“Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của NHNo&PTNTVN trong xu thế hội nhập”, Nguyễn Bình Đức (2007) luận văn thạc sỹ kinh tế trường Đại học kinh tế Thành phố HCM “Nâng cao năng lực cạnh tranh của ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á”, Nguyễn Thị Hồng Ngọc (2008) “Nâng cao năng lực cạnh tranh của Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội sau khi chuyển đổi từ ngân hàng nông thôn lên đô thị”. Nguyễn Thị Phương Thảo (2008) “Nâng cao năng lực cạnh tranh của ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam thời kỳ hậu WTO”. Nghiên cứu của tác giả Đặng Hữu Mẫn, trường đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng (2010) “Năng lực cạnh tranh của các ngân hàng thương mại Việt Nam - Thực trạng và những đề xuất cải thiện”. Hoặc nghiên cứu gần đây của tiến sỹ Nguyễn Thu Hiền (2012) “Nâng cao năng lực cạnh tranh của ngân hàng thương mại Nhà nước Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế”.
Như vậy, mặc dù vấn đề phân tích đánh giá năng lực cạnh tranh của các ngân hàng thương mại ở trong nước đã được quan tâm nghiên cứu,nhưng tất cả các nghiên cứu này đều tiếp cận trong phạm vi hẹp một ngân hàng, một chi nhánh ngân hàng, một nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) trên một địa bàn nhất định hay nhóm các ngân hàng thương mại Nhà nước (NHTMNN) chứ chưa có nghiên cứu nào nghiên cứu đánh giá năng lực cạnh tranh của toàn bộ hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam. Và các nghiên cứu này cũng mới chỉ dừng ở việc nghiên cứu các cơ sở lý luận về năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập quốc tế của NHTM như: nhận diện các nhân tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh, chỉ ra được các yếu tố căn bản cấu thành năng lực cạnh tranh làm cơ sở xây dựng phương pháp xác định chỉ số năng lực cạnh tranh của ngân hàng thương mại và vận dụng nó trong việc phân tích đánh giá thực trạng năng lực cạnh tranh của những ngân hàng/nhóm ngân hàng được nghiên cứu. Trên cơ sở phân tích thực trạng năng lực cạnh tranh của ngân hàng/nhóm ngân hàng đó các nghiên cứu cũng chỉ ra được những thành công, hạn chế và nguyên nhân của những thành công, hạn chế trong vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh của mình so với các đối thủ cạnh tranh trên thị trường, từ đó đề ra các giải pháp và khuyến nghị thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngân hàng/chi nhánh ngân hàng hoặc nhóm ngân hàng được nghiên cứu.
Phương pháp mà các nghiên cứu trên đây từng áp dụng chủ yếu thông qua so sánh trực tiếp các yếu tố về năng lực tài chính, chất lượng nguồn nhân lực, trình độ công nghệ và năng lực quản lý để đánh giá năng lực cạnh tranh của mình so với đối tác cạnh tranh. Đây là phương pháp truyền thống và phần nào phản ánh được năng lực cạnh tranh của ngân hàng. Tuy nhiên, hạn chế của phương pháp này là không cho phép ngân hàng đánh giá tổng quát năng lực cạnh tranh của mình với đối thủ cạnh tranh mà chỉ đánh giá được từng mặt, từng yếu tố cụ thể và còn mang nhiều yếu tố cảm tính, khó định lượng một cách chính xác để so sánh những lợi thế của ngân hàng/nhóm ngân hàng với các đối thủ cạnh tranh trên thị trường.
Ngoài những công trình nghiên cứu ở trên, tác giả Nguyễn Văn Thụy (2007) đã có một công trình nghiên cứu về “Một số giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của NHTMCP Á Châu trong quá trình hội nhập quốc tế” bằng phương pháp định lượng kết hợp với phương pháp định tính. Nghiên cứu đã đánh giá được năng lực nội tại của ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu trong mối quan hệ tương tác với toàn bộ hệ thống NHTM Việt Nam nói chung và hệ thống NHTMCP nói riêng. Tuy nhiên, công trình này mới chỉ khảo sát mẫu điều tra ở một số chi nhánh của ACB trên phạm vi TP.HCM. Mặt khác, lĩnh vực cạnh tranh và năng lực cạnh tranh của ngân hàng rất rộng mà đề tài mới chỉ nghiên cứu trong phạm vi các nhân tố cấu thành nên năng lực cạnh tranh nội tại của NHTMCP Á Châu và thời gian phân tích là giai đoạn 2001 - 2006. Phương pháp được sử dụng trong nghiên cứu này là sử dụng phương pháp định tính để nghiên cứu khám phá các tài liệu thứ cấp và thảo luận với các chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng để xây dựng thang đo sơ bộ về năng lực cạnh tranh của một ngân hàng.Tác giả đã sử dụng phương pháp định lượng để kiểm định thang đo và đánh giá về năng lực cạnh tranh của ACB.Tiếp theo là tác giả sử dụng phương pháp phân tích dữ liệu thông qua phương pháp thống kê, phân tích các dữ liệu thứ cấp và sử dụng phần mềm SPSS 11.5 để phân tích số liệu sơ cấp qua bảng câu hỏi điều tra. Kết quả là nghiên cứu chỉ ra được một thang đo năng lực cạnh tranh tổng thể của NHTMCP Á Châu bao gồm 4 nội dung đo lường năng lực cạnh tranh nội tại của ACB như : i/ Tiềm lực tài chính và hiệu quả kinh doanh, ii/ thang đo mức độ đa dạng của sản phẩm, iii/ thang đo về chất lượng nhân sự và trình độ quản lý điều hành, iv/ thang đo về công nghệ và khả năng phát triển sản phẩm mới.
Rõ ràng là trong lĩnh vực này, chưa có một nghiên cứu nào chuyên sâu về mô hình phân tích năng lực cạnh tranh của ngân hàng. Đặc biệt là việc xây dựng một mô hình điểm số đánh giá năng lực cạnh tranh của các ngân hàng thương mại Việt Nam một cách toàn diện với các định lượng khoa học để đánh giá xếp hạng dựa trên thứ hạng điểm số là hoàn toàn mới ở Việt Nam. Kết quả nghiên cứu của đề tài cũng là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà quản lý kinh tế nói chung và các nhà quản lý trong lĩnh vực ngân hàng nói riêng. Đây là căn cứ khoa học quan trọng để các ngân hàng có chính sách phân phối nguồn lực hợp lý nhằm tăng khả năng cạnh tranh và hiệu quả hoạt động kinh doanh.
Như vậy, có thể nói việc vận dụng những phương pháp phân tích định lượng trong nghiên cứu năng lực cạnh tranh của ngành ngân hàng ở Việt Nam còn rất hạn chế, thực tế cũng cho thấy hiện nay trong phân tích năng lực cạnh tranh của các ngân hàng thương mại Việt nam từ cấp ngân hàng đến cấp ngành các nhà phân tích vẫn quen sử dụng các cách tiếp cận truyền thống, bởi vì, hiện nay đây vẫn là một cách tiếp cận dễ hiểu và dễ tính toán. Mô hình điểm số hay mô hình phân tích nhân tố tuy đã được sử dụng nhiều trong các nghiên cứu quốc tế, nhưng còn tương đối mới với Việt Nam, và các nghiên cứu trong và ngoài nước ở trên là những tham khảo bổ ích để tác giả hoàn thành luận án với cách tiếp cận hoàn toàn không trùng lặp với các nghiên cứu đã công bố.
3. Mục tiêu nghiên cứu
Có thể bạn quan tâm!
- Mô hình phân tích năng lực cạnh tranh của các ngân hàng thương mại Việt Nam - 1
- Mô hình phân tích năng lực cạnh tranh của các ngân hàng thương mại Việt Nam - 2
- Sự Cần Thiết Phải Nâng Cao Năng Lực Cạnh Tranh Của Ngân Hàng Thương Mại
- Chỉ Tiêu Đánh Giá Năng Lực Cạnh Tranh Của Ngân Hàng Thương Mại
- Nhân Tố Ảnh Hưởng Tới Năng Lực Cạnh Tranh Của Ngân Hàng Thương Mại
Xem toàn bộ 173 trang tài liệu này.
- Hệ thống hóa và hoàn thiện những vấn đề lý luận cơ bản về cạnh tranh, năng lực cạnh tranh và mô hình phân tích năng lực cạnh tranh của ngân hàng thương mại.
- Nghiên cứu thực trạng mô hình phân tích năng lực cạnh tranh của các Ngân hàng thương mại Việt Nam để chỉ rõ những kết quả đạt được, những tồn tại và nguyên nhân của những tồn tại, làm cơ sở cho việc đề xuất lựa chọn mô hình phân tích đánh giá năng lực cạnh tranh của các ngân hàng thương mại Việt Nam.
- Đề xuất lựa chọn mô hình phân tích năng lực cạnh tranh của các Ngân hàng thương mại Việt Nam và một số khuyến nghị áp dụng mô hình.
- Đánh giá một cách khách quan,toàn diện, khoa học năng lực cạnh tranh của các ngân hàng thương mại Việt Nam và xếp hạng chúng dựa trên điểm số nhân tố cạnh tranh tổng thể F.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu
- Nghiên cứu mô hình phân tích năng lực cạnh tranh đối với các ngân hàng thương mại.
4.2. Phạm vi nghiên cứu
- Phạm vi nghiên cứu là các ngân hàng thương mại Việt Nam bao gồm NHTMNN, NHTMCP mà Nhà nước chiếm cổ phần chi phối và các NHTMCP khác, không nghiên cứu các NHNNg và NHLD ở Việt Nam.
- Tác giả nghiên cứu số liệu thống kê của hơn 40 NHTMVN từ năm 2006-2012 và kết quả hoạt động của các NHTMVN năm 2012.
5. Cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu
5.1. Cách tiếp cận
- Tác giả nghiên cứu cơ sở lý thuyết về năng lực cạnh tranh và một số mô hình phân tích năng lực cạnh tranh của các ngân hàng thương mại nói chung.
- Tác giả nghiên cứu và đánh giá mô hình phân tích năng lực cạnh tranh đang được sử dụng để đánh giá năng lực cạnh tranh của các ngân hàng thương mại Việt Nam. Nhận định về những ưu điểm cũng như những mặt hạn chế của mô hình này.
- Tác giả đề xuất xây dựng mô hình phân tích nhân tố (mô hình điểm số) và đưa ra khuyến nghị áp dụng mô hình điểm số để phân tích và đánh giá xếp hạng năng lực cạnh tranh của các ngân hàng thương mại Việt Nam từ đó xác định tầm quan trọng của mỗi nhân tố ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của các NHTM…làm căn cứ giúp cho các nhà quản trị ngân hàng thương mại hoạch định chiến lược kinh doanh phù hợp với đặc điểm của mình và các cơ quan quản lý có thể đánh giá nhanh và toàn diện về năng lực cạnh tranh của các ngân hàng thương mại Việt Nam.
5.2. Phương pháp nghiên cứu
- Sử dụng phương pháp duy vật biện chứng, phương pháp duy vật lịch sử kết hợp với phương pháp thống kê, so sánh, phân tích, tổng hợp…nhằm làm rõ các vấn đề nghiên cứu.
- Phương pháp thu thập số liệu: Trong nghiên cứu này sử dụng phương pháp
nghiên cứu thư viện, sử dụng số liệu thứ cấp như báo cáo thường niên, bản công bố thông tin từ cơ quan thống kê, tạp chí, báo cáo của Ngân hàng nhà nước… và phương pháp chuyên gia để thu thập ý kiến đóng góp cho vấn đề nghiên cứu của đề tài.
- Phương pháp định lượng: sử dụng phần mềm SPSS, AMOS và DEA Solver để thực hiện các phân tích thống kê cao cấp như phân tích nhân tố, hồi quy, kiểm định mô hình đánh giá năng lực cạnh tranh dựa trên bộ dữ liệu thu nhập của hơn 40 NHTMVN từ năm 2006-2012.
6. Ý nghĩa khoa học/điểm mới của luận án
Điểm mới của luận án so với các công trình/luận án đã công bố đó là:
- Về phạm vi nghiên cứu: Luận án phân tích đánh giá năng lực cạnh tranh của tất cả các ngân hàng thương mại Việt Nam bao gồm NHTMCP, NHTMCP Nhà nước giữ cổ phần chi phối và NHTMNN. Trong khi các nghiên cứu trước ở Việt Nam mới chỉ nghiên cứu năng lực cạnh tranh trong một phạm vi hẹp hơn là một chi nhánh ngân hàng, một ngân hàng hoặc một nhóm NHTM... Điều này cho thấy đối tượng các NHTM được nghiên cứu trong luận án rộng hơn so với một số các nghiên cứu trước mà NCS được biết.
- Về lý luận: Ngoài việc hệ thống hóa các lý luận về cạnh tranh, năng lực cạnh tranh của ngân hàng thương mại, luận án đã xây dựng được một hệ thống các tiêu chí, tiêu chuẩn để xếp hạng năng lực cạnh tranh của các NHTMVN trong điều kiện hiện nay. Đồng thời, luận án cũng hệ thống hóa được các loại mô hình phân tích đánh giá năng lực cạnh tranh của ngân hàng thương mại và rút ra được những ưu nhược điểm và điều kiện áp dụng của từng mô hình.
- Phương pháp nghiên cứu: luận án sử dụng các biến đưa vào chạy mô hình kết hợp được cả yếu tố định tính và định lượng. Đặc biệt, là tác giả đã dùng các biến xấp xỉ và cách tiếp cận phi tham số (DEA) dựa vào các chương trình tuyến tính toán học để đánh giá lượng hóa các biến định tính nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí bỏ ra để thu thập thông tin qua việc tổ chức lấy phiếu điều tra cùng với thông tin bằng số thu thập được từ các báo cáo tài chính được đồng nhất chạy mô hình thống kê SPSS. Phương pháp nghiên cứu này chủ yếu là kiểm định lý thuyết, sử dụng mô
hình khoa học tự nhiên thực chứng, phương pháp nghiên cứu định lượng có thể chứng minh được trong thực tế và theo chủ nghĩa khách qua.Phương pháp kết hợp này chưa có nghiên cứu nào đề cập tới kể cả trong và ngoài nước.
- Về ứng dụng kết quả nghiên cứu: Luận án đã xây dựng các luận cứ khoa học cho một mô hình phân tích nhân tố để chấm điểm năng lực cạnh tranh của từng thành phần và năng lực cạnh tranh tổng thể từ đó xếp hạng NLCT của các NHTMVN. Việc ứng dụng mô hình phân tích nhân tố trong phân tích đánh giá năng lực cạnh tranh giúp ngân hàng có thêm một công cụ phân tích định lượng bổ sung cho công cụ phân tích hiện tại SWOT để xác định tầm quan trọng của mỗi nhân tố ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của NHTM và những lợi thế cạnh tranh của từng ngân hàng …một cách nhanh chóng, toàn diện và chính xác hơn. Từ những kết quả phân tích đánh giá đó, các nhà quản trị ngân hàng hoạch định một chiến lược kinh doanh sao cho phù hợp với đặc điểm của mình và các cơ quan quản lý có thể đưa ra những chính sách quản lý hiệu quả hơn.
7. Kết cấu của luận án
Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, luận án được bố cục thành 3 chương sau:
Chương 1. Cơ sở luận về năng lực cạnh tranh và mô hình phân tích năng lực cạnh tranh của các ngân hàng thương mại
Chương 2. Thực trạng mô hình phân tích năng lực cạnh tranh của các ngân hàng thương mại Việt Nam
Chương 3. Lựa chọn mô hình phân tích năng lực cạnh tranh của các ngân hàng thương mại Việt Nam và một số khuyến nghị áp dụng mô hình
Chương 1
CƠ SỞ LUẬN VỀ NĂNG LỰC CẠNH TRANH
VÀ MÔ HÌNH PHÂN TÍCH NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI
1.1. Cạnh tranh và năng lực cạnh tranh của ngân hàng thương mại
1.1.1. Khái niệm về cạnh tranh và năng lực cạnh tranh của ngân hàng thương mại
1.1.1.1. Khái niệm về cạnh tranh
Trong Thế kỷ XX, nhiều lý thuyết cạnh tranh hiện đại ra đời như lý thuyết của Micheal Porter, J.B.Barney, P.Krugman…v.v. Trong đó, phải kể đến lý thuyết “lợi thế cạnh tranh” của Micheal Porter, ông giải thích hiện tượng khi doanh nghiệp tham gia cạnh tranh thương mại quốc tế cần phải có “lợi thế cạnh tranh” và “lợi thế so sánh”. Ông phân tích lợi thế cạnh tranh tức là sức mạnh nội sinh của doanh nghiệp, của quốc gia, còn lợi thế so sánh là điều kiện tài nguyên thiên nhiên, sức lao động, môi trường tạo cho doanh nghiệp, quốc gia thuận lợi trong sản xuất cũng như trong thương mại. Ông cho rằng lợi thế cạnh tranh và lợi thế so sánh có quan hệ chặt chẽ với nhau, hỗ trợ nhau, lợi thế cạnh tranh phát triển dựa trên lợi thế so sánh, lợi thế so sánh phát huy nhờ lợi thế cạnh tranh [16].
Vậy cạnh tranh là sự tranh đua giữa những cá nhân, tập thể, đơn vị kinh tế có chức năng như nhau thông qua các hành động, nỗ lực và các biện pháp để giành phần thắng trong cuộc đua, để thỏa mãn các mục tiêu của mình. Các mục tiêu này có thể là thị phần, lợi nhuận, hiệu quả, an toàn, danh tiếng… Tuy nhiên, không phải tất cả các hành vi cạnh tranh là lành mạnh, hoàn hảo và nó giúp cho các chủ thể tham gia đạt được tất cả những gì mình mong muốn. Qua những quan điểm của các lý thuyết cạnh tranh trên cho thấy, cạnh tranh không phải là sự triệt tiêu lẫn nhau mà cạnh tranh là động lực cho sự phát triển của doanh nghiệp. Cạnh tranh góp phần cho sự tiến bộ của khoa học, cạnh tranh giúp cho các chủ thể tham gia biết quý trọng hơn những cơ hội và lợi thế mà mình có được, cạnh tranh mang lại sự phát triển của nền kinh tế. Thông qua cạnh tranh, các chủ thể tham gia xác định cho mình những điểm mạnh, điểm yếu cùng với những cơ hội
và thách thức trước mắt và trong tương lai, để từ đó có những hướng đi có lợi nhất cho mình khi tham gia vào quá trình cạnh tranh.
Vậy cạnh tranh trong lĩnh vực ngân hàng là sự tranh đua giữa những ngân hàng thương mại với nhau thông qua các hành động, nỗ lực và các biện pháp để giành phần thắng trên thị trường trong việc thu hút khách hàng, mở rộng thị phần, xây dựng uy tín, thương hiệu...nhằm khẳng định vị trí của ngân hàng vượt lên khỏi các ngân hàng khác trong cùng lĩnh vực hoạt động.
1.1.1.2. Khái niệm về năng lực cạnh tranh của ngân hàng thương mại
Theo báo cáo của WEF- Diễn đàn Kinh tế thế giới (1997) về khả năng cạnh tranh toàn cầu thì năng lực cạnh tranh là khả năng tồn tại trong kinh doanh và đạt được một số kết quả mong muốn dưới dạng lợi nhuận, giá cả, lợi tức hoặc chất lượng các sản phẩm cũng như năng lực của nó để khai thác các cơ hội thị trường hiện tại và làm nảy sinh thị trường mới [5].
Với mỗi cách tiếp cận nêu trên, nhiều ví dụ đã được nêu ra. Sức mạnh cạnh tranh về tổ chức được nhiều nhà nghiên cứu nhìn nhận là một khái niệm đa chiều (Ajitabh and Momaya, 2002) [19]. Irina (2000) cũng nhìn nhận cạnh tranh là một khái niệm đa chiều và xác định nó ở cấp độ tổ chức. Trong thực tế, khái niệm này có thể nhìn nhận từ ba khía cạnh: cấp độ quốc gia, ngành và doanh nghiệp [51].
i/ Cạnh tranh cấp quốc gia: là năng lực của một nền kinh tế đạt được tăng trưởng bền vững, thu hút được đầu tư, đảm bảo ổn định kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân.
ii/ Cạnh tranh cấp ngành: chịu ảnh hưởng của các đặc điểm ngành như số lượng công ty, mức độ tăng trưởng của ngành, chi phí cố định cao,chi phí lưu kho cao hoặc sản phẩm dễ hư hỏng, chi phí chuyển đổi sản phẩm thấp, mức độ khác biệt hóa sản phẩm thấp, các rào cản thoái lui thấp,..
iii/ Cạnh tranh cấp doanh nghiệp: là khả năng duy trì và mở rộng thị phần, thu lợi nhuận của doanh nghiệp trong môi trường cạnh tranh trong và ngoài nước. Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thể hiện qua hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, lợi nhuận và thị phần mà doanh nghiệp đó có được.