Thực Chất Của Việc Nâng Cao Trình Độ Tư Duy Chiến Lược


vận động của sự vật, biết phát hiện mâu thuẫn của sự vật, phát hiện cái mới phù hợp với sự phát triển của thực tiễn; tư duy chiến lược của nhà lãnh đạo có phạm vi phản ánh sâu rộng, trong thời gian tương đối dài, tiếp cận vấn đề ở quy mô toàn cục; tư duy chiến lược ở người cán bộ lãnh đạo mang tầm nhìn thời đại và những thành quả văn minh của nhân loại. Tư duy chiến lược dược dựa trên cơ sở nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn, là tư duy tổng hợp của tư duy kinh tế, tư duy chính trị, tư duy văn hóa, tư duy quân sự, tư duy đối ngoại, từ đó hình thành nên một tầm nhìn vừa khái quát, vừa sâu rộng lại đáp ứng được nhu cầu phát triển lâu dài của thực tiễn.

2.1.3. Thực chất của việc nâng cao trình độ tư duy chiến lược

Nói đến trình độ tư duy là nói đến khả năng tư duy của con người trong quá trình nhận thức và hoạt động thực tiễn ở những mức độ nhất định. Như trên đã nói, tư duy là quá trình ý thức con người tiếp cận và nắm bắt hiện thực, là hình thức cao của sự phản ánh tích cực, chủ động, có mục đích về hiện thực khách quan và được thể hiện ra là sự nhận thức có tính trung gian, gián tiếp khái quát về các mối liên hệ của sự vật và hiện tượng. Trình độ tư duy có mối quan hệ gắn bó mật thiết với năng lực tư duy. Muốn nâng cao trình độ tư duy thì trước hết phải khẳng định ở đối tượng cần nâng cao đó có đầy đủ những năng lực tư duy. Năng lực tư duy là tổng hợp những khả năng bao gồm: ghi nhớ, tái hiện, liên tưởng, trừu tượng hóa, khái quát hóa; sau đó là quá trình xử lí tri thức đã được phản ánh; cuối cùng là đi tới vận dụng và phát triển chúng vào những tình huống thực tiễn cụ thể. Năng lực tư duy giữ vai trò quan trọng trong nhận thức khoa học; là khả năng nắm bắt và vận dụng những tri thức vào cuộc sống; là năng lực phản ánh bằng liên tưởng, phát hiện và xử lí thông tin trong những tình huống, hoàn cảnh cụ thể; là một lực lượng tinh thần đang nhận thức, một cơ chế đang vận động, sự tổng hợp của các quy luật tư duy trên cơ sở quy luật của đời sống hiện thực. Năng lực tư duy chiến lược là tổng hợp những phẩm chất tâm, sinh lí, trí tuệ của chủ thể, là sự thống nhất biện chứng giữa vốn tri thức và sự nắm vững, vận dụng một cách nhuần nhuyễn, sáng tạo các tri thức khoa học, khả năng tổng kết thực tiễn cũng như các thao tác tư duy logic phù hợp nhằm đưa ra những dự báo, định hướng cho tương lai đối với những đối tượng


mà chủ thể hướng tới nghiên cứu, giải quyết. Việc phát huy năng lực tư duy chiến lược được thể hiện qua những nấc thang trình độ của tư duy chiến lược.

Trình độ tư duy được thể hiện ở các cấp độ khác nhau, có tư duy tiền khoa học và tư duy khoa học, có tư duy kinh nghiệm và tư duy lý luận. Tư duy chiến lược là tư duy ở trình độ cao trong quá trình con người nhận thức. Tư duy chiến lược được đặc trưng ở khả năng tư duy có tầm nhìn xa trông rộng, tính sáng tạo, tính vượt trước để dưa ra những dự báo chính xác xu hướng vận động trong tương lai về vấn đề mà chủ thể hướng tới nghiên cứu, cải tạo. Trình độ tư duy chiến lược được thể hiện qua khả năng nhận định, đánh giá về đối tượng, để từ đó vạch ra những kế hoạch, chính sách định hướng phát triển cho tương lai trong khoảng thời gian dài, đem lại kết quả như dự kiến, phù hợp với xu hướng vận động, biến đổi. Người có trình độ tư duy chiến lược càng cao thì những phán đoán, những dự báo về sự vận động, biến đổi của sự vật, hiện tượng càng chính xác, từ đó đưa ra những chủ trương, chính sách phù hợp với những sự vận động, biến đổi đó, phù hợp với quy luật khách quan. Theo đó, nâng cao trình độ tư duy chiến lược thực chất cần bảo đảm nâng cao được trình độ tư duy ở tất cả những yếu tố đặc trưng của nó, đó là:

Thứ nhất, nâng cao tầm nhìn xa trông rộng của tư duy. Nâng cao tầm nhìn tầm nhìn xa, trông rộng của tư duy để không mắc phải lối tư duy nhiệm kỳ, chỉ thấy được cái trước mắt mà không thấy được lâu dài. Điều này đòi hỏi chủ thể phải có được khả năng nhìn xa, trông rộng trong cả không gian và thời gian, tức là phải có được cái nhìn mang tính toàn diện trước mọi vấn đề. Luôn đặt đối tượng hướng tới vào trong môi trường rộng mở để xem xét, so sánh trong mối quan hệ tương quan cả với quá khứ và tương lai nhằm xác định chính xác trạng thái tồn tại của đối tượng với đầy đủ những ưu điểm và hạn chế, những thuận lợi và khó khăn, những thời cơ và thách thức của nó. Trong cả hoạt động nhận thức và thực tiễn yêu cầu phải xem xét từ nhiều mặt, nhiều mối quan hệ, xem xét nó trong lịch sử phát triển được cấu thành từ những yếu tố, bộ phận nào với những mối quan hệ ràng buộc và tương tác nào, qua đó phát hiện ra những thuộc tính chung, thuộc tính cơ bản của đối tượng nghiên cứu. Thực hiện điều này sẽ giúp


chủ thể tránh được hoặc hạn chế về sự phiến diện, siêu hình, máy móc, một chiều trong nhận thức cũng như trong giải quyết các tình huống thực tiễn. Nhờ đó tạo ra khả năng nhận thức đúng được sự vật, hiện tượng như nó vốn có trong thực tế. Đây là cơ sở, là căn cứ để có thể xử lý chính xác, có hiệu quả đối với những vấn đề của thực tiễn. Tư duy chiến lược không cho phép giới hạn đối tượng nghiên cứu ở một bình diện nào đó mà cần bóc tách được cả những hiện tượng bề mặt để nhìn thấy thấu đáo thực chất nội tại của sự việc, bản chất sự vận động, biến đổi và xu thế biến đổi của đối tượng, phải gạt bỏ bằng được cái nhìn phiến diện mới đảm bảo được tính chuẩn xác. Có được cái nhìn toàn diện là một trong những yếu tố mấu chốt để có được tư duy chiến lược.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 175 trang tài liệu này.

Thứ hai, nâng cao tính sáng tạo của tư duy. Tư duy chiến lược phải được thể hiện bằng tư duy mang tính sáng tạo, vượt trước. Sự sáng tạo của con người là vô hạn, nhưng không phải ai cũng dám hiện thức hóa những ý tưởng sáng tạo của mình vào thực tế vì nhiều lý do khác nhau. Chính những lý do đó trở thành rào cản tư duy sáng tạo và nếu không vượt qua những rào cản đó sẽ không có được tư duy chiến lược. Để có được tư duy sáng tạo chủ thể cần gạt bỏ, vượt qua và khắc phục một số lối tư duy cũ, là những yếu tố lạc hậu, lực cản của tư duy sáng tạo. Tư duy kinh nghiệm với sự tin tưởng vào những kinh nghiệm có sẵn dễ dẫn tới sự ỷ lại, điều này sẽ cản trở lớn đối với tư duy sáng tạo. Để phát huy được sự sáng tạo của tư duy cũng cần phải vượt qua nỗi sợ thất bại. Những cách nghĩ mới, cách làm mới thường phải đối mặt với nhiều rủi ro và sự thất bại cao. Vì thế, nhiều người chọn cách an toàn là cứ theo kinh nghiệm sẵn có mà làm. Chính suy nghĩ như vậy sẽ khiến chủ thể dễ trở thành lười biếng, nhát gan, không dám khám phá, thử những cái mới, dần dần sẽ làm thui chột sự tư duy sáng tạo của chính mình. Sáng tạo nghĩa là phải có những suy nghĩ hoặc hướng giải quyết công việc khác với cách nghĩ, cách làm cũ. Những người có tư duy sáng tạo là những người dám vượt qua những quy tắc, chuẩn mực có sẵn trước đó. Với tư duy sáng tạo, chủ thể phải gạt bỏ được sự ràng buộc và những ảnh hưởng của những quan niệm truyền thống, những quan niệm, định chế, lối tư duy chết cứng, lạc hậu để đối diện với cái mới, tư tưởng, quan niệm, góc nhìn,


Nâng cao trình độ tư duy chiến lược cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo ở nước ta hiện nay - 6

yêu cầu mới để phát hiện ra vấn đề mới nhằm đề ra những con đường, hướng đi mới. Trong bối cảnh xã hội, thời đại đang vận động, biến đổi, phát triển nhanh chóng hiện nay thì tính sáng tạo là linh hồn cho sự tiến bộ của một dân tộc, là động lực để quốc gia phát triển. Tính sáng tạo của tư duy đối lập với lối tư duy bảo thủ, trì trệ, ngại đổi mới và thực tiễn xã hội cùng sự vận động của nó là bất tận, tính sáng tạo của tư duy cũng không có giới hạn cuối cùng. Tư duy chiến lược không thể là lối tư duy nhốt mình, bó hẹp trong những cái cũ, cái đã qua, vì thế yêu cầu về tính sáng tạo trong tư duy không thể thiếu trong tư duy chiến lược. Hiện nay, yêu cầu đổi mới, sáng tạo để phát triển đất nước nhanh và bền vững của Đảng ta cũng chính là thể hiện tư duy chiến lược trong giai đoạn mới.

Thứ ba, tư duy dự báo xu hướng vận động của sự vật, hiện tượng. Tư duy chiến lược phải được thể hiện bằng khả năng tư duy dự báo đúng xu hướng vận động, phát triển của sự vật, hiện tượng, của thực tiễn, phải đưa ra được những phán đoán, những dự báo, từ đó có những định hướng đúng cho sự vận động, phát triển trong tương lai, đặc biệt là trong tương lai xa, khẳng định được tầm nhìn dài hạn. Người có tầm nhìn sẽ biết cách vạch ra những kế hoạch dài hạn và có hướng giải quyết cho kế hoạch đó. Đối với những người không có tầm nhìn, cách làm việc theo kiểu “nước tới đâu bắc cầu tới đó” thì sẽ khó có được sự sáng tạo, vạch ra được bước phát triển cho tương lai của công việc.Tư duy chiến lược được thể hiện tập trung vào việc hoạch định đường lối, chính sách lâu dài, chứ không chỉ là lập kế hoạch, do vậy đòi hỏi tầm nhìn và dự báo một cách sáng tạo nhưng phải có cơ sở khả thi, thu hút được sự ủng hộ và đồng tình rộng rãi trong xã hội. Chúng ta đều biết, tương lai luôn bao gồm cả yếu tố mang tính xác định và không xác định. Chính tính không xác định dẫn tới sự phức tạp trong quá trình vận động, phát triển nói chung. Tình hình nước ta hiện nay được xác định là, bên cạnh những thuận lợi tồn tại cả những khó khăn, thách thức, do đó cần có được năng lực ứng phó với những biến đổi ấy. Để ứng phó có hiệu quả, chủ thể phải có được năng lực dự báo những khả năng biến đổi của đối tượng để vạch ra hướng đi cần thiết, phù hợp trong tương lai. Đồng thời dự báo để xây dựng được cả những


phương án dự phòng, ứng phó với cả những khả năng biến đổi ngoài dự kiến, ngoài mong muốn. Có được tư duy dự báo tốt giúp cho chủ thể nắm bắt được những thời cơ, chủ động vạch ra những hướng đi tắt, đón đầu một cách hiệu quả, đúng quy luật sẽ đưa đất nước nhanh chóng phát triển, hòa nhập kịp với sự phát triển chung của thế giới hiện đại.

2.2. VAI TRÒ CỦA TƯ DUY CHIẾN LƯỢC ĐỐI VỚI CÁN BỘ LÃNH ĐẠO

Hai thuật ngữ "lãnh đạo" và "quản lý" thường được dùng đôi khi thay thế nhau trong các văn cảnh tương đương. Tuy nhiên, cũng có thể nhận thấy ở một số tác giả đã cố gắng phân biệt hai thuật ngữ này. Có thể nêu hai loại ý kiến khác nhau về sự phân biệt giữa hai thuật ngữ.

Ý kiến thứ nhất cho rằng "lãnh đạo là một khía cạnh quan trọng của quản lý... khả năng lãnh đạo có hiệu quả là một trong những chìa khóa để trở thành nhà quản lý giỏi" [14, tr.418]. Cũng theo các tác giả này, lãnh đạo là một chức năng cơ bản của quản lý, nhưng quản lý bao gồm nhiều vấn đề hơn lãnh đạo... Công tác quản lý bao gồm việc xây dựng kế hoạch một cách cẩn thận, dựng lên một cơ cấu tổ chức để giúp cho mọi người hoàn thành các kế hoạch, và biên chế cho cơ cấu tổ chức với những con người có những năng lực cần thiết. Tuy nhiên, tất cả các chức năng quản lý sẽ không hoàn thành tốt nếu các nhà quản lý không hiểu được yếu tố con người trong các hoạt động của họ và không biết cách lãnh đạo con người để đạt được kết quả như mong muốn.

Như thế, với quan điểm này, lãnh đạo chỉ là một bộ phận, một chức năng của công tác quản lý, quản lý rộng hơn lãnh đạo. Nghĩa là, quản lý bao hàm trong nó cả công tác lãnh đạo. Đối với nhà quản lý, lãnh đạo chỉ là một trong những phẩm chất mà thôi. Dường như quan điểm này được khái quát từ thực tiễn quản lý doanh nghiệp trong các xã hội công nghiệp.

Tuy lãnh đạo và quản lý có sự khác nhau nhất định; song, ranh giới chỉ là tương đối. Xét về bản chất, lãnh đạo hay quản lý đều là những quá trình điều khiển, quá trình tương tác giữa chủ thể và khách thể, chủ thể tác động đến khách thể để điều khiển, hướng tới khách thể nhằm thực hiện mục đích nhất định. Lãnh


đạo hay quản lý phải gắn với con người hoặc tổ chức. Tùy theo chức năng, nhiệm vụ của mỗi tổ chức mà người ta xác định tổ chức đó có chức năng chủ yếu là lãnh đạo hay quản lý. Ví dụ, để phân biệt thẩm quyền hoặc trách nhiệm của Đảng với Nhà nước thì Đảng có vai trò lãnh đạo (đề ra đường lối, các quyết định lãnh đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra…), còn Nhà nước có vai trò chủ yếu là quản lý (ban hành các quyết định quản lý, pháp luật, chính sách, biện pháp, tổ chức thực hiện..).

Ngược lại với quan điểm trên là quan điểm cho rằng lãnh đạo và quản lý là khác nhau và trong đó nhiều tác giả cho rằng "lãnh đạo" bao gồm trong nó cả "quản lý", "quản lý" chỉ là một bộ phận, một khía cạnh của "lãnh đạo".

Lãnh đạo và quản lý trong hoạt động của người cán bộ, kể cả cơ sở, về bản chất đều là quá trình tác động, hướng dẫn, điều khiển những người dưới quyền và quần chúng để hoàn thành những nhiệm vụ chính trị nhất định. Lãnh đạo hay quản lý, xét về mặt bản chất, đều là những quá trình điều khiển [38, tr.11-12].

Một ý kiến khác cho rằng:

Quy trình lãnh đạo và quy trình quản lý cũng giống nhau. Nhưng lãnh đạo nặng về định hướng, còn quản lý nặng về tổ chức, sắp xếp, chỉ huy. Lãnh đạo của cấp ủy Đảng trước hết định ra những nghị quyết, tức là vạch ra phương hướng nhiệm vụ có tính chất chung. Sự quản lý của chính quyền là thể chế hóa, cụ thể hóa những nghị quyết đó một cách sáng tạo. Lãnh đạo và quản lý còn khác nhau ở phương thức, phương pháp tác động, lãnh đạo nặng về thuyết phục, quản lý nặng về "bắt buộc" [102, tr.27].

Theo Từ điển Tiếng Việt: "Lãnh đạo là đề ra chủ trương, đường lối và tổ chức, động viên thực hiện"; còn "Quản lý: 1) trông coi và giữ gìn theo những yêu cầu nhất định. 2) Tổ chức và điều khiển các hoạt động theo những yêu cầu nhất định" [79, tr.540]

Với cách định nghĩa của Từ điển Tiếng Việt thì rõ ràng, lãnh đạo bao trùm lên quản lý, còn quản lý là thực thi một nhiệm vụ nào đó được cấp trên chỉ đạo, lãnh đạo. Nghĩa là, quản lý không chỉ là một bộ phận cấu thành công tác lãnh


đạo, mà quản lý thực chất là sự triển khai cụ thể của lãnh đạo. Như vậy, nói đến công tác lãnh đạo là nói đến việc vạch ra phương hướng, đường lối, việc chỉ đạo thực tiễn và kiểm tra công tác thực hiện ở tầm vĩ mô. Những chủ trương, đường lối chung này sẽ được thực hiện bởi các cấp khác nhau trong hệ thống quản lý thực tiễn cụ thể của Nhà nước.

Cán bộ lãnh đạotrước hết là chỉ những người đứng đầu, phụ trách một tổ chức, đơn vị, phong trào nào đó do bầu cử hoặc chỉ định. Người cán bộ lãnh đạo có trách nhiệm đề ra những chủ trương, phương hướng thực hiện, những quyết định phù hợp với đặc thù và có tính chiến lược cho đơn vị mình phụ trách. Cán bộ lãnh đạo còn là người định hướng, tổ chức đơn vị, phong trào theo hướng đi cụ thể, điều chỉnh những quyết định phù hợp với sự thay đổi của điều kiện khách quan, kiểm tra việc thực hiện những chủ trương, quyết định, đánh giá, tổng kết mức độ hoàn thành mục tiêu đã đề ra.

Dù tiếp cận công tác lãnh đạo ở góc độ nào ta cũng nhận thấy người lãnh đạo cần có hai phẩm chất cơ bản: 1) khả năng lựa chọn và ra quyết định đúng, và

2) khả năng tổ chức thực hiện thành công một cách tối ưu các quyết định đó. Với hai phẩm chất này rõ ràng, đối với một người lãnh đạo đồng thời diễn ra hai quá trình với hai năng lực khác nhau, đó là tư duy và hành động. Đối với người lãnh đạo có tầm chiến lược thì năng lực tư duy là quan trọng nhất. Năng lực tư duy của cán bộ lãnh đạo luôn luôn mang tính chất quyết định sự thành bại của họ. Cán bộ lãnh đạo phải là các cán bộ ưu tú, họ là những cán bộ được Đảng và nhân dân tin cậy giao cho các trọng trách để thực hiện các nhiệm vụ lớn lao của cách mạng. Đồng thời cán bộ lãnh đạo phải có năng lực kiểm tra việc thực hiện vì “không kiểm tra coi như không lãnh đạo”.

Hoạt động lãnh đạo là hoạt động mang tính chất định hướng của chủ thể lãnh đạo đến đối tượng lãnh đạo bằng nhiều phương pháp (giáo dục, thuyết phục, động viên,…) nhằm đạt mục đích nhất định. Như vậy, bản chất của hoạt động lãnh đạo là sự tác động định hướng, điều chỉnh hoạt động của con người đạt tới mục đích nhất định. Tính định hướng đòi hỏi người lãnh đạo đứng đầu các cơ quan, đoàn thể, tổ chức nói chung phải có trình độ nhất định về tư duy


chiến lược. Bởi lẽ tư duy chiến lược có vai trò rất quan trọng trong định hướng hoạt động lãnh đạo. Hoạt động của người cán bộ lãnh đạo là quá trình tác động, điều khiển giữa chủ thể lãnh đạo với khách thể. Khách thể ở đây là những người dưới quyền và quần chúng nhân dân nhằm đạt được mục tiêu cao nhất trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Hoạt động lãnh đạo có nhiều khâu, nhiều bước, có thể diễn đạt thành: Nắm bắt và xử lý thông tin, ra quyết định, tổ chức lực lượng thực hiện quyết định, tổ chức kiểm tra việc thực hiện quyết định… Tất cả những bước này đều cần tư duy chiến lược.

Người cán bộ lãnh đạo là những người có chức vụ quan trọng trong hệ thống chính trị các cấp (Đảng, Nhà nước, các tổ chức Chính trị - xã hội) từ Trung ương đến cơ sở, đặc biệt là những người đứng đầu các cấp ủy đảng, tổ chức chính quyền và đoàn thể nhân dân với trách nhiệm lớn lao. Với vị trí, vai trò như vậy hoạt động lãnh đạo của người cán bộ lãnh đạo vừa mang tính chất định hướng chung vừa mang tính chỉ đạo thực tiễn cụ thể ở địa bàn, ở đơn vị nơi họ phụ trách.

Trong thời kỳ đổi mới hiện nay đối với người cán bộ lãnh đạo ở nước ta đặt ra những yêu cầu cao hơn so với giai đoạn trước. Trước hết, yêu cầu chung cho đội ngũ cán bộ nước ta là kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng về xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, người cán bộ lãnh đạo phải có đạo đức cách mạng trong sáng, suốt đời đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng của Đảng vì lợi ích giai cấp, lợi ích nhân dân và lợi ích dân tộc; biết vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm đường lối của Đảng vào lĩnh vực lãnh đạo do mình đảm nhiệm và tổ chức thực hiện chúng thật tốt; thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao phó; biết tôn trọng dân, lấy dân làm gốc và lắng nghe ý kiến dân trong khi thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo của mình để tránh những sai lầm có thể xảy ra. Những cán bộ lãnh đạo luôn luôn phải là những người tiêu biểu cho thực hiện công bằng, chấp hành luật pháp; học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, v.v..

Xem tất cả 175 trang.

Ngày đăng: 08/03/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí