Nhân dân phải nai lưng phục dịch mà Hán Thương thì không hề hay biết. Chưa thỏa mãn được dục vọng xấu xa của mình, Hán Thương tiếp tục lệnh cho Nội giám đi xục sạo khắp thiên hạ “hễ có gái đẹp thì bắt cống nạp cho vua, ai không nghe sẽ giết cả ba họ”. Được sự tiếp tay của bề trên, Nội giám ra ngoài “hiếp dâm phụ nữ không chút kiêng dè” để rồi không đầy một tháng y đã mang về triều 3000 gái đẹp để “chọn 300 người vào hầu thượng hoàng từ đó suốt ba tháng liền Hán Thương không ngó ngàng gì đến việc triều chính ngày đêm ở lỳ trong hậu cung để vui đùa cùng mỹ nữ” [26,22]. Vừa mới lên ngôi mà Hán Thương đã có những việc làm bất nhân bất nghĩa. Nắm giữ mọi quyền hành trong tay nhưng Hán Thương không chịu lo lắng vỗ về dân chúng mà chỉ lo ăn chơi xa đọa hành hạ nhân dân phục dịch gây oán hận lầm than.
Tác giả Lê Hoan đã khắc họa một cách chân thực không phóng đại mà cũng không nhân nhượng về những hành động của nhân vật Hán Thương như một lời phê phán gửi vào trang viết của mình. Qua đó giúp người đọc có thể nhận diện được bản chất của nhân vật.
Khi khắc họa nhân vật Trương Phụ - một tướng giặc của quân Bắc, tác giả Việt Lam tiểu sửcũng thường chú ý đến những hành động để làm rõ bản chất mưu mô xảo quyệt của con người này. Sau khi được anh em Lê Lợi giúp đỡ bắt được cha con họ Hồ, Trương Phụ dương dương tự đắc quyết chí thôn tính phương Nam bèn “sai người vẽ bản đồ nước Nam. Phàm núi sông thành quách, quận huyện châu phủ, hộ khẩu gia súc, khí giới lương thuyền đều theo thực số mà chép thành một quyển để đối chiếu” [26,156]. Không chỉ có vậy khi Lê Lợi đưa ra ý kiến lập con cháu nhà Trần để yên định lòng dân, Trương Phụ liền lấy lý do mừng công rồi giả lờ đi ra ngoài “sai người đi xúi giục dân xin lập lại chế độ quận huyện” [26,156]. Tất cả những hành động này đã bộc lộ rõ lòng dạ xảo quyệt nham hiểm và dã tâm xâm lược nước Nam của Trương Phụ. Được cử làm tướng chỉ huy quân Bắc sang xâm lược phương
Nam, Trương Phụ có những việc làm hết sức bạo ngược. Chẳng hạn ở hồi 30, Trương Phụ do căm tức quân Nam đã giết chết Giang Hạo, bản thân thì bị Nguyễn Nhạc đâm trúng đùi bên trái nên khi bắt sống được Phạm Hữu cùng với hơn hai nghìn người, Phụ liền sai quân lính đem “chôn sống tất cả đắp thành ngôi mộ chung gọi là kinh quán” [26,203]. Việc làm của Trương Phụ chồng chất những tội ác khiến cho “mây sầu gió thảm”. Có lẽ với những hành động của mình, Trương Phụ đã trở thành một kẻ đại diện đầy đủ nhất cho sự tàn bạo của quân Bắc. Miêu tả những hành động của Trương Phụ, tác giả Việt Lam tiểu sử cũng ngầm phản ánh những tội ác tày đình mà quân Minh đã gieo rắc khi xâm lược nước Nam.
Tìm hiểu một tác phẩm với một số lượng lớn các nhân vật như Việt Lam tiểu sử, thật khó có thể trình bày về hành động của tất cả các nhân vật. Vả lại điều đó cũng không cần thiết bởi không phải nhân vật nào cũng được tác giả tập trung xây dựng như nhau. Do đó, chúng tôi chỉ chọn một số nhân vật tiêu biểu để phân tích. Qua những phân tích ở trên, chúng ta thấy rằng tác giả Lê Hoan luôn hết sức chú trọng việc miêu tả hành động của các nhân vật. Đặc biệt, nhà văn đã biết chú ý lựa chọn những hành động điển hình đặc trưng nhất để thông qua đó nêu bật được tính cách của nhân vật và tạo ra những dáng hình riêng cho từng loại nhân vật. Chính vì thế nhân vật có sức sống hơn, sinh động hơn so với nhân vật trong lịch sử. Xây dựng các hành động nhân vật theo tính cách của mỗi loại nhân vật, cho thấy không phải tác giả chỉ làm lại công việc của người chép sử. Rõ ràng ở đây có sự dụng công xây dựng hành động cũng như diện mạo của nhân vật. Có thể nói, sử dụng nghệ thuật miêu tả hành động để thể hiện nhân vật, nhà văn Lê Hoan đã dựng lên một bức tranh với sự góp mặt phong phú, đa dạng của mọi kiểu loại nhân vật.
3.3.1.2. Nghệ thuật thể hiện sự kiện
Việt Lam tiểu sử là cuốn tiểu thuyết lịch sử, những nhân vật trung tâm trong tác phẩm vốn là những con người của lịch sử. Họ có vai trò vị trí nhất định trong tiến trình lịch sử dân tộc. Do vậy, khi xây dựng những nhân vật này, tác giả cũng đã đặt họ vào những sự kiện lịch sử cụ thể để làm nổi bật vai trò lịch sử của các nhân vật. Nắm bắt được tính cách nhân vật được bộc lộ và phát triển trong những sự kiện cụ thể, tác giả Lê Hoan rất chú trọng các sự kiện nhằm tái hiện rõ những đặc điểm về phẩm chất và tính cách của nhân vật.
Có thể bạn quan tâm!
- Những Nét Khác Biệt Giữa Nhân Vật Trong Tiểu Thuyết Việt Lam Tiểu Sử Và Nguyên Nhân Của Sự Khác Biệt
- Khái Niệm Nhân Vật Và Vai Trò Của Nhân Vật Trong Tiểu Thuyết Chương Hồi
- Nghệ Thuật Thể Hiện Hành Động Nhân Vật Và Sự Kiện
- Nghệ Thuật Thể Hiện Ngôn Ngữ Nhân Vật
- Nghệ thuật thể hiện nhận vật trong tiểu thuyết Việt Lam tiểu sử của Lê Hoan - 14
- Nghệ thuật thể hiện nhận vật trong tiểu thuyết Việt Lam tiểu sử của Lê Hoan - 15
Xem toàn bộ 132 trang tài liệu này.
Tiểu thuyết Việt Lam tiểu sử của Lê Hoan tập trung miêu tả những sự kiện lịch sử từ “năm Khai Hựu, triều Hiên Tông (1239 – 1341)” đến năm Bính Ngọ Thuận Thiên thứ nhất (1428). Tác phẩm đã phản ánh được những sự kiện lịch sử quan trọng của giai đoạn nhà Trần mất vai trò lãnh đạo và bị nhà Hồ truất ngôi; cuộc xâm lược với quy mô và sức tàn phá khốc liệt của giặc Minh; cuộc kháng chiến của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Lê Lợi giành thắng lợi vẻ vang lập nên triều đại nhà Lê. Những sự kiện mà tác giả miêu tả trong Việt Lam tiểu sử ngoài các sự kiện lịch sử có tính chất “chính sử” như sự kiện: Nhà Minh xâm lược nước ta; đánh thành Đa Bang; trận đánh sông Sinh Quyết; nhà Minh xâm lược lần thứ hai; trận đánh thành Trà Long, thành Đông Quan, thành Xương Giang,...Tác giả còn bổ sung thêm một số sự kiện có tính chất “dã sử” như: Hồ Quý Ly gặp yêu tinh ở vùng Liêu Đông; Lê Lợi vớt được gươm báu; chồn trắng giải nguy cho Lê Lợi khỏi bị chó ngao của Trần Trung; rắn chửa mầu vàng báo mộng,... Khi miêu tả các sự kiện trên, tác giả Việt Lam tiểu sử nhằm nêu bật công lao của họ Lê trên con đường thống nhất đất nước dẹp được nội loạn và đánh đuổi giặc ngoại xâm.
Tác phẩm Việt Lam tiểu sử có 60 hồi thì 49 hồi miêu tả chiến trận. Các nhân vật trong Việt Lam tiểu sử phần lớn là nhân vật của chiến trận, do vậy những sự kiện có liên quan đến chiến trận thường được tác giả chú ý miêu tả. Trong quá trình nhân vật xử lý các tình huống chiến trận, tài năng về quân sự
và những đặc điểm tính cách nhất định vốn có của nhân vật sẽ được bộc lộ một cách rõ nét hơn.
Ví dụ: Theo dõi trận Lam Sơn chắc chắn độc giả sẽ rất thích thú bởi những diễn biến bất ngờ của trận đánh. Với nghệ thuật miêu tả các sự kiện, tác giả Lê Hoan đã đem lại những hình ảnh đầy sống động bất ngờ. Sức hấp dẫn ban đầu là nhờ vào không khí chiến trận hết sức gấp gáp khẩn trương, không khí ấy được gợi lên ngay từ lúc đôi bên chuẩn bị lực lượng, chiến cụ,… cho đến khi giao chiến cùng nhau. Trương Phụ sau khi dẫn quân về Đông Đô chém xong Nhữ Hí liền hùng hổ quyết ý khởi binh đem tám mươi vạn quân đi đánh dẹp anh em Lê Lợi. Quân Trương Phụ đông đến nỗi “đi chật cả đường sá”. Theo dự đoán quân Bắc sẽ tới anh em Lê Lợi cùng nghĩa quân cũng tìm cách chống trả với một không khí cũng rất khẩn trương “Lợi bèn yết thị cho mọi người đều biết tin. Thiện sai người vào núi khuân vác khí giới, đánh trống thu quân, chẳng mấy chốc được hai nghìn người” [26,217].
Việc tạo ra không khí chiến trận gây được sự chú ý, nhưng đáng chú ý hơn nữa là khi xử lý tình huống các nhân vật đã tự bộc lộ được những nét tính cách của mình. Theo dõi diễn biến của trận đánh Lam Sơn, chúng ta có thể thấy Trương Phụ là một kẻ nóng nảy kiêu căng, bất chấp mọi lời khuyên can của Hoàng Phúc gấp gáp khởi binh nên cuối cùng chuốc lấy thất bại. Khác với Trương Phụ, Lê Thiện là một người có tác phong quân sự khá bình tĩnh. Khi biết tin Trương Phụ tiến đánh, Lê Thiện đã ứng phó bằng những mưu kế hết sức linh hoạt uyển chuyển, việc đầu tiên là truyền lệnh cho các tướng, người thì mai phục ở Bà Sơn, người ở Bái Lâm, người thì ra Lam Sơn đón địch. Chỗ này “đêm thì đốt lửa đánh trống, ngày thì dựng cờ quạt tới nơi phục binh, chờ khi giặc thua hãy tung quân ra đánh”, chỗ kia “thấy giặc thua thì gióng trống phất cờ, đốt lửa để trợ uy” [26,217]. Bài bản hơn nữa, Lê Thiện bố trí cho các cụ già “dáng vẻ bơ phờ đang đốt nhang phủ phục bên đường” đợi đến lúc
Trương Phụ hỏi thăm thì chau mày nhăn mặt ra sức than phiền, kể tội anh em Lê Lợi rồi vui vẻ nhận lời đi trước mở đường cho quân Trương Phụ, cho đến khi Trương Phụ vừa cho quân tiếp cận gần nhà Lê Lợi thì các cụ phụ lão bỗng “biến đâu hết”. Phụ trúng kế của Lê Thiện “định lui quân thấy một tiếng súng nổ khói lửa ngùn ngụt bốc lên, thiêu cháy cả một chòm rừng núi, tiếng la hét inh ỏi. Bên trái Đinh Lễ đánh ra, bên phải Lê Trãi sáp tới” [26,220]. Quân Trương Phụ đang vùi mình trong khói lửa vừa chạy tới Bà Sơn lại “nghe một tiếng súng nổ, lửa bốc cháy, tiếng trống vang lừng”. Tiếp tục mở đường máu chạy thoát tới Bái Lâm “lại nghe tiếng la hét ầm ĩ”. Trương Phụ hồn vía lên mây không biết chạy đâu “quân Minh chạy toán loạn, dẫm đạp lên nhau, xô đẩy nhau rơi xuống vực... Phụ chạy ra đường lớn, thấy hai bên khe núi trong ánh lửa, cờ quạt hiện ra, trống đánh như sấm vang, tiếng hò la dậy đất” [26,221]. Một không khí hỗn loạn bao vây bọn Trương Phụ và toàn bộ chiến trường. Ở đó mưu kế của Lê Thiện lần lượt được thực thi, đưa người đọc từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Chắc chắn rằng khi kết thúc trận chiến Lam Sơn, người đọc sẽ rất hài lòng về cách xử trí các tình huống chiến trận của vị quân sư tài ba Lê Thiện.
Có thể kể thêm một số trận đánh cũng được tác giả Việt Lam tiểu sử dàn dựng công phu thành những bức tranh khá hoành tráng, tên bay đạn réo, khói lửa ngút trời,… như trận Giao Chỉ, Nguyễn Trãi dẫn quân từ Ngũ Lĩnh, xuất phát với một khí thế xung trận “cờ quạt kín đất, gươm giáo đầy trời. Quân đi đến đâu, giặc chạy trốn tới đó” [26,283]. Khi bắt đầu đối mặt với những khó khăn cũng là lúc quân sư Nguyễn Trãi có cơ hội bộc lộ những phẩm chất và tài năng của mình. Trong quá trình hành quân đi đánh Giao Chỉ, vừa đến Hồi Hồ thì gặp một con sông lớn chắn ngang, ông liền nhanh trí “cho đóng quân lại, sai lính đi trưng tập thuyền bè kết thành cầu phao để quân đội qua sông” [26,283]. Biết kẻ địch có phòng bị, Nguyễn Trãi đã thực hiện một nước cờ rất
lợi hại, cho quân lính tấn công Lâm Thao để chặt đứt hàng rào che chắn mặt sau của Giao Chỉ. Thực thi mưu kế đã chuẩn bị sẵn, Nguyễn Trãi lệnh cho quân sỹ người thì theo đường rừng xuống vùng hạ lưu “chờ trời tối chèo thuyền qua sông đi đường tắt tới mai phục ở bên trái thành Lâm Thao” người thì đem quân về phía thượng lưu “bí mật sang sông, rồi đi đường tắt tới mai phục ở bên phải” [26,284]. Không chỉ có vậy, ông còn lệnh cho quân sỹ giả cách quấn rơm thành hình người tay cầm gậy gộc đứng dọc hai bên mạn thuyền “khoảng canh hai. Mỗi thuyền chở bốn người, hai người cầm đèn, hai người chèo thuyền lên phía trước, đại quân tiếp theo sau đánh trống hò hét, vẫy quân qua sông” [26,284]. Dù đã có phòng bị từ trước nhưng quân Bắc không thể nào đối chọi được với mưu kế của Nguyễn Trãi. Đang đêm “Quân Bắc thấy trên sông đèn đuốc sáng rực tiếng người xôn xao như muôn vạn hùng binh rầm rộ qua sông” [26,284]. Nước cờ lợi hại của Nguyễn Trãi làm kẻ địch không kịp xoay sở chỉ biết “dùng cung nỏ đồng loạt bắn xuống nước. Cứ thế kéo dài đến nửa buổi bao nhiêu tên và mũi tiêu đều dùng sạch”. Bấy giờ Nguyễn Trãi mới cho quân xông tới bao vây kẻ địch, chém đứt đầu tướng giặc Tô Khang rồi chiếm giữ thành Lâm Thao.
Theo dõi trận Giao Chỉ, người đọc nhiều khi nín thở hồi hộp và không khỏi trầm trồ thán phục trước những mưu kế hết sức mềm dẻo linh hoạt của Nguyễn Trãi. Mỗi khi đối mặt với những khó khăn, Nguyễn Trãi luôn có những cách xử lý làm hài lòng độc giả. Sở dĩ người đọc có được những phút giây hồi hộp như vậy là nhờ vào nghệ thuật miêu tả sự kiện của nhà văn Lê Hoan.
Trong khởi nghĩa Lam Sơn, trận Liễu Thăng phá bẫy đồn như đi vào chỗ không người rồi bỏ mạng tại Chi Lăng để lại dấu ấn khá đậm nét trong lòng người đọc. Bằng nghệ thuật miêu tả sự kiện, tác giả Việt Lam tiểu sử đã dàn dựng nên khung cảnh chiến trận khá căng thẳng, hồi hộp. Sau khi Vương
Thông bị đánh tan ở Tích Giang, các thành Đông Quan, Thanh Hóa, Di Nam,… lần lượt bị hạ, Minh Tuyên Tông tiếp tục cử tướng đánh An Nam, Liễu Thăng được giao trọng trách chỉ huy mấy vạn hùng binh tiến đánh quan ải nước Nam. Dù có một đội quân hùng mạnh nhưng Liễu Thăng là kẻ hữu dũng vô mưu nên sớm chuốc lấy thất bại. Vốn là một kẻ nóng nảy lại hiếu chiến, bất chấp mọi lời can ngăn của Hoàng Phúc, Liễu Thăng vừa tới quan ải đã ngông nghênh tự phụ coi thường quân Nam vội vã đem quân đánh ồ ạt, dễ dàng chiếm được bảy đồn mà không hề nghi ngờ điều gì. Nắm bắt được bản chất kiêu căng tự phụ của tướng giặc, Lê Thiện và Lê Lợi phối hợp chặt chẽ cùng nghĩa quân Lam Sơn để dụ địch vào bẫy. Với một đội quân có vẻ chậm chạp toàn là những lính tráng mệt mỏi “thành rào sơ sài”, “hàng ngũ rời rạc, cờ xí nghiêng ngả” [26,367-368], quân ta đã đánh trúng vào lòng kiêu căng tự phụ của Liễu Thăng. Các tướng Xa Tam, Nông Văn Lịch, Phạm Đán, Cao Đoan, Doãn Hài, Mai Tố được giao trọng trách giữ các đồn nhưng chỉ đánh vài hiệp lại giả thua bỏ chạy làm cho Liễu Thăng càng dương dương tự đắc không một chút hoài nghi “thấy nơi nào mình qua, đồn lũy đối phương đều liên tiếp bị phá, không ai dám chống cự, Thăng an tâm tiến thẳng tới địa giới Trấn Di” [26,368]. Như một con ngựa bất kham, Liễu Thăng bỏ qua mọi lời cảnh tỉnh can ngăn của Lý Khánh coi thường quân Nam “dùng quân như kiến ong tụ tập”. Hắn tuyên bố phải quyết “chém được bọn man khấu mới nghe”. Liễu Thăng đâu ngờ con đường tưởng như quá dễ dàng lại đưa hắn đến cõi chết. Lúc hùng hổ, tức tối vì bị quân Nam lăng nhục “một mình cùng một trăm quân kỵ phóng ngựa qua cầu trước” Liễu Thăng nghe thấy “súng nổ liên hồi”. Vừa tới đầu cầu bờ Nam, Thăng bị “Thái tổ giương cung bắn trúng ngực… ngã xuống nước chết… quân Bắc chết quá nửa” [26,369]. Người đọc thật sự thấy hả hê thoải mái vì sau những phút giây hồi hộp đợi chờ, trận đánh đã diễn ra theo đúng với mong muốn của mình.
Bằng nghệ thuật miêu tả các sự kiện lịch sử, tác giả Việt Lam tiểu sử đã dàn dựng lại được hàng chục trận đánh lớn nhỏ với không khí sôi sục, diễn biến bất ngờ. Điểm khả thủ của nghệ thuật miêu tả sự kiện trong Việt Lam tiểu sử chính là ở chỗ tác giả đã để cho ngòi bút của mình cuốn theo dòng cảm xúc khi miêu tả những trận chiến quân sự trên chiến trường, đem lại cho người đọc cảm giác như được sống lại những phút giây hào hùng của những trận chiến kinh thiên động địa, những phen biến đổi sơn hà. Qua đó đem đến cho độc giả cảm hứng tự hào về truyền thống đấu tranh giữ nước vĩ đại của dân tộc. Đồng thời nghệ thuật miêu tả sự kiện cũng góp phần phác họa những nét tính cách của nhân vật làm tô đậm thêm chân dung của những người anh hùng khởi nghĩa Lam Sơn.
3.3.2. Nghệ thuật thể hiện tính cách nhân vật
Theo cuốn Lý luận văn học do tác giả Hà Minh Đức chủ biên, “tính cách” được dùng theo cách hiểu sau đây: “Tính cách cũng là nhân vật nhưng là nhân vật được thể hiện với một chất lượng tư tưởng và nghệ thuật cao hơn, tuy chưa đạt tới mức độ là các điển hình. Tính cách mang bản sắc riêng, độc đáo của con người cá biệt, cụ thể nhưng lại mang những nét chung tiêu biểu cho nhiều người khác nhau ở một mức độ nhất định đồng thời nó là một quá trình phát triển hợp với logíc cuộc sống. Tóm lại nó có tính chung tính riêng và tính Logíc” [20,130].
Trong cuốn 150 thuật ngữ văn học của tác giả Lại Nguyên Ân, tính cách được trình bày như sau: “… Tính cách là hình ảnh con người được phác họa đến mức đủ rõ và đủ tính xác định, thông qua đó làm bộc lộ một kiểu ứng xử (hành vi, ứng xử, lời nói) có căn nguyên lịch sử, đồng thời cũng làm bộc lộ một quan niệm của tác giả về con người... Tính cách (của văn học nghệ thuật) là sự thống nhất hữu cơ giữa cái chung, cái mang tính trùng lặp và cái cá thể, cái riêng không bị lặp lại, là sự thống nhất giữa cái có tính khách quan (thực