Hoạt động ngân hàng đầu tư cũng nên chia ra hai mảng kinh doanh: Tư vấn (Advisory) và mua bán sát nhập (Merging and Acquisition). Mảng tư vấn chuyên về những sản phẩm tư vấn truyền thống: tư vấn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tư vấn niêm yết, tư vấn bán phần vốn Nhà nước. Mua bán sát nhập M&A là một mảng kinh doanh mới, trung gian tư vấn cho cả hai bên đối tác là: bên mua (Buy side) và bên bán (Sell side). M&A là mảng kinh doanh mang lại doanh thu rất cao do thu được phí hai đầu và là hướng đi lâu dài bền vững của hoạt động ngân hàng đầu tư (Investment Banking).
Hoạt động nguồn vốn là hoạt động mới cần được tách bạch riêng, do đặc thù của các công ty chứng khoán nguồn tiền luân chuyển liên tục hàng ngày do đó có những lúc tiền ở tài khoản nhàn rỗi hàng chục tỷ đồng. Nếu ghép chung với phòng kế toán thì sẽ không phát huy được hiệu quả sử dụng vốn. Do đó tách biệt hoạt động nguồn vốn là hướng đi mới trong năm 2010 -2015. Đối với công ty chứng khoán lớn thì hoạt động này mang lại vài chục tỷ đồng doanh thu/năm. Ngoài ra, phòng nguồn vốn còn có chức năng điều phối nguồn tiền cho các business line họat động kế hoạch và hiệu quả.
1.2. Tăng cường năng lực tài chính
Hạn chế về năng lực tài chính chính là một trong những nguyên nhân chủ yếu, trực tiếp dẫn đến các công ty chứng khoán Việt Nam hoạt động chưa thực sự hiệu quả. Trên thực tế, chất lượng hoạt động của các công ty chứng khoán chưa tương xứng với số lượng các công ty chứng khoán trên thị trường. Sự hạn chế về năng lực tài chính của các công ty chứng khoán không chỉ kìm hãm sự phát triển của chính bản thân các công ty chứng khoán mà còn giảm tính an toàn và hiệu quả cho thị trường chứng khoán nói chung. Vì vậy, một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty chứng khoán Việt Nam đó là tăng năng lực tài chính cho các công ty chứng khoán, đảm bảo theo yêu cầu của luật pháp vốn điều lệ 300 tỷ cho bốn nghiệp vụ: Môi giới 25 tỷ, tư vấn 10 tỷ, tự doanh 100 tỷ, bảo lãnh phát hành 125 tỷ. Ngoài ra, việc tăng cường năng lực tài chính còn công ty chứng khoán có khả năng chống đỡ, chi trả, và đầu tư mở rộng, trang thiết bị công nghệ giao dịch hiện đại, hỗ trợ các sản phẩm tài chính hiệu quả.
1.3. Nâng cao hiệu quản công tác quản lý rủi ro và kiểm soát nội bộ
Mỗi hoạt động kinh doanh sử dụng vốn đều phải có quy trình giao dịch, quy trình tín dụng, kiểm soát nội bộ riêng quy định rõ công việc của từng khâu, từng bộ phận, thẩm quyền xét duyệt, hạn mức, phương án và cách thức xử lý. Một số quy trình cơ bản :
- Hoạt động môi giới: Quy trình giao dịch, quy trình môi giới, quy trình sửa lỗi, quy trình tín dụng, quy trình xử lý các khoản nợ
- Hoạt động tự doanh: Quy trình đầu tư, quy trình mua bán cổ phiếu, quy trình mua bán trái phiếu, quy trình quản lý tín dụng áp dụng cho tự doanh.
- Hoạt động ngân hàng đầu tư: Quy trình tư vấn niêm yết, quy trình tư vấn cổ phần hóa, quy trình tư vấn bán phần vốn nhà nước, quy trình mua bán sát nhập, quy trình bảo lãnh phát hành
- Hoạt động nguồn vốn: Quy trình hoạt động nguồn vốn, quy trình tín dụng cho hoạt động kinh doanh vốn.
Có thể bạn quan tâm!
- Doanh Thu Từ Các Nghiệp Vụ Của Các Công Ty Chứng Khoán Năm 2009
- Chỉ Tiêu Tỷ Suất Lợi Nhuận Trên Vốn Điều Lệ (Eps)
- Cơ Cấu Doanh Thu Một Số Công Ty Chứng Khoán 2008-2009 17
- Tiếp Tục Thực Hiện Các Biện Pháp Để Tăng Cung Chứng Khoán Trên Thị Trường
- Nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2010 - 2015 - 13
- Nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2010 - 2015 - 14
Xem toàn bộ 117 trang tài liệu này.
Công ty chứng khoán nên chủ động thực hiện chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhân viên thông qua công việc nghiệp vụ hàng ngày. Đào tạo phải đúng đối tượng, cán bộ được cử đi đào tạo phải phù hợp với chương trình đào tạo cả về nội dung và trình độ. Các nhân viên môi giới bắt buộc phải qua các khoá học do UBCK Nhà nước quy định như: kiến thức cơ bản về chứng khoán và thị trường chứng khoán, kiến thức về luật áp dụng trong ngành chứng khoán, phân tích và đầu tư chứng khoán và phải có chứng chỉ hành nghề chứng khoán. Tổ chức liên tục các khoá học nâng cao trình độ cho nhân viên: phân tích chuyên sâu về tài chính doanh nghiệp, các khoán học về kỹ năng bán hàng, văn hoá doanh nghiệp, ngoại ngữ tin học…Tổ chức các khoá học tập kinh nghiệm và khảo sát thị trường chứng khoán của các nước trong khu vực và các nước phát triển. Tuyển mới lao động trên cơ sở công khai, đảm bảo chất lượng về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ, khả năng giao tiếp. Đối với các cán bộ tư vấn và phân tích các công ty cần chú ý tuyển chọn những cán bộ có trình độ cao, đạt được chứng chỉ CFA, CPA. theo chuẩn mực quốc tế.
1.4. Đổi mới công nghệ thông tin
Công ty chứng khoán phải lựa chọn công nghệ giao dịch hiện đại đảm bảo tính bảo mật, thuận lợi cho quản lý, phù hợp với kinh doanh. Cần thiết phải chia 2 mảng Back office (quản lý nộp rút tiền của nhà đầu tư, quản lý chứng khoán, quản lý giao dịch, thanh toán bù trừ, lưu ký) và Front office ( quản lý nhân viên môi giới, quản lý khách hàng, quản lý hiệu quả, hiệu suất làm việc của nhân viên, phòng, chi nhánh, của hoạt động kinh doanh). Công nghệ phải đảm bảo tương thích với hệ thống ngân hànônnsở giao dịch chứng khoán, yrung tâm lưu ký. Công nghệ cần thích ứng với sự phát triển của thị trường 5 -10 năm tới. Sắp tới bảng điện tử sẽ không thể áp dụng được nữa bởi vì mỗi sàn Hose và Hastc đã lên tới 200 công ty niêm yết do đó công nghệ giao diện display cũng phải thay đổi theo. Internet trading phải là một hướng đi trong tương lai, ở các nước phát triển giao dịch qua Internet chiếm 80% giao dịch toàn thị trường. Ở Việt nam lại ngược lại chỉ chiếm 20%. Do đó công nghệ đầu tư cần phải tính tới việc gia tăng giá trị, tính tương thích và mở rộng trong tương lai.
1.5. Thiết kế sản phẩm mới phù hợp
Đa dạng hóa các loại dịch vụ là xu hướng phổ biến đối với các công ty chứng khoán hiện nay ở các nước, đồng thời cũng là một vấn đề có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển của thị trường chứng khoán trước sức ép ngày càng lớn của sự cạnh tranh giữa các công ty chứng khoán mà còn có nguyên nhân từ sự biến động của thị trường. Hiện tại các công ty chứng khoán thực hiện gần như đầy đủ các loại nghiệp vụ được phép thực hiện như các nghiệp vụ môi giới, tự doanh, bảo lãnh phát hành, tư vấn. Tuy nhiên, đối với các loại dịch vụ phụ trợ các công ty chứng khoán Việt Nam hiện nay mới chỉ thực hiện nghiệp vụ lưu ký chứng khoán, cầm cố, ứng trước chứng khoán (thực hiện bằng các phối hợp với các ngân hàng) còn nhiều loại dịch vụ bổ trợ khác hiện nay vẫn chưa thực hiện được. Ngay cả trong bốn loại dịch vụ chính các công ty chứng khoán cũng chỉ thực hiện chủ yếu ở dịch vụ môi giới chứng khoán ở mức độ đơn giản đơn thuần là khâu trung gian nhận và truyền lệnh giao dịch cho khách hàng, các nghiệp vụ còn lại cũng rất hạn chế. Vì vậy, trong thời
gian tới để nâng cao vai trò của các công ty chứng khoán nên có biện pháp nâng cao chất lượng các nghiệp vụ kinh doanh hiện có :
Đối với hoạt động môi giới, các công ty chứng khoán nên định hướng lại tư duy kinh doanh:
- Xác định được khách hàng mục tiêu, chủ động tìm kiếm khách hàng, không chờ đợi khách hàng đến giao dịch.
- Xây dựng chiến lược kinh doanh của hoạt động môi giới (chuẩn bị các phương án, kế hoạch kinh doanh căn cứ theo sự biến động của chỉ số VN Index, theo tính thanh khoản của thị trường...), đồng thời bám sát các dự báo phân tích thị trường từng giai đoạn.
- Sử dụng khái niệm chi phí sử dụng vốn cho hoạt động môi giới, hạch toán kinh doanh theo hoạt động môi giới (có doanh thu, có chi phí trực tiếp, gián tiếp , chi phí phân bổ).
- Các công ty chứng khoán nên xác định năng lực cốt lõi của môi giới là: Công nghệ, Sản phẩm, Con người.
- Đối với công nghệ cần đầu tư công nghệ mới, tương thích, có khả năng mở rộng cho các sản phẩm dịch vụ phái sinh.
- Đối với sản phẩm: cần nghiên cứu chuẩn bị các sản phẩm trong tương lai (giao dịch ký quỹ margin trading , bán khống short selling, giao dịch kỳ hạn forward), đặc biệt nâng cấp các sản phẩm phân tích (phân tích hàng ngày, phân tích nghành, phân tích chiến lược đầu tư, phân tích từng công ty).
- Chuẩn bị về nguồn vốn thích hợp cho từng sản phẩm tài chính và quy trình quản lý chặt chẽ các khoản tín dụng, kết hợp với điều chỉnh theo diễn biến thị trường, các báo cáo phân tích thị trường từng giai đoạn.
- Xây dựng đội ngũ nhân viên kinh doanh độc lập, chủ động trong tìm kiếm khách hàng, tư vấn cho khách hàng. xây dựng chế động viên khuyến khích nhân viên kinh doanh đạt hiệu quả cao (hoa hồng, thưởng)
Đối với hoạt động tự doanh:
- Cần xây dựng chiến lược kinh doanh của năm trong đó có các phương án, kịch bản theo từng giai đoạn (theo VN index, theo tính thanh khoản của thị
trường, bám sát các dự báo phân tích, diễn biến thị trường từng giai đoạn để điều chỉnh phù hợp).
- Xác định cơ cấu doanh thu tự doanh trên tổng doanh thu một cách hợp lý.
- Áp dụng khái niệm chi phí sử dụng vốn cho hoạt động tự doanh: Sử dụng linh hoạt nguồn vốn dành cho tự doanh (thay đổi danh mục trái phiếu, cổ phiếu, đầu tư dài hạn)
- Xây dựng quy trình đầu tư (thẩm quyền, danh mục, tỷ trọng, ngành nghề, phương án cắt lỗ, chốt lời).
Đối với hoạt động tư vấn, mua bán sát nhập và bảo lãnh phát hành:
- Xây dựng lại hệ thống sản phẩm, quy trình kèm theo chia thành ba loại sản phẩm: Tư vấn tài chính cho doanh nghiệp, Mua bán sát nhập , Bảo Lãnh Phát Hành.
- Bố trí nhân sự phù hợp cho từng sản phẩm, từng giai đoạn phù hợp với diễn biến thị trường.
- Áp dụng khái niệm chi phí sử dụng vốn cho hoạt động kinh doanh.
- Chủ động tìm kiếm khách hàng không đợi khách hàng tìm đến mình, có chế độ thưởng khuyến khích nhân viên đem lại hợp đồng, doanh thu cao.
1.6. Xây dựng hệ thống phân tích và dự báo chuyên nghiệp.
Thị trường càng phát triển thì trình độ và nhu cầu của khách hàng (cá nhân và tổ chức) ngày càng nâng lên. Họ không chỉ đòi hỏi công ty chứng khoán thực hiện chính xác giao dịch, sản phẩm tài chính hỗ trợ , hơn thế nữa họ có quyền yêu cầu các công ty chứng khoán cung cấp các bản phân tích chuyên nghiệp.
Sản phẩm phân tích sẽ là xương sống, sản phẩm cốt lõi, công cụ cạnh tranh dài hạn có chiều sâu cho mọi hoạt động kinh doanh của công ty bao gồm từ môi giới, tư vấn tài chính cho cá nhân, tổ chức, tự doanh, bảo lãnh phát hành.
Biểu 14. Mối quan hệ của sản phẩm phân tích đối với các hoạt động kinh doanh của công ty chứng khoán
Các sản phẩm của phòng phân tích bao gồm :
- Phân tích thị trường cổ phiếu theo ngày, theo tháng, theo quý, theo năm.
- Phân tích theo ngành, theo nhóm ngành : Bất động sản, Tài chính ngân hàng, Sắt thép vật liệu xây dựng, Thủy sản, Dầu khí, Dược, Hàng tiêu dùng, Nông nghiệp.
- Phân tích công ty ( Company Visit Note ).
- Phân tích trái phiếu
- Phân tích kỹ thuật xu hướng của thị trường cổ phiếu
- Phân tích kinh tế vĩ mô
Yêu cầu đối với sản phẩm phân tích phải trung lập, chất lượng không được thiên về buy side hay sell side. Phòng phân tích mạnh về số lượng, chất lượng sẽ là đòn bẩy, công cụ cạnh tranh mạnh mẽ dài hạn, song song kèm với sản phẩm mới, hỗ trợ tín dụng, công nghệ… Đồng thời các business line khác sẽ sử dụng sản phẩm phân tích như một công cụ tham khảo hữu hiệu trước khi ra quyết định đầu tư. Phân tích xu thế thị trường tốt sẽ giảm bớt rủi ro trong hoạt động tự doanh, giúp sớm thanh khoản những khoản nợ, và hỗ trợ môi giới cá nhân và tổ chức hiệu quả.
2. Nhóm giải pháp vĩ mô (thuộc về phía chính phủ)
2.1. Hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động của các công ty chứng khoán
Muốn có một thị trường chứng khoán nói chung và hệ thống các công ty chứng khoán nói riêng hoạt động nhịp nhàng, lành mạnh, có hiệu quả và ngày càng phát triển thì không thể thiếu một khuôn khổ pháp lý đồng bộ, hoàn chỉnh, điều hành mọi hành vi, hoạt động của các chủ thể tham gia trên thị trường.
Để đảm bảo cho hoạt động của thị trường chứng khoán được an toàn, lành mạnh và ổn định thì ngoài Luật chứng khoán cần hệ thống các văn bản khác nhằm bao quát và điều chỉnh được một cách trực tiếp hoặc gián tiếp các hành vi, các mối quan hệ của các đối tượng tham gia thị trường. Đó là các tổ chức phát hành và niêm yết chứng khoán, các nhà đầu tư các trung gian tài chính hay các tổ chức tự quản tham gia thị trường.
Về phía các tổ chức phát hành chứng khoán: Đó là các công ty cổ phần, các doanh nghiệp Nhà nước (được phép phát hành chứng khoán), kho bạc Nhà nước, Chính phủ. Để điều chỉnh hành vi của các đối tượng này cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các văn bản pháp luật liên quan như Luật Doanh nghiệp, Luật phá sản, Luật kế toán – kiểm toán, Luật chứng khoán…
Về phía các nhà đầu tư, kinh doanh chứng khoán: các nhà đầu tư, kinh doanh chứng khoán trên thị trường là các tổ chức hoặc cá nhân đầu tư hoặc kinh doanh chứng khoán để thu lợi nhuận. Quan hệ đầu tư, mua bán chứng khoán là mối quan hệ vật chất, tài sản giữa các thể nhân hoặc pháp nhân. Vì vậy, để điều chỉnh đối tượng này cần có các Luật thương mại, Luật đầu tư, Luật tín thác đầu tư, Luật dân sự, Luật hình sự và Luật cạnh tranh…
Đối với các tổ chức tài chính trung gian thực hiện các hoạt động kinh doanh hoặc cung cấp các dịch vụ trên thị trường chứng khoán, để điều chỉnh hoạt động của các đối tượng này cần có các Luật chứng khoán, Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật các tổ chức tín dụng, Luật bảo hiểm…
Việc xây dựng và ban hành hệ thống luật phải được thực hiện đồng thời và đồng bộ với hệ thống văn bản dưới luật để đảm bảo tính hiệu lực và tính khả thi của văn bản luật khi được ban hành. Mặt khác hoạt động kinh doanh chứng khoán là
lĩnh vực có tính quốc tế cao nên hệ thống văn bản luật vừa phải phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước song đồng thời cũng phải đáp ứng được các yêu cầu, chuẩn mực quốc tế.
2.2. Giám sát chặt chẽ các chỉ tiêu an toàn tài chính của các Công ty chứng khoán
Ủy ban chứng khoán nhà nước cần phân tích, đánh giá kết quả hoạt động các công ty chứng khoán thông qua hệ thông chỉ tiêu giám sát tài chính theo định kỳ và yêu cầu các bổ sung, thay đổi, điều chỉnh để làm an toàn, lành mạnh hóa hệ thống.
Yêu cầu các công ty tuân thủ quy định về vốn: 18
- Tự doanh : 100 tỷ
- Môi giới : 25 tỷ
- Tư vấn : 10 tỷ
- Bảo lãnh phát hành : 165 tỷ.
2.3. Hoàn chỉnh cấu trúc của thị trường chứng khoán
Tách thị trường trái phiếu ra khỏi thị trường cổ phiếu để hình thành thị trường trái phiếu chuyên biệt. Từng bước nghiên cứu hình thành và phát triển thị trường trái phiếu chuyên biệt. Từng bước nghiên cứu hình thành trường giao dịch tương lai cho các công cụ phái sinh, thị trường chứng khoán hoá các khoản cho vay trung, dài hạn của ngân hàng…
Tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán phi tập trung (OTC) theo hướng có quản lý thông qua các giải pháp: thực hiện đăng ký, lưu ký tập trung đối với các công ty cổ phần đủ điều kiện theo quy định của Luật Chứng khoán; nghiên cứu cơ chế giao dịch đối với các chứng khoán không đủ điều kiện niêm yết theo mô hình thoả thuận thông qua các công ty chứng khoán; các giao dịch chứng khoán tập trung thanh toán và chuyển giao thông qua Trung tâm Lưu ký chứng khoán; đồng thời, thiết lập cơ chế giám sát của thị trường giao dịch chứng khoán trong việc công bố thông tin để tăng cường tính công khai, minh bạch trên thị trường, đảm bảo sự quản lý giám sát của Nhà nước đất với các giao dịch chứng khoán, thu hẹp hoạt động trên thị trường tự do.
18 Quyết định 92 /2004 /QĐ- BTC