đến chân rồi vứt về phía mặt trời lặn rồi mới lên nhà (có nơi vứt lá trôi theo dòng nước chảy), cũng có khi còn nhổ nước bọt ra phía sau một lần. Người nhà gội đầu bằng nước vo gạo, tắm rửa, giặt tang phục. Sau tang ma, mo làm một lễ lớn để quét hạn rủi, quét hồn vía xấu, ma quỷ gây hại còn ẩn nấp trong nhà để mọi thứ bình thường trở lại. Trong nghi lễ này, mo cầm cành cây lá nát, nhúng nước ngâm gạo nếp rồi vẩy khắp nơi, quét từ trong ra ngoài ở mọi ngóc ngách trong nhà.
Sau nghi lễ đóng cửa mả, con cháu chỉ ra thăm mộ vào cuối năm, tuyệt đối không sửa sang mộ cho tới khi có một người trong dòng họ mất, nhân lúc làm tang tại rừng ma mới tranh thủ sửa sang mộ cho người nhà.
3.2.1.3. Ma thuật tương tác với khuân của các sinh thể khác
Với niềm tin rằng, mọi vật thể sở dĩ có diện mạo như mắt người nhìn thấy là do hồn ngụ bên trong quyết định, những giao tiếp về phần hồn với các vật xung quanh luôn được người Thái chú tâm trong nhiều cảnh huống. Những biểu hiện của niềm tin này là rất đa dạng, và thể hiện rõ trong các hành vi thường ngày, bởi mọi vật thể quanh cuộc sống con người đều có hồn vía, từ đất, nước, cây cỏ, ruộng nương, cánh rừng,… đến thế giới vật nuôi, đồ dùng vật dụng,...
Sự tương tác thể hiện trong cách bà mo Song (Mộc Châu) lẩm nhẩm trong miệng trước khi giơ tay hái lá thuốc, hay cách bà lựa xoay lưng về phía mặt trời, chắn lấy bóng cây, "cây có hồn cây, vì thế, muốn dùng cây chữa bệnh, phải để hồn mình đè lên hồn cây, hồn vía mình khống chế hồn cây"1. Giống như phóng sự người phụ nữ Thái đi hái lá thuốc, trước lúc hái tung gạo và tiền ra bãi đất, miệng lẩm nhẩm xin với ma chủ đất, với hồn cây rồi mới ngồi xuống hái, phép gia truyền của
bà mo Song cũng nhằm hướng đến thứ hồn vía này của cây cỏ.
Với những cây lớn trong rừng, khi muốn chặt về, theo lệ, người Thái thường phải chuẩn bị một lễ nhỏ đặt dưới gốc cây, cúng trình bày xin với thần đất, thần cây về mục đích của việc đẵn hạ (làm nhà, làm quan tài,…). Cẩn trọng hơn, người ta có thể gieo quẻ bói xem các thần có đồng ý hay không. Tương tự, các hành vi bói thăm dò ý chủ đất, chủ nước cũng được thực hiện khi con người định cư ngụ hoặc sử dụng mảnh đất, nước đó. Tục Thái còn cho biết về loại ruộng chủ hồn (ná chảu xửa), loại ruộng gốc của cả bản mường, có tinh linh ruộng trú ngụ và được luật tục bảo vệ, nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm [274].
Hầu khắp các bản làng Thái đều có các không gian được coi là những nơi thiêng
liêng, cũng là nơi cấm kỵ, thường là khu rừng đầu nguồn của bản, với nhiều cây cổ
Có thể bạn quan tâm!
- Ma Thuật Xác Định Bất Thường, Thăm Dò Phi: Bói Toán
- Bói Que Và Bói Úp Ngửa (Khuổm Hai) Bằng Thanh Tre, Đồng Xu
- Gắn Kết Hồn Trong Hôn Nhân: Búi Tóc Ngược (Tẳng Cảu), Trao Áo (Phái Xửa)
- Tương Tác Với Phi Và Việc Sử Dụng Hệ Thống Các Vật, Hành Vi Có Tính Biểu
- Ma thuật trong đời sống văn hóa của người Thái tỉnh Sơn La - 16
- Ma Thuật Gia Cố, Gắn Kết, Tách Rời Hệ Thống Hồn Vía Người Trong Những Bối Cảnh Mới
Xem toàn bộ 403 trang tài liệu này.
1 Tư liệu điền dã, Mộc Châu 15/01/2019.
thụ. Hàng ngày, người dân đi rừng cũng không dám lai vãng, kể cả chỉ để nhặt nhạnh cành củi khô. Những hồi ức của người già tại Quỳnh Nhai về nơi thờ bà nàng Han trước đây1 cho thấy, đó là một khoảnh đất dưới gốc cây cổ thụ rất lớn, lớn nhất ở trong rừng, ngay cạnh sông Đà. Đông nang Han (rừng nàng Han) được tả là rất rậm rạp, là khu rừng cấm, nơi thường ngày không ai dám và được phép qua lại. Hàng năm, mo tiến hành hai lễ tại đây, một vào cuối năm (thường vào 29, 30 âm
lịch) và một vào đầu năm mới. Ngày lễ diễn ra vào đầu năm mới thường không cố định, bởi tùy thuộc vào thông tin bà nàng cho phép dân bản được ăn tết mấy ngày (mo xin thông qua việc bói). Nếu bà nàng cho ăn tết ba ngày thì đến ngày thứ tư, thầy mo và dân bản phải ra gốc cây làm lễ đón các thần về, gọi hồn vía dân bản đi chơi tết về lại, kết thúc hội tết. Các ông bà còn cho biết thêm, cây rất thiêng, người Thái vẫn không dám lại gần nhưng khi công ty điện lực bắc dây điện qua sông Đà, ròng dây qua cái cây đó thì một người bị ngã xuống thương tích rất nặng. Dân bản
cho rằng tai nạn là do "bị nàng Han bắn", bởi "đông2 ấy ai mà vào chặt phát hay
phá thì bị ngay, bị điên bị chết đấy". Ngày trước, khi Lai Châu không có đường ô tô, tất cả dân xứ Tây Bắc phải đi đường thủy lấy muối lấy dầu ở Hòa Bình, chợ Bờ, đi qua cái rừng nàng Han chỗ cây cổ thụ là phải xuống thuyền đẩy, rừng cấm nên không được chống được chèo (Tư liệu điền dã, Quỳnh Nhai, 02/02/2020).
3.2.2. Ma thuật tương tác với các loại phi
3.2.2.1. Tương tác với ma tổ tiên (phi đẳm phi hươn)
Với ma tổ tiên, dù là ma nhà, ma hồn người thân đã chết nhưng sự tương tác này luôn được người Thái tuân thủ theo nguyên tắc ứng xử với ma. Vậy nên, về cơ bản, vẫn là ý niệm về việc, côn - phi, ai ở đâu thì ở yên đó, người tránh làm kinh động đến phi, tránh để ma bắt hồn vía mình theo hoặc hồn vía mình bị luyến tiếc mà rời bỏ sinh thể đi theo hồn người chết. Như lời chị Mai (Phù Yên), bà của chị rất sợ phi chôm (ma hỏi thăm). Chôm nghĩa là mừng, nhưng thực ra là không mừng với người sống, vì nếu phi mừng là ngược lại, người sẽ bị ốm. Bà của chị khi còn sống cũng rất sợ ra thăm mộ, sợ ma, vì ở rừng ma không chỉ có ma nhà mình, còn có cả ma nhà khác. Chị bảo, tục lệ đi thăm mộ tại nghĩa trang này mới có gần đây. Trước đây chỉ vào cuối năm, gần tết thì ra mộ thắp hương, phát cỏ, dọn dẹp mộ, rồi mời các cụ về ăn tết. Trước khi rời khỏi khu mộ chị vẫn thường nói: "Hôm nay cháu đến thăm
1 Từ năm 2013, sau khi di chuyển dân dưới lòng hồ thủy điện Sơn La lên thị trấn mới, người ta dựng ngôi đền Linh Sơn Thủy Từ và miếu nhỏ thờ bà nàng Han trên một ngọn đồi gần thị trấn, đền quay hướng xuống nơi đất cũ. Rất nhiều câu chuyện về sự hiện diện, chỉ dẫn, thông báo của bà nàng Han được người dân (cả người Thái, người Kinh) kể lại.
2 Đông: rừng.
mộ, cháu dọn dẹp các thứ xong rồi, cháu đi về đây. Phi ở nhà phi, cháu ở nhà cháu, các cụ ông bà đừng theo cháu đi về"1; và đi thẳng luôn không được quay đầu lại2.
Lời kể từ một số gia đình người Thái cũng cho thấy tâm thế ứng xử đó với ma nhà trong đời sống thường ngày. Tại gian thờ trong nhà, người ta không dọn dẹp thường xuyên, và thường để bụi bặm, mạng nhện chăng bám trên hóng. Ma nhà thường được ăn, được chăm sóc, nhưng phải theo đúng quy định 10 ngày một lần cho việc cúng (trong cộng đồng người Thái đen), và chỉ khi có lễ mới đánh thức các tổ tiên trong nhà dậy để đến thưa chuyện hoặc mời về ăn, nhận đồ lễ. Ông Phương (Púng Tra) cho biết, nhà ông cứ 10 ngày thì cúng phi hươn một lần. Cúng là nói theo cách của người Kinh, người Thái dùng từ pạt tông - tức là bày ra mâm xôi, đĩa rau, con cá, con gà (lúc nghèo thì cơm tẻ hoặc cơm độn sắn), pạt tông đủ 2 bữa trưa, tối, không thắp hương, chỉ nói vài câu, đại ý "bố mẹ ơi, để mâm cơm lên đây bố mẹ về ăn nhé". Mỗi dòng họ sẽ chọn ngày pạt tông riêng, có họ chọn ngày Ất, họ khác chọn ngày Bính, ngày Dần, "cha ông ngày xưa lấy ngày nào thì mình lấy lại ngày
đó", "không biết tại sao lại chọn ngày như thế, có lệ rồi thì cứ theo thôi"3. Lỗ tròn
trên vách là để bón đồ ăn cho tổ tiên. Khi có lễ, người cúng gắp thức ăn, thả xôi, múc canh, đổ rượu qua lỗ hóng4. Thường ngày, người Thái tránh mang lá xanh hay thịt sống đi qua gian hóng.
Trong các lễ cúng tại gia đình người Thái, lễ hướng đến mục đích nào cũng cần có lời thưa chuyện với tổ tiên. Lời cúng cho thấy, thầy mo lần lượt tới các nơi tổ tiên cư ngụ, đánh thức, trình bày lí do, mời ăn và mong con cháu trong nhà được che chở. Lời được mo nhắc đi nhắc lại trong quá trình giao tiếp này là "các đẳm nghe thấy lời gọi thì mới được tỉnh, nghe thấy lời đánh thức thì mới dậy rồi về5, che chở cho con ở sàn, cho cháu ở cửa sổ6, ba mươi năm mới đòi ăn cơm, chín kiếp mới được đòi ăn trưa7" (xin xem Phụ lục 14. Lễ cúng giải duyên âm, làm vía). Một nguyên tắc được nhắc đi nhắc lại trong các cuộc giao tiếp là tổ tiên đừng về khi không có lời mời. Sự xuất hiện của phi tổ tiên trong đời sống thường ngày đồng nghĩa với sự bất thường và điều không lành. Và khi đã mời phi về, cần có đồ ăn, vải vóc, tiền bạc để thương lượng về một vấn đề cụ thể.
1 Tiếng Thái: mưa ní lan ma dam, lan don pheo hệt quang, co nha co may mum, lan pay lan mưa hươn, phi du hươn phi, nha pay tot lan nơ.
2 Tư liệu trao đổi cá nhân, 22/5/2020.
3 Tư liệu điền dã tại Púng Tra, Thuận Châu, 13/07/2018.
4 Tư liệu điền dã Púng Tra, Thuận Châu ngày 13/07/2018 và 25/03/2021.
5 Tiếng Thái: Án vá chờ ni các đăm sù châng đay nghìn khoam khốn sù châng đay lúc, nghin khoàm phúk sù châng đay tứn nắng sù chàng leo ma.
6 Tiếng Thái: nhàng ba châng phình đi mi khúm, khúm àu lục nơ chan, khúm àu lan nơ táng.
7 Tiếng Thái: Sàm síp pì châng tức kìn kháu, Cáu mứn phạ chăng tức kìn ngai.
Riêng với ma tổ tiên ngụ tại nhà đẳm trên mường trời, vì ma sống cuộc đời riêng nên đôi khi, chủ nhà gặp phải một thứ hạn rủi do bị tổ tiên làm cho liên đới. Ma tổ tiên gây chuyện với Then, chẳng hạn, ăn trộm đồ của nhà Then, hái trộm lúa, bắt trâu bò trên mường Then và bị bắt phạt. Tổ tiên bị phạt, con cháu sinh đau ốm, phải làm lễ để chuộc tội cho tổ tiên, cũng là để lấy lại cuộc sống bình thường cho mình. Một nghi lễ ma thuật được mo thực hiện mang tên xên kẻ xội - cúng cởi tội cho ma tổ tiên. Trong lễ, một chiếc bè thả hạn rủi (pẽ khọk) gồm tóc rối, móng tay, phễu đựng nước bọt của chủ áo (người ốm), lá nát trừ ma và hình nhân nặn bằng đất sét để thay thế cho người ốm, hình đan con dê, con bò được mo làm lễ cắt khỏi áo của chủ cúng, dùng phép băng (quây) rồi sai người đi thả ngoài suối. Chiếc bè được giải thích là "để trả lại cái đau ốm, cái xấu lên then, hình người là thay thế cho
người ốm, vì then muốn bắt mình lên làm người hầu"1. Trâu bò đan lát cũng là để
cúng lên cho Then. Một loạt các hình thức ma thuật được làm nối theo sau thao tác thả bè này: chém bóng ba nhát xuống cái bè trước khi thả, cắm taleo tại bờ suối dưới chân - hất bát nước gạo lên đầu - lấy đuốc và vợt xúc hồn người đi thả bè ngay khi họ về nhà, cho nắm cơm, trứng để họ ăn trước khi bước lên thang và cắm taleo chặn ma bốn góc quanh nhà. Bởi mối nguy mà ma tổ tiên có thể mang đến lớn như
vậy, nên trong lời hát xướng tiễn ma về lại đất mường trời luôn có lời mo răn "đừng làm hại cho chủ áo, biết ăn ở như khi còn là người"2.
3.2.2.2. Tương tác với các ma dữ (phi hại)
Các thao tác ma thuật được mo sử dụng phổ biến khi xử lý các vấn đề liên quan đến phi hại (ma xấu) là phép măn/ mằn (chài, bùa, ếm); muôn/ muỗn (phù chú), băng (quây, che chắn), phăn/ phẵn (chém), thót (mút, rút). Các loại ma ác, xấu là đối tượng của các phép này thường là ma rừng, ma lớn, ma cà rồng, ma tình ái, ma chết đường sinh nở, ma trẻ con, ma chết bất thường (chết tai nạn, chết đuối, chết dịch bệnh),… Các loại phi này được xem là gây những tác động tới hồn vía người (chẳng hạn, bắt giữ hồn) và làm hại đến bản mường. Trong đa số trường hợp, mo dùng các hình thức ma thuật để tỏ rõ uy quyền trong lúc thương lượng với các ma dữ hoặc làm cho chúng sợ mà không hại đến hồn vía người.
Phép măn
Măn, là cách mo Thái bùa, yểm để hướng đến một loại ma cụ thể, nhằm mang lại một hiệu quả trực tiếp nào đó. Theo quan sát, măn thường diễn ra theo cách mo nói gì đó vào một vật, và dùng nó để tác động lên cơ thể một người hoặc lên áo,
1 Phỏng vấn ông mo Đinh Thế Mín, Xuân Nha, Vân Hồ, 12/02/2017.
2 Tư liệu điền dã, Mộc Châu, 14/01/2019.
ảnh… của người cần măn. Bà mo Song (Mộc Châu) thường làm phép măn khi trước khi lăn trứng bói xem ma nào hại hoặc lăn chữa bệnh hồn cho con bệnh. Bà cũng măn vào dây vải đỏ bên trong gói vài hạt gạo mà bà gọi là "bùa may mắn". Lời măn này, bà không được phép nói to lên, nhưng đại ý là lời bảo ma không được đến gần cái bùa này, đến là bị đứt bị chém (Trao đổi với bà mo Song, Mộc Châu, 24/3/2018). Phép măn cũng được nhiều mo dùng khi sản phụ sinh khó, măn vào bát nước để bôi vuốt vào bụng sản phụ, đọc lời cởi con trong bụng ra. Phép măn này cũng còn được kết hợp với Lời công thức trong các bài bùa chữa bệnh trị ma của người Thái, khi mo vỗ tay và nói: Ộm! Xốp cù dằm, Quam cù khớt/ Ộm cù dằm (tôi làm thiêng/ tôi cất giấu/ tôi có công hiệu/ tôi thiêng).
Phép băng
Băng trong tiếng Thái là quây, che chắn. Phép băng được sử dụng trong nhiều tình huống, đó có thể là khi mo băng mâm lễ và đồ lễ cúng, mo băng mình và đoàn quân hồn, mo băng cho hồn gia chủ không bị ma dữ. Cắm một cây taleo có thể được xem là một phép băng, thổi để phù chú vào vật gì đó cũng là băng. Có các loại băng như băng phẵn (phép chép vía), băng ta (phép tàng hình), băng tô (phép hộ mệnh).
Phép hộ mệnh thường thấy nhất là khi mo, một bắt đầu cúng lễ. Trong lễ cúng Thái, luôn có một mâm riêng dành cho thầy cúng (pãn cãi), vừa để mo mời đội quân âm binh, vừa để tiến hành các thao tác bảo vệ mình. Ngoài gạo và trứng, trên mâm thường có bày hiện vật thiêng của mo, chẳng hạn răng nanh lợn lòi, mảnh đồng hay cả chiếc túi thiêng. Trước lễ cúng, mo nắm gạo tung vào quạt để gạo bắn tung tóe ra xung quanh, phủ lên đồ lễ và không gian lễ nhằm làm phép quây, che chắn cho mình và các mâm lễ không bị các ma ác làm hại trong suốt thời gian lễ cúng diễn ra, lời bùa có đoạn "Phía dưới ta có mảnh sắt kê/ phía trên ta có miếng đồng chắn/ Hai sườn ta có núi đá bảo vệ/ Thần linh cùng giúp ta che chở" [60, tr.29].
Lời che chắn của mo, nắm gạo bắn ra khắp nơi có thể được lặp lại trong lễ, nhưng thường là phần diễn ra bắt buộc trong thời điểm lễ mới bắt đầu. Mo quây cho mình, cho đội quân hồn hỗ trợ, cho các đồ lễ dùng để mang đi thuê - chuộc - thương lượng tại các nơi, che chở cho hồn vía của chủ áo và của hồn vía của cả gia đình.
Phép băng còn có loại băng phẵn (phép chém), mo chém bóng hoặc chém thật vào một thứ gì đó (chẳng hạn, chém đứt cổ dê trong lễ cúng ma tình yêu phi chuông).
Phép thót (rút)
Đây là phép được giải thích là do 'bọn xấu' làm hại, thả vật gì đó vào thân thể khiến cho người bị đau đớn hoặc làm bùa khiến ai đó ốm đau xanh xao đến chết. "Bọn xấu" này, theo bà mo Lót (Thuận Châu), không được gọi là mo, "gọi là bọn người xấu thôi, biết dùng phi vào làm việc cho nó"1. Qua nhiều cuộc trò chuyện với các mo, có thể hình dung rằng, có một số người biết làm phép ma thuật điều khiển những ma ác để gây đau đớn trong cơ thể của một ai đó hoặc làm cho họ hồn vía sợ hãi đến chết. Trong những trường hợp này, cần tìm đến một thầy mo một cao tay, người sẽ dùng phép thót (rút) để lấy thứ đã được thả vào người bệnh hoặc chôn đâu đó hại người bệnh. Cách rút có thể là dùng trứng, lăn trứng lên chỗ đau của người
bệnh, rút ra được vật nào đó, người bệnh sẽ khỏi. Cũng có khi, mo dùng chính miệng của mình để rút cứu người bệnh. Bà một ở Chiềng Ngần (thành phố Sơn La) sử dụng phép mút này để cứu nguy cho chính mình, khi nằm rạp xuống nền đất trước cổng, mút lên một gói bùa hại mà theo bà là "nếu hôm ấy không mút được lên thì nó hại chết mình rồi". Gói bùa bên trong có miếng vải khít Thái hai màu trắng đỏ, vuông, bằng đốt ngón tay được giải thích là vải tang và mấy miếng da bò (Tư liệu điền dã Sơn La, 28/02/2019).
3.3. Ma thuật tương tác với phi: những vấn đề nổi bật
3.3.1. Bói: phương thức tìm kiếm các thông tin từ phi
Về mặt hình thức, có thể gọi tên các các hình thức bói Thái với bói áo, bói trứng, bói thóc, gạo, bói bằng thanh tre, bằng đồng xu, bằng kiếm. Về mặt thao tác và mục đích, có thể phân loại thành (1) bói tìm kiếm biểu hiện và nguyên cớ (liên quan đến loại phi nào, như bói áo, bói trứng) và (2) bói thăm dò (muốn biết ý của phi, thông qua hình thức bói thóc gạo, úp ngửa bằng thanh tre, đồng xu hoặc xem kiếm đứng hay rơi xuống). Nhưng dù ở hình thức nào, với mục đích gì, bói Thái cũng cho thấy đối tượng được hướng đến là phi, mục đích tìm kiếm là những tác động do phi gây ra hoặc những tín hiệu mà phi muốn truyền đạt. Úp bát thóc, gạo dưới hố đất kiểm tra độ ẩm, sự biến động của lòng đất (những tri thức rất thực tiễn, có được từ kinh nghiệm cư trú lâu đời trên đất đai vùng núi) nhưng sự chuyển dịch có được thông báo hay không cũng phải có lời hỏi/ nhờ phi đin (thần chủ đất) tại nơi đó. Tung trứng tìm chỗ chôn là cách tìm địa điểm theo ý ma hồn người chết. Lăn trứng, tháo trứng là để tìm ra loại ma đang làm hại hồn trong cơ thể. Bói gạo trên trứng, bói que, bói thanh tre, gieo đồng bạc… để biết xem ma tổ tiên, ma nghề
1 Trao đổi với bà mo Lót Thuận Châu, 14/07/2019.
mo một hay các thần then đã về nhận đồ lễ hay chưa. Như thế, từ bói Thái, càng có thể thấy rõ hơn về mối bận tâm lớn của người Thái: phi.
Việc bói còn liên quan đến hàng loạt các dụng cụ được xem là thiêng hoặc gắn với cái thiêng trong văn hóa Thái (trứng, gạo, áo, kiếm, nguyên liệu bạc, đồng, nến). Bản thân sự xuất hiện của các hiện vật này đã khơi gợi một thứ ma lực thiêng, hiện diện như một vật kết nối trung gian với thế giới siêu nhiên. Và các thông điệp được truyền tải luôn được tiếp nhận và tuân thủ chính xác, giống như cách diễn đạt của ông mo Hiễn - "dùng thanh tre này trong lễ giống như dùng điện thoại để hỏi các phi ấy" - gọi điện (phương tiện gọi là áo, trứng, que, kiếm, nến) - biết thông tin, việc còn lại sẽ là phương thức xử lý các thông tin đã được xác tín.
Quả trứng xuất hiện trong các thao tác bói hay nghi lễ cúng Thái được xem là trứng hồn trứng vía. Theo quan sát, không có nghi lễ Thái nào được thực hiện mà thiếu quả trứng trong mâm lễ. Quả trứng cũng là vật không thể thiếu khi người Thái đi gặp mo bói. Quả trứng gà sống này, liên quan tới chuồng gà hồn trên vườn nhà
bà mụ me Bảu. Văn bản cúng hồn cho biết rằng, nếu chuồng gà bị phá, trứng vỡ, con vật khác vào đẻ trứng,… tức là dấu hiệu của hồn vía đã tan, người đã chết1. Quả trứng gà cũng được xem là vật lành lặn nhất "tốt như lộc cây, lành như trứng gà"2 (đì săng nhọt, pót săng sáy).
Áo sử dụng trong bói là vật đặc biệt trong đời sống tâm linh và văn hóa Thái. Áo được dùng để đặt trong mâm cúng, bên cạnh đồ lễ. Áo được dùng để tiễn hồn người thân trong tang lễ. Áo của chính người chết được treo trên đỉnh cột heo, để "con cháu đi qua như nhìn thấy bố mẹ mình"3. Áo được dùng để buộc bên ngoài gối đôi trong lễ cưới. Trong lễ cúng, nếu người vắng mặt, mo sẽ làm các thao tác lên áo của người đó và buộc chỉ vào tay áo. Trong đám tang, khi tiễn hồn người chết lên mường trời, vợ của người rể cả4 luôn nắm vạt áo của chồng, vì nắm áo là nắm hồn vía, để hai vợ chồng không bị lạc nhau. Áo cũng được dùng nếu muốn làm hại ai đó, chẳng hạn, cho áo vào chõ ninh lên hay làm bùa phép vào áo. Áo, như thế, được các mo sử dụng như một vật thay thế cho cơ thể và hồn người. Vì thế, trong việc bói nguyên cớ và thăm dò ý các phi (thần, ma), những tác động từ áo và lên áo được tin rằng sẽ cung cấp các thông tin liên quan tới chủ áo, trên các cấp độ từ cá nhân, gia
đình tới bản mường.
1 Các dấu hiệu này cũng thường được thầy mo hát kể trong đám tang người chết, khi mo xuất hồn lên vườn bà mụ me Bảu tạo sinh và chăm nom săn sóc hồn vía người.
2 Thành ngữ Thái.
3 Tư liệu điền dã Thuận Châu, 11/09/2019.
4 Rể cả (khươi cốc): người con hoặc cháu rể được lựa chọn để đại diện gia đình làm các thủ tục, nghi lễ trong
đám tang cùng thầy mo tiễn hồn. Chọn rể cả trong đám tang là thủ tục bắt buộc trong cộng đồng Thái.
Trên thực tế, bói không chỉ là thao tác được lựa chọn đầu tiên trong chuỗi các hành động nhằm xử lý rủi ro bất thường, bói còn được các thầy mo Thái sử dụng kết hợp trong chuỗi các hành động xử lý về sau, chẳng hạn, trong các lễ cúng và khi chữa bệnh. Vì thế, không chỉ có riêng một số người hành nghề mo bói (dượng), mà thầy mo nào cũng biết bói, có thể bói và có công cụ bói trong quá trình hành lễ. Thao tác bói thường thấy của các mo một trong lễ cúng là đếm que bói, dùng nhúm gạo thả trên quả trứng rồi đếm số hạt dính lại hay gieo úp ngửa (với thanh tre, đồng bạc,...). Điều này (có vẻ như), giữ cho quá trình nắm bắt thông tin từ "thế giới của hư vô" và thăm dò ý các phi được diễn ra liên tục, để việc đáp ứng được diễn ra tức thì và việc chế ngự được theo đúng hướng. Việc bói diễn ra ngay trong lễ cũng khiến hình thành một đặc trưng nổi bật của các nghi lễ Thái - nhiều người Thái tham dự có thể kể rất rõ quy trình cúng của mo, hồn vía mo đi các mường tâm linh, gặp ma nào, làm gì hoặc báo trước về các thao tác buộc vía hay thả bè lúc cuối lễ, tuy nhiên, không ai (kể cả các mo các một) có thể khẳng định được chắc chắn về thời gian chính xác mà nghi lễ sẽ kết thúc. Khi hỏi mo, một về việc lễ cúng diễn ra trong bao lâu, sẽ luôn là một câu trả lời chung chung hoặc không chắc chắn, "chắc đến chiều thì xong", "đến gần tối", "đêm mới xong",… Sở dĩ vậy, bởi bói được sử dụng như một hình thức tương tác tức thì, nên các vấn đề nảy sinh có thể sẽ diễn ra ngay trong lễ. Nhờ việc bói, mo sẽ báo về sự xuất hiện thêm một ma nào đó đòi 'ăn', và gia chủ cần mổ thêm đồ hiến sinh (lợn, vịt, gà tùy từng loại ma), cũng như cần thêm vải vóc tiền bạc. Cũng có khi, phi xuất hiện sớm ngoài dự kiến, và nghi lễ kết thúc sau 3 tiếng thay vì "từ sáng đến đêm" như đã dự tính. Và như thế, nhờ có thao tác bói, việc nghi lễ thành công hay không, thầy mo thuyết phục, chế ngự được ma hay không cũng rõ ràng ngay về kết quả.
Như vậy, dượng là phép bói để tìm kiếm thông tin liên quan tới các vấn đề bất thường, nhưng bản chất của việc này là bói xem ma nào ăn, ma nào hại. Bói Thái, như thế, là dạng thức ma thuật tương tác với phi để tìm nguyên cớ và đưa ra phương pháp xử lý thích hợp trong các tình huống (tương ứng với từng loại phi) nhằm giải quyết đúng vấn đề của đời sống tâm linh Thái. Việc bói để đoán định các vấn đề của tương lai (chẳng hạn bói nến trong lễ cúng hồn đám cưới, bói trong lễ cúng xin kéo dài tuổi thọ, ném bát xem số mệnh của người ốm nặng) thường không được tiến hành riêng biệt mà được người Thái sử dụng kết hợp trong các lễ cúng.