Nghệ Thuật Phân Tích Tâm Lí Nhân Vật

khít tấm thân thon thả gọn gàng” [47, tr.398 - 399]. Dáng đi mới đẹp làm sao: “Vừa quý phái, vừa chính khách, vừa nữ tính” [47, tr.399]. Đặc biệt, chị có một đôi mắt đẹp mê hồn: “Anh ngắm chị, nhìn sâu vào đôi mắt lá răm đẹp mê hồn của chị” [47, tr.400]. Còn trong công việc, chị luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Chị giải quyết công việc một cách khéo léo, tế nhị, cách xưng hô vẫn giữ nguyên như hồi còn là một chuyên viên của phòng Tài chính, chị xưng em với tất cả, kể cả cấp dưới của mình miễn là họ hơn tuổi chị. Tất cả những điều đó đã giúp chị thành công trong công việc, có được địa vị trong xã hội, song nó cũng ngầm ẩn chứa rằng cuộc sống gia đình của chị không được hạnh phúc. Thật vậy, chồng của chị là Vũ Sán - Trưởng phòng kiến trúc sư thành phố Thanh Hoa. Lúc đầu anh ta rất yêu chị, khi chứng kiến một gã hau háu nhìn vợ mình như muốn ăn tươi nuốt sống, anh ta đã bộc lộ thái độ: “Đi thôi em, đâu có thứ đàn ông thô lỗ, thấy đàn bà cứ dán mắt vào là nghĩa làm sao” [47, tr.265]. Song dần dần, anh ta chán chị bởi chị là người: “thông minh hơn chồng, sắc sảo hơn chồng...sẽ tiến bộ nhanh trong công tác. Mà khoảng cách càng xa thì mâu thuẫn càng lớn” [47, tr.267]. Cuộc sống gia đình của họ giống như những người xa lạ nhưng họ không chia tay nhau chỉ vì con cái. Như vậy, người phụ nữ xinh đẹp, tài năng ấy có được cuộc sống viên mãn trong công việc, được mọi người yêu mến, nể trọng nhưng lại bị rạn nứt hạnh phúc gia đình.

Nhân vật phụ nữ tài sắc, có cuộc sống yên bình, hạnh phúc nhất trong tác phẩm có lẽ là Thảo Tần - vợ của Trần Kiên. Chị là giáo viên dạy toán, sau đó là hiệu phó của trường phổ thông nổi tiếng nhất Thanh Hoa. Trong mắt học trò cô giáo Thảo Tần đẹp cả về hình thức và tâm hồn: “váy bó lửng xanh đen ô vuông kẻ chỉ đặt chéo, sơ mi vét cổ bẻ, chiếc khăn voan hoa nâu thắt hờ như cánh bướm chập chờn dưới ngấn cổ trắng ngần. Cặp chân thẳng trong đôi tất như có như không, nổi bật trên đôi giày cao gót đen, mũi tù” [51, tr.54]. Với dáng vẻ ấy cùng với cách nói chuyện cởi mở, cách giảng bài dễ hiểu, gây hứng thú, học sinh vô cùng yêu mến, kính trọng cô giáo dạy toán của mình: “Người đẹp, mặc đẹp, lại dạy hay nữa thì chúng thích lắm…Cả bốn bảy cặp mắt tròn xoe. Bốn bảy cái miệng há ra. Chưa bao giờ. Chưa ở đâu. Chưa nghe nói. Chưa nhìn thấy một người viết bằng cả hai tay như thế bao giờ. Phục lắm” [51, tr.62 - 63]. Còn với cương vị của một phụ nữ trong gia đình, chị là

một người vợ yêu chiều chồng, biết chăm lo cho con cái, biết vun vén hạnh phúc gia đình. Như vậy, người phụ nữ này có một cuộc sống khá yên ấm, hạnh phúc.

Có thể nói trong tác phẩm của mình, Nguyễn Bắc Sơn đã xây dựng hàng loạt các nhân vật chức sắc, quan chức ở nhiều lĩnh vực, nhiều ngành nghề. Điều này khiến hiện thực cuộc sống hiện ra sinh động hơn bao giờ hết trong tác phẩm. Trước tiên, đó là hàng loạt quan chức có năng lực, phẩm chất đạo đức tốt, có trách nhiệm và nhiệt tình trong công việc. Đó là Trần Kiên - Bí thư Quận ủy quận Lâm Du với một “khuôn mặt đàn ông thông minh, cương nghị” [47, tr.292], “bước đi rắn rỏi, chững chạc tự tin” [47, tr.294]; đôi mắt nhìn như thấu tỏ. Anh chính là điển hình cho người cán bộ, đảng viên kiểu mới trong xã hội.

Đó là hình ảnh Tổng bí thư giản dị trong cuộc sống “Ông ngồi kia, mái tóc hoa râm cắt ngắn không rẽ ngôi. Bộ Comple xám giản dị, áo sơ mi trắng không cravát” [51, tr.181]. Vẻ bề ngoài bình dị ấy sẽ làm cho các nhà tường số vô cùng nhầm lẫn, ngay đến bản thân ông cũng bất ngờ khi được bầu vào cương vị này. Người lãnh đạo với vẻ ngoài rất bình dị, giản đơn ấy, khi làm việc lại rất tận tụy, nghiêm túc, thẳng thắn, công tư phân minh rõ ràng. Nhà văn đã điểm nhãn để phác họa thành công hình ảnh một lãnh đạo cao cấp của Đảng. Đó là những cái bắt tay “Không lỏng. Không chặt. Không nhanh. Không lâu. Đó là những cái bắt tay vừa đủ để gọi là lịch sự” [51, tr.176]; qua bước đi “hơi nện gót” của người lính; qua ánh mắt nhìn; qua cách nói chậm “sau mỗi câu dừng lại một tí. Câu nào ra câu ấy, chắc như đinh đóng cột” [51, tr.177]; qua lối nói mộc; qua những câu hỏi trực diện, sau này có người gọi là những câu hỏi chết người, bởi trả lời câu hỏi ấy sự thật sẽ hiện ra; qua lời cảnh báo,...Khi nghe cấp dưới báo cáo công việc, ông không cắt ngang mà chỉ bộc lộ thái độ qua “cái đầu tóc muối tiêu khẽ lắc lắc hai cái. Vẻ mặt không hề thay đổi. Chiếc bút bi vẫn xoay xoay trên tay như một động tác vô thức” [51, tr.195], qua “Vẻ không bằng lòng hiện rõ trên gương mặt ngăm đen. Ông lắc đầu liền mấy cái” [51, tr.195], qua động tác “nhíu trán, cau mày. Đôi mắt chớp liền mấy cái” [51, tr.196],…

Bên cạnh những quan chức tốt, lại cũng là hàng loạt chức sắc thoái hóa, biến chất. Điểm đặc biệt là hầu hết những nhân vật thuộc loại này đều được tác giả phác họa về chân dung. Những chân dung ấy dù khác nhau ở khuôn mặt, đôi mắt, dáng

đi,… nhưng đều giống nhau ở chỗ toát lên hình ảnh của những kẻ tha hóa, vô đạo đức. Đó là ông Hoàn - giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo. Dù nhân vật này chỉ được nhà văn nói đến vẻn vẹn ở phần đầu chương ba của Lửa đắng song bản chất của nhân vật lại hiện lên rất rõ. Theo lời của Tần, ông niềm nở và “Trông ông cũng được”. Song điểm bộc lộ duy nhất, đúng bản chất của nhân vật này chính là kiểu nhìn liếc ngang “Nó có cái gì đấy không đàng hoàng. Hơi gian gian” [51, tr.54]. Quả thật, vị lãnh đạo này đúng là gian khi đưa ra một lí do không thuyết phục trước việc viết đơn xin từ chức của Thảo Tần “vừa rồi, phiếu tín nhiệm của chị không cao lắm nên sở không bổ nhiệm chị” [51, tr.195]. Nói như ông ta hóa ra đổi trắng thành đen, hóa ra không phải Tần chủ động xin từ chức mà là do không đủ phiếu tín nhiệm của đồng nghiệp. Rồi chuyện trước đây ông leo lên được chức Giám đốc Sở cũng bằng cách bỏ phiếu tín nhiệm; nhưng số phiếu tín nhiệm của ông còn thua xa số phiếu của Phó giám đốc Sở cũ. Vậy mà ông vẫn ngồi được vào vị trí giám đốc, tại sao vậy ? Lí do cũng được nhà văn nói rất cụ thể, là do phụ huynh học sinh đáp lễ thầy (lúc ấy ông Hoàn còn là Hiệu trưởng trường Cao đẳng sư phạm) về vụ con gái ông ta thiếu điểm mà vẫn được nhập học và còn do “tổ chức thì thiếu gì mẹo vô tổ chức” [51, tr.59].

Đó là Trần Đương - nguyên Phó giám đốc kiêm Bí thư Đảng ủy của Sở Quy hoạch và Kiến trúc. Nhân vật này không được nhà văn miêu tả bằng khuôn mặt, ánh mắt, dáng đi,…giống các nhân vật khác mà đặc tả một thói quen đã thành lệ: “sau khi đóng cửa… Lại thò tay xuống ngăn dưới bàn nước, cầm túi quà lên… Những tờ bạc trên tay người nhấm nước bọt đếm, vẫn màu xanh lá mạ” [51, tr.146]. Thói quen ấy cứ được lặp đi lặp lại đến 3 lần trong cùng một chương và cùng một việc: Sán đến để nhờ ông bày cách xin ngồi vào ghế đảng ủy viên. Nó cho thấy ông Đương đúng là có những quái chiêu làm việc rất đúng thủ tục, đủ các bước. Qua đó bức chân dung tha hóa, ăn của đút dơ bẩn của ông ta hiện ra rất rõ.

Đó là ông Lưu - Phó bí thư Quận ủy Lâm Du với: “Đôi lông mày trắng dã, trên bộ mặt lưỡi cày mở to hết cỡ, tưởng như sắp rách mắt đến nơi… Nước da tai tái…hai má ông phồng lên, khi đôi môi mỏng ám đầy khói thuốc” [51, tr.309]. Qua cách miêu tả đó, ta thấy đây là kiểu người khó chịu, hay đâm người từ đằng sau, “ném đá dấu tay”. Bằng chứng là việc ông ta viết đơn kiện Trần Kiên nhưng lại kí

tên của ông X - cán bộ phòng Tổ chức Quận ủy. Hơn nữa, ông ta còn tạo ra những chứng cứ giả, bịa toàn những việc không có thực trong đơn kiện. Sở dĩ ông làm vậy là vì ghanh ghét, đố kị với người giỏi hơn mình: “Không có ông, làm sao Kiên có ngày hôm nay. Vậy mà bây giờ, nó đã leo lên đầu ông” [51, tr.309]. Câu nói cuối cùng của Hùng trong cuộc giao ban đã cho thấy rõ bản chất thực của ông Phó bí thư này: “Rất tiếc là các cuộc thi thể thao các nước ASEAN không có môn ném đá giấu tay. Nếu có, dứt khoát cơ quan ta có kẻ vô địch” [51, tr.317].

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 118 trang tài liệu này.

Tóm lại, qua việc phân tích chân dung một số nhân vật trên, ta thấy Nguyễn Bắc Sơn đã miêu tả nhân vật theo lối truyền thống, nhà văn thường chú ý nhiều tới khuôn mặt và đôi mắt của nhân vật. Một vài nhân vật cũng được nhà văn chú ý miêu tả qua hành động, cử chỉ. Nhưng dù thế nào nhà văn cũng đã thành công trong nghệ thuật khắc họa chân dung nhân vật. Bởi qua cách miêu tả ấy, người đọc có thể hình dung được tính cách và một phần số phận của nhân vật. Sự đa dạng về chân dung nhân vật ấy khiến người ta cảm nhận rõ hơn về sự phức tạp của hiện thực đời sống.

2.2.3.2. Nghệ thuật phân tích tâm lí nhân vật

Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Nguyễn Bắc Sơn - 8

Phân tích tâm lí nhân vật qua xung đột

Xung đột là “Sự đối lập, sự mâu thuẫn được dùng như một nguyên tắc để xây dựng các mối quan hệ tương tác giữa các hình tượng của tác phẩm nghệ thuật” [58, tr.431]. Xét mối quan hệ giữa các nhân vật trong bộ tiểu thuyết liên hoàn của Nguyễn Bắc Sơn, người đọc thấy rõ một số xung đột điển hình: xung đột giữa các thế hệ, xung đột giữa các lực lượng xã hội, …

Đó là xung đột giữa các thế hệ trong một gia đình với những con người ở độ tuổi, trình độ, môi trường xã hội, học vấn, ngành nghề,…khác nhau dẫn đến những quan điểm sống, lối sống khác nhau. Chẳng hạn sự khác nhau về quan điểm sống giữa hai cha con Lê Hoè, Lê Đại. Hai cha con này không hề xảy ra xung đột gay gắt mà chỉ là cách suy nghĩ, cách nhìn một số vấn đề chưa có tiếng nói chung. Song họ rất thẳng thắn, dám nói lên ý kiến, quan điểm, lập trường của mình. Từ đó, nhận thức của ai đúng đắn với thời cuộc thì theo, còn của ai chưa đúng thì có sự điều chỉnh. Những bất đồng về các vấn đề của cuộc sống được đem ra mổ sẻ, quan niệm của Đại thường phù hợp với cơ chế thị trường hơn là của ông bố. Điều này cũng dễ hiểu, một

phần bởi ông Hòe là lớp người của thời đại trước - thời bao cấp, còn Lê Đại là người của thời hiện tại - thời kinh tế thị trường. Chẳng hạn như trước việc Lê Đại xin ra khỏi Đảng, với Lê Hòe đây là việc sống còn, là việc không thể chấp nhận được. Lê Hòe vốn là người lính, một đảng viên, lại là một cán bộ tuyên giáo nên ông quan niệm phải sống với Đảng, phải phục vụ Đảng hết mình vì lí tưởng của Đảng. Nay nghe con nói thế, thử hỏi làm sao ông không khỏi khổ sở, đau đớn và “sốc” đến như vậy!

Còn Lê Đại cũng là một người lính, một đảng viên nhưng là đại diện cho lớp đảng viên trẻ của ngày hôm nay. Ngày hôm nay không còn chiến tranh nên người ta quan tâm nhiều hơn đến chuyện riêng tư, đến chuyện gia đình, nhất là chuyện làm giàu, Đại cũng như vậy. Theo anh, chuyện sinh hoạt chi bộ hàng tháng chỉ mang tính hình thức mà hiệu quả thấp. Do vậy, việc mình xin ra khỏi Đảng không phải vì “mình không tán thành cương lĩnh, lí tưởng hằng theo đuổi” [47, tr.169] mà vì việc làm ăn của anh phải đi nước ngoài thường xuyên thì làm sao có thể đảm bảo sinh hoạt chi bộ được.

Vậy quan niệm của ai là đúng, phù hợp với thực tế lúc này? Cái thói quen ghi vào sổ công tác của ông Hòe đã giúp chúng ta lí giải điều đó: “Cái ác là những chuyện con mình nói đều là sự thật, đều đúng…Mình không biết phải trả lời nó thế nào” [47, tr.169].

Song cũng có lúc tầm nhìn của ông Hòe rộng và xa khiến Lê Đại hoàn toàn tâm phục khẩu phục. Đó là khi ông chỉ ra được sai lầm của con trai là không chú ý đến chiến lược con người. Hay nói cách khác là Lê Đại đang thiếu lớp người kế cận, chưa tính đến người tin cậy, chắc chắn. Điều này đã khiến Lê Đại phải thừa nhận “Ông cụ quả thật sáng suốt” [51, tr.392].

Trong cùng một thế hệ cũng có sự khác nhau về lối sống, quan điểm sống như hai vợ chồng Lê Hòe và Kim Phụng. Lê Hòe là một cán bộ tuyên huấn nên quan điểm sống của ông là gắn bó trung thành với Đảng, phấn đấu vì lí tưởng của Đảng. Do vậy cuộc đời của ông luôn gắn với các nghị quyết, chủ trương của Đảng. Đến nỗi, vợ ông gọi giễu cợt ông bằng cái tên “ông nghị quyết”. Ngược lại bà Kim Phụng trước đây vốn là mậu dịch viên. Công việc của bà gắn với miếng ăn, cái mặc. Do vậy, lúc nào trong đầu của bà cũng chỉ có thực tế, đó là đồng tiền. Hai con người ấy, hễ

nói chuyện với nhau là xảy ra đấu khẩu bởi quan điểm sống của họ khác xa nhau. Và người nhún nhường bao giờ cũng là ông Hòe.

Còn trong môi trường xã hội thì sự khác nhau, mâu thuẫn về kiểu sống, lối sống cũng vô cùng phong phú. Đó chính là sự đối lập giữa các nhân vật mang lí tưởng thẩm mĩ của thời đại như Lê Hòe, Kiên, Đại, Phạm Năng Triển, Tổng Bí thư, Thảo Tần, Thanh Diệu,… với các nhân vật tha hóa như Sán, Trần Đương, ông Lưu, ông Hoàn,Trần Thanh Định… Một bên là những con người vừa tài năng vừa đức độ, đặt lợi ích chung lên trên lợi ích riêng với một bên là những kẻ ham danh vọng, vụ lợi bản thân, quên mất lợi ích của cộng đồng. Bên thứ hai ấy tuy không nhiều nhưng chúng chính là những con sâu mọt khiến cho xã hội rơi vào tình trạng thụt lùi, trì trệ. Do vậy, theo quy luật chúng sẽ bị cả xã hội lên án, đào thải. Còn những người mang lí tưởng thẩm mĩ của thời đại sẽ được xã hội tôn vinh, chào đón bằng những điều tốt đẹp nhất.

Đó là xung đột giữa các lực lượng xã hội (bảo thủ - tiên tiến). Trong tác phẩm, đó là xung đột về tư tưởng chính trị giữa những cán bộ có tư tưởng lạc hậu, bảo thủ với những cán bộ có trình độ, tầm nhìn ở tầm “vĩ mô”. Sự xung đột này được thể hiện qua sự đối đầu giữa các nhân vật, các phe cánh. Trong tác phẩm có nói đến việc chuẩn bị lực lượng của Bí thư Đảng ủy Nguyễn Văn Hải. Sở dĩ ông ta phải lôi kéo phe cánh vì để dìm vụ vào Đảng của Trần Kiên. Kiên là một kĩ sư trẻ có năng lực, có phẩm chất đạo đức tốt, có kinh nghiệm trong công tác, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Song anh đã dám không để cho ba đảng viên đi họp chi bộ khi đang trong giờ làm việc. Việc làm ấy chưa từng xảy ra ở nhà máy và bị quy kết vào tội chống đối Đảng. Vì thế ông Hải tìm mọi cách để lôi kéo phe cánh hòng để anh không có đủ số phiếu kết nạp Đảng. Nhưng cuối cùng, Trần Kiên vẫn đủ số phiếu để được kết nạp Đảng. Kết quả ấy chứng minh rằng những rào cản, bảo thủ trong xã hội dần dần sẽ bị loại bỏ khỏi xã hội.

Những cán bộ chậm tiến, có tư tưởng cố hữu bảo thủ như nhân vật “Cụ” cũng sẽ là rào cản cho sự phát triển của xã hội. “Cụ” vốn là thủ trưởng của Tổng Bí thư, song cách suy nghĩ, quan điểm của hai người gần như hoàn toàn trái ngược nhau trước thời cuộc. Tổng Bí thư là người cấp tiến, ông đã rất ủng hộ, khuyến khích việc

đổi mới cải cách hành chính ở quận Lâm Du. Nhưng “Cụ” lại không đồng tình bằng lời khuyên, lời cảnh báo: “đừng có nóng vội, cần có bước đi phù hợp… Đốt cháy giai đoạn thì sẽ bị chính giai đoạn đốt cháy” [51, tr.220]. Nhất là sau vụ việc truyền hình trực tiếp một cuộc xử án ở Thanh Hoa, “Cụ” đã hẹn gặp Tổng Bí thư để hỏi chuyện. Nào là chuyện cho thí điểm bí thư kiêm chủ tịch, chuyện tổ chức trưng cầu dân ý, chuyện truyền hình trực tiếp một vụ xử án, chuyện cổ vũ thanh niên làm giàu,…Tất cả những việc ấy “Cụ” đều phản đối bởi theo quan điểm của “Cụ” đó là những việc “đốt cháy giai đoạn”. Không thể hiểu nổi vì sao “Cụ” lại có thái độ như vậy? Vì thiếu thông tin. Hay còn do hạn chế trong khả năng phân tích, đánh giá tình hình và xu hướng thời đại. Hay còn vì điều gì khác? Trước thái độ quyết liệt ấy của “Cụ”, Tổng Bí thư cũng cương quyết không nhượng bộ: “Nếu phải trả giá bằng sự quyết liệt đáp lại thì cũng là vì công việc, vì sự bền vững lâu dài của Đảng này, đất nước này” [51, tr.598]. Như vậy cuộc đối thoại giữa cái cũ và cái mới, giữa những tư tưởng bảo thủ với những tư tưởng tiến bộ phù hợp với thời đại đã có hồi kết. Cuối cùng, cái mới - tư tưởng tiến bộ sẽ chiến thắng, đạp đổ thành lũy cố hữu của cái cũ - tư tưởng bảo thủ.

Đó còn là mâu thuẫn khi nhà văn đặt nhân vật của mình trong những tình huống để nhân vật tự bộc lộ sự đối lập trong suy nghĩ và hành động của bản thân. Chẳng hạn, Thanh Diệu trong lần hẹn với Trần Kiên ở quán cà phê Bằng Lăng đã có sự mâu thuẫn giữa suy nghĩ và hành động rất rõ ràng. Khi Kiên chủ động nắm tay chị ấp vào giữa hai bàn tay của mình nhẹ nhàng ve vuốt thì chị đã có ý nghĩ: “Chị nhào vào anh muốn ra sao thì ra. Đời người, được một phút sống với người mình yêu, người xứng đáng cho mình yêu, người ta lại cũng yêu mình thế này… Thế là thỏa rồi” [47, tr.402]. Song hành động của chị lại ngược lại: “Nhưng chị không dám… Không ai dám vượt qua ranh giới mỏng manh vô hình này” [47, tr.402]. Trước khi chia tay, chị lại có ý nghĩ: “…Chỉ hôn nhau một lần duy nhất này thôi anh nhé. Em dành nụ hôn thiêng liêng này cho anh, coi như đã trao tất cả cho anh rồi đấy, anh yêu ạ” [47, tr.403]. Song những ý nghĩ ấy không làm sao bứt ra khỏi miệng chị được. Còn Kiều Linh rất yêu và tôn thờ chồng mình như đấng cứu mạng. Vậy mà trong một lần ân ái với chồng thì đầu óc của cô lại hiện về hình bóng của kẻ sở khanh ngày trước. Cô cố đuổi hắn đi nhưng không được. Hắn từ từ chậm rãi mơn man da thịt cô,

đi sâu vào trong cô. Cô cũng nhũn người, toàn thân căng lên, người ưỡn cong rồi rơi phịch xuống. Rồi sau đó, mỗi lần buộc chồng phải làm nghĩa vụ, Linh đều nghĩ đến “người ấy”. Thế là, ngày thì công việc xua “người ấy” đi, đêm hắn lại lẻn về. Như vậy, trong sâu thẳm con người cô vẫn còn một góc nào đấy cho kẻ bạc tình. Chính điều ấy khiến có lúc cô rơi vào tình cảnh như hiện tại.

Qua việc đặt nhân vật trong các xung đột, nhà văn đã khiến nhân vật hiện lên có chiều sâu, tạo được điểm nhấn trong lòng độc giả. Đồng thời, giúp bạn đọc nhận diện rõ hơn đâu là nhân vật mang lý tưởng thẩm mỹ của thời đại, đâu là nhân vật tha hóa, đi ngược lại sự phát triển của xã hội, của thời đại.

Phân tích tâm lí nhân vật qua độc thoại nội tâm

Độc thoại nội tâm là “lời phát ngôn của nhân vật nói với chính mình, thể hiện trực tiếp quá trình tâm lí nội tâm, mô phỏng hoạt động cảm xúc, suy nghĩ của con người trong dòng chảy trực tiếp của nó” [3, tr.122]. Cùng với lời đối thoại, độc thoại nội tâm là thủ pháp nghệ thuật cơ bản và hiệu quả để miêu tả tâm lí nhân vật. Hình thức biểu hiện của nó rất phong phú:

Thứ nhất là độc thoại hướng tới người khác. Loại này có thể nói thầm, nói thành tiếng hay viết thành văn. Đối tượng có thể là một người hay đám đông, không yêu cầu đáp lại tức thời.

Thứ hai là độc thoại một mình. Đây là những phát ngôn trong cô đơn hay trong trạng thái tâm lí cô độc như ghi nhật kí, nói thầm một mình,… Lời độc thoại nội tâm thường rút gọn, ít mạch lạc, liên kết. Đây là kiểu giao tiếp trong quan hệ “tôi

- tôi” chứ không phải quan hệ “tôi - nó”.

Độc thoại nội tâm tạo cho nhân vật có chiều sâu. Những dòng độc thoại như giải phóng sự kìm hãm, đè nén, như một sự giải toả đối với trạng thái tâm lí bị dồn nén trước đó của nhân vật. Đây là hình thức rất phù hợp để nhân vật thể hiện con người bên trong của chính mình.

Trong bộ tiểu thuyết liên hoàn của Nguyễn Bắc Sơn, có thể thấy nhà văn diễn tả tâm trạng nhân vật dưới dạng độc thoại một mình với hai hình thức trở đi trở lại trong tác phẩm là ghi nhật kí và nói thầm một mình.

Người ghi nhật kí nhiều nhất trong bộ tiểu thuyết này chính là ông Hòe. Thực ra việc ghi nhật kí ấy được viết ở trong cuốn sổ công tác của ông. Không phải đây là

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 26/09/2023