Nghệ thuật tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh qua “Đội gạo lên chùa” - 11


truyện sẽ góp phần tạo nên sức mạnh thuyết phục của chủ đề và tư tưởng của tác phẩm. Nghệ thuật tổ chức cốt truyện là một thao tác quan trọng trong việc thể hiện quan điểm nghệ thuật của nhà văn.

Về phương diện kết cấu và quy mô nội dung có thể chia cốt truyện thành hai loại: cốt truyện đơn tuyến và cốt truyện đa tuyến. Trong cốt truyện đơn tuyến hệ thống sự kiện được tác giả kể lại gọn gàng, đơn giản về số lượng, tập trung thể hiện phát triển tính cách của một vài nhân vật chính; dung lượng vừa hoặc nhỏ. Còn cốt truyện đa tuyến trình bày một hệ thống sự kiện phức tạp, nhằm tái hiện nhiều bình diện của đời sống ở một thời kỳ lịch sử, tái hiện những con đường diễn biến phức tạp của nhiều nhân vật, có dung lượng lớn.

Tiểu thuyếtĐội gạo lên chùa là tác phẩm viết về một thời kì lịch sử đầy biến động với hệ thống nhân vật phong phú. Sức hấp dẫn của tác phẩm chính là nghệ thuật tổ chức cốt truyện theo tâm lý nhân vật của nhà văn. Đây cũng chính là sự sáng tạo, đổi mới của nhà văn về phương diện kết cấu trong tiểu thuyết lịch sử.

Tổ chức cốt truyện theo tâm lý nhân vật là loại cốt truyện phổ biến trong văn xuôi Việt Nam hiện đại. Đây là hình thức lấy trạng thái tâm lý của nhân vật làm cơ sở cho truyện. Những tác phẩm có kiểu tổ chức cốt truyện tâm lý, tác giả chủ yếu xoay quanh những trạng thái tâm lý của nhân vật để làm nổi bật vấn đề, còn các sự kiện thì bị giản lược.

Tiểu thuyết Đội gạo lên chùa của Nguyễn Xuân Khánh được xây dựng trên hai chủ đề lớn: chủ đề phật giáo như một văn hoá lớn của người Việt từ quá khứ đến hiện tại và chủ đề chiến tranh và cách mạng. Vì thế trong tác phẩm nhà văn đã sắp xếp các sự kiện lịch sử nổi bật của thế kỉ XX: kháng chiến chống Pháp, cải cách ruộng đất, kháng chiến chống Mỹ và những ngày đầu đất nước thống nhất trong tương quan với sự tồn tại của Phật giáo - gắn


với chùa Sọ. Trước những diễn biến của thời đại, ngôi chùa Sọ và những người dân gắn với nó đều chứng kiến, can dự vào những ngày tháng lịch sử của dân tộc. Tuy nhiên nhà văn không đi sâu vào liệt kê các biến cố, sự kiện lịch sử, bởi làm như vậy tiểu thuyết sẽ thành sử liệu và nhà văn trở thành người chép sử. Đọc Đội gạo lên chùa, người đọc quên đi cốt truyện sự kiện, bị cuốn theo những dòng cảm xúc, tâm trạng của nhân vật, chủ yếu là qua nhân vật An. Qua tâm trạng của nhân vật An người đọc có thể nắm bắt được cốt truyện: đó là tâm trạng đau đớn của đứa trẻ có cha và mẹ đều bị giết trong trận càn của giặc Pháp. Khi được xuống tóc đi tu An vẫn mang trong mình nỗi cô đơn tủi hờn, thấm nhuần tư tưởng của nhà Phật nhưng nội tâm vẫn có những giằng xé của con người thế tục. Đó là sự lo lắng khi người thân gặp nạn, là nỗi đau đớn xót xa khi người bạn thân chọn cái chết để giữ cho tâm hồn mình trong sáng, là sự căm hận khi chứng kiến cái ác, sự hoài nghi về lẽ sống của đạo Phật… Đồng thời thông qua cảm xúc, tâm trạng của những hồi tưởng đan xen với hiện tại những mảnh đời, số phận các nhân vật cũng như những biến cố lịch sử dần hiện lên. Xây dựng cốt truyện tâm lý khiến cho các thành phần của cốt truyện biến đổi linh hoạt. Nhà văn đã sử dụng thủ pháp đồng hiện đan cài giữa quá khứ và thực tại khiến cho nhiều chuyện kể trong tác phẩm không theo trật tự lôgíc thông thường. Có những lúc tâm trạng đang ở thời hiện tại lại thức dậy với những cảm xúc thời quá khứ. Khi mới vào chùa, An sống với những kí ức về những ngày sống hạnh phúc bên gia đình, rồi hình ảnh cha mẹ bị giết trong trận càn. Hay những đoạn hồi ức về Rêu, về cái chết của Rêu, về những lần gặp Huệ…Trong Đội gạo lên chùa người đọc có thể thấy lịch sử được nhìn qua tâm lý nhân vật và qua tâm lý nhân vật chúng ta nhìn thấy những dòng chảy lịch sử .

3.1.3. Kết cấu không - thời gian

Con người, trong cuộc đời của mình luôn tồn tại và phát triển gắn liền với một không gian, thời gian sống cụ thể. Ở đó, mỗi cá nhân đều ít nhiều

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 118 trang tài liệu này.


chịu sự tác động của lịch sử về các phương diện như: tính cách, tâm lý, lập trường tư tưởng, số phận…Trong tác phẩm, các hình tượng nghệ thuật cũng tồn tại trong một không gian và một khoảng thời gian nào đó. Không gian và thời gian nghệ thuật gắn với cảm thụ mang tính chủ quan và đậm dấu ấn cá tính sáng tạo của nhà văn. Qua cách nhà văn xây dựng, tổ chức không - thời gian trong tác phẩm, người đọc có thể phát hiện và cảm nhận được ý đồ nghệ thuật, những tư tưởng mà nhà văn gửi gắm trong tác phẩm.

Nghệ thuật tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh qua “Đội gạo lên chùa” - 11

Tiểu thuyết lịch sử viết về một thời kì lịch sử nên những sự kiện, biến cố, nhân vật…đều gắn với không gian, thời gian cụ thể của giai đoạn lịch sử đó. Tuy nhiên, tất cả các yếu tố đó được tái hiện qua cái nhìn của nhà văn ở thời hiện tại nên không gian mang tính tái tạo.

Không gian trong tác phẩm văn học không phải là không gian vật chất, địa lý đơn thuần mà là một hiện tượng nghệ thuật. Không gian nghệ thuật là “Hình thức bên trong của hình tượng nghệ thuật thể hiện tính chỉnh thể của nó. Sự miêu tả, trần thuật trong nghệ thuật bao giờ cũng xuất phát từ một điểm nhìn, diễn ra trong một trường nhìn nhất định, qua đó thế giới nghệ thuật cụ thể, cảm tính bộc lộ toàn bộ quảng tính của nó: cái này bên cạnh cái kia, liên tục, cách quãng….”[23]. Trong tiểu thuyết Đội gạo lên chùa không gian chính bao trùm cốt truyện là không gian lịch sử và không gian văn hóa. Hai không gian này cùng song hành, đan bện, có mối quan hệ qua lại với nhau. Không gian lịch sử là không gian của các sự kiện, diễn biến lịch sử trong tác phẩm: chiến tranh chống Pháp, không gian của cuộc cải cách ruộng đất, không gian của những trận chiến trong kháng chiến chống Mỹ…Không gian văn hoá gắn liền với tín ngưỡng, tôn giáo: đạo Phật, đạo Thiên chúa… Trong tác phẩm, các nhân vật thường đắm mình trong không gian văn hoá Phật giáo. Không gian lịch sử gắn với những âm mưu, thủ đoạn, sự tàn độc thì không gian văn hóa chính là không gian của tâm linh, của sự yêu thương, che chở. Ở


Đội gạo lên chùa chính không gian lịch sử lại là cái phông cho không gian văn hoá. Trong sự biến động của lịch sử thì văn hoá tâm linh của người Việt vẫn tồn tại cho dù có lúc thịnh lúc suy nhưng không bao giờ tàn lụi. Trong mắt những kẻ đi xâm lược thì những người theo Phật giáo là “lũ dân mê tín, ngu muội”, hay trong cải cách ruộng đất thì bị coi là “phản động”. Song đối với đại bộ phận người dân Việt thì văn hoá, nhất là văn hoá tâm linh luôn là điểm tựa tinh thần “Người nam sinh hoạt ở đình, người phụ nữ sinh hoạt ở chùa. Vì vậy tinh thần Phật giáo thấm vào xã hội thông qua người mẹ, người vợ”[36, tr.255]. Con người thường đến với ngôi chùa để tìm thấy phần sâu sắc nhất của tâm hồn mình, đặc biệt là trước những khổ đau của cuộc đời ngôi chùa là nơi giúp con người được an ủi, được nâng đỡ, được tiếp thêm nghị lực sống từ tâm từ, bi, hỉ, xả của Phật. Bà nội của sư Vô Uý nhờ ánh sáng từ bi mà có thêm nghị lực nuôi cháu khi con trai bị đày ra Côn Đảo, bà Thêu năng đi chùa hơn khi Rêu chết, bà Thu cũng làm nên cơ nghiệp từ lòng nhân từ của sư Diệu Tâm…Có thể thấy, các nhân vật trong Đội gạo lên chùa đều có xu hướng tách khỏi không gian lịch sử để trở về với không gian văn hoá.

Trong Đội gạo lên chùa không gian thực chủ yếu là không gian hẹp: không gian ngôi nhà như nhà của Chánh Long, nhà thầy giáo Hải, nhà bà Nấm, chùa Sọ, làng Sọ…Rộng hơn chút nữa là không gian xóm cầu Gỗ, xóm Cầu Tre, xóm Cây Găng, xóm ngõ Bò, vườn hoa Paster ở Hà Nội. Không gian được mở rộng hơn khi xoay quanh các tỉnh Bắc Bộ. Ngoài ra trong tác phẩm cũng có không gian chiến trường nhưng đây không phải là không gian chủ đạo. Không gian chùa Sọ, làng Sọ là không gian chính diễn ra mọi biến cố lịch sử, sinh hoạt của người dân. Trong không gian ấy người dân trực tiếp chứng kiến, can dự, phải chịu những đau thương mất mát của lịch sử. Vì thế không gian này cũng chính là không gian lịch sử xã hội Việt Nam lúc bấy giờ.


Từ ngôi chùa Sọ, làng Sọ nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã cho người đọc trở về thời kỳ lịch sử đầy biến động, đau thương của dân tộc ta .

Kết cấu thời gian trong Đội gạo lên chùa cũng có những khác biệt so với việc tổ chức thời gian trong các tiểu thuyết lịch sử truyền thống. Ở tác phẩm Đội gạo lên chùa nhà văn Nguyễn Xuân Khánh không quá câu nệ vào các sự kiện lịch sử và tiến trình xảy ra các sự kiện ấy. Các mốc thời gian chỉ là cái khung hờ để nhà văn tái hiện lại thời gian của thời đại. Thời gian của câu chuyện kể trong tác phẩm tương đối dài từ những năm chống Pháp trước năm 1945 đến những ngày đầu thống nhất đất nước. Với khoảng thời gian hơn 30 năm nhà văn có điều kiện tái hiện bức tranh toàn cảnh về đời sống người dân đến những biến động về chính trị, tư tưởng, văn hoá của thời kỳ lịch sử hào hùng song cũng đầy đau thương của dân tộc Việt Nam.

Thời gian của các sự kiện lịch sử được nhắc đến rất ngắn gọn mang tính chất thông báo: 9 tháng 3 năm 1945 Nhật đảo chính Pháp, cách mạng tháng Tám năm 1945, năm 1946, 1957, năm 1950 quân Pháp tấn công lần thứ hai…Thời gian trong cốt truyện, nhất là ở từng chương có sự đảo lộn, có sự đan xen, đồng hiện giữa quá khứ và hiện tại. Có thể hình dung mô hình thời gian của tác phẩm như sau : hiện tại 1 - quá khứ - hiện tại 2. Trong đó hiện tại hai chính là sự phát triển tiếp của hiện tại một. Chẳng hạn phần mở đầu tác phẩm nhà văn giới thiệu sự kiện ở thời điểm hiện tại: chị em Nguyệt, An đến xin sư trụ trì chùa Sọ cho nương rồi mới quay trở lại thời gian sự kiện đã xảy ra trong quá khứ qua câu chuyện kể lại của Nguyệt và cuối chương là việc sư cụ Vô Uý đồng ý cho hai chị em đựơc ở lại chùa. Hay khi giới thiệu về tây lai Bernard, xuất hiện là sỹ quan phòng nhì với những tội ác, sau đó nhà văn quay ngược về thời gian quá khứ từ việc bà Thu mẹ Bernard xin đi tu, không theo đựợc đường tu rồi lấy một người lính Pháp và sinh ra Bernard, lý giải


nguyên nhân vì sao Bernard trở nên tàn bạo. Với thủ pháp đồng hiện về thời gian, nhà văn đã tạo được sức lôi cuốn người đọc trong việc dẫn các sự kiện .

Trong Đội gạo lên chùa, nhà văn còn sử dụng hình thức gián cách về thời gian. Nhiều khi cốt truyện đang phát triển theo tuyến tính thì đột nhiên nhà văn lại kéo người đọc quay trở về quãng thời gian trước đó hoặc tiến lên hàng chục năm. Chẳng hạn ở phần I, chương 15 đang nói về việc sư Khoan Độ đưa Nguyệt đi trốn đến nhà bà Nấm, sư Khoan Độ ở đó một tháng dạy Căn học võ rồi chia tay Nguyệt trở về am nhỏ sau lưng núi Yên Tử; chương 16 lại là câu chuyện của sư Vô Uý về đệ tử Khoan Hoà của mình, thời gian lùi về quá khứ khi sư Vô Uý mới đi tu; chương 17 bắt đầu với việc sư Khoan Độ cùng Nguyệt đi tìm nhà bà Nấm sau khi trốn khỏi chùa.…

Thời gian trong hơn tám trăm trang sách của Đội gạo lên chùa là thời gian của những biến động lịch sử cũng như những thăng trầm của một tôn giáo - Đạo Phật. Người đọc không chỉ thấy thời gian lịch sử đóng khung trong những sự kiện của thế kỷ XX mà nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã tạo một độ lùi khá xa về thời gian.Nhà văn còn đưa người đọc trở về với thời gian của hàng nghìn, hàng trăm năm trước của sự phát triển đạo Phật với câu chuyện kể về Đức Thế Tôn 2500 năm trước, về thời Lý, thời Trần với vua Trần Nhân Tông sau hai lần chống quân Nguyên đã trở đệ nhất tổ thiền phái Trúc Lâm…Có thể thấy, thời gian của những sự kiện lịch sử kết thúc khi tác phẩm kết thúc nhưng thời gian tiểu thuyết của câu chuyện về sự trường tồn của một văn hoá lớn như Phật giáo thì chưa dừng lại mà kéo dài từ quá khứ đến hiện tại và cả tương lai.

Như vậy, với việc xây dựng thời gian lịch sử gắn với thời gian của nhân vật trong sự đan xen, đồng hiện giữa quá khứ - hiện tại, thủ pháp gián cách về thời gian Đội gạo lên chùa đã giúp cho người đọc thấy được sự song hành của văn hoá (cụ thể là đạo Phật) và dân tộc trong những bước đi lịch sử.


3.2. Nghệ thuật tự sự

3.2.1. Điểm nhìn tự sự

Trong tiểu thuyết lịch sử truyền thống trần thuật theo ngôi thứ ba vô nhân xưng là chủ yếu. Tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Xuân Khánh nói chung và Đội gạo lên chùa nói riêng nhà văn đã có những đột phá về điểm nhìn trần thuật. Trong tác phẩm nhà văn đã xây dựng nhiều điểm nhìn khác nhau, luôn có sự đan xen, chuyển đổi điểm nhìn: cứ một chương do nhân vật An xưng Tôi kể xen kẽ với một chương do người thứ ba giấu mặt kể. Nhà văn đã tạo lập cho tác phẩm hai trường nhìn: trường nhìn người kể chuyện khách quan và trường nhìn nhân vật. Đây chính là sự kết hợp giữa người kể chuyện từ điểm nhìn bên ngoài và người kể chuyện từ điểm nhìn bên trong. Người kể chuyện từ điểm nhìn bên ngoài là người biết hết mọi sự việc, luôn theo dõi nhân vật, sự kiện nhưng dường như không trực tiếp can thiệp vào câu chuyện. Còn người kể chuyện bên trong chính là nhân vật An, xưng Tôi. Với tinh thần gia tăng tính đối thoại nhà văn đã trao cho nhân vật của mình quyền ngang hàng với người kể chuyện từ điểm nhìn bên ngoài. Để nhân vật tự kể chuyện tác giả có nhiều thuận lợi để quan sát, giãi bày, phân tích thế giới tâm hồn nhân vật. “Tôi‟‟ là người kể chuyện đồng thời là nhân vật trong câu chuyện đó. “Tôi” kể lại chuyện của “tôi” và “tôi” kể lại chuyện tôi được chứng kiến hoặc được nghe lại. Những gì “tôi” kể đều được cảm nhận thông qua cái nhìn của chính tôi. Hình thức người kể chuyện xưng “tôi” khiến cho câu chuyện được nhìn qua lăng kính chủ quan, tái hiện được nội tâm của chính nhân vật. Chẳng hạn khi nhân Vật An kể về chuyện sư Vô Uý bị bắt giam ở nhà giam Phòng nhì người đọc thấy được nhiều cung bậc cảm xúc của nhân vật. Sư Vô Uý như người cha thứ hai của An vì thế khi nhà sư bị bắt, An cảm thấy cô đơn, sợ hãi, muốn được an ủi cho dù đó chỉ là “cái mùi gây gây, hôi hôi thân thuộc”[36] toát ra từ con Vàng. Đó còn là tâm trạng lo lắng xen lẫn hoài nghi


“Nhưng liệu sức người có chống đỡ nổi cơn bão táp phong ba này không?” [36]. Khi bị tây lai Bernard chửi, đánh, xua đuổi không cho vào gặp sư thầy lòng An dâng tràn nỗi oán hận “Nó những lớp sóng bạc đầu nối tiếp nhau xô vào đầu óc tôi dồn dập. Tôi khóc với đôi mắt đỏ ngầu, bàn tay nắm chặt”[36]. Với cách kể chuyện từ điểm nhìn bên trong, tính chân thực trong cảm xúc và tâm trạng nhân vật được đẩy lên cao, xúc động hơn lôi cuốn người đọc và tạo cho người đọc cảm tưởng đó cũng là câu chuyện của mình.

Để làm nổi bật tính cách, suy nghĩ của nhân vật, nhà văn đã để nhân vật được soi chiếu dưới nhiều điểm nhìn khác nhau, tránh được sự khiên cưỡng, áp đặt của người trần thuật. Nhân vật sư Vô Trần được nhìn từ nhiều điểm nhìn khác nhau: Trong cái nhìn của Sư Vô Chấp thì Vô Trần là “Con người qua đỗi nhiệt tình. Từ lúc ta mới gặp con cũng vậy. Vì thế ta vừa yêu con vừa lo lắng cho con”[36, tr.93]; sư Khoan Độ nhận xét về Vô Trần “Là một người uyên thâm, bền chí. Lúc ở chùa, sư thúc được sư tổ yêu qúy nhất. Sư thúc làu thông kinh - luận. Lúc hoàn tục, sư thúc cũng là người xuất sắc”[36, tr.113]; trong cái nhìn của Huệ - một người con thì Vô Trần hiện lên là một người cha mẫu mực, tài giỏi “Một con người thực hiền, thực giỏi giang” [36]; sư Vô Uý nói về sư đệ của mình “Đó là một con người thông minh tuyệt trần. Học một biết mười. Nhất là có ý chí kiên cường. Mới còn nhỏ xíu, ngửi thấy mùi hương giải thoát của đức Phật đã quyết tâm bỏ nhà đi tu. Rồi khi hiểu ra cái nhục nước mất nhà tan lại trở thành cán bộ Việt Minh”[36, tr.167]; trong con mắt của bà cụ Thư “Cậu ta có tướng thật phúc đức. Hai cái tai to dài như tai Phật”[36 ]; trong cái nhìn của An “Tôi thấy ông có một niềm tin tự cường của một phật tử. Cộng vào đó là niềm tin của một người cách mạng”[36, tr.787]. Như vậy, qua các nhận xét, đánh giá của các nhân vật đã cho người đọc thấy được nhà sư cách mạng Vô Trần hiện lên với các phương diện: bề ngoài, tính cách và số phận.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 29/05/2024