tính hệ thống và toàn diện, luận án của Phạm Thị Vân Anh đã làm sáng tỏ những lý luận cơ bản về khái niệm, nội dung, các chỉ tiêu đánh giá cũng như nhân tố ảnh hưởng đến năng lực tài chính doanh nghiệp. Trên cơ sở thu thập số liệu cùng với phân tích đánh giá mang tính định tính, luận án của Phạm thị Vân Anh đã có những kết luận khá xác đáng về năng lực tài chính của các DNNVV giai đoạn 2007-2011. Các giải pháp và kiến nghị nhằm nâng cao năng lực tài chính DNNVV có cơ sở lý luận và mang tính thực tiễn cao.
Luận án của NCS kế thừa những lý luận về quan niệm năng lực tài chính của Phạm Thị Vân Anh. Tuy nhiên, khác với đối tượng nghiên cứu luận án của Phạm Thị Vân Anh, luận án của NCS với đối tượng nghiên cứu là năng lực tài chính của các NHTMCP. Trong luận án của NCS đã làm rõ điểm đặc thù về tài chính và năng lực tài chính của các NHTM so với các doanh nghiệp. Từ những nền tảng lý luận này, luận án của NCS đã phân tích và đánh giá thực trạng năng lực tài chính của các NHTMCP giai đoạn 2009- 2014, qua đó để đề xuất những giải pháp vi mô cũng như vĩ mô trong việc nâng cao năng lực tài chính của các NHTMCP trong thời gian tới.
(3) Nghiên cứu của Nguyễn Thu Hiền [33] về nâng cao năng lực cạnh tranh của NHTM nhà nước Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Trong luận án của Nguyễn Thu Hiền, năng lực tài chính được đánh giá là một trong những nhân tố quan trọng hàng đầu đến năng lực cạnh tranh của Ngân hàng. Những nhân tố đánh giá năng lực tài chính của các Ngân hàng Thương mại được luận án làm rõ cả về lý luận cũng như số liệu thực tế ở 4 Ngân hàng Thương mại nhà nước (Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam; Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam; Ngân hàng ngoại thương Việt Nam; Ngân hàng công thương Việt Nam) bao gồm: Vốn chủ sở hữu; Quy mô, tăng trưởng và chất lượng tài sản; Khả năng sinh lời; Đảm bảo an toàn trong hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, do mục tiêu là xem xét năng lực cạnh tranh của các NHTM nhà nước, nên những nghiên cứu về năng lực tài chính cũng chỉ dừng lại ở việc đánh giá diễn biến những biến động về năng lực tài chính của NHTMNN Việt Nam. Nguyên nhân của những biến động này chưa được phân tích kỹ lưỡng và toàn diện.
Tham khảo luận án của Nguyễn Thu Hiền, NCS đã kế thừa được những nội dung lý luận về các tiêu chí đánh giá năng lực tài chính NHTM. Nhưng với phạm vi và đối tượng nghiên cứu luận án của NCS là năng lực tài chính của các NHTMCP thì khía cạnh về năng lực tài chính của NHTM được nghiên cứu sâu hơn cả về lý luận và thực tiễn. Thực tế năng lực tài chính trong luận án của NCS được khảo sát, đánh giá tại nhóm các NHTMCP Việt nam nên hoàn toàn không trùng lắp với luận án của Nguyễn Thu Hiền.
(4) Nghiên cứu của Nguyễn Thị Thu Đông [34] về “Nâng cao chất lượng tín dụng tại NHTM cổ phần ngoại thương Việt Nam trong quá trình hội nhập”.
Trong luận án nghiên cứu của Nguyễn Thị Thu Đông, những nội dung nghiên cứu có tính hệ thống. Từ lý luận chung về tín dụng ngân hàng, luận án đã đưa ra quan niệm về chất lượng tín dụng ngân hàng và xây dựng hệ thống một số nhóm chỉ tiêu để phản ánh chất lượng tín dụng ngân hàng trong quá trình hội nhập
Chất lượng tín dụng ngân hàng được coi là một trong những chỉ tiêu đánh giá năng lực tài chính NHTM,và được luận án trình bày qua các chỉ số như Tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn; Tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động; Hệ số rủi ro tín dụng; Hệ số an toàn vốn tối thiểu.
Có thể bạn quan tâm!
- Nâng cao năng lực tài chính của các ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam hiện nay - 1
- Nâng cao năng lực tài chính của các ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam hiện nay - 2
- Khái Niệm Và Đặc Điểm Kinh Doanh Của Ngân Hàng Thương Mại
- Năng Lực Tài Chính Của Ngân Hàng Thương Mại. 1.2.1.khái Niệm Năng Lực Tài Chính Của Ngân Hàng Thương Mại.
- Nâng cao năng lực tài chính của các ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam hiện nay - 6
Xem toàn bộ 224 trang tài liệu này.
Trên cơ sở nguồn số liệu của ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB) từ năm 2006 – 2010 và từ việc sử dụng hệ thống các nhóm chỉ tiêu đã xây dựng để đánh giá chất lượng tín dụng trên mặt định tính, luận án đã chỉ ra việc ứng dụng hệ thống các nhóm chỉ tiêu đã phản ánh được thực trạng chất lượng tín dụng của VCB trong điều kiện hội nhập.
Tuy nhiên, luận án của Nguyễn Thị Thu Đông chỉ nghiên cứu về chất lượng tín dụng ngân hàng trong phạm vi của một ngân hàng đó là ngân hàng Ngoại thương Việt nam giai đoạn 2005- 2010. Do vậy, nội dung lý luận cũng như thực tiễn về năng lực tài chính ngân hàng chưa được phân tích một cách toàn diện. Với đề tài “ Nâng cao năng lực tài chính của các NHTMCP Việt nam”, năng lực tài chính ngân hàng sẽ được nghiên cứu chuyên sâu và đánh giá có tính tổng hợp trên thực tiễn diễn biến ở một nhóm ngân hàng.
(5) Nghiên cứu của Nguyễn Thị Hoài Phương [35] về “Quản lý nợ xấu tại ngân hàng Thương mại Việt Nam”.
Nội dung luận án của Nguyễn Thị Hoài Phương không chỉ đề cập đến việc ngăn ngừa và xử lý nợ xấu mà còn đưa ra quy trình quản lý nợ xấu mang tính khoa học, đầy đủ hơn so với quy trình hiện tại. Luận án đã chứng minh rằng chỉ khi nào nợ xấu được nhận biết và đo lường một cách chính xác thì các Ngân hàng mới có thể quản lý có hiệu quả. Bởi vậy trong quy trình quản lý nợ xấu nhất thiết phải bổ sung cách thức đo lường nợ xấu như thế nào. Xuất phát từ những hạn chế trong thực trạng quản lý nợ xấu của các NHTM Việt Nam, luận án đã đưa ra những đề xuất mới về cách phân loại nợ cũng như giải pháp quản lý nợ xấu cho các NHTMVN như xây dựng mô hình quản lý rủi ro tín dụng, tái cơ cấu lại hệ thống Ngân hàng..
Như vậy, đề tài nghiên cứu của tác giả Nguyễn Thị Hoài Phương đã nghiên cứu một trong những khía cạnh đánh giá năng lực tài chính NHTM đó là vấn đề quản lý nợ xấu tại các NHTM Việt nam hiện nay. Do vậy,nội dung nghiên cứu luận án của NCS không có sự trùng lắp về nội dung, phạm vi nghiên cứu với luận án của Nguyễn Thị Hoài Phương. Luận án của NCS đã kế thừa một số nội dung lý luận về nợ xấu của NHTM cũng như cách tiếp cận đánh giá thực trạng nợ xấu của các NHTM.
(6) Nguyễn Đức Tú [36] với đề tài “Quản lý rủi ro tín dụng tại ngân hàng hương mại cổ phần Công thương Việt Nam”.
Thứ nhất, luận án đã đề xuất khái niệm mới về rủi ro tín dụng, khác biệt với quan điểm của nhiều chuyên gia kinh tế và nhà quản lý thực tiễn ở Việt Nam, trong đó nhấn mạnh là khả năng xảy ra sự khác biệt không mong muốn giữa thu nhập thực tế và thu nhập kỳ vọng đúng hạn, nhận được đầy đủ gốc và lãi. Mặt khác, luận án đã phát triển hệ thống lý luận về quản lý rủi ro tín dụng áp dụng cho Ngân hàng.
Dựa trên kết quả phân tích toàn bộ số liệu của NHTMCP Công thương Việt Nam từ năm 2008 đến năm 2011 luận án cũng chỉ ra những tồn tại về công tác quản lý rủi ro tín dụng như : chiến lược quản lý rủi ro tín dụng chưa toàn diện, mô hình quản lý rủi ro tín dụng không phù hợp, quy trình cấp tín dụng còn bất cập, hệ thống đo lường rủi ro tín dụng thiếu đồng bộ, xuất hiện tình trạng tập trung tín dụng vào một số ngành hàng, nhóm khách hàng, ngân hàng chưa xây dựng được hệ thống theo dõi cảnh báo sớm rủi ro tín dụng. Tình trạng trên dẫn tới việc NHTMCP Công thương Việt Nam dễ dàng gặp rủi ro về tín dụng. Từ những hạn chế này, luận án của Nguyễn Đức Tú đã phân tích nguyên nhân và đưa ra các giải pháp nhằm quản lý rủi ro tín dụng tại ngân hàng.
Xét trên góc độ năng lực tài chính ngân hàng, quản lý rủi ro tín dụng là một biện pháp cần thiết góp phần nâng cao năng lực tài chính NHTM. Không trùng lắp với nội dung mà luận án của NCS đang nghiên cứu nhưng luận án của Nguyễn Đức Tú đã giúp NCS có cách thức tiếp cận khi nghiên cứu về năng lực tài chính của các NHTMCP.
(7) Nguyễn Thanh Phương [37] với đề tài “Phát triển bền vững ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam”.
Luận án của Nguyễn Thanh Phương đã đưa ra cách nhìn mới về phát triển bền vững của NHTM. Theo đó, phát triển bền vững NHTM là đảm bảo sự cân bằng trong một thời gian dài giữa tính sinh lời theo yêu cầu của các chủ sở hữu ngân hàng với khả năng chịu đựng rủi ro của ngân hàng và sự cân bằng giữa lợi ích của ngân hàng và lợi ích của khách hàng.
Qua phân tích, đánh giá mức độ phát triển theo hướng bền vững của ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam trên các tiêu chí quy mô, tỷ trọng, thị phần, độ tiếp cận của ngân hàng, tính an toàn và khả năng sinh lời, luận án khẳng định những kết quả mà ngân hàng này đạt được dựa trên thực trạng nguồn nhân lực, năng lực quản trị, danh mục sản phẩm ngân hàng và công nghệ thông tin. Đồng thời, trong luận án, tác giả Nguyễn Thanh Phương đã làm rõ những nguyên nhân tác động đến các nhân tố trên của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam. Đây chính là cơ sở để tác giả xây dựng các nhóm giải pháp nhằm phát triển bền vững ngân hàng này.
Phát triển bền vững ngân hàng cũng là một trong những nội dung thể hiện năng lực tài chính của NHTM. Mặc dù,phạm vi và đối tượng nghiên cứu luận án của NCS không trùng lặp với nghiên cứu của Nguyễn Thanh Phương, nhưng luận án của NCS đã kế thừa được cách thức tiếp cận cũng như đánh giá về năng lực tài chính của NHTM trên cơ sở tính bền vững phát triển của NHTM trong luận án của Nguyễn Thanh Phương.
2.3. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC TỪ CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU TRÊN
- Về lý luận: Các công trình nghiên cứu liên quan đến luận án đã làm sáng tỏ những vấn đề lý luận cơ bản như:
Quan niệm về năng lực tài chính nói chung và năng lực tài chính của ngân hàng thương mại.
Các chỉ tiêu đánh giá năng lực tài chính của NHTM.
Nhân tố ảnh hưởng đến năng lực tài chính ngân hàng thương mại.
Phương pháp đánh giá năng lực tài chính của các NHTM theo mô hình CAMELS.
- Về kinh nghiệm các nước: Các công trình nghiên cứu liên quan đến luận án tham khảo kinh nghiệm của các nước như Trung quốc, Mỹ, Nhật bản, Hàn quốc trong việc tái cấu trúc ngân hàng sau ảnh hưởng của khủng hoảng. Từ những tham khảo này, các tác giả đã rút ra được những bài học trong việc củng cố sức mạnh tài chính đối với các NHTM Việt Nam.
- Về đánh giá thực trạng: Các công trình đã đánh giá thực trạng năng lực tài chính của các NHTM Việt Nam từ 2012 trở về trước trên các khía cạnh như: Quy mô vốn chủ sở hữu và tỷ lệ an toàn vốn; Quy mô và chất lượng tín dụng; Khả năng thanh khoản; Khả năng sinh lời. Từ những đánh giá thực trạng, các công trình đã có kết luận về kết quả đạt được, tồn tại và nguyên nhân trong việc tác động đến năng lực tài chính ngân hàng.
- Về đề ra chính sách, định hướng và giải pháp: Các công trình đã đề xuất các giải pháp được xây dựng trên nền tảng thực trạng hoạt động của các NHTM trước năm 2012, định hướng đến năm 2020.
2.4. NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA CHO VIỆC NGHIÊN CỨU CỦA LUẬN ÁN
- Những vấn đề đặt ra trong nghiên cứu lý luận: Cần làm rõ hơn và bổ sung các vấn đề sau:
Phân tích chi tiết hơn cơ sở khi đưa ra quan niệm về năng lực tài chính, nâng cao năng lực tài chính của NHTM.
Làm rõ hơn nội dung về tài chính và năng lực tài chính NHTM.
Cách tiếp cận đa chiều về phương pháp đánh gía năng lực tài chính NHTM.
Hoàn thiện hơn nội dung và cách tiếp cận khi phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến năng lực tài chính NHTM.
- Những vấn đề đặt ra trong nghiên cứu kinh nghiệm nâng cao năng lực tài chính NHTM
Nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trên góc độ tiếp cận các giải pháp nhằm nâng cao năng lực tài chính ngân hàng như những nỗ lực của Chính Phủ, hay
NHTM trong việc hỗ trợ thanh khoản, tái cơ cấu ngân hàng, xử lý nợ xấu và tăng quy mô vốn tự có, từ đó rút ra bài học với các NHTM Việt nam
- Những vấn đề đặt ra trong nghiên cứu thực trạng
Các công trình nghiên cứu trước mới chỉ đánh giá khía cạnh năng lực tài chính ở một ngân hàng hay toàn bộ các ngân hàng Việt Nam mà chưa có nghiên cứu đặc thù ở hệ thống các NHTM được thành lập theo mô hình công ty cổ phần- Nhóm ngân hàng đã và đang được đặt ra những yêu cầu cấp bách trong việc tái cấu trúc để đảm bảo an toàn hệ thống và an nình tài chính quốc gia. Đặc biệt, việc đánh giá thực trạng năng lực tài chính của NHTMCP trong điều kiện biến động của nền kinh tế thế giới và Việt Nam sau khủng hoảng tài chính thế giới 2008. Đây là giai đoạn có nhiều tác động tiêu cực đến năng lực tài chính của các NHTM Việt Nam.
- Những vấn đề đặt ra trong nghiên cứu giải pháp
Nâng cao năng lực tài chính của các NHTM cần có sự phù hợp với từng giai đoạn hoạt động của hệ thống ngân hàng, gắn liền với những biến động kinh tế xã hội. Các đề tài nghiên cứu trước cũng đã đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao năng lực tài chính NHTM nhưng chưa toàn diện và cụ thể cho nhóm NHTMCP, hơn nữa các giải pháp đó được nhìn nhận ở các giai đoạn lịch sử khác nhau.
Kết luận: Với những phân tích trên cho thấy, đề tài nghiên cứu của luận án mang tính thời sự và có ý nghĩa kể cả về lý luận cũng như thực tiễn. Nội dung nghiên cứu được mở rộng và sâu hơn, như vậy không có sự trùng lắp với đối tượng và phạm vi nghiên cứu của các công trình trước đó.Nghiên cứu của luận án đặc biệt có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn tái cấu trúc ngân hàng hiện nay.
3. MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU.
- Hệ thống hóa, luận giải để góp phần hoàn thiện, nâng cao nhận thức lý luận về tài chính, năng lực tài chính của của các NHTM. Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến năng lực tài chính ngân hàng thương mại.
- Tìm hiểu kinh nghiệm của các nước trong khu vực và trên thế giới trong việc thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực tài chính NHTM, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm với các NHTMCP Việt Nam
- Phân tích, làm rõ thực trạng năng lực tài chính của các NHTMCP giai đoạn sau khủng hoảng tài chính thế giới 2009- 2014. Từ thực trạng phân tích, luận án sẽ
chỉ ra những kết quả đạt được, hạn chế và nguyên nhân trong việc đảm bảo năng lực tài chính của NHTMCP.
- Làm rõ những cơ hội và thách thức đối với việc nâng cao năng lực tài chính của các NHTMCP hiện nay.
- Đề xuất một số giải pháp nâng cao năng lực tài chính đối với các NHTMCP trong bối cảnh hiện nay, định hướng đến 2020.
- Đưa ra một số kiến nghị hỗ trợ cho các NHTMCP thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực tài chính.
4. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU
4.1. Đối tượng nghiên cứu của luận án
- Những lý luận về năng lực tài chính của các ngân hàng thương mại
- Thực trạng năng lực tài chính của các ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam
4.2.Về phạm vi nghiên cứu:
+ Về không gian: Nội dung luận án giới hạn trong phạm vi nghiên cứu về các NHTM được thành lập theo mô hình công ty cổ phần.
+ Về thời gian: Khảo sát, phân tích trong giai đoạn sau khủng hoảng tài chính thế giới (từ 2009 đến 2014) dựa trên số liệu từ báo cáo tài chính của 21 NHTMCP,báo cáo của NHNN và ngân hàng thế giới. Đề xuất giải pháp nâng cao năng lực tài chính các NHTMCP hiện nay, định hướng đến 2020 và tầm nhìn đến 2030.
5. Ý NGHĨA KHOA HỌC VÀ THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU.
Trên cơ sở nghiên cứu những lý luận và thực tiễn về năng lực tài chính của các NHTM cổ phần, luận án đã có những đóng góp sau.
- Hệ thống hóa những lý luận về năng lực tài chính của của các NHTM. Luận án đã đưa ra quan điểm riêng về tài chính, năng lực tài chính của các NHTM. Với những phân tích và lập luận có tính thuyết phục, luận án đã chỉ ra những điểm đặc thù về năng lực tài chính của các NHTM. Khảng định sự cần thiết của việc nâng cao năng lực tài chính của các NHTM, qua đó luận án trình bày các chỉ số đánh giá về năng lực tài chính NHTM. Đặc biệt, luận án đã phân tích những nhân tố ảnh hưởng đến năng lực tài chính NHTM, những nội dung này sẽ giúp cho các nhà nghiên cứu, giảng dậy và các nhà quản lý có cái nhìn hệ thống hơn về lý luận năng lực tài chính NHTM.
- Chỉ ra được những bài học trong việc nâng cao năng lực tài chính đối với các NHTMCP Việt nam trên cơ sở kinh nghiệm của các nước khu vực và thế giới.
- Khái quát hóa được lịch sử hình thành, phát triển cũng như đặc điểm của các NHTMCP.
- Phân tích, đánh giá thực trạng năng lực tài chính của các NHTMCP của Việt Nam giai đoạn 2009- 2014. Từ những đánh giá này, luận án giúp cho các nhà nghiên cứu và quản lý có cái nhìn tổng quan về năng lực tài chính của các NHTMCP Việt nam hiện nay. Dựa trên yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế theo xu hướng mở cửa thị trường dịch vụ tài chính cũng như khuyến cáo, chuẩn mực quốc tế theo mô hình CAMELS về yêu cầu năng lực tài chính đối với các NHTM, luận án chỉ ra kết quả đạt được, hạn chế và nguyên nhân dẫn đến những yếu kém về năng lực tài chính của các NHTMCP. Tạo cơ sở cho các nhà quản trị ngân hàng cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước có cơ sở tham khảo khi đưa ra các giải pháp góp phần nâng cao năng lực tài chính của các NHTMCP.
- Chỉ ra những cơ hội, thách thức và quan điểm đối với việc nâng cao năng lực tài chính của các NHTMCP Việt nam.
- Đề xuất các giải pháp và kiến nghị nhằm nâng cao năng lực tài chính của các NHTM cổ phần hiện nay, định hướng đến năm 2020. Các giải pháp này được xây dựng dựa trên nền tảng lý luận cũng như thực tiễn hoạt động của các NHTMCP. Một mặt giúp cho các nhà nghiên cứu có cái nhìn xuyên suốt về vấn đề nâng cao năng lực tài chính ngân hàng. Mặt khác, những giải pháp này cũng có giá trị thực tiễn với các NHTMCP cũng như các cơ quan quản lý nhà nước.
6. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU:
Nội dung luận án sẽ được trình bày dựa trên sự kết hợp giữa các phương pháp nghiên cứu như phương pháp duy vật biện chứng; duy vật lịch sử; Phương pháp thống kê so sánh; Phương pháp phân tích tổng hợp, tư duy logic, phương pháp chuyên gia, tư duy độc lập.
Phương pháp duy vật biện chứng, duy vật lịch sử nhằm xem xét sự vật, hiện tượng trong trạng thái luôn phát triển, mở rộng ứng với các điều kiện và môi trường liên quan.
Phương pháp thống kê so sánh: Luận án sử dụng hệ thống số liệu thống kê trong một chuỗi thời gian để lập bảng, biểu diễn trên biểu đồ để so sánh và đánh giá