việc thăm dò, kỹ thuật khai thác để phục vụ cho quá trình tìm kiếm thêm nguồn tài nguyên, khai thác đạt hiệu quả tối ưu, tiết kiệm chi phí. Các vấn đề về an toàn lao động, cháy nổ, vệ sinh môi trường, DN

nên yêu cầu người lao động thực hiện một cách nghiêm túc trong suốt quá trình khai thác, sản xuất và kinh doanh.

- Quan hệ giữa lợi ích và chi phí: DN cần khảo sát, lựa chọn đầu tư công nghệ, phần mềm nào phù hợp với ngành nghề kinh doanh, với mức chi phí bỏ ra nằm trong định mức cho phép để có thể mang lại lợi ích tối ưu khi thực hiện, tổ chức và vận dụng hệ thống KTQTCP. Năng lực của kế toán cần được nâng cao, để có thể thực hiện hệ thống KTQTCP này, nắm rõ nội dung và cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, phục vụ cho cả hai hệ thống kế toán tài chính và KTQTCP, giúp tiết kiệm chi phí.

- Quy định pháp lý trong ngành khai thác đá như: luật khai thác tài nguyên, luật khoáng sản, luật bảo vệ môi trường, tiền cấp quyền khai thác, tiền thuế tài nguyên, quy định đánh giá tác động môi trường, phòng cháy chữa cháy… đội ngũ cán bộ nhân viên cần phải được thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng kiến thức để có thể nằm vững các quy định, quy chế, để tránh bị xử phạt, có thể dẫn đến việc đóng cửa mỏ. Thực trạng tại Bình Dương các DN khai thác đá luôn cập nhật thường xuyên, và thực hiện đúng các quy định của Nhà nước một cách đầy đủ và kịp thời.

- Tóm lại: DN cần xác định rõ mục tiêu sản xuất kinh doanh, lựa chọn quy mô và hình thức sản xuất phù hợp với khả năng của DN. Hoàn thiện cơ chế quản lý hoạt động kinh doanh, nâng cao công tác kiểm soát quản lý chi phí, xây dựng hệ thống định mức, dự toán, các chỉ tiêu đánh giá chi phí sao cho phù hợp. Nhà quản trị nhận thức được lợi ích và tầm quan trọng từ việc vận dụng KTQTCP, và các quyết định liên quan đến việc kiểm soát chi phí của DN. Đồng bộ hệ thống quản trị, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các bộ phận với nhau. Tách biệt chức năng KTQTCP và kế toán tài chính. Luôn tạo điều kiện nâng cao trình độ cho cán bộ nhân viên. Tiết kiệm chi phí, tối ưu hoá lợi nhuận để đạt được các mục tiêu về kinh tế xã hội, giúp DN phát triển bền vững.

5.3. Hàm ý chính sách

5.3.1. Lý thuyết

Đề tài nghiên cứu đã xác định được các nhân tố ảnh hưởng đến công tác KTQTCP tại các DN khai thác đá ở Bình Dương, một trong những ngành nghề quan trọng trong quá trình đô thị hoá, công nghiệp hoá. Đóng góp lý thuyết có giá trị kham khảo trong việc nghiên cứu cũng như sử dụng, xây dựng hệ thống KTQTCP trong ngành khai thác sản xuất kinh doanh đá xây dựng ở tỉnh Bình Dương. Các nhân tố ảnh hưởng gồm: (1) quy mô sản xuất, (2) nhận thức về KTQTCP, (3) kiểm soát chi phí môi trường, (4) trình độ nhân viên kế toán, (5) hình thức sản xuất, (6) chiến lược kinh doanh, (7) quan hệ giữa lợi ích và chi phí,

(8) quy định pháp lý.

5.3.2. Thực tiễn

5.3.2.1. Quy mô sản xuất

Các chi phí trong quy mô sản xuất thường là chi phí dài hạn và rất lớn như: tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, chi phí giải toả đền bù, quyền sử dụng đất, hệ thống máy móc thiết bị… Các DN lớn chú trọng quan tâm đến việc sản xuất lâu dài, luôn tìm cách tăng trữ lượng khai thác đá, đầu tư hệ thống thiết bị hiện đại, để tạo ra các sản phẩm đá chất lượng với chi phí thấp nhất. DN với quy mô lớn dễ dàng tiếp cận công tác KTQTCP và chấp nhận đầu tư xây dựng hệ thống KTQTCP để kiểm soát chi phí, cạnh tranh giá bán, tối đa hoá lợi nhuận. Các DN với quy mô nhỏ thường ít cạnh tranh ra ngoài khu vực hoạt động sản xuất của mình, chính vì thế họ không quan tâm đến việc xây dựng hệ thống KTQTCP cho DN mình, nhà quản trị chưa thấy được lợi ích mang lại có lớn hơn chi phí bỏ ra hay không, vì khi đầu tư chắc chắn sản phẩm phải gánh thêm một khoản chi phí, làm giảm lợi nhuận của DN.

5.3.2.2. Nhận thức về kế toán quản trị chi phí

Nhà quản trị phải thực sự là trung tâm chỉ đạo và đưa ra các quyết định, yêu cầu cho KTQTCP trong quá trình xây dựng, xử lý hệ thống thông tin kế toán để phục vụ cho công tác quản trị DN. Nhà quản lý cần có nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng và lợi ích mà KTQTCP mang lại. Từ đó đưa ra các quyết định, kế

hoạch cũng như các biện pháp quản lý tốt hơn. Tổ chức trong DN là sự kết hợp chặt chẽ giữa tư liệu lao động và lực lượng lao động, phù hợp với quy mô, công nghệ sản xuất. Nhà quản trị nắm bắt được các đặc điểm riêng biệt của ngành nghề kinh doanh, chú trọng đến các yếu tố cần phải quản trị như chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm.

5.3.2.3. Kiểm soát chi phí môi trường

DN kiểm soát chi phí phát sinh trong quá trình sản xuất kinh doanh, cần tách biệt chi phí môi trường ra khỏi chi phí sản xuất sản phẩm, để có biện pháp kiểm soát. Đây là chi phí ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của DN, nên nhà quản trị cần phải nắm được đầy đủ thông tin từng loại chi phí này để tìm cách kiểm soát và ra quyết định. DN tiến hành nghiên cứu về quy trình công nghệ, tổ chức sản xuất và quản lý môi trường, kiểm soát phân loại các chi phí liên quan đến chất thải, ảnh hưởng của chất thải, hệ thống xử lý nước thải, xử lý bụi, tiếng ồn. Ngoài chi phí môi trường, DN còn có doanh thu từ các chất thải trong quá trình khai thác như: đất thải, bụi đá, sắt phế liệu, dầu nhớt thải, vỏ xe…nên công tác KTQTCP cần theo dõi và hạch toán riêng các khoản mục, để nhà quản lý có cơ sở đối chiếu, và kiểm soát.

5.3.2.4. Trình độ nhân viên kế toán

Thường xuyên bồi dưỡng nâng cao trình độ cho nhân viên kế toán, am hiểu về lĩnh vực hoạt động của DN, nhận định và phân loại được các loại chi phí đặc thù, phục vụ cho công tác KTQTCP. Nhân viên kế toán có kiến thức chuyên sâu về KTQTCP, cung cấp kịp thời các thông tin giúp nhà quản trị đưa ra các quyết định nhanh nhất và chính xác nhất.

5.3.2.5. Hình thức sản xuất

DN luôn xem xét việc lựa chọn hình thức sản xuất sao cho phù hợp với DN mình. Các yếu tố chi phí đầu vào liên quan trực tiếp đến giá thành sản phẩm. DN thường đưa ra các định mức chi phí cho từng khâu sản xuất, việc xác định định mức này trải qua nhiều giai đoạn và thời gian dài, thường sẽ điều chỉnh định kỳ cuối năm nếu cần thiết. Nhà quản trị áp dụng chi phí thực tại ở DN kiểm soát

chi phí thuê mướn, tạo sự ổn định trong chi phí sản xuất, và đảm bảo lợi nhuận của DN.

5.3.2.6. Chiến lược kinh doanh

Ảnh hưởng của nhà quản lý DN trong việc lập các kế hoạch, chiến lược kinh doanh ngắn hạn và dài hạn, nhà quả trị phải có trình độ chuyên môn, am hiểu ngành nghề kinh doanh, nắm bắt được xu hướng và nhu cầu của thị trường cả trong và ngoài tỉnh. Việc ra các quyết định nhằm kiểm soát chi phí, tối đa hoá lợi nhuận trong từng giai đoạn của kế hoạch, chiến lược luôn là mục tiêu hàng đầu của nhà quản trị DN.

5.3.2.7. Quan hệ giữa lợi ích và chi phí

Việc đầu tư công nghệ phục vụ cho công tác KTQTCP cần phải được xem xét và lựa chọn sao cho phù hợp với ngành nghề kinh doanh và đảm bảo mang lại hiệu quả cao hơn chi phí bỏ ra. Việc tổ chức hệ thống KTQTCP phải mang lại hiệu quả từ trình độ, năng lực của cán bộ nhân viên đến nhà quản trị DN, hệ thống phải lồng ghép cả kế toán tài chính và KTQTCP nhằm tiết kiệm chi phí, mang lại hiệu quả cao nhất cho DN.

5.3.2.8. Quy định pháp lý

DN khai thác đá xây dựng tại Việt Nam nói chung và ở Bình Dương nói riêng đều có chung các luật như: luật DN, luật khai thác về tài nguyên thiên nhiên, luật bảo vệ môi trường, luật đấu giá, phòng cháy chữa cháy, quản lý thuốc nổ…nếu vi phạm các luật này có thể dẫn đến việc cấm khai thác, vì thế nhà quản trị cần tìm hiểu và cập nhật thường xuyên các quy định để tránh xảy ra sai phạm. Các thủ tục về khai thác đá xây dựng rất phức tạp và liên quan đến nhiều cơ quan chức năng, nên nhân viên cần có kiến thức và am hiểu về ngành nghề của DN mình.

5.4. Hạn chế của luận văn

Việc hạn chế về chi phí, thời gian, khả năng tiếp cận mẫu khảo sát chưa rộng lớn. Quy mô chỉ gói gọn trong tỉnh Bình Dương và chỉ tập trung vào lĩnh vực khai thác đá, nên chưa thể xác định các nhân tố này có phù hợp với các địa phương khác hay không và sẽ có tác động như thế nào đến các DN cho thuê dịch

vụ gia công khai thác. Giai đoạn nghiên cứu từ năm 2017 đến năm 2019, đây cũng được xem là giai đoạn đã hình thành và phát triển mạnh của ngành khai thác đá ở Bình Dương. Nghiên cứu chưa đánh giá được các tác động trong các điều kiện kinh tế khác: như giai đoạn đầu khuyến khích mở cửa các mỏ đá, hoặc giai đoạn bất ổn do dịch bệnh như trong năm 2020.

Trong các nghiên cứu tiếp theo, tác giả sẽ mở rộng phạm vi nghiên cứu, nghiên cứu thêm các địa phương khác, các nguồn tài nguyên khai thác khác ngoài đá xây dựng, và đặc biệt là ảnh hưởng của giai đoạn bất ổn năm 2020. Nghiên cứu sẽ tạo cơ sở nền, để các nhà quản trị có thể căn cứ vào tình hình kinh tế xã hội, nhận diện các vấn đề ảnh hưởng đến hoạt động của DN.

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 15/03/2023