Cảm Hứng Chủ Đạo Trong Tiểu Thuyết Của Ma Trường Nguyên


Chương 2

CẢM HỨNG CHỦ ĐẠO

TRONG TIỂU THUYẾT CỦA MA TRƯỜNG NGUYÊN

2.1. Một số khái niệm liên quan

2.1.1. Khái niệm tiểu thuyết

Tiểu thuyết là một thể loại văn học lớn tiêu biểu cho phương thức tự sự. Kể từ khi xuất hiện, thể loại văn học này đã có những tác động mạnh mẽ vào đời sống tinh thần của toàn xã hội và nó nhanh chóng trở thành một thể loại văn học chủ đạo.

Các tác giả cuốn Từ điển thuật ngữ văn học cho rằng: tiểu thuyết là “Tác phẩm tự sự cỡ lớn có khả năng phản ánh hiện thực đời sống ở mọi giới hạn không gian và thời gian. Tiểu thuyết có thể phản ánh số phận của nhiều cuộc đời, những bức tranh phong tục, đạo đức xã hội, miêu tả các điều kiện sinh hoạt giai cấp, tái hiện nhiều tính cách đa dạng” [4, tr.277]. Định nghĩa trên về tiểu thuyết cho thấy tầm vóc lớn lao của tiểu thuyết trong phản ánh hiện thực và thể hiện thái độ, quan niệm của nhà văn trước hiện thực ấy.

Tiểu thuyết là thể loại có cái nhìn cuộc sống từ góc độ đời tư. Đây là đặc trưng cơ bản có tính thẩm mĩ của tiểu thuyết, đã được hình thành ngay trong tiểu thuyết cổ đại. Về sau cái nhìn đời tư của tiểu thuyết khá linh hoạt theo những biến động lịch sử. Khi yếu tố đời tư càng phát triển thì chất tiểu thuyết càng tăng. Tiểu thuyết cũng là thể loại mang đậm chất văn xuôi. Tức là tiểu thuyết tái hiện cuộc sống một cách khách quan như nó vốn có chứ không thi vị hóa, lãng mạn hóa, lí tưởng hóa cuộc sống. Tính chất đó đã tạo nên trường lực mạnh mẽ để thể loại dung chứa toàn vẹn hiện thực, đồng hóa và tái hiện chúng trong một thể thống nhất với những sắc màu thẩm mỹ mới vượt lên trên hiện thực, cho phép tác phẩm phơi bày đến tận cùng sự phức tạp muôn màu của hiện thực đời sống. Bên cạnh đó, tiểu thuyết còn là thể loại có tính hư cấu nghệ thuật cao, đa dạng về sắc độ thẩm mĩ, cấu trúc linh hoạt, nhân vật có tính cách phong phú, đa dạng. Đặc biệt, tiểu thuyết là thể loại văn học có tính tổng hợp. Qua ngôn từ nghệ thuật, tiểu thuyết có thể dung nạp những phong cách nghệ thuật của các thể loại văn học và các loại hình nghệ


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 113 trang tài liệu này.

thuật khác nhau. Những rung động tinh tế của thơ, xung đột xã hội của kịch, hiện thực đời sống của ký… và cả màu sắc của hội họa, thanh âm của nhạc, sự cân xứng, chi tiết của điêu khắc, khả năng liên kết các bức màn hiện thực của điện ảnh… đều có thể xuất hiện trong tiểu thuyết. Chính tính tổng hợp đã khiến cho tiểu thuyết trở thành một mảnh đất màu mỡ mà ở đó nhà văn có thể khai thác thế giới xung quanh và phát huy tối đa tài năng của mình. Cũng chính đặc trưng này đã làm cho thể loại tiểu thuyết luôn vận động, không đứng yên.

2.1.2. Khái niệm cảm hứng chủ đạo

Đặc điểm tiểu thuyết Ma Trường Nguyên - 5

Cảm hứng chủ đạo là “trạng thái tình cảm mãnh liệt, say đắm xuyên suốt tác phẩm nghệ thuật, gắn liền với một tư tưởng xác định, một sự đánh giá nhất định, gây tác động đến cảm xúc của những người tiếp nhận tác phẩm” [4, tr.38]. Theo Bielinxki thì cảm hứng chủ đạo là điều kiện không thể thiếu của việc tạo ra những tác phẩm đích thực, bởi nó “biến sự chiếm lĩnh thuần túy trí óc đối với tư tưởng thành tình yêu đối với tư tưởng, một tình yêu mạnh mẽ, một khát vọng nhiệt thành”[4, tr.38-39]. Như vậy, có thể hiểu, cảm hứng chủ đạo là một yếu tố của bản thân nội dung nghệ thuật, của thái độ, tư tưởng xúc cảm ở người nghệ sĩ đối với thế giới được miêu tả. Theo nghĩa này, cảm hứng chủ đạo thống nhất với đề tài và tư tưởng của tác phẩm. Cảm hứng chủ đạo mang lại cho cho tác phẩm một không khí xúc cảm tinh thần nhất định, thống nhất tất cả các cấp độ và yếu tố của nội dung tác phẩm. Đó có thể xem là mức căng thẳng cảm xúc mà nhờ đó người nghệ sĩ khẳng định các nguyên tắc thế giới quan của mình trong tác phẩm. Cảm hứng chủ đạo (lý luận văn học hiện đại đồng nhất với khái niệm cảm hứng) là một hiện tượng độc đáo, không lặp lại, gắn bó chặt chẽ với tình cảm của tác giả.

Như trên chúng tôi đã đề cập, Ma Trường Nguyên là nhà văn có tình yêu tha thiết với dân tộc, quê hương. Đây chính là yếu tố căn bản bên cạnh bối cảnh văn hóa chi phối và tạo nên cảm hứng trong tác phẩm của nhà văn này. Đó là cảm hứng về hiện thực cuộc sống miền núi trong những bước chuyển mình của lịch sử với hàng loạt các sự kiện, và trong bối cảnh ấy, con người miền núi hiện lên với những


phẩm chất cao quý. Đó là cảm hứng nhân đạo sâu sắc mà nhà văn hướng đến cùng với tấm lòng trân trọng các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

2.2. Cảm hứng chủ đạo trong tiểu thuyết của Ma Trường Nguyên

2.2.1. Cảm hứng về hiện thực cuộc sống và văn hóa miền núi

2.2.1.1. Cuộc sống cũ nghèo khổ, nhiều đau thương

Trong tiểu thuyết của Ma Trường Nguyên, cảm hứng về cuộc sống cũ nhiều đau thương không phải là cảm hứng nổi bật nhưng cũng để lại những ấn tượng khá sâu đậm trong lòng người đọc. Chúng ta bắt gặp trong các tác phẩm của Ma Trường Nguyên nhiều cảnh đời cũ đầy đau khổ. Đó là gia đình nghèo khổ của ông Roạn, là cuộc sống li tán của vợ chồng Đông và Đao trong Mũi tên ám khói. Đó là cuộc sống đi ở làm công, vì nghèo nên mất người yêu của Mưởn trong Trăng yêu. Đó là cuộc đời cũ phiêu bạt của hai anh em Bồng, Bềnh trong Bến đời. Đó là cuộc sống nghèo và nhiều bất hạnh của Sáy trong Mùa hoa hải đường. Là những đau thương do tình yêu bị chia rẽ trong nhiều tác phẩm… Có thể thấy, cảm hứng về cuộc sống cũ nhiều đau thương cũng đã tạo ra cho tiểu thuyết của Ma Trường Nguyên một đặc điểm đáng chú ý.

Tiểu thuyết Rễ người dài của tác giả kể về những đôi trai gái yêu nhau gặp trắc trở, đau thương. Đầu tiên phải kể đến là câu chuyện tình yêu của ông Pình và bà Hay. Đôi trai gái đang yêu nhau tha thiết thì mẹ Hay qua đời. Bố Hay lầm lũi, âm thầm sống giữa núi rừng. Trong khi đó, bố Pình lại bắt anh phải lấy vợ để phụng dưỡng bố mẹ già. Hủ tục đã khiến cuộc sống thời trẻ của ông Pình và bà Hay đầy đau buồn. Đây là hoàn cảnh của đôi trai gái ấy: “Đối với Hay theo tục lệ quy định phải sau ba năm mãn tang mẹ mới được lấy chồng. Cuối năm ấy Pình cưới vợ, lấy một người con gái cùng mường. Hay, mẹ chết, nỗi đau còn chưa nguôi, tiếp thêm người yêu đã từ bỏ mình, cô ngã bệnh ốm đến liệt giường, bệnh càng nặng, rụng cả làn tóc mây óng ả, héo hắt đến gần như điên loạn cả tâm trí” [23, tr.32]. Bệnh tình của Hay từ đấy càng nặng thêm, bố Hay tìm mọi phương cách, rồi cuối cùng khi cô nhận Pình làm anh em thì bệnh tình có thuyên giảm nhưng từ đấy cô chôn chặt mối tình trong lòng và lầm lũi sống. Đến thế hệ tiếp theo, do ràng buộc tình cảm trong


một lễ kết tồng mà bao chàng trai cô gái phải sống trong đau khổ. Pàng, Dàu và Lềnh là ba anh em kết tồng. Diêu Anh và A Hoa là hai chị em nuôi. Pàng và Dàu đều yêu Diêu Anh nhưng Pàng là anh nên lấy Diêu Anh làm vợ. Lềnh yêu A Hoa nhưng A Hoa lại yêu Pàng. Khi Pàng lấy Diêu Anh thì Dàu và A Hoa lấy nhau mặc dù giữa họ không có tình yêu và họ cùng rơi vào đau khổ. Dàu đến với A Hoa như một sự khỏa lấp, một sự buông xuôi: “Hai tâm hồn đang bị thất vọng, hụt hẫng về tình yêu, họ như hai kẻ cô đơn, chới với chưa nơi nương tựa. Với lại hai tâm trạng cũng muốn gạt bỏ nỗi buồn đã vướng víu họ đến khổ sở không còn hi vọng nào nữa. Tự nhiên hai người con trai con gái ủ rũ buồn đau tưởng chừng như không còn niềm sống lại có sự xui khiến nào đó mà hai trái tim bơ vơ gặp nhau trong một nhịp đập chán chường” [23, tr.107-108]. Nhưng rốt cuộc sự chắp vá ấy đã không đem lại hạnh phúc cho cả hai. Trong khi đó Lềnh ôm trong lòng mối tình đau khổ với A Hoa. Họ cứ sống trong khổ đau như vậy. Cái chết của Pàng là một nút mở cho cuộc sống của họ. Sau những khổ đau vì cái chết ấy, Dàu và Diêu Anh, A Hoa và Lềnh đã đến được với nhau trong một cuộc sống mới tươi vui hơn.

Không chỉ do hủ tục, cuộc sống cũ của những người dân miền núi còn đầy khổ đau vì nhiều lý do khác. Gia đình ông Roạn trong Mũi tên ám khói có 8 anh chị em. Người cha ốm yếu “nằm rên hừ hừ bên bếp lửa”, gạo hết, sắn cũng cạn nương, đàn con đi kiếm “rau má, rau gai, rau dớn, rau bọ mẩy và rau bò khai” về ăn, người mẹ đang ốm cũng “vùng dậy xuống sàn lấy thuổng đi vào rừng”. Chưa lấy được củ mài về làm bữa ăn cho gia đình, người mẹ đã bị hổ ăn thịt. Khi người cha và người con trai lớn tìm đến thì người mẹ “đã bị hổ xé nát, không còn ra hình người, thịt mỗi chỗ một phần, lẫn trong lá khô”. Đau đớn, tan nát còi lòng, hai cha con lặng lẽ “gom lại thành đống, tìm lá chuối gói mang về nhà” chôn cất. Cũng trong Mũi tên ám khói, nhà Đông nghèo không có tiền cưới vợ. Vì yêu Đông nên Đao bỏ mường Thung đến mường Cốc Tát sống cuộc sống vợ chồng. Nhà nghèo, họ ở với nhau mà không có lễ trình làng. Chánh Han tìm đến bắt vạ, thấy Đao đẹp nên cướp Đao về làm vợ ba. Vợ chồng Đông Đao sống trong li tán, Đao phải sống trong tủi nhục làm vợ kẻ tàn ác. Trong khi đó Mưởn (Trăng yêu) là chàng trai


nghèo phải đi ở làm công cho nhà Gắm. Vì nghèo cho nên Mưởn không đến được với Thau, phải chứng kiến cảnh Thau bị ép gả cho Gắm. Đau đớn Mưởn đã bỏ quê nhà đi vùng khác sinh sống. Còn Bồng và Bềnh, hai anh em mang số phận như chính cái tên của họ, không rò cha mẹ là ai, sống phiêu bạt bằng nghề sông nước (Bến đời). Sáy (Mùa hoa hải đường) mồ côi mẹ, sống với cha, từ nhỏ đã phải đi làm thuê kiếm sống. Do nhà nghèo, bố Sáy đã phải bán con đi làm người ở cho nhà chủ Khút từ khi Sáy mới hơn 10 tuổi. Từ đó Sáy sống cảnh bị đánh đập, hành hạ, bị chủ tìm cách cưỡng đoạt. May mắn thoát nạn nhưng cuộc đời của Sáy tiếp tục phải đối mặt với những khúc đoạn trường, phải cho đi đứa con mình đứt ruột đẻ ra, chứng kiến người ta cướp trên tay đứa con của chính mình,…

Sống nơi đại ngàn nhiều khắc nghiệt và đầy rẫy những khó khăn, những người dân miền núi thật khó tránh khỏi những thiệt thòi. Nhưng quan trọng hơn là nếu cuộc sống còn có những con người độc ác, những hủ tục lạc hậu tồn tại thì con người không thể có được hạnh phúc cho mình. Viết về cuộc sống cũ nghèo khổ, nhiều đau thương, nhà văn Ma Trường Nguyên vừa muốn người đọc sống lại những ngày tháng ấy của đồng bào dân tộc, để mà thấu hiểu và chia sẻ, đồng thời cũng muốn lí giải nguyên nhân những đau khổ của người dân. Có thể xem đây là minh chứng xác đáng về tình yêu con người luôn thường trực trong trái tim nhà văn.

2.2.1.2. Cuộc đấu tranh xây dựng cuộc sống mới, xóa bỏ lối sống lạc hậu

Hiện thực về cuộc đấu tranh xây dựng cuộc sống mới, xóa bỏ lối sống lạc hậu là hiện thực được nhà văn Ma Trường Nguyên đi sâu miêu tả. Không gian trong tiểu thuyết của Ma Trường Nguyên không rộng nhưng thời gian nghệ thuật lại rất dài, đó là thời gian của thế hệ. Và cảm hứng nghệ thuật đã tạo ra cấu trúc rất riêng trong tiểu thuyết của ông. Trở đi trở lại trong thế giới tiểu thuyết Ma Trường Nguyên là sự tiếp nối các thế hệ, vượt lên trên cuộc sống lạc hậu, vượt lên cái xấu, cái ác với niềm tin mạnh mẽ về sự chiến thắng, ước vọng hạnh phúc. Và bao giờ cũng vậy, thế hệ sau chính là đại diện, chính là chủ nhân của cuộc sống được tạo dựng, vun đắp vững chãi bởi tình thương yêu giữa con người với con người.


Trong tiểu thuyết Mũi tên ám khói, không khí đấu tranh chống lại những thế lực xấu để dựng xây cuộc sống mới được nhà văn khắc họa khá rò nét. Khi đến ở cho nhà chánh Han, chứng kiến cảnh Đao bị chánh Han trói vào thành giường để cưỡng làm vợ, Roạn đã rất căm tức. Anh trốn khỏi nhà vào rừng sâu gặp cán bộ Việt Minh, được tuyên truyền giác ngộ. Qua thử thách Roạn đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản, sau đó trở thành bí thư chi bộ, cán bộ cốt cán của địa phương. Các đồng chí trong đội du kích của Roạn đã có rất nhiều sáng kiến, vượt qua biết bao gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ. Và khi nhận được mệnh lệnh của cấp trên, chính ông Roạn đã phân công Đông phục kích ở gốc đa làng để trừ khử tên chánh Han. Mũi tên tẩm độc phi thẳng vào tim chánh Han là một chi tiết đắt giá nói lên sự căm hờn và ý chí quật cường, đấu tranh chống lại cái ác để giành lấy cuộc sống tự do. Cũng trong tiểu thuyết này, để bảo vệ và phát triển rừng, ngăn chặn những kẻ xấu muốn chặt phá rừng, đã có bao bàn tay cùng chung tay góp sức. Ông Roạn, chủ tịch xã Khau Dạ đã dành bao tâm huyết cho kế hoạch thành lập lâm trường. San là chủ nhiệm hợp tác xã mường Cốc Tát đã quên cả việc gia đình riêng để lo lắng cho công việc chung. Sum là đội trưởng bảo vệ rừng của hợp tác xã mường Cốc Tát. Khuổi tốt nghiệp đại học lâm nghiệp và mong muốn về quê hương công tác. Cô nung nấu về một “đề án kinh tế” trong đó có kế hoạch tu bổ và cải tạo rừng. Tình cảm tha thiết với quê hương của những con người này đã tạo thành bài ca từ sự đấu tranh giành độc lập đến sự phấn đấu quên mình để mang đến cái đẹp, cái thiện, để xây dựng cuộc sống ấm no cho quê hương của họ.

Tiểu thuyết Gió hoang cũng phản ánh cuộc đấu tranh chống lại lối sống lạc hậu để dựng xây cuộc sống mới. Mo Ngàu là phần tử xấu đã gieo rắc tư tưởng lạc hậu và là kẻ cản trở cuộc sống mới. Chính lão đã xúi giục mọi người không tham gia xây dựng xưởng sản xuất hàng thủ công, chế biến lâm sản. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết và niềm tin của dân bản, Mo Ngàu tuyên truyền: “ Chỗ đất ở Cò Luồng tức là cả cái mường ta đây là cái cổ họng của cả con rồng. Mà cổ họng rồng đã bị chặt đi hoặc chẹn lại con rồng không ăn được nữa sẽ chết. Mà con rồng chết là cả cái mường Cốc Lồm này sẽ bị tuyệt diệt. Nghĩa là chết hết cả giống nòi, cái mường này


sẽ thành đất chết, cỏ cây héo khô, suối cạn, người sẽ chết hết không còn ai sống sót để mà chôn ai. Mường Cốc Lồm này từ bản Nà Tẩu cho đến bản Tổng Chang lên bản Nặm Tút như một nấm mồ chung” [19, tr.86]. Không chùn bước trước những phần tử xấu, Lèng, Muồn và những cán bộ ở Cốc Lồm quyết tâm và đã hoàn thành việc xây dựng xưởng sản xuất hàng thủ công, chế biến lâm sản. Sự ăn nên làm ra của xưởng sản xuất đã chứng tỏ sức mạnh của việc dám nghĩ dám làm, dám chống lại cái lạc hậu để xây dựng cuộc sống mới cho bản làng.

Trong Mùa hoa hải đường ta cũng bắt gặp cuộc đấu tranh chống lại cái lạc hậu để xây dựng cuộc sống mới. Là hiệu phó phụ trách chuyên môn, chịu trách nhiệm về việc học tập của học sinh, cô giáo Ngần xót xa trước cảnh sân trường bị biến thành bãi bán trâu, học sinh bỏ học đi xem chợ, chất lượng dạy, học bị giảm sút. Với tinh thần trách nhiệm cao, Ngần đã “ đề nghị với phòng nông nghiệp, với chủ tịch huyện về việc quy hoạch lại đất đai thuộc thị trấn quản lý. Thị trấn cần chuyển khu chợ trâu hiện nay tại sân trường sang phía bãi đất sát kề chân núi Phja Đán.” [24, tr.13]. Để tránh việc học sinh bỏ học đi xem chợ, Ngần đề xuất phương án chuyển ngày nghỉ của học sinh vào các ngày chợ phiên. Đề xuất của cô là giải pháp hợp lý nên được Phòng giáo dục chấp nhận. Mặc dù rất thương con, Ngần vẫn kiên quyết không cho con mình được lên lớp vì “Cô biết chắc chắn thằng Báu không thể học nổi. Thà rằng để nó học lưu ban một năm cho vững kiến thức sẽ lên lớp còn hơn” [24, tr.124]. Việc làm của Ngần thể hiện rò cái tâm của một nhà giáo nhưng cô gặp phải sự phản ứng gay gắt từ bố mẹ chồng. Mẹ chồng cô mắng cô là “đứa bội bạc” và “chẳng còn bố mẹ con cái gì nữa. Chúng tôi xin từ mặt chị từ đây” [24, tr.125]. Những việc làm ấy của Ngần thể hiện tâm huyết của một người giáo viên hết lòng vì sự nghiệp giáo dục của miền núi, hết lòng vì cuộc sống mới của quê hương .

Trong tiểu thuyết Phượng hoàng núi, cuộc đấu tranh đã mở rộng đến phạm vi cả nước trong cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm nhưng đồng thời cũng ngồn ngộn bản sắc của quê hương miền núi. Tiểu thuyết mang âm vang sử thi nhưng cũng rất nhiều chi tiết đời thường, điểm đã tạo ra nét phong cách của Ma Trường


Nguyên. Trải suốt từ cuộc kháng chiến chống Pháp đến cuộc kháng chiến chống Mỹ, những người con ra chiến trận ấy đã sống trong lòng đồng bào dân tộc như những vị anh hùng của dòng họ Ma lẫy lừng. Cuộc chiến đấu đầy gian khổ, hi sinh nhưng cũng đậm chất nhân văn. Mối tình của Ma Loỏng với nữ quân y Trần Thị Thành là một biểu hiện tiêu biểu. Cho đến khi Ma Hoàng, thế hệ thứ ba của quê hương lên đường nhập học Học viện quân sự, tiếng của Ma Loỏng vang lên giữa núi rừng như một lời thề, một nguồn mạch không dứt của tinh thần đấu tranh bất khuất của đồng bào vùng cao:

“Ông tộc trưởng họ Ma là đại tá Ma Loỏng trong bộ quân phục xanh thẫm màu chàm chững chạc với quân hàm quân hiệu chỉnh tề… Giọng ông Ma Loỏng bỗng rít lên như có tiếng gió hú, tiếng thác đổ trên núi âm vang:

Hỡi lũ làng! Hỡi bà con… anh em mường ta! Hôm nay quê núi ta rất kiêu hãnh được tiễn con trai ta là chàng trai Tày Ma Hoàng. Nó là đứa con của chiến trường, cũng là đứa con của mường Phượng Hoàng xứ núi ta… và xa xôi nữa là trai Tày Ma Hoàng cũng là thuộc dòng tộc lâu đời từ thời thượng cổ tướng quân Ma Khê, một tướng mưu lược của Hùng Vương bốn nghìn năm trước. Hôm nay trai Tày lên đường nhập học Học viện quân sự là để làm tròn bổn phận của một người con trai của quê hương Phượng Hoàng cùng với các trai tài cả nước bảo vệ vững chắc Tổ quốc thân yêu” [25, tr.133].

Có thể thấy được vì sao những con người miền núi lại mạnh mẽ và quyết liệt đến như vậy trong cuộc đấu tranh chống lại cái ác, cái lạc hậu để xây dựng cuộc sống mới. Từ bao đời nay, cuộc sống con người nơi núi rừng vốn chìm trong nhiều nỗi khổ. Thiên nhiên khắc nghiệt, điều kiện kinh tế xã hội còn đặc biệt khó khăn, nhận thức của con người còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, người miền núi lại rất mạnh mẽ bởi họ đã quen đối mặt với trở ngại. Trong sâu thẳm con người họ luôn khao khát một cuộc sống tốt đẹp hơn, cuộc sống mà nơi ấy cái ác, cái lạc hậu bị đẩy lùi. Chính bản chất con người mạnh mẽ và khao khát cháy bỏng ấy đã giúp họ trụ vững trong cuộc sống còn nhiều đau khổ, để rồi vững bước trên con đường đấu tranh xây

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 04/08/2022