Tương Tác Với Phi Và Việc Sử Dụng Hệ Thống Các Vật, Hành Vi Có Tính Biểu

3.3.2. Tương tác với phi và việc sử dụng hệ thống các vật, hành vi có tính biểu

tượng

Trong quá trình tương tác với phi, người Thái sử dụng một hệ thống các vật và hành vi có tính biểu tượng, với quy định chặt chẽ về thao tác và không gian sử dụng tương ứng.

Việc gắn hồn với sinh thể được thực hiện thông qua các thao tác ma thuật nhằm xúc, buộc, thắt, giữ, đựng, gom/ tụ hồn, với sự hỗ trợ của hàng loạt các vật ma thuật: vợt1 (để xúc), dây (dây chỉ, dây mây, dải vải dùng để buộc, gom, nối, dẫn, chỉ sự sở hữu), địu, túi, mẹt (để giữ, để đựng), vòng (vòng cổ, vòng chỉ, vòng bạc để gom, tụ). Việc chặn ma, dọa ma phải dùng thao tác thổi, chém, quây che, với các vật nhọn như dao, kiếm, các vật có lỗ, mắt, riềm nhọn như vó, taleo (tượng trưng cho hố, vực,

giáo, mác), hoặc dùng lửa nóng, vật cứng đâm chặn từ nguyên liệu đồng, đá, xương. Hệ thống dây (xai) rất đa dạng trong nghi lễ Thái, được sử dụng tùy thuộc vào mục đích, bối cảnh và phạm vi nhằm buộc, dẫn hay nối. Với một người, sợi dây chỉ màu đen, màu trắng, màu đỏ trông có vẻ mỏng manh buộc trên cổ tay mang theo hàm nghĩa tượng trưng cho việc hồn gắn kết với sinh thể. Thao tác buộc chỉ cổ tay diễn ra vào phần lễ thết hồn (xú khuân), trong tiết đoạn trói, buộc hồn (phúk khuần) không chỉ là thao tác buộc chỉ của thầy mo mà còn là sự tham gia buộc chỉ của từng người có mặt trong buổi lễ dành cho chủ áo chủ cúng, với lời chúc hồn mạnh khỏe. Và những sợi chỉ này không được phép dứt hay cắt đi mà phải để tự đứt. Dây còn là một khoanh sợi trắng chụp lên quanh miệng bung thóc (khảu mạ), được gọi là dây khỏi dây páy, khi làm lễ xong, mo cúng rút lấy sợi chỉ trong khoanh này để buộc lên cổ và tay cho chủ áo với lời dặn "Chỉ trắng thay vàng, chỉ đen thay ngọc, buộc lấy

linh hồn chủ áo không cho hồn đi lang thang nữa nhé"2. Khi cùng đội quân hồn

gom hồn tụ vía tại các mường tâm linh, sợi dây mây dài được mo dùng để quét mỗi khi lùng tìm hồn vía, mỗi khi gom thu đội quân hồn về lại trần gian3. Trong các lễ cúng cho chủ áo, một sợi dây chỉ mỏng manh được nối dài từ trên cột chủ xau hẹ, nối qua gian thờ hỏng hóng rồi rải khắp các mâm lễ, như một quy ước giao nhận về đồ cúng dành riêng cho ma hồn tổ tiên. Dây giao nhận này còn có thể là một dải vải trắng phủ lớp vải đỏ4 Thái dài, nối từ trên cột chủ xau hẹ xuống đến gác thờ dành


1 Vợt được dùng để xúc hồn, còn lưới được dùng để chặn phi.

2 Tiếng Thái: "May đón tang cắm, may đăm tang kẻo, phúk khuân chẩu xửa vạy bấu hẩu pai hẩu ni".

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 403 trang tài liệu này.

3 Lời hát mo lặp đi lặp lại khi đội quân hồn kết thúc màn tìm kiếm hồn tại một mường tâm linh nào đó trên mường trời "Song cây dài mo quét/ Mo quét quân xuống cùng/ Mo gom hồn xuống hết" [206, tr.72].

4 Sở dĩ phải phủ một lớp vải đỏ Thái chạy liền phía trên dải vải trắng vì dải vải màu trắng chuyên dành trong lễ đón cỗ trong tang ma, như một hình thức nối dây chỉ dẫn sự sở hữu đồ đã được chia cho ma hồn người chết.

Ma thuật trong đời sống văn hóa của người Thái tỉnh Sơn La - 15

riêng cho ma tổ sư nghề mo một, tiếp tục kéo dài chạy qua mâm lễ cúng chính, đầu dải vải kia vắt qua đầu của người bệnh đang ngồi chờ ma hồn nhập trong lễ vào nghề. Dải vải được xem là loại dây dẫn, nối các của cải dành riêng và đã thuộc về sự sở hữu của vị ma một tổ sư (phi một). Dải vải trắng này còn xuất hiện trong đám tang Thái, đặc biệt trong lễ đón cỗ (tỏn cộ) mà người thân trong gia đình dành riêng cho người mất. Dải dây trắng dẫn cỗ nối từ mâm cúng dành cho ma hồn người chết vào tới quan tài đặt trên sàn có khi dài tới hàng trăm mét, kéo dẫn từ ngoài đường vào tới trong nhà. Dây còn là sợi dây tim (xai chơ) gồm nhiều sợi bông chập lại, nối từ trong quan tài hoặc hũ xương người chết lên đến ngôi nhà mồ dựng bên trên mộ. Trong lễ xên bản xên mường, sợi dây bản dây mường được đặt ở vị trí trung tâm, và vào cuối lễ, mọi người tham dự đi trên chiếc cầu dựng tạm, tất cả nắm tay vào dây, cùng chia sẻ chung một vận mệnh.

Trong văn hóa tâm linh Thái, dây xuất hiện trong cụm minh - nen - khớ, trong đó dây khớ chính là đường sống của người, do vị Then Khớ cai quản, được tượng trưng bằng sợi dây mỏng manh dễ đứt. Các lễ cúng giải hạn liên quan tới vị Then Khớ với mục đích gia cố đường sống này đều có sợi dây nối kéo từ chiếc áo cúng chính lên trên xà nhà, và cuối lễ, mo dùng nến sáp ong đốt cho dây cháy từ dưới lên

trên. Việc đốt dây được thực hiện tương đồng với lời cúng nói về việc trả lại cái đau ốm, vận hạn lên trời cho Then - trả nhanh như lửa bốc, như bão táp1.

Dây, như thế, vừa để trói - buộc - gắn kết, đồng thời cũng mang hàm nghĩa sở hữu/ thuộc về. Sợi dây chỉ mỏng manh buộc trên cổ tay người Thái vì thế có một lớp nghĩa biểu tượng quan trọng, tượng trưng cho sự trói buộc, gia cố, thuộc về của hồn với cơ thể. Dây cũng được xem là một trong năm vật thiêng của văn hóa Thái gồm cột (lăk, xau), vòng (pók, đốc), dây (xai), hình cuốn ngọn dương xỉ (khu kút), hình côn trùng, chim muông (măk bổng, xắt xính), tượng trưng cho sự phát triển liên tục không đứt quãng [201, tr.81].

Cái địu được sử dụng cả trong thế giới hành động thực tế và hành động bằng lời của ma thuật Thái. Địu được dùng để đựng/ cõng ma hồn (chẳng hạn, địu thanh tre tượng trưng hồn người chết về thờ trong nhà tại lễ đóng cửa mả). Trong lời hát của thầy mo lên trời lùng tìm hồn vía chủ áo, đi đến nơi nào, sau khi đánh thức phi dậy, thưa chuyện, mời ăn, mo lấy sợi dây mây đi khắp ngóc ngách nhà phi để gom hồn tìm vía gia chủ, cho lên địu, cõng về trần gian làm lễ tụ lại vào sinh thể.


1 Trong lúc đốt cho dây cháy, mo đọc lời cúng dài, trong đó có đoạn: "Của trời trả lại trời như cũ/ Của Then đem trả lại Then như xưa/ Lên nhanh như lửa bốc/ Thốc lên như bão táp/ Mang vận hạn lên trời" [206, tr.139].

Túi đựng áo hồn (thung xửa) xuất hiện trong mọi lễ cúng Thái. Áo của mọi thành viên trong nhà được đặt trong túi để tham gia vào quá trình tìm kiếm - xúc vợt

- níu giữ hồn vía của người ốm đi lạc. Áo của cả gia đình tham gia vào lễ tiễn hồn người chết đi đến các nơi. Như trong một lễ tiễn hồn tại Mộc Châu, người rể gốc phải vác một túi áo nặng tới hơn 10kg đựng áo của mọi người thân trong nhà trong lễ tiễn bố vợ ra rừng ma. Hai cuộc đưa tiễn song song - lễ tiễn của người với phần thi hài và lễ tiễn của các hồn với hình ảnh túi áo của cả nhà diễn ra trong suốt hành trình tang lễ.

Mẹt để giữ, để đựng hồn xuất hiện trong nhiều bối cảnh văn hóa Thái. Khi đứa trẻ ra đời, người ta đặt nó nằm trong cái mẹt trước tiên. Khép lại chu trình vòng đời của một con người cũng trong một hình ảnh có tính biểu tượng: hỏa thiêu xong, toàn bộ phần xương còn lại được con cháu gom nhặt đặt trong cái mẹt. Trong lễ cúng giải hạn lớn và xin kéo dài tuổi thọ dành riêng cho người già từ 60 tuổi trở lên, mo hát xin bà mụ Bảu "cho năm tháng nới rộng, cho đai mẹt đừng vội khép kín". Lời mo gợi dẫn về mẹt như một vật đựng hồn đựng vía, giữ sự sống của hồn người trên trần gian.

Vợt (ca xa), chài, lưới, vó (chủm) là những vật không thể thiếu trong một số thao tác ma thuật Thái tương tác với ma hồn. Vợt được dùng để xúc hồn vía trong lễ tìm hồn lạc, khi mo thắp đuốc khua vợt đi tìm hồn ngoài đường, trên nương, ngoài ruộng, thả hồn vào túi (tượng trưng bằng thao tác nhặt hòn sỏi cho vào túi) và mang về nhà nhập vào cơ thể. Vợt được dùng khi mo đứng đón dưới chân thang, xúc hồn vía người về sau khi mang chiếc bè vận hạn chứa mọi điều rủi ro của chủ cúng để thả cho trôi theo suối lên Then. Vợt cũng được dùng để xúc hồn vía người nhà lại trước lúc đưa thi thể người thân ra khỏi nhà để đến rừng ma. Tấm lưới/ vó dùng để căng phía trên quan tài người chết, căng từ khi cho thi thể vào trong áo quan, trên vó có quả trứng, nắm xôi để cho các ma xấu ăn, đặc biệt để chống ma cà rồng (phi

phông), để chúng không đến gây hại tới hồn ma người chết1. Vợt, lưới/ chài, vó,

taleo - những vật nhiều mắt, lỗ, mang theo một hàm nghĩa có tính uy hiếp với cả hồn vía người lẫn tà ma. Điều này được nói tới trong câu chuyện dân gian kể về taleo (tiếng Thái nghĩa là mắt của trời). Khi đám ma tà đến đến cướp phá, thần bảo vệ ngôi nhà người Thái thách chúng đếm được số mắt lưới phơi bên ngoài, nếu không sẽ quăng chài chụp bắt. Vì đếm đi đếm lại đều bị lộn nên ma tà sợ hãi kéo nhau đi. Từ đó về sau, người Thái bảo nhau dùng những mảnh chài, vó rách, tổ ong



1 Xem thêm [56, tr.65].

tàn hoặc đan mảnh liếp hình mắt cáo để dọa, cấm ma quỷ, không cho đến gần. Mảnh lưới, chài, mắt cáo còn có thể bảo vệ hồn vía người, giống như trong câu chuyện về chàng Leo nàng Mọm phạm phép nhà Then, úp chài nhiều mắt lên người mà tránh được đòn trừng phạt sấm sét Then gieo [281]. Ý niệm lưới bắt hồn này cũng được xác lập trong Quám tố mướng (Chuyện kể bản mường) với hàm nghĩa, "chài quăng xuống nước được ăn cá chiên, cá bống, quăng trên cạn được ăn nai, ăn hoẵng, quăng vào bản được hồn vía con người" [110, tr.14,15].

Vòng là một trong những vật xuất hiện phổ biến trong các thực hành văn hóa Thái và được xem là vừa để gom tụ, vừa để bảo vệ, vừa liên kết lại vừa thu giữ. Chiếc vòng bạc đặt chụp bên ngoài quả trứng dựng trong bát gạo cúng, trên mâm lễ dành riêng cho thầy mo được giải thích là để bảo vệ hồn vía (vật biểu tượng hồn vía là quả trứng gà sống), là một phép băng (quây, che chắn) không cho làm hại hồn. Vòng chỉ buộc cổ tay, vừa trói buộc, thu giữ vừa bảo vệ hồn trong sinh thể. Vòng dây mà nhà trai chuẩn bị sẵn để buộc tóc trên đầu cô dâu trong lễ búi tóc ngược tẳng cảu vừa để thu giữ hồn đầu của cô gái, vừa bảo vệ hồn vía cô và hồn vía người chồng. Vòng, nhẫn được trai gái yêu nhau trao nhau để làm tin, cũng được xem là

để buộc, giữ hồn nhau - giữ kỷ vật này, xem như hồn người kia đã thuộc về/ trao cho mình1. Vòng xòe Thái, cách mọi người nắm tay nhau đi ra rồi tụ vào quanh gốc cây hoa nghi lễ trong các lễ cúng dành cho ma tổ sư của nghề mo cũng được xem là một cách gom tụ hồn vía của các con nuôi để nhận sự che chở, bảo trợ của ma tổ sư và bà mẹ Me Một trên mường một tâm linh dành riêng cho thầy cúng2.

Với các ma dữ, ngoài việc sử dụng các đồ vật/ vật/ chất có nhiều mắt như vó, lưới, taleo (cấp độ bảo vệ cao nhất thì dùng taleo cẩu chặn, tức loại taleo chín lớp, với nhiều các phên tre nứa mắt cáo đan chồng lên nhau để tăng thêm nhiều tầng lỗ, mắt), người Thái cũng thường dùng lửa để trị ma. Lửa dùng trong lễ lên nhà mới, được đốt liên tục từ lúc đặt chõ xôi (mỏ nửng) trên bếp đến khi kết thúc mọi nghi lễ. Lửa dùng trong tục nằm lửa (nhá pháy) của phụ nữ sau sinh. Trong đám tang, lửa được đốt liên tục phía sau nhà để canh ma dữ và khi đưa tang, phải buộc bó đóm (có lõi bằng que hương) để giữ mồi lửa đi trước quan tài cho đến khi hạ huyệt lấp mộ mới dừng. Ngoài ra, các đồ vật trong túi bùa hộ mệnh của thầy mo (túi khót, với các



1 Nhiều các lễ cúng Thái liên quan đến ma tình yêu (xên chuông) cung cấp ngữ liệu cho thấy, nếu đã trao vật

- trao hồn mà không lấy được nhau, một lúc nào đó trong phần đời còn lại, hồn vía người tình cũ sẽ đến tìm, quấn quýt vương vấn, đòi lại kỷ vật khiến cơ thể đau ốm có khi đến chết. Hiễn Hom - Cầm Đôi có lẽ là câu chuyện cổ Thái minh chứng điều này với các tình tiết khốc liệt và bi thảm nhất (xem thêm [29]).

2 Hình thức xòe này thường xuất hiện trong các lễ cúng liên quan nghề nghiệp của mo như Hết Chá, Lảu nó,

Kin pang Then, Xăng Khan... của các dòng mo một, mo môn, mo then.

đồ làm từ đá, đồng, xương, tóc ma rừng, que bói,... hay các vật có được trong các tình huống đặc biệt) cũng đều được sử dụng với mục đích chống ma, được họ đặt cạnh mâm cúng và luôn mang theo người khi đi cúng lễ.

3.3.3. Ma thuật tương tác với phi: cách thức tùy biến

Các hình thức ma thuật trong tương tác với phi cho thấy rõ sự đa dạng trong cách thức (tương ứng với từng loại phi, với thuộc tính đã được hình dung về chúng) và có tính tình huống cụ thể (khi dỗ dành, khi thương lượng, cũng có khi dọa nạt, lập giao ước).

Với hồn/ ma hồn, dù là để gắn hồn với sinh thể, gắn kết hai hồn hay tiễn hồn, cách thức tương tác thường thấy là sự nâng niu, nhẹ nhàng, thiên về chuyện trò, khuyên nhủ, vỗ về. Gắn với các thuộc tính của hồn (dễ tổn thương, rơi rụng), thầy mo sử dụng những vật có thể kết nối, khống chế hồn (dây, vòng, vợt) tùy từng bối cảnh. Mo khi thì đi khắp các nơi ở cả trần gian và trên mường trời để tìm, gọi, thuyết phục, địu, cõng hồn về buộc vào sinh thể, lúc lại xúc, vợt hồn vào túi áo, để hồn của người thân trong nhà giữ lại nếu hồn vẫn còn mải chơi; rồi mo và người nhà mời hồn ăn những miếng ngon nhất, buộc hồn lại, khuyên răn hồn ngủ yên trong cơ thể, chỉ rõ cho hồn thấy các nguy cơ (cơ thể đau ốm, chồng/ vợ, con cái nhớ nhung buồn khổ, các ma dữ chờ để hại, đói, rét,…) nếu hồn đi lang thang. Phương thức và tâm thế ứng xử này với hồn được biểu đạt trọn vẹn trong nghi thức xú khuân (thết hồn). Đây có thể được xem là một kiểu loại nghi lễ điển hình cho tâm thức ứng xử Thái, thuộc về trường liên tưởng "cho ăn - được lòng - dễ thương lượng", theo cách mà người Thái vẫn nói trong câu tục ngữ côn kin cáo đi, phi kin cáo cụm (người được ăn sẽ nói tốt, phi được ăn phi phù trợ). Tuy nhiên, với các ma khác là 'cho ăn' (kin), còn riêng với ma hồn thì dùng 'thết đãi' (), một biệt đãi dành riêng cho hồn vía của sinh thể người. , cũng bởi không chỉ thết hồn ăn, mà còn chăm nom săn sóc hồn, nói lời đối đãi ngon ngọt để hồn chịu ở yên cùng chủ áo, thết vải vóc, tiền bạc, bởi "được ăn đủ, chủ áo ở lành ngủ yên" (đảy kin pọm chảu

xửa dú li nõn li)1. Vì thế, mâm thết hồn tuyệt đối không có đồ sống. Ngôn ngữ Thái

cũng có các thuật ngữ riêng cho hoạt động thết đãi hồn này như pỏn khuân (bón cho hồn chủ áo), quẹn khuân (bón cho hồn mình), phúk khuân (trói, buộc hồn), tốp khuần, hom khuần (gom hồn, nắn hồn, tụ hồn), xon khuân (răn dạy hồn) với răn hồn ở (xon khuân dú) và răn hồn ngủ (xon khuân non) (Xin xem thêm Mục 4. "Chuyện về các lễ cúng hồn" trong Phụ lục 1. Các câu chuyện điền dã).



1 Tục ngữ Thái.

Với riêng tiễn hồn trong tang ma, mo đưa hồn đi chơi một lần cuối khắp các nơi tại mường trần gian (ở cả mường Thái, mường Kinh, mường Mường1), đưa hồn lên mường trời, chỉ cho hồn các nơi nguy hiểm không nên dừng lại mà cần vượt qua (chẳng hạn, mường của các ma chết dữ), chỉ cho ma nơi ở của tổ tiên (đẳm đoi), chỉ dạy cho ma cách làm lụng, sinh sống, ứng xử tại nơi ở mới cũng như phù hộ giúp đỡ con cháu nếu được nhờ cậy. Lời được nói ra, thao tác dành cho ma hồn, những

chăm sóc diễn ra trong suốt nghi lễ và ở rừng ma sau đó đều cho thấy sự nâng niu, nhẹ nhàng, tận tình, chu đáo, bởi ma hồn mới chết còn đang hoang mang, buồn tủi, bơ vơ, lạc lõng tại các nơi chốn mới. Như trong đám tang ở cả Mộc Châu và Thuận Châu, trong suốt 3 ngày tính từ lúc chôn tới khi làm lễ đóng cửa mả, người nhà hàng ngày vẫn mang cơm canh ra mộ, phơi phóng chăn màn, quần áo cho người chết. Tới ngày làm lễ đóng cửa mả, mo còn chuyện trò, gửi đồ lễ cúng cho ma chủ đất và các ma hồn chết trước ngụ tại nơi rừng ma để nhờ giúp đỡ, hướng dẫn cho ma hồn mới còn chưa thông thạo.

Với ma tổ tiên, một nguyên tắc luôn được tuân thủ trong các tương tác: phi ở đúng vị trí, chỉ thức dậy khi được người sống gọi mời. Người sống muốn đánh thức, mời ma về hay để nhờ cậy đều phải chuẩn bị đồ ăn và đồ lễ. Với ma tổ tiên ở các không gian khác (trong rừng ma, trên không trung, trên đất mường trời), ma sống đời ma, vẫn đi làm, có công cụ để sản xuất, có nhà để ở, có đồ dùng vật dụng (do người sống đã chuẩn bị cho trong lễ tiễn hồn đám tang). Không có sự phụ thuộc của ma vào người sống, ma cũng không cần được nuôi ăn hay chăm sóc. Các không gian tương tác giữa người với ma tổ tiên thường nằm ở gian thờ trong nhà, lỗ tròn trên vách để bón thức ăn cho ma, thang bên đầu hồi cho ma ra và vào nhà.

Với các ma dữ, thông thường, mo ứng xử theo nguyên tắc: chuyện trò, thương lượng, với lời đánh thức, trình bày cho ăn, tặng quà trong các lễ cúng liên quan. Tùy từng loại ma, mo có đồ lễ tương ứng, chẳng hạn, với ma chết đường sinh nở (phi pái), đồ lễ không thể thiếu con vịt, còn với loại ma tình yêu (phi chuông), cần có một mâm lễ riêng với xôi, cá, tóc rối của người ốm, vải khít Thái, khăn piêu. Trình bày, thương lượng để ma hài lòng đi, buông tha cho hồn vía chủ áo. Riêng với con ma tình yêu, trong một số lễ, thầy mo còn phải hát đối đáp cùng, đến khi nào bói mà ma đồng ý đi mới thôi.


1 Đây có lẽ là một trong các lí do khiến lời tiễn hồn đi các không gian của thầy mo trong đám tang có nhiều khác biệt, vì phụ thuộc vào các không gian cụ thể tại nơi đó của bản mường người Thái (với các địa danh có tại địa phương, trong sự chung sống gần gũi với người Mường hay người Kinh), và phụ thuộc vào việc, khi còn sống, người đó đã từng đi chơi những đâu. Trong một đám tiễn hồn bà cụ 102 tuổi ở Phù Yên, mo còn tiễn hồn đi xuống Bờ Hồ (Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội) vì lúc sống, bà được con cháu đưa xuống đây và chuyến đi này luôn được bà kể lại (Chuyện trò với chị Phùng Mai, người gốc Thái Phù Yên, 5/2020).

Nhưng thương lượng chỉ là một trong những giải pháp. Nếu trong khi cúng, thông tin bói cho biết ma vẫn chưa chịu buông tha, mo tăng dần cấp độ đe dọa. Đe dọa, bằng lời, rồi có thể đe dọa bằng hành động dùng dao chém. Chẳng hạn, khi chữa bệnh cho người bị ma tình yêu làm cho ốm đến thập tử nhất sinh, bói gạo thấy ma chưa chịu đi, thầy cúng phải dùng lời dọa nạt. Đến khi ma sợ, đồng ý đi, mo phải giết một con gà trống lập giao kèo để ma không quay lại hại chủ áo nữa, rồi chém đứt cổ dê để ma cưỡi dê một đi không trở lại (xem thêm phần khảo về Xên chuông, lễ cúng dành cho ma hồn tình yêu trong Phụ lục 6. Khái lược về các lễ cúng Thái).

3.3.4. Tương tác với phi: phép analog Thái và dạng thức "biến thế giới phù hợp với lời"

Phép tương tự/ tương đồng (analog) hay tư duy về cái tương tự là phương thức tư duy phổ biến và được xem là mấu chốt trong quá trình hình thành nên một hành vi hoặc nghi lễ ma thuật. Muốn có mưa, người ta vẩy nước lên không trung, nói to "mưa to rồi", đấy là một hành vi analog. Mối quan hệ nhân quả tồn tại giữa hành động và hiệu ứng mong muốn theo dạng thức này luôn được xem là nguyên lý căn bản của hành vi ma thuật. Tuy nhiên, mục đích buộc cái siêu nhiên hành xử/ diễn ra theo ý nguyện nào đó của con người có thể giống nhau một cách phổ quát, song phương cách thực hiện, mối quan hệ nhân quả được xem là hợp lý, biểu tượng, ngôn ngữ chung được chia sẻ sẽ là khác biệt giữa các không gian văn hóa. Sự khác biệt này hình thành nên một bối cảnh ngữ nghĩa hay khung bên trong của hành vi ma thuật tại một không gian văn hóa cụ thể. Với ma thuật Thái, cách người Thái tương tác với phi nổi bật lên dạng thức analog thiên về gợi dẫn, thuyết phục, với sự tham gia của một hệ thống các biểu tượng trong văn hóa Thái (các loại dây, vòng, lưới, áo, trứng,...), và với vai trò đặc biệt quan trọng của lời ma thuật, tức sự chỉ dẫn trực tiếp bằng lời nói về tính mục đích của nghi lễ và hành vi, cũng như cách thức lời được nói ra trước hoặc đồng thời với hành động nghi lễ.

Phép analog Thái

Phép analog gợi dẫn, thuyết phục là các thuật ngữ được Tambiah đưa ra trong Hình thức và ý nghĩa của các hành động ma thuật [382]. Tambiah nhấn mạnh vào việc, hai vật tương đồng trong thực hành ma thuật không sinh ra nhau theo kiểu quan hệ nhân quả theo tư duy khoa học, mà mối tương đồng diễn ra được dựa trên sự thuyết phục, cưỡng bách hoặc gợi dẫn (tr.459-461). Hay nói cách khác, mục tiêu của nghi lễ và ma thuật chủ yếu là nhằm 'thuyết phục' và 'mở rộng ý nghĩa'; và

những tiêu chuẩn tương ứng để đánh giá ma thuật không phải theo tiêu chí đúng - sai mà thường là "hợp lệ", "đúng cách" và cuối cùng là "thỏa mãn" (về mặt tinh thần) của việc tổ chức nghi lễ (tr.465). Như vậy, về mặt kĩ thuật, nội dung chủ yếu của các hành vi, nghi lễ ma thuật là sự mở rộng các tính chất muốn có của một sự vật sang sự vật cặp đôi với nó mà hiện chưa có tính chất đó, hoặc chuyển đổi trạng thái hiện thời của một vật sang trạng thái mới giống như trạng thái đã có của vật cặp đôi. Sự mở rộng/ chuyển tiếp/ gán tính chất và trạng thái mới này thường được thực hiện thông qua: 1- hành động cơ thể, 2- hành động tác động vào vật lễ, 3- hành động lời nói (lời chú, lời khấn, lệnh). Và sự chuyển đổi tính chất từ vật nọ sang vật kia có thể dựa trên hình thức analog tích cực (dựa trên các thuộc tính được chia sẻ hoặc những điểm tương đồng giữa những thứ được so sánh, chẳng hạn những quả chuối và răng cá sấu), hoặc phép analog tiêu cực (dựa trên những điểm khác biệt hoặc tính chất mà chúng không chia sẻ, chẳng hạn cùng là việc di chuyển nhưng tạo ra bất đồng bằng cách đặt hòn đá lên chạc cây và khấn để làm chậm chuyến đi của mặt trời từ phía đông sang phía tây). Trong cơ chế chuyển đổi này, ma thuật lời là rất quan trọng, thể hiện rõ trong các thao tác và nghi lễ, khi các hiệu quả và trạng thái mong muốn đều được gọi lên bằng lời ngay trước hoặc đồng thời với hành động nghi lễ (tr.466-467). Phép analog, hành động và lời trong thao tác và nghi lễ ma thuật như thế mang chung một đặc tính: cưỡng bách để nhằm đạt được một mục đích cụ thể nào đó đã được đề ra.

Phương thức gợi dẫn, thuyết phục để hướng cái siêu nhiên tới một mục đích nào đó trong ma thuật Thái được thực hiện trong nhiều tình huống như ma thuật cầu mưa, ma thuật thả bè, gội đầu rũ bụi hạn hay ma thuật chữa bệnh (buộc hồn với sinh thể, trị lên mụn, sốt, đau đầu, đuổi ma tà,...) (thống kê, phân tích trong Phụ lục 10. Một số phép tương tự (analog) trong ma thuật Thái). Luận án chọn phân tích về phép analog thuyết phục, gợi dẫn trong nghi lễ ma thuật cầu mưa tại Yên Châu.

Trong lễ cầu mưa của người Thái đen ở Na Ngà (Chiềng Hặc, Yên Châu), nghi thức ma thuật cầu mưa được thực hiện với chuỗi các hành động dựa trên tư duy tương tự với hiện tượng tự nhiên: mưa. Muốn có mưa, người ta thuyết phục cái siêu nhiên bằng các hành động và trạng thái: té để nước rơi tung tóe, tung hạt bông, hạt gạo trắng xóa, người bị ướt ù té chạy cho khỏi ướt, âm thanh ồn ào, hình nộm con thuồng luồng (tô ngượk) được rước và thả xuôi theo dòng nước, mọi người ào ra suối thi nhau té nước vào nhau cho ướt rồi gõ trống chiêng, reo hò náo loạn cả một vùng. Người ta muốn chuyển đổi trạng thái của con người, đồ vật và mọi thứ trong

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 13/09/2023