Tổng Quan Các Nghiên Cứu Liên Quan Tới Tác Động Của Quản Trị Công Ty Tới Chất Lượng Thông Tin Kế Toán


Như đã phân tích, CLTT kế toán được đảm bảo khi thông tin phản ánh trung thực tình hình về hoạt động kinh doanh của công ty, hay nói cách khác thông tin cần phải được phản ánh đầy đủ, khách quan, trung lập, không bị can thiệp làm phát sinh các điều chỉnh như thay đổi các ghi chép kế toán, điều chỉnh các ước tính, hay khai khống các thông tin về tài sản, thu nhập của đơn vị…, làm sai lệch thông tin khi công bố. Các hành vi điều chỉnh thường tập trung vào con số lợi nhuận cuối cùng trên BCTC, vì vậy được gọi là quản trị lợi nhuận. Quản trị lợi nhuận là một chủ đề sớm được các học giả kinh tế quan tâm, xảy ra khi nhà quản trị can thiệp vào việc ghi nhận thông tin tài chính hay cấu trúc lại những giao dịch mua bán thông thường để thay đổi con số cuối cùng trên BCTC, nhằm làm sai lệch kỳ vọng của cổ đông vào tình trạng kinh tế thực sự của công ty hoặc nhằm tác động tích cực lên kết quả các hợp đồng dựa vào số liệu kế toán được công bố như hợp đồng lương, thưởng của nhà quản lý (Healy và Wahlen, 1999). BCTC có hiện tượng quản trị lợi nhuận thể hiện CLTT kế toán thấp. Các nhà khoa học cho rằng quản trị lợi nhuận có thể thực hiện bằng cách điều chỉnh giao dịch thực tế xảy ra trong năm tài chính (quản trị lợi nhuận thông qua giao dịch thực) hoặc thay đổi phương pháp kế toán hay các ước lượng khi thể hiện trên BCTC làm phát sinh các khoản dồn tích bất thường (quản trị lợi nhuận trên cơ sở dồn tích).

Quản trị lợi nhuận thông qua giao dịch thực là hành vi cố ý thay đổi doanh thu được công bố theo ý muốn của nhà quản trị bằng cách đổi thời gian hay cấu trúc hoạt động, đầu tư hay giao dịch tài chính để đạt được hiệu quả kinh tế (Zang, 2011). Theo Roychowdhury (2006), các nhà quản lý có thể sử dụng chiết khấu hoặc các các khoản tín dụng để tạm thời đẩy nhanh doanh số bán hàng, dẫn đến sự gia tăng lợi nhuận trong giai đoạn hiện tại, tuy nhiên điều này không ảnh hưởng tới dòng tiền hoạt động. Bên cạnh đó, các điều chỉnh về chi phí như chi phí quảng cáo, chi phí nghiên cứu và phát triển và chi phí bán hàng, chi phí quản lý công ty dẫn tới tổng chi phí thấp bất thường cũng được coi là dấu hiệu của quản trị lợi nhuận. Biểu hiện thứ ba liên quan tới chi phí sản xuất khi mà các nhà quản lý cố tình đẩy mạnh sản xuất hơn mức cần thiết, từ đó giảm tổng chi phí sản xuất trung bình cho mỗi đơn vị, nhằm giảm giá vốn hàng bán và tăng lợi nhuận biên. Những hành vi cố ý thông qua giao dịch nhằm điều


chỉnh lợi nhuận trên báo cáo đều làm TTKT không còn khách quan, trung thực, hay nói cách khác là làm suy giảm CLTT kế toán

Khác với quản trị lợi nhuận thông qua giao dịch thực, quản trị lợi nhuận trên cơ sở dồn tích được thực hiện bằng thay đổi phương pháp kế toán hoặc phương pháp ước lượng (Zang, 2011) như thay đổi ước tính dự phòng, thay đổi cách tính giá hàng xuất kho… từ đó làm thay đổi lợi nhuận kế toán nhưng không làm phát sinh dòng tiền. Cách làm này dẫn tới sự chênh lệch giữa lợi nhuận và dòng tiền, và được gọi là quản trị lợi nhuận trên cơ sở dồn tích. Mặc dù việc thay đổi các phương pháp kế toán hay thay đổi các ước lượng là vấn đề được chuẩn mực kế toán cho phép, tuy vậy việc thay đổi này có thể làm làm TTKT không giữ được tính trung lập, khách quan, nói các khác, CLTT kế toán sẽ không được đảm bảo. Về mặt bản chất, trong hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp sẽ xuất hiện các khoản dồn tích do phát sinh chênh lệch giữa dòng tiền và lợi nhuận kế toán, tuy nhiên khoản dồn tích quá cao so với đặc điểm của ngành và của quy mô doanh nghiệp là dấu hiệu cho thấy hiện tượng quản trị lợi nhuận. Vì vậy để đo lường CLTT kế toán trên khía cạnh quản trị lợi nhuận, các nhà khoa học dựa vào các khoản dồn tích bất thường, trong đó khoản dồn tích bất thường chính là chênh lệch giữa dồn tích trong kỳ của doanh nghiệp với các khoản dồn tích thông thường. Khoản dồn tích bất thường thể hiện sự mức độ áp đặt chủ quan của nhà quản trị để điều chỉnh lợi nhuận. Nghiên cứu của Jones (1991) được xem là đặt nền móng cho việc xác định mức độ quản trị lợi nhuận qua các khoản dồn tích. Trong mô hình gốc, Jones (1991) định nghĩa khoản dồn tích thông thường là ước tính dồn tích dựa trên sự thay đổi doanh thu và giá trị tài sản cố định của các doanh nghiệp cùng ngành nghề. Dồn tích bất thường là chênh lệch giữa tổng giá trị của dồn tích doanh nghiệp với phần dồn tích thông thường được ước lượng bằng cách trên. Các nghiên cứu về sau khi thực hiện các đánh giá liên quan tới CLTT kế toán cũng đã kế thừa nghiên cứu về quản trị lợi nhuận dựa trên biến dồn tích của Jones (1991) như Becker (1998), Krishnan (2003) và bổ sung một số yếu tố thích hợp như của Dechow và cộng sự (1995) với các khoản phải thu, Kothari và cộng sự (2005) đưa thêm biến hiệu quả hoạt động, hay Chaney và cộng sự (2011) bổ sung biến lạm phát và tăng trưởng GDP; hoặc Fathi (2013) bổ sung chỉ số BM (giá trị ghi sổ trên giá trị thị trường) khi ước lượng các khoản dồn tích thông thường.


Tại Việt Nam, các nhà khoa học rất quan tâm và sử dụng quản trị lợi nhuận trên cơ sở dồn tích làm thước đo chính về chất lượng TTKT. Nghiên cứu của tác giả Phùng Anh Thư và Nguyễn Vĩnh Khương (2018) và tác giả Phùng Anh Thư và Thái Hồng Thụy Khánh (2018) đều sử dụng quản trị lợi nhuận để phản ánh CLTT kế toán. Kết quả nghiên cứu của Phùng Anh Thư và Nguyễn Vĩnh Khương (2018) cho thấy khả năng hoạt động liên tục có tác động thuận chiều tới CLTT BCTC, phản ánh tình hình sức khỏe tài chính của công ty có ảnh hưởng tới CLTT BCTC. Bên cạnh đó, nghiên cứu của Phùng Anh Thư và Thái Hồng Thụy Khánh (2018) cung cấp bằng chứng thực nghiệm cho thấy quy mô doanh nghiệp, khả năng sinh lời, đòn bẩy tài chính có ảnh hưởng đến chất lượng BCTC của công ty niêm yết. Cả hai nghiên cứu đều sử dụng dữ liệu từ 279 công ty niêm yết trên TTCK Việt Nam trong khoảng thời gian 2009- 2015.

Cùng sử dụng quản trị lợi nhuận thông qua các khoản dồn tích để đo lường CLTT kế toán, Nguyễn Thu Hằng và cộng sự (2018) trong nghiên cứu đã sử dụng mô hình Jones (1991), Dechow và cộng sự (1995), Kothari và cộng sự (2005). Kết quả đo lường các khoản dồn tích bất thường bằng 3 phương pháp này khá tương đương. Kết quả hồi quy cho thấy có mối tương quan giữa QTCT và quản trị lợi nhuận.

Nghiên cứu về chất lượng thông tin kế toán trên khía cạnh sai sót trên báo cáo tài chính

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 206 trang tài liệu này.

Các chuẩn mực kiểm toán của Mỹ định nghĩa sai sót/ gian lận BCTC là hành vi gây ra sai lệch trọng yếu của BCTC. Theo Hiệp hội các nhà điều tra gian lận Hoa Kỳ, sai sót/ gian lận BCTC là sự xuyên tạc về tình trạng tài chính của một doanh nghiệp, được thực hiện thông qua sự trình bày sai hoặc bỏ sót số tiền hoặc thông tin thuyết minh trong BCTC để đánh lừa người sử dụng BCTC. Theo đó các hành vi sai sót mang tính chất cố ý được coi là gian lận. Các BCTC tồn tại các sai sót/ gian lận được coi là BCTC thiếu trung thực, đồng nghĩa với việc CLTT kém, gây phương hại tới quyền lợi của người sử dụng thông tin. Các nghiên cứu về CLTT kế toán thông qua sai sót/ gian lận trên BCTC xác định doanh nghiệp có sai sót/gian lận trên BCTC bằng cách dựa vào báo cáo về gian


Nghiên cứu tác động của quản trị công ty tới chất lượng thông tin kế toán của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam - 4

lận như báo cáo AAERs1 (Accounting and Auditing enforcement Release) (Roden và cộng sự, 2016). Ngoài ra một số nghiên cứu khác dựa vào chênh lệch BCTC trước và sau kiểm toán vượt ngưỡng trọng yếu, tính trên lợi nhuận, doanh thu, hoặc tài sản (Kinney và cộng sự, 1994), cho thấy công ty đã công bố BCTC không đảm bảo chất lượng.

Một hướng tiếp cận khác về CLTT kế toán qua sai sót đó là dựa vào ý kiến của đơn vị kiểm toán độc lập. Các nghiên cứu của Kim và Yang (2007), Willekens (2008) đều cho rằng báo cáo kiểm toán có khả năng cung cấp một sự đảm bảo phù hợp về tính trung thực của báo cáo kế toán. Maines và Wahen (2006) cho rằng báo cáo kiểm toán chấp nhận toàn phần chính là điều kiện cần thiết để thể hiện TTKT là đáng tin cậy và được trung thực. Do vậy, bên cạnh quản trị lợi nhuận, ý kiến kiểm toán thể hiện báo cáo không còn sai sót trọng yếu được coi là thước đo thể hiện CLTT kế toán (Dechow và cộng sự, 2011; Pucheta‐Martínez và cộng sự, 2016)

Nhìn chung, các nghiên cứu về chất lượng lượng TTKT thông qua sai sót trọng yếu, ngoài việc dựa trên báo cáo thống kê về gian lận, chủ yếu được thực hiện trên cơ sở báo báo cáo của kiểm toán độc lập. Theo đó, CLTT kế toán được đảm bảo khi báo cáo không có sai sót trọng yếu, hay nói cách khác là không có chênh lệch sau kiểm toán ở mức trọng yếu hoặc nhận được ý kiến chấp nhận toàn phần từ kiểm toán viên.

Tại Việt Nam, các nhà khoa học khi nghiên cứu về sai sót trên báo cáo tài chính chủ yếu sử dụng thước đo chênh lệch lợi nhuận trước và sau kiểm toán. Nghiên cứu của tác giả Nguyễn Thị Hải Hà (2014) sử dụng phương pháp thống kê mô tả với thước đo chênh lệch BCTC trước và sau kiểm toán cho thấy chất lượng BCTC thiếu tin cậy của các công ty niêm yết trên thị trường. Số liệu trong năm nghiên cứu cho thấy hầu hết doanh nghiệp đều có hiện tượng giảm lợi nhuận sau kiểm toán, thậm chí chuyển lãi thành lỗ, từ lỗ nhẹ sang lỗ nặng, chủ yếu điều chỉnh ở chỉ tiêu chi phí tài chính. Từ đó, bài viết đề xuất một số giải pháp tập trung hoàn thiện khung pháp lý và hệ thống văn bản hướng dẫn, tăng khả năng thực thi của cơ quan quản lý thị trường, nâng cao trách nhiệm xã hội của công ty niêm yết.



1 Kể từ năm 1982, Ủy ban chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC) đã phát hành báo cáo AAERs nhằm cung cấp thông tin về các sai phạm của các cá nhân hoặc đơn vị và ảnh hưởng của các sai phạm này tới BCTC (Nguồn: Beasley, M.S., 1996. An empirical analysis of the relation between the board of director composition and financial statement fraud. Accounting review, pp.443-465.)


Nghiên cứu về chất lượng thông tin kế toán gắn liền với tính thích hợp của thông tin

Bên cạnh đặc điểm trung thực, tính thích hợp cũng được xem là một yếu tố để đánh giá CLTT kế toán. TTKT thích hợp sẽ hữu ích cho người sử dụng, thể hiện có chất lượng tốt. IASB (2018) định nghĩa TTKT có tính thích hợp khi có khả năng tạo ra được sự khác biệt trong quyết định của người sử dụng, nghĩa là thông tin đó có khả năng dự báo và khả năng xác nhận. Khả năng dự báo có được khi người sử dụng dùng những thông tin đó để dự đoán dòng thu nhập của doanh nghiệp trong tương lai. Thông tin tài chính có khả năng xác nhận khi thông tin cung cấp các phản hồi về các đánh giá trước đó. Đây là hai tính chất có liên quan mật thiết với nhau, ví dụ thông tin về doanh thu của năm hiện tại của doanh nghiệp có thể xác định được mức độ thích hợp thông qua việc so sánh các chỉ số của những năm trước, và cũng được sử dụng để dự đoán doanh thu của năm tiếp theo. Kết quả của việc so sánh sẽ giúp người sử dụng cải thiện việc dự đoán của mình. Theo đó, TTKT có giá trị thích hợp nếu tồn tại một mối quan hệ giữa các thông tin công bố trên BCTC với giá trị thị trường của cổ phiếu hoặc lợi nhuận của cổ phiếu (Francis và Schipper, 1999). Nói cách khác, giá trị thích hợp của TTKT là khả năng của các số liệu kế toán trong việc tóm tắt các thông tin cơ bản của giá cổ phiếu (Liu và Liu, 2007). Do vậy các mô hình hồi quy để đo lường tính thích hợp đều tập trung vào giá cổ phiếu và thông tin BCTC. Nếu mối liên hệ này chặt chẽ nghĩa là thông tin thích hợp và ngược lại. Nghiên cứu của Azar và cộng sự (2019) cho rằng có hai mô hình gốc thường được các học giả sử dụng để đo lường tính thích hợp của TTKT: mô hình về thu nhập cổ phiếu (Easton và Harris, 1991) và mô hình giá cổ phiếu (Ohlson, 1999).

Đối với mô hình của Easton và Harris (1991), giá trị thích hợp chính là phần dư của mô hình đo lường ảnh hưởng của thu nhập cổ phiếu EPS lên lợi nhuận của cổ phiếu, trong đó lợi nhuận cổ phiếu được xác định bằng chênh lệch giá cổ phiếu trong hai năm liền kề cộng cổ tức được chia. Các nghiên cứu sau này như nghiên cứu của Niu (2006), Klai và Omri (2011) tiếp tục kế thừa mô hình nói trên để đo lường giá trị thích hợp của TTKT.


Đối với mô hình của Ohlson (1999) hay còn gọi là mô hình EBO, giá trị thích hợp là phần dư của mô hình đo lường mối quan hệ của giá trị sổ sách vốn chủ sở hữu, thu nhập cổ phiếu EPS và giá trị thị trường. Sau này mô hình EBO còn được bổ sung biến sự thay đổi trong thu nhập trên một cổ phiếu, tạo nên mô hình EBO điều chỉnh. Vận dụng mô hình của Ohlson (1999), Adaa và Hanefah (2018) đã nghiên cứu về CLTT kế toán thông qua tính thích hợp của TTKT.

Tại Việt Nam, hướng nghiên cứu dựa trên đặc tính thích hợp của chất lượng thông tin kế toán không thực sự bổ biến. Nghiên cứu của tác giả Nguyễn Thị Phương Hồng (2016) sử dụng mẫu dữ liệu từ 2012-2014 với số lượng 123 công ty niêm yết. Tính thích hợp của thông tin được đo lường bằng mô hình EBO điều chỉnh (Ohlson, 1999). Tuy nhiên khi sử dụng mô hình EBO điều chỉnh, hệ số xác định R2 đo lường khả năng giải thích của mô hình chỉ ở mức 39%, thấp hơn so với các nghiên cứu được thực hiện tại các thị trường khác. Bên cạnh đó, khi sử dụng thang đo về đặc tính thích hợp để nghiên cứu về ảnh hưởng của QTCT tới CLTT BCTC, biến chất lượng đo bằng mô hình EBO chỉ có tương quan với duy nhất một yếu tố trên 11 biến quản trị đề xuất.

Ngoài ra, các học giả còn tiến hành mở rộng việc đo lường đánh giá CLTT kế toán thông qua việc đánh giá các thuộc tính làm gia tăng CLTT. Beest (2009) đo lường tính kịp thời bằng cách lấy logarit tự nhiên số ngày kể từ kết thúc năm tài chính cho tới thời điểm ký báo cáo kiểm toán. Tính có thể so sánh được xác định bằng cách xem xét công ty có thay đổi chính sách kế toán qua các thời kỳ hay không (Jonas và Blanchet, 2000). Tính dễ hiểu thể hiện TTKT phải được phân loại, đặc tính hóa và trình bày một cách rõ ràng (Jonas & Blanchet, 2000). Khi người sử dụng càng hiểu được thông tin, chất lượng BCTC càng được nâng cao. Việc sử dụng đồ thị và bảng biểu giúp thông tin được trình bày rõ ràng (Courtis, 2005).

1.2. Tổng quan các nghiên cứu liên quan tới tác động của quản trị công ty tới chất lượng thông tin kế toán

Các nghi vấn về CLTT kế toán xuất phát từ vấn đề đại diện giữa nhà quản trị và cổ đông. Mặt khác, Lý thuyết thông tin bất cân xứng cho thấy mặc dù là người chủ sở hữu thực sự, tuy nhiên cổ đông luôn là người ở thế bị động trong việc tiếp cận thông


tin BCTC được cung cấp bởi BGĐ. BGĐ trong quá trình vận hành hệ thống TTKT, có đầy đủ vị thế và động cơ để cung cấp thông tin thiếu chất lượng cho cổ đông, xuất phát từ lợi ích cá nhân. Động cơ có thể liên quan tới lương, thưởng, hoặc lo ngại bị sa thải khi tình hình kinh doanh của công ty không hiệu quả như kỳ vọng của cổ đông. Nhằm hạn chế hành vi can thiệp làm giảm CLTT kế toán, các cổ đông cần có sự kiểm soát hiệu quả hoạt động của BGĐ. QTCT được xem là giải pháp hiệu quả cho vấn đề này. QTCT được hiểu là các cơ chế nội bộ để kiểm soát công ty, liên quan tới các mối quan hệ giữa BGĐ, HĐQT, các cổ đông và các bên có liên quan (OECD, 2004). Ngoài ra, theo La Porta và cộng sự (2000), QTCT còn giúp các bên liên quan bên ngoài doanh nghiệp, đặc biệt là các cổ đông thiểu số, bảo vệ mình khỏi những hành vi tổn hại đến quyền sở hữu trước các cổ đông kiểm soát. Do đó, các nghiên cứu về tác động của tác động của QTCT tới chất lượng TTKT thường tiếp cận về QTCT trên hai khía cạnh chính là cấu trúc sở hữu và đặc điểm của thành phần quản trị. Trong đó, thành phần quản trị chủ yếu bao gồm HĐQT và BKS. HĐQT bao gồm các thành viên do cổ đông bầu chọn, nhằm đại diện cho các chủ sở hữu, thực hiện chức năng giám sát hoạt động của BGĐ, qua đó bảo vệ quyền lợi của cổ đông và các bên liên quan khỏi các nguy cơ bị phương hại lợi ích từ BGĐ. Ở một số quốc gia như Anh, Mỹ, HĐQT có thể chia thành nhiều Ủy ban như Ủy ban kiểm toán, Ủy ban lương thưởng. Trong khi đó, tại một số quốc gia như Trung Quốc, Indonesia, cấu trúc QTCT còn bao gồm BKS, là cơ quan do các cổ đông bầu ra nhằm giám sát và đánh giá việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của thành viên HĐQT và BGĐ.

Các nghiên cứu về tác động của cấu trúc sở hữu tới chất lượng thông tin kế

toán


Cấu trúc sở hữu được hiểu là sự phân bổ vốn chủ sở hữu theo quyền, có mối

tương quan với tỷ lệ vốn chủ sở hữu được nắm giữ bởi các chủ sở hữu, chi phối bởi vấn đề người đại diện, bao gồm: vấn đề giữa ban quản lý và chủ sở hữu, vấn đề giữa cổ đông kiểm soát và cổ đông nhỏ lẻ (Liu và Lu, 2007). Donnelly và Lynch (2002) tin rằng tính tập trung của cấu trúc sở hữu làm cho các cổ đông kiểm soát có động lực bảo vệ quyền lợi của mình bằng cách gia tăng sự giám sát.


Bài nghiên cứu của hai tác giả Wang và Yung (2011) đề cập về ảnh hưởng của sở hữu Nhà nước tới CLTT kế toán qua thang đo quản trị lợi nhuận. Nghiên cứu bắt đầu từ việc lật lại nghi ngờ về việc các doanh nghiệp Nhà nước thường hoạt động không hiệu quả vì những lý do như mâu thuẫn lợi ích, sự ỷ lại vào trợ cấp chính phủ, hoạt động quản trị yếu kém. Tuy vậy kết quả nghiên cứu lại cho thấy doanh nghiệp càng có nhiều vốn Nhà nước lại càng có ít hành vi quản trị lợi nhuận. Nguyên nhân là do sự bảo hộ từ phía Nhà nước làm giảm động lực để nhà quản trị tìm cách sửa đổi BCTC. Kết quả này có ý nghĩa thống kê khi mô hình được chạy cho toàn mẫu hay cho giai đoạn trước quá trình tự do hóa kinh tế diễn ra ở Trung Quốc. Khi mở rộng nghiên cứu về sở hữu của BGĐ, tác giả chưa tìm thấy bằng chứng về mối quan hệ giữa sở hữu của BGĐ và CLTT kế toán.

Tương tự, Kao (2014) đã tìm hiểu về ảnh hưởng của IFRS, tính bất cân xứng thông tin và QTCT lên CLTT kế toán. Nghiên cứu được thực hiện trên TTCK Trung Quốc. Xét riêng trên góc độ QTCT, nghiên cứu tập trung phân tích về cấu trúc sở hữu và chỉ ra rằng sở hữu Nhà nước có ảnh hưởng tích cực lên CLTT kế toán ở khía cạnh trung thực và thích hợp; sở hữu của nhà quản lý cấp cao có tác động tích cực lên tính kịp thời và thích hợp của TTKT; trong khi đó tỷ lệ sở hữu của HĐQT có tác động tích cực trên cả 3 đặc tính trung thực, kịp thời và thích hợp. Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp có tỷ lệ sở hữu cổ đông tổ chức càng cao sẽ cung cấp thông tin thiếu trung thực, thích hợp và không kịp thời. Tuy vậy, nghiên cứu chưa tìm được bằng chứng về ảnh hưởng của sở hữu BGĐ tới tính trung thực của TTKT.

Sử dụng mô hình đo lường CLTT kế toán thông qua thước đo quản trị lợi nhuận, cụ thể là mô hình của Kothari và cộng sự (2005), Anwar và Buvanendra (2019) đã kiểm định sự ảnh hưởng của cấu trúc sở hữu lên quản trị lợi nhuận của các công ty niêm yết tại Sri Lanka. Kết quả nghiên cứu cho thấy các doanh nghiệp có tỷ lệ sở hữu của cổ đông tổ chức và của nhà điều hành càng lớn, được kiểm toán bởi Big4 sẽ hạn chế hiện tượng thao túng lợi nhuận, cho thấy CLTT kế toán tốt. Mặt khác, doanh nghiệp có tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài càng cao thì mức độ thao túng lợi nhuận càng lớn. Tuy vậy, mẫu nghiên cứu chỉ bao gồm 355 quan sát từ 71 công ty trong khoảng thời gian từ 2013-2018.

Xem tất cả 206 trang.

Ngày đăng: 11/01/2024
Trang chủ Tài liệu miễn phí