Nghệ thuật tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh qua “Đội gạo lên chùa” - 7


Để rồi nhà sư mười bảy, mười tám Vô Trần đã có những rung động của con người trần tục không cưỡng lại được việc nghĩ đến cô Nấm. Mặc dù Vô Trần đã làm mọi việc như quét dọn sân chùa, thắp hương, tụng kinh gõ mõ để quên hình ảnh cô Nấm nhưng càng làm thì lòng càng rối bời không yên. “Tâm hồn chàng bỗng như chú ngựa hoang, không chịu sự sai khiến. Nó muốn rong chơi. Nó muốn hí dài rồi cong đuôi lên, nhìn bầu trời bát ngát”[36]. Đây chính là tâm trạng của cậu thiếu niên mới lớn, lần đầu gặp một người con gái với rung động của một chàng trai với khát khao của tuổi trẻ. Trốn mãi cũng không được, cuối cùng Vô Trần quyết định đối mặt với thực tại. Đây chính là bước ngoặt, ngã rẽ tiếp theo của nhân vật Vô Trần. Một lần nữa cậu bé Trần ngày nào lại tiếp tục tùy duyên với số phận của mình. Nguyễn Xuân Khánh đã đặt nhân vật vào một tình huống khiến nhân vật phải tự lựa chọn, tự chịu trách nhiệm về những việc mình làm. Thầy của Vô Trần không có ở chùa vì thế mọi việc đều do nhà sư trẻ này tự quyết định. Trước đây cậu bé Trần đã quyết dứt mùi tục bằng việc xin đi tu thì nay Vô Trần quyết định phá giới trở về với cuộc sống thế tục. Để rồi Vô Trần đến với cô Nấm bằng lý lẽ “việc đã trốn không nổi, thì thà cứ đương đầu với nó cho xong”[36]. Vô Trần đến với cô Nấm và họ say đắm trao duyên cho nhau. Chính quyết định phá giới của Vô Trần mà nhà sư này đã cùng cô Nấm phải bỏ chùa, bỏ làng mà đi bởi ở lại họ cũng không thể tiếp tục sống được ở làng Sọ này. Bởi “Trăm năm bia đá cũng mòn/ Nghìn năm bia miệng hãy còn trơ trơ”, thuần phong mỹ tục của người Việt không chấp nhận việc sư bỏ tu đi lấy vợ và nhất là người đàn bà đi mê hoặc nhà sư. Có thể thấy nhân vật sư Vô Trần là người rất “bản lĩnh” khi quyết định cởi bỏ áo tu hành để đến với tiếng gọi của tình yêu, đến với cô Nấm.

Lựa chọn trở thành nhà tu hành là sự tùy duyên đầu tiên của cậu bé Trần, việc phá giới lấy vợ sinh con là sự tùy duyên thứ hai của Vô Trần. Và một lần nữa Nhà sư với Pháp danh Vô Trần tiếp tục tùy duyên khi quyết định


trở thành nhà một cách mạng. Sống trong thời kỳ bão táp của lịch sử, Vô Trần cũng như bao người Việt Nam yêu nước đều căm thù giặc Tây tàn ác, vì thế khi được giác ngộ đã bén duyên và trở thành nhà sư cách mạng. Vô Trần tham gia hoạt động bí mật khu vực quanh làng Sọ và trở thành sợi dây liên lạc của cách mạng với ngôi chùa Sọ. Mặc dù không tu ở chùa những Vô Trần vẫn mang trong mình những giáo lý nhà Phật. Vậy việc trở thành nhà cách mạng có khó quá không khi Vô Trần cũng thấm nhuần từ, bi, hỉ, xả của nhà Phật? Ở nhân vật Vô Trần ta thấy được sự dung hoà giữa đạo và đời, sự lựa chọn của mỗi cá nhân trước hoàn cảnh lịch sử, trước vận mệnh chung của cả cộng đồng dân tộc. Vô Trần không chỉ là một chiến sỹ cách mạng mà còn trở thành vị chỉ huy có tài, trở thành Trung tá - chính uỷ. Chính uỷ Vô Trần đã trả lời An về lý do đi theo cách mạng như một sự lựa chọn cá nhân về tùy duyên lạc đạo của mình “Lúc còn trẻ, sở dĩ ta theo đạo Phật bởi vì đạo Phật nói đến nỗi khổ của kiếp người, và tìm cách giải quyết nỗi khổ. Đó là con đường bát chánh đạo và lòng từ bi vô bờ bến. Đạo thiên Chúa cũng muốn giải quyết nỗi khổ bằng tình yêu thương. Đó là tính nhân bản vĩ đại của các tôn giáo lớn. Đó cũng là sự hấp dẫn của các tôn giáo. Trong thời hiện đại, cách mạng cũng muốn giải quyết nỗi đau khổ của con người. Và cũng chính nó tạo ra sự hấp dẫn của cách mạng. Vì thế nhiều người nói, trong thời hiện đại, cách mạng gần giống như một tôn giáo. Nói chung cả Phật giáo, Thiên chúa giáo và cách mạng đều cố công xây dựng Thiên đường. Nhưng Thiên đường của Chúa thì sau khi chết mới biết. Cõi Tây phương cực lạc của Tịnh độ tông thì trong tương lai mới xuất hiện. Còn cõi Niết bàn của Thiền tông thì qua ư phức tạp, chỉ những bậc đại trí thức may ra mới hiểu nó ra sao và ở đâu. Riêng Thiên đường của cách mạng thì cụ thể hơn. Điều cơ bản khác nhau giữa hai nhóm xây dựng Thiên đường ấy là nguyên lý xây dựng. Những người tôn giáo dựa trên lòng yêu thương, lòng từ bi. Những nhà cách mạng dựa trên đấu tranh


bạo lực”[36] . Chính uỷ Vô Trần đã chỉ ra rằng đứng trước vận mệnh, số phận của cả dân tộc con người cần có những lựa chọn. Bởi trên cõi nhân gian này có muôn vàn chân lý mà con người không biết, không hiểu hết được. Điều cốt yếu là mỗi chúng ta ngộ ra những chân lý đúng và tự tin đi theo chân lý đó. Sư Vô Trần đến với cách mạng, cùng chung vai gánh vác sứ mệnh cao cả và thiêng liêng của dân tộc, góp phần làm nên những chiến thắng lịch sử giải phóng dân tộc khỏi sự xâm lược của kẻ thù.

Như vậy, với nhân vật Vô Trần ta nhận thấy đây là con người luôn chủ động trong mọi hoàn cảnh, mọi tình huống, tự quyết định mọi vấn đề liên quan đến số phận cá nhân. Số phận mỗi con người đều gắn với hoàn cảnh nhưng không phải hoàn cảnh tạo nên số phận mà là chính mỗi con người sẽ tự quyết định.

Trong tiểu thuyếtĐội gạo lên chùa, khi nhắc đến kiểu nhân vật tùy duyên chúng ta không thể không nhắc tới nhân vật An. An là một trong những nhân vật chính của tác phẩm, đồng thời đây là nhân vật bổ sung cho nhân vật Vô Trần về cách xử thế tùy duyên .

Nếu như Vô Trần đến với Phật học một cách có chủ ý, một quyết tâm thì cái duyên của cậu bé An với sư Vô Uý, nhà chùa lại hoàn toàn khác. Nhân vật An đến với nhà chùa sau khi chứng kiến cảnh cha mẹ bị giết trong một trận càn của giặc Pháp. An cùng chị đã phải trải qua cuộc chạy trốn kinh hoàng và cuối cùng được nương tựa dưới bóng từ bi của sư Vô Uý, của ngôi chùa Sọ. Được sư Vô Uý yêu mến và “có duyên với Bụt” nên ngay hôm sau An được xuống tóc đi tu và được đặt pháp danh là Khoan Hoà. Chú tiểu An được sư Vô Uý dạy giáo lý nhà Phật, học chữ nho, học võ và đi học cùng lũ trẻ trường làng. Sống trong thời kỳ bão táp của lịch sử, An cũng như sư cụ Vô Uý và những người dân nhỏ bé làng Sọ đều phải gánh chịu “kiếp nạn”. An đã chứng kiến, tham dự và trải qua những năm tháng đắng cay trước những biến

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 118 trang tài liệu này.


động của lịch sử: cha mẹ bị giết, đi tu, chị em bị phân tán mỗi người một nơi, một mình chăm sóc sư cụ sau khi được phòng nhì thả về và thê thảm hơn là bị bắt đi cải tạo ở trại cải tạo số 2 cho đến khi chính phủ sửa sai hai thầy trò mới được về chùa….Dưới sự yêu thương, che chở của sư cụ Vô Uý và mọi người chú tiểu An dần trưởng thành và thấm nhuần giáo lý nhà Phật, trở thành một đệ tử thuần hạnh. Tưởng chừng như chú tiểu An - thầy Khoan Hoà có duyên với nhà Phật sẽ trọn đời nương bóng từ bi của đức Phật, sẽ không còn vương vấn bụi trần. Thế nhưng, hoàn cảnh đất nước bị giặc xâm lược khiến nhà sư trẻ buộc phải trở lại với thế tục. Thầy Khoan Hoà nhận lệnh nhập ngũ bởi nhà sư cũng là công dân của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, cũng cần phải có nghĩa vụ với quê hương đất nước. Có thể thấy đây là một tình huống “hi hữu” bởi từ trước đến nay chưa từng thấy sư đi lính bao giờ. Bởi nhà chùa với phương châm xử thế từ, bi, hỉ, xả đối lập hoàn toàn với cảnh giết chóc nơi chiến trường. Việc cởi bỏ bộ quần áo tu hành với lời dạy của đức Phật để khoác lên mình bộ quân phục là điều khá khó khăn với An. Trước tình huống lịch sử, vận mệnh của cả dân tộc, An đã không ngại ngần nhận nhiệm vụ mặc dù cuộc sống nơi binh đao lửa đạn khác xa với những điều được học trong chùa. Ở bộ đội, mặc dù đã được huấn luyện nhưng những ngày đầu mới tham gia chiến đấu chiến sỹ An đều bắn lên trời, từ chối sát sinh. Ở chiến trường gặp lại sư thúc Vô Trần, được nghe sư thúc giảng giải về bạo lực “đức Trần Nhân Tông, Phật Hoàng cũng đã phải hai lần chống quân Nguyên, đã hai lần nhúng tay vào máu quân thù. Nhưng sau khi giặc tan…Có sao đâu…hai bàn tay nhúng máu lại sạch tinh, người lại là đệ nhất tổ thiền phái trúc Lâm. Cháu ơi ! Người ta gọi đó là sự sát sinh cần thiết”[36, tr.783]. Qua đó, An nhận thấy trước mỗi hoàn cảnh con người cần có và cần đưa ra những quyết định, những hành động cụ thể sao cho thật phù hợp, thật đúng. Chính vì thế An không còn nổ súng lên trời nữa mà biết nhằm vào kẻ địch - kẻ đã bắn chết đồng đội của cậu và đang cố tiêu diệt chính An.

Nghệ thuật tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh qua “Đội gạo lên chùa” - 7


Đất nước thống nhất được hai năm, chiến sỹ An được giải ngũ, nguyện vọng của An là được trở về với ngôi chùa Sọ, được tiếp tục tu hành trọn đời với sư phụ Vô Uý. Nhưng đứng trước tình cảnh Huệ bị thương cụt một chân không còn ai nương tựa, chăm sóc khiến An có nhiều suy tư. Trở về chùa Sọ nhận được thư của sư cụ Vô Uý để lại với hai chữ tùy duyên khiến An nhận ra tu hành là để cứu độ chúng sinh và Huệ là một sinh linh bé nhỏ cần được chở che. Sư Vô Uý đã trao cho An quyền tự quyết định: trở về chùa hoặc trở về với đời là tuỳ ở tâm. Và An đã quyết dịnh trở về cõi trần tục trở thành chồng của Huệ. Hai người cùng tăng gia sản xuất, chữa bệnh cho mọi người và sống hạnh phúc.

Như vậy, tùy duyên lạc đạo đã trở thành phương châm sống của nhân vật Vô Trần, nhân vật An và nhiều nhân vật khác trong Đội gạo lên chùa. Ta cũng bắt gặp phương châm xử thế rât gần với nhân vật Vô Trần và An là nhân vật Phạm Sư Ôn trong tiểu thuyết Hồ Quý Ly cũng của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh. Phạm Sư Ôn cũng là một nhà sư nhưng rồi cũng không theo trọn nghiệp tu. Nhà sư với pháp danh Thiên Nhiên tăng này đã bị mê đắm bởi cô gái cắt cỏ quanh nhà chùa. Phạm Sư Ôn đã vượt rào để đến với cô gái và hoàn tục. Trước cảnh vương triều nhà Trần thối nát, Phạm Sư Ôn đã cùng một đạo quân nổi loạn lật đổ nhà Trần và xưng vương.

Có thể thấy qua những nhân vật hành động “tùy duyên” nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã đề cao những khát vọng cá nhân, tôn trọng quyền tự quyết của mỗi cá nhân. Đây chính là sự khác biệt về vấn đề số phận con người trong tư duy nghệ thuật giữa tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh với những tiểu thuyết giai đoạn trước 1975. Với tinh thần dân chủ, tự do nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã trao cho nhân vật của mình quyền tự quyết, tự chịu trách nhiệm về số phận của mình.


2.2.2. Nhân vật tư tưởng

Nhân vật tư tưởng là “loại nhân vật tập trung thể hiện một tư tưởng, một ý thức tồn tại trong đời sống tinh thần của xã hội”[23]. Xây dựng loại nhân vật này nhà văn muốn gửi gắm những tư tưởng chính trị, đạo đức, nhân sinh hay quan điểm nghệ thuật của mình.

Trong đời sống tinh thần của mỗi người dân Việt đều thấm nhuần tư tưởng Phật giáo. Bởi con người khi sinh ra đều có sẵn trong mình ít nhiều Phật tính. Trong xã hội hiện đại con người sống chạy theo kinh tế thị trường, con người nhiều khi đánh mất bản ngã, mất đi phần tốt đẹp của chữ “Tâm”. Do đó, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh quan niệm Phật giáo là một lối sống đẹp và chính nhà văn cũng cố gắng sống theo lời dạy của đức Phật “từ, bi, hỉ, xả”. Phương châm sống này đã được nhà văn thể hiện trong tiểu thuyết Đội gạo lên chùa như một sự gợi mở về lối sống Phật giáo trong thời hiện đại. Nhà văn Nguyễn Xuân khánh viết Đội gạo lên chùa không phải để cổ vũ con người từ bỏ cuộc sống trần tục để đi tu, mà qua lối sống của Phật giáo, ngôn ngữ và thân pháp của đạo Phật giúp chúng ta có thể tự rèn cho mình “tâm từ, tâm bi, tâm hỉ, tâm xả‟‟ của nhà Phật. Đạo Phật không chủ trương bạo lực, vì thế đã có kỳ thời triết lý “từ, bi, hỉ, xả” bị coi là thứ thuốc ru ngủ quần chúng. Song Nguyễn Xuân Khánh đã khai thác triết lý này ở mặt tích cực của nó, bởi yêu thương chính là sự gắn kết mọi người lại với nhau. Trong Đội gạo lên chùa lối sống Phật giáo có mặt ở hầu hết các nhân vật như Vô Chấp, Vô Trần, An, Nguyệt, bà vãi Thầm,…Song cuộc đời của sư Vô Uý là một minh chứng đầy sức thuyết phục của sự chân tu. Ở nhân vật này chúng ta thấy được triết lý đạo Phật thật khoan hoà, dung dị và gần gũi với đời.

Nét đẹp của lối sống Phật giáo thể hiện ở việc hướng con người tới sự cao thượng, đó chính là Phật tính trong mỗi con người. Mọi hành động, suy


nghĩ, việc làm của sư Vô Uý đều xuất phát từ cái tâm của Phật với “Tâm từ thương yêu tất cả chúng sinh. Tâm bi thương xót những người đang gặp đau khổ. Tâm hỉ cùng vui với những người đang có điều vui, điều thành công. Người đạt đạo xa lạ với lòng ghen ghét ganh tị. Tâm xả không dính chấp tới những được thua ở đời. Khen cũng không vui, chê cũng chẳng buồn. Dù cay đắng hay ngọt bùi, dù sạch hay nhơ đều thản nhiên”[36, tr.74]. Chính nhờ tâm từ bi mà sư thầy Vô Uý đã cảm hoá một tên tướng khét tiếng trở thành sư bác Khoan Độ nguyện trọn đời bảo vệ Phật Pháp. Chính lòng yêu thương, không ngoảnh mặt làm ngơ với những khó khăn của con người mà sư Vô Uý đã không ngần ngại dang tay che chở cho chị em An. Sư Vô Uý đã cho chị em An, Nguyệt một mái nhà, một không khí gia đình ấm cúng - đó chính là ngôi chùa Sọ. Ở đó An có người cha thứ hai chính là sư thầy Vô Uý, người đã thấu hiểu tâm hồn non nớt của An. Nhà sư nhận thấy việc phải chứng kiến cái chết thảm khốc của cha mẹ là một cú sốc về tinh thần rất lớn đối với An. Nỗi đau đó khiến cậu bé như trầm cảm, không nói ra được và cũng không khóc được. Vì thế sư Vô Uý dạy An phải tự mình vượt qua nỗi đau đó, phải biết tự đứng dậy và đi bằng chính đôi chân của mình bởi không phải lúc nào cũng có người ở bên để giúp ta “Trên đường dài dằng dặc, một người con của Phật hay một con người cũng vậy, đều phải biết tự đi bằng đôi chân của mình…Phải biết độc hành con ạ”[36, tr.28]. Lời dạy của sư Vô Uý không chỉ dành riêng cho An mà còn cho tất thảy mọi người. Nhất là ở thời hiện đại, có rất nhiều người không tự khẳng định được bản lĩnh, năng lực của mình mà phải dựa vào nhiều yếu tố khác. Vì thế lời dạy của sư Vô Uý thật ý nghĩa. Xuất phát từ tâm vì thế tình yêu thương của sư Vô Uý cũng như của đức Phật toả chiếu khắp nhân gian. Sức mạnh của tình yêu thương không chỉ với con người mà chính tâm từ bi đó đã giúp sư thầy Vô Uý làm được những việc phi thường. Với tấm lòng yêu thương vạn vật, sư Vô Uý đã thu nạp được đệ tử Khoan Hoà - một con hổ. Khoan Hoà bị mất mẹ từ nhỏ và được sư Vô Uý đem về nuôi, điều đặc


biệt là hàng ngày nghe sư Vô Uý tụng kinh niệm phật con vật này cũng cảm nhận được tâm từ bi của nhà Phật, nó nhận ra những người làm điều ác. Chính nhờ tâm từ, tâm bi mà Hiếu và Tân được sư Vô Uý xin cho giảm thời gian chịu phạt. Và mặc dù đã thoát tục nhưng đứng trước nỗi đau quê hương bị giặc dày xéo, sư Vô Uý đã giúp đỡ cách mạng: cho Vô Trần đào hầm bí mật trong chùa, là chỗ liên lạc cho cách mạng... đó cũng là thực hiện tâm “từ”. Sống không ghen tức khiến tâm hồn con người nhẹ nhõm, thanh thản vì thế sư Vô Uý không bao giờ cảm thấy bức bối hay khó chịu với niềm vui của người khác. Mặc dù sư Vô Uý và Chánh Long không cùng một chí hướng nhưng ngày mừng thọ Chánh Long sư thầy vẫn đến góp vui. Và với tâm xả đã giúp vị trụ trì chùa Sọ vượt qua được những sóng gió cuộc đời. Trước sự tra tấn tàn bạo của kẻ địch, bị đánh đến chết đi sống lại nhưng sư Vô Uý chỉ “A di đà phật” và nhẫn nhịn chịu đựng khiến cho những tên cai tù cũng phải “ngạc nhiên và chùn tay”. Hay khi bị bắt đi cải tạo, sức khoẻ yếu nhưng vẫn lao động miệt mài, không kêu ca hay xin nghỉ…

Có thể thấy, triết lý sống từ bi, hỉ, xả của vị chân tu Vô Uý không chỉ minh chứng cho lối sống của nhà tu hành mà còn là cách xử thế của nhiều nhân vật trong Đội gạo lên chùa. Tấm lòng từ bi của sư thầy Vô Uý đã có nhiều ảnh hưởng đến các nhân vật khác như: An, Huệ, Trắm, Chánh Long, cha con Xuân, Hạ… Để rồi những con người ấy luôn yêu thương đùm bọc nhau khi khó khăn, hoạn nạn (Trắm tạo cơ hội cho mẹ con Huệ bỏ trốn trong cải cách…).

Qua nhân vật sư Vô Uý, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh gợi mở lối sống Phật giáo cho thời hiện đại. Bởi nhà văn quan niệm đây là một lối sống tốt đẹp, lành mạnh. Khi con người có cái tâm cao thượng thì xã hội sẽ văn minh và tốt đẹp hơn. Lối sống Phật giáo sẽ giúp con người và xã hội phát triển bền vững trong tình nhân ái.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 29/05/2024