Những yêu cầu chung của pháp luật điều chỉnh bảo đảm an toàn trong HĐCTD của NHTM cũng chính là những yêu cầu trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật ở Việt Nam, như: yêu cầu trong việc thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng; yêu cầu trong việc đảm bảo tính toàn diện, thống nhất, phù hợp của pháp luật; yêu cầu trong việc tiếp thu kinh nghiệm nước ngoài, phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam. Bên cạnh đó, những yêu cầu cụ thể có vai trò rất quan trọng trong việc hoàn thiện pháp luật về bảo đảm an toàn trong HĐCTD của NHTM.
2.4.1. Phải góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo hoạt động ngân hàng phát triển hiệu quả, bền vững
Bảo đảm an toàn HĐNH và năng lực cạnh tranh là hai mặt của một quá trình thống nhất. Trước hết, bảo đảm an toàn HĐNH là điều kiện cho việc nâng cao khả năng cạnh tranh của NHTM. Thực tiễn cho thấy, những NHTM được đánh giá tốt về khả năng quản lý rủi ro sẽ có khả năng cạnh tranh tốt hơn vì được khách hàng ưa chuộng hơn121. Đến phần mình, việc tăng cường năng lực cạnh tranh sẽ tạo môi trường và điều kiện cho
phòng ngừa rủi ro, bảo đảm an toàn HĐNH. Muốn vậy, pháp luật cần phải được hoàn thiện theo hướng tạo một môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh, gắn liền với nâng cao năng lực cạnh tranh và bảo đảm an toàn trong HĐCTD của NHTM.
Bảo đảm an toàn trong HĐCTD cũng cần đi đôi với hiệu quả HĐNH. Mặc dù trong ngắn hạn, mục tiêu bảo đảm an toàn và hiệu quả hoạt động dường như là đối lập nhau. Tung Hao Lee và Shu Hwa Chih cho rằng, quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn một cách chặt chẽ sẽ tốt cho sự ổn định NH, chứ không tốt cho hiệu quả hoạt động của NH122. Tuy nhiên trong dài hạn, hai mục tiêu này lại không quá khác biệt khi TCTD muốn hoạt động hiệu quả và lâu dài123. Chính vì vậy, hoàn thiện pháp luật về bảo đảm an toàn trong HĐCTD của NHTM cần lưu ý đến mối quan hệ này. Tránh xu hướng chạy theo lợi nhuận và hiệu quả HĐNH mà ảnh hưởng tới an toàn HĐNH.
Đồng thời cũng cần tránh việc “lo lắng thái quá” tới rủi ro mà làm suy giảm hiệu quả và lợi nhuận của các NHTM. Theo quan điểm của tác giả, cách tốt nhất là pháp luật nên có biện pháp giám sát mức rủi ro có thể chấp nhận, vì “các nhà lãnh đạo NH hiện đại hiểu rằng, tối đa hóa lợi nhuận không thể song hành cùng tối thiểu hóa rủi ro, mà là trong phạm vi mức rủi ro tốt nhất mà NH có thể chấp nhận”124.
Bảo đảm an toàn trong HĐCTD cần song hành với sự phát triển HĐNH một cách bền vững. Thực tế nền kinh tế thị trường ở nước ta trong một giai đoạn khá dài cho thấy, hệ thống NH là đại diện gần như duy nhất của thị trường tài chính đảm nhận
121 Trần Vũ Hải (Chủ biên) (2010), Tlđd (số 84), tr 228.
Có thể bạn quan tâm!
- Các Tiêu Chí Đánh Giá Sự An Toàn Trong Hoạt Động Cấp Tín Dụng Của Các Ngân Hàng Thương Mại
- Vai Trò Của Pháp Luật Về Bảo Đảm An Toàn Trong Hoạt Động Cấp Tín Dụng Của Các Ngân Hàng Thương Mại
- Pháp Luật Về Xử Lý Rủi Ro Trong Hoạt Động Cấp Tín Dụng Của Ngân Hàng Thương Mại
- Pháp luật về bảo đảm an toàn trong hoạt động cấp tín dụng của các ngân hàng thương mại Việt Nam - 12
- Những Hạn Chế, Bất Cập Của Pháp Luật Và Thực Hiện Pháp Luật Về Phòng Ngừa Rủi Ro Trong Hoạt Động Cấp Tín Dụng Của Ngân Hàng Thương Mại
- Về Các Biện Pháp Bảo Đảm Tín Dụng
Xem toàn bộ 212 trang tài liệu này.
122 Tung-Hao Lee and Shu-Hwa Chih, “Does financial regulation affect the profit efficiency and risk of banks? Evidence from China’commercial banks”, North American Journal of economics and finance, 2013.
123 Trần Vũ Hải (Chủ biên, 2010), tlđd (số 84), tr 226.
124 Lê Thị Huyền Diệu (2010), tlđd (số 18), tr 26.
chức năng cung ứng vốn125. Điều đó cho thấy vai trò của HĐNH trong sự phát triển nền kinh tế ở Việt Nam hiện nay. Vì vậy, hoàn thiện pháp luật về bảo đảm an toàn trong HĐCTD của NHTM cần kết hợp chặt chẽ đến sự phát triển và vai trò của HĐNH đối với nền kinh tế xã hội. Bên cạnh đó, cần phải quan tâm đến sự phát triển bền vững. Nghĩa là, sự phát triển HĐNH đáp ứng được những nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng, tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu trong tương lai. Chính sách phát triển bền vững tập trung giải quyết vấn đề kết hợp gắn bó chặt chẽ giữa các yếu tố phát
triển, nói cách khác đặt các yếu tố phát triển trong mối liên hệ tổng thể, phụ thuộc lẫn nhau, là điều kiện của nhau, đảm bảo không tách rời, biệt lập các yếu tố đó126. Dựa vào những kinh nghiệm của khủng hoảng tài chính thế giới những năm gần đây, Roland Benediker cho rằng, cần xây dựng hệ thống NH theo mô hình những “ngân hàng xã hội” (Social banking), với ba đặc trưng cơ bản là trách nhiệm với cộng đồng, sự minh bạch và bền vững127. Đây có thể xem là bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong quá trình hoàn thiện pháp luật ngân hàng, bởi lẽ với đặc trưng về trách nhiệm đối với cộng đồng là sự thể hiện chức năng trung gian về vốn cho nền kinh tế; đặc trưng về sự minh bạch sẽ giảm thiểu những rủi ro từ những giao dịch nội bộ của NH; đặc trưng về sự bền vững sẽ đáp ứng nhu cầu cho sự phát triển an toàn, lành mạnh và tăng cường khả năng cạnh tranh của các NHTM Việt Nam.
2.4.2. Bảo đảm phòng ngừa và xử lý rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng của ngân hàng thương mại
Bản chất của bảo đảm an toàn là ngăn ngừa, tránh được rủi ro và hậu quả của rủi ro xảy ra. Vậy nên yêu cầu đầu tiên của pháp luật là cần dự liệu được những rủi ro và hậu quả của nó. Không thể xây dựng được pháp luật về bảo đảm an toàn có hiệu quả khi pháp luật đó không xác định (nhận dạng) và không đo lường (định lượng) được rủi ro. Trên thực tế, các nghiệp vụ NH luôn vận động và thay đổi không ngừng nên pháp luật về bảo đảm an toàn cũng cần có sự thay đổi (sửa đổi, bổ sung) cho phù hợp. Thực vậy, sự phát triển của hệ thống NH bất kỳ quốc gia nào cũng không tránh khỏi những giai đoạn khó khăn, khủng hoảng. Đó chính là dấu hiệu cho thấy sự phát triển của hệ thống NH và các thể chế chính sách đi kèm đã không còn phù hợp với sự phát triển của nền
kinh tế; và đã đến thời điểm nó cần phải trải qua những cải tiến đổi mới128. Để tránh
trường hợp pháp luật thay đổi “chóng mặt” thì nhà làm luật cần xây dựng quy trình lập
125 Nguyễn Văn Vân, “Cơ chế pháp lý khơi thông nguồn vốn từ thị trường tài chính cho thị trường bất động sản”, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 3 năm 2012, tr 53.
126 Trần Thái Dương, “Xây dựng chính sách pháp luật theo quan điểm phát triển bền vững”, tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 2/2009, tr 6.
127 Roland Benediker, “European answers to the Financial Crisis: Social Banking and Social Finance”, website http://spice.standford.edu, 2011.
128 Nguyễn Thị Kim Thanh, “Tổng quan về tái cơ cấu hệ thống tài chính tiền tệ”,
[http://ecna.gov.vn/ct/ht/Lists/BaiViet/Attachments/155/Nguyen%20Thi%20Kim%20Thanh.pdf]. (Truy cập 15/10/2013).
pháp công khai, minh bạch và có tính dự báo. PGS.TS Phạm Duy Nghĩa đã viết, luật pháp suy cho cùng cũng là một yếu tố tạo nên chi phí giao dịch trong kinh doanh… luật pháp minh bạch, ổn định, có thể dự báo trước được và tin cậy được làm giảm rủi ro kinh doanh, điều đó làm giảm chi phí giao dịch, từ đó giao lưu kinh tế sẽ gia tăng129.
Bên cạnh các quy định về phòng ngừa rủi ro, pháp luật cũng cần đưa ra những giải pháp phù hợp trong việc xử lý rủi ro trong HĐCTD của các NHTM. Việc xử lý rủi ro cần được thực hiện nhanh chóng và kịp thời, đảm bảo sự công khai và minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, đặc biệt là quyền thu hồi nợ của các NHTM.
2.4.3. Bảo đảm quyền tự do kinh doanh của ngân hàng thương mại
Quyền tự do kinh doanh, theo nghĩa chủ quan, là khả năng hành động một cách có ý thức của cá nhân hay pháp nhân trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo nghĩa khách quan, nó là hệ thống các quy phạm pháp luật và những bảo đảm pháp lý do nhà nước ban hành, nhằm tạo điều kiện cho các cá nhân hay pháp nhân thực hiện quyền của mình130. Bảo đảm an toàn và quyền tự do kinh doanh có mối liên hệ biện chứng với
nhau. Trước hết, bảo đảm an toàn là tiền đề để quyền tự do kinh doanh được thực hiện trên thực tế. Sẽ không thể có quyền tự do kinh doanh khi chủ thể thực hiện quyền đó luôn phải đối phó với những rủi ro đang rình rập cũng như khắc phục những thiệt hại đã xảy ra. Đến phần mình, quyền tự do kinh doanh có tác động tích cực đến bảo đảm an toàn. Chỉ khi nào doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh, thì họ mới có thể chủ động thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn hiệu quả và phù hợp. Tuy nhiên, bảo đảm an toàn và quyền tự do kinh doanh có thể tác động theo chiều hướng bất lợi cho nhau nếu chúng được quy định một cách lạm dụng và không phù hợp.
Như vậy, pháp luật về bảo đảm an toàn cần phải gắn liền với việc quy định về quyền tự do kinh doanh. Đây là yêu cầu đề ra mang tính khách quan trong quá trình hoàn thiện pháp luật ngân hàng. Đồng thời, yêu cầu đó xuất phát từ việc, trên thực tế, nhà nước có thể sử dụng pháp luật để hạn chế một cách quá đáng hoặc không ghi nhận quyền tự do của công dân131. Để thực hiện yêu cầu này, nhà làm luật phải đánh giá được các biện pháp bảo đảm an toàn có ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh hay không,
nếu có thì mức độ ảnh hưởng như thế nào? Đồng thời là xem xét tác động ngược trở lại của quyền tự do kinh doanh đối với bảo đảm an toàn trong HĐCTD của NHTM.
129 Phạm Duy Nghĩa (2009), Giáo trình Luật Kinh tế, NXB Công an nhân dân, tr 53.
130 Bùi Ngọc Cường (2004), Một số vấn đề về quyền tự do kinh doanh trong pháp luật kinh tế hiện hành ở Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr 19,20.
131 Bùi Xuân Hải, “Tự do kinh doanh: một số vấn đề lý luận và thực tiễn”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 5/2011, tr 69.
2.4.4. Đảm bảo sự điều tiết hợp lý của nhà nước đối với ngân hàng thương mại
Sự điều tiết hợp lý của Nhà nước đối với các NHTM là một vấn đề pháp lý quan trọng hiện nay, vì đối với bất cứ quốc gia nào lựa chọn con đường chuyển đổi nền kinh tế từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường cũng đều gặp phải vấn đề xác định giới hạn can thiệp của nhà nước vào quá trình kinh tế như thế nào cho hợp lý132. Sự điều tiết của nhà nước lại càng trở nên quan trọng và có ý nghĩa đối với HĐNH, lĩnh vực luôn chứa đựng sự rủi ro.
Theo quan điểm của tác giả, sự điều tiết hợp lý của nhà nước đối với hoạt động của NHTM nói chung và bảo đảm an toàn trong HĐCTD nói riêng được thực hiện thông qua các nội dung như sau:
- Một là, Nhà nước chỉ can thiệp vào bảo đảm an toàn của các NHTM ở tầm vĩ mô, nghĩa là thông qua việc xây dựng hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, đồng bộ và phù hợp, tạo cơ sở pháp lý an toàn và hiệu quả cho việc xây dựng và thực hiện hoạt động bảo đảm an toàn trong HĐCTD của NHTM. Pháp luật được coi là một công cụ hiệu quả nhất, phổ biến nhất nhằm điều tiết hợp lý bảo đảm an toàn trong hoạt động của NHTM.
- Hai là, Nhà nước cần tác động đến bảo đảm an toàn trong HĐCTD của NHTM thông qua việc quy định vai trò, trách nhiệm của NHNN. Điều đó nghĩa là, thông qua các công cụ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia và thanh tra giám sát, NHNN sẽ tác động tích cực đến phòng ngừa rủi ro, bảo đảm an toàn hoạt động của NHTM. Thông qua NHNN, nhà nước có một thiết chế quan trọng nhất để tác động đến hoạt động của các NHTM, trong đó có hoạt động bảo đảm an toàn.
- Ba là, Nhà nước cần tác động đến bảo đảm an toàn trong HĐCTD của NHTM thông qua việc hoạch định và thực hiện các chiến lược, kế hoạch, đề án có liên quan đến hoạt động của NHTM nói chung và hoạt động bảo đảm an toàn. Trên thực tế, nhà nước đã ban hành Đề án phát triển ngành NH Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, ban hành kèm theo Quyết định 112/2006/QĐ-TTg ngày 24/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ và Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011 – 2015, ban hành kèm theo Quyết định 254/QĐ-TTg ngày 01/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là những đề án lớn, bao quát, có tầm nhìn lâu dài. Chính vì vậy pháp luật về bảo đảm an toàn trong HĐCTD của NHTM cần có sự liên hệ với những chủ trương, chính sách trong các đề án này.
- Bốn là, Nhà nước cần tác động đến bảo đảm an toàn trong HĐCTD của NHTM thông qua việc quy định trách nhiệm cụ thể của các NHTM trong hoạt động phòng ngừa và xử lý rủi ro. Bởi vì bảo đảm an toàn hoạt động của NHTM trước hết và quan trọng nhất là trách nhiệm của các NHTM. Nhà nước cam kết chịu trách nhiệm trước xã hội và các chủ thể kinh tế về sự an toàn trong môi trường pháp lý, môi trường kinh doanh do nhà
132 Nguyễn Văn Tuyến, Tlđd (số 13), tr 17.
nước tạo lập, còn trách nhiệm kinh tế về kết quả kinh doanh thì phải được chuyển giao cho các chủ thể kinh tế tự chịu trách nhiệm133. Để thực hiện được yêu cầu này thì nhà nước cần tạo hành lang pháp lý cho các NHTM bảo đảm an toàn hoạt động của mình thông qua các các cách thức như: (i) Quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn; (ii) Quy định của pháp luật hợp đồng, vì pháp luật hợp đồng tạo cho các bên cơ hội đàm phán và thiết lập các quyền về tài sản; pháp luật hợp đồng càng tin cậy và có hiệu lực, thì rủi ro cho giao dịch càng giảm134. (iii) Quy định về các biện pháp bảo đảm cho NHTM thực thi các quy định của pháp luật như thanh tra, giám sát NH; (iv) Quy định các thiết chế thực thi và bảo vệ pháp luật có hiệu quả như đội ngũ nhân sự, cơ quan tư pháp...
Tóm lại, có một số yêu cầu được đặt ra đối với pháp luật điều chỉnh bảo đảm an toàn trong HĐCTD của các NHTM là: phải góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo HĐNH phát triển hiệu quả, bền vững; bảo đảm phòng ngừa và xử lý rủi ro trong HĐCTD của các NHTM; bảo đảm quyền tự do kinh doanh của NHTM cũng như bảo đảm sự điều tiết hợp lý của nhà nước đối với NHTM. Những yêu cầu này là cơ sở quan trọng cho việc đánh giá thực trạng pháp luật và hoàn thiện pháp luật NH ở Việt Nam hiện nay.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 2
Trong chương 2, tác giả đã phân tích những vấn đề lý luận của pháp luật về bảo đảm an toàn trong HĐCTD của NHTM. Thông qua việc sử dụng những phương pháp chủ đạo như phân tích, phân tích - tổng hợp và phương pháp so sánh luật học, tác giả đã trả lời được những câu hỏi nghiên cứu được đặt ra trong chương 1.
Trước hết, tác giả đã làm sáng tỏ bản chất pháp lý của HĐCTD của các NHTM, theo đó, HĐCTD của NHTM là hoạt động cơ bản của NHTM được pháp luật quy định, thông qua việc NHTM chuyển giao hoặc cam kết chuyển giao cho khách hàng nguồn vốn tín dụng trong một khoảng thời gian nhất định theo nguyên tắc hoàn trả, bằng các nghiệp vụ cho vay, chiết khấu giấy tờ có giá, bảo lãnh NH, phát hành thẻ tín dụng và các nghiệp vụ khác. Bên cạnh đó, tác giả cũng làm rõ những tác động mà HĐCTD của các NHTM đến nền kinh tế xã hội; những rủi ro trong HĐCTD của các NHTM, trong đó bên cạnh những rủi ro chung trong HĐCTD, còn có những rủi ro cụ thể của các nghiêp vụ cho vay, bảo lãnh, chiết khấu, bao thanh toán, nghiệp vụ phát hành và sử dụng thẻ tín dụng. Rủi ro trong HĐCTD của các NHTM là rất lớn, để lại hậu quả không chỉ đối với bản thân NHTM, mà còn đối với hệ thống NH và nền kinh tế xã hội. Từ đó, tác giả đã là làm sáng tỏ sự tất yếu phải bảo đảm an toàn trong
133 Nguyễn Văn Tuyến (2005), Tlđd (số 95), tr 195.
134 Xem H. Hansmann, R. Kraakman trích theo Phạm Duy Nghĩa (2009), tlđd (số 129), tr 48
HĐCTD của NHTM. Như vậy, câu hỏi thứ nhất và giả thuyết nghiên cứu được đặt ra trong chương 1 đã được làm rõ.
Tiếp theo, tác giả đã làm sáng tỏ khái niệm và các yếu tố cấu thành của bảo đảm an toàn trong HĐCTD của các NHTM, theo đó, bảo đảm an toàn trong HĐCTD của NHTM là việc sử dụng hệ thống các biện pháp, cách thức nhằm duy trì sự ổn định, lành mạnh, hiệu quả, phòng ngừa và xử lý các rủi ro và hậu quả của rủi ro trong HĐCTD của NHTM, góp phần tích cực cho sự phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời, tác giả cũng làm rõ hai yếu tố cấu thành nên bảo đảm an toàn trong HĐCTD của các NHTM là phòng ngừa rủi ro và xử lý rủi ro trong HĐCTD của các NHTM.
Từ kết quả nghiên cứu như trên, tác giả phân tích bản chất của pháp luật về bảo đảm an toàn trong HĐCTD của các NHTM. Thực vậy, pháp luật về bảo đảm an toàn trong HĐCTD của các NHTM là hệ thống các quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc thừa nhận, điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong hoạt động phòng ngừa và xử lý rủi ro nhằm bảo đảm an toàn trong HĐCTD của các NHTM. Từ đó, tác giả làm nổi bật vai trò của pháp luật về bảo đảm an toàn trong HĐCTD của các NHTM như: pháp luật tạo lập hành lang pháp lý cho các NHTM thực hiện HĐCTD an toàn, hiệu quả; pháp luật tạo lập cơ sở pháp lý nhằm phát huy vai trò và trách nhiệm bảo đảm an toàn trong HĐCTD của các NHTM; pháp luật thể chế hóa những kinh nghiệm quốc tế về bảo đảm an toàn trong HĐCTD của các NHTM; pháp luật là công cụ để nhà nước thực hiện kiểm tra, giám sát an toàn đối với các NHTM. Thông qua đó, tác giả đã phân tích các bộ phận cấu thành của pháp luật về bảo đảm an toàn trong HĐCTD của các NHTM gồm: pháp luật về phòng ngừa rủi ro và pháp luật về xử lý rủi ro trong HĐCTD của các NHTM. Như vậy, câu hỏi thứ hai và giả thuyết nghiên cứu trong chương 1 đã được làm rõ.
Tiếp đến, để đảm bảo cho pháp luật phát huy hiệu quả trên thực tế và phù hợp với điều kiện của Việt Nam hiện nay, nó phải đáp ứng một số yêu cầu nhất định như: phải góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo HĐNH phát triển bền vững, hiệu quả; bảo đảm phòng ngừa và xử lý rủi ro trong HĐCTD của NHTM; bảo đảm quyền tự do kinh doanh của NHTM; đảm bảo sự điều tiết hợp lý của nhà nước đối với NHTM. Như vậy, câu hỏi thứ ba và giả thuyết nghiên cứu đã được làm sáng tỏ.
Những phân tích, luận giải các vấn đề trong chương 2 của đề tài luận án sẽ là cơ sở quan trọng cho việc nghiên cứu, tìm hiểu thực trạng pháp luật và thực tiễn thi hành pháp luật về bảo đảm an toàn trong HĐCTD của các NHTM Việt Nam. Tác giả sẽ làm rõ nội dung này trong chương 3 dưới đây.
CHƯƠNG 3. THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VỀ BẢO ĐẢM AN TOÀN TRONG HOẠT ĐỘNG CẤP TÍN DỤNG CỦA CÁC NGÂN HÀNG
THƯƠNG MẠI VIỆT NAM
Pháp luật về bảo đảm an toàn trong HĐCTD của các NHTM bao gồm hai bộ phận cấu thành, đó là pháp luật về phòng ngừa rủi ro và pháp luật về xử lý rủi ro trong HĐCTD của NHTM. Trong chương này, trước hết, tác giả phân tích thực trạng pháp luật về phòng ngừa rủi ro trong HĐCTD của các NHTM, sau đó phân tích thực trạng pháp luật về xử lý rủi ro trong HĐCTD của các NHTM Việt Nam. Việc đánh giá thực trạng pháp luật về bảo đảm an toàn trong HĐCTD của các NHTM bao gồm đánh giá pháp luật thực định và thực tiễn thực hiện các quy định đó.
3.1. Thực trạng pháp luật về phòng ngừa rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng của các ngân hàng thương mại Việt Nam
Pháp luật về phòng ngừa rủi ro trong HĐCTD của NHTM gồm nhiều quy định khác nhau. Trong phạm vi của đề tài luận án, tác giả phân tích thực trạng pháp luật về phòng ngừa rủi ro trong HĐCTD của NHTM qua các quy định về những trường hợp không được cấp tín dụng, hạn chế cấp tín dụng, giới hạn tín dụng; về thẩm định hồ sơ tín dụng và kiểm tra sử dụng vốn; về các biện pháp bảo đảm tín dụng cũng như các quy định khác có liên quan.
Có thể nhận thấy, hiện nay, hệ thống các văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động phòng ngừa rủi ro trong HĐCTD gồm nhiều văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý khác nhau (xem phụ lục 2). Thực trạng pháp luật về phòng ngừa rủi ro trong HĐCTD của các NHTM tồn tại những ưu điểm và hạn chế nhất định.
3.1.1. Những ưu điểm chủ yếu của pháp luật và thực hiện pháp luật về phòng ngừa rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng của ngân hàng thương mại
Thứ nhất, pháp luật hiện hành đã tương đối toàn diện và đã thiết lập một khung pháp lý cơ bản cho các NHTM nhằm phòng ngừa rủi ro trong hoạt động kinh doanh NH nói chung và HĐCTD nói riêng. Dễ dàng nhận thấy có khá nhiều văn bản pháp luật khác nhau điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong việc phòng ngừa rủi ro trong HĐCTD của các NHTM như: các đạo luật (BLDS, BLHS, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Ngân hàng Nhà nước…); nhiều nghị định, thông tư, quyết định của các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có vai trò rất quan trọng của các văn bản do NHNN Việt Nam ban hành. Xét về nội dung, các văn bản nêu trên đã điều chỉnh các mối quan hệ xã hội trong việc quy định các hạn chế để bảo đảm an toàn trong hoạt động tín dụng, thẩm định hồ sơ tín dụng và kiểm tra sử dụng vốn, biện pháp bảo đảm tín dụng,
thanh tra giám sát, thông tin tín dụng…Nhìn chung, hệ thống các văn bản pháp luật như vậy đã giúp cho các NHTM xây dựng được các quy chế nội bộ nhằm thực hiện các HĐNH nói chung và HĐCTD nói riêng an toàn và hiệu quả.
Thứ hai, pháp luật hiện hành đã đưa ra những quy định hạn chế nhất định để đảm bảo an toàn trong HĐCTD của các NHTM, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể trong các quan hệ xã hội trong HĐCTD, trong đó có quy định về những trường hợp không được cấp tín dụng, hạn chế tín dụng và giới hạn tín dụng, cụ thể:
- Những chủ thể không được tiếp cận nguồn vốn tín dụng và hạn chế tiếp cận nguồn vốn tín dụng tại các NHTM là các tổ chức và cá nhân giữ những vị trí quản lý, điều hành, kiểm soát hoặc có khả năng chi phối và ảnh hưởng lớn đến hoạt động của NHTM như thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Tổng Giám đốc và các chủ thể khác. Có thể nhận thấy rằng, việc pháp luật quy định về những trường hợp không được cấp tín dụng và hạn chế cấp tín dụng với mục tiêu không những phòng tránh những giao dịch nội bộ có khả năng gây ra những rủi ro cho NHTM, mà còn đảm bảo sự minh bạch, ngăn ngừa xung đột lợi ích tại các NHTM để hướng tới mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn trong HĐCTD của các NHTM.
- Về giới hạn cấp tín dụng, khi cấp tín dụng cho khách hàng, NHTM cần tuân thủ quy định về giới hạn cấp tín dụng đối với một khách hàng (là tổ chức hay cá nhân) hoặc đối với nhóm khách hàng có liên quan. Quy định như vậy vừa nhằm đảm bảo cho việc hạn chế rủi ro, vừa đảm bảo cho nguồn vốn tín dụng được cung ứng cho nhiều chủ thể khác nhau, đáp ứng tốt nhất cho nền kinh tế xã hội và đảm bảo hiệu quả HĐNH.
Thứ ba, các nhà làm luật đã cố gắng xây dựng những quy định nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình thẩm định hồ sơ tín dụng và kiểm tra sử dụng vốn nhằm đáp ứng cho việc phòng ngừa những rủi ro trong HĐCTD.
Xét ở góc độ nghiệp vụ kinh tế, thẩm định hồ sơ tín dụng là hệ thống những công việc của NH từ khi tiếp nhận hồ sơ yêu cầu cấp tín dụng đến khi quyết định cấp tín dụng, nhằm xác định các điều kiện vay vốn đối với bên vay, trên cơ sở đó quyết định cho vay hay không135. Kiểm tra sử dụng vốn là việc NHTM sử dụng các biện pháp nghiệp vụ nhằm xem xét, đánh giá nhằm mục tiêu bảo đảm cho tiền vay được sử dụng đúng mục đích đã cam kết, đồng thời kiểm soát rủi ro tín dụng, phát hiện và chấn chỉnh kịp thời những sai phạm có thể ảnh hưởng đến khả năng thu hồi nợ sau này136.
Dưới góc độ pháp lý, thẩm định hồ sơ tín dụng là sự thể hiện tập trung ý chí của NHTM trong việc xây dựng những quy trình, thủ tục chung cũng như quy trình, thủ tục cụ thể mang tính bắt buộc thi hành đối với những cán bộ làm công tác tín dụng nhằm tạo cơ sở cho việc ký kết và thực hiện hợp đồng tín dụng đáp ứng các yêu cầu
135 Lê Văn Tề (2010), tlđd (số 54), tr 82.
136 Nguyễn Minh Kiều (2008), Nghiệp vụ ngân hàng, NXB Thống kê, Hà Nội, tr 67.