Nghệ thuật thể hiện nhận vật trong tiểu thuyết Việt Lam tiểu sử của Lê Hoan - 14


Giản Định giờ đang ở đâu” [26,161]. Khát vọng giúp nhà Trần khôi phục lại giang sơn đã nhen nhóm từ lâu trong suy nghĩ của Lê Lợi, cho nên khi Đoàn Phát vừa có ý “tôn minh công lên làm chúa” Lê Lợi nói: “Tiên sinh mới đến sao lại đẩy tôi vào chỗ bất nghĩa? Tôi mặt mũi nào đang tâm chiếm đoạt thiên hạ của họ Trần” [26,162]. Điều Lê Lợi sợ nhất là phụ nghĩa với người. Dù bị Trần Giản Định lột hết chức tước đuổi về quê, Lê Lợi vẫn một lòng giữ trọn khí tiết. Lúc cho quân vào Nghĩa An Lê Lợi vẫn cho quân vào bái yết vua Trần. Biết tin vua Trần đã vào Thuận Châu Lê Lợi nói: “Muốn được vào gặp mặt vua, may được rủ lòng thương để mình phải dốc tâm phụng sự. Nay lại không gặp phải chăng tại trời?” [26,224]. Là người nhân từ lại có cá tính khiêm tốn, khi Nguyễn Trãi và các tướng sĩ đồng lòng “xin minh công hãy lên làm chúa”, Lê Lợi vẫn nhất định không nghe. Lê Lợi nói với Nguyễn Trãi: “Sao ông lại thốt ra những lời như vậy? Ta có đức độ gì đâu mà giám làm vua” [26,259]. Từ chối lời đề nghị của mọi người không phải vì ông sợ gánh nặng trách nhiệm mà ông không muốn mang tiếng là kẻ bất nghĩa chiếm ngôi của nhà Trần. Với Lê Lợi, khát vọng trừ bạo cứu dân luôn là một lý tưởng cao nhất để ông hướng tới.

Nói đến Nguyễn Trãi là nói đến một vị quân sư tài trí mưu lược. Bởi vậy khi thể hiện nhân vật, tác giả Lê Hoan rất chú ý lựa chọn ngôn ngữ để thể hiện được bản chất của con người này. Vốn là người yêu thương dân chúng, những lời nói của Nguyễn Trãi đối với người trên kẻ dưới đều xứng danh là một bậc hiền sĩ. Chẳng hạn lúc “vén màn xông vào” gặp Lê Lợi, Nguyễn Trãi làm Lê Lợi giật mình định rút gươm ra chém nhưng nhờ những lời nói hết sức giõng rạc lưu loát Nguyễn Trãi không những không bị Lê Lợi sử tội chết mà còn được kính mộ “thần là tiến sĩ triều Trần, người Nhị Khê, họ Nguyễn tên Trãi, bởi tướng nhà Minh bạo ngược nên phải lẩn lút tha phương. Nghe minh công là bậc trưởng giả khoan dung, thần đặc biệt muốn tới đây xin theo,


nhưng không có cách gì đề đạt nguyÖn vọng. May gặp lúc minh công ra tiếp dân, thần hân hạnh được biết dung nhan, muốn vái chào nhưng sợ đường đột. Vì vậy mà liều lĩnh đi theo trốn vào góc phòng” [26,252]. Chỉ thông qua một vài câu nói rất ngắn gọn khi đối đáp với Lê Lợi, Nguyễn Trãi đã bộc lộ tất cả sự khôn ngoan khéo léo của mình. Cũng vì những lời nói khôn khéo này mà ông nhanh chóng chiếm được cảm tình của Lê Lợi. Bản chất lanh lợi cộng với sự thẳng thắn khiến cho Nguyễn Trãi không ngại nói ra những suy nghĩ của mình với bất cứ ai kể cả với Lê Lợi. Thấy Lê Lợi một mực từ chối lên làm chúa, Nguyễn Trãi nói: Mệnh trời ở lòng người, lòng người theo về đâu tức mệnh trời ở đó. Nay mệnh trời đã ở minh công đúng như người ta nói: “Mệnh trời quy về kẻ có đức”. Nếu không có đức sao nhân tâm lại hướng về? Minh công dù muốn tránh cũng không được” [26,259]. Những lời nói của Nguyễn Trãi thể hiện sự am hiểu sâu rộng về “mệnh trời” về lòng người. Qua cách nói ấy còn thấy được ở Nguyễn Trãi một vị quân sư có tầm nhìn xa trông rộng, một con người sáng suốt am hiểu lòng dân. Nguyễn Trãi thật không hổ danh là một vị quân sư “văn võ song toàn” được Lê Lợi hết sức tin cậy.

Dẫu không phải là một yếu nhân lịch sử nhưng Đoàn Phát cũng được tác giả Lê Hoan chú ý miêu tả ngôn ngữ để làm nổi bật được phẩm chất thẳng thắn cương trực của nhân vật này. Ví dụ khi còn là một tướng nhà Hồ, người đọc rất ấn tượng với những lời nói rất ngay thẳng dứt khoát của Đoàn Phát. Lúc Dân Hiến bị Phạm Đán lừa tổ chức tiệc tùng khao quân ăn uống, Đoàn Phát không hề sợ hãi “hớt ha hớt hải” từ ngoài vào lớn tiếng mắng rằng: “Nay hai nước đang giằng co chưa biết hươu chết vào tay ai, vậy mà Nguyên Nhung không biết lo xa, đam mê chơi bời” [26,92]. Những lời nói này đã chứng tỏ được khí chất khẳng khái của Đoàn Phát. Với con người này, mọi lời nói đều tỏ ra ngay thẳng không biết vòng vèo uốn lượn. Tuy đã bị bắt nhưng Đoàn Phát không hề nhún mình, thấy Lê Thiện hạ mình pha trà liền gạt đổ cốc


nước rồi mắng Lê thiện rằng: “Ngươi là kẻ không có lương tâm cùng sinh ở cõi nước Nam lại thông đồng với giặc Bắc, cùng chung một tổ quốc mà lại bỏ rơi dân mình, sống ở nước nhà mà dở mặt phản chúa, ta mặt mũi nào đi uống trà cùng ngươi? mau mau chém ta đi” [26,116]. Những lời nói lưu loát thẳng thắn của Đoàn Phát làm cho Lê Thiện càng mến mộ và quyết tìm mọi lý lẽ để thuyết phục. Khi đã phân biệt được chính ngụy, Đoàn Phát về phò tá cho Lê Lợi trước sau vẫn là con người thẳng thắn dám nghĩ dám làm. Vừa biết tin triều Minh chiếm giữ lãnh thổ, Đoàn Phát không quản gió mưa tức tốc đến gặp Lê Lợi nói: “Kế sách bây giờ là hãy tiêu diệt bọn tướng tá nhà Minh rồi tôn Minh công lên làm chúa... nếu chúng đến là đánh chứ đâu có chuyện non sông ta cứ để bọn chúng ngang nhiên muốn làm gì thì làm” [26,162]. Thấy Lê Lợi không chịu lên làm chúa, Đoàn Phát không ngại nói ra những suy nghĩ của mình: “Người ta theo minh công là để chung lo việc đánh kẻ có tội, cứu vớt dân lành. May được chút công lao, trên có thể làm vẻ vang tiên tổ, dưới có thể làm hiển hách họ hàng. Nếu Minh công không làm theo ý nguyện của dân thì lòng người sẽ trễ biếng, còn ai cộng sự với minh công nữa” [26,258]. Dám nói ra những suy nghĩ của mình không phải Đoàn Phát không kính nể người khác mà xuất phát từ bản chất thật thà ngay thẳng. Từng lời nói của Đoàn Phát đều là lời nói của một con người trung nghĩa thật đáng để cho người sau phải ngưỡng mộ nể phục.

Để lột tả bộ mặt xấu xa nham hiểm của Trương Phụ - một tướng giặc của nhà Minh, tác giả Việt Lam tiểu sửkhông chỉ bằng hành động mà còn tái hiện qua ngôn ngữ của nhân vật này. Vừa thấy Trần Thiên Bình sang cầu cứu nhà Minh, Phụ đã tâu với Minh Thành Tổ “Quý Ly phản phúc bạo ngược đủ điều, tội ác không gì lớn hơn. Nay nhân cơ hội trong nước biến loạn, phúc tộ họ Trần đã hết, ta nên đưa quân đi bắt cha con họ Hồ đem về đây rồi đặt nước họ vào chế độ quận huyện để dứt mối lo về sau” [26,27]. Lời nói của


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 132 trang tài liệu này.

Trương Phụ ngay từ đầu đã bộc lộ rõ ý định thôn tính phương Nam, bắt phương Nam thuần phục và biến cả đất nước ấy thành quận huyện nhỏ, thuộc quyền cai trị của phương Bắc. Khi đảm nhiệm làm một tướng giặc đưa quân sang xâm lược Nam Việt, Trương Phụ luôn tỏ ra kiêu căng tự phụ. Mặc dù mọi chiến thắng nhà Hồ phần lớn là nhờ công lao của Lê Thiện nhưng thấy nhiều người tán dương Lê Thiện, Phụ khó chịu nói: “Hạng tép riu ấy thì làm nên trò trống gì. Chẳng qua là dựa vào cái thế của ta để hành động mới được như vậy” [26,120]. Những lời nói của Trương Phụ còn bộc lộ được cả bản chất lạnh lùng thâm độc của hắn. Khi thấy Tiết Thạch và Nhiếp Hạnh giết bọn Hiến, Nhạc, trả thù cho cha, Trương Phụ thản nhiên nói: “Ngươi trả thù cho cha một cách ngoạn mục, chỉ tiếc là giết khi người ta đang bị trói, giết như thế thì chưa khoái lắm” [26,121]. Chỉ với ngần ấy câu nói cũng đã đủ vẽ nên những nét tính cách cơ bản của Trương Phụ - một kẻ tàn bạo không có tính người. Những ngày tháng đưa quân sang xâm lược Nam Việt, chính Trương Phụ đã nhiều lần hồn siêu phách lạc, biết bao nhiêu tướng sĩ nhà Minh phải bỏ mạng ở nước Nam, nhân dân đất Việt thì lầm than nheo nhóc. Vậy mà cho đến phút cuối khi Minh Tuyên Tông đưa tờ biểu cầu hòa của Lê Lợi cho Trương Phụ đọc để ngầm xem ý Phụ thế nào, Phụ vẫn một mực nói: “Không thể như thế được. Tướng sĩ vất vả suốt bao nhiêu năm trời mới có được đất ấy. Tờ biểu này là do sự xảo quyệt của Lê Lợi mà ra. Ta nên đưa thêm quân sang để giết tên giặc đó” [26,375].

Tất cả mọi lời nói của Trương Phụ đều chứa chất những mưu đồ xảo quyệt nham hiểm. Mỗi lời nói mà Y thốt ra đều làm sáng tỏ bản chất của một kẻ hiếu chiến luôn khát chinh chiến và xâm lăng. Với con mắt nhìn tinh tế của tác giả, chỉ thông qua một vài câu nói của nhân vật thì tính cách của nhân vật đã hiện lên một cách rõ rệt, cụ thể và đầy đủ nhất.

Nghệ thuật thể hiện nhận vật trong tiểu thuyết Việt Lam tiểu sử của Lê Hoan - 14


Có thể thấy khi xây dựng nhân vật, tác giả Lê Hoan rất chú trọng đến ngôn ngữ nhân vật. Thực chất ngôn ngữ cũng là một dạng hành động của nhân vật, chỉ có điều đặc biệt hơn đây là hành động với chất liệu là ngôn từ. Việc tách riêng ngôn ngữ ra khỏi hành động cũng là nhằm đi sâu hơn vào hệ thống này để tìm hiểu đặc trưng rất riêng của nó. Từ đó hiểu hơn về nhân vật, chủ thể của ngôn ngữ đó. Các nhân vật trong Việt Lam tiểu sử do được xây dựng chủ yếu trên bút pháp tượng trưng, ước lệ cho nên ngôn ngữ của nhân vật cũng chịu ảnh hưởng bởi bút pháp này. Ngôn ngữ của các nhân vật nhiều khi bị quy định chặt chẽ bởi lối công thức, nhiều sáo ngữ hoa mĩ, diễn tả bằng nhiều câu biền ngẫu, đăng đối nhịp nhàng. Ta có thể dễ dàng bắt gặp trong Việt Lam tiểu sử những đoạn đối thoại giữa người trên kẻ dưới, giữa bề tôi và tướng lĩnh. Các nhân vật bề tôi đều có một thái độ rất khiêm nhường, lời lẽ của họ bao giờ cũng thể hiện sự tôn kính. Lời nói của các nhân vật thường chứa những cụm từ có tính chất hoa mĩ, giàu hình ảnh, người nói thường so sánh mình với những sự vật nhỏ nhoi thấp hèn đã trở thành công thức kiểu như: “Gắng sức ngựa hèn”, “tài hèn học cạn, ít trí nghèo mưu”, “cá bơi trong chậu”,… Chẳng hạn như lời nói của Trần Thiên Bình với vua Minh Thành Tổ: “Nay hoàng thượng thừa kế đại Tống, tôn trọng nếp xưa cúi mong bệ hạ lấy đức sinh thành của trời đất cha mẹ mà thương sót kẻ bề tôi bé mọn này, làm cho đời đời được giữ đất phương Nam chăm lo triều cống” [26,24]. Hoặc lời nói của Lê Thiện với Mai Sĩ sứ giả nhà Hồ: “Coi như anh em Thiện đây chỉ là hạng trí mọn tài sơ không xứng đáng để triều đình sai phái” [26,36].

Có thể nói, ngôn ngữ đối thoại trong Việt Lam tiểu sử của Lê Hoan là một hiện tượng khá lý thú. Dù nhân vật là người có trình độ học vấn cao hay chỉ là kẻ bề tôi hèn mọn không biết chữ, dù là bậc khanh tướng hay những con người bình thường thì ngôn ngữ của họ bao giờ cũng rất sang trọng thể hiện tầm nhận thức cao của những người có học thức. Đấy là cách nói có hình ảnh,


thường hay so sánh ví von với những người nổi tiếng trong sử sách khiến cho người đối thoại có ấn tượng sâu sắc. Ví như lời nói của Mai Sĩ sứ giả nhà Hồ lúc đem thư của Hồ Quý Ly đến gặp Lê Lợi: “Ngày nay trên có thánh chúa sáng suốt, khắp bốn biển không ai không xưng bề tôi. Giúp triều đình giữ mối hòa hiếu với các nước vĩnh viễn loại bỏ nạn xâm chiếm từ bên ngoài, vin theo mình rồng, tựa vào cánh phượng vốn không thiếu chi người. Riêng có hạng hiền sĩ câu ở sông Vị, cày ở núi Sằn thì còn đang khát khao mong ngóng. Nếu quý ngài chịu tung chí hồng hộc, trổ tài kỳ lân ra mà duy trì thế đạo giúp chúa làm lợi cho dân khiến công danh lưu sử sách thì hay biết mấy” [26,36]. Rõ ràng thông qua ngôn ngữ nhân vật, tác giả đã nói lên được rất nhiều điều. Chỉ cần qua những ngôn ngữ này chúng ta có thể thấy Mai Sĩ là một người có trình độ học vấn cao. Để cố gắng thuyết phục được anh em nhà họ Lê về với Hồ Quý Ly, Mai Sĩ đã lựa chọn những ngôn ngữ hết sức giàu hình ảnh, có sức thuyết phục mạnh mẽ. Nhưng thật không may cho Mai Sĩ người đối thoại với ông lại là Lê Thiện một con người tài trí vốn thông kim bác cổ. Nếu như ngôn ngữ của Mai Sĩ đã rất sắc bén thì những lời nói của Lê Thiện còn sắc bén hơn. Đáp lại những lời nói của Mai Sĩ, Lê Thiện cũng dùng những lời nói ví von gắn liền với những điển tích điển cố “Trên đã có bậc vua hiền như Nghưu Thuấn, dưới lại có bề tôi giỏi như Trác, Tiết, Vũ, Cao, dù bên ngoài triều đình có hàng trăm Sào Phủ, Hứa Do đi chăng nữa thì cũng không ảnh hưởng đến nền thịnh trị của đời Đường, còn như anh em Thiện đây…” [26,36]. Những lời nói của Lê Thiện không chỉ thể hiện được sự hiểu biết sâu rộng về tri thức mà qua đó ông cũng kín đáo gửi gắm lời từ chối hợp tác với họ Hồ. Đây cũng là một cách từ chối rất khéo léo, chắc chắn rằng người có hiểu biết như Mai Sĩ không những không bực tức mà còn phải kính nể.

Hay như lời biện bạch của người đàn bà họ Đinh ở vùng Liêu Đông nói với chồng về bài thơ tức cảnh trên vách cũng xứng danh là một người


thông thạo chữ nghĩa “thiếp từ tuổi còn thơ đã nâng khăn sửa túi cho chàng, không hề thay lòng đổi dạ, trước sau vẫn một niềm chung thuỷ, nào có chuyện chăng gió như Tiểu Ngọc, sỗ sàng như Văn Quân? Bài thơ kia là để vịnh cái bóng của thiếp đó thôi” [26,45]. Cho đến khi tự tử biến thành yêu tinh nương náu trên cây ngô đồng ngàn năm mà lời nói của người đàn bà họ Đinh vẫn một mực là con nhà dòng dõi. Lúc nói chuyện với Quý Ly, luận về đức trị của vua thị nói: “Nhà trần hết phúc cho nên đức không thắng được yêu tinh, còn nay là triều thánh yêu tinh không thắng được đức. Huống chi bệ hạ đạo như Nghiêu Thuấn, đức giống Vũ Thang, lấy lễ làm nhạc đánh xe, lấy nhạc làm cỗ xe chở, dùng người làm cái mộc, dùng nghĩa làm cái khiên. Như thế kẻ xa sẽ tới, người gần sẽ đẹp lòng” [26,47]. Chỉ là một người phụ nữ bình thường thôi nhưng mọi lời nói đều hết sức chau chuốt bóng bẩy. Người đàn bà họ Đinh trong khi đối thoại thường hay so sánh ví von với các nhân vật nổi tiếng có trong sử sách. Cách nói ấy vừa thể hiện được trình độ hiểu biết sâu sắc lại vừa gây được thiện cảm đối với người nghe.

Các nhân vật trong Việt Lam tiểu sử khi đối thoại không chỉ so sánh ví von với các nhân vật có trong điển tích điển cố mà đôi lúc họ còn sử dụng những lời nói hết sức văn hoa bóng bẩy kiểu như lời nói của Trương Phụ (đại tướng nhà Minh) với thái giám nhà Trần là Lý Tự Thành: “Lan sinh ở khe sâu không có ý khoe thơm mà hương thơm ngào ngạt, trăng mọc ở nơi biển thẳm không cố tình phô sắc mà ánh sáng lung linh. Cần gì phải ngắm mình trước gương, đứng đầu ngọn gió rồi mới biết?” [26,75]. Để thuyết phục được Lý Tự Thành sớm khuyên con rể ra hợp tác với mình, Trương Phụ đã dùng những lời nói thật bay bướm khen chàng rể Lê Thiện khiến cho Lý Tự Thành ít nhiều cũng phải xiêu lòng.

Điểm dễ nhận thấy nhất với các nhân vật trong tiểu thuyếtViệt Lam tiểu sử là trong những cuộc đối thoại giao tiếp, tác giả Lê Hoan thường để cho các


nhân vật viện dẫn các điển tích điển cố trong sử sách Trung Quốc khiến cho tính chất của lời nói trở nên sắc sảo, mạnh mẽ và dễ hiểu hơn đối với người đối thoại. Chẳng hạn khi đối thoại với Đoàn Phát, luận về tội ác của họ Hồ, Lê Thiện nói: Họ Hồ tàn hại muôn vật giết hại dân lành ác như Kiệt Trụ, giết vua cướp nước tội quá Vương Tào. Huống hồ dân là dân nhà Trần, chúa là chúa nhà Trần. Việc dấy quân của Thiện này không nhằm lợi ích bản thân, mà chính là trên là vì nước dưới thì vì dân” [26,117]. Để thu phục được Đoàn Phát một vị tướng giỏi trung nghĩa của nhà Hồ, Lê Thiện đã rất khéo léo viện dẫn những điển tích, điển cố rất quen thuộc để vạch ra tội ác tày trời của nhà Hồ giúp Đoàn Phát nhanh chóng phân biệt được chính ngụy. Những câu đối đáp ngắn gọn của Lê Thiện vừa thể hiện sự hiểu biết về lẽ đời, khả năng đối đáp linh hoạt lại vừa làm cho ngôn ngữ trở nên trang trọng, giàu khả năng biểu cảm.

Ngoài ra, chúng ta còn có thể dễ dàng bắt gặp các điển tích điển cố được các nhân vật trích dẫn trong khi giao tiếp như lời của Cảnh Dị lúc đối đáp với vua Trần: “Nhị đế nhường ngôi cho người hiền, Tam Vương nhường ngôi cho con mình. Trần Tể tướng đức, nghĩa, nhân, hiếu đều nổi tiếng ở đời, bệ hạ nhường ngôi cho ông ấy ý đồ cũng giống như vua Nghiêu, vua Thuấn có gì mà không được” [26,183]. Hay như lời của Phùng Quý nói với Đỗ Dung: “Ta là tôi con của thiên triều, đứng vào hàng danh giá chỉ muốn sống như Hứa Viễn, Trương Tuần, chứ không thể làm theo Lý Lăng, Vệ Luật. Nguyện làm cái lưỡi của Nhan Thường Sơn, cái đầu của Nghiêu tướng quân, đó là tố trí của đấng trượng phu” [26,294]. Việc tác giả Việt Lam tiểu sử để cho các nhân vật vận dụng các điển tích điển cố trong sử sách Trung Quốc và Việt Nam, vừa nhằm mục đích tô điểm cho ngôn ngữ của nhân vật có sắc thái trang trọng vừa thể hiện được sự hiểu biết sâu sắc của người nói làm cho người đối thoại nhanh chóng bị thuyết phục trước ngôn ngữ đầy hàm xúc như vậy.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 02/10/2023