Ngôn Ngữ Trần Thuật Trong Tiểu Thuyết Nguyễn Bắc Sơn

ánh đèn nê ông” lấy cô đánh máy Quận uỷ rồi đi học tại chức, bây giờ thành Phó trưởng ban Kiểm tra. Còn cô đánh máy ấy, học tại chức đại học Luật, leo đến chức Thẩm phán Toà án nhân dân Thành phố” [51, tr.245]. Toàn là những thực trạng đáng báo động. Với cách tuyển dụng ấy, thử hỏi những cán bộ, công chức này có phát huy được năng lực chuyên môn và hoàn thành tốt công việc được giao không? Hay càng ngày họ sẽ càng bị thui chột về chuyên môn và không làm tốt nhiệm vụ?

Chuyện cơ cấu cũng là vấn đề đáng bàn, đáng nhìn lại. Chỉ một đoạn văn ngắn, không lời bình, không bộc lộ cảm xúc cá nhân, người kể chuyện chỉ ra lối mòn cố hữu trong việc xắp xếp, tổ chức cán bộ: “Đã ngồi vào ghế trưởng ban tuyên giáo, trưởng ban kiểm tra, trưởng ban tổ chức… thì phải là thường vụ quận uỷ rồi. Mà đã ở trong cấp uỷ thì mọi chuyện đều khác, có thể vượt qua mọi thông lệ, chả kể gì chuyện học tại chức hay cao học. Vì thế, xét về mặt chuyên môn thì đấy không phải là những người có chuyên môn cao. Nhưng dưới góc độ chính trị, thì đấy là những người có “uy tín” cao nhất” [51, tr.245]. Chính cách làm việc ấy đã kìm hãm sự phát triển của đất nước, không thu hút được nhân tài phụng sự cho sự nghiệp phát triển chung của dân tộc. Lối mòn lạc hậu trong cơ chế tuyển dụng ấy cần phải được xóa bỏ thì xã hội mới phát triển đi lên.

Nhìn từ bên ngoài, tỏ ra không có quan hệ gì với các sự kiện, vấn đề được kể, người kể chuyện đã khiến hiện thực được hiện ra khách quan và chân thật trong tác phẩm. Trong mạch trần thuật ấy, điểm đáng lưu ý là nhà văn thường sử dụng những câu hỏi tu từ, những lời trữ tình ngoại đề nhằm rẽ ngang để tâm sự, để làm rõ hơn các vấn đề, các nhân vật được nói tới. Chẳng hạn như cuộc gặp của Thảo Tần với ông Hoàn - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, tuy ngắn nhưng chân dung của ông Hoàn được người kể chuyện khắc họa độc đáo. Bằng đoạn văn trần thuật ngắn, kết hợp với hai câu hỏi tu từ chân dung ông giám đốc ấy hiện ra rất ấn tượng: “Ông Hoàn đưa mắt liếc ngang một cái, làm chị càng khó chịu. Tại sao cái nghề dạy học lại có những người liếc ngang là thế nào nhỉ? Nói chuyện với ai, nhìn ai cũng phải nhìn thẳng vào mắt người ta chứ. Sao lại có thói nhìn… gian ấy. Không biết khi dạy học trò, ông này đã có tật ấy chưa, hay lên giám đốc mới… đốc chứng ra thế?” [51, tr.54]. Cái liếc

ngang ấy chứng tỏ đây là một con người có gì đó không đàng hoàng, hơi gian gian. Quả thật, câu chuyện của họ đã chứng minh cho cái ấn tượng ban đầu đó về nhân vật. Ông ta không đàng hoàng khi nói là vì không đủ phiếu tin nhiệm nên Tần không được bổ nhiệm. Trong khi, thực chất Tần đã tự làm đơn xin từ chức. Và ông gian khi ngồi được vào chiếc ghế giám đốc này. Khi Tần nói rằng ông ta thua phiếu tín nhiệm của Phó giám đốc cũ, mà vẫn ngồi được vào ghế giám đốc, người kể chuyện đã đưa ra những câu hỏi tu từ ngắn gọn để bộc lộ thái độ của con người này: “Mặt Hoàn tái đi. Vì xấu hổ? Vì giận? Hay vì cả hai?” [51, tr.58].

Trong mạch trần thuật của mình, người kể chuyện hầu như đều thêm vào đó các đoạn trữ tình ngoại đề. Trữ tình ngoại đề là hình thức ngôn từ tác giả kiêm người trần thuật bị chệch ra ngoài việc miêu tả các sự kiện trong cốt truyện, không gắn trực tiếp tới hành động tác phẩm. Trong đó tác giả hoặc người kể chuyện trực tiếp bộc lộ những tư tưởng, tình cảm, quan niệm của mình nhằm bình luận hoặc đánh giá đối với cuộc sống và nhân vật trong cốt truyện. Trữ tình ngoại đề thường xuất hiện khi tác giả miêu tả một cảnh vật, một hiện tượng, một nhân vật nào đó. Trong quan hệ với tác giả, trữ tình ngoại đề trực tiếp thể hiện tư tưởng tác giả, giúp cho việc xây dựng hình tượng tác giả như một người trò chuyện tâm giao với độc giả. Do đó, trữ tình ngoại đề là phương tiện giúp soi sáng nội dung tư tưởng của tác phẩm: bộc lộ đầy đủ và trực tiếp hơn thái độ, sự đánh giá nhân vật, cũng như quan niệm nhân sinh của tác giả. Qua trữ tình ngoại đề, người ta thấy trực tiếp hình tượng tác giả.

Chẳng hạn đoạn văn kể về tài tháo vát của bà Phụng, người kể đã xen kẽ đoạn trữ tình ngoại đề: “Thứ hỏi, nếu bà không sử dụng mối quan hệ của mình để xây dựng một loạt đường dây mua rau này, thịt, cá, đậu này, nước mắm này, đến cả nửa cân tóp mỡ này thì làm sao có bữa ăn hàng ngày tươm tất như thế?” [47, tr.78]. Hay khi anh cảnh sát đọc xong biển số xe của Lê Cường - 9981, người trần thuật đã chêm vào đoạn trữ tình ngoại đề: “Cũng ghê. Phải công nhận là ghê! Phải thần thế lắm, phải quen biết thế nào, phải mất bao nhiêu tiền mới có tấm biển này” [47, tr.100]. Hay là sau cuộc chạy đua chức trưởng phòng với kết quả bất ngờ, xuất hiện dòng trữ tình ngoại đề của người kể: “Thật, không gì vô tổ chức bằng công tác tổ chức của cơ quan này” [47,

tr.246]. Câu cuối cùng của Luật đời và cha con cũng là một lời trữ tình ngoại đề: “Để xem con tạo xoay vần đến đâu” [47, tr.533].

Cũng có khi tác giả mượn lời nhân vật để thể hiện thái độ của mình. Trong Lửa đắng rất nhiều lần nhà văn thông qua lời của nhân vật để bộc lộ thái độ trước những vấn đề nóng của thời cuộc. Chẳng hạn như khi Sán bảo vệ luận án tiến sĩ có người phản biện tự do nói: “Thì đã có bao nhiêu luận án không khoa học thế này, chứ có phải của một tiến sĩ giấy này đâu” [51, tr.136]. Hay là khi tường thuật trực tiếp cuộc xử án ở Thanh Hoa, thiên hạ đã tha hồ đưa ra những lời bàn tán: “- Ngày xưa cứ bảo quan toà mặt sắt đen sì. Bây giờ, cha nào cũng mập mạp, mũm mĩm, mỡ màng - Ăn của đút mới được thế chứ - Đương nhiên! Thế mới có đường dây chạy án chứ. Chạy cả công an, cả kiểm sát, chạy cả toà án. Vào tù thì chạy cả quản giáo, nên ở tù mà vẫn chửa được mới tài chứ” [51, tr.573]. Hoặc là những lời bình luận của mọi người sau khi xử án Trần Thanh Định: “Xử như thế thì còn ai tin vào pháp luật nữa, Đảng phải xem lại mấy cái ông toà án này đi. Có vấn đề đấy! Không phải ngẫu nhiên mà các ông ấy bàn nhau chỉ xử thế này đâu. Lẽ công bằng ở đâu? Nhà toàn xe tay ga thôi. Sâu mọt là đây, chứ đâu nữa? - Quan bé ăn bé, quan to ăn to. Xử thế này chỉ là gãi ghẻ. Quá bằng nống bọn tham nhũng lên” [51, tr.588].

Như vậy, sử dụng điểm nhìn khách quan, điểm nhìn bên ngoài giúp người kể chuyện kể lại câu chuyện một cách khách quan, đúng sự thực. Song lại kết hợp với những câu hỏi tu từ, những dòng trữ tình ngoại đề lại giúp người trần thuật bộc bạch được tâm sự, thể hiện được quan điểm, thái độ của mình với sự kiện, nhân vật. Đây chính là điểm độc đáo trong lời trần thuật của Nguyễn Bắc Sơn.

3.1.2.2. Dịch chuyển điểm nhìn vào nội tâm nhân vật

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 118 trang tài liệu này.

Theo lí thuyết tự sự học, người kể chuyện mang điểm nhìn bên trong (điểm nhìn nhân vật) khi anh ta/chị ta là nhân vật ngay trong câu chuyện. Khảo sát tiểu thuyết Việt Nam thời kì sau đổi mới, người ta nhận thấy sự cách tân nghệ thuật trần thuật tập trung ở dạng thức người kể chuyện với điểm nhìn bên trong này. Trần thuật theo điểm nhìn nhân vật là cách thức trần thuật theo cá tính, địa vị, tâm lí nhân vật. Điểm nhìn bên trong cho phép trần thuật qua lăng kính của một tâm trạng cụ thể, tái hiện đời sống nội tâm của nhân vật một cách sâu sắc.

Với điểm nhìn nhân vật từ bên trong, nhà văn đã có một cái nhìn dân chủ, không áp đặt về nhân vật làm cho nhân vật gần với đời thực hơn và nhân văn hơn. Chẳng hạn như khi Lê Hồi mất, Lê Hòe nhận được lệnh thủ trưởng mời lên cơ quan ngay có việc gấp, người kể đã nhìn sâu vào tận tâm can của ông: “Linh tính báo anh biết có chuyện chẳng lành xẩy ra với con rồi. Thảo nào, suốt ngày hôm qua, cứ bứt rứt không yên” [47, tr.60]. Hay là sau cái lần tận hưởng khoái lạc trong “cái đêm vỡ lòng khốn nạn” ông Hòe đã bị dày vò, dằn vặt ghê gớm: “Ông thấy mình chả ra sao. Cũng cậy có tiền, dày vò cơ thể người ta. Nó chỉ đáng tuổi cháu mình. Không biết rồi nó có lấy chồng, có sinh con không? Đời nó sẽ ra sao? Chỉ mươi năm nữa là cùng. Khi cơ thể nó nhầu nát đi, mặt mũi nhăn nheo đi, da thịt nhẽo nhèo đi, còn ai thiết nữa. Mình nhẫn tâm quá! Nỗi dày vò cứ ám ảnh, cứ làm ông bần thần, bứt rứt, khó chịu, không yên. Mấy ngụm cà phê càng làm ông tỉnh táo” [47, tr.301]. Hoặc là khi Kiên hẹn gặp Diệu ở quán cà phê, nhìn thấy Kiên, Diệu mang rất nhiều tâm trạng: “Ngượng ngùng. Lo nữa. Nhưng không át được niềm vui sướng cứ muốn bật khỏi lồng ngực” [47, tr.398]. Rồi khi cô một mình vào lại cà phê ấy để: “đắm mình trong nỗi nhớ anh, nhớ như in hai bàn tay anh, ấp chặt hai bàn tay em, vuốt nhẹ” [51, tr.264]. Đó còn là tâm trạng của Kiều Linh khi bị gã bội tình lừa gạt: “Đau quá. Hận quá. Em căm thù anh. Em nguyền rủa anh ngàn lần” [51, tr.298]. Hay là sự vững tâm của Trần Thanh Định khi ông ta chẳng để lại dấu vết gì: “Định rất vững tâm. Chẳng để lại dấu vết gì, chẳng ký tá gì, chẳng nhân chứng, vật chứng gì. Thằng chó chết kia đừng hòng làm gì được tao” [51, tr.577]. Hay khi người kể thâm nhập vào tâm trạng của ông Lưu sau khi nghe Kiên nói: “Trong thâm tâm Lưu thừa nhận thằng cha này đúng. Nó hơn mình. Nhưng rõ ràng là nó tìm cách đẩy mình đi. Nó kéo bè kéo cánh. Nó chọn những người ăn cánh với mình. Nó đề cao mình. Nó hạ nhục người khác” [51, tr.314].

Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Nguyễn Bắc Sơn - 10

Tuy trần thuật từ ngôi thứ ba nhưng Nguyễn Bắc Sơn luôn di chuyển điểm nhìn trần thuật từ người trần thuật khách quan sang điểm nhìn của nhân vật. Việc phối hợp và di chuyển điểm nhìn bên ngoài vào bên trong sẽ giúp cho nhà văn có điều kiện trổ nhiều ô cửa để khám phá đời sống từ nhiều góc độ khác nhau. Theo đó, nhà văn có đủ điều kiện để đào sâu vào cả tầng vô thức cũng như miêu tả một cách

sinh động những đường quành tâm trạng đầy tinh vi của nhân vật. Từ phương diện nào đó, có thể nói, sự đan xen và dịch chuyển liên tục điểm nhìn cũng là một cách thức để tạo nên tính phức điệu của tiểu thuyết. Theo đó, văn bản nghệ thuật trở thành một cấu trúc đa tầng, có khả năng phá vỡ tính đơn âm và cùng lúc vang lên nhiều tiếng nói khác nhau.

Nguyễn Bắc Sơn cũng đã rất khéo léo khi dịch chuyển điểm nhìn vào nội tâm của nhân vật. Chính vì vậy, ông khá thành công khi thể hiện những phức tạp, giằng xé trong thế giới nội tâm và sự vận động tự thân của nhân vật. Cách trần thuật này tạo nên ở độc giả cảm giác gần gũi với nhân vật và câu chuyện được kể cũng chân thực, sinh động hơn. Chẳng hạn đoạn văn miêu tả Lê Hòe sau khi nhận được lệnh mời của cấp trên lên ngay có việc gấp, có điểm nhìn khách quan: “Lê Hoè vội xọc xọc cái bàn chải vào mồm mấy cái qua loa gọi là, rửa mặt qua quít, rồi chạy bổ về phòng, mặc quần áo ngoài” [47, tr.60], có sự dịch chuyển điểm nhìn vào nội tâm của nhân vật Lê Hòe: “Linh tính báo anh biết có chuyện chẳng lành xẩy ra với con rồi. Thảo nào, suốt ngày hôm qua, cứ bứt rứt không yên” [47, tr.60].

Hay như đoạn văn trần thuật lần ra mắt cô vợ tương lai của Lê Đại đan xen điểm nhìn khách quan với điểm nhìn của nhiều nhân vật. Trước tiên là điểm nhìn khách quan của người trần thuật: “Nghe tiếng đóng cửa xe, cả bốn người dồn mắt nhìn ra” [47, tr.351]. Tiếp đến là điểm nhìn của nhân vật Thảo Tần: “thầm khen ông anh kiếm được cô gái vừa trẻ, vừa xinh, nghe nói được việc lắm” [47, tr.351]. Rồi điểm nhìn của Trần Kiên: “Tập một đã hay, tập hai còn hay hơn” [47, tr.351]. Nguyễn Bắc Sơn đã cực kì khéo léo khi để Thảo Tần và Kiên bày tỏ thái độ với Kiều Linh trước bởi họ chưa hề gặp mặt cô, không hề biết câu chuyện của cô với Lê Cường nên cách nhìn của họ là khách quan. Chưa vội để Lê Hòe và bà Phụng bộc lộ thái độ, nhà văn trở lại với điểm nhìn của người kể: “Cô gái líu ríu theo người yêu bước vào nhà. Ông Hoè hơi nhổm người lên” [47, tr.351]. Rồi thì ông Hòe bàng hoàng: “Mắt bỗng tối sầm lại rơi người xuống thành sa lông, tay phải vội đưa lên ngực trái. Chỗ ấy nhói liền mấy cái làm ông co rúm người lại” [47, tr.351]. Bà Phụng cũng không kém gì ông: “Bà Phụng đứng hẳn người lên, để nhìn cho rõ, rồi cứ đờ người ra như thế” [47, tr.351]. Đến đây, cô gái dẫn về ra mắt ấy cũng không

thể hồi hộp, lo lắng như khi chưa gặp mặt mọi người nữa mà: “Cô gái sợ hãi lôi lại, kéo tay người yêu nép vào sau anh như trốn tránh” [47, tr.351]. Thấy thái độ của người yêu và cha mẹ, Lê Đại ngạc nhiên: “Đại hết nhìn bố mẹ lại nhìn người yêu. Không hiểu chuyện gì xảy ra” [47, tr.351]. Và vợ chồng Kiên cũng cùng tâm trạng như Lê Đại. Với một đoạn văn ngắn, cùng với cách kết hợp, dịch chuyển điểm nhìn hợp lí, tác giả đã dựng lên rất rõ ràng không khí của cuộc gặp mặt cô dâu tương lai qua nội tâm của các nhân vật. Nhờ sử dụng hợp lí các điểm nhìn ấy mà nhà văn tường thuật cuộc gặp ấy vừa cụ thể chi tiết, vừa lôgic. Người đọc có cảm giác như được chứng kiến câu chuyện đó vậy.

Hay đoạn văn nói về cuộc gặp của Kiên và Diệu ở quán cà phê Bằng Lăng, hầu như toàn là điểm nhìn chủ quan, điểm nhìn nhân vật, trong đó lại có cả sự dịch chuyển điểm nhìn nhân vật với nhân vật. Điểm nhìn từ nhân vật Kiên: “Anh nhìn chị đi vào. Những bước đi dài, dứt khoát. Mỗi cái đặt gót là một lần thể hiện sự khẳng định, tự tin như chứng tỏ sự có mặt của mình. Váy ngắn mầu sôcôla bó gọn dưới gối, để lộ cặp chân dài thẳng đi tất mỏng mầu da chân. Giầy cao gót màu da bò, áo sơ mi không cổ mầu nâu non, ống tay lửng, bó khít tấm thân thon thả gọn gàng. Chiếc xắc nhỏ mầu gan gà. Chưa bao giờ anh được thoả thích ngắm chị kỹ càng, đang từng bước chững chạc tiến lại với mình thế này. Dáng đi mới đẹp làm sao. Vừa quý phái, vừa chính khách, vừa nữ tính” [47, tr.398 - 399]. Điểm nhìn lại dịch chuyển sang Thanh Diệu: “Chị thì tự hỏi, thế này là thế nào nhỉ? Chỉ có trai gái yêu nhau mới hẹn hò thế này, ở những nơi thế này. Không thể được! Sao không thể được? Làm việc gần một người đàn ông thế này mà không yêu thì thật vô lý” [47, tr.399]. Rồi điểm nhìn lại dịch chuyển sang cho Kiên: “Anh ngắm chị, nhìn sâu vào đôi mắt lá răm đẹp mê hồn của chị… Phải thừa nhận đẹp hơn mắt Thảo Tần. Một sự cảm thông, chia sẻ thế này chưa bao giờ mình dành cho ai” [47, tr.400]. Và lại là điểm nhìn của Thanh Diệu: “… Chỉ hôn nhau một lần duy nhất này thôi anh nhé. Em dành nụ hôn thiêng liêng này cho anh, coi như đã trao tất cả cho anh rồi đấy, anh yêu ạ. Chứ không cho, không bao giờ cho chồng em nữa đâu, kể từ cái tát ấy” [47, tr.403]. Có thể thấy, phải là người tâm lí thì nhà văn mới chọn cách trần thuật qua điểm nhìn của nhân vật để kể về cuộc gặp gỡ ấy. Và chọn cách làm ấy, tác giả đã khiến nhân vật của mình tự

bộc lộ cảm xúc, tâm trạng của bản thân một cách khách quan chứ không hề theo sự sắp đặt của người kể chuyện.

Như vậy, việc sử dụng nghệ thuật trần thuật từ ngôi thứ ba sẽ đảm bảo được độ tin cậy của hiện thực khách quan bởi anh ta không phải là người biết trước câu chuyện rồi kể lại, mà chỉ lần theo bước chân nhân vật và sự phát triển của các sự kiện. Sự dịch chuyển điểm nhìn trần thuật vào nội tâm nhân vật khiến lời trần thuật chân thực và sinh động hơn. Khoảng cách giữa tác giả và nhân vật được rút ngắn tối đa, khó phân biệt được giọng kể của người trần thuật và giọng kể của nhân vật. Qua đó, người đọc hiểu rõ và sâu sắc hơn về đời sống nội tâm của nhân vật.

3.2. Ngôn ngữ trần thuật trong tiểu thuyết Nguyễn Bắc Sơn

Ngôn ngữ trong tất cả tính chất thẩm mĩ của nó là chất liệu, là phương tiện biểu hiện mang tính đặc trưng của văn học. Không có ngôn từ thì không thể có tác phẩm văn học. Trong tác phẩm văn học, ngôn từ là phương tiện để cụ thể hóa và vật chất hóa sự biểu hiện chủ đề và tư tưởng tác phẩm, tính cách nhân vật và cốt truyện,… Ngôn từ của tác phẩm văn học là một hiện tượng nghệ thuật.

Trong tiểu thuyết của mình, Nguyễn Bắc Sơn sử dụng ngôn ngữ trần thuật khá đa dạng. Trước tiên nó là bộ tiểu thuyết luận đề nên ngôn ngữ đặc trưng đầu tiên chính là ngôn ngữ chính trị - xã hội. Song nó lại phản ánh những con người thật, việc thật trong xã hội nên ngôn ngữ còn bình dân đậm chất khẩu ngữ. Giọng văn của nhà văn khi viết về các vấn đề nóng, về các nhân vật đôi khi khôi hài nên ngôn ngữ còn hài hước, dí dỏm.

3.2.1. Ngôn ngữ chính trị - xã hội

Tiểu thuyết của Nguyễn Bắc Sơn là tiểu thuyết luận đề chính trị, vì vậy trong tác phẩm xuất hiện dày đặc các từ ngữ thuộc lớp từ ngữ chính trị - xã hội. Lớp từ ngữ đó xuất hiện ngay ở lời kể của người kể chuyện, lời của nhân vật qua các đoạn độc thoại, đối thoại. Với tham vọng phản ánh và bám sát hiện thực đời sống xã hội đương đại, nhà văn đã đưa vào tác phẩm những dữ liệu lịch sử có thật để minh chứng và mang lại hiệu quả thuyết phục cao cho người đọc. Những dữ liệu lịch sử mà nhà văn đưa vào đều được vận dụng trong những trường hợp cụ thể để học tập, để suy ngẫm, để có hướng đúng đắn cho hiện tại và tương lai. Số lượng từ ngữ mang tính chính trị

- xã hội rất nhiều. Đôi khi nhà văn dành cả trang văn để viết về một vấn đề nhất định.

Tất cả chứng minh một vốn liếng về lịch sử, xã hội sâu rộng cùng một khả năng nắm bắt các dữ kiện lịch sử chắc chắn và biết vận dụng vào những tình huống cụ thể làm tăng tính thuyết phục.

Trước tiên, nhà văn có gợi nhắc cho chúng ta những dấu hiệu của một thời quá khứ - thời cải cách ruộng đất - thời bao cấp. Đầu tiên là màn đấu tố điêu địa chủ của vợ ông Hòe. Nghe lời xúi bẩy của anh đội cải cách, cô Mận đã làm theo kịch bản của anh ta. Đó là dựng chuyện địa chủ hiếp dâm cô: “- Mày lại còn hiếp dâm bà nữa, mày có nhớ không? - A à! Mày còn chối à? Kim đâm vào thịt thì đau. Thịt đâm vào thịt nhớ nhau suốt đời! Mày còn chối nữa không?” [47, tr.50]. Với những lời lẽ ấy, tên địa chủ chỉ còn cách cúi đầu nhận tội. Với một đoạn văn ngắn, nhà văn đã dựng lên được không khí sôi sục của một thời cải cách ruộng đất với những cuộc đấu tố địa chủ của nông dân. Cuộc cải cách và đấu tố này đã phân chia lại ruộng đất công bằng cho đa số nông dân miền Bắc, xóa bỏ giai cấp địa chủ phong kiến. Song việc áp đặt giáo điều các biện pháp đã gây ra nhiều phương hại. Cuộc cải cách và đấu tố này đã gây ra không khí căng thẳng tại nông thôn miền Bắc lúc ấy, và tác hại mạnh đến sự đoàn kết dân tộc của người Việt. Suốt một năm sau đó, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã phải tổ chức chiến dịch nhận khuyết điểm và sửa sai, phục hồi danh dự - tài sản cho các trường hợp oan sai, cũng như cách chức nhiều cán bộ cấp cao chịu trách nhiệm về những sai lầm này.

Chuyện cơ cực nhất của những người sống trong thời kỳ tem phiếu là phải xếp hàng mua lương thực, thực phẩm tại các cửa hàng mậu dịch. Người thì đông, các cửa hàng mậu dịch lại ít. Bởi vậy mà trước cửa hàng, lúc nào người cần mua lương thực cũng xếp hàng nối đuôi nhau dài dằng dặc như chơi trò rồng rắn. Có những người nhà lỡ hết gạo hoặc có công buổi giỗ chạp, muốn mua được sớm phải đến đứng từ 3 - 4 giờ sáng, thậm chí nửa đêm. Gặp hôm nhiều người cùng “tư tưởng lớn”, khi trời còn tối thui, đã đến xếp hàng đứng, ngồi vật vờ trước cửa hàng mậu dịch như những bóng ma. Đứng xếp hàng lâu thế nhưng chắc gì đã mua được. Chờ mãi mới đến lượt mình thì cô nhân viên mậu dịch dõng dạc tuyên bố hết hàng rồi đóng sập cửa xuống. Tất cả những người còn lại đành lủi thủi quay lưng ra về trong sự mệt mỏi rã rời. Ngày mai, họ lại ra xếp hàng... Cũng chính thời bao cấp đã đẻ ra một loạt cán bộ mậu dịch viên có quyền hành, giảo hoạt như Kim Phụng.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 26/09/2023