Nghệ Thuật Thể Hiện Nhân Vật Qua Miêu Tả Ngoại Hình


2.2.3. Nhân vật bản năng

Trong thời chiến, con người hiện lên với tất cả những phẩm chất tốt đẹp, mang lý tưởng cộng đồng, nhân danh cộng đồng, con người cá nhân với những khát vọng đời thường ít được đề cập đến trong văn học. Bước vào thời kì hoà bình các nhà văn đã có điều kiện đi sâu khám phá con người ở nhiều phương diện. Những khát vọng, những ham huốn bản năng của con người đã được các nhà văn quan tâm. Tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh cũng không nằm ngoài dòng chảy đó. Lịch sử là một cái cớ để nhà văn đi sâu khám phá vẻ đẹp con người, trong đó có cái đẹp thuộc về bản năng. Nhà văn đi vào miêu tả những con người tự nhiên trước nhu cầu của hạnh phúc đời thường, của cuộc sống riêng tư. Đó cũng là cái nhìn mang tính nhân văn của văn học.

Đọc Đội gạo lên chùa, người đọc dễ nhận thấy các nhân vật nữ đều tràn trề phồn thực. Đó là vẻ đẹp căng tràn sức sống, đầy quyến rũ và gợi cảm, lúc nào cũng sẵn sàng bung nở. Sự phồn thực toát lên từ vẻ đẹp hình thể. Bà Bệu vợ lẽ của Lý Phượng “Thời con gái, bà không đẹp, nhưng là người đàn bà rực rỡ. Cái sức xuân phây phây lúc nào cũng hừng hực tỏ lộ trên con người bà. Mặt tròn vành vạnh, da mượt má màu hoa đào. Thân thể mỡ màng, tươi tắn, lúc nào cũng sẵn sàng mời gọi”[36, tr.468]. Cô Thì năm mười năm tuổi người

„„nhỏ nhắn chắc lẳn, mới choai choai thôi mà đã thắt đáy lưng ong đầy hứa hẹn trở thành một người đàn bà xinh đẹp”[36]. Và vẻ đẹp đó được bung nở khi cô thì lấy anh Lẫm “đẹp lồng lộng, ngồn ngộn, hơn hớn”[36]. Đó còn là vẻ đẹp nhất nhì xã của cô Mận con ông chánh. Ở cái tuổi “chừng đôi tám” căng tràn nhựa sống. “Cũng là cái yếm, nhưng bao giờ Mận cũng mặc yếm lụa, buộc căng ra để khoe đôi vú thây lẩy, tràn trề sinh lực. Cũng là vành khăn quấn trên đầu, nhưng vành khăn bao giờ cũng đen nhánh ( hễ vải hơi bạc là cô nhuộm lại hoặc thay ngay). Cô kín đáo trang điểm đấy, chả là chỉ có màu đen và thật đen mới làm nổi bật được làn da trắng bóc của khuôn mặt cô, của cái


gáy và cái cần cổ như ngà, như ngọc”[36]. Hay vẻ đẹp của cô “ăn mày” tên Khoai cũng được nhà văn chú ý miêu tả “tóc cô đen mượt ở sau lưng, mặt tròn trịa hồng hào, đôi chân từ cái quần lửng phô ra trắng như ngó cần”[36, tr.285].

Con người bản năng trong tác phẩm của Nguyễn Xuân Khánh còn được thể hiện ở hoạt động tính giao. “Hoạt động tính giao là thuộc tính của mọi sinh thể sống. Nằm trong tứ khoái của người bình dân và được mặc nhận như một nhu cầu phổ biến, cần thiết của một con người bất kể sang - hèn - quý - tiện”[61]. Nhà văn đã đưa cuộc sống tình dục vào tác phẩm của mình như một nhu cầu chính đáng trong đời sống của con người. Đó không chỉ là hoạt động đem lại sự hoan lạc của cuộc ái ân mà nhiều khi còn mang với ý nghĩa nhân văn, nhân bản. Chuyện tình giữa đôi vợ chồng Mai - Tiến còn là khát vọng, ước muốn có con của người đàn bà trong thời chiến. Khát vọng bản năng đó khiến người đàn như mạnh bạo hơn, chủ động hơn khi kéo người đàn ông vào cuộc ân ái. “Người vợ kéo người chồng ngồi xuống cái nệm thơm ngát ấy. Cô ôm lấy anh. Và đôi môi nóng hổi của cô, bàn tay nóng hổi của cô, chợt làm Tiến hiểu ra tại sao Mai lại nói rằng đến cái lùm cây này mới chịu chia tay” [36]. Và rồi cuộc ái ân của họ diễn ra trong không gian thật đặc biệt dưới pháo sáng. Chính thứ ánh sáng của chiến tranh đó đã tô điểm thêm cuộc ân ái mặn nồng của đôi trẻ. Cũng dưới ánh sáng chập chờn ấy vẻ đẹp của người phụ nữ hiện ra cũng thật đẹp. “Yêu nhau trong rừng phi lao, dưới đèn pháo sáng. Mới đầu chỉ một hai quả ở xa, ánh sáng từ biển hắt vào yếu ớt nhưng cũng đủ để Tiến chiêm ngưỡng tấm thân mĩ miều của vợ. Một niềm kiêu hãnh thầm kín mà anh sẽ chẳng bao giờ nói ra. Đợt pháo sáng đầu tiên tắt lịm. Cái thân hình diễm ảo của nàng biến vào đêm đen. Rồi đợt pháo sáng thứ hai loé lên, rộ lên. Lần này pháo sáng nhiều hơn, và nằm ngang trên đỉnh đầu. Ánh sáng không lọt qua vòm cây nhưng từ ngoài hắt vào cũng đủ để Tiến nhìn


thấy cả núm vú hồng hồng của vợ, nhìn thấy cả cặp nhũ hoa của nàng. Ôi! Cái màu trắng tinh khiết ngọc ngà! Chúng là thứ màu ngà voi tinh khiết nõn nà. Giặc bắn tên lửa ầm ầm rất gần. Song hai vợ chồng quên hết. Họ không một chút sợ hãi”[36, tr.711-712]. Dư vị ngọt ngào của những phút giây ân ái đó đã theo Tiến vào chiến trường.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 118 trang tài liệu này.

Chuyện tình dục của Xim - Hạ vừa mang tính bản năng vừa mang tính sự trả nghĩa của người đàn bà với người đàn ông từng là chồng mình. Lúc còn trẻ, để thoả mãn bản năng trong con người, chuyện tình giữa hai người này diễn ra đến khi “trời long đất lở”. Sau nhiều năm đi tù trở về, trước “người đàn bà phây phây, rực rỡ‟‟ [36] cơn lũ bản năng đã cuốn phăng ý chí của Hạ “Hai cái cơ thể đồ sộ trần truồng đang cuốn lấy nhau, quằn quại, giãy giụa ngay trên mặt đất mát rượi. Hắn như đóng đinh vào người đàn bà. Có lúc người đàn bà như nghẹt thở trong cơn hạnh phúc. Mụ như thể bị bóp cổ rên ằng ặc vì sung sướng. Mụ quẫy đạp đùng đùng đến nỗi một cái gì đó vỡ choang mụ cũng chẳng hay. Họ làm tình ồn ĩ và dữ dội đến nỗi con chó xù của hắn nuôi đi hoang ở đâu về nó phải sán lại để chứng kiến. Nó tưởng đôi người là hai con quái vật”[36, tr.805-806].

Trong đời sống tình dục, có nhiều cuộc ân ái chỉ đơn thuần nhằm thoả mãn nhu cầu sinh lý nhưng cũng có những cuộc giao hoan có sức mạnh cảm hoá. Đó chính là chuyện tình của Khoai và Độ. Khoai vốn là cô gái ăn mày được Độ cứu sống bằng tình thương của những con người thấu hiểu cảnh đời. Đứng trước người con gái ấy, Độ nhận ra “Người đàn bà, dù hoàn cảnh làm cho xấu xí đi, vẫn toát ra được sự mềm mại, sự yếu duối, sự dịu dàng, sự an bình, sự hấp dẫn khó tả”[36]. Để rồi Khoai trở thành người đàn bà đằm thắm trong cuộc giao hoan “Cái đêm ân nghĩa mặn nồng. Thân xác họ đã thề thốt với nhau những lời nặng tình nhất. Họ chẳng nói lời thề non hẹn biển, nhưng họ biết rằng từ phút giây ấy, đời họ gắn chặt với nhau‟‟[36]. Khoai hiểu được

Nghệ thuật tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh qua “Đội gạo lên chùa” - 8


sức mạnh, sự quyến rũ của người đàn bà, nhất là những cử chỉ giao hoan. Sự mềm mại nữ tính đã khuất phục được sức mạnh nam tính. Vì thế cô Khoai đã thuyết phục được Độ không đi ăn cắp của người khác nữa. Chị mở lòng mình ra và hiến dâng tất cả cho người đàn ông “cái cử chỉ của người đàn bà cần đến cái sức mạnh đàn ông, thèm khát cái sức mạnh hừng hực của một đấng nam nhi, cái cử chỉ mềm mại, yếu đuối như mong muốn chở che, có biết đâu lại có một quyền lực chi phối mà người đàn ông không hề hay biết”[36, tr2.95]. Đêm ấy “chị đằm thắm hơn bao giờ hết”[36].

Xây dựng nhân vật bản năng, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã tạo cho tác phẩm một sự tươi mới, thẫm đậm tính phồn thực. Điều đó giúp cho tác phẩm bớt đi sự khô khan của các sự kiện lịch sử, tạo nên sự đam mê, cuốn hút lòng người. Đồng thời cũng thể hiện cái nhìn nhân văn, nhân bản của nhà văn về con người. Nhà văn muốn khẳng định và tôn trọng những nhu cầu mang tính bản năng của con người bởi nó là một phần không thể thiếu trong đời sống con người.

2.2.4. Các nhân vật khác

Ngoài các kiểu nhân vật đặc sắc kể trên, trong Đội gạo lên chùa còn có một số kiểu nhân vật khác. Những nhân vật kiểu này khá quen thuộc trong văn học Việt Nam, nó làm cho tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh càng đậm màu sắc truyền thống.

Đó là những người phụ nữ chịu thương, chịu khó, hết lòng vì gia đình, quê hương đất nước như: bà nội sư Vô Uý, bà vãi Thầm, Nguyệt, Huệ …. Bà nội sư Vô Uý là một người phụ nữ thông minh, có học, đảm đang… Khi con trai bị bắt đi đày ở Côn Đảo một mình bà ở nhà nuôi hai anh em Trường, Sinh nên người. Từ khi Vô Uý còn nhỏ bà đã dạy Vô Uý học chữ Hán, chữ Nho và cả chữ Pháp, làu thông kinh luân, biết làm việc đồng áng, làm nghề thuốc cứu giúp mọi người. Hay nhân vật Nguyệt đối với An như một người mẹ thứ hai.


Nguyệt đã dang tay che chở cho đứa em của mình: bế em đi xin sữa khi em còn nhỏ, chạy giặc chọn phần nguy hiểm dành nơi ẩn nấp cho em… Là một công dân, Nguyệt tham gia làm liên lạc cho cách mạng, khi hoà bình cùng mọi người dựng xây đất nước. Đó còn là cô bé Huệ con của chính uỷ Vô Trần và bà Nấm vốn cũng là nạn nhân của cải cách ruộng đất đã phải cùng mẹ bỏ trốn khỏi làng. Trong cách mạng Huệ là một y sỹ tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Hoà bình lập lại với thương tật của chiến tranh nhưng Huệ đã vượt lên những trở ngại để cùng An xây dựng hạnh phúc gia đình và đem hạnh phúc đến cho người khác bằng việc chữa bệnh cho mọi người. Qua những nhân vật này, Nguyễn Xuân Khánh khắc hoạ đậm hơn vẻ đẹp tâm hồn, tính cách của người phụ nữ Việt Nam.

Trong Đội gạo lên chùa nhà văn xây dựng loại nhân vật mà ông gọi là “quái nhân”. Loại nhân vật này cũng khá gần với Chí Phèo, Binh Chức trong tác phẩm của Nam Cao. Đó là ông cụ Khố chồng vãi Thầm suốt ngày bì bõm ngoài đồng như con rái cá. Đêm thì nằm ngủ trên những cái mả ở bãi tha ma. Cách ăn mặc khác người “Từ sáng cho đến tối, lúc nào cũng trần như nhộng. Trên mình chỉ có một chiếc khố”[36]. Đó còn là những nhân vật có ngoại hình khác người như ông Xuân, như Hạ. Hai bố con Xuân, Hạ thuộc vào loại người to lớn ngoại khổ. Ông Xuân thì bị cho là “cuồng dâm”, còn Hạ thì có tướng “siêu đực”. Chính vì vậy, họ sinh ra để chịu cô đơn, các cô gái đều sợ họ. Xây dựng những nhân vật dị biệt này, nhà văn muốn khẳng định, con người có thể vẻ bề ngoài kì dị nhưng họ luôn có tâm hồn và phẩm chất tốt đẹp, lương thiện. Ông Xuân là một người hiền lành, làm việc đồng áng giỏi. Còn Hạ là người biết trọng nghĩa, biết ơn những người cưu mang mình. Trong cuộc cải cách, vợ Hạ đã tố điêu cho nhà ông trưởng bạ nên Hạ đã đuổi mẹ con Xim ra khỏi nhà và đốt nhà. Việc làm ấy đã khiến Hạ bị Đội Khoát kết tội là phần tử Phản động giai cấp bần cố.


Có thể thấy, trong Đội gạo lên chùa nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã xây dựng được một hệ thống nhân vật đặc sắc, về kiểu loại cũng rất sinh động. Qua mỗi kiểu loại nhân vật nhà văn đưa người đọc cùng tham gia đối thoại để từ đó đưa ra những kiến giải riêng của mình về vấn đề lịch sử, con người, văn hoá tôn giáo….

2.3. Nghệ thuật thể hiện nhân vật

Trong Đội gạo lên chùa, nhà văn nguyễn Xuân Khánh đã xây dựng được một thế giới nhân vật phong phú, sinh động. Mỗi nhân vật trong tác phẩm hiện lên đều có tính cách, ngoại hình và số phận riêng. Chính vì thế khi đọc tác phẩm độc giả có thể lưu giữ những ấn tượng riêng về mỗi nhân vật mà không hề bị nhầm lẫn giữa các nhân vật với nhau. Để khắc hoạ thành công thế giới nhân vật trong Đội gạo lên chùa, tiểu thuyết gia Nguyễn Xuân Khánh đã vận dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật trên cơ sở kế thừa các thủ pháp nghệ thuật truyền thống đồng thời có sự tìm tòi, đổi mới.

2.3.1. Nghệ thuật thể hiện nhân vật qua miêu tả ngoại hình

Người Việt Nam thường có câu “Trông mặt mà bắt hình dong”, tức là nhìn vào vẻ bề ngoài có thể nhận biết, đánh giá về tính cách, số phận của mỗi người. Tuy ngoại hình không phải yếu tố hàng đầu để đánh giá tính cách, nhân phẩm của mỗi con người nhưng cũng là yếu tố góp phần thể hiện tính cách mỗi cá nhân. Trong Đội gạo lên chùa nhà văn đã đi vào miêu tả chi tiết ngoại hình của các nhân vật, từ đó mỗi nhân vật hiện lên với một dáng vẻ riêng.

Vị trụ trì ngôi chùa Sọ Vô Uý là con người thuần hạnh, chân tu được thể hiện qua ngoại hình: “Sư cụ lúc ấy chừng ngoài sáu mươi tuổi. Trông cụ như một lão nông. Cái đầu nhẵn thín. Lông mày dài đã bạc. Cái mũi to. Đôi mắt hơi xuôi xuống gò má. Răng đen. Đôi môi dày lúc nào cũng như thoáng cười. Người gầy gò tưởng như rất yếu đuối”[36]. Dáng vẻ bên ngoài cư sư cụ tạo nên sự gần gũi và luôn toát lên sự lạc quan với đời. Vô Trần khi mười bảy,


mười tám tuổi “mặt sáng như trăng rằm, ăn nói mềm dẻo”, bàn tay “Những ngón tay dài, lúc nào cũng đỏ như son, lúc nào cũng ấm áp”[36] và khi đã trưởng thành, trở thành một nhà cách mạng “người dong dỏng cao, dáng thư sinh…đôi lông mày rất đen, đôi mắt tươi tắn sáng quắc”[36, tr.165]. Rồi khi trở thành một chính uỷ: „„Đó là con người cao lỏng khỏng, xương xương, lưng hơi cong ra phía sau. Đôi mắt có lòng đen lòng trắng phân minh, thứ con mắt có ánh sáng dịu”[36, tr.777]. Qua đó có thể thấy vị sư cách mạng này là người thẳng thắn, chính trực. An được miêu tả là “một chàng trai cao cao gầy gầy. Đầu cạo trọc nhẵn. Môi đỏ. Mắt sáng. Trán rộng. Trẻ măng mà đã có những nếp nhăn…nước da ngăm ngăm”[36, tr.635]. Mới nhìn ngoại hình của An người ta dễ nhầm tưởng đây là một anh chàng thư sinh chứ không phải là một nhà sư. Sư Khoan Độ vốn từng là thủ lĩnh của một toán cướp được sự cảm hoá của sư cụ Vô Uý đã tự nguyện trở thành người bảo vệ Phật pháp được miêu tả “người đen nhẻm, tóc rễ tre, mắt trắng dã, cao lớn, tay dài như vượn, da thịt rắn chắc tựa gỗ lim”;“ cái đầu nhẵn thín… Sư Độ có tướng mạo dữ dằn, có đôi mắt lồi trắng dã. Thân hình ông cao lớn, nhìn chỉ thấy xương là xương. Chân tay như khúc tre đực lắp vào cơ thể”[36]. Với dáng vẻ bề ngoài hung tợn khiến cho ai lần đầu gặp sư Khoan Độ đều cảm thấy khiếp sợ. Nhưng đằng sau cái vẻ cục cằn, thô ráp kia là tiếng cười sảng khoái, hồn nhiên khiến cho mọi cảm giác ban đầu về ngoại hình đều biến mất. Vốn xuất thân là nông dân nên vẻ ngoài của Trắm được nhà văn phác hoạ bằng những nét dứt khoát “Trắm mười bảy tuổi mà như chàng trai hai mươi. Mặt mũi sáng sủa. Nhanh nhẹn, hoạt bát. Ngực nở như vú đàn bà. Tay như tay vượn, lưng như lưng gấu”[36]. Ở Trắm toát lên vẻ đẹp cường tráng của người dân lao động. Ông cụ Xuân, một “quái nhân” được vẽ bằng nét tạo hình “cao chừng một mét tám, chân tay vạm vỡ”[36]. Chính cái vẻ bề ngoài cao lớn khác thường đó khiến ông Xuân bị cả làng xa lánh, phải bỏ làng mà đi. Hạ - con


trai ông Xuân: bàn tay “quăn queo sần sùi, màu sắc đỏ như máu. Đường trái tim không có. Nó hợp với đường trí não thành một đường”; „„lưng gấu, đôi cánh tay dài như vượn”; „„lộ nhãn, lộ xỉ, lộ hầu”[36]. Với bề ngoài đó người ta thường cho rằng Xuân là một quái nhân, là “người siêu đực”. Tây lùn Bernard được miêu tả với những đặc điểm khiến người ta dễ lầm tưởng là người lương thiện: có tầm vóc trung bình của người Việt, cao 1m60, bề ngang hơi to bè, đứng cạnh Tây thì hắn lùn; bộ tóc rậm và đen nhánh; da trắng, mũi lõ, mắt xanh, đôi mắt xanh khá đẹp hơi nữ tính, đôi mắt hơi dài và hàng mi dài. Với dáng vẻ bề ngoài đó khiến cho nhiều người nhầm tưởng đây là con người hiền lành, nhất là khi nhìn vào đôi mắt. Chính vì vậy mà xã Chích đã có chút yên tâm khi bị Bernard tra hỏi.

Trong tác phẩm của mình, Nguyễn Xuân Khánh luôn ưu ái khi viết về người phụ nữ. Bởi “người đàn bà là một vật quý hiếm. Tạo hoá sinh ra người đàn bà đẹp là để dâng hiến tô điểm cho cuộc sống trần gian”[36]. Vì thế, các nhân vật nữ trong tác phẩm hiện lên đều toát lên vẻ đẹp nữ tính, căng tràn nhựa sống.

Cô Thêu năm 18 tuổi “cái hông tròn lẳn bao nhiêu là hứa hẹn, đôi vú thây lẩy mà lại săn chắc đủ để tạo nên sự mĩ miều từ những đường cong, đôi lông mày cong vừa phải, to vừa phải, xanh mướt sức sống, đôi mắt sáng mà dịu gợi những khao khát đằm thắm, nó hé lộ cái cửa sổ tinh tế chứ không ánh lên cái sắc tựa dao cau”[36, tr.473]. Và thế là trong mắt ông Chánh Long cô Thêu trở thành một mỹ nhân của làng Sọ, trở thành “vưu vật hiếm‟‟.

Hay bà Bệu vợ lẽ của Lý Phượng “Thời con gái, bà không đẹp, nhưng là người đàn bà rực rỡ. Cái sức xuân phây phây lúc nào cũng hừng hực tỏ lộ trên con người bà. Mặt tròn vành vạnh, da mượt má màu hoa đào. Thân thể mỡ màng, tươi tắn, lúc nào cũng sẵn sàng mời gọi”[36, tr.468]. Không sở hữu vẻ đẹp sắc nước hương trời nhưng bà Bệu lại có vẻ đẹp của sự tươi trẻ, phóng túng.

Xem tất cả 118 trang.

Ngày đăng: 29/05/2024
Trang chủ Tài liệu miễn phí