Ma thuật trong đời sống văn hóa của người Thái tỉnh Sơn La - 16

bối cảnh không mưa thành một trạng thái mong muốn giống như khi trời đang mưa. Để sự chuyển đổi này diễn ra thêm phần chắc chắn, câu nói "Mưa rồi, mưa to rồi" (phồn léo, phồn ông léo), "Trời đã mưa, mưa dầm đã về" (phạ ma dơ, phốn lin ma dơ) được bà góa và nhiều người trong đoàn lặp đi lặp lại, như một sự xác nhận về trạng thái mưa chắc chắn đã được xem là xảy ra trong thực tại, và vì thế, hiển nhiên sẽ xảy ra trong thời gian tới. Lễ cầu mưa này còn có thêm một hành vi ma thuật bất đồng (analog tiêu cực) - màn mắng chửi kẻ chửa hoang trên nương của bà góa, với việc cả đoàn người đi lên một khoảnh đất đã được dựng lều sẵn, lấy gậy chọc vào lều, nói lên những lời mắng chửi kẻ chửa hoang và cả đoàn người lao vào phá dỡ chiếc lều đó. Những lí giải của người tham gia ở Chiềng Hặc cho biết, trời không mưa vào đúng thời điểm sẽ được xem là một điều bất thường. Sự bất thường của thời tiết - mưa chưa tới vào thời điểm cần phải tới - sẽ được đổ tại một biến cố nào đó diễn ra trong cộng đồng - tức là việc tìm kiếm một hành vi tiêu cực tương tự trong đời sống của người, đối sánh với việc trời không mưa/ sự khô hạn. Hành vi được xem là bất thường chính là việc một cô con gái/ bà góa nào đó trong bản quan hệ bất chính trên nương của bà góa đoan chính (là người chủ lễ được dân bản tín nhiệm lựa chọn) dẫn đến chửa hoang. Vì chửa hoang mà trời không mưa. Ở đây, sự khô hạn của người, sự khô hạn của nương rẫy được đặt trong mối ràng buộc với quy chuẩn luật bản lệ mường về quan hệ trai gái. Nếu con người xâm phạm luật lệ, phá vỡ rào cản quy chuẩn (mà cụ thể ở đây là phụ nữ chửa hoang), tự nhiên sẽ nổi giận và biểu hiện của trạng thái tức giận và sự trừng phạt là việc trời không mưa. Một hàm nghĩa ngầm ẩn được cộng đồng thể hiện trong sự lựa chọn "hành vi tương tự" (chửa hoang - trời hạn) này - sự rối loạn hành vi của con người dẫn đến sự rối loạn nhịp vận hành thông thường của tự nhiên. Vì thế, để làm nguôi cơn tức giận của cái siêu nhiên (thứ tạo ra mưa) và mang lại sự bình thường (mưa trở lại), cả cộng đồng phải công khai công kích hành vi rối loạn này - thông qua việc nghiêm cấm các gia đình có người chửa hoang và bản thân người chửa hoang tham gia đoàn rước. Bà góa dùng gậy đập mạnh vào cột lán, vừa đập vừa hét ầm lên: Cái này là ở cùng nhau mới chửa hoang đây mà. Tại có người chửa hoang nên mới không có mưa. Dân bản mường ơi, bản này có người chửa hoang. Rồi bà đi ra chỗ có hòn đá (dân bản bài trí sẵn trong khoảnh đất từ hôm trước), trong lúc mọi người xung quanh nói nhao nhao lên: Giết nó đi. Bà cầm gậy vụt mạnh vào hòn đá - rồi lấy ống bương dốc nước đổ xuống - lại vụt - lại đổ nước. Sau đó liên tiếp vụt mạnh vào hòn đá. Suốt quá trình vụt - đổ nước này, bà lớn tiếng mắng chửi: Một roi…Một roi… Một roi…

Dân bản ơi, tại bà ấy đấy, bà ấy mất dạy, chửa hoang (về hệ thống lời được sử dụng trong nghi lễ ma thuật cầu mưa, xin xem thêm Phụ lục 15. Lễ cúng xin mưa).

Như vậy, bằng tư duy tương tự hóa, cơ chế của các hành vi, nghi lễ ma thuật Thái được hình thành và hoạt động nhằm chuyển những đặc tính, tính chất của sự vật được sử dụng/ tương tác lên sự vật đích - cũng chính là để đạt tới một mục đích cụ thể nào đó đã được đặt ra. Tuy nhiên, ngoại trừ các hành vi ma thuật chữa bệnh kiểu chữa mẹo (đau đầu, lên sởi, đau mắt đỏ…) hoặc mọc răng, lên mụn, các thao tác ma thuật liên quan tới các tình huống hoặc nghi lễ bất thường (cầu mưa, sinh nở, cưới xin, tang ma) thường là một phức hợp các hành động analog chồng lấp, liên quan đến hệ thống các hình ảnh và thao tác mang tính biểu tượng đã được gán nghĩa trong văn hóa Thái.

Ma thuật lời và cách người Thái "biến thế giới phù hợp với lời"1

Trong Quyền lực ma thuật của lời [381], Tambiah cho rằng, lời của người thực hành ma thuật là phần không thể thiếu, thậm chí là phần chủ chốt của nghi lễ và hành vi ma thuật. Tầm quan trọng của lời cũng đã được khẳng định trong các nghiên cứu trước đó về ma thuật của Malinowski ([176], [356]), Benedict [13]2, Teijeiro [388]. Với Teijeiro, trong thế giới của ma thuật, một trong những yếu tố cơ

bản là sức mạnh không thể cưỡng lại của lời, và điều quan trọng là niềm tin vào từ đúng (true word) và vào sự tồn tại của công thức hoặc lời chú trong hoạt động và tương tác tự thân với các vật thể và lực lượng tự nhiên mà chúng hướng đến. Điều Teijeiro lưu ý là "các dấu hiệu ngôn ngữ được sử dụng bởi người thực hiện ma thuật là không hề tùy tiện" [388, tr.136]. Tính chủ đích này của ngôn từ trong ma thuật được Tambiah gợi ý rằng, lời cần được diễn giải trong lớp bối cảnh ngữ nghĩa, thứ "liên quan đến kỹ thuật chuyển giao, cách thức tạo ra các phép thuật, logic lựa chọn các chất được sử dụng, cơ chế đồng bộ hóa các thiết bị ngôn ngữ với hành động phi ngôn ngữ trong một chuỗi có cấu trúc" [381, tr.188] và trong bối cảnh phức hợp của nghi lễ, thứ "khung bên ngoài" (outer frame) mà trong đó, toàn bộ hành động được tham gia thực hiện bởi các cá nhân hoặc nhóm nhằm hướng tới một mục đích cụ thể. Khung bên ngoài này của lời ma thuật cũng chính là thứ "bối cảnh tình huống" (context of situation) mà Malinowski (1965) đã gọi tên. Với Tambiah, lời được sử dụng trong các thao tác ma thuật cho thấy một nỗ lực biến thế giới phù hợp với lời, nhằm đạt tới một mục đích đã được đặt ra ngay từ đầu (và xuyên suốt) trong chuỗi


1 Cách nói của Tambiah [381, tr.188] về lời ma thuật.

2 Trong phần viết về thần chú của người Dobu.

hành vi/ nghi lễ1. Như thế, lời trong hành vi, nghi lễ ma thuật là loại lời hành động, hay hành động bằng lời, loại hành động biểu thị, hoặc cố gắng để đạt tới được mức độ hành động/ biểu thị đó. Loại hành động lời nói (thường là lời chú, khấn, lệnh) này kết hợp với hành động cơ thể hành động tác động vào vật lễ trong một môi trường được sắp xếp nhất định sẽ nhằm hướng tới việc thay đổi một trạng thái hoặc đạt một hiệu quả nào đó đã được đặt ra. Nghĩa là, luôn có sự song hành mật thiết giữa phép analog được thực hiện với lời được nói ra, nhằm xác tín/ gợi dẫn/ thuyết phục hoặc cưỡng bách cho một kết quả mong muốn.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 403 trang tài liệu này.

Soi chiếu vào ngôn ngữ ma thuật Thái, có thể nhận thấy nhiều vấn đề Tambiah đã đề cập tới có thể tìm được các minh chứng tương đồng, và đồng thời, tính bối cảnh ngữ nghĩa của ma thuật, văn hóa, đời sống Thái cũng thể hiện rất rõ nét qua phương thức sử dụng hệ thống ngôn ngữ ma thuật. Nói cách khác, không thể diễn giải đúng về hành vi, ngôn ngữ ma thuật Thái, khó có thể hình dung rõ rệt về các chiều kích văn hóa, tính mục đích và sự hợp lý của lời nếu tách chúng khỏi các lớp bối cảnh văn hóa liên quan. Tìm kiếm phương thức ma thuật lời tham gia vào quá trình tạo lập các chủ đích nhằm "biến thế giới phù hợp với lời", tôi cho rằng: 1- Cách sử dụng lời trong ma thuật luôn có tính chủ đích, và lời ma thuật Thái luôn được sử dụng trong một tổ hợp có ý nghĩa về mặt văn hóa; 2- Cách sử dụng lời trong ma thuật Thái chịu sự chi phối từ đặc tính giao tiếp trong hành vi, nghi lễ Thái, và từ nét đặc thù này, lời giúp khắc phục các giới hạn về không gian, thời gian, và sự lặp lại của một số lời giúp nhấn mạnh về kết quả cần đạt tới của hành vi, nghi lễ ma thuật; 3- Chuỗi lời ma thuật, trong sự kết hợp cùng chuỗi các hành động tương đồng đóng vai trò quan trọng trong việc chỉ ra và hiện thực hóa thứ mục đích mà hành vi, nghi lễ ma thuật hướng đến; 4- Lời ma thuật Thái là một kho lưu trữ thông tin về văn hóa Thái, là cách mà thế giới được hình dung, được truyền dạy, được người Thái 'vẽ ra' bằng lời.

Trước hết, về đặc tính giao tiếp của ma thuật Thái, các văn bản cúng và lời sử dụng trong các nghi lễ cúng của người Thái tại Sơn La cung cấp ngữ liệu cho thấy, các nghi lễ - một trong những bối cảnh có tính đặc thù của các hành vi ma thuật Thái - luôn diễn ra với phần lời liên tục, kéo dài, với nhiều chặng giao tiếp không cố định tùy thuộc mục đích của lễ và các đối tượng liên quan.

Ma thuật trong đời sống văn hóa của người Thái tỉnh Sơn La - 16


1 Tambiah xem điểm phân biệt mấu chốt giữa lời ma thuật và lời nói thông thường là: lời ma thuật biến thế giới phù hợp với lời (get the world to conform to words) và lời thông thường là dạng lời phù hợp với thế giới (get words to conform to the world) [382, tr.467].

Chẳng hạn, trong lễ xên kẻ khọk cúng trả lại vận hạn mà chủ áo bị Then khọk gieo trúng, thầy mo một phải xuất hồn qua 22 mường tâm linh1 mới lên tới đúng nơi cần đến, và ở mỗi nơi, mo đều phải đảm bảo đủ chu trình - nguyên tắc của cuộc giao tiếp: Đánh thức chủ mường tâm linh dậy

- Kể chuyện tình hình chủ áo (cũng là nói về nguyên cớ phải làm lễ cúng) - Dùng mâm lễ (mời ăn, biếu tặng vải vóc, tiền vòng/ tiền giấy) xin tìm chuộc hồn vía - Thương lượng/ thỏa thuận với phi chủ mường nơi này về việc giúp đỡ che chở chủ áo - Mời phi ngủ yên trở lại, xin được rời đi. Toàn bộ cuộc hành trình này, hình dung về các không gian tại mường tâm linh, các thao tác, những lời chuyện trò và thương lượng của mo - đều được hiển lộ bằng lời và thông qua lời.

Có thể cho rằng, giao tiếp là hình thức phổ biến và thống nhất trong các lễ cúng Thái. Dù mục đích của lễ là gì, đối tượng chính cần thương lượng là yếu tố siêu nhiên nào, cuộc giao tiếp này cũng thường diễn ra trên diện rộng. Sở dĩ vậy bởi với nghi lễ Thái, đã làm lễ là đánh thức thế giới của các phi, mâm lễ bày ra là kinh động đến thế giới của phi tại gian thờ trong nhà, tới hệ thống phi bản phi mường, tới phi tại rừng ma và các mường tâm linh khác trên không trung và trên mường trời. Và đúng theo cách người Thái nói, "có bảo có giúp, có lý có mời" (mi ban mi chói mi thoi mi mơi) - lời trở thành mấu chốt của các cuộc giao tiếp, đóng vai trò quan trọng trong việc khắc phục nhiều giới hạn nhằm đạt tới một mục đích cụ thể nào đó của ma thuật Thái. Vì đặc tính giao tiếp này, lời trở thành một thứ công cụ thiêng của thầy mo Thái, và sức mạnh ma thuật ẩn chứa trong thế giới của lời. Có thể hình dung (ít nhất) về ba tính năng của lời trong đặc tính giao tiếp này của ma thuật Thái.

Thứ nhất, lời ma thuật giúp chuyển dịch các không gian. Nơi diễn ra lễ có thể cố định tại một chỗ - tại nhà chủ áo, tại gian thờ trong nhà mo, tại rừng ma (trong lễ tang và lễ đóng cửa mả), tại rừng cửa áo (đông tu sửa, trong lễ xên bản xên mường), tại bờ suối (trong lễ cầu mưa)…, nhưng cuộc giao tiếp thì diễn ra liên tục, theo nhiều chặng, tại các mường tâm linh khác nhau (các không gian đã được kiến tạo trong hệ thống vũ trụ luận Thái). Mo có thể xuất hồn, cùng đội quân hồn đi đến các nơi hoặc điều khiển các lực lượng siêu nhiên hỗ trợ mình đi đến các không gian; cũng đôi khi, mo ngồi tại chỗ, mời các phi về dự lễ. Trong bối cảnh này, lời trở thành một phương tiện hữu hiệu, một sự lựa chọn phù hợp giúp cho việc chuyển

1 Các thông tin trong bài cúng cho biết, khi bị bụi hạn của Then gieo trúng, người sinh ốm đau, mất ngủ, làm gì cũng không được không nên, và đây cũng chính là quãng thời gian mà hồn vía trong cơ thể dần rời bỏ, lang thang lạc tới các mường khác nhau. Vì thế, để trả lại bụi hạn cho Then cũng là gom tìm hồn vía về lại để sinh thể khỏe mạnh như bình thường.

dịch về không gian diễn ra hiệu quả và nhanh chóng. Lời trở thành một thứ phương tiện ma thuật mà theo đó, mo xác lập các không gian hồn tới, chuyển đổi các bối cảnh, xác lập các thao tác hành vi, đồ lễ và nội dung hát xướng liên quan. Nhờ lời và theo lời, các mục đích của lễ mới có thể được thực hiện và có cơ hội được xem là thành toàn.

Thứ hai, lời ma thuật giúp vượt qua các giới hạn về mặt thời gian, hướng tới những mục đích cụ thể trong từng chặng của nghi lễ Thái. Thời gian của quá khứ, thời gian trong tương lai đan cài với hiện tại, biến không gian cụ thể nơi tiến hành lễ trở thành một không gian ma thuật mà trong đó, việc đạt tới một mục đích cụ thể trở nên dễ dàng hơn. Điều này thể hiện rõ trong trường đoạn thầy mo một hát bài hát giao duyên cho ma tình yêu nghe trong lễ cúng phi chuông. Lời giúp vượt thoát các giới hạn, tái hiện quãng thời gian trong quá khứ, thành hình thức ma thuật tâm lý, cởi bỏ ẩn ức cho mối tình bất thành của lứa đôi. Các tiết đoạn thời gian trong cuộc đời của một con người cũng được tái hiện lại thông qua trường đoạn lời ở phần Táy ón óc (Kể chuyện đời người) trong tang ma. Không gian tang lễ trong ngôi nhà sàn được "sử thi hóa", với lời hát xướng của mo tiễn hồn quay ngược lại thời gian để kể chuyện đời người. Thông qua thế giới của lời, dằng dặc quá khứ được đặt để ngay trong hiện tại.

Thứ ba, tính mục đích tình huống dẫn tới đặc trưng về đa giọng điệu sự lặp lại của lời trong ma thuật Thái. Với đặc trưng giao tiếp nổi bật, nghi lễ Thái luôn tính đến yếu tố rủi ro của cuộc giao tiếp, với nguy cơ về sự thất bại trong quá trình thương lượng của mo (với các phi). Chính vì thế, phương thức sử dụng lời với sự thay đổi trong các giọng, từ tâm tình, thủ thỉ, khuyên nhủ (thường sử dụng khi nói với ma hồn và ma tổ tiên) đến thương thuyết, thương lượng (thường dùng với các phi trong tự nhiên, thần bản mường), thậm chí giao kèo, đe dọa (đặc biệt với các loại ma dữ) và sự lặp lại của một số lời, được xem là nhằm xác tín thêm cho hiệu quả của cuộc giao tiếp, cũng như giảm thiểu rủi ro của sự thất bại này. Điều đặc biệt còn nằm ở chỗ, việc sử dụng các giọng giao tiếp này là rất linh hoạt và có tính tùy biến. Lời thủ thỉ với ma hồn (phi khuân) có thể biến thành lời đe dọa về các nguy cơ xảy đến (bị ma dữ bắt, bị đói rét) nếu hồn mải chơi, lang thang rời bỏ chủ áo.

Sự lặp lại của lời thể hiện trong lời của các nghi lễ - như một thủ pháp để tạo hiệu quả ma thuật. Lặp đi lặp lại một cụm từ trong các mục đích cụ thể của từng chặng lễ, như khi mo thể hiện uy quyền1, khi muốn hộ thân, khi muốn dặn các ma tổ



1 Mo nói: "Ta đây là con của chủ trời/ Là con út của phi Then".

tiên không được về khi chưa gọi mời, nhấn mạnh khi cam kết, giao kèo với phi, khi căn dặn hồn vía người,... Công thức lời ma thuật thường thấy còn ở cụm "Ộm! Xốp cù dằm, Quam cù khớt/ Ộm cù dằm"1. Ngôn từ công thức lặp đi lặp lại, kết hợp hành động phù, thổi, chém,… kiến tạo nên tính thiêng và uy lực cho thầy mo và hành động nghi lễ, với một mục đích hướng đến là làm cho phi sợ. Đây có thể được xem là một dạng công thức ngôn từ để thiêng hóa mọi thứ liên quan đến nghi lễ (Về

các ngữ liệu minh chứng cho các tính năng này của lời ma thuật Thái, xin xem Phụ lục 11. Lời trong một số hành vi, nghi lễ ma thuật Thái).

Thêm vào đó, lời ma thuật Thái thường được đi kèm các hành động, mang lại các chú giải về nghĩa cho hành động, hình thành nên chuỗi lời cùng chuỗi hành động tương đồng nhằm đạt tới tính mục đích cụ thể cho hành vi. Chẳng hạn, trong lễ cúng ma tình yêu (xên chuông) có tiết đoạn rất quan trọng: chém dê. Sự xuất hiện của con vật này được giải thích bằng lời rằng, ma tình yêu trên mường trời: "Đòi lấy sơn dương sừng dài/ Dê đực khoang to về thay người tình" [37, tr.151]. Coi việc bị ma tình yêu bám theo là một vận hạn trong đời, người ốm được đưa xuống ngồi dưới sân, tay cầm theo dây khớ tượng trưng cho dây số mệnh của mình. Vì người đang lúc ốm đau vận hạn nên dây được xem là đang rối, xấu. Dây được nối từ tay chủ áo sang tới sừng dê, và sau khi mo hát lời giao kèo, ăn thề với ma chuông trước lúc giao nộp: "Hãy cùng nhau cắt cổ gà lấy máu/ Ta cùng nhau ăn thề/ Mười năm thành người khác/ Trăm năm thành người lạ/ Gặp nhau ở đường gộp không được ngoái nhìn/ Gặp nhau ở chốn đông người không được đến hỏi" [37, tr.160], mo dùng kiếm chém sợi dây vận hạn rồi thu dây cuộn vào sừng dê. Lời hát xướng tiếp tục giải thích: "Một ta chém sơn dương không báo trời/ Giết dê đực khoang không báo Then/ Then lớn bảo ta chém, ta chém/ Chủ trời bảo ta giết, ta giết" [37, tr.162], và kèm theo đó là hành động chém cổ dê, cũng là chính thức giao nộp dê cho ma chuông. Không dừng lại ở đó, để đuổi chuông đi sau khi đã cam kết, mo dùng dao nung đỏ, gí vào bát nước cho kêu xèo xèo, bốc khói lên rồi hát xướng: "Ma có rời thì rời/ Không ra phìa lao sẽ đốt/ Không rời phìa lao sẽ chém". Lời "Khi lên ma đi đường cửa sổ/ Mo đuổi ma đi theo lỗ giát/ Đi đi…" [37, tr.165] được nối theo cùng hành động mo ném dao đuổi theo hướng lỗ giát, dùng 3 ngọn lá nát trị ma nhúng vào bát nước đến phủi, rũ cái xấu, cái hạn cho người ốm. Sau khi hát xướng để giải đi cái hạn cái ốm, cái đau cái xấu của chủ áo vào chiếc bè mang thả suối trả lại cho


1 Dăm/ dằm có 3 nghĩa: 1. Cất giấu, 2. Có công hiệu, 3. Thiêng liêng. : tôi/ tao. Ộm! Thiêng. Ộm cù dằm Ộm! tôi làm thiêng, tôi cất giấu, tôi có công hiệu - thể hiện sức mạnh của mo trong việc dọa ma. Ộm khớt/ Ộm dằm/ Ộm! Xốp cù dằm, Koãm cù khớt - miệng ta thiêng, lời ta linh nghiệm.

Then khọk trên mường trời, mo ném cái bát qua xà nhà để xem sứt mẻ, lành vỡ, cũng là để bói xem sau lễ, tình trạng của chủ áo sẽ ra sao: "Bát lành lặn không vỡ/ Báo cho biết tốt lành/ Bát sứt mẻ nằm úp/ Chưa trọn vẹn niềm vui" [37, tr.171-172]. Lời, như thế, đóng vai trò quan trọng trong việc chỉ ra hiện thực hóa thứ mục đích mà hành vi, nghi lễ ma thuật hướng đến.

Ở một phương diện khác, lời ma thuật còn là một kho lưu trữ thông tin văn hóa Thái. Những nghiên cứu về ngôn ngữ ma thuật chỉ ra một vấn đề nổi bật về phương thức mà thế giới thực được tạo dựng trong các nghi lễ thông qua lời. Nói theo cách của Tambiah [381], lời ma thuật cho thấy thứ thực tại phong phú của đời sống Thái, và ma thuật lời chính là sự "cho vay hiện thực vào nghi thức", hình thành nên "ngân hàng kí ức" (memory bank) hay kho lưu trữ (store of information) thông tin văn hóa Thái. Trên thực tế, các nghi lễ ma thuật Thái (lễ mừng nhà mới, lễ cưới, lễ tiễn hồn,..) chính là một phương tiện lưu trữ văn hóa bằng và qua ngôn ngữ. Toàn bộ tri thức và các hành động liên quan đến việc dựng nhà (bói tìm đất, tìm cây, đốn cây, dựng cột, bùa của lúng ta trên cột chủ xau hẹ, cách đặt bếp, trải chăn đệm cho chủ nhà,...), chuyện hôn nhân (cách tìm vợ chọn chồng, thủ tục, nghi lễ cưới xin, tổ chức đời sống gia đình về vật chất, tinh thần,...), trong tang ma (cách tạo dựng cuộc sống trong đời một người, cách lao động, các công cụ vật chất cần thiết và những việc cần làm trong đời,...) được tái hiện trong thế giới của lời nghi lễ, được mo hát kể nhiều giờ trong sự tham gia của một nhóm hoặc cả cộng đồng. Cả một hệ thống tri thức Thái trên nhiều phương diện được truyền tải và lưu giữ bằng lời và thông qua lời. Điều đặc biệt về lời trong các nghi lễ ma thuật Thái còn nằm ở chỗ, các nguy cơ, những điều xấu có thể xảy ra trong tương lai sẽ được nói thẳng trong lễ, với mục đích chỉ dẫn và ngăn chặn. Vì thế, không ngạc nhiên khi trong lễ mừng gia chủ lên nhà mới, thầy mo cúng có câu: [các phi phù trợ để] "Con gái trong nhà khỏi chết khi nằm ngửa/ Con trai trong nhà khỏi chết tắm trong vũng máu" [274, tr.471]. Hay trong nghi lễ hôn nhân, lời cúng của thầy mo Thái có đoạn: [các phi tổ tiên ăn rồi phù trợ cho đôi vợ chồng] "thành đôi vịt không mất con nào, thành đôi chồng đôi vợ

không bị mất một ai cả, nuôi con cả không có bệnh, nuôi con út không có tật gì"1

(xem Phụ lục 16. Lễ ăn hỏi và lễ cưới). Lời ma thuật trở thành một kênh thông tin hữu ích giúp trao truyền, nhận diện thế giới và đời sống Thái, giúp con người hình dung và chuẩn bị tâm thế về các biến cố rất có thể sẽ xảy đến trong đời.


1 Tư liệu điền dã tại Bắc Yên, 09/12/2018.

Tiểu kết Chương 3


Trong Chương 3, luận án phân tích các thực hành ma thuật Thái trong tương tác với hệ thống phi, từ việc bói toán (bói áo, bói trứng, bói que, bói nến) nhằm xác định bất thường đến những hành vi, nghi lễ để xử lý, chế ngự phi (gia cố, gắn kết hồn, tiễn ma hồn, các phép thổi, chém, trị các loại phi dữ). Những minh chứng cho thấy, ma thuật Thái không phải là các hành vi bất thường, đặc biệt theo kiểu 'làm phép' nhằm hướng tới các kết quả kì diệu, khác thường. Các hành vi ma thuật với định danh sửa hồn (pành khuần), làm vía (phúc khuần), trừ ma (hệt phi)… là gần gũi và quen thuộc, cần thiết và hữu ích, xuất hiện đan xen với các hoạt động thường ngày trong cuộc sống của con người và diễn ra trong nhiều khía cạnh của đời sống Thái. Luôn hướng đến đối tượng phi cụ thể, tùy theo các thuộc tính đã được kiến tạo về phi, hành vi và nghi lễ ma thuật Thái là một hệ thống các thao tác được quy chuẩn hóa với logic nội tại về mặt văn hóa, gắn với hệ thống các biểu tượng đã được kiến tạo, được gán nghĩa trong hệ thống vũ trụ quan Thái. Trong các thực hành ma thuật, nổi bật lên vai trò của phép tương tự (analog) thiên về thuyết phục, gợi dẫn; vai trò của Lời (lời chú, lời cúng, khấn) nhằm buộc các phi (thần, ma, hồn) phải hành xử theo những cách mà con người mong muốn.

Ma thuật, như thế, được người Thái sử dụng như một phương tiện tương tác nhằm điều hòa, giảm nhẹ, tác động vào hệ thống phi theo chiều hướng có lợi cho con người. Đặt trong hệ thống vũ trụ quan Thái, có thể xem ma thuật là sự lựa chọn hợp lý duy nhất để con người có thể tác động tới thế giới của hư vô.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 13/09/2023